Buông Xả Những Quá Khứ Đau Thương Và Thù Hận

27 Tháng Tám 201000:00(Xem: 41424)
Là một cựu quân nhân trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa, tôi đã chiến đấu tại các chiến trường để bảo vệ nền tự do cho miền Nam Việt Nam. Khi miền Nam sụp đổ, tôi bị bắt đi tù, được gọi một cách văn hoa là đi cải tạo. Ở đó, hằng ngày ngoài chuyện làm việc cực nhọc, chúng tôi còn phải nghe những lời lăng mạ của các người quản trại, rằng chúng tôi là những kẻ phản quốc, làm tay sai cho ngoại bang. Do hiểu biết nông cạn, nên họ không hiểu được thực tế, rằng cuộc chiến của nước Việt Nam là chiến tranh ý thức hệ, giữa hai khối tự do và cộng sản.

Được đi theo diện HO sang đây, do có điều kiện nghiên cứu kinh sách nhà Phật, đôi khi tôi lại cảm thấy thương xót cho những cai tù khi xưa, những kẻ vì ngu dốt mà tạo nghiệp ác với anh em tù nhân chúng tôi. Những lúc ấy, lòng tôi nhẹ nhõm, không còn oán hận họ nữa.

Tôi rất muốn buông xả, tha thứ cho họ, theo lời đức Phật đã dạy: “Oán chỉ nên cởi, không nên thắt”, và “Lấy đức báo oán, oán ấy tiêu tan, lấy oán báo oán, oán ấy chập chùng". Nhưng càng gần ngày kỷ niệm miền Nam xụp đổ, thì lòng tôi lại bồn chồn uất ức, nghĩ tới biết bao nhiêu là cảnh cũ, người xưa.

Vậy tôi có nên buông xả hay không? Muốn buông xả thì làm sao cho tôi quên được biết bao nhiêu chuyện đau lòng mà buông?

Thưa quý thính giả,

Hằng năm, cứ vào khoảng thời gian miền Nam xụp đổ, vào cuối tháng Tư dương lịch, hầu như hết thẩy chúng ta, những người phải bỏ quê cha đất tổ ra đi để tìm tự do, đều cùng chung nỗi bồi hồi buồn bã như nhau. Mặc dầu ba chục năm đã trôi qua, thế hệ những người có nhiều kỷ niệm với miền Nam thuở xưa, vẫn thấy mọi chuyện như mới xảy ra, và vết thương lòng vẫn như là còn đang nhức nhối.

Vậy thì liệu chúng ta có thể quên được những kỷ niệm xưa không? Và có cần phải quên không? Đấy cũng là những mối ưu tư trong đời sống, cần được tìm hiểu.

Kính thưa quý vị,

Trong đời, chúng ta có rất nhiều câu hỏi, và mỗi câu hỏi cũng lại có nhiều câu trả lời khác nhau, tùy theo môi trường sống, hoàn cảnh cá nhân, văn hóa, xã hội, vân vân... Vì thế, những câu trả lời cũng đều chỉ là những quan điểm tưong đối, không phải là chân lý tuyệt đối, dùng chung cho tất cả mọi người.

Đạo Phật cũng trôi chảy trong dòng sống của nhân loại, cũng có nhiều câu hỏi và giải đáp khác nhau cho hành giả trên đường tu tập. Là một đạo sư, đức Phật hiểu rất thấu đáo điều này. Ngài hiểu rằng tâm mỗi chúng sinh đều có những đặc điểm riêng, do đó, những thắc mắc cũng cần có những giải đáp khác nhau, cho nên đã chỉ ra nhiều cách tu tập, để đáp ứng với nhu cầu luyện tâm của nhiều người.

Cốt tủy của đạo Phật là tu hành để giải thoát ra khỏi sinh tử luân hồi. Đây là kinh nghiệm bản thân của đức Phật, sau khi tu hành khổ hạnh qua nhiều phương pháp, một buổi sáng, khi sao Mai mọc, Ngài bừng tỉnh ngộ, nhận ra được rằng “Tất cả chúng sinh đều có Tri Kiến Phật như Ngài, chỉ vì vô minh che khuất, nếu tu tập thì sẽ bừng tỉnh, giác ngộ như Ngài”.

Đó là thông điệp của đức Phật khi giác ngộ, thành Phật. Phật có nghĩa là giác ngộ.

Từ sự giác ngộ của Ngài, đạo Phật ra đời. Mục tiêu của người tu đạo Phật là giác ngộ thành Phật để cứu độ chúng sinh như đức Phật đã tu và đã thành tựu. Thành phần này là những người xuất gia, còn được gọi là những Trưởng Tử Như Lai. Để có thể đạt được kết quả rốt ráo, các vị này thường tới những khu rừng sâu, núi cao, xa lánh hẳn chuyện đời, để thanh lọc tâm linh. Đó là các vị hành giả quyết tâm bước trên đường giác ngộ giải thoát, để có khả năng cứu độ muôn loài chúng sinh như đức Phật, ngay trong kiếp sống này.

Đối với các vị này thì:

Quá khứ qua rồi
Tương lai chưa tới
Hãy nên tỉnh thức
Sống trong hiện tại
Vững chãi thảnh thơi”.

Do đó, các pháp môn họ tu đều với mục tiêu dẹp trừ vọng tưởng Tham Sân Si, buông bỏ kỷ niệm xưa, tình cảm cũ, quay lưng lại quá khứ. Quý vị này được Phật tử tôn là bậc trượng phu, đã vượt lên trên những chân lý tương đối, có tính cách quy ước của từng nhóm người, từng cộng đồng, vốn là nguyên nhân sâu xa của chiến tranh. Hành động của người tu giải thoát phải phát xuất từ tâm Đại Bi, bình đẳng, làm lợi ích cho tất cả chúng sinh. Nếu có việc làm nào, mà động cơ là Tham Sân Si, thì người tu sĩ đó chưa giữ đúng lời nguyện khi xuất gia. Mang tâm nguyện độ sinh bước vào cửa Không, người tu sĩ trên đường tiến tới giác ngộ giải thoát, coi danh lợi và vinh hoa phú quý chỉ như đôi dép rách, thẳng tay liệng bỏ. Đấy là mục tiêu cốt tủy của con đường tu theo đạo Phật.

Nhưng không phải tất cả mọi Phật tử đều có khả năng làm được việc đó. Và cũng không phải tất cả Phật tử có lòng muốn tu tập, đều muốn tu một cách tích cực, dẹp bỏ tất cả mọi lôi cuốn của thế gian như vậy.

Cho nên ngoài giới xuất gia tu hành để giải thoát ngay trong kiếp sống này, còn có Phật tử cư sĩ tu hành tại gia. Với Phật tử cư sĩ tại gia thì lại có quy chế khác với người xuất gia. Vì cư sĩ đang sống trong đời thường, phải có bổn phận với gia đình, tổ tiên, non sông, đất nước, phải duy trì nếp sinh hoạt với cộng đồng dân tộc. Người cư sĩ tuy cũng có những tu tập tâm linh, nhưng phải giữ được sự quân bình đối với đời sống xã hội.

Mỗi xã hội lại có những quy định cho các thành viên. Thí dụ như ở Việt Nam khi xưa, thanh niên tới hạn tuổi phải đi quân dịch để bảo vệ tổ quốc, trong khi tu sĩ thì được miễn dịch, vì họ có nếp sinh hoạt khác biệt. Trước những nhiệm vụ đối với gia đình và tổ quốc như vậy, mọi con dân đều có những ràng buộc với cộng đồng, không thể tự do phóng khoáng như tu sĩ được.

Như vậy, nếp sinh hoạt của cư sĩ đã khác với tu sĩ, cho nên sự buông xả cũng có những mức độ khác nhau.

Khi đức Phật phát biểu về quyền sống, về sự bình đẳng, Ngài nói đến chúng sinh, chứ không phải chỉ nói đến nhân loại, lại càng không phân biệt quốc gia, dân tộc. Cuộc đời Ngài là giáo hóa để mưu cầu hạnh phúc và an lạc cho toàn thể chúng sinh. Ngay đối với tính mạng những sinh vật nhỏ nhít, như con sâu, cái kiến, Ngài cũng khuyên chư đệ tử vào mùa côn trùng sinh sản, nên giảm thiểu sự đi lại để tránh giẫm đạp lên, khiến chúng phải bỏ mạng.

Nhưng đối với chúng ta là những người dân thường, dù là Phật tử, chúng ta vẫn đang sống trong thế giới tương đối, có phải, trái, tốt, xấu, vân vân, theo quy ước của cộng đồng. Chúng ta có nhiệm vụ phải hoàn tất các bổn phận mà cộng đồng quy định, có cái nhìn phân biệt về quốc gia, dân tộc, vân vân... Trên quan điểm này, quá khứ là gia tài chung của những người cùng truyền thống, cùng kỷ niệm, có những vui, buồn, vinh, nhục chung, không thể xóa nhòa ký ức, không thể quên được.

Không thể quên, nhưng chúng ta có thể buông xả bớt những nỗi niềm đau khổ ra khỏi tâm tư, để trước nhất là cứu tâm chúng ta cho bớt nhức nhối, sau là có thể dùng những sinh lực, đáng lẽ tiêu hao trong việc gậm nhấm những cảm xúc đau đớn, chuyển qua những công việc ích lợi hơn.

Nhà Phật cho là “Tâm tạo thiên đường, Tâm tạo địa ngục”. Suốt cả cuộc đời giáo hóa chúng sinh, đức Phật chỉ dạy chuyển tâm. Đó là thông điệp ”Oán chỉ nên cởi, không nên thắt”, “Lấy đức báo oán, oán ấy tiêu tan, lấy oán báo oán, oán ấy chập chùng”, và Lấy từ bi xoá bỏ hận thù"...

Đối với quá khứ, cfhúng ta không cần phải quên, mà nên ghi chép lại trong lịch sử của dân tộc, để lưu truyền cho thế hệ sau. Quá khứ cho ta những bài học của lịch sử, mà nhờ có những bài học này, người đời sau có thể rút tỉa kinh nghiệm, để từ đó, có những quyết định sáng suốt, tốt đẹp hơn. Như vậy, kỷ niệm quá khứ sẽ đem lại những chuyển hóa tích cực cho tương lai.

Tuy nhiên, chúng ta nên phân biệt giữa ghi nhớcăm thù. Ghi nhớ để có kinh nghiệm mà do đó, làm được những việc có ích cho đời thì tốt. Nhưng ghi nhớ để nổi lên lòng căm thù thì không đúng với lời Phật dạy. Lòng thù hận sẽ đem lại cho mình và cho người những nỗi đau khổ không bao giờ chấm dứt được. Trước nhất là lòng thù hận trói buộc mình trong những cảm xúc tiêu cực, không an lạc. Để trong tâm sự thù hận, nhãn quan sẽ bị thu hẹp. Đó là lý do nhà Phật khuyên chúng ta nên buông xả.

Thưa quý thính giả,

Lịch sử các cuộc tàn sát vì cuồng tín ghi rằng, đã nhiều lần người theo đạo Hồi tấn công đạo Phật, bằng những cuộc thảm sát đẫm máu. Điển hình như cuộc tấn công năm 1197, được mô tả như sau:

...”... Đạo quân Hồi giáo xông xáo vào đất Phật tại Ấn Độ. Những lưỡi kiếm vung lên loang loáng, chém bay tất cả những cái đầu cạo trọc (ám chỉ đầu các tu sĩ Phật giáo). Tội ác giết người được hoàn tất chu đáo đến nỗi, khi kẻ chiến thắng muốn tìm một người có thể đọc và giải thích kinh sách nhà Phật, tại nơi cất giữ kinh của các tu viện, thì không còn tìm ra nổi, dù là chỉ một người sống sót, có khả năng đọc được sách nữa. Tất cả đã bị giết hết. Cuộc tàn sát ráo riết tới tận gốc. Do cuộc chém giết man rợ này, Hồi giáo đã nhổ tận gốc đạo Phật tại Ấn Độ”

Không riêng tại Ấn Độ, người Hồi Giáo đã tàn sát Phật tử tại nhiều vương quốc miền Trung Á vốn theo đạo Phật, thí dụ Afghanistan, nơi Phật giáo đã có một thời được phổ biến rất rộng rãi, điển hình là đã có hai pho tượng khổng lồ được xây dựng từ mấy ngàn năm nay, mà chúng ta mới được biết gần đây, khi quân Taliban phá hủy hai pho tượng này, khiến cho cả thế giới phải xúc động. Có thể nói 300 năm trước Tây lịch, dưới triều đại Asoka, Phật giáo đã vượt khỏi biên giới Ấn Độ, và phát triển rộng về phiá Nam, phiá Đông và Tây Ấn Độ. Phía Tây Bắc, Phật giáo du nhập vào các vùng Gandhara, Pakistan và Afghanistan. Ở thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch, một vùng đất rộng lớn bao gồm Bắc Ấn, Gandtara, Afghanistan cho tới thung lũng sông Tarim do hoàng đế Kaniska cai trị. Vị vua này là một tín đồ Phật giáo, dưới triều đại của ông, đã tổ chức kết tập kinh điển lần thứ IV ở Kashmir và cũng chính nhà vua đã cử những vị cao tăng đem Phật giáo đến các vương quốc như Hy Lạp, Ai Cập, Syria… Nhưng tất cả những khu vực theo Phật giáo này đã bị người Hồi giáo tàn sát, đập phá chùa chiền, tu viện, thư viện với những kho tàng văn hóa Phật giáo. Trước lưỡi kiếm tàn sát hung bạo, những người Phật tử hiền lành, hiếu hòa, bất bạo động, đã chạy tan tác đi lánh nạn tại các nước như Nepal, Trung Hoa, Tây Tạng, vân vân...

blankLà một nhà lãnh đạo đất nước Tây Tạng, một đất nước mà dân chúng hầu hết theo Phật giáo, hẳn đức Đạt Lai Lạt Ma biết rõ về những cuộc tàn sát đạo Phật của Hồi giáo. Thế nhưng, trong buổi hội nghị mang tên "A Gathering of Hearts Illuminating Compassion" tại San Francisco, từ ngày 10 tháng Tư đến ngày 16 tháng Tư năm 2006, gồm có khoảng 500 nhà lãnh đạo và học giả thuộc nhiều tín ngưỡng, của khoảng 30 quốc gia trên thế giới, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã phát biểu: “Ngày nay, theo ý một số người, Hồi giáo có vẻ như bị coi là hiếu chiến. Tôi cảm thấy rằng điều đó hoàn toàn không đúng. Hồi giáo, cũng như các truyền thống tôn giáo khác, cũng dạy tín đồ về sự tử tế, về lòng trắc ẩn, về sự giúp đỡ những người nghèo khổ, vân vân...”....

Ngài nói với cử tọa rằng, nhiều người đã thấy và nghe nói về những cuộc nổ bom tự sát, phần lớn xảy ra tại các nước Hồi giáo, mà không nghe nói về những người Hồi giáo đi làm việc thiện, giúp đỡ người nghèo. Ngài nói rằng tất cả mọi người đều có khuynh hướng bạo động, nếu bản thân bị mất bình tĩnh, và chúng ta không nên căn cứ vào hành động của một số người, mà phán xét cả một tôn giáo, vì “Ở đâu cũng có những kẻ phá hoại”. Ngài cũng kêu gọi cử tọa, là những nhà lãnh tụ tôn giáo và các học giả tôn giáo, cần phải làm việc tích cực hơn để tạo một thế giới sống chung hòa bình.

Những điều Ngài nói đều có cơ sở thực tế, thí dụ tổ chức Rahima Foundation của người Hồi giáo đã nhận được huy chương Human Relations Award of California’s Santa Clara County vì đã có công tặng y phục, thực phẩm và những vật dụng cần thiết cho những người kém may mắn tại Santa Clara và các vùng phụ cận từ năm 1993. Tại những vùng như Sacramento, New York, Philadelphia, Chicago, Detroit, Tampa Bay, vân vân, các bác sĩ Hồi giáo tại địa phương đã cung cấp dịch vụ y tế miễn phí cho những bệnh nhân không có bảo hiểm. Và qua những tổ chức như Habitat for Humanity, các thiện nguyện viên Hồi giáo đã hy sinh thời giờ và khả năng kỹ thuật của họ, để xây dựng nhà cửa cho những người vô gia cư, vân vân ...

Lời kêu gọi của Ngài được nhiều người có tấm lòng rộng mở hoan hỉ đón nhận. Nhưng cũng có một số người, ngay cả Phật tử, phản đối, cho là Ngài quá khoan hòa với Hồi giáo.

Như chúng ta đã thấy, hẳn là Ngài biết rất rõ về những nỗi thống khổ, những tai hại do Hồi giáo gây ra cho đạo Phật. Thế nhưng, là một Phật tử chân chính, Ngài không nhìn sự việc bằng cảm tính, theo kiểu vơ đũa cả nắm. Chúng ta cũng thấy rằng không phải tất cả người Hồi giáo đều xấu. Trong số những người Hồi giáo, có rất nhiều người tốt lành. Họ cũng tốt lành như chúng ta, mà lại còn đáng buồn hơn chúng ta, vì bị mọi người hiểu lầm, nên ghét lây tới họ.

Chắc chắn Ngài không quên những đau thương mà người Hồi giáo đã đem lại cho Phật giáo trong quá khứ, nhưng là một Phật tử sáng suốt, Ngài nhìn những kiếp người đang sống trên thế giới này bằng con mắt Tâm, con mắt thấu triệt được những đau thương khốn khổ, mà mọi người phải chịu đựng, nếu nhân loại cứ tiếp tục thù hận nhau, chiến tranh cứ liên miên xảy ra khắp thế giới.

Trong cuốn The Art of Happiness, a Handbook for Living, đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói:

...“... Sự tai hại của lòng thù hận thật là hiển nhiên, rõ ràng và trực tiếp. Thí dụ, khi trong lòng bạn nổi lên một cảm giác ghét ai đó, thì ngay lập tức, cảm giác ghét đó tràn ngập tâm trí bạn, và nó làm tan biến cảm giác an lạc trong tâm bạn ngay lập tức. Nó cũng khiến cho tâm bạn không còn sáng suốt, tỉnh thức được nữa. Ngay khi sự nổi giận và ghét bỏ xuất hiện, nó phá hủy phần tốt đẹp nhất của tâm trí, phần mà nhờ nó, bạn biết được sự đúng và sai, sẽ gây ảnh hưởng vào phản ứng của bạn ngay lúc đó và trong tương lai của bạn. Khả năng phán xét của bạn bị đình chỉ, không còn làm việc nữa. Bạn sẽ giống như người bị mất trí. Như vậy, sự giận dữ và thù ghét có khuynh hướng làm cho bạn bị mất tỉnh táo, khiến cho những khó khăn mà bạn đang gặp càng trở nên tệ hại hơn...”...

Thưa quý thính giả,

Một trong những con đường tu tập của Phật giáo Đại Thừa là Bồ Tát Đạo. Hạnh nguyện Bồ Tát là hy sinh bản thân để cứu độ chúng sinh. Có câu hỏi đặt ra là: “Nếu tại khu rừng kia có con cọp rất dữ, đã ăn thịt nhiều người. Có một võ sĩ tu theo hạnh Bồ Tát, có khả năng giết con cọp đó. Nhưng giết cọp thì phạm vào giới sát. Vậy phải làm sao?”

Câu trả lời cho người đi trên Bồ Tát Đạo là dùng con mắt Tâm, con mắt “cứu khổ chúng sinh” để chỉ đạo. Giết cọp sẽ cứu được nhiều chúng sinh khỏi chết, hành giả Bồ Tát Hạnh sẽ rất thương xót mà đành phải xuống tay chấm dứt cuộc đời con cọp, để cứu nhiều mạng sống, và sẵn sàng chấp nhận sẽ phải trả quả báo do hành động sát sinh, dù động cơ sát sinh nảy ra do lòng từ bi của mình.

Người Phật tử tu theo đúng lời dạy của đức Phật, trước mỗi hành động phải luận coi động cơ là vì lòng từ bi, vì chúng sinh, hay vì tham sân si cho cá nhân mình.

Cuộc đời luôn luôn đem tới cho chúng ta những câu hỏi. Chỉ có con mắt Tâm, con mắt của lòng từ bi là có thể giúp chúng ta trả lời một cách sáng suốt mà thôi.

Ban Biên Tập/TVHS

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn