- Lời Giới Thiệu của Đức Đạt-Lai Lạt- Ma thứ 14
- Lời Mở Đầu của Bhikkhu Bodhi
- Lời Giới Thiệu của Người Dịch
- Giới Thiệu Tổng Quát
- I. THÂN PHẬN CON NGƯỜI
- II. NGƯỜI MANG LẠI ÁNH SÁNG
- III. TIẾP CẬN GIÁO PHÁP
- IV. HẠNH PHÚC THẤY RÕ NGAY TRONG ĐỜI SỐNG HIỆN TẠI
- V. CON ĐƯỜNG ĐƯA ĐẾN TÁI SINH TỐT ĐẸP
- VI. TẦM NHÌN THÂM SÂU VỀ THẾ GIỚI
- VII. CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT
- VIII. TU TẬP TÂM
VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM
HỢP TUYỂN LỜI PHẬT DẠY
TỪ KINH TẠNG PALI
In The Buddha’s Words
An Anthology of Discourses from the Pali Canon
By
BHIKKHU BODHI
Wisdom Publications – 2005
Việt dịch : Nguyên Nhật Trần Như Mai
NHÀ XUẤT BẢN HỒNG ĐỨC 2015
III
TIẾP CẬN GIÁO PHÁP
5. NHỮNG BƯỚC TIẾN ĐẾN GIÁC NGỘ CHÂN LÝ
10. Rồi người Bà-la-môn Canki (18), cùng với đại chúng Bà-la-môn, đi đến Thế Tôn, trao đổi những lởi chào hỏi với Ngài,và ngồi xuống một bên.
11. Lúc bấy giờ, Thế Tôn đang ngồi và vừa chấm dứt cuộc đàm đạo thân hữu với các Bà-la-môn trưởng thượng. Lúc đó, có một thanh niên Bà-la-môn tên là Kāpathika đang ngồi trong hội chúng. Đây là một thanh niên mười sáu tuổi, cạo trọc đầu, anh ta nắm vững ba tập Kinh Vệ Đà với tất cả từ ngữ, nghi lễ, ngữ âm và từ nguyên, và các môn lịch sử như là kỹ năng thứ năm, thông hiểu ngữ học và văn phạm, hoàn toàn thành thạo Triết học tự nhiên và có tất cả dấu hiệu của một bậc đại nhân. Trong lúc các vị Bà-la-môn trưởng thượng đang đàm đạo với Thế Tôn, thanh niên này nhiều lần xen vào ngắt ngang cuộc đàm luận. Rồi Thế Tôn khiển trách thanh niên Kāpathika như sau : “Hiền giả Bhāradvāja (19) không nên xen vào và ngắt ngang câu chuyện của những vị Bà-la-môn trưởng thượng trong lúc các vị ấy đang nói chuyện như thế. Hiền giả phải chờ đến khi các vị ấy chấm dứt câu chuyện.”
Khi nghe nói như vậy, người Bà-la-môn Canki bạch Thế Tôn:“ Tôn giả Gotama không nên khiển trách thanh niên Kāpathika. Thanh niên này là bậc đa văn; là một người thuộc dòng giống cao sang; là một nhà thông thái. Anh ấy có thể tham gia rất tốt vào cuộc đàm luận với Tôn giả Gotama.”
12. Thế Tôn nghĩ như sau: “Vì những người Bà-la-môn tôn trọng anh ta như vậy, chắc hẳn thanh niên Bà-la-môn Kāpathika phải thông thạo kinh điển trong ba tập Vệ Đà”.
Và thanh niên Bà-la-môn Kāpathika nghĩ : “Khi nào Sa môn Gotama nhìn vào mắt ta, ta sẽ hỏi Ngài một câu.”
Rồi, tâm của Thế Tôn đã biết được ý nghĩ của thanh niên Bà-la-môn Kāpathika, Ngài đưa mắt nhìn chàng thanh niên. Thanh niên Bà-la-môn Kāpathika suy nghĩ : ‘Sa môn Gotama đã đưa mắt nhìn ta, vậy ta sẽ hỏi Ngài một câu’.. Rồi thanh niên này bạch Thế Tôn:
- Thưa Tôn giả Gotama, đối với những bài thánh ca xưa cổ của Bà-la-môn được truyền tụng qua truyền khẩu, được lưu giữ trong các bộ sưu tập Thánh tạng, các vị Bà-la-môn đã đi đến kết luận chắc chắn rằng:‘Chỉ ở đây mới là sự thật, tất cả những gì khác đều là sai lầm’. Tôn giả Gotama nói gì về vấn đề này ?
13. - Vậy thì, này Bhāradvāja, giữa các vị Bà-la-môn, có một vị nào đã từng nói như thế này: ‘Tôi biết việc này, tôi thấy việc này: chỉ có đây mới là sự thật, tất cả những gì khác đều là sai lầm?’.
– Thưa không, Tôn giả Gotama.
- Vậy thì, này Bhāradvāja, trong số những vị Bà-la-môn, có một vị thầy nào, hay là sư phụ của vị thầy, cho đến bảy đời sư phụ về trước, có nói như thế này: ‘Tôi biết việc này, tôi thấy việc này: chỉ có đây mới là sự thật, tất cả những gì khác đều là sai lầm?’.”
- Thưa không, Tôn giả Gotama.
- Vậy thì, này Bhāradvāja, những vị tiên tri Bà-la-môn cổ xưa, những người sáng tạo các bài thánh ca, những tác giả của các bài thánh ca, những người mà các bài thánh ca đã được tán tụng và sưu tập trước đây, những người Bà-la-môn ngày nay vẫn còn tán tụng, lặp đi lặp lại những gì đã được đọc, và ca ngâm những gì đã được ca ngâm, như là: Aṭṭhaka, Vāmaka, Vāmadeva, Vessāmitta, Yamataggi, Angrirasa, Bhāradvaja, Vāseṭṭha, Kassapa, va Bhagu (20) . Các vị Bà-la-môn cổ xưa ấy có bao giờ đã nói như thế này : ‘ Chúng tôi biết việc này, tôi thấy việc này: chỉ có đây mới là sự thật, tất cả những gì khác đều là sai lầm?’.
– Thưa không, Tôn giả Gotama.
- Như vậy, này Bhāradvāja, hình như không có một vị Bà-la-môn nào trong số các vị Bà-la-môn ấy nói rằng : ‘Tôi biết việc này, tôi thấy việc này: chỉ có đây mới là sự thật, tất cả những gì khác đều là sai lầm?’. Và trong số các vị Bà-la-môn, không có một vị thầy nào, hay là sư phụ của vị thầy, cho đến bảy đời sư phụ về trước, có nói như thế này: ‘Tôi biết việc này, tôi thấy việc này: chỉ có đây mới là sự thật, tất cả những gì khác đều là sai lầm?’. Và những vị tiên tri Bà-la-môn cổ xưa, những người sáng tạo các bài thánh ca, những tác giả của các bài thánh ca…ngay cả những vị tiên tri Bà-la-môn xưa cổ hình như cũng không nói như thế này:‘ Chúng tôi biết việc này, tôi thấy việc này: chỉ có đây mới là sự thật, tất cả những gì khác đều là sai lầm?’. Giả sử có một chuỗi người mù ôm lưng nhau: người trước không thấy, người đứng giữa không thấy, người cuối cùng không thấy. Cũng vậy, này Bhāradvāja, đối với các vị Bà-la-môn, lời nói của họ cũng giống như một chuổi người mù: người trước không thấy, người đứng giữa không thấy, người cuối cùng không thấy. Ngươi nghĩ thế nào, này Bhāradvāja, sự kiện là như vậy, có phải lòng tin của các vị Bà-la-môn là không có căn cứ ?
14. - Thưa Tôn giả Gotama, các vị Bà-la-môn không những chỉ tôn trọng việc này do có lòng tin mà còn do truyền khẩu ngàn xưa để lại .
- Này Bhāradvāja, trước tiên ngươi có lập trường dựa vào lòng tin, nay ngươi lại nói đến truyền khẩu ngàn xưa để lại. Này Bhāradvāja, có năm điều này có thể đem lại hai kết quả khác nhau ngay bây giờ và ở đây. Thế nào là năm? Lòng tin, sự chấp thuận, truyền khẩu ngàn xưa để lại, suy tư có luận lý, và chấp nhận quan điểm như là kết quả của sự cân nhắc (21). Năm điều này có thể đem lại hai kết quả khác nhau bây giờ và ở đây. Này nhé, một điều gì đó có thể được hoàn toàn chấp nhận do lòng tin, tuy nhiên điều ấy có thể vô nghĩa, trống rỗng và sai lạc; và một điều khác có thể không được hoàn toàn chấp nhận do lòng tin, tuy nhiên điều đó có thể đúng sự thật, chân thực, không sai lầm. Lại nữa, có điều được hoàn toàn chấp nhận… được khéo truyền tụng…khéo suy tư…khéo cân nhắc, tuy thế, điều ấy có thể vô nghĩa, trống rỗng và sai lạc; và một điều khác có thể không được hoàn toàn chấp nhận do lòng tin, tuy nhiên điều đó có thể đúng sự thật, chân thực, không sai lầm. Trong những điều kiện như thế, đối với một người có trí tuệ muốn bảo vệ chân lý, sẽ không đúng để đi đến kết luận quả quyết rằng: ‘Chỉ có đây mới là sự thật, tất cả những gì khác đều là sai lầm.’(22)
15. - Nhưng thưa Tôn giả Gotama, bằng cách nào có sự bảo vệ chân lý ? (23) Làm thế nào để con người bảo vệ chân lý ? Chúng con xin hỏi Tôn giả Gotama về sự bảo vệ chân lý ”
- Này Bhāradvāja, nếu một người có lòng tin, người ấy bảo vệ chân lý khi nói rằng : ‘Lòng tin của tôi là như thế này’; nhưng người ấy không đi đến kết luận quả quyết rằng: ‘Chỉ có đây mới là sự thật, tất cả những gì khác đều là sai lầm.’ Bằng cách này, này Bhāradvāja, có sự bảo vệ chân lý; bằng cách này, người ấy bảo vệ chân lý; bằng cách này chúng ta mô tả sự bảo vệ chân lý. Tuy nhiên như vậy chưa phải là sự khám phá chân lý ”(24)
- Nếu một người chấp thuận điều gì…, nếu người ấy đi đến kết luận dựa trên sự suy tư có luận lý… nếu người ấy chấp nhận một quan điểm như là kết quả của sự cân nhắc, người ấy bảo vệ chân lý khi nói rằng: ‘Quan điểm tôi chấp nhận như là kết quả của sự cân nhắc là như thế này.’, nhưng người ấy chưa đi đến kết luận quả quyết rằng: ‘Chỉ có đây mới là sự thật, tất cả những gì khác đều là sai lầm.’ Cũng vậy, này Bhāradvāja, bằng cách này có sự bảo vệ chân lý; bằng cách này, người ấy bảo vệ chân lý; bằng cách này chúng ta mô tả sự bảo vệ chân lý. Tuy nhiên như vậy chưa phải là sự khám phá chân lý .”
-
16- - Thưa Tôn giả Gotama, bằng cách này có sự bảo vệ chân lý; bằng cách này, người ấy bảo vệ chân lý; bằng cách này chúng ta mô tả sự bảo vệ chân lý. Nhưng thưa Tôn giả Gotama, bằng cách nào có sự khám phá chân lý ? Bằng cách nào con người khám phá chân lý ? Chúng con xin hỏi Tôn giả Gotama về sự khám phá chân lý.
17. - Ở đây, này Bhāradvāja, một Tỷ kheo sống tùy thuộc vào một làng hay thị trấn nào đó. Rồi một gia chủ hay con trai của gia chủ đi đến chỗ vị ấy và tìm hiểu vị ấy đối với ba trạng thái biểu hiện: biểu hiện xuất phát từ tham dục, biểu hiện xuất phát từ sân hận, biểu hiện xuất phát từ si mê: “ Vị Tỳ kheo này có biểu hiệu nào xuất phát từ tham dục hay không, với tâm của vị ấy bị ám ảnh bởi những trạng thái tham dục, trong lúc không biết , vị này có thể nói ‘ Tôi biết’ , hoặc trong lúc không thấy vị này có thể nói : ‘Tôi thấy’, hoặc vị này có thể thúc đẩy những người khác hành động theo phương cách sẽ đưa đến tổn hại hay đau khổ trong một thời gian dài ?’’. Khi tìm hiểu vị Tỳ kheo này, người ấy biết rằng: “ Không có những trạng thái biểu hiện xuất phát từ tham dục ở vị Tỳ kheo này. Hành động và lời nói của vị này không phải là hành động và lời nói của một người bị tham dục chi phối. Và Giáo pháp mà vị này thuyết giảng là thâm sâu, khó thấy, khó hiểu, an tịnh và siêu phàm, không thể đạt được bằng lý luận suông, tế nhị, chỉ người có trí mới cảm nhận được. Giáo pháp này không thể do một người có tâm tham dục giảng dạy.”
18- Sau khi người này đã tìm hiểu vị Tỷ Kheo và thấy rằng vị này đã thanh lọc tâm, không còn những biểu hiện xuất phát từ tham dục, người này tiếp tục tìm hiểu vị Tỷ kheo đối với những biểu hiện xuất phát từ sân hận: “ Vị Tỳ kheo này có biểu hiệu nào xuất phát từ sân hận hay không, với tâm của vị ấy bị ám ảnh bởi những trạng thái sân hận… hoặc vị này có thể thúc đẩy những người khác hành động theo phương cách sẽ đưa đến tổn hại hay đau khổ trong một thời gian dài ?’’. Khi tìm hiểu vị Tỳ kheo này, người ấy biết rằng;’’ Không có những trạng thái biểu hiện xuất phát từ sân hận ở vị Tỳ kheo này. Hành động và lời nói của vị này không phải là hành động và lời nói của một người bị sân hận chi phối. Và Giáo pháp mà vị này thuyết giảng là thâm sâu… chỉ người có trí mới cảm nhận được. Giáo pháp này không thể do một người có tâm sân hận giảng dạy.”
19- Sau khi người này đã tìm hiểu vị Tỷ Kheo và thấy rằng vị này đã thanh lọc tâm, không còn những biểu hiện xuất phát từ sân hận, người này tiếp tục tìm hiểu vị Tỷ kheo đối với những biểu hiện xuất phát từ si mê: “ Vị Tỳ kheo này có biểu hiệu nào xuất phát từ si mê hay không, với tâm của vị ấy bị ám ảnh bởi những trạng thái si mê… hoặc vị này có thể thúc đẩy những người khác hành động theo phương cách sẽ đưa đến tổn hại hay đau khổ trong một thời gian dài ?’’. Khi tìm hiểu vị Tỳ kheo này, người ấy biết rằng: “Không có những trạng thái biểu hiện xuất phát từ si mê ở vị Tỳ kheo này. Hành động và lời nói của vị này không phải là hành động và lời nói của một người bị si mê chi phối. Và Giáo pháp mà vị này thuyết giảng là thâm sâu… chỉ người có trí mới cảm nhận được. Giáo pháp này không thể do một người có tâm si mê giảng dạy.”
20- Sau khi người này đã tìm hiểu vị Tỷ Kheo và thấy rằng vị này đã thanh lọc tâm khỏi những biểu hiện xuất phát từ si mê, rồi người này đặt lòng tin vào vị Tỷ kheo này; với tâm tràn ngập lòng tin, người ấy đến thăm vị Tỷ kheo, đảnh lễ ngài; sau khi đảnh lễ ngài, người ấy chú tâm lắng nghe, khi người ấy chú tâm lắng nghe, người ấy nghe Pháp, sau khi nghe Pháp, người ấy học thuộc lòng và tìm hiểu ý nghĩa của giáo pháp mà người ấy đã thuộc lòng; khi người ấy đã tìm hiểu ý nghĩa của giáo pháp, người ấy chấp nhận giáo pháp như là kết quả của suy nghĩ cân nhắc; khi người ấy đã chấp nhận gíáo pháp như là kết quả của việc suy nghĩ cân nhắc, người ấy sinh lòng ước muốn, khi ước muốn đã khởi sinh, người ấy vận dụng ý chí; khi đã vận dụng ý chí người ấy cẩn thận nghiên cứu, sau khi cẩn thận nghiên cứu, người ấy cố gắng; với quyết tâm tinh cần, người ấy tự thân chứng ngộ chân lý tối thượng và bằng cách dùng trí tuệ để thể nhập chân lý , người ấy thấy được chân lý.(25) Này Bhāradvāja, bằng cách này, có sự khám phá chân lý; bằng cách này hành giả khám phá chân lý; bằng cách này, chúng ta mô tả việc khám phá chân lý. Nhưng như vậy cũng chưa phải là sự chứng ngộ chân lý cuối cùng.(26)
21- Thưa Tôn giả Gotama, bằng cách này có sự khám phá chân lý; bằng cách này hành giả khám phá chân lý; bằng cách này chúng ta mô tả sự khám phá chân lý. Nhưng thưa Tôn giả Gotama, bằng cách nào có sự chứng ngộ chân lý cuối cùng? Bằng cách nào hành giả có sự chứng ngộ để đạt đến chân lý cuối cùng? Chúng con xin hỏi Tôn giả Gotama về sự chứng đạt chân lý cuối cùng.
- Này Bhāradvāja, sự chứng ngộ để đạt đến chân lý cuối cùng là ở chỗ thực hành liên tục, phát triển và tu tập những chân lý ấy. Bằng cách này, này Bhāradvāja, có sự chứng ngộ để đạt đến chân lý cuối cùng; bằng cách này hành giả cuối cùng chứng đạt được chân lý; bằng cách này chúng ta mô tả việc chứng đạt chân lý cuối cùng.”
22- Thưa Tôn giả Gotama, bằng cách này có sự chứng ngộ cuối cùng để đạt đến chân lý; bằng cách này hành giả cuối cùng chứng đạt được chân lý; bằng cách này chúng ta công nhận sự chứng đạt chân lý cuối cùng. Nhưng, thưa Tôn giả Gotama, pháp nào là hữu ích nhất cho việc chứng đạt chân lý cuối cùng? Chúng con xin hỏi Tôn giả Gotama về pháp hữu ích nhất để chứng đạt chân lý cuối cùng.
- Này Bhāradvāja, nỗ lực tinh cần là pháp hữu ích nhất cho việc chứng đạt chân lý cuối cùng. Nếu không nỗ lực tinh cần, thì cuối cùng hành giả không thể nào đạt đến chân lý; nhưng nếu hành giả tinh cần thì cuối cùng sẽ đạt đến chân lý. Đó là lý do tại sao nỗ lực tinh cần là pháp hữu ích nhất cho việc chứng đạt chân lý cuối cùng.
23- Nhưng thưa Tôn giả Gotama, trong nỗ lực tinh cần pháp nào là hữu ích nhất? Chúng con xin hỏi Tôn giả Gotama trong nỗ lực tinh cần, pháp nào là hữu ích nhất ?
- Này Bhāradvāja, cẩn thận thận nghiên cứu là hữu ích nhất để nỗ lực tinh cần. Nếu hành giả không cẩn thận nghiên cứu, hành giả sẽ không nỗ lực tinh cần; nếu có cẩn thận nghiên cứu thì hành giả sẽ nỗ lực tinh cần. Đó là lý do tại sao cẩn thận nghiên cứu là hữu ích nhất để nỗ lực tinh cần.
24- Nhưng thưa Tôn giả Gotama, trong sự cẩn thận nghiên cứu pháp nào là hữu ích nhất? Chúng con xin hỏi Tôn giả Gotama trong sự cẩn thận nghiên cứu, pháp nào là hữu ích nhất ?
- Này Bhāradvāja, vận dụng ý chí là hữu ích nhất để cẩn thận nghiên cứu. Nếu không vận dụng ý chí, hành giả sẽ không cẩn thận nghiên cứu; nếu có vận dụng ý chí thì hành giả sẽ cẩn thận nghiên cứu. Đó là lý do tại sao vận dụng ý chí là hữu ích nhất để cẩn thận nghiên cứu .
25- Nhưng thưa Tôn giả Gotama, trong việc vận dụng ý chí pháp nào là hữu ích nhất? Chúng con xin hỏi Tôn giả Gotama trong việc vận dụng ý chí, pháp nào là hữu ích nhất ?
- Này Bhāradvāja, ước muốn là hữu ích nhất để vận dụng ý chí. Nếu không khởi lên ước muốn, hành giả sẽ không vận dụng ý chí; nếu có khởi lên ước muốn hành giả sẽ vận dụng ý chí. Đó là lý do tại sao ước muốn là hữu ích nhất để vận dụng ý chí.
26. - Nhưng thưa Tôn giả Gotama, trong việc khởi lên ước muốn pháp nào là hữu ích nhất? Chúng con xin hỏi Tôn giả Gotama trong việc khởi lên ước muốn, pháp nào là hữu ích nhất ?
- Này Bhāradvāja, chấp nhận Giáo pháp như là kết quả của sự suy nghĩ cân nhắc là pháp hữu ích nhất để khởi lên ước muốn. Nếu hành giả không chấp nhận Giáo pháp như là kết quả của sự suy nghĩ cân nhắc, ước muốn sẽ không khởi lên; nhưng nếu hành giả chấp nhận Giáo pháp như là kết quả của sự suy nghĩ cân nhắc, ước muốn sẽ khởi lên. Đó là lý do tại sao chấp nhận Giáo pháp như là kết quả của sự suy nghĩ cân nhắc là pháp hữu ích nhất để khởi lên ước muốn.
27. - Nhưng thưa Tôn giả Gotama, trong việc chấp nhận Giáo pháp như là kết quả của sự suy nghĩ cân nhắc, pháp nào là hữu ích nhất? Chúng con xin hỏi Tôn giả Gotama trong việc chấp nhận Giáo pháp như là kết quả của sự suy nghĩ cân nhắc, pháp nào là hữu ích nhất ?
- Này Bhāradvāja, tìm hiểu ý nghĩa là pháp hữu ích nhất trong việc chấp nhận Giáo pháp như là kết quả của sự suy nghĩ cân nhắc. Nếu hành giả không tìm hiểu ý nghĩa, hành giả sẽ không chấp nhận Giáo pháp như là kết quả của sự suy nghĩ cân nhắc; nhưng nếu hành giả tìm hiểu ý nghĩa, hành giả sẽ chấp nhận Giáo pháp như là kết quả của sự suy nghĩ cân nhắc. Đó là lý do tại sao tìm hiểu ý nghĩa là pháp hữu ích nhất để chấp nhận Giáo pháp như là kết quả của sự suy nghĩ cân nhắc.
- 28. - Nhưng thưa Tôn giả Gotama, trong việc tìm hiểu ý nghĩa, pháp nào là hữu ích nhất ? Chúng con xin hỏi Tôn giả Gotama trong việc tìm hiểu ý nghĩa, pháp nào là hữu ích nhất.
- Này Bhāradvāja, học thuộc lòng Giáo pháp là hữu ích nhất trong việc tìm hiểu ý nghĩa. Nếu hành giả không học thuộc lòng Giáo pháp, hành giả sẽ không tìm hiểu ý nghĩa; nhưng nếu hành giả học thuộc lòng Giáo pháp, hành giả sẽ tìm hiểu ý nghĩa.
29. - Nhưng thưa Tôn giả Gotama, trong việc học thuộc lòng Giáo pháp, pháp nào là hữu ích nhất? Chúng con xin hỏi Tôn giả Gotama trong việc học thuộc lòng Giáo pháp, pháp nào là hữu ích nhất.
- Này Bhāradvāja, nghe Pháp là hữu ích nhất trong việc học thuộc lòng Giáo pháp. Nếu hành giả không nghe Pháp, hành giả sẽ không thuộc lòng Giáo pháp; nhưng vì hành giả có nghe Pháp, hành giả sẽ thuộc lòng Giáo pháp. Đó là lý do tại sao nghe Pháp là hữu ích nhất trong việc học thuộc lòng Giáo pháp.
- 30. - Nhưng thưa Tôn giả Gotama, trong việc nghe Pháp, pháp nào là hữu ích nhất? Chúng con xin hỏi Tôn giả Gotama trong việc nghe Pháp, pháp nào là hữu ích nhất. ?
- Này Bhāradvāja, chú tâm lắng nghe là pháp hữu ích nhất trong việc nghe Pháp. Nếu hành giả không chú tâm lắng nghe, hành giả sẽ không nghe rõ Giáo pháp; nhưng vì hành giả có chú tâm lắng nghe, hành giả sẽ nghe rõ Giáo pháp. Đó là lý do tại sao chú tâm lắng nghe là hữu ích nhất trong việc nghe Pháp.
31 - Nhưng thưa Tôn giả Gotama, trong việc chú tâm lắng nghe, pháp nào là hữu ích nhất? Chúng con xin hỏi Tôn giả Gotama trong việc chú tâm lắng nghe, pháp nào là hữu ích nhất ?
- Này Bhāradvāja, bày tỏ lòng kính trọng là pháp hữu ích nhất để chú tâm lắng nghe. Nếu hành giả không bày tỏ lòng kính trọng, thì hành giả sẽ không chú tâm lắng nghe: nhưng vì hành giả có bày tỏ lòng kính trọng, hành giả sẽ chú tâm lắng nghe. Đó là lý do tại sao bày tỏ lòng kính trọng là pháp hữu ích nhất để chú tâm lắng nghe.
32. - Nhưng thưa Tôn giả Gotama, trong việc bày tỏ lòng kính trọng, pháp nào là hữu ích nhất? Chúng con xin hỏi Tôn giả Gotama trong việc bày tỏ lòng kính trọng, pháp nào là hữu ích nhất.”
- Này Bhāradvāja, trong việc bày tỏ lòng kính trọng, đi đến thăm viếng là pháp hữu ích nhất. Nếu hành giả không đi đến thăm viếng, thì hành giả không thể bày tỏ lòng kính trọng; nhưng vì hành giả có đi đến thăm viếng , hành giả có thể bày tỏ lòng kính trọng. Đó là lý do tại sao đi đến thăm viếng là pháp hữu ích nhất để bày tỏ lòng kính trọng.
33. - Nhưng thưa Tôn giả Gotama, trong việc đi đến thăm viếng, pháp nào là hữu ích nhất? Chúng con xin hỏi Tôn giả Gotama trong việc bày đi đến thăm viếng, pháp nào là hữu ích nhất.”
- Này Bhāradvāja, trong việc đi đến thăm viếng, có lòng tin là pháp hữu ích nhất. Nếu hành giả không khởi lòng tin vào vị thầy thì hành giả không thể đi đến thăm viếng; nhưng vì hành giả khởi lên lòng tin vào vị thầy, nên hành giả sẽ đi đến thăm viếng. Đó là lý do tại sao có lòng tin là pháp hữu ích nhất để đi đến thăm viếng.
34 - Chúng con đã hỏi Tôn giả Gotama về việc hộ trì chân lý, và Tôn giả Gotama đã trả lời về việc hộ trì chân lý; chúng con chấp nhận và hoan hỷ về câu trả lời. Chúng con đã hỏi Tôn giả Gotama về việc khám phá chân lý, và Tôn giả Gotama đã trả lời về việc khám phá chân lý; chúng con chấp nhận và hoan hỷ về câu trả lời. Chúng con đã hỏi Tôn giả Gotama về việc chứng đạt cuối cùng để đi đến chân lý, và Tôn giả Gotama đã trả lời về việc chứng đạt cuối cùng để đi đến chân lý; chúng con chấp nhận và hoan hỷ về câu trả lời. Chúng con đã hỏi Tôn giả Gotama về pháp hữu ích nhất để hứng đạt chân lý cuối cùng, và Tôn giả Gotama đã trả lời về pháp hữu ích nhất để chứng đạt chân lý cuối cùng; chúng con chấp nhận và hoan hỷ về câu trả lời. Chúng con đã hỏi Tôn giả Gotam về bất cứ điều gì, Ngài đều trả lời cho chúng con và chúng con hoan hỷ hấp nhận câu trả lời. Thưa Tôn gia Gotanma, trước đây chúng con thường nghĩ : ‘Những Sa-môn khổ hạnh đầu trọc, những dân lao động da đen này sanh từ gót chân của Phạm Thiên, họ là ai mà có thể hiểu được Giáo pháp? ’(27). Nhưng Tôn giả Gotama quả thật đã khơi dậy trong chúng con tình yêu thương đối với các Sa môn tu khổ hạnh, niềm tin vào các Sa môn tu khổ hạnh, lòng tôn kính đối với các Sa môn tu khổ hạnh.
35 - Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama, thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama !.... Xin Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử cư sĩ, kể từ hôm nay con xin quy y Tôn Giả Gotama cho đến trọn đời.
(Trung Bộ Kinh II- Kinh 95: Kinh Canki, tr 715-738)