Phụ Lục

21 Tháng Bảy 201100:00(Xem: 6306)

PHÁP NGỮ LỤC

Thích Đức Niệm
Phật Học Viện QuốcTế Xuất Bản Phật Lịch 2535 - 1991




PHẦN PHỤ LỤC

24. BƯỚC VÀO CỬA PHẬT

Sau những năm tù đày dưới bàn tay bạo quyền ác nghiệt của cộng sản, rồi sau đó tôi đã phải sáu lần lặn lội chui nhủi mới trốn thoát được đến đảo tỵ nạn và nay định cư ở Mỹ.

Sáu năm sống trên đất Mỹ, tôi đã dời đổi gia đình đi khắp bảy tiểu bang. Từ tiểu bang ấm Cali đến tiểu bang lạnh Minnesota và giờ đây là Chicago. Nơi nào tôi cũng thấy xa lạ thiếu vắng tình quê hương, thiếu cả tình người.

Hôm nay rằm tháng mười, gia đình người bạn đến rủ tôi đi chùa lễ Phật. Nghe đi chùa, vợ con tôi vui mừng thúc dục tôi. Thế rồi, chúng tôi cùng lên xe. Chẳng mấy chốc từ xa tôi đã thấy cờ Phật giáo phất phới bay trên nóc cao của một building lớn. Lòng thầm nghĩ rằng nơi đó có lẽ là chùa. Quả thật, đúng như tôi đoán, ba chữ Chùa Quang Minh màu đỏ tiếp tục lớn hiện ra trên mặt tiền của một building. Chúng tôi cho đậu xe rồi cùng bước vào chùa.

Đây là lần đầu tiên trên đất Mỹ tôi đến chùa. Chùa Quang Minh Chicago không giống như chùa ở quê nhà có vườn cây hoa lá. Nhưng chùa khá rộng và khang trang. Chúng tôi vào đúng lúc buổi lễ bắt đầu. Chánh điện phía sau còn nhiều chỗ trống. Tôi nghĩ lạ, tại sao ngày rằm tháng mười lại ít người về chùa. Nhưng khoảng 15 phút sau, tôi quay lại nhìn phía sau thì thấy người ngồi đầy chật chánh điện. Ừ, té ra người ta đi chùa, làm việc phước thiện ít sốt sắng hăng hái. Nhưng đi nhảy, đi coi hát, tiệc tùng thì lúc nào cũng đi đúng giờ khắc, nhiều khi đi trước giờ nữa là khác. Thế thì bảo sao cuộc đời không đầy dẫy tội các phiền khổ.

Từ đó suy ngẫm, có lẽ người Việt mình vụng tu, nên phải chịu kiếp tha hương chăng?

Tôi đang miên man suy nghĩ, thì ba hồi chuông trống Bát Nhã chấm dứt, vị xướng ngôn viên kêu gọi mọi người trang nghiêm im lặng một phút để tưởng niệm những vị đã vì pháp vong thân, những anh hùng tử sĩ đã vì nước hy sinh và những đồng bào vì lý tưởng tự do mà đã bỏ mình trên khắp nẻo.

Ôi! Thật là giờ phút trang nghiêm và đầy ý nghĩa. Dù sống ở đâu và phương trời nào, chúng ta cũng nhớ đến những người đã hy sinh để chúng ta được sống còn. Ý nghĩa này, lần đầu tiên sau sáu năm trên đất Mỹ, tôi thấy sống lại trong ngôi chùa. Ngôi chùa ôm ấp hồn dân tộc. Với lời giới thiệu chững chạc của bác xướng ngôn viên, tôi được biết vị thầy đang đứng nơi điện Phật trước mặt chúng tôi là Thượng Tọa Thích Đức Niệm. Cái tên nghe rất quen thuộc, từ mấy mươi năm trưóc, khi còn ở quê nhà, tôi đã từng nghe đến danh của Thượng Tọa Thích Đức Niệm, và nếu không lầm, thì tôi cũng đã từng đọc những bài của Thầy đăng trong các báo Bách Khoa và Thông Thiên Học Sàigòn. Trong khi tâm trí tôi đang miên man sống về những kỷ niệm của thời dĩ vãng nơi quê hương, thì giọng nói Thầy đĩnh đạc cất lên:

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, kính thưa quý Phật tử và quý đồng hương ... Và Thầy mở đầu bài thuyết pháp. Đây cũng là lần đầu tiên tôi đi chùa nghe thuyết pháp trên đất Mỹ. Lời giảng của Thầy thật trầm hùng bình dị thực tế, nhưng thật sâu sắc. Nếu nghiệm kỹ ra thì những lời giảng đó đem áp dụng vào đời sống sẽ đem lại kết quả hạnh phúc lợi ích vô cùng. Tôi còn nhớ một trong những đoạn của bài Thầy giảng hôm ấy, nay xin lược kể ra đây:

"... Sau thời 1963, tôi (tức Thầy Đức Niệm) đã có được phước duyên thường hầu cận Đức Tăng Thống Thích Tịnh Khiết ở chùa Ấn Quang. Những lúc thanh thản tôi quạt hầu, Ngài kể cho tôi nghe những chuyện cung miếu triều vua và những chùa viện cùng các bậc cao tăng ở đất thần kinh cố đô Huế. Trong lúc đó, Ngài có kể một câu chuyện về ông quan tri huyện kiêu mạn tự cao như thế này:

Có một ông tri huyện hán học uyên thâm chữ viết rồng bay phượng múa, nhưng có cái tật cậy tài thông minh, ỷ mình con nhà quyền thế, nên tánh tình cao ngạo, manh tâm gian ác lấy việc hãm hại người làm thú vui đắc chí. Tuy có tài, nhưng thiếu phẩm hạnh, dù luồn cúi khắp phương, nhưng trên đường quan lộ, ông huyện không thăng tiến thêm được bước nào. Bạn bè ông huyện, tuy tài không bằng ông, họ lại cũng không phải xuất thân từ nhà quyền thế, nhưng ai nấy đều tiến thân, có người được dân chúng mến trọng.

Nhìn lại thân phận, ông huyện buồn đời, nên có ý muốn tìm nơi an ủi tâm hồn. Từ lâu, ông đã nghe nói đến kinh Kim Cang là bộ kinh ý nghĩa thâm thúy trong Phật giáo. Ông cũng đã nghe nói đến Lục Tổ Huệ Năng cũng nhờ câu kinh Kim Cang "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm" mà ngộ đạo đắc Tổ. Ông huyện tự nhủ: Lục Tổ Huệ Năng không biết chữ, chỉ nhờ nghe một câu kinh Kim Cang mà ngộ đạo. Huống chi mình thâm nho bác học như thế này chắc phải thông suốt lý kinh đạt đạt đạo mau hơn.

Nghĩ vậy, ông huyện nhờ người tìm kinh, bắt đầu lập bàn thờ Phật, sớm hôm chuyên tụng kinh Kim Cang. Suốt gần 15 năm ông huyện trì tụng kinh Kim Cang không mấy khi bê trễ. Và cũng nhờ vậy mà ông vơi nhẹ đi tủi thân phiền muộn, vợ con người ở trong nhà cũng nhờ đó mà đỡ bớt bị ông cau có la rầy đay nghiến đánh mắng. Từ ấy, trong nhà vợ con ai nấy đều lấy làm mừng.

Vợ ông huyện thấy ông cũng đã hơn năm mươi tuổi, kinh kệ cũng nhiều năm, nên đã nhiều lần thừa lúc ông vui, bà huyện khuyên ông nên tìm thầy quy y để nương tựa tinh thần, tu học đạo cho mau có kết quả. Cứ mỗi lần bà huyện khuyên như vậy, là bị ông huyện gạt phăng: "Đàn bà biết gì. Bà có biết cả xứ Huế ni không có ông thầy nào thông hiểu kinh Kim Cang bằng tui. Tui còn dạy những ông thầy ấy được nữa là khác. Đâu có ông nào xứng đáng để cho tôi bái làm thầy cầu đạo. Tôi không cần quy y tăng. Tôi chỉ quy y Phật pháp nhị bảo mà thôi" Có đôi lúc bạn bè cũng khuyên ông huyện nên tìm bậc cao tăng theo lời Phật dạy để mà quy y Tam Bảo. Nhưng ông nói cười xã giao cám ơn lòng tốt của họ và từ chối khéo. Tánh tình ngạo mạn của ông huyện ngày một đồn lan xa.

Để cảm hóa người sa cơ vào đường tội lỗi vì mạn tâm khinh tăng, Đức Tăng Thống Thích Tịnh Khiết vốn là bậc cao tăng trụ trì chùa Tường Vân Huế. Ngài là bậc cao tăng đức trọng được trong từ vua cho đến ngoài dân gian kính phục. Ngài đến nhà ông huyện thăm, nhằm lúc ông huyện đang bận tụng kinh Kim Cang, miệng tụng đọc theo tiếng chuông mõ gõ đều. Đức Tăng Thống lặng lẽ đứng phía sau cửa nhìn nghe thấy tiếng chuông mõ của ông huyện, Ngài lắc đầu thầm than: Chưa được! Chưa được!

Bà huyện thấy thế chấp tay kính cẩn thưa : Bạch Ôn, như thế nào?

Đức Tăng Thống lại lắc đầu nói: Chưa được! Chưa được!

Bà huyện không hiểu ất giáp gì, chỉ biết thành tâm chấp tay thưa: Xin thỉnh Ôn ngồi chứng nước. Chút nữa ông nhà con tụng kinh xong ra hầu Ôn.

Đức Tăng Thống lắc đầu: Chưa được! Chưa được! Thôi, tôi xin cáo từ. Xin gửi lời thăm ông huyện.

Khi ông huyện tụng kinh xong, bà huyện kể lại đầu đuôi câu chuyện vừa xảy ra. Ông huyện nổi cơn thịnh nộ lôi đình nạt bà huyện, rồi to tiếng quát: Ông Thầy Tường Vân này dám nói ta tụng kinh chưa được. Dám cả gan thật! Hôm nay để ông thầy này biết tay ta! Ông huyện giận dữ vội vã kêu người hầu gọi xe đưa ông lên chùa gấp để gặp Hòa Thượng Tăng Thống ăn thua đủ một phen. Thấy ông huyện quá nóng, sợ sẻ xảy ra việc không hay, nên bà huyện khúm núm đến chấp tay bái xá ông huyện lia lịa miệng khẩn nài: Tôi van xin ông! Việc có chi nà! Việ đâu còn đó! Nhưng bị ông huyện dùng tay hất mạnh làm bà phải văng ra xiểng liểng suýt té nhào xuống bực thềm tam cấp. Ông hấp tấp lên xe, không ngớt thúc dục người đánh xe chạy gấp gấp.

Vừa đến cửa chùa, ông huyện vội nhảy phóc xuống xe, xông thẳng vào chùa, miệng quát to: Có ông thầy Tường Vân ở chùa không? – Nghe có tiếng quát lớn, chú điệu liền chạy ra chắp tay: A Di Đà Phật, bẩm ông có việc chi cần gấp?

Ông huyện lớn tiếng nạt: Phật Phật gì? Có thầy mi ở chùa không, bảo có quan huyện đến cần việc gấp. Mau lên!

Thấy thái độ giận dữ của ông huyện, chú điệu hoảng hốt vội chạy thẳng vào liêu phòng thỉnh bạch Đức Tăng Thống.

Ngài chậm rãi khoan thai bước ra. Ông huyện vừa thấy Đức Tăng Thống, cơn thịnh nộ cực độ liền chỉ tay lớn tiếng hằn học:

- Vừa rồi thầy đến nhà tôi, nói tôi tụng kinh chưa được, có phải thế không?

- Mô Phật đúng thế.

- Tại sao chưa được, nói, nói mau?

- Mô Phật! Nếu đã được thì quan huyện đâu cần phải gấp rút đến tìm tôi như thế này? Nơi cửa Phật thanh tịnh, quan huyện đã thấy lòng mình được thanh tịnh chưa? Bình thản vô sở trụ chưa?

Trước phong thái bình thản an nhiên uy nghiêm từ hòa của Đức Tăng Thống, ông huyện lại càng thêm bực tức.

Đức Tăng Thống từ hòa nói: Kinh dạy vô nhơn, vô ngã, vô chúng sanh, vô thọ giả! Vừa nghe Đức Tăng Thống nói đến câu này, ông Huyện như tỉnh ngộ, hổ thẹn xá chào, quỳ xụp lạy, rồi xin kiếu lui.

Về sau, khi ông huyện chết, mắt mở trân tráo, máu miệng trào ra, thân xác bị hành hạ dẫy dụa đau đớn vô cùng, không làm cách nào hết được. Người nhà phải thỉnh Đức Tăng Thống đến tụng kinh khấn nguyện, ông huyện mới nhắm mắt êm ái trút hơi thở cuối cùng vĩnh biệt!

Kết luận câu chuyện trên, Thượng Tọa Đức Niệm nói: Tài trí mà không đạo đức chẳng khác nào con dao bén nhọn trong tay kẻ trộm cướp. Người tu học Phật chỉ biết chú trọng hình thức tụng kinh hay, lý thuyết giỏi, mà tâm tham lam, sân hận, si mê, đố kỵ, không đoạn trừ thì chẳng khác nào nấu cát thành cơm, con dao trong tay kẻ ác. Nếu kẻ vào chùa mà không thật lòng tu tâm dưỡng tánh lại ý đồ lợi danh, thì chùa luôn luôn bị xáo trộn, thì chậm mau gì rồi cũng sẽ phải nhận lấy quả báo đau thương đen tối đời này và đời sau.

"Tham sân tật xấu không chừa,

Bo bo mà giữ tương dưa làm gì?"

Xuyên tạc chùa chiền, mạ nhục Tăng bảo, lợi dụng chiếc áo Phật, có tâm phá hoại người, thì nhất định không tránh khỏi quả báo đen tối. Bà Hy Thị vợ vua Lương Võ Đế xem thường Tăng mà làm thân mãng xà. Anh em Ngô Đình Diệm vì độc ác khinh chê phá Phật Pháp mà mạng họa đớn đau.

"Ngày xưa quả báo còn lâu,

Ngày nay quả báo bất câu nhãn tiền".

Cổ đức dạy: "Người ác hại người hiền như ngửa mặt lên trời phun nước miếng. Nước miếng chưa đến trời thì đã rơi vào mặt mình". Người Phật tử nên sống chân thành, tu hạnh hỷ xả, cùng nhau lo cho chùa cho đạo để vun bồi cội phước. "Nhứt nhựt tại thiền, nhứt niên tại ngoại". Nghĩa là: Người ở chùa chơn chánh tu hành bằng người ở ngoài đời tu một năm.

Để kết luận bài giảng rằm tháng mười hôm ấy, Thượng Tọa Đức Niệm nói: Tất cả mọi người không phân biệt thân sơ, có việc gì cần sự giúp đỡ của nhà chùa xin cho chùa hay, thầy trải rộng lòng thương tuỳ khả năng chân tình đáp ứng. Chúng ta mất hết tất cả, chỉ còn niềm tin và tình thương, nên đùm bọc lấy nhau, tình con Phật từ bi trong tình đồng bào ruột thịt, nên thông cảm gắn bó nhau trong những ngày còn sống tha hương.

Người Phật tử chớ nên để lợi danh khuynh đảo, chớ nên vì sự bất đồng ý kiến mà đố kỵ hận thù để rồi tạo cho nhau đau lòng phiền khổ. Cổ đức dạy: "Ngậm máu phun người, trước dơ miệng mình". Là đệ tử Phật, học theo tâm hạnh Phật, tập sống đời vị tha hỷ xả:

Người có lỗi lầm ta thứ tha,

Khoan dung đại độ tánh ôn hòa,

Đã không buồn tức mà yên tĩnh,

Mở rộng lòng thương sống vị tha.

* * *

Ta oán giận người, người không đau

Mà tâm ta nổi sóng ba đào

Nhiều đêm buồn tức, ta không ngủ

Ta tự giam mình giữa vực sâu.

Xin qúy vị hãy về đây hòa vui trong ánh đạo từ bi, để cùng nhau xây dựng ngôi chùa làm nơi gửi gắm tâm hồn. Xin qúy vị hãy về đây đáp tiếng gọi của Đức Thích Ca Mâu Ni, để cùng xiết chặt tay nhau duy trì phát triển niềm tin truyền thống đạo nhiệm mầu của tổ tiên dân tộc. Xin quý vị hãy về đây trong tình thầy trò huynh đệ, trong tình con Phật vị tha, để cùng chia xẻ cho nhau nổi vui buồn ngõ hầu xây dựng đời sống hạnh phúc, nung đúc ý chí, chờ ngày quang phục tổ quốc Việt Nam thân yêu:

Dù cho giông tố bão bùng,

Quê hương còn vững tượng đồng Thích Ca,

À ơi! Bến cũ cây đa,

Ngôi chùa còn đó thì ta còn mình.

Trân trọng kính chào và cảm ơn liệt quý vị.

 

25. KẺ MÊ NGU CHẤP

Thưa bạn! Tôi là kẻ đến với Đạo chậm sau. Tuổi đời và kinh nghiệm về cuộc sống cũng chưa được là bao so vơi các bạn ở cùng lứa tuổi tôi. Thế thì đâu dám múa rìu qua mắt các bậc anh chị, cô bác thâm niên học Phật, để nói chuyện đạo đức? Nhất là cái thân phận đất khách quê người đơn độc lẽ loi, mỗi lần nghĩ đến mẹ cha anh em bà con ở lại quê nhà, lòng tôi quặn đau thương nhớ không xiết! Nếu không có niềm tin nơi Đức Phật từ bi với giáo lý nhiệm mầu vi diệu của Ngài, thì chắc tôi không còn niềm tin lý tưởng để can đảm tiếp tục sống đến ngày nay.

Nhưng Đạo đời muôn ngã, tìm cho ra đường sáng để đi, đạo sáng để tin, giáo chủ vẹn toàn để tôn thờ, vốn đã là điều rất khó. Tìm cho được bậc Thầy sáng suốt để hướng đạo cho mình, một cảnh thiền môn thanh tĩnh để tâm hồn được thoải mái học đạo tu tập, lại càng khó hơn đối với giữa vật chất máy móc ích kỷ thiếu tình người này. Chắc bạn cũng quan niệm như tôi: Có Phật tượng, có kinh sách mà thiếu bậc minh sư giảng dạy đạo lý, chỉ bày phương pháp tu hành, thì người đời làm sao hiểu được lý đạo nhiệm mầu, lẽ sống thăng hoa thánh thiện để đến bờ giác ngộ. Có được bậc Thầy đạo hạnh hiểu biết căn tánh của mình để hướng đạo mình trong cảnh thanh tịnh giải thoát, thì niềm tin của mình mới vững chắc trên bước đường hướng thiện, để thăng hoa cuộc sống.

May mắn thay cho tôi có được chút thiện duyên với Phật Pháp, hằng tuần tôi về Học Viện Quốc Tế, là lúc tôi được sống trong những khóa lễ cầu nguyện thiền vị trang nghiêm, nghe những thời thuyết pháp đầy ý nghĩa đạo mầu sâu sắc khế hợp tình người, với những thời khóa niệm Phật, tọa thiền tu tập, cùng những mẫu chuyện đạo nho nhỏ nhưng lại có năng lực lớn lao thức tĩnh tâm hồn tôi tìm ra được định hướng, hiểu thêm được tâm nguyện của Đức Phật. Những thứ ấy làm cho tôi khó quên. Một trong những chuyện đạo mà Thượng Tọa Đức Niệm giảng, đã tạo cho tôi có được một niềm tin kiên cố, một định hướng sâu sắc, và một lý tưởng để tôi vui sống trong niềm tin lành thiện ấy, nay xin lược kể ra đây để thân tặng các bạn trong mùa Phật Đản:

- Xưa có người đến hỏi Ngài Xá Lợi Phất: Thưa Ngài, con đến đây học đạo với Đức Phật, được nghe giáo pháp nhiệm mầu vi diệu, cõi lòng con được an ổn, tâm hồn con cởi mở thanh thoát. Nhưng trước khi đến gặp Ngài và bái kiến Phật, con cũng lại muốn đến các vị đó để học đạo nữa. Không biết việc làm của con có tạo được nhiều phước đức và hiểu đạo sớm hơn không?

Ngài Xá Lợi Phất trả lời: Như người muốn đến núi Linh Thứu để ra Phật, cầu hiểu đạo lý giác ngộ nhiệm mầu, nhưng lại phân vân giữa hai lối đi, không biết phải đi thuyền hay đi xe. Vốn người này trước đã đi thuyền, nhưng khi gặp xe, người này liền bỏ thuyền để đi xe với lòng mong ước sớm đến núi Linh Thứu để yết kiến Phật, nghe Phật thuyết pháp. Vừa đi được một quãng đường xe, người này nghĩ bụng rằng, hay tốt hơn ta cũng nên đi thuyền nữa. Như thế có lẽ mau hơn. Nghĩ vậy rồi, người này liền bỏ xe trở lại đi thuyền. Đang đi thuyền lại chuyển đi xe, đang đi xe lại đổi đi thuyền. Cứ như thế kẻ mê chấp kia thay đổi không ngừng, tiêu phí thời gian và sức lực. Đi được một khúc sông, nghe người ta nói đi xe dĩ nhiên mau chóng, tiện lợi hơn. Kẻ mê chấp lại phân vân nghĩ rằng, ta trước kia đã đi thuyền rồi sau ta mới đi xe. Nay ta bỏ thuyền chỉ đi xe không thôi, thế sao cho đành. Tốt hơn, ta nên đi cả hai, thuyền lẫn xe. Như thế ta sẽ không bỏ bên nào, và có lẽ còn mau đến núi Linh Thứu gặp Phật hơn mọi người khác.

Nhưng khi đến núi Linh Thứu thì Đức Phật đã thuyết pháp xong, và Ngài đã đi hóa độ nơi khác với những đại đệ tử của Ngài, nên kẻ mê chấp kia đã không yết kiến được Phật, và không được nghe Phật thuyết pháp.

Ngài Xá Lợi Phá hỏi kẻ mê chấp kia rằng: " Có khi nào nhà ngươi thấy kẻ miệng vừa nhai thức ăn, lại vừa hát trên sân khấu mà tiếng tăm giọng điệu hát của họ được mọi người nhiệt liệt tán thưởng không?". Người học đạo cần phải chọn lựa pháp môn tu rồi chuyên tâm hành trì và tập sống đời hỷ xả vị tha, thì mới đạt được đạo quả Vô Thượng Bồ đề.

Học đạo mà ccố chấp, cầu giác ngộ giải thoát mà để tình cảm thế gian ngự trị tâm hồn, không biết dùng trí tuệ để phân định hướng đi cho mình, chẳng khác nào người ngu khăng khăng giữ chặt chiếc áo bẩn rách trên mình chứ không chịu thay đổi để mặc chiếc áo mới sạch sẽ có sẵn. Người tu hành mà không biết chọn lựa phương pháp và sống đời hỷ xả với tâm hồn rộng mở, ý chí quả cảm, không biết dùng trí tuệ để hướng đời mình, không biết lựa chọn pháp môn để tu, chọn người lành để kết bạn, tìm minh sư học đạo, chẳng khác nào kẻ mê chấp không chịu bỏ củi gai để nhận lấy quế trầm, không chịu lìa bỏ con đường hẻm tối tăm để bước lên đại lộ quang minh. Kẻ ngu mê chấp như thế trọn đời cam phận đi xe bò, bỏ xe ngựa, giữ xe đạp, bỏ xe hơi. Kẻ này thường có quan niệm đạo nào cũng tốt!

Cổ nhơn dạy rằng: Hạng người mê chấp như vậy, tuy có hành đạo, có tham gia những công tác phước đức, nhưng chỉ có thể hưởng được quả vị phàm phu Tiểu thừa hoặc phước báo hữu lậu cõi nhơn thiên là cao lắm rồi, chứ khó đạt được đạo quả Vô Thượng Bồ đề, giác ngộ giải thoát.

Nhưng tâm nguyện của Phật quyết đưa chúng sanh đến quả vị Bồ Tát, quả vị Phật, chứ không muốn để lưu trệ ở Tiểu thừa phàm phu.

Tổ Qui Sơn dạy rằng: "Như Sư thật bất minh, đương biệt cầu lương đạo". Nghĩa là: Trên đường hành đạo, nếu thầy mình không đủ khả năng hướng dẫn mình, thì xin bái biệt Thầy để đi tìm minh sư khác, cho hạnh nguyện và đạo quả sớm viên thành. Nhưng Thầy mình là bậc minh sư, lại bỏ đi nghe lời kẻ khác thì đó là kẻ thác loạn, không bao giờ chơn chánh thể nhập được căn bản cội nguồn của đạo giác ngộ.

Chúng ta phải tinh tấn trong niềm tin và vận dụng hết ý chí kiên nhẫn với lý tưởng đã tôn thờ, thì chúng ta mới có cơ hội đạt được đạo giác ngộ giải thoát ngay trong đời hiện tại này chứ không tìm đâu xa. Kinh Pháp Hoa dạy rằng:

Nhược nhơn tán loạn tâm,

Nhập ư tháp miếu trung,

Nhứt niệm Nam Mô Phật 

Giai dĩ thành Phật đạo.

Nghĩa là:

Nếu người tâm tán loạn,

Còn biết vào chùa tháp,

Thành tâm niệm Mô Phật

Đều được thành Phật đạo.

Tu mà còn chấp chặt, thì dù tu trăm nghìn kiếp cũng khó có thể thấy được Phật tánh chơn tâm, khó thoát khỏi kiếp trầm luân sanh tử khổ lụy.

 

 

 

26. NẮM TAY TIỀN VÀNG

Thưa bạn,

Cứ mỗi độ Vu Lan, Phật Đản hay Xuân về, là tôi lại có dịp hầu chuyện cùng các bạn.

Sự thật, tôi có đáng giá vào đâu để nói câu chuyện đạo mầu cùng các bạn, Nhưng từ ngày tôi tìm về Phật Học Viện Quốc Tế đến nay, hằng tuần được nghe Thầy thuyết pháp, theo tu học tọa thiền, niệm Phật, lòng cảm thấy nhẹ nhàng thanh thoát nhiều lắm.

Thầy tôi, Thượng Tọa Thích Đức Niệm, bậc Thầy đạo hạnh quý kính của chúng tôi, không ngừng khuyến khích cổ lệ sách tấn chúng tôi gắng tu học Phật. Thầy tận tụy hướng dẫn chúng tôi không một chút tỏ ra chán nản. Trước nghĩa cử từ bi bao dung của Thầy đã làm cho chúng tôi vừa cảm động, vừa dũng chí tin tưởng ở khả năng mình trên đường tu học. Từ đấy, tôi mới cảm thấy phấn khởi tin tưởng vào khả năng của mình hơn, bớt đi sự ái ngại rụt rè. Nhờ vậy mà tôi có thể hầu chuyện đạo với quý vị ngày hôm nay. Cũng chính nơi đây, tôi cảm thấy thấm thía lời cổ nhân dạy: "Ngọc kia chẳng giũa chẳng mài, trở thành vô dụng cũng hoài ngọc đi. Con người ta có khác gì ...", "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng".

Tu học cần phải tìm bậc minh sư. Đức Phật dạy: "Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh". Đủ thấy ai cũng có khả năng để trở thành bậc thánh thiện. Ai cũng có thể kiên nhẫn gắng chí tu học để trở thành người hữu dụng cho đời. Điều quan trọng là khéo chọn bạn thiện tri thức. Thận trọng chọn thờ bậc minh sư, để gần gũi và để y nương học hỏi. Cổ đức nói: "Viễn hành yếu giả lương bằng, sát sát tương ư nhĩ mục". Nghĩa là đi xa phải nương bạn lành, từng giờ từng khắc tâm niệm cử chỉ tốt của bậc minh sư, bạn đạo thấm vào tâm mắt mình. Đừng nên sống theo cảm tình, quá nể vì nghe theo lời dụ êm ái ngọt ngào mà lao mình vào bẩy.

Thưa bạn, hôm nay tôi hầu chuyện với bạn, trong làn khói trầm hương quyện tỏa của ngày Phật Đản. Đời tôi đã đổi khác hẳn với những năm xưa, ngày chưa về nương tựa bóng từ bi. Từ ngày tôi biết Phật Học Viện Quốc Tế, tôi thường đến để nghe thuyết pháp, theo học đạo thiền, thân gần Thầy Đức Niệm, tâm tôi không còn phiền muộn theo chuyện thế gian thị phi thăng trầm thành bại. Tôi cũng không còn nặng tính đua đòi theo hình thức tốt xấu thời trang bên ngoài. Mọi sự suy tư lo tính hơn thua, khen chê, tôi không để ý đến. Tôi cảm thấy thân tâm tôi nhẹ nhàng lắm. Tôi không mất thì giờ vì bạn bè rủ rê hò hẹn ở rạp hát, ở siêu thị, tiệc tùng. Tôi không còn lãng phí tiền bạc vào việc sắm sửa áo quần thời trang. Tôi vẫn đi làm việc, vẫn ngày hai bữa cơm, vẫn dùng xe để làm phương tiện tới lui. Nhưng tôi cải đổi quan niệm sống. Sống đời đơn giản, lợi mình, lợi người, lợi đạo pháp. Tôi không còn truy cầu tham đắm, chụp giựt, thắng thì vui mừng hỷ hạ, thua thì bực tức buồn khổ như xưa nữa. Tất cả đều nhờ giáo lý từ bi giác ngộ của Phật tạo nên mẫu người tôi ngày hôm nay.

Ngày trước chưa biết đạo, chưa gặp Thầy, dù làm có tiền bao nhiêu cũng thấy thiếu, cũng không vừa ý. Chỉ biết lo cho mình, bà con mình, mặc kệ người đời, tôi chẳng để tâm đoái hoài đến. Mỗi ngày làm hai job cũng vẫn không thấy đủ, không thấy có tiền để làm một việc thiện nhỏ. Đến nỗi không có thì giờ để nghĩ đến việc thiện. Lúc chưa biết đạo đồng tiền cho việc từ thiện giúp đỡ người nghèo thiếu bao giờ cũng thấy quá to. To hơn cả mạng sống, cả giá trị đạo đức danh dự! Khi chưa biết đến đạo Phật, chưa gặp Thầy, tôi luôn luôn thấy thiếu, thấy khổ, tâm thần thường bất an.

Nhưng giờ đây, sau những tháng năm theo Thầy học đạo, hiểu lời Phật dạy, nhớ lời Thầy khuyên, tôi không còn đua đòi hơn thiệt, mà lúc nào cũng thấy đủ, làm được nhiều điều lành, bố thí, phóng sanh, in kinh ấn tống, cúng dường chư tăng, cúng chùa, giúp đỡ bà con, còn có thì giờ thương nhớ quê hương đồng bào v.v... Những việc từ thiện lợi tha ít nhiều tôi đều làm được cả. Lòng tôi cảm thấy an nhàn vui vẻ lạ thường. Tình thương mở rộng, xem nhẹ việc đời. Có lúc tôi cảm thấy thư thới tự tại trước mọi việc đời trôi qua trước mắt. Khi nghe tin Mẹ tôi mất, tôi xin nghỉ việc không lương. Tôi đem tất cả tiền dành dụm và mượn thêm của bạn bè để làm lễ trai tăng cúng dường Tam Bảo, in kinh ấn tống, cúng tiền đúc tượng Phật để hồi hướng siêu độ cho mẹ tôi. Đúng là giáo lý Đức Phật đã gội rửa sạch lòng tôi. Đạo hạnh của Thầy đã cảm hóa đời tôi, khai tâm mở trí tôi, giờ đây tôi đã bỏ bớt tham sân si, không còn ham muốn xi nê nhảy nhót dạ hội.

Mỗi khi ngồi trong giảng đường trước tượng Phật, dưới bóng hào quang trang nghiêm, lời giảng pháp trầm hùng hiền hòa của Thầy khi bổng lúc trầm, bằng những bài kinh, lời kệ của Phật của Tổ, với những bài thơ mang hương vị đạo mầu, những câu chuyện đạo lý đơn giản, nhưng thâm thúy, bao hàm ý nghĩa, dạy đời khuyên tu. Lời nào lời nấy đơn giản, nhưng rõ ràng, bao hàm giáo lý thâm sâu chỉ bày phương pháp tu hành. Chẳng hạn, nguyên nhân nào hình thành những hiện tượng giàu nghèo ở thế gian. Tại sao có kẻ thông minh, người ngu đần, kẻ sang trọng, người bần tiện. Tất cả không ngoài nhân quả phước báo.

Để giải nghĩa những hiện tượng đó, một trong những câu chuyện mà tôi được nghe Thầy giảng và còn nhớ rõ nơi lòng. Câu chuyện này đã khai trí tôi, khiến cho tôi biết làm nhiều việc bố thí, cúng dường, rộng rãi giúp đỡ mọi người. Nay xin được lược thuật để hầu chuyện cùng quý bạn trọng ngày Phật Đản:

Khi Đức Thích Ca còn tại thế, ở thành Xá Vệ có một thiếu phụ hạ sanh một đứa con trai. Đứa trẻ này từ khi sanh ra, lúc nào hai bàn tay cũng nắm chặt lại. Người mẹ lấy làm lạ, lo ngại tưởng bàn tay con mình có tật, nên gỡ tay nó ra xem, thì thấy trong hai nắm tay của nó, nắm tay nào cũng có vàng. Người mẹ rất đổi ngạc nhiên, mừng rỡ, liền lấy tiền vàng từ tay đứa trẻ ra, nhưng điều kinh ngạc tiếp liền sau đó là, khi tiền vàng lấy đi thì bàn tay cậu bé nắm trở lại như cũ, và đồng thời lại sanh ra tiền vàng khác. Cứ thế lấy vàng mãi mà không hết. Người mẹ nghĩ rằng, đây chắc là nhờ phước báo đời trước của nó mà có, nên đặt tên cho cậu bé là Kim Tiền.

Em bé Kim Tiền này trông khôi ngô đỉnh ngộ, đoan chánh, tâm tánh từ hòa hiền dịu của em khiến cho ai nấy mỗi khi thấy em đều mến thích. Em bé Kim Tiền sanh lúc Đức Phật còn ở đời. Ngày tháng trôi qua, theo đà thời gian xuôi chảy em khôn lớn. Khi nghe tin có Đức Phật thuyết pháp độ sanh, người người hâm mộ tin theo, em khẩn khoản cầu xin cha mẹ cho em được đi thăm Đức Phật. Trước tấm lòng thành khẩn cầu xin tha thiết của em, cha mẹ đồng ý cho em đi. Một mình em tìm đến chỗ Phật, được nghe Phật thuyết pháp. Em xin đảnh lễ và cầu xin Đức Phật cho em được xuất gia, nhập chúng. Đức Phật hoan hỷ nhận lời.

Đức Phật cho em xuống tóc, thọ giới, mặc áo cà sa làm tỳ kheo. Khi thọ giới xong, Kim Tiền đã đi đảnh lễ từng vị một khắp trong hàng tăng chúng. Nơi nào tỳ kheo Kim Tiền chấm hai bàn tay xuống đất lễ lạy là nơi đó lưu lại hai thỏi vàng.

Sau khi thọ giới xong, Kim Tiền tinh tấn tu hành, không khi nào tỏ ra dãi đãi, chậm trể. Chẳng bao lâu, vị tân tỳ kheo Kim Tiền này chứng được đạo quả A La Hán.

Một ngày nọ, Tôn giả A Nan thấy vậy bạch hỏi Đức Phật: "Bạch Thế Tôn, tỳ kheo Kim Tiền đời trước đã vun trồng những phước đức gì mà đời này trong nắm tay cứ mãi sanh ra vàng, lấy hoài chẳng hết, dùng mãi vẫn còn, lại gặp được Phật, xuất gia không bao lâu, chứng được đạo quả A La Hán? Cúi mong Đức Thế tôn từ bi khai thị, cho chúng con được hiểu rõ".

Đức Phật hoan hỷ, vì đại chúng mà nói về một đoạn nhân quả như sau:

"Cách đây 91 kiếp về trước, khi Đức Phật Tỳ Bà Thi thuyết pháp độ sanh khắp nơi. Nơi nào Ngài và tăng chúng đến thuyết pháp cũng đều có thí chủ thiết trai cúng dường. Lúc đó, có một người thanh niên nghèo, nhưng lòng ước ao rất muốn được cúng dường Đức Phật Tỳ Bà Thi và đại chúng, nhưng lại không có tiền của. Anh ta mới nghĩ ra cách kiếm tiền bằng sự quyết định vào núi ngày đêm cố gắng hết sức đốn củi để đem ra chợ bán. Bán dành dụm được hai chục đồng, sốt tiền có được là do từ công lao mồ hôi nước mắt đốn củi của anh. Anh rất vui mừng được số tiền hai chục, liền đến chỗ Đức Phật Tỳ Bà Thi, thành kính dâng trọn lên cúng dường Phật và chư tăng. Anh nghèo này đã đem hết tâm dạ chí thành, thực hành việc tịnh tài cúng dường Phật và chư tăng. Trải qua 91 kiếp đến nay, bởi do lòng thành cúng dường mà được phước báu, nên tay sanh ra tiền vàng, dùng mãi không hết. Người nghèo lúc đó không ai xa lạ, mà chính là tiền thân của tỳ kheo Kim Tiền hôm nay".

Một hạt giống đưọc gieo trồng thì sau đó có thể sanh ra muôn ngàn hạt giống. Chẳng khác nào một hạt ổi được ươm trồng sẽ sanh ra hằng trăm trái ổi và có hàng ngạn vạn hạt ổi. Chỉ cần thành tâm bố thí cúng dường như anh tiều phu nghèo kia, mà sau đó gặt hái được cái phước báu có vàng dùng mãi không hết. Theo luật nhân quả phước báu, bố thí cúng dường là nguồn gốc để được phát tài giàu sang phú quý.

Qua câu chuyện trên đây, cho ta thấy rõ nhân nào quả nấy. Tâm tạo nhân bố thí, cúng dường Tam Bảo thì nhất định phước báu giàu sang. Tâm tánh keo kiệt bỏn sẻn ích kỷ bo bo giữ của thì sẽ phải chịu quả báo nghèo đói bần cùng. Cổ đức dạy: "Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu". Nghĩa là: "Lưới trời lồng lộng, người phàm không thấy, nhưng không một mảy lông nào thoát khỏi".

Khi gặp phải cảnh trái ý nghịch lòng, đừng nên oán trời trách đất, giận đời, hờn người, mà phải cố gắng tu, cố gắng làm việc bố thí, cố gắng làm việc thiện. Bởi nhân nào quả nấy, tôi thấy chỉ có tu mới được hạnh phúc. Tu hành mà hẹn, hẹn thì không thành. Hoằng Nhất đại sư dạy rằng: Bởi mạng sống con người đâu dễ biết ngày mai. Bố thí, cúng chùa, đừng đợi giàu, Vì giàu thì thường hay sanh tâm keo kiết, bủn xỉn, tham lam muốn vơ vét để cho giàu thêm. Chớ nên phân bì, so đo hơn thiệt. Ai có phần nấy. Cấy lúa thì được lúa. Gieo cỏ thì được cỏ. Tâm của ta như đất. Nên thường gọi là "Tâm địa". Đất không trồng cây hoa trái thì đất sẽ sanh cỏ gai dại. Tâm không biết tu hành lành thiện, thì tâm sẽ sanh tham sân si, nghi, mạn, đam mê dục lạc, tạo nên tội ác.

Để kết luận bài này, Thầy đã mượn lời kệ của cổ nhân:

Dục trí tiền thế nhơn

Kim sanh thọ giả thị.

Dục tri lai thế quả

Kim sanh tác giả thị.

Tạm dịch:

Muốn biết việc làm đời trước của người,

Nên xem đời này họ thọ hưởng.

Muốn biết quả báo đời sau của người,

Nên xem hành vi đời này họ tạo.

 

 

 

27. ĐỊNH HƯỚNG THUYỀN ĐỜI

Thưa quý bạn,

Biển Phật Pháp mênh mông. Rừng thiền sâu thăm thẳm. Nếu không có minh sư bạn hiền thiện tri thức hướng đạo giúp đỡ thì thật là khó tránh khỏi lầm đường lạc lối.

Chúng ta sanh vào thời pháp nhược ma cường này. Chánh tà lẫn lộn, thánh phàm khó phân. Nếu người học đạo, không quán sát kỷ, không suy nghĩ chín chắn, không thận trọng trong việc tìm thầy hướng đạo cho mình, mà chỉ biết chạy theo sự kêu gọi rủ rê rỉ tai, thì về sau khó tránh khỏi cái nạn mất định hướng, không tìm được thầy hiền bạn tốt, do đó không tìm đâu ra phương pháp chân chánh để tu học, mất căn bản nương tựa, rồi mù mịt không biết về đâu, phải chuốc lấy thất vọng khổ đau oan uổng một đời, lúc đó dù có muốn hướng thiện tu hành mà vẫn không thành đạt!

Đã bao thánh năm tôi âm thầm thành tâm lạy Phật, đọc tụng kinh sách Phật giáo, theo Thầy Đức Niệm nghe giảng thuyết kinh Phật, tư tưởng của Phật từ từ thấm sâu vào lòng tôi, tâm trí tôi cũng theo đó mà sáng sủa hơn. Khi biết Phật Pháp rồi, có những lúc hồi quang phản chiếu thấy rõ điều sai lẽ phải. Tôi tủi hận phận mình sanh nhằm vào thời cách Phật quá xa, pháp nhược ma cường, lại thêm nước mất nhà tan, mang thân sống gởi đất khách quê người, mà còn chút thiện duyên hằng tuần đến Phật Học Viện Quốc Tế nghe thầy giảng kinh thuyết Phật. Tôi tỉnh ngộ, đời là mộng huyễn, là biển khổ triền miên. Tôi sớm dứt khoát tư tưởng quay lái thuyền đời, không còn hời hợt để thời gian trôi qua một cách vô ích. Không chạy theo thú vui dục lạc ở đời như trước nữa. Tôi đã tìm ra định hướng cho niềm tin qua một trong những bài thuyết pháp của Thầy. Tôi đã tìm được hướng đi cho lẽ sống thăng hoa thánh thiện. Một trong những câu chuyện được lồng vào trong bài thuyết pháp của Thượng Tọa Đức Niệm nay tôi xin đem cống hiến quý bạn.

Bạn ơi! Vào một chiều Chủ nhật như bao chiều Chủ nhật. Nhưng hôm nay nhằm ngày Vu Lan thắng hội. Ngày báo hiếu! Với đức độ uy nghi điềm đạm, nơi điện Phật, Thầy hướng về thiện tín thập phương, cất giọng đồng lảnh lót bắt đầu thời pháp, Thầy nói:

"Hôm nay tôi xin nói về đề tài, chọn đường tu học". Thầy tiếp:

Thưa quý vị! Thường tình con người lúc nào cũng tham được nhiều, cầu hoàn mỹ, thích mới chán cũ, quên phủi ân, bội bạc nghĩa, sùng thần bái thánh, tranh quyền đoạt lợi, thích tự xưng mình là kẻ cả để làm thầy tổ ăn trên ngồi trước thiên hạ. Đó là căn bệnh trầm kha của hầu hết mọi người! Những tánh đó lá căn tánh phàm tục trói buộc con người, khiến cho con người phải giong ruổi vong thân, truy cầu cho thỏa lòng tham vọng. Nhưng nghĩ cho kỹ thì, trong thế gian này có mấy người được trọn vẹn theo như ước muốn của mình đâu? Phải không thưa qúy vị!

Con người là một động vật nhỏ bé trong muôn loài động vật. Sức chịu đựng nắng mưa thời tiết của con người so với loài động vật cũng thua kém xa. Chẳng hạn trâu, dê, hươu, nai, chim chóc v.v... phần nhiều sanh ra đều thích ứng ngay với hoàn cảnh tự lực cánh sanh, tự tìm lấy thức ăn để sống. Trong khi đó, con người phải suốt ba bốn năm nhờ sự bú mớm săn sóc của me cha. Thế mà lắm người miệng thường tự phô trương, không chút e dè, đối với bề trên mình không biết sợ phạm thượng với các bậc ân nhân, các đấng thánh hiền. Đối với dưới mình không biết tự hổ với lương tâm và tự thẹn với muôn loài. Lòng tham quá độ mà không mấy khi biết đủ. Tự để mình sống tự cao tự đại mà lại lặn hụp trong ngũ dục sắc, danh, tình ái, uống ăn, chơi ngủ. Người học Phật thiếu minh sư hướng dẫn, không thực tâm chân chánh hành trì, cũng sẽ không ra ngoài công lệ tham tạp đó. Nghĩa là lợi dụng đạo để tạo danh lợi cho mình.

Phương pháp tu hành của Phật có muôn vạn pháp môn. Có số người tu Phật muốn gồm tất cả chùa miễu, nên chùa miễu nào cũng đi, thầy bà nào cũng đến, Không có pháp môn tu rõ rệt. Hạng người ngày thường được gọi là tu lòng vòng tin đạo lang bang. Đó là những hạng người không hiểu biết Phật Pháp là gì, chỉ ở ngoài cổng rào nghe ngóng, rồi nói hùa theo. Như thế chẳng khác nào kẻ chèo đò phớt lẹ qua mặt nước sông hồ, chỉ biết thoáng qua trên mặt nước chứ đâu thể nào biết được chiều sâu ở lòng đáy ao hồ. Hạng tu lòng vòng này đối với việc trong thiên hạ thì sáng, trong lúc đó, việc tu của chính bản thân thì quờ quạng.

Bởi lẽ suốt ngày chỉ để tâm chạy rong tìm biết việc tạp của thiên hạ, xem thiên hạ dở hay, tốt xấu , mà tự quên đi tìm biết chọn thầy, chọn bạn, chọn pháp môn để chuyên tâm hành trì, suốt ngày tháng cứ chạy đôn chạy đáo chỗ nào cũng có mặt, để nghe thử ông thầy này, ông sư kia, bà Phật tử nọ, rồi phê bình chỉ trích, trong lúc đó lại quên quán sát phê bình chỉ trích những lỗi lầm phàm tục của chính mình. Đó là hạng người xách nước cho người tắm, mà tự mình quên tắm. Bưng nước cho người uống mà tự mình khát. Kinh Thủ Lăng Nghiêm Phật nói: Hai mươi lăm thứ viên thông, Di Lặc Bồ Tát chỉ quán thức tâm viên thông, đích chứng lý duy thức. Quán Thế Âm chỉ tu nhĩ căn viên thông, chứng nhập tam ma địa. Đại Thế Chí Bồ Tát chỉ niệm Phật viên thông, mà chứng đắc lục căn thanh tịnh. Trì Địa Bồ Tát quán tánh đất bằng phẳng mà nhập trí viên thông. Nguyệt Quang đồng tử do quán tánh nước mà chứng được vô sanh nhẫn. Lưu Ly Quang đồng tử quán tánh gió mà chứng tam ma địa. Ngài Ô Sô Sắc Ma do quán tánh lửa mà chứng được trí huệ vô thượng. Hư Không Tạng Bồ Tát do quán tánh hư không mà được diệu lực viên mãn. Xá Lợi Phất do quán nhãn thức mà chứng được kiến tánh viên thông. Tu Bồ Đề do quán ý căn mà đạt đến tánh năng phi sở phi, chứng nhập ý căn viên thông v.v... (xin quý vị xem kinh Thủ Lăng Nghiêm, kinh Hoa Nghiêm thì sẽ rõ). Do đó, chúng ta chưa thấy vị Bồ Tát nào cùng lúc tu nhiều pháp môn, giong ruổi bên ngoài mà quên chiếu chính mình, lại có thể chứng đắc được nhiều môn viên thông, đạt nhiều quả vị.

Người học đạo ngày nay tâm trí thiếu chuyên tinh. Đã học tu tham thiền, lại quay ra muốn niệm Phật. Niệm Phật chưa đến đâu, lại đòi tu mật. Thiền, Tịnh, Mật chưa hiểu biết gì thì liền tu phép Quán Âm, thiền xuất hồn, nhứt thượng thừa v.v... tạp nhạp đủ thứ! Tin học Phật Pháp thấy chưa đủ, lại khẩn cầu thần tiên. Cầu khấn thần tiên chưa xong, lại quay ra giong ruổi chạy đi tìm bùa mê, phép lạ, bát quái sấm truyền bói quẻ bói tướng v.v... Suốt tháng năm, cứ lo chạy đôn chạy đáo, dáo dác khắp tìm, tán tâm loạn tưởng, lãng phí thì giờ, chỉ cầu được chút danh, chỗ nào cũng có mặt, để được quen chùa này, người nọ. Cứ thế tuổi đời chồng chất, tóc bạc sức mòn, mà họ vẫn còn chưa tỉnh ngộ, nào có lợi ích gì cho con đường tu tiến đâu?! Rốt cuộc không đi đến đâu mà thân tàn sức yếu, quay lại trách người, giận thầy, oán trời, rồi sanh tâm chán nản xa chùa, rời bỏ đạo.

Trải hơn mười năm giong ruổi trên đường đời ở xứ Mỹ này, tôi đã thấy bày ra trước mắt bao nỗi phiền toái của tình người làm cho tôi bàng hoàng tỉnh thức. Tôi không để mình lặn hụp trong biển đời mộng huyễn nữa. Tôi biết tất cả đều là mộng huyễn bất tịnh. Dù cho có suốt đời năm bảy mươi năm lặn lội đuổi bắt lợi danh, rồi cuối cùng có để lại được gì cho ta? Hay khi buông xuôi đôi tay rồi cũng lại giống hệt như ngày trong bụng mẹ mới ra chào đời với hai bàn tay trắng, mà nghiệp mình phải tự mang! Nhà cửa vợ con danh vọng có cứu ta sống lại được không? Khi hơi thở chấm dứt, những thứ đó có chịu theo ta không? Hay chỉ một mình ta phải chịu quả báo nghiệp khổ? Rõ ràng như thế, tại sao ta không sớm thức tỉnh giác ngộ, nghe lời Phật dạy, nghe lời thầy khuyên, để gắng tu tâm sửa mình. Không ai thương ta bằng ta thương ta. Không ai biết ta bằng ta biết ta. Không ai cứu ta bằng chính ta tự cứu lấy ta. Chồng vợ con cái chỉ thêm trói buộc, chỉ làm phiền cho nhau. Ơn cha mẹ như trời biển, ta cố gắng báo đền. Tình đồng loại nghĩa quốc gia, ta cố gắng phục vụ. Còn tất cả lợi danh, ái ân, tình đời là giả tạm, buộc ràng, phiền lụy. Nhà thơ đã nói:

Trần thế đã nhiều oan nghiệp lắm,

Lệ lòng mong cạn chốn am không,

Cửa thiền một đống duyên trần dứt,

Quên hết người thân chốn bụi hồng.

Sanh ra đời chịu phải mấy mươi năm chinh chiến. Cuối cùng nước biến nhà tan, thân bằng quyến thuộc phải ly tán, kẻ ở người đi, sống trong cảnh sanh ly. Người sống trên đất khách quê người cũng như ở quê hương, đều phải nhọc nhằn tìm cái sống. Sống không thoải mái, khổ nhiều vui ít, đủ thứ đày đọa kiếp người. Còn gì nữa mà chưa tỉnh thức? Còn gì nữa mà phải công kích nói xấu hủy báng nhau? Rắn độc phun nọc hại mạng người. Kẻ vu khống hủy báng người hiền, nguy hiểm hơn rắn độc. Cổ đức nói: "Ôi! Luận người ở đời búa để trong miệng. Ngậm máu phun người, trước dơ miệng mình". Vu khống hủy báng người hiền là việc làm tán tận lương tâm, thiếu mất nhân cách con người. Tin vào hạng người này là ta vô tình mở ngõ vào hầm chông tội ác, bước gần sát đến cảnh giới của qủy la sát, yêu ma, sa đọa địa ngục.

Những kẻ hay dòm ngó, xoi bói, nói xấu người hiền, để thỏa mãn lòng ganh tị, để tỏ ra ta đây hiểu biết hơn người, là những kẻ niềm tin và thiện duyên đạo đức đã khô cạn. Theo sách Thánh hiền Ngữ lục thì những kẻ như trên thuộc về hai hạng người sau đây: Một là vừa mới thoát kiếp từ ngạ qủy, la sát. Hai là tuy là mang hình người, nhưng tâm địa của họ là yêu tinh ma mị, tìm cách phá hại người hiền đức".

Nhiều khi họ tỏ ra ham tụng kinh Đại thừa để thỏa mãn lòng hiếu kỳ với tà tâm kiêu mạn. Họ tụng kinh ăn chay tưởng là hơn hết, vọng cầu người khen, tưởng việc làm của mình như thế là hơn cả. Những hạng người này sống trong hư danh vọng tưởng, tự mình đào huyệt chôn mình, tự mình mở cửa ba đường ác đạo để vào.

Nói cùng gốc rễ, đáo để có thể tóm một lời: "Những kẻ thích danh lợi, dục vọng là những kẻ ưa vu khống hủy báng người hiền", Bởi họ muốn người khác chú ý đến họ. Họ muốn đồng hóa người hiền đức cũng thấp hèn ô uế như họ. Họ là những con người không sợ tội lỗi, không có lòng tin nhân quả luân hồi, nghiệp báo. Phật nói: "Không tối tăm nào bằng người không biết tin nhân quả. Không tội ác nào bằng kẻ dám hủy báng người hiền, mà không biết ăn năn sám hối". Hạng người như thế, họ sống không có ích lợi gì cho chính bản thân của họ, mà còn lại làm hại cho đời. Đối với tín ngưỡng, họ chỉ làm tổn thương cho đạo. Họ sùng tín vị nào, trước sau gì vị đó cũng bị họ vu khống. Họ gần bạn bạn đạo, chậm mau gì rồi cũng đặt điều rỉ tai nói xấu. Đó là lẽ tự nhiên.

Vậy thì còn có ý nghĩa gì nữa để gọi là Phật tử học đạo? Nói cho cùng, những hạng người như thế chưa đủ tư cách làm một con quỷ biết quy đầu chánh pháp, chớ đừng nói là có đủ tư cách của một môn đồ kính ngưỡng tôn giáo, thì làm sao có đủ tư cách là đệ tử Phật?

Cổ đức tiên hiền hành đạo thành công. Cái bí quyết là ở chỗ biết chọn pháp môn thích hợp với khả năng của mình, rồi chuyên tâm tu hành trì thâm nhập. Từng ngày từng phút phải cẩn trọng giữ gìn thân miệng ý ba nghiệp cho được thanh tịnh. Không dám hé miệng phóng tâm, buông lung hành vi cử chỉ. Thủ khẩu như bình. Tâm tâm niệm niệm hướng thiện nhớ Phật. Phong độ nghiêm túc. Đạo hạnh quán thông. Người niệm Phật thì chuyên tâm trì danh hiệu Phật đến tận cùng tâm ý, không còn lo nghĩ buông lung. Người tham thiền thì ý chí phải định tỉnh, phải quả quyết để xa lìa sanh tử, một lòng thiền quán, cho dù trời đất ngửa nghiêng, lòng vẫn quyết không giao động nao núng, chứ không phải tu thiền văn nghệ ngâm thơ, uống trà cho vui, tà tà hưởng thụ, giả trang thiền tướng.

Đức Phật suốt 6 năm thiền định trong rừng khổ hạnh. Ngày ngày với hạt bắp hạt mè để độ nhật. Chim chóc trùng dế, làm ổ trên người Ngài. Thú rừng rắn rết đủ thứ hiểm nguy vây bủa, nhưng Ngài vẫn bất động.

Người tu trì chú phải nhất niệm, chuyên tâm hành trì đến chỗ tâm chú hợp nhất, năng sở không hai. Người tu hành phải nhất tâm quyết chí trước sau như một. Phải luôn luôn thúc liễm thân tâm, kiểm soát hành vi tâm niệm của mình từng giờ từng phút. Không thể tự dễ dãi với mình. Không thể tha thứ cho mình. Phải lấy hạnh nguyện tu hành của Đức Phật, của chư vị thánh hiền làm gương soi sáng cho chính mình. Phải giữ trọn nhiệt tình tâm thành của buổi ban sơ đến với đạo cho đến ngày lâm chung nhắm mắt lìa đời, trước sau như một, thì đạo quả có cơ đạt thành ngay trước mắt, trong tầm tay trước mặt. Cổ đức nói: "Xuất gia sơ tâm, thành đạo hữu dư". Có nghĩa là người tu hành nhiệt tình tinh tấn với đạo, với lý tưởng của mình dã tôn thờ, suốt trọn cuộc đời nhiệt tình hành trì như độ nhiệt tâm lúc ban đầu mới phát tâm, thì người đó công đức thừa dư để trở thành bậc giác ngộ thánh thiện. Người tu hành một lòng với lý tưởng của mình, chuyên tâm phụng trì giới hạnh, tiến bước không lùi, cho dù vấp phải lần thứ một ngàn, vẫn mạnh dạn đứng dậy tiến bước như lần đầu, thì không có mục đích nào mà không đạt, một nơi nào mà không đến. hành đạo như thế thì không tội lỗi nào mà không tiêu diệt, không phước đức nào mà không sanh trưởng, không tâm nguyện nào mà không thành, không đạo quả nào mà không chứng.

Khi Đức Phật còn ở đời, đệ tử của Ngài là Tôn Giả Châu Lợi Bàn Đà, trọn đời chỉ chuyên niệm hai chữ: "chổi quét", mà được nhứt tâm bất loạn, chứng thánh quả A La Hán. Lục Tổ Huệ Năng chỉ biết nhớ đến hai chữ "gạo trắng", mà được đắc Pháp, kế thừa Tổ Vị. Gần đây, Bồ Tát Quảng Đức một đời tu hành rất bình dị, chỉ nhớ đến câu "Nam Mô A Di Đà Phật, hiến thân này cho đạo Pháp", mà dũng khí hùng tâm, khi ngồi trong lửa hồng vẫn bất động, lửa thành hoa sen. Sức định tâm của Ngài đã kết thành quả tim Kim Cang bất hoại, sách sử muôn đời còn ghi, nhân loại thế giới đã phải kinh hoàng bái phục.

Ngày nay có kẻ nhận mình là Phật tử, tự xưng trì kinh Đại thừa, học đạo lâu năm, nhưng vẫn chưa tỏ ra thấm chút nào giáo pháp của Phật. Vẫn chưa nhận ra đâu là minh sư để cầu học dạo. Vẫn chưa tạo cho mình cái chỗ đứng vững chắc trong niềm tin. Vẫn chưa tìm cho mình một phương pháp để tu, một định hướng để đến. Cứ mãi rượt bắt lợi danh, lang bang khắp chốn suốt năm tháng, tiêu hao năng lực vào chỗ loạn tâm tà tín thiên kiến tin theo hình dáng bên ngoài sùng bái tà sư ác thần, đi chùa chỉ để cầu vui gặp bạn bàn luận những chuyện quàng xiên đâu đâu, không dính dấp gì đến ý nghĩa cầu đạo tiến tu giác ngộ. Những người như thế thật oan uổng một đời luống qua, đánh mất cả chánh tâm chánh tín chánh niệm. Đó 1à những hạng người không chịu cẩn trọng tìm thầy chọn bạn, không biết quý tiếc thời gian và không sáng suốt lượng định sức khỏe tuổi tác của mình. Cứ lang thang theo danh lợi hảo huyền, để rồi bị bạn bè quyến rũ kéo vào đường tu bất chánh. Kết quả, ngày tháng trôi qua đầu đã bạc, mà chưa chọn lấy pháp môn tu! Chưa có bậc thầy đạo hạnh để nương tựa.

Không thực lòng chơn chánh làm việc phước đức, thì làm sao đạo nghiệp chánh chuyên, thân tâm được an định, để thể nhập Phật lý, làm tư lương hạt giống lành, ngõ hầu được bước vào cửa ngỏ giác ngộ giải thoát. Tụng kinh thọ giới cho nhiều, mà tà tâm trước tướng, đi đủ chùa này am khác, không có lập trường định hướng, nghe theo lời rỉ tai lôi kéo, chẳng khắc nào như bèo trôi trên mặt nước, như kẻ hát bội trên sân khấu. Hạng người này suốt năm tháng giong ruổi bên ngoài, học đòi hình thức mê tín, mà quên đi thanh sạch hóa nội tâm, khi gặp việc trái ý nghịch lòng thì tâm không được định tĩnh, há miệng lồng lộng kêu than, bởi tại lang bang không định hướng. Cổ nhân có câu rằng:

"Tham sân nghiệp chướng không chừa,

Bo bo mà giữ tương dưa làm gì".

Hoặc:

Có tật thì vái bốn phương trời,

Vô tật đồng lương chẳng mất.

Xuất tiền góp của ra công mất thì giờ mà không y theo lời Phật dạy để thực hành chánh đạo, không kính trọng quy Tam Bảo, không cầu thâm nhập pháp môn tu hành, suốt đời vẫn phải chạy quanh quẫn ngoài vòng rào của biển giáo pháp giải thoát, thì không bao giờ được ngồi vào tháp giác ngộ. Bà Thanh Đề cũng tin Tam Bảo, nhưng khinh thường sư tăng, mà phải đọa vào ngạ qủy. Vợ vua Lương Võ Đế chỉ vì xem thường chư tăng và lòng nhiều đố kỵ, mà phải bị đọa vào loài súc sanh làm con mãng xà. Chú Sa di chỉ lỡ lời chê vị Tỳ kheo già tụng kinh tiếng ồ ề như chó sủa, mà phải đọa làm thân chó. Mẹ của vị Tỳ kheo trụ trì một ngôi già lam tu viện nọ, vì nghĩ mình là mẹ của trụ trì, nên không cần xin phép, tự ý lấy cái y cũ của con mình dùng đắp che thân đỡ lạnh, mà phải đoạ vào loài súc sanh, làm con rùa đến 500 kiếp. Những chuyện đố kỵ, khinh tăng, coi thường của Tam Bảo phải chịu quả báo ác, còn ghi tạc rất nhiều trong tam tạng kinh điển.

Phật dạy rằng: 'Tin ta mà không hiểu giáo lý của ta, thì sẽ hủy báng ta". Hành đạo giác ngộ của Phật mà không biết tìm minh sư học đạo, không chọn thiện tri thức để kết thiện duyên không làm theo lời Phật dạy, lại chạy đôn chạy đáo nghe theo ông này bà nọ tự xưng là thánh, phải biết những người như thế là thiếu nhân duyên lành, khó tránh được những lỗi lầm trên bước đường tu tập, vô tình tự họ mở cửa vào hang động của ác tri thức, ma vương.

Sau khi thành đạo, Đức Phật quán sát căn tánh chúng sanh, Ngài dõng dạc tuyên bố: "Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Ta là Phật đã thành. Chúng sanh là Phật sẽ thành, nếu mọi người đều biết dốc lòng học đạo tu hành như ta".

Hễ ai dốc chí y theo lời dạy của Phật mà phát tâm tu học, đều có thể thành Phật. Nên trong kinh Pháp Hoa, Ngài Thường Bất Khinh Bồ Tát, tiền thân của Đức Thích Ca Mâu Ni, đã tu mật hạnh mỗi khi thấy người nào, thì liền chấp tay đảnh lễ, miệng nói lớn: "Tôi không dám khinh Ngài. Bởi Ngài sẽ là Đức Phật tương lai". Lúc bấy giờ, người đời cho Ngài Thường Bất Khinh là anh chàng điên ăn nói quàng xiên, nên đánh rượt mắng nhiếc! Nhưng vị Bồ Tát này vẫn trì chí thật hành theo hạnh thường bất khinh. Vì thấy mọi người đều có thể thành Phật, đức tánh trí tuệ giác ngộ của Phật có đủ trong tất cả mọi người, nên Phật quả quyết xác nhận "Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh. Tất cả chúng sanh đều sẽ thành Phật".

Do đó, nên biết, hễ có tâm khinh người tức là khinh chư Phật tương lai. Trong lúc tu hạnh Bồ Tát, hay sau khi thành Phật, Ngài Thường Bất Khinh vẫn cản trọng tôn kính chúng sanh. Không việc phước đức nhỏ mà Ngài bỏ qua. Không việc ác nhỏ nào mà Ngài dám làm. Cử chỉ Đức Phật cúi lưng xỏ kim dùm cho bà cụ già bên vệ đường thì đủ thấy điều đó. Khinh chê hủy báng bản tánh Phật tâm của mình. Khinh chê sư tăng chân tu tức là khinh chê Tam Bảo, tự đào hố sâu hố thẳm tội lỗi chôn mình, tự hủy diệt giống Bồ Đề của mình vậy. 

Thưa quý vị, Đức Phật vì chúng sanh nhân loại, mà Ngài đã xả bỏ tất cả để vào rừng sâu núi tuyết tu hành. Sau khi thành đạo chứng quả, Ngài đem trọn đời mình rày đây mai đó thuyết pháp giáo hóa để cho chúng sanh sớm tỏ ngộ đạo lý chơn thường, biết đường tu hành giải thoát nổi khổ sanh tử luân hồi. Suốt 50 năm, Ngài đem hết tâm lực cho công cuộc hoằng pháp lợi sanh. Không pháp môn tu nào mà Ngài không nói. Không phương tiện hành trì nào mà Ngài không khai thị sử dụng. Không lời khuyên nhủ dịu hiền giải thoát nào mà Ngài không tha thiết bày tỏ với chúng sanh. Không thắc mắc hoài nghi nào mà Ngài không từ hòa cặn kẻ giải đáp. Không có phương thức nào cho việc hoàn thành nhân các trên đường thánh thiện tiến hóa mà Ngài không phân tích trình bày. Tất cả những gì đáng nói, Ngài đều nói hết. Tất cả những hạnh lành, Ngài đã thực hành viên mãn. Ngài như mẹ hiền dạy con, như ánh trăng rằm chiếu mát trên vạn vật. Cha mẹ hiền còn có thể buồn phiền giận tức từ bỏ những đứa con bất hiếu. Ánh trăng rằm còn có khi tỏ khi mờ. Chứ lòng từ bi hỷ xả bao dung của Đức Phật không bao giờ bỏ quên bất cứ một chúng sanh nào, dù đó là những chúng sanh căn tánh ác độc ám độn đến đâu. Đến như Đề Bà Đạt Đa nhiều lần quyết tâm hại Phật mà Phật vẫn độ. Bởi thế, kinh Pháp Hoa nói: "Phật thương chúng sanh như mẹ hiền thương con nhỏ". Nhà thơ đã ca ngợi tình thương bao la của Đức Phật đối với chúng sanh: 

Phật động lòng thương kiếp đọa đày,

Hóa thân làm tuyết bốn trời bay,

Kết hoa sáu cánh sen mười trượng,

Giọt tịnh bình xoa dịu đắng cay.

Đức Phật lấy nỗi khổ đau của chúng sanh làm nỗi khổ đau của chính mình. Các chân tăng đã hy sinh xả bỏ tất cả ân tình dục lạc của thế gian, không còn gần gũi dâng cúng những đồ ngon ngọt cho cha mẹ, sáu hàng bà con trọn đã bỏ lìa, cũng chỉ mục đích duy nhất là quyết chí đi trọn trên con đường giác ngộ lợi tha và giải thoát. Ấy là các thầy theo gót chân Đức Phật, nguyện hy sinh đời mình cho đại nghĩa từ bi giác ngộ. Đức Phật chẳng những Ngài hy sinh cho từ bi giác ngộ, mà Ngài còn khuyến khích dặn dò hàng Bồ Tát, hàng đệ tử của Ngài phải dõng mãnh phát Bồ Đề tâm, dấn thân vào công cuộc lợi tha giải thoát, để hướng dẫn chúng sanh được hạnh phúc an lạc giác ngộ giải thoát.

Nào, các bạn đợi đến bao giờ mới chọn lựa hướng đi cho mình, để giải cứu mình? Ngày tháng trôi qua mau như nước chảy xuống dốc. Sự sanh già bệnh chết không hẹn với người. Đợi đến bao giờ mới hết ân ái bạn bè, hết lặn lội trên đường đời? Ân nghĩa sanh thành của cha mẹ lẽ nào chúng ta xem nhẹ không lo báo đền?! Sự có mặt của chúng ta trên cõi đời này lại để bận rộn lợi danh luống qua ư? Khả năng Phật tánh thánh thiện của chúng ta lại có thể dễ dãi để nhàn không luống trôi qua theo thời gian năm tháng ư? Đời này không tỉnh ngộ sớm chọn đường tu, chúng ta phải đợi đến bao giờ? Cổ đức dạy: Đời này không độ lấy thân, lại đợi đến đời nào mới độ? Cửa thiền môn thanh tịnh vẫn mở rộng để đón người trần thế. Thuyền Bát Nhã đang chờ để cứu vớt kẻ trầm luân, tỉnh thức tiến bước lên đi hỡi bạn:

"Con thuyền Bát Nhã thênh thênh,

Này nơi cửa Phật mông mênh liên trì,

Nước trong trăng ánh quang huy,

Kìa nơi đức hạnh uy nghi vẹn toàn".

 

 

 

28. TA LÀ AI?

Thưa bạn,

Thỉnh thoảng, tôi lại được hầu chuyện đạo cùng bạn. Ấy là nhờ tôi thường đến Phật Học Viện Quốc Tế nghe Thượng Tọa Đức Niệm giảng kinh mà tôi hiểu biết được chút ít giáo lý để tu tập. Những lời tôi nói ra đây là thấm nhuần giáo lý từ bậc thầy hiền đức.

Thông thường, người hay nói thì hay gặp phải những điều sơ suất. Người hay viết thì thường mắc phải lỗi lầm về văn tự hoặc ý tưởng. Chắc tôi lại mắc phải cả hai điều trên nặng hơn. Nhưng tôi tin tưởng các bạn thông cảm mà rộng lượng tha thứ cho, để cho tôi còn có dịp tiếp tục hầu chuyện với các bạn.

Riêng về tôi, thưa bạn, từ ngày nguyện theo thấy tinh tấn học đạo, tôi cố gắng gạt phăng hết tất cả những cám dỗ phù hoa tình cảm của trần đời tục lụy. Tôi liên tục không ngừng cho lý tưởng cầu đạo giác ngộ giải thoát. Rồi tiếp đó, một thiện duyên thù thắng đến, vào một ngày rằm tháng bảy, năm Tân Dậu 1981, sau nhiều lần thành khẩn, thiết tha cầu xin thầy cho tôi được xuất gia. Thầy đã gạn hỏi tôi kỹ lưỡng về gia thế và tâm nguyện. Suốt hơn nửa tháng. Thầy quán căn duyên tôi, rồi Thầy mới hứa khả. Khi được Thầy gọi đến hứa nhận cho tôi xuất gia. Ôi! Tôi mừng khôn kể xiết! Nỗi vui mừng đó không thể dùng bút mực lòi lẽ nào diễn tả cho hết. Có lẽ đây là nỗi vui mừng nhất đời tôi. Tôi liền bỏ hết tất cả, chỉ đem theo mình một chiếc xe để làm phương tiện đi lại, và hai bộ đồ vạc hò màu lam đã cũ mà khi còn là cư sĩ tại gia tôi đã sắm để hằng tuần đi chùa học đạo, làm công quả, hằng tháng tu bát quan trai.

Thầy tôi, Thượng Tọa Đức Niệm, người trầm lặng ít nói. Nhưng là mẫu người cần mẫn, quán xuyến cương nghị, quả quyết, nghiêm minh và rất hiền hòa. Tôi chưa từng thấy Thầy để thời gian nhàn rỗi trôi qua. Hết tụng kinh niệm Phật, Thầy ngồi viết sách, nghiên cứu, phiên dịch kinh điển. Hết đi giảng thuyết pháp đó đây, Thầy dạy giáo lý cho chúng tôi. Khi chúng tôi ngủ, Thầy vẫn còn cặm cụi dưới ánh đèn để nghiên cứu kinh luật.

Đời sống của Thầy rất là bình dị. Thầy ăn, Thầy mặc, chấp tác như chúng tôi. Trong khi làm việc, trong lúc học, cũng như trong giờ hướng dẫn niệm Phật tham thiền, Thầy thường khuyên huynh đệ chúng tôi: 'Mình là trưởng tử Như Lai, là con Phật, là bậc xuất gia phải lấy tâm Phật làm tâm mình; lấy hạnh Phật làm hạnh mình; lấy nguyện Phật làm nguyện mình. Phải thể hiện tinh thần nhẫn nhục, từ bi, hỷ xả, lợi tha. Đối với người, mình nên luôn luôn khiêm nhường, nhận sự thua kém. Phải tận diệt lòng ích kỷ đố kỵ tham lam. Không nên đàm tiếu những điều thị phi của người khác. Còn mắc phải ý niệm lợi danh thì không xứng đáng dự vào hàng trưởng tử Như Lai, chớ đừng nói chi cố ý phạm phải những lỗi lầm căn bản giới luật. Người không thích hợp với mình, thì mình nên tránh xa, nhưng không nên hủy báng chê bai nói xấu. Nhìn thấy người làm được việc lợi ích, thì phải khởi tâm tùy hỷ công đức. Thấy người thua kém thất bại, thì nên đem lòng trắc ẩn tội nghiệp, tìm cách giúp đỡ, cầu nguyện cho họ".

Những lời khuyên dạy của Thầy tôi ngày một thấm sâu vào tâm khảm tôi. Thầy tôi có đức tánh thật là từ bi đại lượng. Nhưng rất mực nghiêm minh cương nghị. Người thể hiện cung cách của bậc Thầy từ bi trí tuệ hùng lực giáo hóa đệ tử. Người thể hiện bậc cha mẹ đùm bọc thương dạy săn sóc các con. Nhưng nhiều lúc chúng tôi vì tánh háo thắng đã làm cho Thầy âm thầm phiền khổ, như bà mẹ hiền phiền khổ vì muốn đàn con khó dạy nên người. Người thể hiện ân đức của bậc Thầy luôn luôn ngự trị trong tâm trí chúng tôi. Thầy là lẽ sống của huynh đệ chúng tôi. Đúng thực "Thầy là bóng cây che mát chúng tôi. Thầy là dòng sông trong lành tắm mát đời chúng tôi. Thầy là con thuyền thanh lương đưa chúng tôi đến bờ thanh hương". Ngôn ngữ, cử chỉ, tâm niệm, đời sống của Thầy là thể hiện ý nghĩ vị tha độ sanh của Phật. Trong khi khuyên dạy chúng tôi, Thầy thường dẫn những mẫu chuyện đạo để chứng minh cho lời giảng dạy của mình. Một trong những mẫu chuyện đạo mà tôi hằng ghi nhớ sâu đậm ưa thích, và cũng để tự cảnh tỉnh đời mình, nay xin lược kể để hầu chuyện cùng qúy bạn:

Có chàng tráng sĩ vào rừng xanh săn bắn, Trong lúc hăng say đi tìm mồi, trời tối lúc nào không hay. Giữa khu rừng tăm tối mông mênh, anh ta mất phướng hướng không tìm được lối ra. Trời tăm tối, rừng mênh mông đầy chông gai và đá nhọn. Trong khi lang thang tìm phương hướng, bỗng anh nghe phía sau lưng có tiếng động, nhìn lại thì đó là một con voi to lớn đang rượt đuổi theo anh. Sợ quá, anh đâm đầu chạy để tìm nơi ẩn tránh. Chạy đến gặp một cái giếng cạn, anh định nhảy xuống giếng để tránh voi dữ. Nhưng ở dưới đáy giếng một con rắn độc nằm sẵn từ lúc nào, đang há to miệng thè lưỡi khà khà phun nọc độc. Trong lúc hoảng hốt, anh nhìn lên miệng giếng thấy một sợi dây leo lòng thòng từ cây cổ thụ bên hông giếng. Không cần suy nghĩ đắn đo, anh nhảy thót lên nắm lấy dây leo. Dây leo đầy gai nhọn đâm vào tay chân thân mình anh. Máu chảy đau nhức. Trong khi hết sức bám chặt đeo lấy sợi dây leo, anh ngước nhìn lên cành cây cổ thụ phía trên, thấy một tổ ong. Cơn run sợ của anh làm cho dây leo đong đưa mỗi lúc thêm mạnh, lay động đến cành cây, khiến cho mật ong từ tổ ong rơi thành từng giọt. Anh há miệng to hứng nuốt những giọt mật đó với cõi lòng tự mãn sung sướng, mà quên đi bầy ong bị động tổ ùn ùn bay đến vây chích anh tới tấp. Đeo phiá trên có hai con chuột một trắng một đen đang lặng lẽ thi nhau nghiến cắn dây leo. Bên dưới thớt voi vẫn đứng cạnh giếng hầm hừ. Rắn độc ở đáy giếng vẫn tiếp tục há miệng khè răng phun nọc. Gai nhọn vẫn tiếp tục đâm sâu vào người anh. Đàn ong vẫn tiếp tục đánh chích anh mỗi lúc một mạnh một nhiều. Hai con chuột vẫn thi đua cắn nghiến sợi dây mỗi lúc mỗi mau.

Trong lúc hiểm nguy khốn đốn dồn dập như vậy, thì một hiền nhân xuất hiện, thấy anh đang trong tình cảnh vô cùng nguy kịch, lấy làm thương xót khuyên anh nên theo Ngài để Ngài hướng đạo dẫn đường đưa anh ra khỏi khu rừng tăm tối, đầy chông gai hầm hố, thoát ly tình cảnh kinh hoàng hiểm nguy. Nhưng chàng tráng sĩ khất hẹn chối từ: 'Thưa Ngài, xin cám ơn lượng từ bi cao cả của Ngài đã đoái thương. Nhưng tôi không thể theo Ngài được. Bởi vì tôi còn phải thưởng thức những giọt mật thơm ngon này".

Thưa bạn! Chàng tráng sĩ say sưa đuổi bắt mồi kia, chính là chúng ta đang đuổi bắt phù hoa, thú vui của cuộc đời. Khu rừng tăm tối đầy sỏi đá và gai nhọn, chính là cuộc đời chúng ta đang sinh sống dẫy đầy bao nổi khổ đau thăng trầm hầm hố chông gai nguy hiểm. Con voi dữ là tượng trưng cho tử thần lúc nào cũng rình rập đuổi bắt chúng ta. Con rắn phun nọc độc là chỉ cho sự già nua ẩn núp thầm lặng tàn phá sự tươi trẻ khỏe mạnh của kiếp người chúng ta. Sợi dây đầy gai nhọn mà tráng sĩ đang đeo chặt là tượng trưng cho mạng sống. Hai con chuột trắng và đen là chỉ cho ngày và đêm. Những giọt mật là tiêu biểu cho ngũ dục lạc ở đời. Đàn ong là tượng trưng cho nỗi khổ đau sầu phiền lụy đeo đuổi suốt kiếp người. Hiền nhân kia chính là tượng trưng Đức Phật.

Thưa các bạn! Câu chuyện trên đây đã làm cho tôi suy nghĩ rất nhiều về thân phận của kiếp người. Càng đi sâu vào cuộc đời, chúng ta thấy suốt kiếp người được gói trong câu chuyện trên đây. Lời khuyến dạy của Đức Phật, gương hiếu hạnh của Mục Kiền Liên Tôn giả, hình bóng hiền hòa giải thoát của Thầy tôi, làm cho tôi chọn lấy con đường giác ngộ giải thoát, bằng cách xuất gia đầu Phật để tu hành cầu giải thoát.

Cuộc đời nhiều nỗi gay go

Mau mau nhẹ bước qua đò sông mê

Sự đời quanh quẫn tử thê

Công danh sự nghiệp trở về trắng tay.

Thầy tôi, Thượng Tọa Đức Niệm đã tận tình khuyến khích, giúp đỡ, sửa văn giúp ý, tôi mới có đủ can đảm hầu chuyện với các bạn hôm nay.

Chúc các bạn an vui và tiến bộ trong niềm tin truyền thống dân tộc, để hưởng nguồn sống đạo nhiệm mầu.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn