15 Ý Nghĩa Của Cuộc Sống

30 Tháng Sáu 201100:00(Xem: 13719)


CƯ TRẦN LẠC ĐẠO

Cư Sĩ Chánh Trực
Toronto, Canada Toronto, Canada - TL 2002


Ý nghĩa của cuộc sống

Thời gian thấm thoát trôi nhanh, năm cũ sắp hết, năm mới sắp sang. Trước thềm năm mới, chúng ta hãy dành ít phút để suy tư, quán niệm: chúng ta đã làm gì cho cuộc đời mình được ích lợi, trên phương diện thế gian và xuất thế gian, trong năm vừa qua và những năm trước đó?

Đồng thời chúng ta cũng thử bàn về vấn đề "Ý nghĩa của cuộc sống", để có một nhận định đúng đắn cho cuộc đời của chúng ta từ đây về sau, trên bước đường tu học theo đúng Chánh Pháp.

Từ ngàn xưa cho đến ngày nay, từ phương đông sang đến phương tây, từ Châu Á sang đến Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Phi và Châu Úc, khi bàn về vấn đề ý nghĩa của cuộc sống, bằng cách này hay cách khác, mọi người luôn luôn bày tỏ niềm mơ ước một cuộc sống có ý nghĩa, một cuộc sống lý tưởng. Nhưng thế nào là cuộc sống lý tưởng, thế nào là cuộc sống có ý nghĩa? Làm sao xây dựng cuộc sống lý tưởng, làm sao xây dựng cuộc sống có ý nghĩa? Trải qua nhiều thế kỷ, xuyên qua nhiều địa phương khác nhau, nhiều người có những quan niệm, những quan điểm, những ý kiến khác nhau về vấn đề này.

Chẳng hạn như có người quan niệm là phải có nhiều tiền của, mới có cuộc sống lý tưởng và cuộc sống mới có ý nghĩa. Tại sao vậy? Bởi vì có nhiều tiền của, con người mới có thể làm được nhiều việc ích lợi cho bản thân và cho mọi người theo như ý của mình mong muốn. Sách có câu: "Có tiền mua tiên cũng được", chính là nghĩa đó vậy.

Chẳng hạn như có người quan niệm rằng phải có nghề nghiệp chuyên môn, phải có công ăn việc làm vững chắc, mới có cuộc sống lý tưởng và cuộc sống mới có ý nghĩa. Tại sao vậy? Bởi vì có nghề nghiệp chuyên môn, con người mới có thể giúp ích cho bản thân và cho xã hội một cách hiệu quả hơn, một cách tích cực hơn.

Chẳng hạn như có người quan niệm là phải có gia đình hạnh phúc, mới có cuộc sống lý tưởng và cuộc sống mới có ý nghĩa. Tại sao vậy? Bởi vì dù có nhiều tiền, dù có nghề nghiệp chuyên môn, dù có việc làm vững chắc, nhưng gia đình không hạnh phúc thì cuộc sống không thể gọi là lý tưởng, không thể gọi là có ý nghĩa được. Thực là thiên hình vạn trạng, muôn hình muôn vẻ, mỗi người một ý, mười phân vẹn mười!

* * *

Trong phạm vi bài này, chúng ta thử bàn qua các quan niệm trên đây, nhất là nghiên cứu ý nghĩa của cuộc sống qua giáo lý của đạo Phật, đối với đời sống của người Phật Tử tại gia bình thường.

Trước hết, chúng ta thử xét qua các quan niệm phổ thông về cuộc sống lý tưởng hay cuộc sống có ý nghĩa.

A .- Ý nghĩa của cuộc sống theo quan niệm thế gian:

I) Về vật chất:

Ở trên đời, người ta thường coi trọng quyền lực, địa vị, tiền bạc, châu báu và của cải vật chất. Người có quyền lực lớn, địa vị cao, tiền của nhiều, sản nghiệp to, thường được mọi người ngưỡng mộ, trân trọng, trầm trồ, mơ ước. Ai ai cũng nghĩ là cuộc sống của những người như vậy mới có ý nghĩa, bởi vì những người như vậy muốn gì được nấy. Mọi việc trên đời hầu như nằm trong tầm tay của họ. Họ có thể làm mọi việc theo ý muốn, theo kế hoạch đã định mà ít gặp trở ngại, hay không gặp trở ngại nào cả. Họ muốn khuếch trương sự nghiệp, hay muốn làm những việc phước thiện, đều được như ý. Thậm chí họ có thể khuynh đảo một chính quyền, hay một quốc gia với thế lực tiền rừng bạc biển của họ. Nếu những người cầm quyền thực sự đạo đức, biết vì dân vì nước, người giàu sang trưởng giả biết đem tiền của giúp đời giúp người, như xây bệnh viện, trường học, chùa chiền, nhà thờ, viện dưỡng lão, viện cô nhi, biết san sẻ niềm sung sướng, hạnh phúc cho mọi người, quả thực họ đang sống một cuộc đời có ý nghĩa và giúp cho người thấy được ý nghĩa của cuộc đời vậy.

II) Về tinh thần:

II.1) Nghề nghiệp và bằng cấp chuyên môn:

Ngoài vấn đề tiền bạc của cải, người đời cũng thường quan niệm rằng cuộc sống của những người có bằng cấp hay có nghề nghiệp chuyên môn mới có ý nghĩa. Những người như vậy có thể giúp đời, giúp người một cách cụ thể và tích cực hơn. Chẳng hạn như một vị thầy thuốc có thể cứu được mạng sống con người. Một nhà bác học có thể cứu sống nhân loại qua sự khám phá một thứ thuốc mới trị được các bệnh nan y. Một viên kỹ sư phát minh, chế tạo ra máy móc, dụng cụ, có thể phục vụ tiện ích, nâng cao đời sống của con người. Những người này khi đem hết tâm lực ra giúp đời giúp người, đem lại an lạc và hạnh phúc cho mọi người, quả thực họ đang sống một cuộc đời có ý nghĩa, và giúp cho người thấy được ý nghĩa của cuộc đời vậy.

II.2) Hạnh phúc gia đình:

Cũng có người cho rằng, dù có nhiều tiền bạc của cải, dù có bằng cấp chuyên môn, dù có nghề nghiệp vững vàng, nhưng không có hạnh phúc gia đình thì cuộc sống cũng không có ý nghĩa, không gọi là lý tưởng được. Hạnh phúc theo quan niệm thông thường là phải thuận vợ thuận chồng, con cái ngoan ngoãn, gia đình đầm ấm. Dù không tiền của nhiều, không bằng cấp cao, những người có cuộc sống yên bình, gia đình vui vẻ, trên thuận dưới hòa, gọi dạ bảo vâng, kính trên nhường dưới, đi thưa về trình, sáng tối chăm chỉ, săn sóc cho nhau, hết lòng thương yêu, quả thực họ đang sống một cuộc đời có ý nghĩa và giúp cho người thấy được ý nghĩa của cuộc đời vậy.

II.3) Lý tưởng phục vụ:

Cũng có quan niệm cho rằng khi chúng ta có một lý tưởng nào đó trong cuộc đời, để dốc hết lòng hết sức, tận tâm tận lực phục vụ, cuộc sống mới có ý nghĩa. Chẳng hạn như có người thích phục vụ tổ quốc, phục vụ quốc gia dân tộc. Có người thích phục vụ văn chương nghệ thuật. Có người thích phục vụ khoa học kỹ thuật. Có người thích phục vụ y học. Có người thích phục vụ quân đội. Có người thích phục vụ xã hội. Có người thích phục vụ tôn giáo. Những người xả thân vì tổ quốc, những người trọn đời cống hiến cho xã hội, cho văn chương nghệ thuật, cho công tác từ thiện, quả thực họ đang sống một cuộc đời có ý nghĩa và giúp cho người thấy được ý nghĩa của cuộc đời vậy.

Sách có câu:

"Làm người sống ở trên đời. Rạng danh sông núi người thời khắc ghi".

Tuy nhiên, những quan niệm về ý nghĩa của cuộc sống như vậy chỉ có tính cách giả tạm, ngắn hạn, phiến diện và không hẳn tuyệt đối. Tại sao vậy? Bởi vì nếu không có nhiều tiền bạc, nếu không có bằng cấp, không có nghề nghiệp chuyên môn, không có việc làm vững chắc, nếu không có chồng tốt, vợ đẹp, con ngoan, gia đình hạnh phúc, con người không thể có cuộc sống ý nghĩa sao? Cho dù có đầy đủ quyền lực, địa vị, tiền bạc, bằng cấp, việc làm, nếu con người sống trong cảnh vọng động, luôn luôn phải đối phó với hoàn cảnh, luôn luôn phóng tâm theo các cảnh trần, không thực sự làm chủ tâm mình, không thực sự biết mình là ai, không biết mình thiện hay bất thiện, không biết mình sinh ra đời để làm gì, không cần biết khi chết rồi mình sẽ đi về đâu, thì quả thực là cuộc sống không có ý nghĩa vậy.

* *

B.- Con người và đời sống thế gian:

I) Đời sống của con người có giới hạn:

Chúng ta thử bình tâm ngẫm nghĩ xem, cuộc đời của con người sống được bao nhiêu lâu, sáu mươi năm, tám mươi năm hay một trăm năm? Điều đó tùy thuộc vào cái gọi là "số mạng" của con người, theo cách nhìn của thế gian. Người ta thường tin tưởng rằng số mạng, hay số phận, đã được tạo hóa an bài, đã được định sẵn cho con người, từ khi sinh ra đời. Điều đó cố định, không thay đổi, còn được gọi là "định mạng". Nếu gặp cảnh ngộ bất như ý, con người chỉ biết than trời trách đất sao quá bất công. Nếu gặp cảnh ngộ như ý, con người chỉ biết khoái chí tươi vui, bởi vì nghĩ rằng nhờ trời thương, nên mình sung sướng hơn kẻ khác, không có chi gọi là bất công cả! Những người như vậy không tích cực tu nhơn tích phước, không biết làm lành lánh dữ, tiếp tục tạo nghiệp, cho nên tiếp tục đi trong lục đạo sinh tử luân hồi, biết đến bao giờ mới giải thoát được?

Thực ra không có điều gì cố định và không thay đổi cả. Theo đạo Phật, tất cả tùy thuộc vào "nghiệp duyên" của con người. Nghiệp duyên có thể sửa đổi được, do công phu tu tập và ý chí của mỗi người. Kinh sách có câu: "Phật pháp là bất định pháp". Nghĩa là con người biết tu tâm dưỡng tánh, có thể cải sửa được cuộc đời, chuyển hóa được cuộc sống, từ phiền não và khổ đau trở thành an lạc và hạnh phúc. Nếu chỉ biết tin theo số mạng hay định mạng, thì con người sẽ buông xuôi thụ động, tiêu cực chấp nhận, sống một cách buông thả. Sách có câu: "Đức năng thắng số", chính là nghĩa đó vậy.

II) Đời sống của con người bất như ý:

Có điều chắc chắn không có ai trường sanh bất tử, sống hoài không chết. Những người tu tiên nghe nói sống đến vài trăm tuổi, rồi thì cũng chết như bất cứ ai. Chắc chắn không có ai trẻ mãi không già, chuyện cải lão hoàn đồng chỉ là giấc mơ mà thôi. Chắc chắn không có ai khỏe mãi không đau, dù có đi chùa cúng kiến cầu an, van xin Trời Phật cho đuợc dồi dào sức khỏe. Nếu như cúng kiến, van xin, mà được bình yên, không đau yếu, nếu như uống nước sông nước suối, xem như nước thánh thuốc tiên, mà được khỏe mạnh khỏi bệnh, thì các bệnh viện, các phòng mạch bác sĩ nên đóng cửa, các chuyên viên y tế, các chuyên gia phục hồi sức khỏe, nên giải nghệ cho rồi. Điều chắc chắn cuối cùng là trên đời không có ai biết trước mình sống tới bao nhiêu tuổi mới từ giã cuộc đời này, và sau đó sẽ đi về đâu?

III) Đời sống của con người vô nghĩa:

Có bao giờ bất cứ ai trong chúng ta dành ít phút để thử suy nghĩ: Con người sanh ra trên thế gian này để làm gì? Không thể nói rằng thượng đế hay tạo hóa sanh ra con người, để hành phạt người này, để trừng trị người kia, để sai khiến người nọ, để thương yêu ban phúc cho những ai biết thờ phượng. Sự thực, con người sanh ra đời, không phải do tự ý, tự nguyện hay tự lực, mà chính do "nghiệp lực" dẫn dắt con người trong sáu nẽo luân hồi. Con người đến đây để trả nợ đã vay từ nhiều kiếp trước, đồng thời vì vô minh tạo thêm nghiệp, vay thêm nợ mới, gọi chung là "nghiệp báo", rồi sẽ phải trả trong hiện kiếp hoặc hậu kiếp. Cứ tiếp tục như vậy, chúng sanh liên tục lăn lộn trong vòng sanh tử luân hồi, không ngoài sáu cõi: trời, người, a tu la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Chẳng hạn như những chúng sanh, dù ở cõi trời hưởng phước, dù là ông trời, dù là thần tiên, cũng vẫn còn trong vòng sanh tử luân hồi, sau khi hưởng hết "phước báo", vẫn còn bị đọa lạc trong sáu cõi luân hồi.

Lúc còn nhỏ, cuộc sống vô tư vô lự, đứa bé không biết chuyện gì khác hơn là ăn, ngủ và chơi đùa. Lớn lên, cuộc sống khép kín trong bốn bức tường của lớp học. Sau đó đỗ đạt, thành tài, con người bắt đầu ra đời đấu tranh, để kiếm được công ăn việc làm vừa ý, để có địa vị đối với đời, rồi đến chuyện cưới vợ lấy chồng. Đại đăng khoa rồi đến tiểu đăng khoa. Những người không có duyên với học đường, thì lao ra đời sớm hơn để kiếm sống, để giúp đỡ gia đình. Tiếp đến, sanh con đầu lòng, chẳng gái thì trai. Lai rai thêm vài đứa nữa cho vui cửa vui nhà, theo quan niệm con đàn cháu đống là phước lộc trời ban. Đến lúc này, nhìn lại thì mái tóc đã điểm sương, da nhăn má hóp, lưng còng gối mõi, bất cứ lúc nào cũng có thể về đoàn tụ với tổ tiên!

Cuộc đời như vậy quả thực là vô nghĩa! Hàng triệu triệu người, từ hàng muôn muôn thế kỷ, cứ sinh ra, rồi lớn lên, lăn lộn trong cuộc sống, không biết mình là ai, khi khổ đau thì cầu trời khấn Phật, khi vui vẻ thì quên hết, cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay, từ giã cuộc đời, như thế là xong! Thái Tử Tất Đạt Đa không chấp nhận định mạng như vậy, cho nên Ngài quyết tâm ra đi tu tập, đắc đạo thành Phật, rồi đem những điều giác ngộ được truyền bá, giảng giải, thuyết pháp, để giúp con người giải thoát khỏi phiền não khổ đau và sanh tử luân hồi.

IV) Chấp ngã:

Hầu như mọi người trên thế gian này đều cho rằng: thân xác này là thực, tâm hồn này là thực. Nhưng thực ra, thân xác tứ đại này do đất, nước, gió, lửa, tạo thành, không có gì gọi là thực. Tại sao vậy? Bởi vì nếu ngày nào chúng ta không bồi dưỡng cho tấm thân, những chất từ đất sinh ra như cơm gạo, những chất như nước sữa, những chất như không khí, những chất tạo hơi ấm, thì ô hô tử vong. Đến cuối cuộc đời, thân xác này cũng phải để lại và tan rã, cát bụi trở về với cát bụi. Có gì là thực đâu? Còn tâm hồn của chúng ta thay đổi liên miên, từ bé đến lớn, từ hôm qua đến hôm nay, từ giây phút trước đến giây phút hiện tại. Tâm hồn của chúng ta, trong kinh sách gọi là "tâm thức", không có gì gọi là thực, đó chỉ là một dòng chuyển biến, trong từng sát na, trong từng giây phút, không bao giờ ngừng nghỉ, khi con người chưa ngộ đạo.

Trong đạo Phật, chấp thân tứ đại là mình, chấp tâm vô thường là mình, gọi là "chấp ngã". Vì vậy bản ngã mà người đời coi như là một "linh hồn vĩnh cữu", đó chỉ là "ảo tưởng" mà thôi. Chính cái ảo tưởng này là nguyên nhân của phiền não và khổ đau trong cuộc đời.

V) Chấp pháp:

Con người thường cho rằng mọi việc trên đời đều tồn tại vĩnh viễn. Chúc tụng nhau hạnh phúc trăm năm. Tình bạn muôn năm, tình yêu bất diệt. Cầu xin mãi mãi bình yên, không gặp nạn tai, không chuyện phiền toái. Tất cả chỉ là niềm mơ ước, mong muốn mà thôi, không phải là sự thực. Con người khi đạt được một địa vị nào đó trong xã hội, có được một sự nghiệp nào đó trên đời, thường nghĩ rằng, mong rằng, những thứ đó là miên viễn, là thường còn. Con người vĩnh viễn giữ được những điều mình đang có. Bởi vậy cho nên mới có Hoàng Thượng vạn tuế, Tổng Thống muôn năm, Chủ Tịch muôn đời, Hội Trưởng vạn niên!

Sự thực, muôn pháp trên thế gian, muôn việc trên cõi đời, từ vật chất cho đến tinh thần đều biến chuyển đổi thay, không bao giờ ngưng. Nhứt là những thứ có hình thức, tướng mạo, lớn như quả địa cầu, dãy núi, nhỏ như trái cam, hạt cải, đều trải qua bốn giai đoạn:"sinh, trụ, dị, diệt". Nghĩa là mọi vật được sinh ra bằng cách nào đó, trụ thế được một thời gian nào đó, rồi cũng đến lúc biến dị và cuối cùng là hoại diệt. Trong đạo Phật gọi đó là "vô thường".

Ở thế gian người ta gọi đó là "sự tàn nhẫn vô tình của thời gian". Mọi pháp thế gian đều không tồn tại qua thời gian. Một tòa nhà cao chọc trời kiên cố, một hệ thống xa lộ vĩ đại, tất cả chỉ còn là đống gạch vụn sắt vụn sau một cơn động đất. Một thị trấn sầm uất đông dân, nhà cửa đông đúc, tất cả chỉ còn là một khoảnh đất điêu tàn hổn độn, sau khi một cơn bão tố khủng khiếp đi ngang qua. Con người thấy đó rồi mất đó. Trên đời không có gì đáng để cho "con người tỉnh thức" phải hơn thua tranh chấp cả!

Còn theo đuổi việc hơn thua tranh chấp, con người vẫn còn si mê, chưa thức tỉnh, cho nên không thể có cuộc sống ý nghĩa được.

Trong Kinh Kim Cang, Đức Phật có dạy: "Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng".

Nghĩa là phàm ở trên đời những gì có hình thức, tướng mạo, có thể nhìn thấy bằng cặp mắt thường, đều là hư vọng, là giả tạm, không tồn tại vĩnh viễn, kể cả cái thân xác của chúng ta hiện có.

Các câu tục ngữ như: "Bèo hợp rồi tan, trăng tròn rồi khuyết", "Thương hải biến vi tang điền", hay "Bức tranh vân cẩu, kiếp người tang thương", chính là nghĩa đó vậy.

* *

C.- Ý nghĩa của cuộc sống theo quan niệm đạo Phật:

I) Thực tế của cuộc sống:

Mọi người trên thế gian thường hay nghĩ "đời còn dài", còn lâu lắm mới tới phiên mình đi chơi thế giới bên kia, cho nên cả ngày suốt tháng quanh năm, chỉ bận tâm đến chuyện kiếm tiền mưu sinh, chuyện làm ăn buôn bán, chuyện tranh danh đoạt lợi, chuyện đấu tranh tranh đấu, chuyện hơn thua tốt xấu, chuyện nhân nghĩa thị phi, chuyện đúng sai phải quấy. Nói chung con người bận tâm đủ thứ mọi chuyện linh tinh lang tang, lăng xăng lộn xộn!

Nhưng sự thực, con người thuộc đủ mọi thành phần, thuộc đủ mọi giới, thuộc đủ mọi lứa tuổi, thuộc đủ mọi sắc dân, thuộc đủ mọi địa phương, thuộc đủ mọi tôn giáo, thuộc đủ mọi tổ chức, đều có thể chết bất cứ lúc nào, bất cứ cách nào, bất cứ nơi nào. Đến khi sắp từ giã cuộc đời, con người mới giựt mình tỉnh giấc, không biết mình sẽ đi về đâu, rồi mình sẽ ra sao, sau khi chết, và cuối cùng nhận ra rằng: "mình chưa hề sống được ngày nào thực sự có ý nghĩa".

Lúc đó đã quá muộn màng. Suốt cuộc đời con người sống trong mê muội, không biết tỉnh thức, chỉ lo"tạo nghiệp", nghiệp lành thì ít, nghiệp dữ thì nhiều. Nghiệp lành bao gồm những việc phước thiện lợi ích, những chuyện lấy ân báo oán, những chuyện đem lại an lạc hạnh phúc cho mọi người. Nghiệp dữ bao gồm những việc lợi mình hại người, những việc lấy oán báo ân, những việc vạch lá tìm sâu, những việc ném đá dấu tay, những việc gửi thư nặc danh, những việc hăm he hù dọa, những việc vu oan giá họa, những việc đem lại phiền não khổ đau cho người, phát xuất từ tâm tham lam, sân hận, si mê, đố kỵ, ganh tị, ích kỷ, cống cao, ngã mạn, chấp chặt, thành kiến, phân biệt, kỳ thị, bất chính.

II) Hoạt động của cuộc sống:

Chỉ vì cuộc sống khó khăn, con người phải bon chen, sống vội sống vàng, sống trong nghèo nàn tình thương, sống trong những ham muốn không bao giờ thỏa mãn, sống trong tức giận thù hận ngập tràn, sống trong cuồng loạn si mê, sống trong lo âu sợ hãi, thấp thỏm ưu tư, căng thẳng phập phồng.

Con người sống trên cuộc đời, nhưng không thực sự biết rằng mình đang sống, đang làm gì, để làm gì?

Thí dụ như con người khi ăn uống không thực sự biết mình đang ăn uống. Trong khi ăn uống, con người bận đọc báo, bận nói chuyện, bận coi truyền hình, bận nghe điện thoại, bận giận tức con cái, bận nhớ chuyện đời xưa, bận suy nghĩ kế hoạch làm ăn, quay cuồng với đủ các thứ chuyện trên đời. Trong khi tay gắp thức ăn bỏ vào miệng, hay bưng ly nước uống, nhiều khi chẳng biết đó là thức ăn gì, món nước gì!

Trong khi ngủ, con người bận nhớ chuyện xảy ra trong ngày, bận toan tính chuyện ngày mai, bận lo lắng chuyện hôm qua, bận tức giận chuyện hôm nay, bận suy tư nghĩ tưởng trăm muôn ngàn việc. Giấc ngủ như vậy nào được bình yên, giấc ngủ như vậy nào được khỏe khoắn, ngủ như vậy nào được thẳng giấc gì đâu! Ban ngày con người để đầu óc lăng xăng lộn xộn, thương người này thù người kia, chuyện này phải chuyện kia quấy, ban đêm nhứt định nằm mơ thấy ác mộng!

Trong khi đi, con người lo trể giờ hẹn, lo trể giờ làm, bận lo chuyện đông, bận lo chuyện tây, bận ngó ông gầy, bận cười bà béo, bận nhìn trời mây, cho nên nhiều khi vấp phải đá, nhiều khi quàng phải dây, nhiều khi đạp nhằm gai gốc, nhiều khi đụng phải cột đèn, nhiều khi lọt luôn xuống cống!

Trong khi đứng, khi nằm, khi ngồi, con người bận lo chuyện tiền bạc, chuyện làm ăn buôn bán, chuyện bàng quan thiên hạ, chuyện giận tức ganh tị, chuyện thưa gởi kiện tụng. Con người thường để tư tưởng chạy rông, từ đông sang tây, từ xưa đến nay, từ chuyện mình đến chuyện người, từ chuyện quốc gia đại sự đến chuyện lặt vặt nhỏ nhen.

Nói chung, trong bốn động tác thường ngày của cuộc sống: đi, đứng, nằm, ngồi, con người thường không biết mình đang đi, không biết mình đang đứng, không biết mình đang nằm, không biết mình đang ngồi, tâm tư lúc nào cũng dong ruỗi ở tận đâu đâu!

Con người luôn luôn sống theo sự lôi cuốn, sự tác động của ngoại cảnh chung quanh, không làm chủ được tâm mình.

Con người sống trên cuộc đời nhưng không thực sự biết rằng mình đang sống.

III) Thế nào là cuộc sống có ý nghĩa:

III.1) Sống lợi mình lợi người là cuộc sống có ý nghĩa. Những việc gì mình không muốn người khác làm cho mình, thì mình đừng làm như vậy cho người ta. Chẳng hạn như mình không muốn bị người khác quấy rầy, không muốn đời tư bị bươi móc, thì mình đừng làm như vậy cho người ta. Chẳng hạn như mình không thích bị ai phê bình, chỉ trích, khinh khi, phỉ báng, thì mình đừng vạch lá tìm sâu, bới bèo tìm bọ, viết thư nặc danh, hăm dọa chửi bới người ta. Phải nên biết rằng: gieo nhân nào gặt quả nấy, đong đấu nào nhận đấu nấy!

III.2) Sống không ưu tư, không phiền não trong mọi hoàn cảnh là cuộc sống có ý nghĩa. Vì áp lực của cuộc đời thường đè nặng trong tâm tư, chúng ta bị ngoại cảnh chi phối quá nhiều, ngày ăn không ngon, đêm ngủ chẳng yên. Lúc thịnh thì vui, lúc suy thì buồn. Lúc nhục nhã thì bực, lúc danh dự thì khoái. Lúc xưng tán thì thích, lúc phê phán thì quạu. Lúc khổ thì than, lúc hân hoan thì chịu! Nở được nụ cười nhẹ nhàng, vô ưu, trầm tĩnh, trong mọi hoàn cảnh giúp chúng ta sống cuộc đời có ý nghĩa. Nụ cười thương yêu, nụ cười có ý thức bao giờ cũng đẹp đẽ và thường giúp con người sống cuộc đời có ý nghĩa một cách mầu nhiệm khó thể nghĩ bàn.

III.3) Sống trong tỉnh thức là cuộc sống có ý nghĩa. Chúng ta biết mình thực sự là ai, biết mình thực sự đang làm gì, biết mình thực sự đang nói gì, biết mình thực sự đang nghĩ gì. Chúng ta thường mang cái áo đời danh lợi, cho nên quên "con người chân thật" của mình, luôn luôn sống trong ảo tưởng. "Con người chân thật" là con người luôn luôn sống trong tỉnh thức, kiểm soát được hành động, lời nói và tư tưởng, không phân biệt nam nữ, giàu nghèo, trình độ, xuất xứ, đời sống, dân tộc. Sống trong tỉnh thức nghĩa là phải có chánh kiến, theo chánh tư duy, giữ gìn chánh ngữ, thực hành chánh nghiệp, sống với chánh mạng, có chánh tinh tiến, luôn luôn chánh niệm, có được chánh định.

III.4) Sống trong an lạc và hạnh phúc là cuộc sống có ý nghĩa. Cuộc sống không dính mắc, không sân hận, không si mê, không phiền não, không chấp chặt, không thành kiến, không kỳ thị, không tranh chấp, không hơn thua, không bon chen, không đua đòi. Khi có người mang lửa đến đốt, chúng ta đừng đưa bổi ra đón, thì sẽ không bị đốt cháy. Nghĩa là nếu bị người chửi mắng, hay khi nhận được thư, dù nặc danh hay chính danh, nặng lời nhục mạ, chúng ta không nổi cơn sân, dù ngoài mặt hay trong lòng, thì chúng ta được bình yên vô sự. Chúng ta không có được những gì mình thích, thì hãy thích những gì mình có. Được như vậy, ngày ăn ngon tối ngủ yên, và chắc chắn chúng ta sống cuộc đời an lạc và hạnh phúc.

III.5) Sống an trú trong hiện tại là cuộc sống có ý nghĩa. Chúng ta thường luyến nhớ quá khứ, mơ tưởng tương lai. Sống trong cuộc đời hiện tại, chúng ta nên biết rằng "mình đang sống", đang hít thở không khí, đang ở trong chánh niệm, sống với thiện tâm, sống không tà niệm. Được như vậy, tâm của chúng ta như dòng nước trong mát, không vướng bụi trần, không vương phiền não. Bình an dưới thế cho người thiện tâm.

Trong Kinh Kim Cang, Đức Phật có dạy:

Quá khứ tâm bất khả đắc,
hiện tại tâm bất khả đắc,
vị lai tâm bất khả đắc.

Nghĩa là chuyện quá khứ cảm giác đã qua đi, không nên nhớ nữa, chuyện hiện tại thấy đó rồi mất đó, cảm giác nào rồi cũng qua mau, không có gì tiếc nuối, chuyện tương lai chưa đến, đừng lo lắng ưu tư phiền muộn, chỉ khiến cuộc đời thêm phức tạp phiền não mà thôi!

III.6) Sống trong giác ngộ và giải thoát là cuộc sống có ý nghĩa. Chúng ta muốn có cuộc sống ý nghĩa, bình yên, phẳng lặng, an lạc và hạnh phúc, chúng ta phải biết quán sát chân lý, nhận chân lẽ thực, thấy được thực tướng của vạn hữu. Chúng ta muốn có cuộc sống ý nghĩa, thì nên biết rằng, chúng ta sinh ra đời để trả hết các nợ đã vay, đã tạo tác từ nhiều tiền kiếp, đừng tạo thêm nghiệp mới, chấm dứt sinh tử luân hồi, không si mê, không mơ tưởng, không van xin, không mong cầu. Chúng ta phải sáng suốt nhận định rõ ràng: cuộc đời khổ nhiều vui ít.

Cho nên, chấp nhận cuộc đời là chấp nhận: sinh lẫn diệt, còn lẫn mất, được lẫn thua, khen lẫn chê, vui lẫn buồn. Chấp nhận cuộc đời là chấp nhận: có làm có hưởng, có làm có chịu, sinh sự sự sinh, gieo gió gặt bão. Chấp nhận cuộc đời là chấp nhận: nay còn mai mất, nay xấu mai tốt, nay bạn mai thù, chuyển biến không ngừng. Cần phải có thời gian tu tập thực nghiệm lâu dài, cần phải có công phu quán chiếu bền bỉ, cần phải có ý chí mạnh mẽ, nghị lực vững vàng, để chuyển hóa cuộc đời từ phiền muộn, ưu tư, lo âu, sợ hãi, trở thành hoan hỷ, vui vẻ, thanh thản, tự tại. Được như vậy, chúng ta sẽ giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi.

IV) Làm sao xây dựng cuộc sống có ý nghĩa:

Để có được một cuộc sống có ý nghĩa, chúng ta phải luôn luôn tỉnh thức, giữ tâm bình thường, thản nhiên, tự tại trong mọi hoàn cảnh, trong mọi tư thế, trong mọi hành động, trong mọi lời nói, trong mọi ý nghĩ. Trong mọi hoàn cảnh, trong mọi tư thế, dù được hay mất, dù khen hay chê, dù thân hay thù, dù vui hay khổ, dù oan hay ưng, dù đúng hay sai, chúng ta phải luôn luôn tỉnh thức, vẫn giữ tâm bình thường, không xao động, không khởi niệm. Khi đi, đứng, nằm, ngồi, chúng ta biết mình đang đi, đang đứng, đang nằm, đang ngồi. Làm việc gì tập trung tinh thần vào việc đó, không xao lãng, không lo ra. Được như vậy, chúng ta không gặp tai nạn nghề nghiệp, có thể làm xong công việc một cách tốt đẹp và chúng ta có một cuộc sống ý nghĩa.

Trong mọi hành động, chúng ta phải luôn luôn không nên làm tổn thương đến người và vật. Trong mọi lời nói, chúng ta luôn luôn giữ gìn khẩu nghiệp, không nói những lời làm tổn thương đến mọi người, dùng lời nói chuyên chở tình thương, những khi cần thiết mang lại ánh sáng chân lý, giảng giải giáo lý cho mọi người được gội nhuần nước cam lồ tươi mát. Trong mọi ý nghĩ, chúng ta phải luôn luôn giữ gìn chánh niệm, không theo các tạp niệm dong ruỗi bốn phương, không để tâm theo việc thương ghét thân thù, giữ tâm bình thường, bất tùy phân biệt, không kỳ thị, không thành kiến, luôn luôn chăn trâu kỹ lưỡng, không để trâu dẫm đạp lúa mạ của người.

Khi tâm tham khởi lên, khi tâm sân nổi lên, chúng ta phải tỉnh thức, biết ngay và buông bỏ, không theo.

Chúng ta không nên để các vọng tâm tham sân đó xúi giục làm điều xằng bậy. Được như vậy chúng ta có cuộc sống ý nghĩa và lý tưởng, đồng thời mới có thể giúp mọi người chung quanh sống đời có ý nghĩa vậy.

Trong cuộc đời trên thế gian này, muốn cuộc sống có ý nghĩa, chúng ta nên thường xuyên quán chiếu rằng: mình đã để cho cuộc đời của mình trôi qua trong quên lãng đã bao nhiêu ngày tháng năm rồi? Hãy thử lắng lòng nghiệm xét xem: mình đã làm gì cho đời mình, ngoài những việc làm kiếm tiền sinh sống và giải trí vui chơi?

Để biết nhìn đời cho đúng ý nghĩa, trong Kinh Hoa Nghiêm, Đức Phật dạy: "Từ nhãn thị chúng sanh".

Nghĩa là muốn cuộc sống có ý nghĩa, chúng ta cần nhìn tất cả mọi người với con mắt từ bi hỷ xả. Chúng ta nên biết thương người cũng như thương chính mình, cảm thông nỗi khổ đau của người như nỗi khổ đau của chính mình, đừng làm khổ người, dù là kẻ thù, cũng vậy.

Sách có câu:"Mắt thương nhìn cuộc đời", chính là nghĩa đó vậy.

Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Đức Phật dạy:

Muốn cuộc sống có ý nghĩa, hãy mặc áo Như Lai, ở nhà Như Lai và ngồi tòa Như Lai.

Nghĩa là trong mọi hoàn cảnh, chúng ta luôn luôn "mặc áo nhẫn nhục" của Như Lai, tức là nhẫn mà không thấy nhục, để ứng xử trong cuộc đời đầy phiền não và khổ đau, không nên gây thêm phiền não và khổ đau cho mọi người. Để có thể thực hành được hạnh nhẫn nhục đến độ rốt ráo tột cùng, trong kinh sách gọi là ba-la-mật, chúng ta cần an trú trong "căn nhà đại từ đại bi" của Như Lai. Có được tấm lòng đại từ đại bi của Đức Phật, chúng ta mới có thể nhẫn nhục được, không nỗi sân hận, hay tức giận khi bị người chửi rủa, mắng nhiếc, nhục mạ, vu oan, thưa kiện. Và cuối cùng, sau khi nhẫn nhục được rồi, phát triển tâm từ bi được rồi, làm tất cả mọi việc phước thiện rồi, chúng ta luôn luôn nhớ ngồi trên "tòa pháp không" của Như Lai, tức là chúng ta quên hết mọi việc tốt đẹp đã làm, để lòng kiêu mạn không phát khởi, để luôn luôn giữ "tâm bình thường" trong từng sát na vậy. Thực hiện được ba điều Đức Phật dạy trên đây, dù đang sống trên thế giới ta bà khổ này, chúng ta vẫn an nhiên tự tại với tâm bình thường và cuộc sống mới có ý nghĩa thực sự vậy.

Chúng ta cùng suy ngẫm câu chuyện sau đây: Một hôm hai vị sư huynh đệ có việc cùng xuống núi. Khi xong việc trở về đến bên một con suối, hai vị thấy một cô gái ăn mặc đàng hoàng, đang lúng túng chưa biết cách nào lội qua suối. Sau khi hỏi qua cớ sự, vị sư đệ liền bồng cô gái đưa giùm qua suối. Trên suốt quãng đường còn lại, vị sư huynh lầu bầu, cằn nhằn sư đệ đã đụng chạm cô gái, như vậy là phạm giới, đó là những việc không nên làm. Vị sư đệ c? bình thản bước đi, im lặng, không đối đáp. Lúc về tới cổng chùa, vị sư huynh vẫn còn tiếp tục lãi nhãi, vì tưởng rằng sư đệ lặng yên, nghĩa là nhận tội đã làm. Cho đến lúc đó, vị sư đệ mới thốt nên lời: Đệ đã bỏ cô gái ấy lại bên bờ suối từ lâu rồi, tại sao huynh vẫn còn cõng cô ta về đến đây vậy?

Qua câu chuyện này, chúng ta nghiệm xét hai điều:

Một là, người sống với chánh niệm thường im lặng, không tranh cãi, không thị phi, không đính chính, oan ức không cần biện bạch, vì biện bạch là nhân ngã chưa xả, lấy oan ức làm cửa ngõ đạo hạnh.

Hai là, trong cuộc sống thường ngày, sau khi đi làm hay đi chơi, chúng ta cõng không biết bao nhiêu là nhân vật về nhà, có khi còn cõng luôn lên giường ngủ nữa là khác!

Bởi vậy cho nên, chúng ta chứa biết bao nhiêu là hình bóng, người thương kẻ thù, trong kho tàng tâm thức của chúng ta. Nhân dịp cuối năm, chúng ta thường dọn kho chứa đồ đạc cho sạch sẽ, luôn tiện hãy dọn dẹp kho tàng tâm thức cho trống trải. Được vậy cuộc sống chúng ta sẽ bớt phiền não và khổ đau. Từ đây, cuộc sống mới có ý nghĩa vậy.

* * *

Tóm lại, mặc dù được xem như là một tôn giáo, nhưng đạo Phật không phải chỉ có các hình thức cúng kiến, nghi lễ và người theo đạo Phật không bắt buộc phải có lòng tin, không bắt buộc phải có đức tin, không bắt buộc phải nhắm mắt tin theo, cúi đầu chấp nhận, bất cứ điều gì, dù được ghi chép trong kinh điển, khi lý trí chưa chấp nhận. Người Phật Tử nương theo giáo lý của Đức Phật để làm phương tiện chuyển hóa đời mình, từ phiền não sang an lạc, từ khổ đau sang hạnh phúc.

Mục đích tối hậu, mục đích cứu kính, mục đích tột cùng của Phật giáo vẫn là chỉ bày phương pháp rèn luyện tâm tánh, phương pháp tu tâm dưỡng tánh, để giúp con người sống được với "con người chân thật" của mình, chứ không phải sống với cái tấm thân tứ đại nặng nề đòi hỏi đủ thứ chuyện, chứ không phải sống với cái tâm hồn thay đổi liên miên, sai xử đủ thứ việc, để giúp con người bớt được phiền não và khổ đau hiện đời, được an lạc và hạnh phúc, được Niết-bàn hiện tiền, giải thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi.

Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, Đức Phật có dạy:

Chư hành vô thường.
Thị sinh diệt pháp.
Sinh diệt diệt dĩ.
Tịch diệt vi lạc.

Nghĩa là mọi việc trên đời đều vô thường, không tồn tại lâu dài, kể cả tấm thân tứ đại nặng nề mấy chục ký lô, cùng với cái tâm lăng xăng lộn xộn của chúng ta, tất cả đều là những pháp sinh diệt, những thứ sinh ra rồi sẽ diệt đi, không tồn tại vĩnh viễn, không có gì phải quan trọng. Nếu quan trọng cái thân và cái tâm sinh diệt thì con người sẽ sống trong phiền não và khổ đau.

Điều quan trọng chính là làm sao cho tâm lăng xăng lộn xộn sinh diệt đó lặng đi, không còn nữa, tức là chúng ta không còn tham lam nữa, chúng ta không còn nổi sân nữa, chúng ta không còn si mê nữa, khi đó cảnh giới tịch diệt hiện tiền, ngay trước mắt, đó mới thực là vui, đó chính là Niết-bàn, là cực lạc vậy.

Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đức Phật có dạy: "Sinh diệt diệt dĩ, tịch diệt hiện tiền", chính là nghĩa đó vậy.

Nói chung, Phật giáo có mục đích giúp con người sống trong tỉnh thức, biết mình đang thực sự sống một cuộc đời có ý nghĩa, một cuộc đời lý tưởng vậy.
 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn