6. Vũ điệu ý niệm trong cơn đau bản thể

05 Tháng Ba 201814:24(Xem: 4955)

NHỤY NGUYÊN

 VŨ ĐIỆU Ý NIỆM
TRONG CƠN ĐAU BẢN THỂ
Nhà xuất bản Ananda Viet Foundation 2018


Vũ điệu ý niệm

trong cơn đau bản thể

 

Loài thỏ khoái cà rốt, nhưng nhiều lúc chúng vẫn ăn nhầm củ cải trắng bởi đeo kính màu. Khoa học cũng đưa ra hiện tượng “mù màu” khi con người nhìn về vũ trụ; bắt đầu bằng những báo cáo về cấu tạo mắt của động vật. Mỗi loài, qua sự lồi lõm tròng mắt sẽ quy định cái nhìn khác nhau. Ngay trong cùng loài, mắt nhìn sự vật như qua cái kính lồi, chỉ cần xê dịch chút xíu hiện tượng đã biến đổi. Để thấy, mỗi người đều nhìn sự vật qua con mắt của riêng mình không ai hoàn toàn giống ai. Năm đứa con đều thấy mẹ mình tốt nhất, song sâu xa trong mỗi đứa đều lưu một hình ảnh mẹ khác xa. Công án Thiền về Tô Đông Pha. Sở dĩ họ Tô nhìn sư Phật Ấn ngồi thiền như một đống phân, đơn giảnngay lúc đó tâm thi sĩ này nhơ đục; còn sư Phật Ấn nhìn Tô Đông Pha giống Phật, bởi tâm của sư tịnh sáng. Ở tầng cấp cao hơn, kinh Lăng Nghiêm mô tả về loài quỷ chạy bên bờ sông Hằng vẫn kêu gào khát cháy, vì ở cảnh giới của chúng nơi mênh mông nước ấy lại là sa mạc. Vấn đề đặt ra: Liệu ta đã hiểu rõ về đối tượng mà mình có thói quen phán xét? Dĩ nhiên, không. Vợ chồng sống gắn bó từ lúc cưới đến đầu bạc nói hiểu nhau chân tơ kẻ tóc, thực tế họ chỉ hiểu phần tảng băng nổi. Khoa học cho biết mắt người chỉ thấy [hiểu] được 2000/400 tỉ = 1/200 triệu tức 0,0000005% thực tại. Tiến sĩ khoa học Joseph Dispenza: “Chúng ta chẳng biết gì về thực tại cả và tất cả cảm nhận về cái gọi là thực tại ngoài kia đều đã được sàng lọc qua các giác quan của con người. Não bộ xử lý 400 tỉ bit thông tin trong 1 giây nhưng chúng ta chỉ nhận biết được 2000 bit trong số đó”. Phật pháp dạy, ta chỉ cảm được phần tướng, còn tánh muốn thấy phải chứng ngộ, ngoài ra không còn cách nào khác.

Tánh là Tâm Phật. Tâm Phật vốn thâu toàn pháp giới vạn thể. Về mặt tinh thần, chúng ta đang sử dụng vọng chứ không phải chân. Vọng tâm như sóng trên mặt biển không ngừng dao động, và nghiệp lực là dòng cuồng lưu phía dưới, nó dễ hợp với duyên (gió, bão) tạo nên sóng thần. Còn thể xác chúng ta trên địa cầu, nhỏ đến mức không thể so sánh với một hạt cát trong vũ trụ. Vọng tâm lại biến hiện ra vô lượng cảnh giới khôn lường. Chỉ lúc người tu đại ngộ mới thoát vọng tâm, trở về chân tâm, hiểu sơ đẳng giống như một người đang giữa trận cuồng phong tàn phá kinh hoàng, bỗng trời yên biển lặng. Như trong cơn ác mộng thức giấc, mồ hôi còn đầm đìa. Bỗng à lên, thì ra mơ. Sợ. Khiếp quá. Đây không phải so sánh, mà thật. Đại ngộtỉnh mộng. “Trong mộng rõ ràng sáu cõi, tỉnh mộng rồi không cả đại thiên” (Đại sư Vĩnh Gia). Chúng sanh đều đang trong một giấc mộng lớn. Hãy kiểm thảo, hiếm ai trong mơ lại biết mình đang mơ. Vậy chúng ta đi đứng nằm ngồi, chúng ta véo mình thấy đau, sao gọi là mơ. Điều này Duy Thức Phật giáo giải thích cặn kẽ, hiện thời còn được ngành vật lý lượng tử minh tường. Chẳng hạn bóng đèn nê-ông bật sáng, dưới ánh nhìn khoa học, ấy là sự tắt và đỏ của liên tục các điện tử nối tiếp. Trong Kinh còn nêu thí dụ, quay tròn ngọn đuốc, ta thấy một vòng lửa, thật ra đó là sự tương tục của vô vàn điểm nối ngọn đuốc với nhau, nhanh quá nên mắt thường không nhận ra. Trong phim nhân vật bước một bước, đó là sự nối ghép của 24 hình/1 giây. Một giây, 24 hình tương tự [nối nhau] ẩn hiện đã lừa được nhục nhãn; huống hồ trong một giây vọng tâm phát xuất hàng tỉ ý niệm vi tế. Sự tiếp nối đó tạo nên vạn vật chuyển động. Chuyển động sinh năng lượng. Năng lượng sinh vật chất. Vẫn là mộng. Lúc ai nằm mơ, là mộng trong mộng, thậm chí trong mộng của mộng lại có mộng nữa. Địa ngục chính là những cơn ác mộng nối nhau không ngừng; nó là sự phản chiếu của nghiệp lực ta gây trong kiếp trước và kiếp này. Sự công bằng của con tạo khiến người đời không thể tin nổi. Tin, chính ở phước duyên sâu dày chủ yếu nhờ đời trước đã gieo nhân thiện, đã có tu.

Ta đều đang nhìn thấy một phần nhỏ chân lý tối thượng mà thôi. Trái đất lớn bằng ngôi sao, thì dải ngân hà có hàng tỉ ngôi sao; con người đã biết được mấy sao theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa (như chân ướt chân ráo đặt lên sao Hỏa); nói gì đến trong vũ trụ có tỉ tỉ dải ngân hà. Ta thiển cận về toàn thể vũ trụ như thế nào thì thiển cận với nhân sinh như vậy. Ngay đến thiên tài, họ cũng mới sử dụng những tài năng phàm tình trong kho tàng vi diệu tự tánh. Mỗi ta đều có Phật tâm, cả vũ trụ hiện trong ấy, ta sẽ không hề chạm tới được nếu chẳng thực tu hành. Alaya thức chúng ta tích lũy vô vàn nghiệp thiện ác, dẫu qua bao nhiêu kiếp đầu thai đều y nguyên. Một lượng thông tin, nghiệp lực “nếu có hình tướng sẽ đầy cả hư không”, gặp duyên sẽ hiện cảnh quá lợi hại. Phật giảng: không ân oán, không đền nợ trả nợ đời trước sẽ không trở thành vợ chồng con cái trong kiếp này. Là sự hút nhau tự nhiên như một dạng sóng cùng tần số. Trả nợ thì con hiếu thuận, đòi nợ ắt bất hiếu; thậm chí còn trường hợp, con ngoan hiền song ốm yếu bệnh hoạn, cha mẹ bán hết gia sản đến mạt vận, cũng là một cách đòi nợ! Hướng vào Phật pháp mới chuyển được nghiệp bất hiếu [từ kiếp trước] thành có hiếu [trong đời này]. Rồi nữa, một ngày bỗng gặp người lạ giúp đỡ mình, ngược lại lần đầu tiên gặp mặt người đã muốn đẩy ta đến đường cùng, đích thị duyên nợ tiền kiếp. Ta không nhận ra trước đã gây nhiễu gì cho họ; họ cũng không hề biết, song nghiệp lực trong tàng thức vốn “có mắt”, biết nhận dạng do đó nó thôi thúc họ trả thù. Dẫu vậy, sự đòi nợ thường rất ít, gần như qua kiếp này oan gia chỉ đòi phần lãi (xóa phần nợ gốc). Đòi lãi, ta [do chẳng tin nhân quả] nên tìm cách trả đũa mạnh bạo hơn, thành dư báo! Chính ý nghĩ đòi lại “công bằng” là đầu mối của lục đạo, phần nhiều luân hồi trong cõi quỷ, bàng sanh. Người giàu sang danh vọng, trước hết là nhờ sự quy đổi từ phước nhiều đời; ngỡ nhờ tài năng của mình nên phồng bản ngã mặc sức tiêu pha, mặc sức coi khinh những người yếu hèn nghèo đói... Tiêu tiền thụ hưởng, vốn là tiêu phước. Phước mỏng dần nghiệp báo sẽ hiện, mà tai nạn, bệnh tật luôn là thước đo. Một nhân vật lừng danh, bỗng thân liệt trí mờ, bấn loạn mộng mị triền miên; giữa lúc ngoài kia sản phẩm dán mác của họ vẫn ngồn ngộn đẻ ra tiền. Họ chìm vào cõi cô đơn cùng tận cho tới lúc hồn dứt khỏi xác đau như “rùa sống lột mai”. Thân mất, thức ấy không chịu quy định bởi vật chất thế gian nữa mà quy định bởi phước đức. Hãy tưởng đến cảnh thân vừa mất, ta thấy ngay xác mình nằm đó dần thối rữa. Ta biết mọi sự diễn ra, thấy họ hàng thân quyến đó lại bất lực trao đổi bất lực sờ chạm. Ta đói không ăn được đồ cúng kiếng ngon lành bốc khói; ta lạnh được cúng áo ấm đốt lửa vẫn lạnh, ta nóng [hồn] chui vào tủ đông vẫn nóng. Và nếu [hồn] vẫn chấp trước về quan tài đắt tiền, nấm mồ sang trọng, cái ngã sẽ giữ họ ở lại trong thân trung ấm chịu khổ bội bội lần thảm cảnh cuối đời.

Phật vô ngã. Chúng sanh sở ngã. Cái Ngã to đùng và nó không ngừng lớn mạnh theo chút tài bé mọn. Ngã chấp càng lớn vô minh càng dày, càng che khuất phần minh tuệ. Cống cao ngã mạn nhờ nói lưu loát vài thứ tiếng? Xin phép gạn ra lớp váng mê tín dị đoan để nêu sự thật: một người nông dân lúc lên đồng, vong nhập vào liền tuôn ra trôi chảy nhiều ngoại ngữ. Lúc hồn kia xuất lập tức họ trở về sự thể ban đầu là người một chữ tây cắn đôi không biết! Đó dẫu sao vẫn là tục đế. Xét về chân đế, người chứng quả Thánh đầu tiên đã có thiên nhãn thông, nhìn thấu cảnh trời và địa ngục; chứng thêm nhị, tam, tứ quả liền thấu suốt ý nghĩ của bất cứ ai, rồi đắc Thần túc thông, khởi ý niệm muốn tới đâu liền có mặt ở đó. Người Niệm Phật đạt nhất tâm bất loạn có thể “tiền trạm” tới cõi Cực Lạc, thế giới của Vô Lượng Thọ muốn bất cứ gì liền có nấy. Nhưng trong nhà Phật không phải khuyên tu để đạt những thứ ấy lòe thiên hạ. Những vị chứng càng cao, chúng ta sẽ càng không thể biết! Người được xem và tự cho mình thông minh tỉnh táo hơn các bậc đại đạo sư, cho mình luôn làm chủ bản thân, họ nhầm. Khiến tự ngã thêm lớn. Một khi ta không ít nhất sai khiến được tập khí phiền não, đơn giảncụ thể như không hóa giải nổi cơn nóng giận là đang sống trong sự lôi dẫn của nghiệp lực. Sống thuần vọng tâm, con người gọi đúng là con rối của nghiệp lực.

Chúng ta có mặt trên đời bởi sự hội tụ kết tinh nghiệp từ tiền kiếp. Có những đứa trẻ mở mắt sống chưa bao lâu đã nhận ngay nghiệp dữ quá khứ; lý do khiến người đời thường gọi “trời không có mắt” gây oan giá họa. Thực tế nhân quả tơ hào không sai. Lộ trình từ nhân tới quả luôn biến hóa; quả có thể méo mó dị dạng khiến ta không nhận ra, tuy nhiên hiển nhiên nhân ác đã gieo, không sớm thì muộn quả xấu sẽ đến. Thường tội lỗi [nhân đời trước] chưa hiện, ta lớn dần theo cái nhìn và ý nghĩ của gia đình; lớn thêm bị quy định bởi tâm thái nhìn nhận của bè bạn, xóm làng; với những người nổi tiếng họ còn “nối mạng tư tưởng” với rất nhiều người trên địa cầu. Ý niệm câu thông, còn mạnh hơn bất kỳ loại sóng nào khoa học từng khám phá. Ý niệmyếu tố tiên quyết làm nền móng tương lai mỗi sinh mệnh. Lúc thai nhi hình thành phải được thai giáo. Người mẹ chẳng những nên sống trong một không gian nền nếp không có tạp âm mà ngay đến ý nghĩ của mình cũng luôn thiện lương hòa ái. Ý niệm là mấu chốt gieo nên nghiệp lực [xấu ác] mạnh mẽ nhất. Tin nhân quảbước đầu làm chủ vận mạng. Nhân quả phải là bài học đầu tiên và xuyên suốt đời người. Được giáo dục về nhân quả, đứa trẻ sẽ không nghĩ không nói xấu ác ai, sẽ không trộm cắp thứ không phải của mình, lớn lên sẽ không sa đà nghiện ngập rượu chè hút chích, sẽ không tà niệm với kẻ ngoài vợ mình. Đứa trẻ từ nhỏ được dạy không sát hại động vật kể cả côn trùng muỗi kiến, ngược lại còn yêu thương mèo chó trong nhà đến loài vật hoang trong rừng, làm sao chúng có thể khởi ý niệm hại [giết] người cho được. Nhân quả cũng giống như giới luật. Sống trong nhân quả tức đang sống trong một không gian thanh tịnh. Ta chưa hề thấy cố nội, qua ảnh cũng không, nhưng chắc chắn tin có cố nội. Có cố mới có ông, có ông mới có cha… Nhân quả đời trước cũng vậy, ta không thấy song phải tin sâu sắc. Phật dạy nhân quả xuyên ba đời. Tin chắc tất cả mọi sự việc không như ý gặp phải tuyệt đối chẳng ngẫu nhiên, mà do nhân đời trước, phải tin và quán, và quán như thế mới không khởi tâm oán hận người đã phiền hà mình, không khởi tâm trả đũa. Người kia gây hại dù lớn đến đâu sẽ có nhân quả vũ trụ quản lý, sẽ bị báo ứng trừng trị chẳng sớm thì muộn, chớ bao giờ khởi niệm "thay trời hành đạo", muốn chỉnh sửa, giáo huấn, trừng trị lại. Khởi ý niệm này nguy hiểm vô cùng, trước hết là tự hủy phước báu, nữa là khiến cho mạng lưới nhân duyên cộng đồng cũng bị tổn hại và chính ta lúc mạng chung sẽ lọt vào đọa xứ. Chưa hết, khởi loại ý niệm này các oan gia trái chủ vô hình trong nhiều đời sẽ có dịp thuận tiện càng tác ý giúp thêm cho ý niệm xấu của ta mãnh liệt. Mỗi người cơ bản đều có số lượng lớn oan gia trái chủ từ vô lượng kiếp âm thầm theo sát; nhờ phước ta còn dày, họ chưa thể làm gì; không tu, phần đông nghiệp sẽ nhào tới lúc lâm chung. Nhớ hồi học đại học, tôi luôn mua thức ăn của một dì bán thịt heo. Bẵng đi rất lâu, một ngày hay tin dì bị ung thư. Dì nói thường thấy ai cầm dao băm chặt dưới chân... Những ngày cuối đời dì được đạo hữu gần đó khuyên niệm Phật; lúc tôi đến thăm dì còn bảo đọc Chú Đại Bi. Có người khác, cận kề cái chết đã thấy rành rành oan gia, sợ đến biến dạng mặt mày lật mình xuống giường, mà nào có trốn được. Pháp gọi hiện tượng này là hoa báo; hoa báo hiệu cho quả phía bên kia đời. Lúc sống, ai từng vùng mình khỏi cơn ác mộng (như bị truy đuổi chém giết, bị tra tấn hành hạ…), sẽ cảm được chút ít về địa ngục. Hơn thế, trí não ta chỉ mới tưởng đến cảnh hành lạc, tưởng đến cảnh sẽ phương hại người như thế nào, vào địa ngục cũng hiện lên như vậy để thọ nhận. Bạn trong đời không đánh đập ai, song đã từng giết cá hay bất kỳ loài vật nào như thế nào, lúc mất thân, hồn vào địa ngục sẽ [hiện] chịu lại nỗi đau như thế; chủ tâm giết tổ kiến từng con từng con, vào hỏa đồ nhận y xì. Ở đời cắt xẻ thịt động vật, vào địa ngục ta buộc phải “diễn lại”. Đây chỉ là điểm xuyến thoáng qua cảnh tượng nhân quả điệp trùng Phật thuyết trong kinh. Đau đớn đến trời đất cũng ứa máu! Biết làm sao. Thân động vật từ người đến loài vật nói chung đều có 27 chi pháp (trong sắc pháp) hệt nhau; trong danh pháp chúng cũng có tâm vui buồn tham sân. Bình đẳng. Nhưng ta đã gây nghiệp bất bình đẳng! Nghiệp ấy tự tạo tự chịu, không ai quy định cả. Đó là quy luật vĩnh hằng trong vũ trụ, người phát hiện ra chính là Đức Phật. Ngài chỉ nói lên sự thật trong vũ trụ. Một sự thật quá thảm, sự thật vượt khỏi lối suy niệm thông thường, nên nó trở thành hoang đường. Nhưng cái hoang đường đó vẫn thường ngày sống động trong nhân sinh thế tục, sống động tuyệt đỉnh trong mắt của bậc chân tu.

Nhân quả hữu hình đã vậy, nhân quả vô hình quả đáng sợ biết báo - đó là Ý Niệm. Ý niệm cũng có đồng minh bè phái. Ý niệm xấu khởi ra, lập tức chiêu cảm cùng loại cuộn về như lốc tố, chiêu cảm ác niệm từ ác thần ác quỷ, la sát. Ngược lại ta khởi tâm lành, nhẫn nhục, tha thứ cho đối phương thì nghiệp chướng tiêu nhanh, sức khỏe ngày càng kiện khang trường thọ. Trong nhiều buổi giảng cho Phật tử và giới trí thức, tiến sĩ Nguyễn Tường Bách cũng đặc biệt nhấn mạnh điều này. Các bậc đại đức hiện thời thì kết hợp với những khám phá của khoa học để hướng người đời cứu thế giới bằng việc giữ ý niệm thiện, thay thế và loại trừ tà niệm. Ai không tin có thể đặt hai bát cơm, hai bát nước, hai loại trái cây hay bất cứ “vật vô tri” nào ở hai căn phòng, một nghĩ xấu về nó, một phát ý nghĩ yêu thương, thời gian sau sẽ thấy chúng biến đổi tươi ngon hay thối úng. (Chỉ phát ý niệm thiện hay ác là đủ, không cần ra tiếng chưởi rủa hay lời yêu thương). Những loại “vô tri” trên sẽ [bắt sóng] hiểu và biến đổi theo ý niệm của chúng ta. Ý niệm chính là nhiên liệu tạo nên bản chất mỗi người. Nếu ý niệm không thể hiện ra chân tay miệng, bề ngoài trong đời sống y không làm hại ai song chớ nhầm tưởng y thiện lương. Trong tâm y mang ý niệm sân hận, luôn muốn người ấy người kia sớm thân bại danh liệt mau già mau chết; và bởi góp vào vũ trụ loại từ trường cực xấu, chẳng những y hại một người mà còn [góp phần] hại đến cả nhân loại. Thầy Tuệ Hải trong một buổi giảng về Nhân Quả có đoạn: “Theo kinh Địa Tạng, chúng ta chỉ cần tác ý liền có nhân quả. Mỗi khi mình nghĩ tốt, sẽ tạo một dạng sóng trường tốt đưa ra vũ trụ, nghĩ xấu sẽ tạo sóng trường xấu mang theo một dạng màu. Nghĩ thiện lành sẽ cho ra màu trong sáng, êm ái nhẹ nhàng, đi hoài trong không gian không mất, thứ hai cái sóng trường thanh bình đó sẽ chạm tới các cõi có chúng sanh đau khổ, khiến được mát dịu; ta được nhận ngay phước. Nhưng mỗi lần sân si nghĩ xấu, sẽ tạo một sóng trường bất an mang theo khí xấu, mang theo sự khó chịu cho người, khiến ta tổn phước. Thử lắng tâm nghĩ xấu đến ai, là họ cảm giác khó chịu khi nghĩ tới mình liền… Trong Kinh nói nhất niệm xuyên tam giớisự thật. Một ý niệm chúng ta đi khắp tam giới chứ không phải chỉ tới một vài người bình thường; và trong khoảng cách từ mình đến đối phương còn có rất nhiều cõi, nhiều loài chạm phải, thì đã có nghiệp, có quả báo dành cho ta rồi”. Nên nghĩ tốt về người. Loại ra những điều xấu của người và thay bằng những lời nói, cử chỉ tốt của họ. Hành giả Tịnh tông, không cứ thiện ác, cứ phát tâm từ ái niệm “A Di Đà Phật” ắt lợi đôi đường cả Đời lẫn Đạo. niệm Phật (dẫu là niệm thầm) tai không nghe là miệng niệm chứ không phải tâm niệm, mà tâm thực đang nhảy múa vũ điệu tập khí trần ai. Niệm Phật tai không chịu lắng nghe câu mình niệm là chỉ ngửi mùi chứ không thực ăn. Niệm Phật như vậy miệng niệm nhưng tâm vẫn nhìn lỗi thế gian. Lục tổ Huệ Năng khuyến “bậc chân tu không nhìn lỗi thế gian”. Người nào còn tin Ngài, với lời khai thị này hẳn phải chạm khắc vào máu huyết. Còn nhìn lỗi thế gian, nên hiểu ngay lúc đó chưa phải chân tu! Khoa học lượng tử lúc thấu tỏ lý này quả thực thấy… đau đầu; cuối cùng đưa ra hướng giải quyết thật khế hợp với tinh thần kinh điển: Thay vì chống chiến tranh, hãy ủng hộ hòa bình.

Tu, trước nhất ở Tâm; là sự thay thế ý niệm, khiến mọi vọng niệm thế gian quy về chân niệm. Mức thấp nhất, hễ nghĩ ác nghĩ xấu lập tức biết để thay vào những ý nghĩ thiện. Ý nghĩ chuyển, hành vi mới chuyển. Người lo chuyển hành vi lại không chuyển ý niệm là gãi ngứa ngoài dày. Nên hướng vào nội giới, hướng vào kiểm thảo từng ý niệm tung hoành tạo tác trong tâm. Nên nhìn lỗi mình sửa lỗi mình, chớ nhìn lỗi người sửa lỗi người trong lúc mình soi gương tạo dáng nhiều lại nhìn bản tâm quá ít. Hễ thấy anh kia rượu chè phè phỡn là chê bai bại hoại, lại không nhìn mình đóng cổng tà hạnh. Thấy bà kia nhiều chuyện lại không thấy mình nịnh nọt bợ đỡ. Thấy kẻ tham ăn lại không thấy mình tham ngủ nghỉ, tham danh. Thấy người gặp nạn liền cho chắc hắn ở cơ quan sống chẳng ra gì, lại không nhìn nhân xấu mình thường gieo và ngay vừa khởi cái ý niệm hả hê đó... Quán sâu sắc chân lý, rằng ta chỉ hiểu người được một phần tỉ, không dễ khởi ý niệm phê bình. Thế gian chẳng thiếu hàng Bồ tát, những vị Phật thị hiện tướng “phàm” tùy duyên độ cho những chúng sanh đặc biệt, ta không biết nên cứ mặc nhiên phạm thượng các ngài. Một vị Tổ khuyên xem tất cả chúng sanh đều là Phật, ngoại trừ ta [là phàm phu].

Bậc chân tu thường ngày vẫn miên mật hạ thủ công phu lấy đó hồi hướng cho những người như tôi và bạn, mà Đức Phật từ bi gọi là “đáng thương xót”, nhưng dẫu sao vẫn là cứu vãn tình thế, trong lúc gốc bệnh của chúng ta không ngừng gia tăng thông qua cấp số nhân của ý niệm bất chánh. Đây, là nguyên nhân sâu xa khiến ngay đến bậc triệt ngộ với năng lực vô biên cũng không thể ngày một ngày hai cứu vãn trong lúc chúng ta không chừng đã dật dờ trên trần thế như một bóng ma!.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn