Tiết Iv. Tâm Sở Tương Ưng

23 Tháng Mười Một 201000:00(Xem: 7190)

Viện Cao Đẳng Phật Học Hải Đức Nha Trang
LUẬN THÀNH DUY THỨC
Bản dịch Việt: TUỆ SỸ
Ban Tu Thư Phật Học 2547 - 2003

CHƯƠNG II 

A-LẠI-DA THỨC

Tiết IV TÂM SỞ TƯƠNG ƯNG

1. NĂM TÂM SỞ

Thức này tương ưng với bao nhiêu tâm sở?

Nó thường xuyên tương ưng với xúc, tác ý, thọ, tưởng và tư.

Kể từ vô thủy cho đến trước khi được chuyển y, trong tất cả mọi giai đoạn, thức này thường xuyên tương ưng với năm tâm sở này. Vì chúng thuộc các tâm sở biến hành.

a. Xúc
Xúc, đó là sự phân biệt biến dị trong tổ hợp ba, mà tự tính là làm cho tâm và tâm sở tiếp xúc với cảnh; chức năng là làm sở y cho thọ, tưởng các thứ.[1]

Tổ hợp ba là sự hỗ tương tùy thuận của căn, cảnh và thức.[2] Xúc y trên chúng nó mà phát sinh, làm cho chúng hòa hiệp, do đó nói “chúng nó.”[3] Trong trạng thái hoà hiệp, ba sự đều có công năng dẫn đến sự sinh khởi của tâm sở; đó gọi là “biến dị.”[4] Xúc sinh khởi tương tợ với sự biến dị ấy được gọi là “phân biệt.”[5] Khi xúc được dẫn khởi, hiệu lực biến dị của căn hơn hẳn thức và cảnh của nó, do đó các luận như Tập luận[6] chỉ nói đến phân biệt về sự biến dị của căn.[7] Tự tính của xúc là sự hòa hiệp tất cả tâm và tâm sở khiến cho chúng đồng tiếp xúc cảnh.[8]

Bởi vì nó tương tợ công năng dẫn đến phát khởi tâm và tâm sở, nên chức năng (nghiệp) của nó là làm sở y cho thọ, v.v. Kinh Khởi Tận nói: Các uẩn, thọ, tưởng, hành, tất cả đều lấy xúc làm duyên.[9] Do ý nghĩa đó mà nói, thức, xúc, thọ các thứ phát sinh nhân bởi sự hòa hiệp của hai, ba và bốn.[10]

Du-già[11] chỉ nói nó làm sở y cho thọ, tưởng và tư; ấy là vì trong hành uẩn tư là chủ đạo,[12] là ưu thắng.[13] Chỉ nêu nó mà bao hàm luôn các cái khác. 

Các luận như Tập luận nói nó làm sở y cho thọ, vì xúc sinh thọ là sự kiện gần và ưu thắng. Nghĩa là các hình thái khả ý v.v. được tiếp nhận bởi xúc cùng với các hình thái thuận ích được tiếp nhận bởi thọ rất là gần gũi nhau, bởi vì sự dẫn phát[14] của nó ưu thắng.

Nhưng tự tính của xúc là thật chứ không phải giả.[15] Vì nó là tâm sở tính trong sáu pháp sáu.[16] Vì nó được kể trong thực phẩm.[17] Vì nó làm duyên.[18] Không phải như thọ tính v.v. mà đồng nhất với tổ hợp ba.[19]

b. Tác ý
Tác ý, có bản chất là cảnh giác tâm; chức năng là dẫn tâm hướng đến đối tượng.[20] Nghĩa là, nó cảnh giác chủng tử của tâm cần được phát khởi,[21] hướng dẫn nó nhắm đến cảnh; đó gọi là tác ý. Mặc dù nó cũng dẫn khởi tâm sở, nhưng vì tâm là chủ nên chỉ nói đến sự dẫn khởi tâm.

Cũng có quan điểm cho rằng nó khiến cho tâm quay hướng đến đối tượng khác.[22] Hoặc cho rằng, trong một đối tượng, nó duy trì tâm an trụ; đó gọi là tác ý.[23] Các gải thích này đều phi lý. Vì như vậy, nó không phải là biến hành;[24] và vì không có gì khác với định.[25]

c. Thọ
Thọ, tự tính của nó là lãnh nạp[26] các hình thái đối tượng thuận, nghịch, hay phi cả hai;[27] chức năng của nó là làm trổi dậy ái; vì nó khơi dậy sự ham muốn hiệp, ly[28] hay phi cả hai.

Có giải thích nói rằng, thọ có hai:[29] thọ (lãnh nạp) cảnh giới, tức lãnh nạp sở duyên; và thọ (lãnh nạp) tự tính tức sự lãnh thọ câu hữu với xúc. Chỉ có tự tính thọ là đặc tính riêng của thọ, vì cảnh giới thọ có chung các đặc tính khác.[30]

Giải thích này phi lý. Một cách xác định, thọ không duyên đến đối tượng là xúc câu sinh. Nếu vì nó sinh khởi tương tợ xúc mà nói là lãnh nạp xúc, thế thì quả tương tợ nhân đều có tự tính là thọ. Lại nữa, xúc đã là nguyên nhân của thọ, thì nên nói thọ là thọ của nhân,[31] sao lại nói là tự tính? Nếu nói, cũng như nói “nhà vua ăn (hưởng thụ) các quốc ấp,”[32] cũng vậy, thọ lãnh nạp xúc, do đó thể của thọ được sản sinh ấy được nói là thọ thuộc tự tính.” Nói như vậy cũng không hợp lý; vì tự mâu thuẫn với tông phái mình, theo đó, không có tự chứng.[33] Nếu không xả tự tính mà nói đến thọ (lãnh nạp) tự tính; nói thế thì hết thảy pháp đều có tự tính là thọ. Cho nên, thí dụ được nêu chỉ có thể gạt trẻ nhỏ thôi.

Tuy nhiên, cảnh giới thọ không cùng với các tâm sở khác có chung đặc tính. Sự lãnh nạp các đặc tính, thuận nghịch v.v. được xác định thuộc bản thân, sự lãnh nạp ấy được gọi là cảnh giới thọ, vì không chung với các tâm sở khác.[34]

d. Tưởng
Tưởng, tự tính là tiếp thu ảnh tượng nơi đối tượng.[35] Chức năng của nó là quy ước[36] các loại danh ngôn khác nhau. Nghĩa là, cần phải ấn định hình thái giới hạn của đối tượng mới có thể tùy theo đó phát khởi các thứ danh ngôn khác nhau.

e. Tư
Tư, tự tính là khiến tâm tạo tác.[37] Chức năng là sử dịch tâm nơi các phẩm chất thiện, v.v.[38] Tức là, nó tiếp nhận các hình thái chính nhân[39] nơi đối tượng rồi thúc đẩy tâm tạo các thứ thiện, bất thiện,v.v.

Năm tâm sở này thuộc biến hành, do đó một cách xác định chúng tương ưng với tàng thức. Đặc tính của biến hành sẽ giải thích sau.

Xúc, v.v., năm tâm sở này tuy có đặc tính khác nhau với dị thục thức, nhưng thời và y tương đồng, sở duyên và sự tương đẳng,[40] do đó nói là tương ưng.[41]

2. DUY XẢ THỌ

Hành tướng của thọ này cực kỳ không rõ ràng, không thể phân biệt các hình thái đối tượng nghịch hay thuận; nó vi tế, đồng nhất loại, tiếp nối nhau chuyển; do đó, nó chỉ tương ưng với xả thọ.

Lại nữa, thọ tương ưng này duy chỉ là dị thục; nó hoạt động tùy theo nghiệp dẫn độ, không cần hội đủ duyên, vì vận chuyển theo thế lực của nghiệp thiện ác một cách tự nhiên. Vì vậy, duy chỉ là xả thọ.

Hai thọ khổ và lạc là dị thục sinh,[42] không phải là dị thục thực thụ, vì chúng cần đủ duyên cho nên không tương ưng với thức này.

Lại nữa, do sự kiện thức này thường không chuyển biến nên hữu tình chấp nó xem như ngã tự nội.[43] Nếu tương ưng với hai thọ khổ và lạc, nó hẳn có chuyển biến, vậy là sao chấp làm tự ngã? Do đó, nó chỉ tương ưng với xả thọ.

Nếu vậy, làm sao thức này cũng là dị thục của nghiệp ác?[44] Đã cho rằng nghiệp thiện cũng chiêu cảm xả thọ; ở đây (nghiệp bất thiện) sao lại không? Vì xả thọ không trái nghịch với các phẩm chất khổ lạc. Như pháp vô ký dẫn đến cả hai thiện và ác.

3. CÁC TÂM SỞ KHÁC

Vì sao thức này không tương ưng các tâm sở biệt cảnh, và v.v.? Vì hỗ tương mâu thuẫn.

Nghĩa là, dục hoạt động với hy vọng về sự thể được ưa thích. Thức này vận chuyển tùy tiện,[45] không có hy vọng điều gì. 

Thắng giải hoạt động nhắm ghi dấu ấn [46] và quyết định sự thể. Thức này thì mông muội, không ghi dâu ấn cái gì.

Niệm hoạt động chỉ để ghi nhận rõ ràng những sự thể đã từng trải nghiệm. Thức này muội lược không thể ghi nhớ sáng suốt.

Định là tập trung tâm chuyên chú trên một đối tượng. Thức này vận chuyển tùy tiện, duyên đối tượng từng sát-na riêng biệt.[47]

Huệ duy chỉ hoạt động với sự giản trạch các sự thể như đức, v.v.[48] Thức này vi tế, muội lược, không thể giản trạch.

Do vậy, thức này không tương ưng các biệt cảnh.

Thức này vì duy chỉ là tự thể dị thục cho nên cũng không tương ưng với thiện hay nhiễm ô.

Bốn vô ký tính, ác tác, v.v.,[49] vì có tính gián đoạn, đương nhiên không phải là dị thục.[50]

 

[1] Sthiramati: “Trong đây, xúc, đó là sự phán đoán về biến đổi của căn y trên tổ hợp ba (trikasaṃnipāte indriyavikāraparicchedaḥ); chức năng của nó là sở y của thọ (vedanāsaṃniśrayakarmakaḥ).” Hiển dương Thánh giáo 1 (T31n1602, tr. 481a21): “Xúc, tự thể là phân biệt hoà hiệp của ba sự.” Cf. Tạp 3 (18a11): “Do bởi duyên là mắt và sắc, thức con mắt phát sinh. Sự hòa hòa hiệp của ba sự làm phát sinh xúc. Do duyên là xúc, thọ phát sinh.” Cf. Pali, S. iv. 68: cakkhuñca paṭicca rūpe ca uppajjati cakkhuviññāṇaṃ. … imesaṃ tiṇṇaṃ dhammānaṃ saṅgati sannipāto samavāyo, ayaṃ vuccati cakkhusamphasso. Duyên nơi mắt và sắc, thức con mắt phát sinh… Sự hòa hiệp, tập hợp, kết hợp của ba pháp này được gọi là xúc.

[2] Sthiramati: indriyaviṣayavijñānāni trīṇy eva trikaṃ tasya kāryakāraṇabhāvena samavasthānaṃ trikasaṃnipātaḥ: trong trạng thái là nhân cũng như trong trạng thái là quả, sự cộng đồng tồn tại của căn, cảnh và thức là tổ hợp ba.

[3] Hán: bỉ 彼, không có trong văn trên.

[4] Biến dị 變異, Skt. vikāra, chỉ sự biến thái hay biến dạng. Sthiramati: “Khi tổ hợp ba đang tồn tại, đồng thời với nó là sự biến dạng của căn tùy theo các cảm thọ khổ lạc v.v..” 

[5] Phân biệt 分別. Skt. pariccheda: phân tích, phán đoán, phán định. Sthiramati: “Tương tợ với sự biến dạng ấy là sự phán đoán về hình thái (ākāra: hành tướng) cảm thọ khổ lạc v.v. của đối tượng; sự phán đoán ấy chính là xúc.” Thuật ký: phân biệt là từ đồng nghĩa với “lãnh tợ 領似 (nhận thức bằng tương tợ).” Như con tương tợ cha, gọi là “phân biệt phụ 分別父.” 

[6] Tạp tập luận 1 (T31n1606, tr. 697b1): “Xúc, tự thể là sự phân biệt về biến dị của căn y trên hòa hiệp của ba sự.” 

[7] Căn biến dị 根變異: sự biến dạng của căn. Sthiramati: “Sự kiện mà do bởi đó căn xuất hiện như là nguyên nhân của khổ lạc các thứ; sự kiện đó là sự biến dạng của căn (indriyaṃ punar yena viśeṣeṇa sukhaduḥkhādihetutvaṃ pratipadyate sa tasya vikāraḥ).”

[8] Thuật ký: Khiến cho chúng không phân tán thành các hành tướng cá biệt, mà tập trung nhắm đến một đối tượng chung.

[9] Sthiramati: evaṃ hy uktam sūtre sukhavedanīyaṃ sparśaṃ pratītyotpadyate sukhaṃ veditam iti vistaraḥ, như Kinh nói, cảm thọ lạc phát sinh do duyên xúc với cảm thọ lạc. Cf. Tạp A-hàm 17 (tr. 117c27): “Sự hòa hiệp của ba sự làm phát sinh xúc. Duyên bởi hỷ xúc mà lạc thọ phát sinh.” Cf. Pali, Phassamūlaka-suttaṃ, S. iv. 215: Tisso imā, bhikkhave, vedanā phassajā phassamūlakā phassanidānā phassapaccayā. Ba thọ này phát sinh từ xúc, có gốc rễ là xúc, nhân duyên bởi xúc, lấy xúc làm điều kiện.

[10] Thức phát sinh bởi hai duyên: mắt và sắc. Xúc phát sinh bởi ba: sắc, mắt và thức con mắt. Thọ, bởi bốn: căn, cảnh, thức và xúc.

[11] Quyển 55 (tr. 601c28): “Chức năng (nghiệp) của xúc là gì? Làm sở y cho thọ, tưởng, tư.”

[12] Tạp tập luân 1 (T31n1606, tr. 697a5): “Hành uẩn được thiết lập như thế nào? Đó là sáu tư thân (ṣaṭ cetanā-kāyaāḥ): tư sản sinh bởi xúc của mắt, v.v.”

[13] Vì tư là động lực tạo nghiệp.

[14] Thuật ký: xúc dẫn khởi phát sinh thọ ưu thắng hơn các tâm sở khác.

[15] Thuật ký: Đại thừa và Hữu bộ đều nói tự thể của xúc là thật. Kinh bộ nói xúc là tổ hợp của ba, thể của nó là giả hữu.

[16] Câu-xá 10 (tr. 52b16): “Kinh nói, thế nào là pháp môn sáu sáu (ṣaṭṣaṭika dharmaparyāya)? 1. Sáu nội xứ, 2. sáu ngoại xứ, 3. sáu thức thân, 4. sáu xúc thân, 5. sáu thọ thân, 6. sáu ái thân. Cf. Pali, Chachakkasuttaṃ, M. iii. 281: Cha ajjhattikāni āyatanāni veditabbāni, cha bāhirāni āyatanāni veditabbāni, cha viññāṇakāyā veditabbā, cha phassakāyā veditabbā, cha vedanākāyā veditabbā, cha taṇhākāyā veditabbā. Giới thân túc luận 1 (T26n1540, tr. 614b13, 614b27): sáu sáu thân: 6 thức thân, 6 xúc thân, 6 thọ thân, 6 tưởng thân, 6 tư thân, 6 ái thân.

[17] Xúc là một trong 4 loại thức ăn.

[18] Xúc là một trong 12 chi duyên khởi.

[19] Kinh bộ: tổ hợp ba (tam hòa) tạo thành xúc. Xúc chính là (đồng nhất) tổ hợp ba. Do đó, tự thể của xúc là giả chứ không phải thật.

[20] Sthiramati: tác ý (manaskāra) là vận dụng (ābhoga) của tâm. Vận dụng tức chuyển hướng (ābhujanaṃ ābhogaḥ). Vì nó hương tâm trên đối tượng (ālambane yena cittam abhimukhīkriyate). Câu-xá 4 (19a21): Tác ý, khiến cho tâm cảnh giác (manaskāraś cetasa ābhogaḥ).

[21] Ưng khởi tâm chủng 警起心種. Diên bí (tr. 872a17): “Ưng, không phải là tố từ chỉ tương lai. Tác ý hiện tại cảnh giac chủng tử của tâm tương ứng khiến nó hiện khởi.” Nghĩa đăng (tr. 727a03): Đại thừa có hai giải thích. 1. Y Hiển dương, hiện tại tác ý cảnh giác tâm tương ứng đồng thời. 2. Y Thành duy thức, nó kích phát chủng tử của tâm đang hiện khởi, và dẫn tâm đang hiện khởi ấy hướng đến cảnh sở duyên.”

[22] Du-già 3 (tr. 291b27): “Tác ý là gì? Đó là sự hồi chuyển của tâm.” Chính lý 11 (tr. 389c25): “Lực của tác ý này có thể khiến cho thức chuyển hướng đến các đối tượng khác.”

[23] Tạp tập luận 1 (tr. 697a28): “Tác ý, thể của nó là tâm đã được phát động; chức năng là duy trì tâm trên cảnh sở duyên. tức là, thường xuyên dẫn tâm ở trên cảnh này, do đó mà tâm được định. Đó gọi là tác ý.” Sthiramati: cittadhāraṇaṃ punas tatraivālambane punaḥ punaś cittasyāvarjanaṃ, tác ý còn có chức năng là duy trì tâm trên đối tượng tức thường xuyên dẫn tâm trên đối tượng. Chức năng đó quyết định đối tượng cho dòng tương tục của tâm.

[24] Bác bỏ Chính lý.

[25] Phê bình Tạp tập luận: tác ý và định như vây không khác nhau.

[26] Sthiramati: vedanā anubhavasvabhāvā, thọ, có tự thể là cảm nghiệm (lãnh nạp). 

[27] Tức lạc thọ, khổ thọ và phi cả hai.

[28] Với lạc thọ thì muốn hiệp; với khổ thọ thì muốn ly.

[29] Thuận chính lý 2 (tr. 338c26): Thọ có hai, 1. chấp thủ thọ, tất cả tâm và tâm sở đều lãnh nạp (cảm nghiệm) cảnh sở duyên riêng biệt của nó; 2. tự tính thọ, lãnh nạp tùy theo xúc, là đặc tính riêng biệt của thọ. 

[30] Đặc tính chung mà các tâm sở khác đồng tiếp nhận được.

[31] Thuật ký: Xúc sinh thọ; nó là nhân của thọ. Vậy, nếu lãnh nạp nơi nhân, nên nói là thọ bởi nhân.

[32] Thuật ký: thể của quốc là đất đai. Xúc như đất đai; thọ như lúa thóc. Xúc là nhân, thọ là quả. Thọ lãnh nạp xúc là lãnh nạp tự thân, nên nói là thọ (lãnh nạp) tự tính.

[33] Quan điểm Hữu bộ: tâm thức không tự cảm thọ (tự chứng). Thuật ký: tự lãnh nạp tức tự duyên bản thân. Tự duyên tức tự chứng.

[34] Thuật ký thí dụ: giữa đám đông, có người nói, “Mặt mầy là tôi tớ.” Trong đám đông ấy, kẻ nào là tôi tớ thì nhận đó là mắng mình. Ai không phải là tôi tớ, không nhận lời mắng ấy về mình.

[35] Sthiramati: saṃjñā viṣayanimittidgrahaṇam.

[36] Hán: thi thiết; Skt. prajñapti. Thuật ký: “Thi thiết 施設 là dị danh của an lập 安立. Kiến lập phát khởi cũng nói là thi thiết.”

[37] Sthiramati: cetanā cittābhisaṃskāro manaścteṣtā; tư, cái tác động tâm và phát động ý.

[38] Sthirramati: như chỗ nào có từ thạch thì các loại sắt bị hút về đó.

[39] Thuật ký: chính, chỉ chính hành và tà hành, các hành thiện hay bất thiện của thân và ngữ. Nhân, chỉ nguyên nhân.

[40] Thuật ký: đẳng tức tương tợ. Ảnh tượng tướng phần là sở duyên. Thể của thọ là sự. Thời là sát-na. Y là y căn.

[41] Du-già 55 (tr. 602a24): “Do tương đẳng về sự, về xứ, về thời và sở tác nên nói là tương ưng (samprayukta).”

[42] Thuật ký: Trong sáu thức, thọ thuộc dị thục sinh (vipākaja) cần phải đủ duyên mới khởi.

[43] Giải thích ý nghĩa tương tục (liên tục chuyển) ở trên.

[44] Thuật ký: Nạn vấn của Hữu bộ. Xả thọ vốn tịch tĩnh. Nghiệp thiện điều hoà, dễ tương thuận nên có thể chiêu cảm. Nhưng nghiệp ác vốn bức bách làm sao dẫn đến quả tịch tĩnh như xả thọ?

[45] Nhậm vận 任運: vận hành một cách tự nhiên, ngẫu nhiên.

[46] Ấn trì 印持. Thuật ký: thăng giải ghi giữ dấu ấn của sự thể trước đó còn mơ hồ để đưa đến chỗ xác định.

[47] Thuật ký: thức thứ tám thường trực duyên đối tượng là ảnh tượng hiện tại; ảnh tượng này đổi mới trong từng sát na. Ở đây, nói nhậm vận, là nói vận chuyển theo nghiệp.

[48] Bản Hán, Khuy Cơ, đều đọc: đắc, thất. Tức được (đắc), mất, v.v.

[49] Ác tác, tức hối. Bốn tâm sở bất định, xem đoạn sau, về sáu thức.

[50] Phi dị thục, Thuật ký, đây nói không phải chân dị thục, chứ không loại trừ dị thục sinh.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
05 Tháng Bảy 2014(Xem: 14098)
Người ta thường nói môn Abhidhamma rất khó học, và lại không thực tế. Rất khó học vì nó phân tích rất chi li, vi tế những vận hành, diễn tiến của tâm. Không thực tế vì nó bàn đến những vấn đề ở ngoài sự hiểu biết bình thường của con người; ở ngoài chuyện áo cơm, tiền bạc, thế sự và thế tình...
14 Tháng Sáu 2014(Xem: 9906)
Thiền sư Thường Chiếu (thế kỷ thứ 12) đã nói "Khi ta hiểu rõ cách vận hành của Tâm thì sự tu tập trở nên dễ dàng". Năm Mươi Bài Tụng Duy Biểu là cuốn sách về tâm lý và siêu hình học của Phật giáo, giúp cho chúng ta hiểu được sự hoạt động của Tâm (Citta), bằng cách hiểu được bản chất của các Thức (Vijñāna). Năm Mươi Bài Tụng Duy Biểu có thể được coi như một thứ bản đồ trên con đường tu tập.
04 Tháng Tư 2012(Xem: 13733)