Chương Vii Thiền: Sự Tu Dưỡng Tâm

06 Tháng Giêng 201200:00(Xem: 8498)

NHỮNG ĐIỀU ĐỨC PHẬT ĐÃ DẠY
Nguyên tác: What The Buddha Taught
H.T Tiến Sĩ Walpola Rahula
Người dịch: Lê Kim Kha 
Nhà xuất bản: Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh 2011

Chương VII

 Thiền: Sự Tu Dưỡng Tâm

 (Bhāvanā)

Đức Phật dạy rằng:

“Này các Tỳ kheo, có hai loại bệnh. Hai loại đó là gì? Loại bệnh về thể xác và loại bệnh về tinh thần (tâm bệnh). Dường như có nhiều người không phải chịu bệnh tật thể xác được một năm, hai năm…, hay thậm chí được cả trăm năm hay hơn nữa. Nhưng, này các Tỳ kheo, rất hiếm khi trên thế gian này có ai tránh được bệnh về tâm thậm chí chỉ trong một khoảnh khắc, ngoại trừ những người đã giải thoát khỏi những ô nhiễm bất tịnh trong tâm” (ví dụ như những A-la-hán).[1]

Giáo lý của Đức Phật, đặc biệt là phương pháp ‘Thiền’ của Người, nhằm mục đích tạo ra trạng thái lành mạnh của tâm, sự cân bằng và sự tĩnh lặng hoàn toàn. Điều không may là không ở một chủ đề hay lĩnh vực nào trong giáo lý nhà Phật lại bị hiểu lầm nhiều như là lĩnh vực “Thiền” này, bởi cả những người Phật tử và cả những người không phải Phật tử.

Ngay cả khi từ “Thiền” được đề cập đến, người ta liền nghĩ đến sự trốn thoát khỏi những hoạt động của cuộc sống, tưởng tượng ra một tư thế ngồi im, giống như một pho tượng trong những hang động hay trong phòng, cốc của một tu viện, hay ở những nơi xa lánh khỏi xã hội cuộc đời, miên man và chìm đắm trong vào những suy tư hay sự xuất thần huyền bí, thần diệu nào đó.

“Thiền Phật giáo” không có nghĩa như kiểu sự trốn tránh cuộc đời như vậy. Lời dạy của Đức Phật về đề tài này đã bị hiểu lầm một cách sai trái hay không được hiểu nhiều, cho nên đến thời mạt pháp sau này, phương pháp “Thiền” đã bị suy đồi và tha hóa thành những lễ nghi và tập tục nặng về phần kỹ thuật, quy cũ.[2]

Nhiều người quan tâm đến việc hành ‘thiền’ hay Yoga nhằm đạt được những sức mạnh tâm linh huyền bí giống như kiểu “con mắt thứ ba”, mà người khác không có được. Một dạo trước, có một ni sư ở Ấn Độ đã cố gắng tu luyện phát triển năng lực nhìn thấy được bằng hai tai, trong khi đó cô vẫn nhìn được hoàn hảo bằng hai mắt thường!. Những kiểu ý tưởng này chẳng là gì cả, mà chỉ là “Sự tha hóa lệch lạc về tâm linh”. Đó chỉ là vấn đề về dục vọng, “sự thèm khát” có được năng lực khác thường.

Từ “Thiền” là một từ thay thế rất nghèo nàn cho từ nguyên thủy bằng tiếng Pali “bhāvanā” có nghĩa là “sự nuôi dưỡng” hay “sự phát triển”, chẳng hạn như nuôi dưỡng tâm hay phát triển tâm. Từ bhāvanā trong Phật giáo, nói đúng ra, là sự tu dưỡng tâm theo đúng trọn vẹn ý nghĩa của từ này. Nó, việc tu dưỡng tâm, nhằm mục đích làm trong sạch tâm, khỏi những ô nhiễm, bất tịnh và phiền não, chẳng hạn như: Tham dục, sân hận, ác tâm, lười biếng, lo lắng và bất an, nghi ngờ (hay thường được gọi tắt là Sáu căn bản phiền não: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến - ND); và ngược lại, để tu dưỡng những phẩm chất tốt như: tập trung (Định), tĩnh lặng, nhằm dẫn đến cuối cùng chứng đạt được trí tuệ cao nhất, để thấy được bản chất mọi sự vật ‘như-chúng-là’, và chứng ngộ Chân Lý Tột Cùng, Niết-bàn.

 

*Có hai dạng Thiền:

(I) Một là phát triển việc định tâm, tức Thiền Định (samatha hay samādhi), tức sự tập trung vào một điểm của tâm (cittekaggatā, tiếng Phạn cittaikāgratā), thông qua nhiều phương pháp khác nhau được miêu tả trong kinh tạng nguyên thủy, để dẫn đến những trạng thái huyền vi cao nhất, như là “Không vô biên xứ” (cảnh giới Không, không có gì) hay “Phi tưởng Phi Phi tưởng xứ” (cảnh giới ‘Không có tri giác’ cũng ‘Không không tri giác’). Tất cả những cảnh giới, những trạng thái huyền vi, xuất thần đó, đều do tâm tạo ra, do tâm sinh ra và có điều kiện, tức là hữu vi (samkhata)[3]. Những trạng thái này không dính líu gì đến Thực Tại, Chân Lý, Niết-bàn. Dạng thiền này có từ trước thời Đức Phật. Vì thế, nó không phải là thiền Phật giáo thuần túy, nhưng nó cũng không bị loại trừ khỏi lĩnh vực “Thiền” Phật giáo. Tuy nhiên, nó không phải là cốt lõi thiền để chứng ngộ Niết-bàn.

Trước khi Giác Ngộ, Đức Phật cũng đã học hành những cách thiền của Du-già (yoga) từ những vị thầy khác nhau và cũng đã chứng đắc được những tầng thiền cao nhất; nhưng Người không thỏa mãn với cách thiền đó, bởi vì chúng không mang lại sự giải thoát hoàn toàn, chúng không mang lại sự nhìn thấy bên trong Thực Tại Tột Cùng. Phật coi những cảnh giới huyền bí này chỉ là “sự sống hạnh phúc, hỷ lạc trong đời sống hiện hữu này”- còn gọi là “hiện tại lạc trú” (ditthadhammasukhavihāra), hay “Sự sống an tịnh, an bình”- còn gọi là “Tịch tịnh trú” (santavihāra), chứ không có gì hơn nữa.[4]

 

(II) Vì vậy, Đức Phật đã phát minh ra phương pháp hành Thiền thứ hai khác, được gọi là Thiền Quán hay Thiền Minh Sát (Vipassanā tiếng Phạn Vipasyanā hay vidarsanā), là sự ‘Nhìn Thấu Suốt Tận Bên Trong’ mọi sự vật, dẫn đến sự giải thoát hoàn toàn cho tâm, dẫn đế chứng ngộ Chân Lý, Thực Tại Tột Cùng, Niết-bàn. Đây chính là cốt lõi của Thiền Phật giáo, là phương pháp tu dưỡng tâm theo Phật giáo. Đó là phương pháp phân tích dựa vào sự chánh niệm, ý thức rõ biết, sự tỉnh thức, sự quán sát (nên gọi là minh sát, tức là nhìn rõ, quán chiếu sáng suốt).

Không thể nào nói hết một đề tài rộng lớn này trong vài trang sách!. Tuy nhiên, tác giả cũng cố gắng giới thiệu bằng những tóm lược và những ý tưởng ngắn gọn về Thiền Phật giáo chính thống, phương pháp tu dưỡng tâm hay phát triển tâm một cách thực tiễn, như sau:

* Bài thuyết giảng quan trọng nhất của Đức Phật về vấn đề phát triển tâm (“Thiền”) được gọi là Kinh Niệm Xứ (Satipatthāna-sutta, là Kinh số 22 của Trường Bộ Kinh (Digha-nikāya) hay Kinh số 10 của Trung Bộ Kinh (Majjhima-nikāya). Kinh thuyết giảng này được đề cao trong truyền thống Phật giáo, nó thường xuyên được tụng đọc không những trong các tu viện Phật giáo mà ngay cả trong các gia đình Phật tử, khi các thành viên trong gia đình ngồi xoay vòng và lắng nghe tụng đọc kinh này một cách miên mật. Thường khi Kinh này được các Tỳ kheo đọc cho những người sắp chết trên giường bệnh để làm thanh tịnh ý nghĩ (niệm) của những người đang trước cận tử nghiệp.

Những cách thực hành thiền được nếu ra trong Kinh này không có gì xa rời khỏi cuộc sống, không phải là sự trốn tránh khỏi cuộc sống, mà trái lại, những phương pháp đó đều liên hệ với cuộc sống, kết nối với những hoạt động hằng ngày, với những sầu khổ và vui sướng, những lời nói và ý nghĩ, những vấn đề về đạo đức và tri thức của tất cả chúng ta.

Bài Kinh thuyết giảng này được chia ra làm bốn phần hay bốn lĩnh vực quán niệm, nên được gọi là “Tứ Niệm Xứ” và được Đức Phật cho là “con đường duy nhất” để chứng ngộ Niết-bàn. Đó là:

(1) Phần thứ nhất nói về Thân (kāya)

(2) Phần thứ hai nói về cảm giác và Cảm thọ (vedanā)

(3) Phần thứ ba nói về Tâm (citta), và

(4) Phần thứ tư nói về Những đối tượng khác nhau của Tâm, những đề tài về đạo đức và trí tuệ, tức là Pháp (dhamma).

 

Chúng ta phải luôn ghi nhớ rằng, dù bất kỳ dạng “thiền” hay “thiền quán” nào, thì điều cốt lõi chính là sự chú tâm hay là (chánh) Niệm (sati), sự chú ý hay quan sát, tức là Quán sát hay Tùy quán (anupassanā).

 

(1) Thiền quán về Thân:

1) Quán hơi thở ra vào:

Một trong những phương pháp thông dụng, nổi tiếng nhất và thực tiễn nhất của ‘thiền’ kết nối với Thân đó là phương pháp “Chú tâm hay niệm về hơi thở ra thở vào” (ānāpānasati).

- Chỉ riêng phương pháp ‘thiền’ này mới cần có tư thế ngồi riêng, đặc biệt như đã được miêu tả trong kinh.

- Còn những dạng ‘thiền’ khác ghi trong kinh Niệm Xứ này, bạn có thể ngồi, đứng, đi hoặc nằm tùy theo ý bạn. Nhưng để tu tập sự chánh niệm hay tập trung vào hơi thở ra, thở vào, bạn phải nên ở thế ngồi, như trong kinh đã chỉ dẫn, “ngồi chéo chân kiểu kiết già, giữ cho thân thẳng đứng và luôn chú tâm, tỉnh giác”. Tuy nhiên, kiểu ngồi kiết già không phải là thuận lợi, dễ dàng cho tất cả mọi người ở những quốc gia khác nhau, đặc biệt là không dễ dàng đối với người Âu Mỹ. Đối với những người thấy khó khăn trong tư thế ngồi kiết già, có thể ngồi trên ghế, “giữ cho thân thẳng đứng và luôn chú tâm, tỉnh giác”.

Một điều thật cần thiết là người hành thiền phải ngồi thẳng lưng (nhưng không phải thẳng đơ, cứng nhắc), hai bàn tay đặt một cách thoải mái lên hai đùi. Sau khi đã xong tư thế ngồi như vậy, bạn có thể nhắm mắt lại hoặc có thể tập trung nhìn vào chóp mũi của bạn, tùy theo kiểu nào bạn thấy dễ làm.

Thật ra, bạn luôn thở ra, thở vào suốt ngày suốt đêm, nhưng bạn không bao giờ chú tâm đến việc thở đó, bạn chưa bao giờ dành một giây để chú tâm vào hơi thở. Bây giờ thì bạn chỉ làm một việc là chú tâm đến hơi thở. Cứ thở ra, thở vào như bình thường, không cố gắng thở hay thở theo ý mình. Cứ để cơ thể và hơi thở tự nhiên thở ra thở vào. Bây giờ, bạn chú tâm tập trung vào hơi thở ra và thở vào, hay để tâm của bạn để ý, quan sát hơi thở vào ra của bạn, để tâm bạn chú ý và tỉnh thức vào hơi thở vào ra của bạn.

Khi bạn thở, có khi bạn thở sâu, có khi bạn thở không sâu. Điều này không là vấn đề gì cả. Cứ thở một cách bình thường, thở một cách tự nhiên. Điều duy nhất là khi bạn thở một hơi thở sâu, bạn phải ý thức được đó là hơi thở sâu, và cứ như vậy. Nói cách khác, tâm của bạn phải tập trung vào hơi thở của bạn, chú ý đến sự chuyển động (thở vào thở ra) của hơi thở và những thay đổi của nó. Hãy quên đi tất cả những thứ khác xung quanh mình, quên đi môi trường bạn đang ngồi, không được mở mắt lên hay nhìn bất cứ cái gì xung quanh. Cố gắng làm được như vậy trong năm hoặc mười phút.

Vào lúc mới đầu tập thiền, bạn sẽ thấy cực kỳ khó khăn để mang tâm tập trung vào hơi thở của mình. Bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên khi thấy tâm mình chạy nhảy như thế nào. Nó không bao giờ ở yên một chỗ. Bạn bắt đầu suy nghĩ nhiều thứ khác nhau. Bạn nghe thấy âm thanh bên ngoài. Tâm của bạn liền bị quấy nhiễu và xao lãng. Bạn có thể chán nản và thất vọng. Nhưng nếu bạn cứ thực hành bài tập thiền này hai lần mỗi ngày, vào buổi sáng và buổi tối, được khoảng năm đến mười phút mỗi lần, thì dần dần, từ từ, bạn sẽ tập trung tâm vào hơi thở được. Sau một số giai đoạn luyện tập như vậy, bạn sẽ trải nghiệm được một khoảnh khắc tâm bạn hoàn toàn tập trung vào hơi thở của bạn, bạn sẽ không còn nghe thấy những âm thanh thậm chí gần sát bên bạn, và trần cảnh bên ngoài cũng không còn hiện hữu đối với bạn.

Khoảnh khắc mong manh đó là một kinh nghiệm kỳ lạ đối với bạn, đầy những khoái cảm, sung sướng và tĩnh lặng, mà bạn sẽ muốn tiếp tục có nó. Nhưng bạn không thể có được nữa. Vì thế, bạn lại tiếp tục thực hành một cách đều đặn, bạn có thể lặp lại được kinh nghiệm đó nhiều lần và mỗi lần lại lâu hơn. Đó chính là khoảnh khắc bạn hoàn toàn quên mình vào sự tập trung, chánh niệm vào hơi thở. Chừng nào bạn còn ý thức về bản thân mình thì bạn sẽ không bao giờ tập trung vào điều gì cả!.

Việc tập luyện sự chú ý, chú tâm, (chánh Niệm) vào hơi thở, là một trong những cách hành thiền đơn giản và dễ dàng nhất, nhằm mục địch phát triển sự tập trung (Định) dẫn đến chứng đắc những tầng Thiền (dhyāna) huyền vi rất cao sâu hơn. Bên cạnh đó, năng lực tập trung (Định Lực) là điều cốt lõi, không thể thiếu được, cho bất kỳ sự hiểu biết sâu, sự thâm nhập, tri kiến xuyên suốt bản chất sự vật, bao gồm cả sự chứng ngộ Niết-bàn.

Ngoài những điều nói trên, việc thực hành tập trung vào hơi thở cũng sẽ mang lại những kết quả tức thì, nó làm cho bạn khỏe khoắn, thư giãn, ngủ sâu, và mang lại khả năng hiệu quả làm việc cho bạn. Nó làm cho bạn bình yên và tĩnh lặng. Ngay cả những lúc bạn hồi hộp hay bị kích động, nếu bạn thực hành (việc tập trung hơi thở) trong vài phút, bạn sẽ thấy bản thân mình lập tức lắng xuống và bình an. Bạn sẽ cảm thấy như mình vừa tỉnh dậy sau một cuộc nghỉ ngơi thật tốt.

 

2) Quán hành động hiện tại:

Một cách ‘thiền’ (sự phát triển tâm) quan trọng, thực tiễn và hữu ích khác là chú tâm và chánh niệm vào bất cứ những gì bạn làm, hành vi bằng thân hay lời nói bằng miệng, trong công việc, sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày của bạn, dù là ở những nơi riêng tư, công cộng hay ở nơi làm việc.

Bất cứ khi nào, dù là khi bạn đi, đứng, ngồi, nằm hay ngủ, dù là đang co duỗi chân tay, hay đang nhìn ngắm xung quanh, hay khi mặc quần áo, khi nói chuyện hay đang im lặng, khi ăn hoặc uống, ngay cả khi bạn trả lời điện thoại theo cách tự nhiên, hay bất cứ hành vi hoạt động nào, bạn cũng phải chú tâm vào, biết rõ hành động bạn đang làm ngay lúc đó.

Nói cách khác, bạn phải sống trong từng khoảnh khắc hiện tại, trong mỗi hành động hiện tại. Điều này không có nghĩa là bạn không được suy nghĩ gì về quá khứ hay tương lai. Mà ngược lại, bạn có thể nghĩ về chúng, trong tương quan liên hệ với giây phút hiện tại, hành động hiện tại, khi nào và ở chỗ nào chúng liên quan đến hiện tại.

Thông thường thì người ta không sống với những hành động, trong thời khắc hiện tại. Họ sống với quá khứ và tương lai. Mặc dù trông họ đang làm điều gì đó ngay lúc này, ở đây, nhưng họ sống ở một nơi khác trong ý nghĩ, sống với những vấn đề khó khăn và lo toan trong đầu đang tưởng tượng, hay nhiều khi sống trong ký ức về quá khứ hoặc sống với khát vọng và những suy đoán về tương lai.

Vì vậy, họ không thật sự sống với, và cũng không thưởng thức được gì với, những việc họ đang làm trong hiện tại. Vì vậy, họ bất hạnh và không kết nối được với phút giây hiện tại, với công việc đang làm trên tay, và lẽ tự nhiên là họ không thể nào làm hết mình những việc họ đang làm trước mắt.

Đôi khi bạn thấy một người trong quán ăn vừa đọc sách báo vừa ăn, cảnh này diễn ra rất thường xuyên. Người ta có thể nghĩ rằng người đó đang thực hiện cả hai việc đọc và ăn. Thật ra, người đó chẳng thực hiện được việc nào, đọc không ra đọc và ăn không ra ăn, và anh ta cũng chẳng thưởng thức được việc gì. Anh ta bị căng thẳng và bị quẩn tâm trí, và anh ta không thể thưởng thức được việc gì anh ta đang làm trong giây phút hiện tại, anh ta không sống trong giây phút hiện tại, mà anh ta đang cố trốn chạy khỏi cuộc sống, một cách không ý thức và điên rồ. (Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là một người không nên nói chuyện thư giãn với bạn mình khi đang ăn).

Bạn không thể nào thoát khỏi cuộc sống, mặc dù bạn có thể cố thử. Chừng nào bạn còn sống, dù là ở trong thành thị hay ở trong hang động, bạn còn phải đối mặt với nó và sống với nó. Cuộc sống thật sự là giây phút hiện tại - không phải là những ký ức về quá khứ, vốn đã qua và chết rồi, cũng không phải là những ước mơ về tương lai, vốn vẫn còn chưa thấy được ở phía trước. Người biết sống trong hiện tại là sống cuộc sống thật sự, và người đó là hạnh phúc nhất.

Khi được hỏi tại sao các đệ tử của Phật, mặc dù sống một cuộc sống đơn giản và yên lặng, chỉ ăn mỗi ngày một bữa, mà nét mặt thật là hoan hỉ, rạng rỡ, Đức Phật bèn đáp rằng: “Họ không hối tiếc về quá khứ, họ cũng không suy ngẫm về tương lai. Họ sống trong hiện tại. Vì thế cho nên họ luôn rạng rỡ. Nếu sống bằng việc suy tính về tương lai hoặc hối tiếc về quá khứ, thì kẻ ngu sẽ khô héo như lau xanh bị chặt bỏ (phơi nắng)”.[5]

Sự chú tâm hay chánh niệm không có nghĩa là bạn phải suy nghĩ và ý thức “Tôi đang làm việc này” hay “Tôi đang làm việc kia”. Không phải vậy. Mà là ngược lại. Ngay lúc bạn nghĩ “Tôi đang làm việc này” thì bạn trở nên ý thức về mình, và rồi bạn không sống trong hành động đang làm đó, mà bạn sống với ý nghĩ về “Tôi đang”, và kết quả là việc làm của bạn cũng bị làm hỏng luôn, vì bạn chỉ tập trung vào cái “Tôi đang” chứ không còn tập trung vào việc bạn đang làm. Bạn phải quên mình hoàn toàn và hòa mình hết vào việc bạn đang làm. Ngay lúc một người phát biểu trở nên ý thức về mình và nghĩ rằng “Tôi đang phát biểu với khán giả”, thì sự phát biểu của anh ta đã bị xao lãng, quấy rối và dòng suy nghĩ bị đứt mạch hay mạch ý triển khai của anh ta bị gián đoạn. Nhưng một khi anh ta quên mình để tập trung hết vào bài phát biểu, vào chủ đề phát biểu, thì anh ta thể hiện tốt nhất, anh ta phát biểu hay nhất và giảng giải mọi điều một cách trôi chảy, rõ ràng.

Tất cả mọi tác phẩm lỗi lạc, từ nghệ thuật, thơ ca, trí tuệ hay tâm linh, đều được sản sinh vào lúc người sáng tạo ra nó quên hết mình hoàn toàn vào công việc, vào hành động sáng tạo đó, khi họ đã hoàn toàn quên hết mình và chìm đắm vào hành động đang làm và khi đó, họ hoàn toàn không còn ý thức về mình.

Sự chú tâm hay chánh niệm vào những hành động của mình, như Đức Phật đã chỉ dạy, là sống trong hiện tại, sống trong hành động hiện tại. (Trường phái thiền ‘Zen’ cũng bắt nguồn từ nền tảng giáo lý này).

Ở đây, trong phương pháp thiền định này, bạn không cần phải thực hiện những hành động đặc biệt nào để phát triển tâm cả, mà bạn chỉ cần chú ý và chú tâm vào những hành động bạn đang làm. Bạn không cần phải bỏ ra một giây phút quý báu nào để nghĩ về cái phương pháp “thiền” đặc biệt này: Bạn chỉ cần tập luyện luôn luôn chú tâm và chánh niệm, cả ngày lẫn đêm, vào tất cả mọi hành động trong đời sống hằng ngày của bạn.

Hai hình thức ‘thiền quán’ trên đây, tức chú tâm vào hơi thở, là: (1) “Quán hơi thở”; và chú tâm vào những hành động của mình là: (2) “Quán hành động hiện tại” đều kết nối với thân, là phương pháp thiền quán Thân.

 

(2) Thiền quán Về Cảm Thọ:

Tiếp theo có phương pháp phát triển tâm (“Thiền”) đối với những cảm thọ hay cảm giác của chúng ta, lúc vui sướng hay buồn khổ hay trung tính. Chúng ta hay xem xét một ví dụ. Bạn trải nghiệm một cảm thọ không vui, buồn rầu. Trạng thái này của tâm là mờ mịt, mơ hồ, không rõ ràng, nó đang bị đè nén. Trong nhiều trường hợp, ta thậm chí không biết rõ tại sao chúng ta lại có cảm giác buồn rầu như vậy. Trước tiên, bạn phải học cách là không nên rầu rĩ trước cảm giác buồn rầu đó, không nên trở nên lo lắng về những điều buồn lo, bức xúc đó. Nhưng bạn phải cố gắng tìm hiểu tại sao có cảm thọ hay cảm giác buồn rầu hay bức xúc như vậy. Hãy suy xét nó khởi sinh, nó gây ra như thế nào, nó biến mất và nó chấm dứt như thế nào. Cố gắng suy xét nó cứ như bạn đang quan sát từ bên ngoài, không xía vào bằng những phản ứng chủ quan, cứ như một nhà khoa học quan sát một vật thể, một sự vật vậy.

Ở đây, bạn không nên nhìn nó một cách chủ quan như là “cảm giác của tôi” hay “cảm thọ của tôi”, mà chỉ nhìn nó một cách khách quan như là “một cảm giác” hay một “cảm thọ”. Thêm nữa, bạn cũng phải quên đi cái ý tưởng sai lầm về cái “Tôi”. Khi bạn thấy được bản chất của nó, nó khởi sinh và biến mất như thế nào, thì tâm bạn bắt đầu vô tư, không còn thiên vị đối với cảm thọ đó, và trở nên lìa bỏ và giải thoát khỏi nó.

+ Cách này cũng thực hiện nên làm, tương tự đối với tất cả những cảm giác hay Cảm Thọ khác của chúng ta.

 

(3) Thiền quán về Tâm:

Chúng ta hãy thảo luận về hình thức “Thiền” quan sát tâm của chúng ta. Chúng ta phải luôn biết được khi nào tâm chúng ta còn si mê, dính mắc hoặc không còn dính mắc; khi nào tâm bị chi phối bởi sân hận, ác độc, ghen ghét; hay đầy lòng yêu thương, bi mẫn; khi nào tâm bị u mê, lạc hướng hay có được sự hiểu biết đúng đắn và rõ ràng, và v.v… cứ như vậy.

Chúng ta phải thừa nhận rằng chúng ta thường xuyên thấy sợ hãi hay hổ thẹn khi nhìn vào tâm mình. Vì vậy, chúng ta thường tránh né nó. Chúng ta nên mạnh dạn và thành thật, nhìn thẳng vào tâm mình, như cách chúng ta nhìn vào mắt mình trong gương vậy.[6]

Ở đây, không phải là thái độ chỉ trích hay phán xét, hay phân biệt đúng sai, tốt xấu. Đó chỉ là việc quan sát, nhìn xem và suy xét. Bạn không cần phải là một quan tòa, mà là một nhà khoa học. Khi bạn quan sát tâm mình, và thấy được bản chất của nó một cách rõ ràng, thì bạn cảm thấy vô tư, dửng dưng đối với cảm xúc, tình cảm và trạng thái của tâm. Và như vậy, bạn trở nên không còn dính mắc và được tự do, để bạn có thể thấy mọi sự vật như chúng là.

Chúng ta hãy lấy một ví dụ. Giả sử bạn đang giận dữ, đang bị chi phối bởi sân hận, ác ý, và sự thù ghét. Điều đáng tò mò, và thật nghịch lý, là một người đang trong cơn giận thật sự không biết hay để ý vào việc anh ta đang giận. Ngay lúc anh ta biết được và chú ý vào trạng thái tâm của mình, lúc anh ta thấy được cơn giận của mình, thì sự giận dữ đó, cứ như thể nó thấy mắc cỡ và hổ thẹn, bắt đầu lắng xuống. Bạn nên quan sát bản chất của nó, nó khởi lên như thế nào, nó biến mất như thế nào. Ở đây xin nhắc lại, bạn không nên nghĩ rằng “Tôi đang giận” hay nghĩ về “cơn giận của tôi”. Bạn chỉ nên biết, chú ý đến trạng thái của một cái tâm đang giận, ‘tâm sân’. Bạn chỉ quan sát và suy xét tâm sân một cách khách quan.

+ Đây cũng là thái độ, cách thực hiện nên làm đối với tất cả mọi cảm xúc, tình cảm và những Trạng Thái khác của Tâm.

 

(4) Thiền quán về Pháp: – (“Pháp”: những đối tượng khác nhau của Tâm).

Rồi cũng còn một hình thức “Thiền” đối với những vấn đề về đạo đức, tâm linh và trí tuệ. Tất cả những học tập, nghiên cứu, việc đọc sách, thảo luận, đàm thoại và tranh luận về những đề tài đó, đều nằm trong phương pháp “thiền” này. Đọc một quyển sách và suy nghĩ sâu sắc về những vấn đề trong sách, là một dạng của “thiền”. Như chúng ta đã thấy trước đây[7] trong cuộc đàm thoại giữa Tỳ kheo Khemaka và nhóm Tỳ kheo về một phương thức “thiền” sau đây có thể dẫn đến sự chứng ngộ Niết-bàn:

 

1) Thiền quán về Năm Chướng Ngại:

Theo như phương thức “Thiền” này, bạn có thể nghiên cứu, suy nghĩ và suy xét về Năm Chướng Ngại (Nivarana), (còn gọi là ‘Năm Triền Cái’ hay ‘Ngũ Cái’) như sau:

1) Tham dục (kāmacchanda)

2) Ác tâm, thù ghét, Sân hận (vyāpāda),

3) Mệt mỏi và dã dượi, còn gọi là Hôn Trầm (thina-middha),

4) Bất ổn và lo lắng, còn gọi là Trạo Hối (uddhacca-kukkucca),

5) Hoài Nghi (vicikicchā).

Năm đặc điểm này được xem là chướng ngại cho bất kỳ sự hiểu biết thấu đáo nào, và vì vậy là chướng ngại cho bất kỳ sự tiến bộ nào. Khi một người quá bị chi phối bởi năm chướng ngại này và không biết cách nào để loại bỏ chúng, thì người đó không thể nào hiểu, phân biệt được những điều đúng sai, tốt xấu.

 

2) Thiền quán dựa vào Bảy Yếu Tố Giác Ngộ:

Chúng ta cũng có thể “Thiền” dựa vào “Bảy Yếu Tố để Giác Ngộ (Bojjhanga), (còn gọi là ‘Thất Giác Chi’). Những yếu tố đó là:

1) Niệm (sati), biết rõ và chú tâm vào mọi hoạt động và chuyển động về thân và tâm, như đã nói trên đây.

2) Sưu tầm và nghiên cứu, tìm hiểu những vấn đề khác nhau của giáo pháp, hay còn gọi là Trạch Pháp (dhamma-vicaya). Bao gồm việc học, đọc, nghiên cứu, thảo luận, đàm thoại, nghe giảng những chủ đề liên quan đến giáo pháp, trong mọi khía cạnh về tôn giáo, đạo đức và triết học

3) Năng lực tinh tấn (viriya), nỗ lực, làm việc, tu tập với lòng quyết tâm đến tột cùng.

4) Vui vẻ hay tâm Hỷ (piti), bản tính hoàn toàn ngược lại với thái độ bi quan, ảm đảm và buồn bã của tâm.

5) Thư thái hay Khinh An (passaddhi), là sự thả lỏng, thoải mái thân và tâm. Không nên căng thảng về thể xác, tinh thần.

6) Tập trung hay Định (samādhi), như đã thảo luận trước đây.

7) Buông xả hay tâm Xả (upekkhā), tức là đối mặt với những thăng trầm của cuộc sống bằng sự tâm bình tĩnh, sự tĩnh lặng, không bị rối loạn.

*Để tu dưỡng những phẩm chất này, điều cốt lõi không thể thiếu được là phải có ước muốn, ý chí và lòng hướng thượng hết mực.

Còn nhiều những điều kiện thuộc về vật chất và tâm linh (thân và tâm) khác, để trợ giúp cho việc phát triển mỗi phẩm chất, đều được chỉ dạy rõ trong các Kinh nguyên thủy.

 

3) Thiền quán về Năm Uẩn:

Ngoài ra, chúng ta cũng có thể “Thiền” quán về những chủ đề của “Năm Uẩn”, tìm hiểu vấn đề “Cái gì là một thực thể sống, một con người?” hay “Cái gì được gọi là cái ‘Tôi’?” hoặc “Thiền” về Tứ Diệu Đế (như chúng ta đã thảo luận trong các chương trước).

***Nghiên cứu và sưu tầm về những vấn đề để tạo lập hình thức thiền của phần “Thiền” thứ tư này – [“(4). Thiền quán Pháp, hay những đối tượng khác nhau của Tâm], để dẫn đến sự chứng ngộ Chân Lý Tột Cùng.

 

4) Những hình thức “Thiền” khác:

Ngoài những hình thức và phương thức “Thiền” chúng ta đã thảo luận trên đây, còn rất nhiều chủ đề về “Thiền học”, theo truyền thống có khoảng bốn mươi chủ đề…, trong đó chúng ta nên đặc biệt đề cập đến chủ đề Bốn Trạng thái Siêu phàm”, hay còn gọi là “Bốn Phạm Trú” (Brahma-vihāra), đó là:

1) Lòng Từ (mettà): tình thương yêu và thiện ý bao trùm, phổ quát đối với tất cả mọi chúng sinh, không hề có sự phân biệt nào, “như một người mẹ thương yêu đứa con duy nhất.”

2) Lòng Bi mẫn (karunā): lòng cảm thông, xót thương và bi ai đối với mọi chúng sinh đang chìm trong đau khổ, phiền não và hoạn nạn.

3) Lòng hoan Hỷ (muditā): vui vẻ, vui mừng đối với sự thành công, thành đạt của người khác, đối với phúc lợi và hạnh phúc của người khác. Và,

4) Lòng buông Xả hay tâm xả bỏ (upekkhā): sự vô tư, bình thản trước những thăng trầm của cuộc sống.



[1] A (Colombo, 1929), tr.276.

[2] Theo "Yogàvacara's Manual" (Cẩm nang Thiền Du-già, hay Yoga Thiền của T.W. Rhys Davids, nxb London 1896), một bản văn về Thiền viết ở Tích Lan vào khoảng thế kỷ 18, đã chứng tỏ Thiền vào thời bấy giờ suy đồi thành một tục lệ đọc tụng thần chú, đốt nến v.v…

Xem thêm chương XII, nói về “Tư Tưởng Khổ Hạnh” (The Ascetic Ideal), trong quyển “History of Buddhism in Ceylon” (Lịch sử Phật giáo Tích Lan) do chính tác giả Walpola Rahula biên soạn, (Nxb Colombo, 1956), từ tr.199.

[3] Xem chương IV, nói về Diệu Đế Thứ Ba, sự tạo tác của tâm và chú thích về pháp hữu vi (samkhata).

[4] Xem Sallekha-sutta (Kinh “Đoạn Giảm”, thuộc Trung Bộ Kinh số 8).

[5] S I (PTS), tr.5

[6] M I (PTS), tr.100

[7] Xem cuối Chương VI, “Học Thuyết Về Vô Ngã”: Khemaka & nhóm Tỳ kheo đó đàm thoại một phương thức “thiền”, sau này họ trở thành A-la-hán.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn