38. Tứ Chánh Cần

04 Tháng Tám 201100:00(Xem: 16693)


PHÁ MÊ KHAI NGỘ

 Lê Sỹ Minh Tùng

38. Tứ chánh cần 

 Vì cảnh giới mà chúng ta thấy đều là vô ngã cho nên tâm thức cũng vô ngã theo. Một khi tâm thức biến chuyển không ngừng như thế thì vọng tưởng sẽ phát sinh liên tục cho nên tham dục hành hạ và đọa đày chúng ta từng giây từng phút.
 
 

 Chúng ta cũng biết là thân, khẩu, ý là nguồn gốc tác sinh ra căn nghiệp. Cứ một tư tưởng xấu vừa mới thoáng qua trong đầu óc của chúng ta, hay một lời nói làm người khác đau buồn, hoặc là một hành động gây ra sự đau khổ cho kẻ khác đều được xem là ác nghiệp. Mà đã là ác nghiệp thì khó lòng mà thoát ra khỏi lục đạo luân hồi. 
 
 

 Biết để mà đề phòng là người khôn ngoan và dùng trí tuệ để trấn áp những si mê là người tu Phật. Vì thế ý nghĩa của Tứ chánh Cần cũng không ngoài mục đích khuyến khích chúng sinh dùng trí tuệ để ngăn ngừa tội ác cũng như sự phát sinh của nó và sau cùng tích cực cố gắng làm việc thiện. Tứ chánh cần được chia làm bốn phần là:
 
 

§ Tinh tấn ngăn ngừa những tội ác chưa phát sinh.
 
 

§ Tinh tấn diệt trừ những tội ác đã phát sinh.
 
 

§ Tinh tấn phát triển những điều lành chưa phát sinh.
 
 

§ Tinh tấn tiếp tục phát triển những điều lành đã phát sinh.
 
 

Vậy làm thế nào để ngăn ngừa những tội ác chưa phát sinh?
 
 

Khi trong tâm mình có một mầm mống tội ác vừa chớm nở thỉ chúng ta phải dùng trì giới để kìm hãm những tư tưởng đen tối kia trước khi nó có cơ hội sinh sôi nẩy nở. Người tu hành thì lúc nào cũng nhớ nằm lòng tất cả mọi trì giới cũng như người lái xe phải thuộc lòng luật lệ giao thông thì mới mong tránh được tai nạn.
 
 

Còn những điều ác đã phát sinh thì sao?
 
 

Khi chúng ta chưa hiểu biết Phật pháp thì chúng ta đã tạo ra nhiều tội lỗi. Những tội lỗi nầy đã làm cho tâm của chúng ta càng ngày càng tăm tối lu mờ chẳng khác nào một tấm gương lâu ngày không chùi rửa. Nay chúng ta đã biết Phật pháp và thấy cái nguy hại của điều ác thì chúng ta phải quyết tâm dứt trừ. Vì đạo Phật đã chỉ cho chúng ta thấy rõ ràng là tạo ác nghiệp thì sẽ sa vào ác đạo luân hồi. Chỉ có thiện nghiệp thì mới đưa chúng ta ra khỏi vòng luân hồi sanh tử. Cái đà của tội lỗi cũng giống như là cái đà của một chiếc xe đang chạy xuống dốc. Càng xuống dốc thì xe càng chạy nhanh. Con người thì cũng vậy, càng tạo tội lỗi thì tội lỗi càng lớn và khiếp đảm hơn. Chúng ta phải sáng suốt dùng trì giới để tự nhắc nhở cho chính mình luôn luôn phải làm lành tránh dữ. 

 

Bây giờ làm thế nào để phát triển những điều lành chưa phát sinh?
 
 

Sống trong thế gian chúng ta thấy có rất nhiều người gặp nhiều may mắn. Những sự may mắn nầy mang đến cho họ sự giàu sang phú quý. Nhưng tại sao họ lại có nhiều may mắn như thế? Chẳng có gì khó hiểu cả, dựa theo luật Nhân quả của nhà Phật thì con người có rộng tâm bố thí, tạo nhiều phước đức thì khi qua đến kiếp sau những phước đức nầy sẽ mang lại cho họ những sáng suốt làm cho họ phát tài mà trở thành giàu có. Còn nếu chúng ta bủn xỉn thì không có phước đức thì dĩ nhiên qua đến kiếp nầy tâm trí lu mờ, tính gì trật nấy làm cho chúng ta nghèo. Vì thế muốn tương lai tươi sáng thì hiện tại phải tạo nhiều phước đức tức là thiện nhiệp.
 
 

Muốn tạo nhiều thiện nghiệp thì chúng ta phải đối đãi tử tế với tất cả mọi người. Phải giúp đở người nghèo khổ, hoạn nạn cũng như khi thấy việc cần làm thì phải làm ngay chớ không nên suy qua tính lại. Đó là chúng ta đã lấy lòng từ bi mà đối đãi với chúng sinh vậy.
 
 

Sau cùng, chúng ta phải hăng hái để phát triển những điều lành bởi vì đây là cơ hội để chúng ta gieo thêm nhiều cái nhân thiện cho cuộc đời của chúng ta.
 
 

Vậy còn những điều lành đã phát sinh thì làm sao?
 
 

Một khi điều lành đã được phát sinh ra hành động thì đây chính là thiện nghiệp. Đó là việc làm tốt. Nhưng nếu dừng lại ở đây thì thân, khẩu, ý của chúng ta có cơ hội xoay chúng ta từ thiện sang bất thiện thì chúng ta lại dễ dàng sa vào bẩy của tội ác triền miên. Để tránh tình trạng nầy thì lúc nào tâm của chúng ta cũng nghĩ về thiện, cố gắng gạt bỏ mọi ám chướng và phát huy từ việc thiện này đến việc thiện khác.
 
 

Sau hết, nếu suốt đời chúng ta theo đúng bốn điều nói trên là ngăn ngừa không cho những điều ác phát sinh, diệt trừ những điều ác đã phát sinh, cố gắng thực hiện những điều lành vừa phát sinh trong tâm của chúng ta và sau cùng là tiếp tục thực hiện nhiều hơn những điều lành thì thiện quả sẽ giúp chúng ta thoát khỏi cảnh luân hồi sanh tử và đạt được địa vị Thánh hiền.
 
 
 

 Tứ Như Ý Túc

Sau khi đã nhận rõ được chân tướng của cuộc đời trong phần Tứ niệm xứ và quyết tâm bỏ ác theo thiện trong phần Tứ chánh cần, con người nếu muốn tiến xa trên đường đạo với một chí nguyện, một năng lực tinh thần vững chắc cho đến khi được toại nguyện thì tứ như ý túc sẽ giúp chúng ta đạt được điều mong ước nầy. 
 
 

Tứ là bốn, như ý là được toại nguyện và túc là chân. Vậy tứ như ý túc là bốn phép làm nơi nương tựa cho các công đức thiền định được thành tựu mỹ mãn như ý muốn của mình. Đó là:
 
 

¨ Dục như ý túc

¨ Tinh tấn như ý túc

¨ Nhất tâm như ý túc

¨ Quán như ý túc
 
 

1)Dục như ý túc: Dục là mong muốn và mong muốn một cách tha thiết cho đến khi mãn nguyện mới thôi. Nhưng mong muốn cái gì? Tại sao đã tu Phật mà lại còn “dục” như thế?
 
 

 Trong cuộc sống có những thư mong muốn thỏa mãn những thú tính, những tham vọng thì đây là những mong muốn tội lỗi, nên tranh xa. Có những thứ mong muốn trong lành như mong muốn sống một cuộc đời đẹp đẽ, thah cao. Mong muốn được giai thoát ra khỏi vòng sinh tử luân hồi thi đây là nhữn mong muốn chánh đáng, hợp lý và đáng khuyến khích. Ở đây người tu Phật mong muốn được thành đạt các pháp thiền định để tiến về hướng giải thoát giác ngộ. Nhiều qua niệm sai lầm về diệt dục của Phật giáo. 
 
 

 Họ lý luận diệt dục là phải diệt tất cả những tham vọng và dĩ nhiên cũng diệt luôn cả những đòi hỏi của cuộc sống. Thật ra Phật giáo chỉ chủ trương diệt dục theo con đường trung đạo tức là diệt những dục vọng, diệt những phần ham muốn xấu xa đê hèn làm cho con người bị đọa vào tam ác đạo. Chớ đạo Phật đâu có chủ trương diệt luôn cả những chí nguyện, những mong ước, những đức tính tốt đẹp của con người. Vì thế người thế gian ham thích những vật dục mạnh mẽ như thế nào thì người tu Phật cũng mong muốn thành tựu những pháp thiền định Xa-Ma-Tha để tâm được thanh tịnh mà hướng về giải thoát giác ngộ.
 
 

 2)Tinh tấn như ý túc: Tinh tấn là dũng mãnh, chuyên nhất vào thiền định, đừng để tâm tán loạn. Đây là thể hiện những nghị lực liên tục không bao giờ gián đoạn. Vì thế trong kinh Di Giáo Đức Phật có dạy rằng:
 
 

 “Như người kéo cây lấy lửa, cây chưa nóng đã thôi, tuy muốn được lửa nhưng khó thể được…”

 Vậy nếu chúng sinh muốn tiến xa trên con đường tu đạo thì tinh tấn là đều kiện không thể thiếu được.
 
 

 3)Nhất tâm như ý túc: Nhất tâm là tâm chuyên nhất vào định cảnh, không cho tán loạn. Thí dụ một con sông Mê Kông cho dù có lớn, nhưng khi ra biển chia thành chín cửa thì chắc chắn sức chảy của nước sẽ bị yếu dần. Ngược lại, một dòng suối nhỏ nếu chỉ chảy một đường thì cũng đủ sức xoi thủng đá. Người tu Phật giữ nước trí tuệ thì cũng thế, phải khéo tu thiền định chớ để cho tâm tán loạn. 
 
 

 4)Quán như ý túc: Quán là quan sát những pháp mình đang tu. Khi tâm đã định thì sẽ có thể quan sát để thấy thật rõ ràng chân lý của tất cả các pháp trong vũ trụ nầy. 
 
 

 Bốn phép Dục, Tinh tấn, Nhất tâm, Quán là bốn nấc thang liên tục để giúp chúng sinh từ cái nhân hữu lậu mê mờ đến cái nhân vô lậu giải thoát. Thật vậy, có tu tâm và ước nguyện (Dục) cho nên sự tu tập càng dũng mãnh (Tinh Tấn). Nhờ sự tu hành tinh tấn nầy mà bao nhiêu phiền não khổ đau cũng vì thế mà tiêu tan hết. Khi tâm đã chuyên nhất (Nhất tâm) nên có thể quán trí để được thanh tịnh (Quán) và có năng lực phá tan tất cả cội gốc của Vô minh. Vô minh hết thì nghiệp chướng phải tiêu trừ và trí tuệ được phát sinh.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn