- Lời Giới Thiệu của Đức Đạt-Lai Lạt- Ma thứ 14
- Lời Mở Đầu của Bhikkhu Bodhi
- Lời Giới Thiệu của Người Dịch
- Giới Thiệu Tổng Quát
- I. THÂN PHẬN CON NGƯỜI
- II. NGƯỜI MANG LẠI ÁNH SÁNG
- III. TIẾP CẬN GIÁO PHÁP
- IV. HẠNH PHÚC THẤY RÕ NGAY TRONG ĐỜI SỐNG HIỆN TẠI
- V. CON ĐƯỜNG ĐƯA ĐẾN TÁI SINH TỐT ĐẸP
- VI. TẦM NHÌN THÂM SÂU VỀ THẾ GIỚI
- VII. CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT
- VIII. TU TẬP TÂM
VIỆN NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC VIỆT NAM
HỢP TUYỂN LỜI PHẬT DẠY
TỪ KINH TẠNG PALI
In The Buddha’s Words
An Anthology of Discourses from the Pali Canon
By
BHIKKHU BODHI
Wisdom Publications – 2005
Việt dịch : Nguyên Nhật Trần Như Mai
NHÀ XUẤT BẢN HỒNG ĐỨC 2015
VII
CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT
2. PHÂN TÍCH BÁT THÁNH ĐẠO
Này các Tỷ-kheo, ta sẽ giảng Bát Thánh Đạo, và sẽ phân tích cho các ông hiểu. Hãy lắng nghe, ta sẽ nói.”
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn,
Các Tỷ-kheo vâng đáp . Thế Tôn giảng như sau :
- Này các Tỷ-kheo, và thế nào là Bát Thánh Đạo ? Đó là Chánh tri kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm và Chánh định.
Này các Tỷ-kheo, thế nào là Chánh tri kiến ? Tri kiến về khổ, tri kiến về nguồn gốc của khổ, tri kiến về diệt khổ, tri kiến về con đường đưa đến diệt khổ : đó là Chánh tri kiến.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Chánh tư duy ? Tư duy về xuất ly, tư duy về vô sân, tư duy về vô hại: đó là Chánh tư duy.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Chánh ngữ ? Từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời đôc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm: đây gọi là Chánh ngữ.
“ Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Chánh nghiệp ? Từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm: đó là Chánh nghiệp.
- Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Chánh mạng ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị thánh đệ tử từ bỏ lối sống bất chính, sinh sống bằng nghề nghiệp lương thiện: đây gọi là Chánh mạng.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Chánh tinh tấn ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị đệ tử khởi lên ước muốn các bất thiện pháp chưa sinh sẽ không sinh khởi; vị ấy nỗ lực, vận dụng năng lượng, chuyên tâm áp dụng và cố gắng không ngừng. Vị ấy khởi sinh ước muốn đoạn trừ những bất thiện pháp đã sinh khởi…Vị ấy khởi sinh ước muốn những thiện pháp chưa sinh sẽ được sinh khởi…Vị ấy khởi lên ước muốn các thiện pháp đã sinh khởi sẽ được tiếp tục duy trì, để chúng không suy tàn, luôn tăng trưởng, mở rộng và phát triển viên mãn, vị ấy nỗ lực, vận dụng năng lượng, chuyên tâm áp dụng và cố gắng không ngừng. Đây gọi là Chánh tinh tấn.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Chánh niệm? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị đệ tử sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, loại bỏ tham ưu đối với cuộc đời. Vị ấy quán cảm thọ trên các cảm thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, loại bỏ tham ưu đối với cuộc đời. Vị ấy quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, loại bỏ tham ưu đối với cuộc đời. Vị ấy quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, loại bỏ tham ưu đối với cuộc đời. Đây gọi là Chánh niệm.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Chánh định ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị đệ tử xa lìa các dục lạc, xa lìa các pháp bất thiện , chứng và trú Sơ thiền, một trạng thái hỷ lạc phát sinh do ly dục, vẫn còn tầm và tứ . Bằng cách lắng dịu tầm và tứ, vị ấy chứng và trú Nhị thiền, nội tĩnh nhất tâm, một trạng thái hỷ lạc phát sinh do dịnh, không còn tầm và tứ. Với sự tàn lụi của hỷ, vị ấy an trú vào xả, chánh niệm tỉnh giác, vị ấy cảm nhận lạc thọ trong thân; vị ấy chứng và trú Tam thiền, mà các bậc thánh đã gọi là ‘ xả niệm lạc trú ’. Với sự xả bỏ lạc và khổ, và diệt trừ hỷ và ưu phiền trước đó, vị ấy chứng và trú Tứ thiền, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Đây gọi là Chánh định.
( Tương Ưng BK 5- phẩm Vô Minh ,8.VIII. Phân Tích; tr 19-22)