- Lời Giới Thiệu của Đức Đạt-Lai Lạt- Ma thứ 14
- Lời Mở Đầu của Bhikkhu Bodhi
- Lời Giới Thiệu của Người Dịch
- Giới Thiệu Tổng Quát
- I. THÂN PHẬN CON NGƯỜI
- II. NGƯỜI MANG LẠI ÁNH SÁNG
- III. TIẾP CẬN GIÁO PHÁP
- IV. HẠNH PHÚC THẤY RÕ NGAY TRONG ĐỜI SỐNG HIỆN TẠI
- V. CON ĐƯỜNG ĐƯA ĐẾN TÁI SINH TỐT ĐẸP
- VI. TẦM NHÌN THÂM SÂU VỀ THẾ GIỚI
- VII. CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT
- VIII. TU TẬP TÂM
VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM
HỢP TUYỂN LỜI PHẬT DẠY
TỪ KINH TẠNG PALI
In The Buddha’s Words
An Anthology of Discourses from the Pali Canon
By
BHIKKHU BODHI
Wisdom Publications – 2005
Việt dịch : Nguyên Nhật Trần Như Mai
NHÀ XUẤT BẢN HỒNG ĐỨC 2015
II
NGƯỜI MANG LẠI ÁNH SÁNG
4. QUYẾT ĐỊNH THUYẾT PHÁP
19. Rồi ta suy nghĩ như sau : “ Pháp này do ta chứng đắc thật thâm sâu, khó thấy, khó hiểu, an tịnh và siêu phàm, không thể đạt được bằng lý luận suông, tế nhị, chỉ người trí mới trải nghiệm được. Nhưng chúng sanh đời này ham thích ái dục, vui thú trong ái dục, khoái lạc hưởng thụ ái dục (24). Thật khó cho chúng sanh đời này thấy được chân lý này, đó là, tính nhân duyên đặc thù, Lý Duyên khởi. Và thật khó thấy được chân lý này, đó là, sự tịnh chỉ tất cả các hành, từ bỏ mọi sanh y, diệt trừ ái dục, ly tham, đoạn diệt, Niết Bàn. (25). Nếu ta thuyết giảng Giáo pháp này, người khác sẽ không hiểu ta, như vậy thật phiền phức cho ta ’. Rồi những câu kệ này trước đây chưa từng nghe đã tự nhiên khởi lên trong ta :
Thôi đủ rồi việc giảng dạy Giáo Pháp,
Mà chính ta cũng thấy khó đạt,
Những người sống với tham sân,
Làm sao thấu hiểu được ?
Những kẻ đắm mình trong tham ái vô minh,
Sẽ không bao giờ hiểu được,
Pháp này đi ngược dòng đời,
Tế nhị, thâm sâu, khó thấy.
Suy nghĩ như vậy, tâm ta hướng đến vô vi bất động chứ không nghĩ đến việc giảng dạy Giáo pháp. (26).
20. - Này các Tỷ kheo, lúc dó Phạm thiên Sahampati với tâm mình thấu hiểu được tâm tư của ta liền nghĩ rằng:’ Thế giới này sẽ bơ vơ lạc lõng, thế giới này sẽ tiêu diệt, vì tâm của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác hướng đến vô vi bất động hơn là nghĩ đến việc giảng dạy Giáo pháp ’. Rồi, nhanh như một lực sĩ duỗi cánh tay đang co, hay co lại cánh tay đang duỗi, Phạm thiên Sahampati biến mất từ thế giới Phạm thiên và hiện ra trước mặt ta. Vị Phạm thiên đắp thượng y lên một bên vai, chắp tay đảnh lễ ta và bạch rằng:’’ Bạch Thế Tôn, hãy thuyết pháp, bạch Thiện Thệ hãy thuyết pháp. Có những chúng sanh chỉ còn vướng chút ít bụi trần sẽ bị thiệt hại nếu không được nghe Giáo pháp. Sẽ có những chúng sanh có thể hiểu được Giáo pháp’. Vị Phạm thiên Sahampati nói như vậy, và rồi nói thêm bài kệ như sau :
Tại Magadha cho đến bây giờ vẫn có,
Các pháp bất tịnh do những kẻ tâm còn cấu uế tạo ra.
Xin hãy mở cánh cửa Bất tử! Hãy cho họ nghe Pháp
Của bậc Thanh tịnh đã chứng đắc
‘Như người đứng trên đỉnh núi,
Có thể thấy hết mọi người chung quanh,
Bởi vậy, hỡi bậc đại trí, bậc thánh- thấy- cùng- khắp,
Xin hãy bước lên lâu đài Chánh pháp,
Hãy để bậc Thoát Ly Sầu Muộn,
Nhìn xuống đám chúng sanh này,
Đang ngập chìm trong khổ não,
Bị sanh già chi phối.
Xin hãy đứng lên, bậc anh hùng chiến thắng,
Vị lãnh đạo đám lữ hành,
Bậc rủ sạch nợ nần, hãy đi khắp thế giới,
Xin Thê Tôn hãy giảng dạy Giáo pháp,
Sẽ có những người nghe thấu hiểu.
21. Rồi ta lắng nghe lời thỉnh cầu của vị Phạm thiên, và vì lòng từ bi đối với chúng sanh, ta nhìn quanh thế giới với Phật nhãn, ta thấy có chúng sanh còn nhiễm chút ít bụi trần và có chúng sanh nhiễm rất nhiều bụi trần, có hạng người căn tánh lanh lợi, có hạng căn tánh ám độn, có hạng thiện lành, có hạng xấu ác, có hạng dễ dạy, có hạng khó dạy, và một số người suy nghĩ về sự sợ hãi và nguy hiểm ở thế giới khác. Cũng giống như trong một hồ sen xanh, đỏ hay trắng, một vài hoa sen sanh ra và lớn lên dưới nước, phát triển dưới nước, không vươn lên khỏi mặt nước ; một số hoa sen khác sanh ra và lớn lên dưới nước, vươn lên tới mặt nước ; và một số hoa sen khác sanh ra và lớn lên dưới nước, vươn lên khỏi mặt nước và đứng thẳng trong sạnh, không bị thấm nước. Cũng vậy, khi ta nhìn quanh thế giới với Phật nhãn, ta thấy có chúng sanh còn nhiễm chút ít bụi trần và có chúng sanh nhiễm rất nhiều bụi trần , có hạng người căn tánh lanh lợi, có hạng căn tánh ám độn, có hạng thiện lành, có hạng xấu ác, có hạng dễ dạy, có hạng khó dạy, và một số người suy nghĩ về sự sợ hãi và nguy hiểm ở thế giới khác. Rồi ta nói bài kệ này để trả lời Phạm thiên Sahampati :
Nay cửa Bất tử rộng mở cho mọi người,
Để những ai muốn nghe bây giờ hãy chứng tỏ lòng tin.
Hỡi Phạm thiên, nghĩ rằng điều ấy sẽ phiền toái,
Nên ta đã không muốn giảng Giáo pháp vi diệu và siêu phàm
Rồi Phạm thiên Sahampati suy nghĩ : « Thế Tôn đã chấp nhận lời thỉnh cầu của ta rằng Ngài sẽ giảng dạy Giáo pháp. » Và sau khi đảnh lễ ta, thân phía tay phải hướng về ta, Phạm thiên biến mất ngay.
22. Ta suy nghĩ : « Ta sẽ giảng Giáo pháp cho ai trước tiên ? Ai sẽ hiểu Giáo pháp này thật nhanh ? » Rồi ý nghĩ này khởi lên trong ta : « Ālāra Kālāma là bậc có trí tuệ, thông minh, sáng suốt, đã từ lâu chỉ còn chút ít bụi trần. Giả sử ta thuyết pháp cho Ālāra Kālāma đầu tiên, ông ta sẽ hiểu ngay » . Rồi chư Thiên đến bên ta và nói : « Bạch Thế Tôn, Ālāra Kālāma đã mệnh chung bảy ngày rồi » .Và tri kiến này khởi lên trong ta : « Ālāra Kālāma đã mệnh chung bảy ngày rồi » . Ta nghĩ : « Đây là một thiệt hại lớn cho Ālāra Kālāma . Nếu được nghe Pháp này, ông ấy sẽ hiểu rất nhanh. »
23. Rồi ta suy nghĩ : « Ta sẽ giảng Giáo pháp cho ai trước tiên ? Ai sẽ hiểu Giáo Pháp này thật nhanh ? » . Rồi ý nghĩ này khởi lên trong ta : « Uddaka Rāmaputta là bậc có trí tuệ, thông minh, sáng suốt, đã từ lâu chỉ còn chút ít bụi trần. Giả sử ta thuyết pháp cho Uddaka Rāmaputta đầu tiên, ông ta sẽ hiểu ngay » . Rồi chư Thiên đến bên ta và nói : « Bạch Thế Tôn, Uddaka Rāmaputta đã mệnh chung đêm hôm qua » . Và tri kiến này khởi lên trong ta :’ « Uddaka Rāmaputta đã mệnh đêm hôm qua » . Ta nghĩ : « Đây là một thiệt hại lớn cho Uddaka Rāmaputta . Nếu được nghe Pháp này, ông ấy sẽ hiểu rất nhanh. »
24. Ta suy nghĩ : « Ta sẽ giảng Giáo Pháp cho ai trước tiên ? Ai sẽ hiểu Giáo pháp này thật nhanh ? » . Rồi ý nghĩ này khởi lên trong ta : « Nhóm năm Tỷ kheo đã phục vụ ta khi ta đang nỗ lực tu tập, nhóm này rất hữu ích (27). Vậy ta hãy thuyết pháp cho nhóm này đầu tiên » . Rồi ta nghĩ : « Bây giờ nhóm năm Tỷ kheo này đang ở đâu ? » . Và với thiên nhãn thanh tịnh siêu phàm, ta thấy họ đang ở Ba-la-nại (Bārāṇasi) gần Lộc Uyển thuộc Isipatana.
25. Này các Tỷ kheo, sau khi đã ở tại Uruvelā trong một thời gian như đã định, ta lên đường đi đến Ba-la-nại. Khi ta đang đi giữa Gayā và Bodhi, một người ngoại đạo là Ājivaka Upaka thấy ta trên đường và nói : ‘Này hiền giả, các căn của hiền giả thật quang minh, màu da của hiền giả thật thanh tịnh và tươi sáng. Vì mục đích gì hiền giả đã xuất gia ? Ai là bậc đạo sư của hiền giả ? Hiền giả thọ trì Pháp của ai ?’ Ta trả lời Ājivaka Upaka bằng bài kệ như sau :
Ta là bậc đã vượt lên tất cả, là bậc biết tất cả,
Không ô nhiễm giữa các pháp, đã xả ly tất cả,
Đoạn tận mọi khát ái. Ta tự giácngộ tất cả các pháp này,
Ta còn phải chỉ ai là bậc thầy ?
Ta không có Đạo sư, và bậc như ta,
Không thể tìm thấy trong khắp thế giới này
Giữa tất cả Trời và Người,
Không có ai ngang hàng với ta.
Vì ta là bậc A-la-hán trong thế giới này,
Ta là bậc Đạo sư vô thượng,
Một mình ta là bậc Chánh Đẳng Giác,
Đã dập tắt mọi ngọn lửa.
Bây giờ ta đi đến thành Kāsi,
Để chuyển bánh xe Pháp,
Trong thế giới mù lòa,
Ta sẽ gióng lên tiếng trống Bất tử.
- Này hiền giả, theo như lời tuyên bố của hiền giả, thì hiền giả phải là bậc chiến thắng của thế giới này » (28).
- Những bậc chiến thắng là những vị giống ta,
Những vị đã diệt trừ mọi lậu hoặc,
Ta đã nhiếp phục mọi ác pháp,
Vì thế, Upaka, ta là bậc chiến thắng.
Khi ta nói những lời này xong, Ājivaka Upaka nói : “Này hiền giả, cầu mong mọi việc sẽ như vậy ”. Rồi Upaka lắc đầu và ra đi bằng con đường khác.
26. - Này các Tỷ kheo, rồi ta tiếp tục đi từng chặng đường, cuối cùng ta đi đến Ba-la-nại, vườn Lộc Uyển ở Isipatana, và ta đi đến chỗ năm Tỷ kheo. Nhóm năm Tỷ kheo thấy ta từ đằng xa đi đến, họ bàn bạc và thỏa thuận với nhau rằng : “Này các hiền giả, nay Sa-môn Gotama đang đi đến, vị này đã sống sung túc, đã từ bỏ nỗ lực khổ hạnh và trở lại lối sống sung túc. Chúng ta không nên đảnh lễ vị này, hay đứng dậy chào hay nhận y bát. Nhưng chúng ta có thể sắp đặt một chỗ ngồi. Nếu vị này muốn, thì có thể ngồi xuống”. Tuy nhiên, khi ta đến gần, năm vị Tỷ kheo này thấy rằng họ không thể giữ đúng những điều đã thỏa thuận với nhau. Một vị đến đón ta và cầm y bát, một vị khác sắp đặt chỗ ngồi, một vị khác nữa đem nước rửa chân đến, tuy nhiên họ gọi ta bằng tên và danh xưng là ‘ hiền giả ’. (29)
27. Khi nghe như vậy, ta nói với họ : “Này các Tỷ kheo, đừng gọi Như Lai bằng tên hay ‘hiền giả ’. Như Lai là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Này các Tỷ kheo, hãy lắng nghe, ta đã chứng đắc Pháp Bất tử. Ta sẽ hướng dẫn, ta sẽ thuyết giảng Giáo pháp cho các ngươi. Hãy thực hành đúng theo lời ta hướng dẫn, bằng cách tự tri, tự chứng ngay bây giờ và ở đây, rồi chẳng bao các ngươi sẽ đi vào và an trú trong mục đích tối thượng của đời sống phạm hạnh như những thiện nam tử xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình ».
Khi nghe ta nói như vậy, nhóm năm Tỷ kheo trả lời như sau : « Hiền giả Gotama, với nếp sống, với đường lối tu tập, và với việc hành trì khổ hạnh mà hiền giả đã thực hiện, hiền giả đã không chứng đạt được Pháp siêu việt thế gian nào về tri kiến và pháp nhãn xứng đáng của bậc Thánh. Nay thì hiền giả đã trở lại sống đầy đủ vật chất, đã từ bỏ nỗ lực tinh cần khổ hạnh, làm sao hiền giả có thể chứng đạt được pháp siêu việt thế gian về tri kiến và pháp nhãn xứng đáng của bậc thánh ? » . Khi nghe họ nói như vậy, ta nói với họ rằng : « Như Lai không sống sung túc, và cũng không từ bỏ nỗ lực tinh cần và trở lại sống sung túc. Như Lai là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Này các Tỷ kheo, hãy lắng nghe, ta đã chứng đắc Pháp Bất tử …., từ bỏ gia đình, sống không gia đình » .
Lần thứ hai, nhóm năm Tỷ kheo nói với ta : « Này hiền giả Gotama….làm sao hiền giả có thể chứng đạt được pháp siêu việt thế gian về tri kiến và pháp nhãn xứng đáng của bậc thánh ?’ Lần thứ hai, ta nói với họ :’ Như Lai không sống sung túc… từ bỏ gia đình, sống không gia đình ’. Lần thứ ba nhóm năm Tỷ kheo nói với ta :’ Này hiền giả Gotama….làm sao hiền giả có thể chứng đạt được pháp siêu việt thế gian về tri kiến và pháp nhãn xứng đáng của bậc thánh ? »
28. « Khi nhóm năm Tỷ kheo nói như vậy, ta hỏi họ :
- Này các Tỷ kheo, trước đây các ngươi đã từng nghe ta nói như vậy chưa ?
- Bạch ngài, chưa bao giờ. ’(30)
- Này các Tỷ kheo, Như Lai là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Này các Tỷ kheo, hãy lắng nghe, ta đã chứng đắc Pháp Bất tử. Ta sẽ hướng dẫn, ta sẽ thuyết giảng Giáo pháp cho các ngươi. Hãy thực hành đúng theo lời ta hướng dẫn, bằng cách tự tri, tự chứng ngay bây giờ và ở đây, rồi chẳng bao các ngươi sẽ đi vào và an trú trong mục đích tối thượng của đời sống phạm hạnh như những thiện nam tử xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình .
29. Ta đã có thể thuyết phục được nhóm năm Tỷ kheo.(31) . Rồi đôi lúc ta giảng dạy hai Tỷ kheo trong lúc ba vị kia đi khất thực, và cả sáu người chúng ta sống bằng những gì ba vị Tỷ kheo kia đi khất thực mang về. Đôi lúc ta giảng dạy ba Tỷ kheo trong lúc hai vị kia đi khất thực, và cả sáu người chúng ta sống bằng những gì hai vị Tỷ kheo ấy đi khất thực mang về.
30. Rồi nhóm năm Tỷ kheo, sau khi được ta hướng dẫn và giảng dạy, từ chỗ chính họ phải chịu bị sanh, hiểu được sự nguy hiểm của những gì bị sanh, tìm cầu sự an ổn vô thượng, thoát khỏi mọi khổ ách của cái không sanh, là Niết Bàn ; từ chỗ tự mình phải chịu già, bệnh, chết, sầu bi và phiền não, tìm cầu cái không già, không bệnh, không chết, không sầu bi, không phiền não, an ổn vô thượng thoát khỏi mọi khổ ách, là Niết Bàn ; họ chứng được trạng thái không già, không bệnh, không chết, không sầu bi, không phiền não, an ổn vô thượng thoát khỏi mọi khổ ách, đó là Niết bàn. Họ khởi lên tri kiến và pháp nhãn này : « Sự giải thoát của chúng ta là không gì lay chuyển được ; đây là đời sống cuối cùng của chúng ta ; nay chúng ta không còn tái sanh nữa. » .
(Trung BK I, Kinh số 26 :Kinh Thánh Cầu, tr. 374-387 )