Nền tảng của sự xuất hiện thế giới

08 Tháng Mười Hai 201709:23(Xem: 5444)

NỀN TẢNG CỦA SỰ XUẤT HIỆN THẾ GIỚI
Nguyễn Thế Đăng

Sự xuất hiện của thế giới là một chủ đề lớn và căn bản của mọi triết học, khoa học, và tôn giáo. Thế giớihiện hữu hoàn toàn khách quan hay không? Nếu nó là hoàn toàn khách quan thì con người phải vĩnh viễn chạy theo sau nó, bị hạn cuộc trong những định luật vật lýtâm lý của nó và không có cách gì để tự do, giải thoát. Có lẽ chúng ta phải chờ đến tận thế, sự diệt mất của thế giới khách quan, chúng ta mới thoát khỏi thế giới, mới tự do được. Dầu cho thế giới là khách quan, với tâm thức của mình, tâm thức đã đưa con người thành sinh vật thuộc loại cao nhất của vũ trụ, liệu tâm thức ấy có thể tự do, giải thoát khỏi thế giới hữu hạn và vô thường này hay không?

Trong những bài này chúng ta sẽ tìm hiểu vấn đề ấy qua kinh Lăng-già, bản dịch tiếng Hán của Tam tạng Pháp sư Thật-xoa-nan-đà (?-718). Cũng cần nói thêm, kinh Lăng-già là một cuốn kinh quan trọng của Phật giáo Đại thừa, mà Phật giáo Nepal đã liệt vào trong chín bộ kinh làm cột trụ cho Phật giáo Nepal.

Như những kinh Đại thừa, tất cả mọi sự xuất hiện đều từ và trên một nền tảng, tạm thời hiện hữu nơi nền tảng ấy và rồi tan biến trong nền tảng ấy.

Nền tảng ấy là tánh Không, Pháp thân của chư Phật. Như Lai tạng, Phật tánh, Chân như… Ở đây, chúng ta nêu lên những từ chỉ nền tảng ấy từ kinh Lăng-già. Theo kinh Lăng già, nền tảng ấy là “pháp Không”, “Pháp thân”, “Như Lai tạng”, “Chân như”, “Niết-bàn”, “Viên thành thật tánh”, “Tự giác thánh trí”, “Đại thừa quang minh”, “thân Như Lai”, “A-lại-da vô sai biệt”…

Nền tảng ấy là cái chẳng sanh diệt và các tướng xuất hiện là có sanh diệt: “Sanh diệt là thức, chẳng sanh diệt là trí. Có tích tập tướng là thức, không tích tập tướng là trí. Bám tướng cảnh giới là thức, không bám tướng cảnh giới là trí. Ba hòa hợp tương ưng mà sanh là thức, vô ngại tương ưng tự tánh là trí”. (phẩm Vô thường, thứ 3)

Nền tảng ấy là “tạng thức Như Lai tạng này bản tánh thanh tịnh. Thế nên Bồ-tát muốn đắc pháp thù thắng phải nên tịnh hóa danh tướng của tạng thức Như Lai tạng. Đại Huệ! Nếu khôngNhư Lai tạng (làm nền tảng cho) danh tướng của tạng thức thì không có sự sanh diệt (của tạng thức).” (phẩm Sátna, thứ 6).

Nền tảng ấy được gọi là Niết-bàn hay tánh Không: “Phật bảo Đại Huệ: Tất cả tập khí tà kiến bản chất của thức, của tạng thức, ý, ý thức và các thức (giác quan) được chuyển hóa hết, Ta và chư Phật gọi đó là Niết-bàn, tức là cảnh giới tánh Không của tất cả các pháp” (phẩm Tập tất cả pháp, thứ 2)

Nền tảng ấy là Như như, Chánh trí, không phân biệt nên không sanh diệt; so với tạng thức hay vọng tâmphân biệt, và do đó, là sanh diệt: “Danh kia tướng kia rốt ráo không có gì, chỉ là vọng tâm đắp đổi phân biệt. Quán sát như vậy cho đến cái biết (do phân biệt) diệt mất, đó gọi là Như Như. Đại Huệ! Tướng Như Nhưchân thật quyết định, nền tảng rốt ráo. Ta cùng chư Phật tùy thuận chứng nhập tướng như thật ấy mà khai thị diễn nói. Nếu có thể tùy thuận hiểu ngộ, lìa đoạn lìa thường, chẳng sanh phân biệt, nhập vào tự chứng, ra khỏi cảnh giới ngoại đạoNhị thừa, đó gọi là Chánh trí”. (phẩm Sát-na, thứ 6)

Tóm lại, nền tảng là cái chẳng sanh chẳng diệt, là trí vô phân biệt, đó là tự giác thánh trí hay Niết-bàn của chư Phật. Và cái thức là phân biệt, là sanh diệt, là tích tập tướng và bám tướng; chính cái thức đã tạo ra sanh tử, sanh diệt, chia cắt, phân mảnh, xung đột, nhưng thật ra là hư vọng, như “hoa giữa hư không, như huyễn, như mộng…”. Nhưng thức phân biệthư vọng này luôn luôn có nền tảng là trí, là “chân tướng tạng thức thì không sanh diệt”, là “tạng thức Như Lai tạng này bản tánh thanh tịnh”. Sanh tử như huyễn luôn luôn xuất hiện trên nền tảng Niết-bàn bản tánh thanh tịnh và biến mất vào đó, như hoa giữa hư không xuất hiện trên nền tảng hư không vốn thanh tịnh và tan mất trong hư không.

Chủ đề chính của kinh Lăng-già là tất cả do tâm thứchiện ra:
Thân, tài sản, nhà cửa
Đều duy tâm ảnh hiện
Phàm ngu không thể biết
Khởi chấp có chấp không
Cảnh giới chỉ là tâm
Lìa tâm không thể đắc.

Cho nên, để giải thoát khỏi sanh tử phải giải thoát nguyên nhân tạo ra sanh tử, đó là thức phân biệt hư vọng đã tạo nên sanh tử hư vọng này, gọi là “chuyển thức (phân biệt) thành trí (vô phân biệt)”:
Vô tác nên vô sanh
Có pháp, nhận sanh tử
Rõ thông, thảy như huyễn
Với tướng, không phân biệt
.

Kinh Lăng-già khởi đi từ sự xuất hiện và biến mất rồi lại xuất hiện của Đức Phậtđại chúng. Chính sự biến mất này đã khiến vua loài Dạ-xoa là La-bà-na khai ngộ. Đây là sự việc xảy ra trong phẩm thứ nhất, Vua La-bà-na xin thỉnh: “Bấy giờ Thế Tôn dùng lực thần thông, ở trong núi ấy, lại hóa ra vô lượng núi báu, đều dùng trăm ngàn vạn ức thứ quý báu của chư thiêntrang nghiêm. Trên mỗi mỗi núi đều có thân Phật hiện. Trước mỗi Phật đều có vua La-bà- na và chúng hội. Tất cả các cõi nước trong mười phương đều hiện trong đó, trong mỗi cõi nước đều có Như Lai, trước mỗi Đức Phật đều có vua La-bà-na cùng quyến thuộc, mỗi mỗi đều có Bồ-tát Đại Huệ thỉnh hỏi Phật khai thị cảnh giới trí tự chứng. Dùng trăm ngàn âm thanh vi diệu nói xong kinh này, Phật và chư Bồ-tát biến vào hư không”. Sự xuất hiện, thậm chí kỳ diệu, đến mức độ sự sự vô ngại này, là sự xuất hiện của “tự tánh tâm pháp tạng”, như những câu kệ đều tiên của kinh nói ở trước đoạn kinh trên: Tự tánh tâm pháp tạng Vô ngã lìa kiến dơ Chỗ biết của chứng trí Nguyện Phật tuyên nói cho… Khi Phật và đại chúng biến vào hư không, vua La-bà- na tự thắc mắc:

Vua La-bà-na tự thấy chỉ còn thân mình trong cung, bèn khởi suy nghĩ: Người thấy những sự việc vừa rồi là ai? Ai là người thấy? Phật và thành, rừng núi báu, các vật như thế bây giờ ở đâu? Hay là nằm mộng? Hay là ảo ảnh? Hay giống như thành Càn-thát-bà? Hay do nhặm mắt thấy? Hay là sự mê lầm do sóng nắng? Hay là như trong mộng, con của người nữ bằng đá? Hay như ngọn đuốc quay mà thấy thành vòng lửa?.

Lại nghĩ: Tánh của tất cả các pháp đều như thế, chỉ là cảnh giới của tự tâm phân biệt. Kẻ phàm phu mê lâm không thể hiểu rõ. Không có người thấy cũng không có cái được thấy; không có người thuyết cũng không có cái được thuyết. Thấy Phật nghe pháp đều là phân biệt. Hướng theo cái được thấy như vậy thì chẳng thể thấy được Phật. Chẳng khởi phân biệt tức là thấy Phật.

Khi ấy, vua Lăng-già bỗng dưng khai ngộ, lìa các nhiễm ô, chứng duy tự tâm, trụ vô phân biệt. Do sức những thiện căn được trồng từ xưa, ông được cái thấy cái như thật đối với tất cả các pháp, có thể dùng tự trí quán sát một cách khéo léo, xa lìa vĩnh viễn mọi so lường tà kiến. Trở thành một bậc thầy trong những người tu hành, có thể hiện đủ thứ thân, thông suốt các phương tiện, khéo biết các địa và cách vượt lên các địa. Thường thích xa lìa, tâm, ý, ý thức, cắt đứt ba kiến tương tục, lìa chấp trước của ngoại đạo. Bên trong tự ngộ, nhập vào Như Lai tạng, hướng đến Phật địa”.

Nhờ tư duy thiền định về sự xuất hiện và biến mất, vua Dạ-xoa đã ngộ “duy tự tâm, trụ vô phân biệt”, nghĩa là đã vào địa, vào Như Lai tạng, vào Pháp thân, vào nền tảng bất động của mọi sự xuất hiện… để tiến lên đến giải thoátgiác ngộ. Đoạn kinh nói tiếp: “Ông bỗng nghe giữa không trung và trong cung điện đều phát ra tiếng nói: Hay thay, đại vương. Như chỗ ông học, các người tu hành cũng phải học như thế, phải thấy như thế. Tất cả chư Như Lai cũng thấy như thế”.

Đây là cái thấy căn bản của một Bồ-tát nhập địa, nhập vào Pháp thân của chư Phật, “nhập vào Như Lai tạng”. Gọi là căn bảnmở rộngđào sâu vào cái thấy ấy sẽ đưa đến giải thoátgiác ngộ. “Bấy giờ Thế Tôn biết vua Lăng-già sẽ chứng ngộ Vô sanh pháp nhẫn nên thương xót, bèn hiện thân, khiến các sự hóa hiện trở lại như cũ”

Nguyễn Thế Đăng

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn