Cầu Siêu Độ

28 Tháng Tám 201000:00(Xem: 39517)
Ba tôi mất tháng 10 này sẽ là một năm. Lúc đầu thì mẹ tôi đem tro của ba tôi vào chùa ký gởi nhờ thầy tụng kinh. Sau đó như ý nguyện của ba tôi, mẹ tôi đem tro về chôn ba tôi gần mộ ông bà nội tôi. Thế là ở nhà tôi chỉ có tấm hình của ba tôi, chỉ vậy thôi, không có thường cúng kiếng gì cả. Tôi thấy ở Việt Nam, gia đình có người thân thì hay tụng kinh cho người đã khuất. Tôi sắp về Việt Nam. Tôi xin hỏi quý vị rằng tôi có nên nhờ thầy tụng kinh cho ba tôi không? Tôi nghe nói, nếu mà mình nhờ thầy nào đắc đạo cao hơn, thì linh hồn người chết sẽ có hy vọng được siêu thoát. Tôi không biết điều đó có đúng không thưa quý vị? Và tôi phải làm như thế nào để linh hồn của ba tôi được siêu thoát? Xin quý vị chỉ dẫn cho, tôi xin thành tâm cảm ơn quý vị.

Chào cháu Hương,

Các chùa Việt Nam và Trung Hoa theo truyền thống Phật Giáo Đại Thừa thường hay tổ chức các nghi lễ cầu siêu cho thân nhân quá vãng của người Phật tử sớm được siêu sinh Tịnh Độ. Cầu siêu có nghĩa là cầu nguyện cho thần thức người quá vãng được siêu thoát khỏi cảnh khổ để tới một cảnh giới an lành, cao hơn, thường là cõi Tịnh Độ. Lễ cầu siêu được tổ chức vào lúc người thân đang hấp hối, trong suốt thời gian lễ tang và kéo dài tới 49 ngày, có khi đến 100 ngày sau đó và vào những ngày cúng giỗ. Hàng năm các chùa cũng tổ chức thiết lễ cầu siêu liên danh tập thể vào dịp lễ Vu Lan.

Nghi lễ cầu siêu thường bao gồm việc tụng kinh, lễ sám, cúng dường, phóng sinh, làm những việc phước thiện như bố thí và hồi hướng những công đức ấy đến người quá vãng. Có người thắc mắc không biết cầu siêu như thế có thực sự đem lại lợi ích cho người mất không? có giúp thần thức người quá vãng siêu thoát về cảnh giới an lạc không?

Quả thật khó mà khẳng định. Nếu nói có thì làm sao có thể chứng minh được với người sống? Vì lẽ chưa có người chết nào trở về cho chúng ta hay họ đã đi tái sanh vào cõi nào. Nếu nói không thì hoá ra chấp không, phủ nhận những lời dạy của Thánh hiền? Có một điều chắc chắn là chúng ta không biết cha mẹ chúng ta tái sanh vào cảnh giới nào. Do vì không biết rõ nên chúng ta cần phải làm với hết sức thành tâm của mình như thiết lễ cầu siêu, cúng dường, tu phước, bố thí, tránh sát sinh và phóng sinh. Những việc làm này, xét trên phương diện thực tế thì chúng ta đã làm những việc tốt, đã gieo những nhân lành và chắc chắn, theo luật nhân quả thì chúng ta sẽ gặt hái cho chính chúng ta những quả tốt lành trong tương lai. Đối với người đã khuất, là bậc làm con, chúng ta đã thể hiện bằng tất cả tấm lòng tha thiết cầu mong cha mẹ sớm siêu thoát đến cảnh giới an lành. Điều này không biết có được như ý nguyện không, nhưng hành động với tâm thành đã thể hiện thì thế nào cũng có cảm ứng. Việc cảm ứng nhiều hay ít còn tuỳ thuộc vào nhân duyên nghiệp quả của cha mẹ với con cái nữa.

Như thế, sức mạnh chủ yếu của việc cầu siêu vẫn là những việc làm khi chúng ta đang còn sống. Vì vậy đối với người Phật tử, nếu muốn cứu độ người quá vãng thì nên tránh làm các điều ác và làm các việc lành, ấn tống kinh sách để Phật Giáo được lưu hành, làm các công tác từ thiện xã hội như bố thí cho những người nghèo khổ, thăm viếng những cụ gìa sống cô đơn trong các trại dưỡng lão, chăm sóc các trẻ em mồ côi tật nguyền và điều quan trọng khác là tự thanh lọc tâm ý mình. Trong các lễ cầu siêu nếu mời được chư Tăng Ni thì tốt, nếu không thuận duyên hay vì một lý do nào đó không thể mời được cũng không sao. Hoà Thượng Thánh Nghiêm cho biết là “không nhất thiết phải mời Tăng Ni đến tụng kinh. Tăng Ni khi được cúng dường thì chỉ chú nguyện cho thí chủ mà thôi. Vì Tăng Ni tụng kinh là công việc làm hàng ngày của Tăng Ni trong các khoá lễ, tụng kinh là một phương pháp tu hành, mục đích của việc tụng kinh không phải là để siêu độ người chết. Thí chủ cúng dường chư Tăng Ni là để cho chư Tăng Ni có thể tu hành và đạt được mục đích của tu hành...” [Hoà Thượng Thánh Nghiêm, Phật Giáo Chính Tín, Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học, Hà Nội xuất bản 1991].

Việc cháu hỏi, “nếu mà mình nhờ thầy nào đắc đạo cao hơn, thì linh hồn người chết sẽ có hy vọng được siêu thoát chăng?” Điều này đã được trả lời qua tích truyện Mục Kiền liên. Ngài Mục Kiền Liên đã đắc quả A La Hán, có thần thông bậc nhất trong các Đại Đệ Tử của Phật, với sức một mình ngài cũng không cứu nổi thần thức mẹ đang chịu khổ vì phải trả nghiệp mà phải nhờ nhiều vị Thánh Tăng đồng tâm chú nguyện mới được.

Cháu Hương,

Cháu đang có dự tính về Việt Nam, nếu cháu khởi niệm muốn thiết lễ cầu siêu cho ba cháu với ước mong ba cháu được siêu thoát thì cháu cứ việc thực hiện với tất cà tấm lòng chân thành và thiết tha. Cháu có thể đến một ngôi chùa nào đó tác bạch với thầy trụ trì để xin cúng dường trai tăng làm lễ cầu siêu cho ba cháu. Song song với việc đó cháu cũng cố gắng thực hiện các công tác từ thiện xã hội như giúp đỡ các trẻ em mồ côi, tật nguyền đang lang thang trên các vỉa hè hay đang tập trung tại các trung tâm xã hội, các lớp học tình thương hay các mái nhà nhân ái. Ờ quê nhà có rất nhiều cảnh đời khốn khổ đang cần những bàn tay thoa dịu của cháu. Cháu có thể vào xem những mảnh đời bất hạnh này cùng những tấm lòng từ ái trong Thư Viện Hoa Sen tại địa chỉ sau: http://www.vnet.org/hoasen/index-tuthienxahoi.htm

Cháu Hương ơi, sự vô thường mong manh của đời người mà tri ân và báo ân cha mẹ cùng chúng sinh cũng là những lý do để chúng ta phát khởi tâm từ bi hầu chúng ta có thể làm tất cả các việc lành cho chúng sinh. Hãy “quyết tâm thành tựu sự hạnh phúc cao lớn nhất cho tất cả chúng sinh. Điều này còn hơn cả viên ngọc như ý. Tôi sẽ thường trực liên tục thương quí mọi chúng sinh.” Đó là đoạn thi kệ đầu tiên trong tám đoạn thi kệ bất hủ của một vị Thánh Tăng Tây Tạng mà chúng ta nên nhắc nhở cùng nhau.

Hy vọng những lời góp ý trên có thể giúp cháu hiểu thêm và tìm cho mình một hướng đi, vừa giúp ích cho mình vừa giúp ích cho người quá vãng và vừa giúp ích cho tất cả hữu tình chúng sinh.

Cháu có thể xem thêm bài phát thanh hàng tuần của BBT TVHS liên quan đến câu hỏi của cháu. Chúc cháu nhiều nghị lực và an lạc.

Tịnh Thủy
http://www.thuvienhoasen.org/ddpp-causieu.htm

Thưa quý thính giả,

Về nghi thức cúng kiếng, cầu nguyện cho người qua đời thì tôn giáo nào cũng có. Không những thế, ngay cả từ thời kỳ mông muội, chưa có tôn giáo, cũng đã có những sự cầu nguyện các đấng mà họ nghĩ là linh thiêng, nhiều quyền phép nào đó, để che chở, cứu vớt người thân đã chết của họ. Họ làm vậy vì trước những tai họa xảy đến, con người cảm thấy quá bé nhỏ trước thiên nhiên, nên nảy sinh nỗi sợ hãi mênh mông đối với bóng tối, sấm chớp, núi cao, sông sâu, dịch bệnh, vân vân, họ tưởng tượng ra nhiều loại thần, nhiều loại ma, và khi người thân chết đi, họ thương xót, thấy là từ nay không còn giúp đỡ, bảo vệ được người thân nữa, họ bèn nghĩ tới các Thánh Thần, đến những nhân vật được tưởng tượng ra từ biết bao nhiêu đời trước mà cho đến nay thì đã được tô đậm thành những hình ảnh huyền bí, đầy quyền năng nơi cõi u linh nào đó chưa ai biết tới, nhưng là nơi mà thân nhân họ có lẽ đang bơ vơ lạc lõng trong đó.

Từ niềm thương xót người thân mà nay mình đã đành chịu bất lực, họ cầu cứu đến các đấng được gọi là khuất mày khuất mặt đầy bí mật, các đấng đã được những kẻ lợi dụng hình ảnh linh thiêng để hù dọa thân nhân người đã chết, khiến cho họ phải biện lễ hậu hĩnh đến xin xỏ Thần Thánh này.

Đạo Phật khi tới các vùng đất mới, thường uyển chuyển hội nhập, gọi là tùy duyên phương tiện, dùng bình của địa phương đựng nước Cam Lồ của nhà Phật, cho nên bên cạnh những nguyên tắc sống Từ Bi Hỉ Xả, tham thiền, nhập định, hành trì tu tập trong khuôn khổ của đạo Giác Ngộ, vẫn tham dự các nghi lễ vốn có từ ngàn xưa của địa phương, chỉ chuyển hóa từ từ. Cho nên, trên con đường Bắc truyền, một số hình thức lễ nghi của những vùng mà đạo Phật đi qua vẫn cùng với đạo Phật chung vai sát cánh ôn hòa.

Một số quốc gia trong trường hợp này vốn sẵn có những nền đạo học rất uyên áo, sâu sắc, thí dụ Khổng giáo, Lão giáo, vân vân. Cúng kiếng là một lễ nghi quan trọng của Khổng giáo, coi như là một nguyên tắc sống của con người. Cúng giỗ là một hình thức báo hiếu. Không có con trai nối dõi tông đường để thờ cúng tổ tiên bị coi như là tội đại bất hiếu. Trong niềm tin ấy, đạo Phật muốn sống hài hòa với đời, tất nhiên là cũng tùy duyên mà áp dụng các nghi thức cúng bái, miễn sao không trở nên quá mê tín, vi phạm vào quy luật nhân quả là niềm tin cốt tủy của Phật tử trong thế giới hiện tượng tương đối mà thôi.

Vậy thì thực ra, đạo Phật quan niệm thế nào về sự cúng kiếng cho người chết?

Thưa quý thính giả, muốn trả lời câu hỏi này, chúng ta cần tìm hiểu coi đạo Phật quan niệm thế nào về sự Sinh và Tử, và theo đạo Phật thì có một linh hồn trường tồn sống mãi mãi trong một cõi giới u linh nào đó để hằng năm trở về nhà con cháu ăn một bữa cơm không. Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi xin kính gửi tới quý thính giả một bài pháp, lược trích trong cuốn Đức Phật và Phật Pháp do Hòa Thượng Narada biên soạn theo kinh sách nhà Phật và do cư sĩ Phạm Kim Khánh dịch:

"Theo triết học Phật Giáo (Vi Diệu Pháp), ba hiện tượng có thể xuất hiện cho con người thấy trong giai đoạn hấp hối là: Nghiệp, Hiện Tượng Của Nghiệp, và Biểu Hiện Lâm Chung.

Nghiệp là vài hành động tốt hay xấu trong đời sống hoặc ngay trước phút lâm chung. Nếu người hấp hối đã phạm một trong năm tội nặng là các tội giết cha, giết mẹ, giết một vị A La Hán, làm tổn thương Đức Phật và chia rẽ Tăng chúng, hoặc người ấy có một thiện nghiệp lớn như đã đắc một trong các tầng Thiền, thì sẽ chứng nghiệm Hiện Tượng cùa Nghiệp trước khi chết. Những hành động thiện hay bất thiện đặc biệt ấy có năng lực thật mạnh, chen vào, áp đảo tất cả các hành động khác và biểu hiện thật rõ rệt trước mắt người hấp hối.

Nếu không có Nghiệp xấu hoặc tốt mạnh mẽ như vậy thì có thể tiến trình tư tưởng cuối cùng của người ấy sẽ tùy theo cái Nghiệp vừa tạo liền trước khi chết, gọi là Cận Tử Nghiệp. Cận Tử Nghiệp là hành vi cuối cùng hoặc hành vi nào mà luồng tư tưởng cuối cùng sực nhớ ra ngay lúc lâm chung.

Nếu không phải Cận Tử Nghiệp thì có thể là Thường Nghiệp là những việc mà đương sự thường làm hằng ngày, hoặc thưòng nhớ đến và ưa thích hơn hết. Trong trường hợp này, nếu người hấp hối là một bác sĩ thì thấy đang săn sóc bệnh nhân, một nhà tu thì thấy đang thuyết pháp, một tên trộm thì thấy đang cạy cửa, khoét vách v.v...

Nếu ba trường hợp trên không xảy ra thì Nghiệp Tích Trữ xuất hiện. Nghiệp Tích Trữ gồm tất cả những trường hợp không kể trong ba loại Nghiệp trên, mà là những hành động tốt hoặc xấu thông thường.

Hiện Tượng của Nghiệp là những biểu tượng xuất hiện trong tâm thức của người hấp hối dưới hình thức sắc, thanh, hương, vị, xúc hay pháp, tức là những hình sắc, âm thanh, mùi, vị hay tư tưởng mạnh mẽ, quen thuộc trong nếp sinh hoạt hằng ngày, thí dụ người đồ tể thì thấy con dao hay con thú chết, bác sĩ thì thấy bệnh nhân, người mộ đạo thì thấy các món lễ vật vân vân…

Biểu Hiện Lâm Chung là vài dấu hiệu có liên quan đến cảnh giới mà người hấp hối sắp được tái sanh vào mà do đó, mặt người sắp lâm chung lộ vẻ vui sướng hoặc đau khổ. Khi triệu chứng phát sinh, nếu là xấu thì ta có thể sửa chữa kịp thời bằng cách giảng kinh hay nói pháp để tạo đối tượng tốt đẹp trong tư tưởng người sắp chết. Những Biểu Hiện Lâm Chung thường là lửa, rừng, vùng sơn cước, bào thai người mẹ, thiên cung v.v...

Dầu trong trường hợp bất đắc kỳ tử, tiến trình tư tưởng của người sắp chết vẫn diễn tiến và đối tượng của chập tư tưởng cuối cùng ấy là một trong ba hiện tượng: Nghiệp, Hiện Tượng của Nghiệp và Biểu Hiện Lâm Chung .

Thí dụ một người sắp lâm chung và sẽ tái sanh vào cảnh người thì đối tượng của chập tư tưởng cuối cùng là một vài nghiệp tốt.

Cái chết thật sự đến lúc Tử Tâm tức luồng tâm thức cuối cùng chấm dứt. Kể từ đó tâm và vật thực không còn tạo năng lực vật chất nữa. Chỉ còn một loại năng lực vật chất phát sanh do hơi nóng tiếp tục tồn tại đến khi cơ thể vật chất tan rã.

Sự diệt tắt của tâm trong kiếp vừa qua là cơ hội để cho một tâm mới phát sanh trong kiếp sống kế. Tuy nhiên, không có cái gì vĩnh cửu, nguyên vẹn đơn thuần, không biến đổi, được chuyển từ quá khứ sang hiện tại. Cũng như bánh xe lăn tròn trên đường, mỗi một lúc chỉ có một điểm của bánh xe chạm với đường. Nói một cánh chính xác, chúng ta chỉ sống trong từng chập tư tưởng. Ta chỉ sống trong hiện tại và hiện tại nhất định phải trôi vào dĩ vãng.

Trong tiến trình luôn luôn biến đổi của đời sống, trong một khoảnh khắc, mỗi chập tư tưởng đều trải qua sanh, trụ, rồi diệt, và trong khi diệt, nó chuyển tất cả năng lực và cảm giác đã ghi nhận cho chập tư tưởng kế. Vậy mỗi chập tư tưởng mới gồm những năng lực tiềm tàng của chập trước và thêm vào đó chút gì khác. Đến lúc chết, chập tư tưởng cuối cùng chấm dứt, để nhường chỗ cho chập tư tưởng kế phát sanh trong kiếp sống mới. Vậy, cái Thức mới gồm chứa tất cả những kinh nghiệm trong quá khứ, vì tất cả những cảm giác trong quá khứ đều được ghi nhận trong cái tâm biến đổi, và tất cả tiềm năng đều được chuyển từ kiếp nầy sang kiếp khác, mặc dầu phần vật chất tan rã. Vì lẽ ấy, đôi khi có người còn nhớ được kiếp quá khứ của mình. Nếu trí nhớ chỉ tùy thuộc vào bộ não, tức nhiên không thể có người nhớ được tiền kiếp.

"Chúng sanh mới" là sự biển hiện của luồng nghiệp trong hiện tại, không giống hệt, không phải là một, nhưng cũng không hoàn toàn khác với chúng sanh trước kế đó.

"Những thành phần (ngũ uẩn) tạo nên chúng sanh ấy không giống hệt, không phải là một với thành phần (ngũ uẩn) đã tạo nên chúng sanh trước. Tuy nhiên, cũng không phải hoàn toàn là khác vì cả hai cùng nằm chung trong một luồng nghiệp, mặc dầu biểu hiện dưới hình thức mới, trong thế gian mà ngũ quan ta có thể thâu nhận, và ta cho là có một "chúng sanh mới."

Theo Phật giáo, cái chết là sự chấm dứt của đời sống tâm-vật-lý của cá nhân. Chết là sự diệt tắt của sinh lực, tức là đời sống tâm linh và vật lý, cùng với hơi nóng và thức.

Chết không phải là sự tiêu diệt hoàn toàn của một chúng sanh, mặc dầu kiếp sống chấm dứt. Cái tiềm lực làm sống chúng sanh không bị tiêu diệt.

Cũng như ánh sáng đèn điện là biểu hiện bề ngoài mà ta có thể thấy của luồng điện vô hình, chúng ta là biểu hiện bề ngoài của luồng nghiệp vô hình. Bóng đèn có thể vỡ và ánh sáng có thể tắt, nhưng luồng điện vẫn tồn tại, và ánh sáng có thể phát hiện trở lại nếu ta đặt vào đấy một bóng đèn khác. Cũng như thế, sự tan rã của thể xác không làm xáo trộn luồng nghiệp lực, và sự chấm dứt của thức hiện tại dẫn đến sự phát sanh mới. Tuy nhiên, không có gì trường tồn bất biến, như một thực thể đơn thuần, "chuyển" từ hiện tại sang tương lai.

Trong trường hợp nêu trên, nếu người chết tái sanh trở lại vào cảnh người, chập tư tưởng cuối cùng tất nhiên là một loại tâm thiện. Thức-tái-sanh là từ tâm thiện ấy phát sanh, tự nhiên chuyển đến cái trứng và tinh trùng tương xứng trong cảnh người.

Như thế có nghĩa là cho đến lúc chết, luồng nghiệp lực vẫn luôn luôn trôi chảy, không có một điểm thời gian gián đoạn. Ngay lúc chết những chập tư tưởng vẫn liên tục kế tiếp như trong đời sống.

Hiện tượng chết và tái sanh diễn ra tức khắc, dầu ở bất cứ nơi nào, cũng như làn sóng điện phát ra trong không gian được thâu nhận tức khắc vào bộ máy thâu thanh. Luồng nghiệp lực trực tiếp chuyển từ cái chết ngay đến tái sanh, không trải qua một trạng thái chuyển tiếp nào. Phật giáo thuần túy không chủ trương có linh hồn người chết tạm trú ở một nơi nào, chờ đến khi tìm được một nơi thích hợp để đầu thai.

Trên đây là quan điểm của Phật giáo Nguyên Thủy, hay còn gọi là Nam Tông.

Về phía Phật giáo Bắc Tông, hay còn gọi là Đại Thừa, thì quan niệm rằng không hẳn là tất cả mọi người sau khi chết đều tái sinh ngay lập tức. Trường phái này quan niệm rằng những người có nghiệp cực thiện thì ngay sau khi chết sẽ sanh vào các cõi Tịnh, thí dụ cõi Tây Phương Tịnh Độ, Đông Phương Tịnh Độ, vân vân, và những người có nghiệp cực ác thì sau khi chết sẽ sanh ngay vào các cảnh giới ác, như Địa Ngục, Ngạ Quỷ hoặc tái sinh thành các loài súc sinh. Trường hợp đó gọi là chết đây sinh kia. Ngoài các trường hợp đó, sau khi chết, người ta có thể còn lưu tâm thức lại một thời gian trong trạng thái gọi là Thân Trung Ấm, và mơ màng trong cảnh giới này từ 1 lần 7 ngày, cho tới 7 lần 7 ngày, là 49 ngày. Trong thời gian đó, nhất là 21 ngày đầu, người đã qua đời vẫn còn có ấn tượng mạnh mẽ về kiếp sống vừa qua. Và chính từ niềm tin này, người ta coi trọng sự cầu nguyện để giúp chuyển hóa tâm trạng người chết khiến cho thần thức của họ hòa nhập được vào các cõi an lành.

Như vậy thì cả hai truyền thống Phật giáo, Bắc Tông và Nam Tông đều không nói đến những hình thức cúng kiếng cho người đã chết từ lâu, hàng năm trời, mà chỉ có thể giúp cho người mới chết qua những lời kinh tiếng kệ, qua lòng chí thành thanh tịnh của chư vị chân tu và thân nhân, hy vọng họ chuyển hóa các tâm niệm xấu mà thôi.

Tuy nhiên, như trên đã nói, cúng giỗ thân nhân đã qua đời, nhất là tổ tiên, ông bà, cha mẹ, đối với người Đông Phương, là một hình thức báo hiếu, trước là nói lên lòng thành kính tưởng nhớ chư vị đã khuất, sau là nhắc nhở con cháu nên tiếp nối mỹ tục biết cảm ơn các bậc sinh thành, cũng như mỗi quốc gia đều có những ngày kỷ niệm Chiến Sĩ Trận Vong, để nói lên lòng nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ có công với đất nước vậy.

Về việc cúng giỗ này, chúng ta có thể tổ chức tại nhà, hoặc tại chùa. Nhưng nếu đủ phương tiện để có thể làm lễ trên chùa thì tốt. Trước nhất, đây là một duyên lành giữa thân nhân người chết đối với nhà Phật, có dịp cho họ tiếp cận với các vị Sư, nhân đó, có thể hiểu thêm về Phật pháp. Thứ nữa là thân nhân người chết có thể tạo chút phước qua việc cúng dường Tam Bảo, để nhà chùa có thêm khả năng ấn tống kinh sách, phổ biến Phật pháp rộng rãi, thêm phương tiện để hoàn thành các Phật sự. Các vị Sư là những Trưởng Tử Như Lai, có nhiệm vụ hoằng dương Chánh Pháp song song với việc tu tập bản thân. Phật tử cũng vậy, cũng cần tu tập bản thân và giúp phương tiện cho các Sư trong công cuộc hoằng truyền và bảo vệ sự trong sáng của đạo Phật.

Ban Biên Tập TVHS

Bài Đọc Thêm:

BƠ VÀ NHỮNG VIÊN ĐÁ CUỘI

Một ngày nọ có chàng trẻ tuổi vừa buồn vừa khóc, tìm đến Đức Phật. Đức Phật hỏi, "Cái gì sai trái đã làm nhà ngươi khóc?"
"Thưa ngài, cha con chết ngày hôm qua."

"Thì nhà ngươi làm gì được? Ông ấy đã chết rồi, buồn khóc chẳng thể làm ông ấy sống lại."

"Vâng, thưa ngài, con hiểu điều đó; buồn khóc chẳng thể làm cho cha con trở về với con. Nhưng con đến đây cầu xin ngài một điều: xin ngài hoan hỷ làm một điều gì đó cho người cha quá vãng của con!"

"Vậy ta có thể làm gì giúp cho cha con?"

"Thưa ngài, xin ngài làm một cái gì đó. Ngài là đấng toàn năng, chắc chắn ngài có thể làm được. Ngài hãy xem, các vị tu sĩ cúng tế, các thầy phát giấy xá tội, đã cử hành những nghi thức cúng lễ cầu siêu giúp người quá cố. Và nghi thức cúng tế cầu siêu nếu được tổ chức sớm ở đây, thì cánh cửa trên thiên giới sẽ được mở ra sớm và người quá cố sẽ được siêu thăng về nơi đó. Họ sẽ nhận được giấy nhập cảnh. Thưa ngài, ngài là đấng toàn năng, ngài có đầy đủ quyền lực! Nếu ngài chủ tế nghi thức cầu siêu cho cha con, cha con không những nhận được giấy nhập cảnh nơi thiên quốc mà ông ấy sẽ được ở thường trú luôn. Thưa ngài, xin ngài hoan hỷ giúp cha con!"

Biết rằng chàng trai trẻ tràn ngập nỗi đau khổ chắc khó có thể hiểu được những lý lẽ phải trái trong lúc này, nên Đức Phật đã phải dùng một phương tiện khác giúp cho chàng ta hiểu. Vì thế Phật nói: "Nhà ngươi hãy đi mua hai cái chậu đất nung." Chàng trẻ tuổi lấy làm sung sướng, nghĩ rằng Đức Phật đã nhận lời làm lễ cầu siêu cho cha hắn và đã tức tốc đi chợ mua hai cái chậu bằng đất nung.

"Được rồi," Phật nói, "đổ vào chậu thứ nhất đầy đá cuội, chậu thứ hai đầy bơ." Chàng trẻ tuổi làm y như lời Phật dạy.

"Bây giờ bịt miệng cả hai chậu lại, xong bỏ xuống hồ nước. Chàng trai trẻ làm xong, hai chậu chìm xuống dưới đáy hồ. "Bây giờ" Phật nói, "đem cái gậy ra đây, chọc bể cả hai chậu." Chàng trẻ tuổi rất lấy làm sung sướng, nghĩ rằng đức Phật đã cử hành nghi lễ cầu siêu cho cha hắn.

Theo tập quán cổ truyền cổ Ấn Độ, khi người cha chết, người con làm lễ hỏa táng. Vào khoảng giữa thời gian thiêu, người con dùng cây gậy thọc và làm vỡ sọ đầu. Cũng theo niềm tin cổ truyền của họ, cho đến khi sọ đầu được mở ra nơi trần gian này thì cánh cửa thiên giới cũng được mở ra. Vì thế chàng trẻ tuổi tự nghĩ là, "Cha ta đã được thiêu đốt ngày hôm qua. Như là một biểu tượng, đức Phật muốn mình làm vỡ các chậu ngày hôm nay!" Chàng cảm thấy sung sướng nhiều với nghi thức này của Đức Phật.

Chàng trẻ tuổi đã dùng cây gậy làm bể hai chậu. Lập tức, chậu đựng bơ bị vỡ, bơ nổi lênh láng trên mặt hồ nước. Chậu kia đựng những hòn đá cuội vẫn nằm yên dưới đáy hồ. Rồi Đức Phật nói, "Chàng trẻ tuổi, đó là những gì ta đã làm. Bây giờ hãy mời các thầy cúng tế và nói với họ hãy tụng kinh và cầu nguyện: "Hỡi các viên đá cuội, hãy nổi lên, hãy nổi lên! Hỡi bơ ơi, hãy chìm xuống, chìm xuống!" Hãy cho chúng ta xem sự kiện xảy ra."

"thưa ngài, ngài nói đùa với con! Không thể nào như thế được, những viên đá cuội nặng hơn nước, chúng chìm xuống đáy. Chúng chẳng thể bao giờ nổi lên được. Đây là định luật tự nhiên! Và thưa ngài, bơ nhẹ hơn nước, chúng nổi lên mặt nước, chẳng bao giờ có thể chìm xuống được. Đây là định luật tự nhiên."

"Chàng trẻ tuổi, nhà ngươi biết nhiều về định luật tự nhiên, nhưng nhà ngươi đã không hiểu về định luật tự nhiên này. Nếu trong suốt cuộc đời của cha nhà ngươi mà ông ấy đã làm những điều nặng như những viên đá cuội, (3) cha nhà ngươi sẽ bị đọa, ai có thể giúp cha nhà ngươi siêu thoát lên trên được? Và nếu tất cả việc làm của cha ngươi nhẹ như bơ, (4) ông ấy sẽ được siêu thoát; ai có thể đè ông ta xuống được?"

Nếu chúng ta hiểu định luật tự nhiên (5) và sống theo luật tự nhiên này, chúng ta sẽ vượt thoát khỏi những khổ đau và bất hạnh của cuộc đời.

Tâm Diệu
http://www.thuvienhoasen.org/tamdieu-bovanhungviendacuoi.htm

Cước Chú:

(1) Bản viết này được trích dịch từ quyển "The Art Of Living, Vipassana Meditation, As Taught By S.N. Goenka" của William Hart do nhà xuất bản Harper San Francisco phát hành năm 1987 trang 55-56. Cuối bản viết tác giả có ghi chú là "Based on S. XLII. viii. 6, Asibandhakaputta Sutta.

(2) Asibandhakaputta Sutta là một phẩm trong Tương Ưng Bộ Kinh, Tập IV hệ Pali (Samyutta Nikaya, IV). Chúng tôi không có bản Việt dịch của HT Minh Châu, nhưng có tham chiếu bản dịch Anh ngữ của Bhikkhu Bodhi do Dr. Bình Anson (Uc Châu)gửi tặng.

(3) Những điều nặng như viên đá, được hiểu là trong cuộc đời đã tạo những nghiệp xấu, nghiệp ác. Theo bản dịch tiếng Anh của Bhikkhu Bodhi là, "a person here who destroys life, takes what is not given, engages in sexual misconduct, speaks falsely, speaks divisively, speaks harshly, chatters idly, one who is covetous, full of ill will, and holds wrong view".

(4) Những điều nhẹ như bơ, được hiểu là trong cuộc đời đã tạo những nghiệp tốt lành. Theo bản dịch Anh ngữ của Bhikkhu Bodhi là, "there is a person here who abstains from the destruction of life, from taking what is not given, from sexual misconduct, from false speech, from divisive speech, from harsh speech, from idle chatter, one who is not covetous, without ill will, who holds right view."

(5) Định luật tự nhiên (the law of nature). Luật nhân quả (kamma) là một trong năm định luật tự nhiên của vũ trụ vạn vật. Bốn định luật kia là: utu, bija, dhamma và citta. "Định luật nhân quả cho rằng nhơn gieo thì quả trổ. Nhơn lành đem lại quả tốt. Nhơn ác đem lại quả xấu. Đó là định luật tự nhiên, phải trổ sanh như vậy chớ không phải là một hình thức thưởng hay phạt..." (Đức Phật và Phật Pháp, trang 313, HT. Narada Thera, Phạm Kim Khánh Việt dịch)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Mười 2015(Xem: 9620)
Thưa thầy, bái sám, lễ lạy nhiều thì có tội diệt phước sinh không? Tu và bái sám thế nào thì đúng với chánh pháp.
19 Tháng Mười 2015(Xem: 4328)
HỎI: Tại sao có nhiều người làm việc ác mà vẫn giàu có sung sướng, còn những người hiền lương lại hay bị hoạn nạn và nghèo khó? Luật Nhân Quả có bất công hay không?
15 Tháng Mười 2015(Xem: 7718)
Đạo Phật là đạo giác ngộ. Mọi sự mê tín không bao giờ đạo Phật chấp nhận. Thế thì xin hỏi: Tại sao chúng tôi thấy rãi rác trong các kinh lại có nêu ra các vị Thần, như Thiên Thần, lâm Thần, thọ Thần, Quỷ, Thần v.v... điều nầy, có ý nghĩa gì ? Có phải Phật giáo cũng tin có Quỷ, Thần mơ hồ hay không? Và có phải Phật giáo cũng tin tưởng vào đa Thần giáo không?
08 Tháng Mười 2015(Xem: 4690)
29 Tháng Chín 2015(Xem: 6894)
Bạch thầy ! Chú MÃN NGUYỆN ĐẠI BI TÂM ĐÀ RA NI có câu : Nếu muốn làm cho tất cả loài hữu tình, đang đói khát, được no đủ thảnh thơi, nên làm theo tay CAM-LỘ và đọc chân ngôn : ÁN, TÔ RÔ TÔ RÔ, BÁT RA TÔ RÔ, BÁT RA TÔ RÔ, TÔ RÔ TÔ RÔ DÃ, TÁT PHẠ HẠ. ( 5 lần ). Vậy xin hỏi cụm từ " làm theo tay Cam Lộ " có nghĩa là sao? Có phải là làm theo động tác trong hình vẽ hay chỉ cần đọc chân ngôn? Rất mong được sự chỉ dạy của quý thầy để con có thể thực hành đúng.
16 Tháng Chín 2015(Xem: 7795)
...Đứng trước sự việc này, sự hoang mang khiến tâm phát nguyện quy y của con cũng không còn nữa. Má con thì không còn đi chùa và cũng chẳng vui tươi như trước, mặt mày lúc nào cũng ủ dột và thường tránh mặt mọi người trong nhà. Xin thầy cho chúng con một lời khuyên, chúng con phải làm gì, phải hành xử như thế nào cho phải phép trong chuyện này ạ! Trước giờ con rất sùng tín Đạo Phật và Qúy Thầy, nay thì lòng tin đã giảm rõ rệt thay vào đó là sự hoang mang ngờ vực.
13 Tháng Chín 2015(Xem: 6432)
Cách đây ba năm, con được một số bạn chỉ cho cách tu nhân điện vì các bạn bảo đó là phương pháp tốt nhất giúp sớm định tâm quán tưởng, biết được nhiều chuyện nhiệm mầu, hiểu về thế giới xung quanh cũng như có một năng lực rất diệu kỳ.
11 Tháng Chín 2015(Xem: 8224)
Con có nghe một số người nói là với những người giới tính bất thường, đồng tính hoặc ái nam ái nữ, bán nam bán nữ thì không được quy y có đúng không ạ? Nếu đúng thì cho con xin phép hỏi thêm, con hiện giờ sinh ra với cơ thể là nam giới nhưng con cảm nhận bản thân mình là nữ giới và nếu con tiến hành phẫu thuật chuyển đổi giới tính thành 1 người nữ thì liệu con có được quy y và được tu học không? Nếu được thì con sẽ thọ giới của Tăng hay Ni ?
01 Tháng Chín 2015(Xem: 7662)
Trong dân gian xem tháng Bảy âm lịch là “tháng cô hồn”, tháng của ma quỷ. Đặc biệt rằm tháng Bảy là ngày mở cửa địa ngục để ma quỷ được tự do về dương thế. Dân gian tin rằng từ mùng hai tháng Bảy, Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở ... Xin cho biết, quan điểm của đạo Phật về vấn đề này thế nào?
29 Tháng Tám 2015(Xem: 9058)
Xin Sư cho con hỏi: người tu hành xuất gia có được tham dự chuyện thế sự và chính trị đời thường không? Con nghe nói người tu hành không được xen vào chuyện chính trị, chỉ lo thuyết pháp độ chúng, tu hành cho mình, nhưng con thấy rất nhiều các bài viết từ những người tu hành bàn luận chính trị, các chính sách của nhà nước, của nước ngoài, bàn chuyện đời nhiều hơn chuyện đạo như vậy là có đúng không?