05 - Nói Chuyện Với Phật Tử Đạo Tràng Chân Như

27 Tháng Bảy 201300:00(Xem: 4956)

PHẬT PHÁP TẠI THẾ GIAN - Tập 1
H.T Thích Thanh Từ

NÓI CHUYỆN VỚI PHẬT TỬ ĐẠO TRÀNG CHÂN NHƯ

Hoa Kỳ - 2002

Hôm nay là lần đầu tiên chúng tôi tới thăm đạo tràng Chân Như. Quí Phật tử ở đây tuy không nhiều nhưng có thiện tâm thiện chí đối với đạo, vì vậy tôi nói qua một vài nét về đường lối chủ trương tu thiền cho quí vị nghe, hiểu để ứng dụng tu tập không sai lầm.

Chúng tôi chủ trương tu Thiền có gì khác với thiền Nguyên thủy thời xưa không? Lúc trước khi đọc sử Phật tôi rất nghi ngờ, tại sao đức Phật có tâm đại từ đại bi, ra đời để cứu độ chúng sanh, nhưng khi ngộ đạo dưới cội bồ-đề rồi, Ngài lại trù trừ không muốn giảng đạo. Ngài nói với chư thiên: “Cái thấy của ta, nói ra mọi người không thể hiểu được nên không muốn nói.” Đợi chư thiên đôi ba phen nài nỉ, yêu cầu Ngài dùng phương tiện để giáo hóa chúng sanh, cuối cùng Ngài mới đồng ý. Sau đức Phật đến rừng Lộc Uyển giảng pháp Tứ đế cho năm anh em Kiều-trần-như và kể từ đó bắt đầu có Tăng đoàn. Chư Tỳ-kheo nào tu đúng theo pháp Tứ đế Phật dạy thì sẽ chứng quả A-la-hán là vô sanh, nhập Niết-bàn không còn sanh trở lại nữa.

Đó là Phật dạy tu theo thiền Nguyên thủy, chứng quả vô sanh nhập Niết-bàn là chỗ cứu kính. Nhưng sau này đức Phật đã truyền chánh pháp cho Tổ Ca-diếp và từ đó chư Tổ truyền nối Phật tâm tông mãi về sau, phương pháp có khác một chút. Ví dụ như sau khi đức Phật đi giảng một thời gian, Phật tử đều thâm nhập giáo lý, hôm nọ trên hội Linh Sơn đức Phật cầm cành hoa đưa lên rồi nhìn khắp hội chúng, ai cũng ngơ ngác. Khi Phật nhìn tới Ca-diếp, Ngài liền mỉm cười. Phật liền bảo: “Ta có chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, hôm nay trao cho Ca-diếp.” Như vậy Ngài ấn chứng cho Ca-diếp làm Tổ thứ nhất ở Ấn Độ. Quí vị thấy có gì lạ không?

Người ta không hiểu đức Phật đã dạy gì cho ngài Ca-diếp, mà sau này khi đức Phật nhập Niết-bàn, một hôm A-nan hỏi ngài Ca-diếp: “Thưa Sư huynh, ngoài việc đức Thế Tôn truyền y bát cho Sư huynh, còn truyền thêm cái gì không?” Lúc đó ngài Ca-diếp liền gọi: “A-nan!” A-nan liền dạ, ngài Ca-diếp bảo: “Cây phướn trước chùa ngã.” Ngay đó ngài A-nan liền ngộ. Lạ lùng chưa? Đó là hệ thống Thiền tông truyền từ Tổ Ca-diếp đến Tổ A-nan rồi sau này tới Tổ thứ 28 là Bồ-đề-đạt-ma và Thiền tông được truyền sang Trung Hoa từ Tổ Bồ-đề-đạt-ma.

Khi đến Trung Hoa, Tổ Bồ-đề-đạt-ma gặp vua Lương Võ Đế, ông không thông cảm nên Ngài đến chùa Thiếu Lâm ngồi xoay mặt vào vách suốt chín năm trời. Sau đó có vị Tăng tên Thần Quang đến cầu học, thấy Ngài im lặng không nói gì hết, nên cũng đứng im ở ngoài trời. Đêm đó nhằm mùa Đông, tuyết xuống tới đầu gối mà Thần Quang vẫn cứ thản nhiên đứng yên suốt đêm. Đến sáng, Tổ Đạt-ma xoay ra nhìn thấy như vậy liền hỏi rằng:

- Ông vì việc gì mà cực khổ lắm vậy?

Thần Quang thưa:

- Con vì cầu pháp môn cam lồ tu hành để được giải thoát.

Tổ quở:

- Muốn giải thoát sanh tử thì phải học như những vị Bồ-tát thuở xưa. Có khi hi sinh cả thân mạng, có khi phải lấy thân làm giường cho bậc thầy ngồi, có khi làm tất cả việc khó khổ… Ông chỉ dùng chút ít phương tiện nhỏ vậy mà cầu pháp môn giải thoát được sao?

Sử nói rằng, ngài Thần Quang liền lẻn xuống nhà bếp mượn cái dao chặt cánh tay dâng lên Tổ và thưa:

- Con xin dâng cánh tay này để cầu đạo.

Tổ Đạt-ma khen “khá đó” và sau đổi tên Thần Quang thành Huệ Khả. Về chi tiết chặt cánh tay, có lẽ các bác sĩ không tin đâu. Chặt tay không lo băng bó mà đem lại dâng Tổ, lúc đó làm sao chịu nổi? Nhưng tôi cho rằng đây là một yếu tố để khích lệ người muốn cầu đạo phải quên mình, không tiếc thân mới cầu đạo được, không thể đem tâm sơ sài mà cầu đạo. Đó là một hình ảnh tượng trưng chớ trên thực tế thì tôi cũng không biết thế nào? Song sử ghi sao thì tôi nói như vậy.

Huệ Khả được Tổ nhận làm đệ tử rồi, một hôm đến hỏi Tổ Đạt-Ma:

- Bạch Hòa thượng! Tâm con chưa an, xin Ngài dạy con pháp an tâm.

Tổ Đạt-ma bảo:

- Đem tâm ra ta an cho.

Ngài Huệ Khả sửng sốt, tìm lại cái tâm bất an coi nó ở đâu. Quay lại tìm thì không thấy, liền bạch rằng:

- Bạch Hòa thượng, con tìm tâm không được.

Tổ bảo:

- Ta đã an tâm cho ngươi rồi.

Ngay đây ngài Huệ Khả biết lối tu. Biết làm sao? Đó là một vấn đề lâu nay nhiều người cũng thắc mắc. Tại sao Tổ nói chuyện quan trọng một cách đơn giản như vậy? Huệ Khả thấy tâm lăng xăng không an, nên mới cầu xin một pháp tu để an tâm, Tổ bảo “đem tâm ra ta an cho”, Ngài nói như đùa vậy, nhưng thật ra hết sức quan trọng. Khi Tổ bảo đem tâm ra thì Huệ Khả phải quay lại tìm xem tâm mình ở đâu, tìm lại nó mất. Ngài thật thà thưa rằng: “Con tìm tâm không được.” Tổ bảo: “Ta đã an tâm cho ngươi rồi.” Thế thì pháp an tâm là pháp gì?

Trong nhà thiền thường hay dùng từ “không có một pháp cho người”. Thiền tông không có một pháp cho người nên gọi là giáo ngoại biệt truyền. Phật tử cũng như đa số người nghe câu này thường hay sửng sốt, không biết Tổ Đạt-ma dạy pháp gì mà Huệ Khả biết lối tu? Tôi muốn nói như vậy để quí vị hiểu dạy thiền có nhiều lối. Như lối dạy theo pháp Tứ đế mà Phật đã nêu trước, đó là lối tu thiền thường dùng pháp Tứ niệm xứ của Nguyên thủy. Quán thân bất tịnh, quán thọ là khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã. Quán mãi cho tới khi nào tâm mình không còn dấy động nữa thì được định. Các ngài quán như vậy từ từ có những địa vị tu chứng như Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền.

Tên chuyên môn của Sơ thiền là Ly sanh hỉ lạc, tức lìa tham dục mà được vui vẻ. Nhị thiền là Định sanh hỉ lạc, tức tâm an định sanh hỉ lạc. Tam thiền là Ly hỉ diệu lạc, tức lìa cái vui mừng thô để được cái vui nhẹ nhàng hơn, mầu nhiệm hơn gọi là diệu lạc. Tứ thiền là Xả niệm thanh tịnh, tức buông hết các niệm để được thanh tịnh. Đến Tứ thiền cũng chưa phải rồi, mà còn bước qua quán Tứ niệm xứ nữa. Tới đó nếu hành giả khéo tu đúng theo chánh pháp Phật dạy sẽ đi tới Diệt tận định, nếu tu quanh một chút thì qua bốn thứ không: Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi phi tưởng xứ, tức là bốn thứ định Không. Cuối cùng mới đi tới Diệt tận định. Diệt tận định là diệt các cảm thọ và tư tưởng, nói đủ là Diệt thọ tưởng định. Thọ là cảm giác do sáu căn tiếp xúc với sáu trần, còn tưởng là tâm suy tư nghĩ tưởng. Tất cả những thứ này đều diệt sạch mới tới chỗ Diệt tận định. Được Diệt tận định thì chứng A-la-hán. Như vậy con đường đi trải qua thời gian rất dài, không phải đơn giản.

Còn Thiền tông lại quá đơn giản. Như Phật đưa cành hoa lên, nhìn tới Ca-diếp thấy Tôn giả cười thông cảm, Phật liền ấn chứng. Hoặc như Huệ Khả thưa “tìm tâm không được”, Tổ Đạt-ma bảo “an tâm cho ngươi rồi”, Huệ Khả liền biết lối vào. Như vậy là sao? Đó là những hình ảnh cho chúng ta thấy Thiền tông chỉ thẳng tắt, không có phương pháp. Tu theo thiền Nguyên thủy có phương pháp từ một tới hai v.v…, đi lần lên cho đến chứng quả A-la-hán. Còn Thiền tông chỉ đi thẳng thôi, mà đi thẳng thì dễ hay khó? Chắc không dễ. Nếu dễ thì ai cũng làm được hết rồi. Thế nhưng tại sao chúng tôi lại chủ trương khôi phục Thiền tông? Đó là một vấn đề hơi khó hiểu.

Chúng tôi dạy tu Thiền là ngồi yên, nếu niệm dấy lên liền biết nó hư dối, bỏ. Niệm dấy lên biết nó hư dối buông thôi, không thêm việc gì hết. Lối đó gọi là phản quan tự kỷ tức nhìn thẳng lại chính mình. Quí vị nào có nghiên cứu thiền sẽ hiểu mười mục chăn trâu, các Tổ vẽ ra ý nghĩa rất đầy đủ rõ ràng. Anh chăn trâu muốn tìm trâu, giai đoạn đầu thì phải tìm đây tìm kia. Anh chăn trâu biểu trưng cho Trí tuệ Bát-nhã, con trâu biểu trưng cho tâm dấy động. Tâm dấy động dấy lên, ta tưởng là tâm mình, nghĩ tốt nghĩ xấu, nghĩ hơn nghĩ thua đều cho là tâm mình, tức nhận cái bóng dáng sanh diệt làm tâm. Tổ bảo đem tâm ra ta an cho, khi quay trở lại tìm nó mất tiêu. Nếu nó thật thì phải còn, đằng này tìm lại không thấy, nên biết nó chỉ là cái bóng, không thật.

Lâu nay chúng ta ngỡ vọng tưởng sanh diệt là tâm mình nên chạy theo nó. Vừa dấy niệm nghĩ tốt nghĩ xấu, nghĩ phải nghĩ quấy, nghĩ hơn nghĩ thua… những thứ đó là nhân tạo nghiệp. Tại sao? Nghĩ tốt thì thích làm lành, nghĩ xấu thì ưa làm dữ, đó là tạo nghiệp lành nghiệp dữ. Tổ không muốn nói quanh co, nên bảo ngài Huệ Khả đem tâm ra ta an cho, nếu nó thật thì tìm thấy, bây giờ tìm lại không thấy tức nó mất. Mất là an rồi. Cho nên biết an tâm là nhìn lại tâm sanh diệt, nhìn thẳng nó mất chớ không có phương pháp nào hết. Tu như vậy dễ hay khó? Khó! Nên người tu Thiền như kẻ qua cầu không có tay vịn. Tổ Đạt-ma nói “trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”, tức chỉ thẳng tâm người, thấy Bản tánh thành Phật.

Khi chúng ta nhìn thấy niệm khởi liền buông, nó lặng đi. Khi khởi mình thấy, khi lặng mình biết, vậy cái gì thấy biết? Điều này chứng tỏ còn có một cái nằm trong ta nữa, chớ không phải chỉ có những nghĩ suy là tâm mình. Thế nhưng cả đời chúng ta cứ cho cái nghĩ suy là tâm mình, đó là mê lầm. Từ mê lầm này chúng ta theo nó tạo nghiệp luân hồi không có ngày cùng. Bây giờ mình thấy rõ nó hư dối không thật nên không theo nó, không theo nó là đã tỉnh rồi. Khi ấy, cái biết không theo vọng tưởng còn hay mất? Nó đâu có mất. Nếu nó mất thì vọng tưởng sau dấy lên làm sao biết. Vừa dấy niệm khác thì nó vẫn biết để buông. Rõ ràng trong đó có một cái ngầm thấy ngầm biết vọng tưởng để buông, cái ngầm đó là chú chăn trâu.

Chú chăn biết tìm trâu, gặp trâu rồi nó phải dùng roi dùng dây để cột trâu, xỏ mũi trâu và đánh kiềm chế đến khi nào con trâu hiền hòa. Tuy trâu hiền hòa chưa phải rồi việc, chú chăn còn phải điều phục từ từ cho tới lúc trâu mất. Con trâu mất, nhưng thằng chăn còn cũng chưa được, phải đi đến giai đoạn thằng chăn mất luôn. Chúng ta thấy cả một con đường tu cụ thể vô cùng. Thằng chăn là Trí tuệ Bát-nhã ruồng phá mê lầm, buông cái tâm chấp là thật được rồi thì lần lần con trâu đầu hàng mình. Khi nó đầu hàng rồi sự tu mới nhẹ nhàng, đến khi trâu mất luôn là an định, đã được định thì trí Bát-nhã hết dùng. Cho nên con trâu mất thì thằng chăn cũng mất luôn. Đến đây nhà Thiền gọi là “đầu sào trăm trượng”, phải nhảy qua khỏi chỗ này mới xong việc. Trong mười bức tranh Thiền tông, tới chỗ vòng tròn trống rỗng, nếu chấp là cứu kính thì kẹt, nên phải nhảy qua khỏi nó, tức bước vào mục thứ chín “lá rụng về cội, chim bay về tổ”. Đó là thể nhập Pháp thân.

Thể nhập Pháp thân rồi, sau đó mới có Ứng thân để giáo hóa chúng sanh. Ứng thân được tượng trưng qua hình ảnh một ông già cầm cá chép, bầu rượu vô xóm. Như vậy Thiền tông khác với thiền Nguyên thủy, chỗ Nguyên thủy gọi là Niết-bàn vô sanh, tức không còn chăn không còn trâu là xong, yên lòng an trú ở đó. Tuy không sanh không tử, nhưng không thể nhập Pháp thân để dùng Báo thân, Ứng, Hóa thân để độ sanh, nên Phật giáo Đại thừa không chấp nhận. Nếu người tu tới Diệt tận định rồi, an trú Niết-bàn thì chưa lợi ích cho chúng sanh. Trong khi đạo Phật dạy chúng ta tu phải giác ngộ. Muốn giác ngộ đầy đủ thì phải tự giác giác tha, hai phần này viên mãn mới gọi là Phật. Nếu tự giác xong rồi, dừng ngang đó thì chỉ gọi là A-la-hán, chớ không phải Phật.

Đến câu chuyện giữa Tổ Ca-diếp và ngài A-nan. Chỗ này dường như rất bí mật nhưng thật ra Tổ không hề che giấu chúng ta điều gì hết. Bởi vì nơi mỗi chúng ta đều có sẵn cái biết ở mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Cái biết đó hằng hữu thường còn, chỉ tại chúng ta không nhớ thôi. Bây giờ giả sử tôi đưa tay lên, để tay xuống, quí vị thấy không? Hầu hết đều cho rằng khi tay đưa lên thì thấy, để xuống thì không thấy. Phật quở như thế là quên mình theo vật. Tại sao thấy là cái của mình, tay là vật ở ngoài mà chúng ta lại lẫn lộn. Cánh tay để xuống, lẽ ra thấy không có cánh tay chớ đâu phải không thấy. Nếu nói không thấy tức là mù sao? Vậy mà cả thế gian đều lầm như vậy.

Thế nên khi đức Phật đưa cành hoa lên, nhìn tới ngài Ca-diếp, thầy trò nhìn nhau rồi ngài Ca-diếp mỉm cười. Đó là chỉ ra Tánh thấy sẵn có nơi chính mỗi người, ai cũng có hết, nếu thiếu thì chúng ta mù rồi. Ngài Ca-diếp nhận được điều này nên Phật nói ta có chánh pháp nhãn tạng, tức kho chánh pháp ở trong mắt (pháp nhãn) truyền cho Ca-diếp. Lời ấn chứng này chứng tỏ ngài Ca-diếp đã nhận được cái thấy thật của mình.

Kế đến ngài A-nan hỏi Tổ Ca-diếp ngoài chiếc y ra, Thế Tôn còn truyền cho Sư huynh cái gì nữa không, Tổ Ca-diếp kêu: “A-nan!” Ngài A-nan liền dạ, Tổ bảo “cây phướn trước chùa ngã”. Ngay đây ngài A-nan liền ngộ. Sự thật không phải Tổ muốn nói cây phướn, mà chủ yếu ở chỗ kêu liền dạ. Nghĩa là lỗ tai có nghe luôn không? - Nghe. Cái nghe đó có sẵn nên vừa kêu liền dạ. Lúc đó ngài A-nan có suy nghĩ không? Không có một niệm nào nhưng rõ ràng biết. Không một niệm mà biết thì cái biết đó mới chân thật của mình. Còn nghĩ suy mà biết thì cái biết đó là hư vọng sanh diệt.

Phật Tổ chỉ dạy chúng ta tu hết sức giản đơn. Đó là đi đường thẳng tắt, không có một pháp nào. Nhận ra cái nghe, nhận ra cái thấy là từ mình mà nhận chớ không có pháp nào cả. Như ngài Huệ Khả nói tâm không an là do ý niệm quá lăng xăng. Bây giờ Tổ bảo “đem tâm ra ta an cho”, Ngài tìm không được, Tổ nói “ta an tâm cho ngươi rồi”. Vì ý niệm đó không thật, nếu nhìn nó thì nó mất. Nó mất tức an tâm rồi. Cũng vậy, nơi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân đều có cái biết chân thật. Ai cũng có hết nhưng vì chúng ta không nhận ra nên gọi là mê. Bây giờ biết mình có cái đó nên quay trở về, nhà thiền gọi là phản quan, tức nhìn lại mình. Nhìn lại mình để thấy rõ nội tâm, biết những nghĩ suy phân biệt chỉ là giả ảo, còn cái biết chân thật hiện tiền ta lại bỏ quên. Bởi khi chạy theo cái biết giả ảo thì cái biết chân thật bị khuất lấp.

Chỗ này, ngài Thần Hội dùng một ví dụ hết sức rõ ràng. Như khi đưa gương lên, trong đó hiện ra bóng mình, bóng người. Lúc đó chúng ta chỉ lo thấy bóng mà quên gương. Đến khi nhìn vào không thấy bóng nào, lúc đó cái gương mới thật sự hiển hiện trọn vẹn đúng như thật nó. Cũng thế, người tu Phật định cái tâm lăng xăng lại, nó lặng thì Tâm chân thật hiện tiền. Còn cứ chạy theo cái lăng xăng thì sẽ quên Tâm chân thật. Cho nên pháp tu nào của đạo Phật cũng đưa đến chỗ định, nghĩa là phải dừng tất cả những tạp niệm. Như pháp niệm Phật, chừng nào quí vị niệm được nhất tâm bất loạn, Phật A-di-đà mới hiện ra rước về Cực Lạc. Nhất tâm bất loạn là tâm không còn nghĩ hai, nghĩ ba gì hết. Không còn một niệm nào mới gọi là nhất tâm, đây chính là định. Còn thiền Nguyên thủy thì tu đến Diệt tận định mới được. Riêng Thiền tông, Phật chỉ cho ngài Ca-diếp một cái thẳng nhất, gần nhất nhưng khó nhất.

Như vậy tất cả chúng ta có một cái thật mà lại không nhớ. Hiện giờ quí Phật tử nhớ cái gì? Một là nhớ thân này thật, hai là cho tâm suy nghĩ thật. Ngoài hai thứ ấy ra, không biết mình còn có cái thật tiềm ẩn sẵn bên trong. Quí vị cho thân này là thật, điều đó bảo đảm không? - Không. Tại sao? Bởi vì như đức Phật dạy mạng sống chỉ trong hơi thở. Thở khì ra không hít vô là chết ngay. Nếu thật thì nó phải lâu dài, nguyên vẹn, còn khi thở khì ra không hít lại là chết, nói thật sao được! Như vậy mạng sống chỉ trong một cái tích tắc đồng hồ nên không thể nói là thật. Đó là chỗ chúng ta mê lầm.

Phật nói thân này không thật, duyên hợp hư giả. Chúng ta biết rõ nó không thật thì giác, còn ngỡ nó thật là mê. Bởi vậy Phật nói chúng sanh mê, đáng thương là vậy. Khi lầm chấp thân thật thì sẽ có những bệnh gì? Vì thấy thân thật nên muốn ăn ngon, muốn mặc đẹp, muốn thụ hưởng tất cả mọi thứ hơn người. Nếu muốn mà không được, bị ai ngăn trở thì nổi giận. Vì vậy cái muốn đó gọi là tham. Tham không được thì khởi sân. Tất cả chúng ta bị những thứ xấu tham sân si dẫn dắt kéo lôi, nhưng thật ra si là gốc, từ si ta khởi tham, từ tham bị ngăn trở ta nổi sân.

Khi thấy thân này không thật thì chúng ta còn tham không? Nó không thật thì được cũng tốt, không được cũng chẳng sao, sống qua ngày thôi, không tham gì hết. Ngược lại nếu thấy thân thật thì nhất định sanh tham. Tham nhỏ là cá nhân tham món này món nọ, còn tham lớn thì giành giựt quyền lợi với thiên hạ, rồi xảy ra chiến tranh đủ thứ hết. Gốc từ mê lầm đưa tới đau khổ, từ đó chúng sanh trầm luân mãi thôi. Khi biết rõ thân này không thật chúng ta không còn tham, không còn tham thì đâu có sân. Cho nên biết rõ thân không thật là giác. Như vậy tìm cái giác khó hay dễ, xa hay gần? - Dễ như trở bàn tay. Để xuống gọi là úp, lật lên gọi là ngửa. Thấy thân thật là mê, nhận định nó giả là giác, tốn bao nhiêu công? Nhanh như trở bàn tay.

Giá trị của người tu là phải giác. Giác được thân rồi tới giác tâm. Người đời thường cho tâm suy nghĩ hơn thua, phải quấy là tâm mình thật. Khi suy nghĩ một vấn đề mình cho là đúng, ai cãi lại có giận không? Nổi tức lên liền. Nhưng đặt câu hỏi lại, tất cả những suy nghĩ của chúng ta có đúng trăm phần trăm không? Nếu không đúng sao lại bắt người ta phải nghe mình. Từ sự sai lầm đó đưa tới bệnh độc tài, từ độc tài sanh ra đấu tranh. Nhóm này nghĩ đúng điều này, nhóm khác nghĩ đúng điều khác, hai cái đúng đụng nhau, sanh ra tranh đấu rồi khổ đau. Như vậy giành nhau về vật chất do thấy thân thật là gốc của khổ đau, giành nhau về tâm nghĩ phải nghĩ quấy cũng là gốc khổ đau.

Nếu đối với thân biết không thật, đối với tâm biết không thật, lúc đó còn gì không? Còn chứ! Cái biết. Những suy nghĩ vừa dấy lên rồi mất thì không thật, còn cái biết thường còn. Phút giây nào ngồi yên lại, không nghĩ suy gì hết chúng ta biết không? Cái biết đó hình dáng ra sao? Có động không? Nó không hình dáng, không động thì làm sao mất được! Chúng ta cứ chạy theo cái phân biệt suy nghĩ lăng xăng cho là thật tâm mình, như vậy phạm đến hai sai lầm lớn. Đó là chạy theo cái giả, chấp cái giả là thật và không nhận ra được cái thật.

Nhiều người thắc mắc, nếu thấy thân này giả, thấy tâm suy nghĩ là giả thì đâu còn lòng thương ai, giúp ai, cũng đâu có hăng hái làm việc gì nữa. Thấy giả đâu có ham làm, thấy thật mới ham làm, như vậy đạo Phật đưa người ta tới chỗ bi quan rồi. Nhưng không phải vậy. Nếu thấy thân mình không thật, thân người không thật nhưng gặp kẻ mê chấp thân thật, tâm thật, chúng ta có thương không? Một người tỉnh thì phải thương người mê chứ. Đức Phật giác ngộ rồi Ngài mới thương tất cả chúng sanh, thương nhưng không đòi hỏi gì hết. Chúng sanh mê nên bỏ cái thật đuổi theo cái giả, Ngài thấy được mới đem hết lòng từ bi chỉ dạy cho. Cũng như tượng đức Phật Di-đà, Ngài duỗi tay xuống để làm gì? Để cứu vớt những người chìm dưới biển, nhưng chúng sanh không chịu đưa tay lên cho Ngài vớt, cứ lặn hụp hoài nên Phật càng thương hơn. Chính vì thấy rõ lẽ thật về thân tâm như huyễn, chúng ta mới có tinh thần lạc quan, làm lợi ích cho mình cho người một cách không ngăn ngại. Thí dụ như Phật tử thấy người nghèo đói, khổ quá, mình xuất một số tiền giúp đỡ họ. Giúp đỡ rồi mà họ không thèm cám ơn mình, có buồn không? Nếu mê chắc là giận chớ không thèm buồn! Bởi vì mình còn chấp ta thật, việc làm của mình cũng thật, nên giúp đỡ ai thì người đó phải biết điều trở lại, có trao đổi rõ ràng chớ không làm không công. Cho nên hiểu Phật mới không bi quan, còn không hiểu Phật mới là người bi quan.

Chúng ta cứ theo dòng mê thì sẽ trôi lăn mãi, còn nếu tỉnh giác thì sẽ qua khỏi trầm luân. Nên đạo Phật là đạo giác ngộ, đặt sự giác ngộ lên trên tất cả. Không phải nói người theo đạo Phật bắt buộc phải làm tất cả việc thiện mới đúng tinh thần đạo Phật. Đành rằng việc thiện là tốt nhưng đó chỉ là một phần phụ thôi, còn tu giác ngộ mới là mục đích trên hết. Cho nên trong kinh nói giữa bố thí tài và bố thí pháp thì bố thí pháp là hơn. Từ đó chúng ta thấy hệ thống truyền thừa Thiền tông từ Ấn Độ sang Trung Hoa, Việt Nam mang tinh thần tích cực, nhập thế chớ không phải từ bỏ thế gian. Thế kỷ thứ 13 các vua Trần ở nước ta đã liễu ngộ yếu chỉ Thiền mà vẫn ngồi trên ngai vàng chăm lo việc quốc gia. Vua Trần Nhân Tông lúc còn làm Thái tử thì đã được vua cha cho học Thiền với Tuệ Trung Thượng Sĩ. Lúc chuẩn bị trở về lên ngôi vua, Ngài hỏi thầy việc bổn phận chánh của người tu Thiền là gì, Tuệ Trung Thượng Sĩ liền trả lời: “Phản quan tự kỷ bổn phận sự bất tùng tha đắc.”

Phản quan là nhìn sâu về mình, đó là phận sự chánh, không từ bên ngoài được. Chư Tổ Trung Hoa cũng như chư Tổ Việt Nam không khác hướng tu. Tổ Đạt-ma bảo Tổ Huệ Khả “đem tâm ra ta an cho”, Nhị Tổ liền tìm lại, đó là phản quan. Tìm lại mình để nhận được tâm lăng xăng không thật là phận sự chánh. Cho nên phản quan tự kỷ là nhìn lại mình để thấy rõ, biết rõ mình, đừng lầm, đó là gốc của sự tu.

Tất cả chúng ta hiện giờ đang ôm ấp cái giả làm cái thật. Có khi nào quí Phật tử ngồi thiền chừng mười phút, không suy nghĩ gì mà vẫn tỉnh, lúc đó mình biết không? Biết rõ ràng. Mắt vẫn thấy, tai vẫn nghe, muỗi cắn vẫn biết, cái biết hiện tiền không mất. Cái biết đó không hình tướng, không biến động. Vì vậy tất cả các pháp tu Phật đều nhắm thẳng trở về cái biết chân thật đó. Thế nên nói tu thiền là nói tới con đường từ Phật tới chư Tổ nối tiếp truyền đến chúng ta ngày nay. Con đường đó không phải là con đường riêng mà là đường thẳng, còn những đường khác là phương tiện, đường vòng. Nên trong kinh thường nói giáo pháp của Phật là những phương thuốc để trị bệnh chúng sanh, nếu bệnh lành thì thuốc cũng phải ngưng. Bệnh lành mà thấy thuốc hay quá uống hoài thì cũng chết thôi. Chỗ khác Phật nói giáo pháp của ta như chiếc bè đưa người qua sông, nếu tới bờ thì phải bỏ bè. Trong kinh Viên Giác, Phật nói giáo pháp của Ngài cũng như ngón tay chỉ mặt trăng. Khi thấy mặt trăng thì ngón tay không cần nữa. Chúng ta chưa thấy mặt trăng nên phải nương ngón tay, thấy rồi thì phải bỏ ngón tay.

Tất cả phương pháp đều là phương tiện, cứu kính là chỉ thẳng. Chỉ thẳng rất giản đơn mà lâu nay chúng ta thấy dường như bí mật, khó hiểu. Con đường thẳng thì không thể quanh co. Vì vậy nói “trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật” là chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật. Tánh là cái biết sẵn của mình nên gọi là Tánh giác. Cái biết sẵn luôn có bên mình mà chúng ta quên. Bởi vậy vua Trần Nhân Tông sau khi ngộ được yếu chỉ thiền, lúc đang là Thái thượng hoàng, Ngài có làm bài phú “Phú Cư Trần Lạc Đạo”. Bài phú dài tới mười hội nhưng kết thúc Ngài dùng bốn câu thơ chữ Hán, nói rõ yếu chỉ của Ngài là yếu chỉ mà chư Tổ đã chỉ dạy:

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,
Cơ tắc san hề khốn tắc miên,
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích,
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.

Dịch:

Ở đời vui đạo hãy tùy duyên,
Đói đến thì ăn mệt ngủ liền.
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm,
Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền.

Ở đời vui đạo hãy tùy duyên, đói đến thì ăn mệt ngủ liền. Người ở trong cõi trần như quí Phật tử mà được vui với đạo là phải tùy duyên. Song, hai chữ tùy duyên này rất khó biết được. Tùy duyên là sao? Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền. Đói ăn mệt ngủ đó là tùy duyên. Còn đói không chịu ăn, mệt không chịu ngủ là không biết tùy duyên. Quí vị mệt có dễ ngủ không? Mệt mà chuyện gì hôm qua hôm kia chưa giải quyết xong, lăn qua trở lại chưa chịu ngủ, đó là không biết tùy duyên. Quí vị đói có chịu ăn không? Nếu quen ăn tiêu ớt, bây giờ thiếu tiêu ớt có chịu ăn không? Quí vị nam bữa nào cũng có một cốc rượu, thiếu cốc rượu có chịu ăn không? Đó là không biết tùy duyên. Nói xa hơn nữa, khi gặp hoàn cảnh xảy đến với mình thế nào, chúng ta sống linh động, không lo âu sầu muộn gì hết, đó là tùy duyên. Còn nếu cảnh nghịch đến mình buồn, suy nghĩ, lo sợ thì chưa biết tùy duyên.

Trong nhà có báu thôi tìm kiếm, đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền. Trong nhà chúng ta có ngọc quí, thì đừng đi tìm kiếm ở đâu khác. Chúng ta có sẵn Tánh giác nơi mình, Tánh giác ấy là Phật. Cho nên đừng tìm Phật trên trời trên mây, trên non trên núi, mà hãy quay lại mình tìm thì có sẵn. Thế nên Tổ nói trong nhà có báu thôi tìm kiếm. Chúng ta muốn tu Thiền phải làm sao? Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền. Sáu căn đối với sáu trần không vướng mắc gì hết đó là Thiền rồi. Có vướng mắc là có chạy theo, bây giờ thấy cảnh đẹp không dính, thấy cảnh xấu cũng không bực bội, đó là mình đang Thiền. Như vậy Thiền khó hay dễ? Rất là đơn giản.

Lục tổ Huệ Năng ngộ từ câu gì trong kinh Kim Cang? Ngài Tu-bồ-đề hỏi Phật: “Người phát tâm cầu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, làm sao hàng phục tâm, làm sao an trụ tâm?” Phật đáp muốn hàng phục tâm phải không có tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Nghĩa là không có tướng mình, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả. Thấy mình không thật, người không thật, chúng sanh không thật và mạng sống không thật, đó là hàng phục được tâm. Còn làm sao an trụ tâm, Phật dạy: “Bất ưng trụ sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm. Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, tức là đối với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp không dính mắc, nên không có chỗ trụ mà nhận tâm kia, đó là an trụ tâm. Nghe tới đây ngài Huệ Năng đại ngộ, liền lớn tiếng thốt lên rằng: “Đâu ngờ tâm mình xưa nay thanh tịnh, đâu ngờ tâm mình vốn không sanh diệt, đâu ngờ tâm mình vốn không dao động, đâu ngờ tâm mình vốn tự đầy đủ, đâu ngờ tâm mình hay sanh muôn pháp.”

Như vậy việc tu là đi tìm kiếm, trông đợi ở đâu hay quay lại mình? Quay lại mình để biết thân giả, rồi biết vọng niệm giả thì mới buông được. Cho nên người tu Thiền cần có Trí tuệ Bát-nhã, trong nhà thiền thường hay nói kiếm trí tuệ có công năng ruồng phá mọi kiến chấp sai lầm, như thế tu mới tới nơi tới chốn. Không có Trí tuệ Bát nhã thì chúng ta buông cái này kẹt cái kia, không thể nào ra khỏi. Trên đường tu ai cũng muốn giác ngộ, mà cứ ngỡ rằng đi tìm minh sư nào đó chỉ cho mình cái thuật lạ mới giác ngộ, nhưng sự thật giác ngộ không phải ở đâu mà chính mình chuyển cái nhìn, cái thấy của mình. Từ cái thấy sai lầm trở thành cái thấy đúng như thật thì giác ngộ. Thế thì chúng ta có đủ thẩm quyền giác ngộ không? Hay đổ thừa tại bị ma quỉ che lấp nên không thấy? Do chúng ta si mê thấy không đúng lẽ thật nên bị những cảnh trần lôi kéo, bây giờ thấy đúng lẽ thật rồi thì cảnh trần đâu có lôi được. Phật giáo dạy chúng ta tu là quay lại mình thấy cho rõ, biết cho tường tận, đừng có lầm.

Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật ví dụ anh chàng Diễn-nhã-đạt-đa, buổi sáng soi gương thấy mặt mày trong gương rất đẹp. Khi úp mặt gương xuống, anh không thấy mặt mình nữa liền ôm đầu chạy kêu “tôi mất đầu rồi, tôi mất đầu rồi”. Quí vị thấy anh ta ngu cỡ nào? Chúng ta có giống không? Khi suy nghĩ nói tôi suy nghĩ, hết suy nghĩ nói tôi hết suy nghĩ, cho rằng lúc đó không có tôi. Đó là một lầm lẫn lớn. Diễn-nhã-đạt-đa mắc kẹt cái bóng, cho bóng là thật nên quên cái đầu thật hiện tiền. Chúng ta cũng thế, nên Phật nói chúng sanh điên đảo. Người tu Phật phải nhìn thấu đáo, biết tường tận thì đi tới chỗ đạt đạo không khó. Còn cứ chấp mê, cứ trông đợi bên ngoài thì rất khó thành tựu đạo giác ngộ giải thoát.

Tu theo Nguyên thủy thì dùng pháp Tứ niệm xứ để trụ tâm, còn tu Tịnh độ thì dùng câu niệm Phật để trụ tâm. Tu Tứ niệm xứ phải bỏ hết thọ tưởng mới tới Diệt tận định. Còn niệm Phật tới nhất tâm là vô niệm. Cho nên bên Tịnh độ tông có dùng mấy ví dụ rất hay, nói như người đi đường đạp gai, bây giờ muốn đem cây gai ra thì phải lấy cây gai khác lể gai này ra. Nếu lể gai này ra rồi mà cây gai khác cứ cặm đó thì được không? - Không được. Vì vậy lể cây gai ra thì cây gai lể đó cũng phải quăng đi, như vậy vết thương mới lành. Cũng như người bị mạt vàng rơi vào mắt, có chịu để mạt vàng luôn trong mắt không? Mạt vàng tuy quí nhưng rơi vào mắt cũng xốn xang rất khó chịu nên không ai chịu để nó trong mắt. Dù quí như vàng cũng làm cho con mắt hư. Khi chúng ta niệm Phật, lúc đầu câu niệm Phật là quí nhưng tới chỗ cứu kính thì cũng phải lặng luôn. Như vậy giáo lý Nguyên thủy, giáo lý Tịnh độ và giáo lý Thiền tông có khác không? Chỗ đầu thì thấy khác nhưng cứu kính cũng gặp nhau, nên nói Phật dạy không hai. Phật dạy chúng ta dù Thiền dù Tịnh dù Mật gì, cuối cùng cũng đi tới chỗ nhất tâm.

Chúng ta tu cốt làm sao tự mình đi tới chỗ giác ngộ, chớ không ai cho mình giác ngộ được. Giác ngộ rồi thì không tạo nghiệp nữa, không tạo nghiệp thì giải thoát sanh tử, chưa giác ngộ thì không giải thoát được. Nhiều người học Phật nói giải thoát, giác ngộ không biết cái nào trước cái nào sau? Thật ra có giác ngộ rồi mới giải thoát, nếu còn mê lầm thì khó giải thoát được. Phật tử bây giờ mê nhiều hay giác nhiều? - Mê nhiều. Bởi thế nên chìm trong sanh tử không có ngày ra. Vậy nên chúng ta học Phật, tu Phật thì phải khéo, phải tỉnh, phải giác. Nếu tỉnh giác rồi sẽ đi tới quả vị Phật không khó.

Phật tử là con Phật, tức con của bậc giác ngộ. Phật giác ngộ hoàn toàn, còn chúng ta là con Phật nếu không giác được như Ngài thì cũng phải giác chút ít. Lần lên Bồ-tát thì giác nhiều hơn. Bồ-tát gọi là phần giác, giác ngộ từng phần, đến giác ngộ viên mãn là thành Phật. Như vậy từ bước thứ nhất đến bước thứ hai, thứ ba đều là một chiều giác ngộ, hiểu như vậy Phật tử mới thấy giá trị thật của đạo Phật. Vậy mong rằng tất cả quí Phật tử nghe tôi nói, xét thật kỹ để hiểu đạo Phật đúng như đạo Phật, có thế mới xứng đáng là đệ tử Phật.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
16 Tháng Giêng 2015(Xem: 7650)
Sự giải thoát của kinh Hoa Nghiêm không phải là phá hủy sự tướng, dù chỉ bằng cách quán tưởng; cũng không phải là đưa sự tướng trở về bản tánh tánh Không của chúng. Sự giải thoát, giác ngộ của kinh Hoa Nghiêm là thấy được sự viên dung vô ngại của tất cả sự tướng.
15 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 12956)
Tháng 10 năm 2014, Đức Đạt-lai Lạt-ma có một buổi thuyết giảng tại thành phố Boston trong chuyến viếng thăm Hoa kỳ. Một Phật tử Việt Nam tại đại học MIT (Massachusetts Institute of Technology) đã tham dự và trong dịp này có mua một tấm tranh treo tường ghi lại một lời giảng của Ngài gửi sang Pháp tặng tôi. Cử chỉ ấy khiến tôi không khỏi cảm động nhưng cũng không tránh khỏi một chút áy náy, bởi vì tôi chỉ quen biết người bạn trẻ này qua mạng internet thế nhưng chưa bao giờ gặp mặt.
15 Tháng Mười Hai 2014(Xem: 13105)
Câu chuyện thứ nhất xin kể về ông Gandhi. Ông là một vị anh hùng của dân tộc Ấn Độ, ông đã chỉ đạo cuộc kháng chiến chống chế độ thực dân của Đế quốc Anh và giành độc lập cho Ấn Độ với sự ủng hộ nhiệt liệt của hàng triệu người dân. Ông được dân Ấn Độ gọi một cách tôn kính là “Linh hồn lớn”, “Vĩ nhân”, “Đại nhân” hoặc là “Thánh Gandhi”.
24 Tháng Mười Một 2014(Xem: 8894)
Bất cứ thời nào và ở đâu, con người cũng có những nỗi khổ niềm đau, những thói hư tật xấu, tham lam, tranh chấp. Dựa vào các nguyên tắc đạo đức, con người dần điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với đạo lý xã hội. Giới luật trong Phật giáo (Vinàya) có nghĩa là điều phục, huấn luyện, đã huấn luyện thì phải có kỷ luật. Điều phục ở đây nghĩa là điều phục thân tâm
11 Tháng Mười Một 2014(Xem: 7585)
Cách đây mấy tháng, tôi đến tham dự một khóa tu hai tuần ở một tu viện trong một vùng gần bờ biển. Tu viện này được nhiều người kính trọng vì cuộc sống hòa hợp và khắc khổ của các nhà sư ở trong đó. Mỗi ngày một nhóm thí chủ khác nhau đến tu viện, thường là từ những thị trấn hay làng mạc xa xôi, mang theo vật phẩm cúng dường.
05 Tháng Mười Một 2014(Xem: 11562)
Quan niệm Phật như vị thần linh chỉ coi việc ban phước, giáng họa. Vì vậy, người ta không ngại gặp Phật thì cúng, gặp thần thì lạy, gặp ma quỉ thì cầu xin. Bởi trên cương vị ban phước giáng họa, họ không phân biệt đâu trọng đâu khinh, miễn vị nào đem lại được những điều cầu nguyện của họ là linh thiêng, bằng không thì hết linh ứng.
31 Tháng Mười 2014(Xem: 5447)
Đôi lời bộc bạch chân thành, chúng tôi viết quyển sách này cho những ai muốn trở thành người Phật tử chân chính. Bước đầu học Phật rất quan trọng, nếu đi sai lệch sẽ làm trở ngại trên bước đường tu học. Người mới bắt đầu học Phật không hiểu đúng tinh thần Phật giáo sẽ khó được thành tựu viên mãn.
23 Tháng Mười 2014(Xem: 10966)
Tất nhiên đã làm người thì phải chịu khổ đau nhiều hay ít tùy thuộc vào trạng thái tâm lý, sự cảm thọ và nhận thức của mỗi người. Nguyên nhân của sự đau khổ do bản thân mình gây ra hay tác động bởi hoàn cảnh xã hội, nhưng khổ đau có nguồn gốc từ sự tưởng tượng của con người.
22 Tháng Mười 2014(Xem: 14575)
“Phật pháp trong đời sống” của cư sĩ Tâm Diệu là tuyển tập về mười hai chuyên đề Phật học gắn liền với đời sống của người tại gia. Tuyển tập các bài viết này gồm ba mục đích chính: (i) Xóa bỏ mê tín dị đoan và các tập tục hủ lậu, (ii) Giới thiệu Phật pháp căn bản, giúp người đọc hiểu rõ các giá trị thiết thực của đạo Phật, (iii) Đính chính các ngộ nhận về các khái niệm thầy tu, giải thoát, giá trị trị liệu của thiền và bản chất hạnh phúc trong hiện tại.
29 Tháng Chín 2014(Xem: 6517)
Trải qua gần 100 năm tuổi (phôi thai bắt đầu từ khoảng năm 1916- 1918), bộ môn Cải Lương của miền Nam Việt Nam ngày nay đã thật sự "đi vào lòng người", vừa là kịch, vừa là hát, nhẹ nhàng lên bổng xuống trầm với những nhạc cụ dân tộc, tạo thành một nghệ thuật đặc thù của miền Nam Việt Nam. Cộng vào đó, những nghệ sĩ tài hoa, điêu luyện, hòa cùng kỹ thuật âm thanh tân tiến ngày nay, đã đưa bộ môn nghệ thuật Cải Lương tới chỗ tòan hảo, truyền cảm và rất tự nhiên.