Phật Giáo Có Phải Là Duy Vật Không?

27 Tháng Tám 201000:00(Xem: 28936)
Tôi đọc sách Bát Nhã Ba La Mật kinh trực chỉ đề cương của Hoà thượng Thích Từ Thông, ở phần cuối sách có đề mục: Phật giáo là duy vật qua cái nhìn Bát nhã ba la mật. Quan điểm này của tác giả làm tôi rất ngạc nhiên và gây nhiều tranh cãi vì theo thiển ý của tôi cảm nhận về giáo lý Phật Đà thì Phật giáo siêu việt cả duy tâm lẫn duy vật. Mong quý Báo giải thích cho tôi được rõ hơn về vấn đề này. (TT, thành phố Vinh, Nghệ An)

TRẢ LỜI: Trước hết chúng tôi ghi lại nơi đây phần trích đoạn (mầu xanh) bài tham luận của Hòa Thượng Thích Từ Thông đọc trong cuộc Hội thảo tại Viện Khoa Học Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh do Viện Triết học Trung ương tổ chức. Sau đó là hai câu trả lời: Một của Cư sĩ Vajra ở Canada và một của Ban Tư Vấn Báo Giác Ngộ, Việt Nam.

BÁT NHÃ BA LA MẬT,MỘT TRONG NHỮNG HỆ TƯ TƯỞNG GIÁO LÝ
CỦA ĐẠI THỪA PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Bài tham luận của Hòa Thượng Thích Từ Thông đọc trong cuộc Hội thảo tại Viện Khoa Học Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh do Viện Triết học Trung ương tổ chức.
….
IV. PHẬT GIÁO LÀ DUY VẬT QUA CÁI NHÌN BÁT NHÃ BA LA MẬT
Tôi xin đơn cử một thí dụ nhỏ nhoi. Dù nhỏ nhoi nhưng là giáo lý cơ bản của Phật giáo.

Qua cái nhìn Bát Nhã Ba La Mật Phật nói: ....NGŨ UẨN GIAI KHÔNG"...
Dưới mắt người Phật giáo có học Phật, người ta có thể cho Đức Phật là nhà triết học duy vật ở thời đại 25 thế kỷ trước. Bởi vì trong bốn chữ NGŨ UẨN GIAI KHÔNG: ta thấy Đức Phật dạy cho các đệ tử:

1.Một hiện tượng vật thể nào ra đời cũng từ một hiện tượng hoặc nhiều hiện tượng khác kết hợp mà thành.

2.Mọi sự vật hiện tượng đều tồn tại khách quan. Mọi sự vật hiện tượng luôn luôn trong quá trình vận động không ngừng. Sự vật này diệt đi, sanh lại sự vật khác, không có cùng tận.

3. Phủ định NGŨ UẨN GIAI KHÔNG, có nghĩa là đánh đổ 3 lần rưỡi về tâm vương, tâm sở ở phía gọi là TÂM. Về vật chất chỉ phủ định có một lần rưỡi thôi
Thế thì dựa vào đâu mà người ta bảo đức Phật chủ trương DUY TÂM? Tại sao không nói Phật là nhà DUY VẬT hai mươi lăm thế kỷ trước?

Đành rằng trong kinh điển Phật rõ ràng có nói: "NHẤT THIẾT DUY TÂM TẠO"
Nhưng không phải vì vậy mà ai muốn phê phán chê trách kiểu nào cũng được. Cái chữ TÂM trong Phật giáo có:

- Nhục đoàn tâm
- Duyên lự tâm
- Chơn tâm
- Vọng tâm
- Tích tập tâm
- Tập khởi tâm
- Tích tụ tinh yếu tâm
- Tâm vương
- Tâm sở

DUY TÂM là thứ triết lý siêu hình. Mà siêu hình đồng nghĩa với hoang đường, viễn vông, không tư, hư tưởng. Những người Phật giáo có học giáo lý Phật, chúng tôi rất đồng ý về sự phê phán đó. Nhưng nếu ai đó, bảo rằng giáo lý đạo Phật là duy tâm siêu hình, thì xin lựa dùm trong các thứ TÂM vừa nêu, Phật giáo DUY thứ TÂM nào? Và giải thích vì sao nó đáng chê trách? ...."Như Lai thuyết chư tâm giai vi phi tâm thị danh vi tâm. Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc". Qua cái nhìn Bát Nhã Ba La Mật, Đức Phật đã phủ nhận cái tâm như thế đấy, mà bảo Đạo Phật DUY TÂM, vậy Phật đã DUY thứ TÂM nào?

V. ĐẠO PHẬT LÀ VÔ THẦN VỚI NHẬN THỨC BÁT NHÃ BA LA MẬT

Vì rằng vũ trụ quan của Phật giáo là TỨ ĐẠI DUYÊN SINH, Y THA KHỞI TÁNH.
Vì rằng nhân sinh quan của Phật giáo là NGŨ UẨN HỢP THÀNH
Con người tự định đoạt số phận của mình qua giáo lý NHÂN QUẢ LUÂN HỒI, trong kinh điển Phật ....."Kim sanh tiệm tu quyết đoán, tưởng liệu bất do biệt nhân"...

Qua cái nhìn Bát Nhã Ba La Mật: Quả VÔ THƯỢNG CHÁNH ĐẲNG CHÁNH GIÁC không phải địa vị dành riêng cho một Như Lai, hà huống có địa vị của một đấng "Thần linh" nào xen vào việc nội bộ của con người Phật giáo?

Tất cả giai vị, thấp nhất là Tu đà hoàn...cho đến Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, Phật, đều không được xem là quả vị CHỨNG ĐẮC. Không một ai có quyền làm cái việc ban phúc giáng họa cho ai.

- "Tu Đà Hoàn danh vị nhập lưu nhi vô sở nhập, bất nhập sắc thanh hương vị xúc pháp thị danh Tu Đà Hòan”....
……
Trên đây là những tri kiến của người nhìn giáo lý Phật, qua lăng kính Bát Nhã Ba La Mật. Với tầm hiểu biết hạn hẹp của mình, tôi nêu ra đây, hy vọng được xem là những gợi ý. Là những điều gợi ý thôi, để các đồng chí có trách nhiệm ở Viện Triết Học Trung Ương nghiên cứu các triết học, trong đó có thứ triết học mà không triết học của Phật giáo. (Hòa Thượng Thích Từ Thông)
http://www.quangduc.com/kinhdien/251batnhabalamatkinh.html

CÂU TRẢ LỜI THỨ NHẤT:
Cư sĩ Vajra: (http://vnnews.net/forums/showthread.php?t=74480)

Nói Phật Pháp là Duy Vật là phỉ báng Chánh Pháp của Đức Phật đã dạy bởi vì Đức Phật dạy tất cả các hiện tượng sanh diệt đều là như mộng như huyễn.

Nói Phật Pháp là Duy Vật là Chấp Đoạn Diệt bởi vì tất cả các hiện tượng sanh diệt đều là Vô Thường.

Trong Kinh Đại Bảo Tích Đức Phật dạy trong thời Mạt Pháp có các chúng Ma hiện hình Tỳ Kheo lẫn vào trong Phật Pháp để mà phá hoại Chánh Pháp của Đức Phật.

Vạn Pháp Duy Tâm Tam Giới Duy Thức

Đây là câu trong Kinh Hoa Nghiêm Đức Phật dạy về tất cả mọi hiện tượng sanh diệt đều từ Tâm Vọng Tưởng Sanh Khởi (Tâm)

Ba cõi là do sự Phân Biệt Theo 8 Thức Sanh Diệt cho nên nói là Duy Thức.

Kinh Kim Cang nói là:

Quá Khứ Tâm chẳng thể được, hiện tại Tâm chẳng thể được, vị lai Tâm chẳng thể được.

Đây là nói Tâm Vọng Tưởng Sanh Diệt không có tự tánh, không có thật thể cho nên nói là Không Thể Được.

Quá Khứ, Hiện Tại, Vị Lai là do Vọng Thức biến hiện rồi Phàm Phu lại Khởi Chấp duyên theo Niệm Vọng Tưởng cho nên Đức Phật mới nói là Tâm trong 3 đời chẳng thể được.

Chân Như hay là Chân Tâm là Tâm không duyên theo Vọng Tưởng Phân Biệt của 3 đời.

CÂU TRẢ LỜI THỨ HAI:
Ban Tư Vấn Báo Giác Ngộ, Saigon, Việt Nam (Nguồn: Báo Giác Ngộ 259)

Bát Nhã Ba La Mật kinh trực chỉ đề cương (BNBLMKTCĐC) là giáo án Trường Cao cấp Phật học (nay là Học viện Phật giáo) của HT.Thích Từ Thông. Tác giả là một trong những vị tôn túc có thẩm quyền về Đại thừa (Mahayana) của Phật giáo Việt Nam hiện nay. Phật giáo là duy vật qua cái nhìn Bát nhã ba la mật là tiêu đề thuộc phần IV của tham luận Bát Nhã Ba La Mật, một trong những hệ tư tưởng giáo lý của Đại thừa Phật giáo Việt Nam, đọc trong cuộc Hội thảo tại Viện Khoa học xã hội TP.HCM, do Viện Triết học Việt Nam tổ chức, được in ở phần Phụ lục sách (Thích Từ Thông, BNBLMKTCĐC, NXB. TP.Hồ Chí Minh, 1999, tr.152).

Trước hết, chúng ta hãy xác định khái niệm chủ nghĩa duy vật. Theo quan điểm triết học Mác - Lênin, "Chủ nghĩa duy vật khẳng định vật chất có trước và tinh thần, tư tưởng có sau, và điều đó có nghĩa là tính vĩnh viễn, tính vô hạn của nó trong thời gian và không gian. Coi ý thức là sản phẩm của vật chất " (Từ điển Triết học, NXB Sự Thật, 1986, tr. 139 - 140); "bằng sự phát triển lâu dài của bản thân triết học và sự phát triển khoa học, chủ nghĩa duy vật biện chứng chứng minh rằng, bản chất của thế giới là vật chất, thế giới thống nhất ở tính vật chất" (Giáo trình triết học Mác-Lênin, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.169).

Đứng trên lập trường Duyên sanh và Y tha khởi, tuệ giác Bát nhã ba la mật "chiếu kiến" vạn pháp là KHÔNG (Sunyata), Ngũ uẩn giai không, vô tự tính, vô ngã tính. Bát nhã ba la mật đã phân tích và nhận thức thế giới khách quan đến cùng tột và nhận ra rằng mọi hiện tượng đều do Duyên sanh, vô tự tính, là KHÔNG. Điều này có nghĩa rằng, với Bát nhã ba la mật thì bất kỳ một sự vật, hiện tượng nào ra đời cũng do nhiều sự vật, hiện tượng khác kết hợp mà thành (Duyên sanh). Cái này sở dĩ có, tất yếu phải dựa vào những cái khác (Y tha khởi). Mặt khác, dưới tuệ giác Bát nhã ba la mật thì thế giới khách quan luôn vận động, sanh diệt tương tục vô cùng vô tận. Sự vận động này có tính cách tự nhiên, không do bất kỳ ý chí của một đấng siêu nhiên nào chi phối, sanh tức diệt mà diệt cũng tức sanh, vì bản chất của thế giới tự nhiên là Duyên sanh, vô ngã nên chúng liên tục vận động trong tương hệ "trùng trùng duyên khởi". Nếu một nhà duy vật luận hay duy vật biện chứng khi nghiên cứu Bát nhã ba la mật thì chắc chắn phải thán phục tuệ giác của Đức Phật về phương diện nhận thức thế giới. Như vậy, ở một chừng mực nào đó, xét trên phương diện nhận thức thế giới khách quan, có thể xem chủ nghĩa duy vật có phần tương hợp với cái nhìn của Bát nhã ba la mật.

Mặt khác, quan điểm "Phật giáo là duy vật qua cái nhìn Bát nhã ba la mật" mà tác giả đưa ra, xét trong tinh thần chủ đạo của tham luận là để khẳng định rằng Phật giáo không phải duy tâm, dù là duy tâm siêu hình, chủ quan hay khách quan… Điều này thể hiện rõ trong phần XXXI của tác phẩm, Vấn đề sắc tâm qua cái nhìn của Bát nhã ba la mật: "Nhìn vấn đề SẮC TÂM qua nhận thức của Bát nhã, người ta có thể phê phán Đức Phật, nghiêng về bên VẬT, Ngài quả là người DUY VẬT thời xưa! Vì Ngài đã đánh đổ mạnh về ý niệm MÊ TÂM. Các thứ DUY TÂM siêu hình, duy tâm chủ quan, khách quan… hẳn là không có chỗ đứng trong nền giáo lý Phật" (Sđd, tr. 130).

Như đã trình bày, tuệ giác Bát nhã ba la mật chiếu kiến Ngũ uẩn giai KHÔNG thì rõ ràng cả Tâm lẫn Vật đều không còn chỗ đứng trong tuệ giác ấy. Với Bát nhã ba la mật thì Phật giáo lại càng xa lạ với duy vật theo các khái niệm về duy vật như đã nêu. Tuy nhiên, cứ theo cách luận giải của tác giả trong tham luận, khi so sánh về sự phủ định Ngũ uẩn giai không thì "phần TÂM bị phủ định đến ba lần rưỡi, còn phần VẬT chỉ phủ định có một lần rưỡi" (Sđd, tr 153), do đó, nếu gắng gượng nói duy thì duy vật nhiều hơn duy tâm. Theo chúng tôi, quan điểm "Phật giáo là duy vật qua cái nhìn Bát nhã ba la mật" của tác giả chỉ là một phương tiện trong vô vàn phương tiện nhằm mục tiêu gợi mở một sự liên hệ. Bởi lẽ, dưới tuệ giác Bát nhã ba la mật thì vạn pháp chỉ còn một thực tướng vô tướng, là KHÔNG. Quả thực, đây là một vấn đề mang tính học thuật chuyên sâu, chúng tôi chỉ làm thao tác gợi mở bước đầu và rất hoan hỷ khi nhận được sự quan tâm, chia sẻ của độc giả, ngõ hầu chúng ta có một cái nhìn toàn cục về vấn đề đã được nêu ra.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn