18. Giác Ngộ

05 Tháng Bảy 201100:00(Xem: 13535)


CUỘC ĐỜI CỦA ĐỨC PHẬT

THE STORY OF BUDDHA
Nguyên Tác: JOHNATHAN LANDAW - Người Dịch: H. T. THÍCH TRÍ CHƠN

18 GIÁC NGỘ

Sa môn Tất Đạt Đa cảm thấy tâm mình nhẹ nhàng và yên tĩnh. Dần dần Ngài quán chiếu sâu vào tự thân và trí tuệ của Ngài ngày càng sáng suốt hơn. Bằng con mắt của tâm giác ngộ, Ngài nhìn thấy biết mọi việc xảy ra trong quá khứ. Ngài khám phá ra rằng khi đời sống này kết thúc thì một kiếp sống mới lại bắt đầu. Chết chỉ là sự hủy diệt của thân xác; nhưng dòng sống của nó vẫn tiếp tục diễn tiến tồn tại để tái sinh hiện hữu trong một xác thân mới, mãi mãi luân hồi.

Ngài nhận biết rằng người nào gây nhân ác trong đời hiện tại như làm hại kẻ khác thì họ (nam cũng như nữ) sẽ nhận chịu quả báo đau khổ trong kiếp sau. Nhưng nếu ai có lòng thương mọi người thì họ sẽ gặt lấy kết quả hạnh phúc và an vui. Bất cứ hành động nào do con người gây ra sẽ không bao giờ mất, mà việc làm ấy còn gây hậu quả hạnh phúc hay khổ đau cho họ trong nhiều đời sau.

Ngài cũng khám phá nhận thấy rằng mọi kiếp sống của tất cả chúng sanh đều có tương quan, tương duyên với nhau; tâm Ngài thể nhập chân lý thâm sâu mầu nhiệm. Mặt trời, các hành tinh, những vì sao và giải ngân hà của vũ trụ tâm Ngài đều quán sát thấu rõ tất cả trong lúc thiền định. Ngài nhận biết rằng các vật thể từ hạt bụi nhỏ nhất đến ngôi sao lớn nhất đều có liên hệ với nhau. Mọi vật luôn luôn biến đổi: sanh diệt rồi lại diệt sanh. Chẳng có sự việc gì xảy ra mà không có nguyên nhân, và các nguyên nhân đều gây ra kết quả.

Rồi Ngài khám phá ra rằng thế gian là ngập tràn những khổ đau. Ngài thấy mọi chúng sanh từ côn trùng bé nhỏ đến vị vua quyền uy nhất đều chạy đuổi theo các thú vui dục lạc, và cuối cùng chỉ gặt lấy những đau khổ. Và Ngài khám phá ra nguyên nhân của mọi sự khổ. Nghèo nhận thức rằng con người không hiểu rõ là vạn vật đều vô thường. Họ không thấy được chân lý này. Do mê lầm, con người đã tranh chấp, trộm cắp và sát hại để mong chiếm đoạt những tài sản mà họ tham đắm; nhưng các của cải ấy không bao giờ mang lại cho họ nguồn hạnh phúc lâu dài. Chúng sẽ chóng thay đổi hoặc suy tàn và con người lại bắt đầu đi tìm những sản nghiệp mới.

Ngài cũng thấy rằng người đời thường chống đối những điều họ không ưa thích. Cuộc sống của họ tràn đầy sự oán ghét và hận thù. Lúc nào con người cũng nghĩ đến việc làm hại kẻ khác, để rồi sau đó họ phải nhận lãnh sự buồn đau. Từ đời này sang kiếp nọ con người tự tạo cho mình nhiều điều bất hạnh. Họ mong đi tìm sự an lạc nhưng lại gặp toàn những khổ đau. Cuối cùng, Ngài đã tìm ra con đường dẫn đến chấm dứt sự khổ. Nếu ai có thể nhìn thấy rõ ràng chân lý như chính Ngài đã thấy vào đêm hôm nay thì mọi điều chạy theo dục vọng và chịu khổ đau của họ sẽ chấm dứt. Tâm con người không còn tham lam hay sân hận. Họ cũng không làm bất cứ điều gì gây tổn hại đến người khác. Do đó họ cảm thấy rất hạnh phúc. Khi hủy diệt hết sự oán thù, lòng người sẽ chứa chan tình thương và lòng yêu thương này sẽ mang lại cho con người sự an lạc và hạnh phúc mà không có gì so sánh được.

Khi sa môn Tất Đạt Đa thấu triệt rõ tất cả những điều này, chân tâm của Ngài không còn dính mắc một chút bụi vô minh nào. Ngài đã có được ánh sáng trí tuệ tuyệt luân. Ngài không còn là một nhân vật bình thường mà là người đã hoàn toàn chứng đắc đạo quả giác ngộ. Giờ đây Ngài là một vị Phật (Buddha)(24) Ngài đã thành tựu mục tiêu của Ngài!
 
Với nụ cười thanh tịnh và an lạc, Ngài xuất thiền đứng dậy. Khi ấy vào lúc ban mai và mặt trời đang hừng mọc ở phương đông.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
17 Tháng Năm 2016(Xem: 5316)
Tam Bảo như lãnh vực hoạt động của mặt trời. Lòng bi mẫn của các ngài thì vô tư và không bao giờ cạn kiệt. Hãy quy y từ tận đáy lòng bạn. Đây là lời khuyên tâm huyết của tôi.
06 Tháng Năm 2016(Xem: 5495)
Phật Giáo là một tôn giáo có khoảng 300 triệu người trên khắp thế giới. [01] Từ ngữ "Phật Giáo" xuất phát từ chữ "budhi", có nghĩa là "tỉnh thức". Phật Giáo có nguồn gốc cách đây khoảng 2.500 năm khi Sĩ Đạt Ta Cồ Đàm (Siddhartha Gotama), được biết là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã tự mình tỉnh thức (giác ngộ) ở tuổi 35.
11 Tháng Tư 2016(Xem: 6698)
Sách nằm trong loạt sách liên kết được sự cho phép chính thức bằng văn bản của ngài Rajiv Mehrotra, thay mặt cho Văn phòng Đức Đạt-lai Lạt-ma tại Ấn Độ.
18 Tháng Giêng 2016(Xem: 6726)
Đây là bốn Chân lý cao quý. Này chư tăng! Những gì là bốn? Các Chân lý cao quý về khổ, về nguồn gốc của khổ, về sự chấm dứt của khổ, và Chân lý cao quý về phương pháp dẫn đến sự chấm dứt của khổ.
03 Tháng Giêng 2016(Xem: 6238)
Chúng ta hãy đừng lừa dối chính mình, điều này tưởng chừng như không khó khăn nhưng thật sự đó là điều khó nhất trong tất cả các trạng thái mà chúng ta có thể đạt được. Bằng cách "không lừa dối chính mình", nghĩa là tôi muốn nói chúng ta hãy ngưng vẽ một bức tranh của thế giới ngày nay bằng những sai lầm với các màu sắc khoái lạc, vì tiện nghi và an toàn cho riêng mình.
19 Tháng Tám 2015(Xem: 4948)
25 Tháng Tư 2015(Xem: 41610)
Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tất cả chúng sanh vốn dĩ là Phật”, hiện tại vẫn là Phật. Chẳng qua hiện tại, bạn có vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nên biến thành như vầy. Nếu buông bỏ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, bạn cùng Thích Ca Mâu Ni Phật, A Di Đà Phật Như Lai, Tỳ Lô Giá Na Phật,… không hề khác nhau