Tiết Vii. Xả A-lại-da

23 Tháng Mười Một 201000:00(Xem: 6662)

Viện Cao Đẳng Phật Học Hải Đức Nha Trang
LUẬN THÀNH DUY THỨC
Bản dịch Việt: TUỆ SỸ
Ban Tu Thư Phật Học 2547 - 2003

CHƯƠNG II 

A-LẠI-DA THỨC


TIẾT VII. XẢ A-LẠI-DA[1]

1. CỨU CÁNH XẢ

Thức này, từ vô thủy, hằng chuyển như dòng thác, cho đến giai vị nào thì hoàn toàn được xả? Cho đến địa vị A-la-hán nó mới hoàn toàn bị xả. A-la-hán là các Thánh giả khi đã đoạn tận một cách rốt ráo các phiền não chướng.[2] Lúc bấy giờ các phiền não thô trọng của thức này vĩnh viễn bị diệt trừ, đó gọi là xả. 

1. Trong đây,[3] nói là A-la-hán, là chỉ chung cho quả vị vô học của cả ba thừa. Vì giặc phiền não đã vĩnh viễn bị sát hại.[4] Vì xứng đáng nhận sự cúng dường tuyệt diệu của thế gian.[5] Vì vĩnh viễn không còn thọ nhận sự sinh phần đoạn nữa.[6]

Làm sao biết được như vậy?

Vì “Quyết trạch phần”[7] nói, các A-la-hán, Độc giác Như lai, thảy đều không thành tựu A-lại-da. Tập luận[8] cũng nói, các Bồ tát khi chứng đắc bồ đề, đồng loạt các phiền não và sở tri chướng đều bị đoạn trừ, thành A-la-hán và Như lai.

Nạn vấn: Nếu vậy, Bồ tát mà chưa vĩnh viễn đoạn tận các chủng tử phiền não, không phải là A-la-hán; Bồ tát ấy hẳn đều thành tựu thức A-lại-da; vì sao chính trong Quyết trạch phấn đó nói Bồ tát bất thối[9] cũng không thành tựu thức A-lại-da?

Đáp: Theo “Quyết trạch phần”, ở quả vị vô học của Nhị thừa mà xoay chuyển hướng đến đại bồ đề, lẽ tất nhiên không thối lui để khởi phiền não, và vì thú hướng bồ đề, do đó tức thì chuyển đổi tên được gọi là Bồ tát bất thối.[10] Vị ấy không thành tựu thức A-lại-da, tức được kể trong hàng A-la-hán. Như vậy, văn của Luận không mâu thuẫn với ý nghĩa này.

2. Lại nữa,[11] Bồ tát từ Bất động địa trở lên mới được gọi là Bồ tát bất thối, vì ở đó hết thảy phiền não vĩnh viễn không còn hiện hành; vì vận chuyển một cách tự nhiên trong dòng chảy của pháp; vì có thể khởi lên các hành trong các hành;[12] và vì càng lúc càng tăng tiến trong từng sát na.

Bồ tát này tuy chưa đoạn tận các chủng tử của phiền não trong thức dị thục, nhưng khi duyên đến thức này, các thứ ngã ái v.v. không còn chấp tàng nó như là tự ngã nội tại; do đó tên gọi a-lại-da vĩnh viễn được loại bỏ. Theo đó mà nói là không thành tựu thức a-lại-da. Bồ tát ấy vì vậy cũng được gọi là A-la-hán.

3. Giải thích khác[13] nói, vì rằng Bồ tát từ Sơ địa trở lên đã chứng chân lý hiển hiện bởi hai Không; và vì đã đạt được hai loại trí thù thắng;[14] và vì đã đoạn hai trọng chướng của phân biệt; và vì có thể phát khởi các hành trong hết thảy hành; Bồ tát ấy, tuy vì lợi ích mà hiện khởi các phiền não, nhưng không gây những tai hại do bởi phiền não,[15] do đó cũng được gọi là Bồ tát bất thối.

Hạng Bồ tát này tuy chưa đoạn tận loại phiền não câu sinh, nhưng duyên đến thức này mà các thứ ngã kiến, ngã ái v.v. của phân biệt không chấp tàng nó như là tự ngã nội tại; do bởi đó tên gọi A-lại-da vĩnh viễn bị loại bỏ, nên nói là không thành tựu thức A-lại-da. Ở đây Bồ tát này cũng được gọi là A-la-hán. Đó cũng là điều được nói trong Tập luận,[16] theo đó, Bồ tát thập địa tuy chưa đoạn tận hết thảy phiền não, nhưng phiền não này, cũng như độc tố bị áp chế bởi thuốc, chú thuật, không gây ra những tác hại của phiền não. Vì vậy, Bồ tát trong tất cả các địa, như A-la-hán đã đoạn tận phiền não, cũng được gọi là A-la-hán.

4. Nạn vấn:[17] Giải thích này phi lý. Bồ tát thất địa về trước vẫn còn ngã kiến, ngã ái các thứ thuộc loại câu sinh chấp tàng thức này làm tự ngã nội tại, làm sao có thể nói là xả tên gọi A-lại-da?

Đáp:[18] Nếu do bởi ngã kiến, ngã ái các thứ thuộc loại phân biệt không còn chấp tàng nữa mà gọi là xả, thì các hàng hữu học như Dự lưu lẽ ra cũng xả tên gọi A-lại-da. Như vậy là trái nghịch với những điều được nói bởi các Luận. Phiền não được dấy khởi nơi Bồ tát trên các địa là do bởi chính tri nên không gay tác hại. Hàng Dự lưu v.v. không thể có được trường hợp như vậy, đâu có thể lấy đó mà điển hình cho Bồ tát.

Phiền não khởi lên trong thức thứ sáu của Bồ tát ấy do bởi chính tri nên không gây tác hại, nhưng thức thứ bảy trong trạng thái của tâm hữu lậu hiện hành một cách tự nhiên chấp tàng thức này, há không thể điển hình với hàng Dự lưu?[19] Do vậy, nên biết, nạn vấn ấy không hợp lý.

Song,[20] A-la-hán đoạn trừ các phiền não thuộc loại thô trọng trong thức này dứt sạch một cách rốt ráo, không còn chấp tàng thức A-lại-da như là tự ngã nội tại nữa; do A-lại-đã vĩnh viễn tiêu thất như vậy nên gọi là xả, chứ không phải xả toàn bộ thể của thức thứ tám. Không nên nói rằng A-la-hán không có thức duy trì chủng tử,[21] lúc bấy giờ liền nhập Niết-bàn vô dư.

2. CÁC BIỆT DANH 

Tuy các hữu tình thảy đều thành tựu thức thứ tám, nhưng tùy theo ý nghĩa mà lập nhiều tên gọi khác nhau.[22]

Hoặc gọi là tâm, vì nó là nơi tích luỹ chủng tử được huân tập của các pháp vạn thù sai biệt.[23]

Hoặc gọi là a-đà-na,[24] vì nó nắm giữ chủng tử và các sắc căn không để huỷ hoại.

Hoặc gọi là sở tri y,[25] vì nó làm nơi y chỉ cho các pháp sở tri hoặc nhiễm hoặc tịnh.

Hoặc gọi là chủng tử thức, vì nó nhiệm trì toàn bộ các chủng tử của thế gian và xuất thế gian.

Các tên gọi như vậy thông cho tất cả các trình độ.

Hoặc gọi là a-lại-da, vì nó nhiếp tàng tất cả pháp thuộc phẩm loại tạp nhiễm không để thất tán, và vì bị ngã kiến, ngã ái các thứ chấp tàng như là tự ngã nội tại. Tên gọi này chỉ áp dụng cho hàng dị sinh và hữu học, vì hàng vô học và Bồ tát bất thối[26] không có pháp tạp nhiễm để chấp tàng.

Hoặc gọi là dị thục thức, vì nó là quả dị thục của nghiệp thiện và bất thiện dẫn đến sinh tử. Tên gọi này chỉ áp dụng cho hàng dị sinh, Nhị thừa, các Bồ tát;[27] vì ở Như lai địa không tồn tại pháp vô ký thuộc loại dị thục.

Hoặc gọi là vô cấu thức,[28] vì là nơi sở y của các pháp vô lậu cực kỳ thanh tịnh. Tên gọi này chỉ áp dụng cho Như lai địa, vì Bồ tát, Nhị thừa và dị sinh vị có sự huân tập khả ái của chủng tử hữu lậu, chưa đạt được thức thứ tám thiện tịnh. Như Khế kinh nói, “Thức vô cấu của Như lai, là giới tịnh vô lậu, giải thoát hết mọi chướng, tương ưng trí viên kính.”[29]

Tên gọi A-lại-da nặng phần tác hại, và vì được xả trước hết, cho nên đặc biệt được nói riêng trong đây.

Thể của thức dị thục được xả khi Bồ tát sắp chứng đắc bồ đề. Thanh văn, Độc giác khi nhập Niết bàn vô dư y cũng xả.

Thể của thức vô cấu không khi nào bị xả, vì sự lợi lạc cho hữu tình không bao giờ cùng tận.

Các tên khác như tâm v.v., vì cộng thông, cho nên tùy theo nghĩa mà nói.

3. GIAI VỊ

Thức thứ tám có hai trạng thái. Một, trạng thái hữu lậu, thuộc bản tính vô ký, duy chỉ tương ưng với năm pháp như xúc v.v., và chỉ chuyển đến đối tượng như chấp thọ và xứ cảnh như đã nói trên. Hai, trạng thái vô lậu,[30] duy chỉ thuộc bản tính thiện; nó tương ưng với 21 tâm sở, tức 5 biến hành, 5 biệt cảnh và 11 thiện. Vì nó hằng tương ưng với tất cả tâm;[31] vì thường ưa thích[32] chứng tri đối tượng quán chiếu; vì hằng in dấu quyết định[33] trên đối tượng quán chiếu; vì ghi nhớ rõ ràng[34] cảnh đã từng trải nghiệm; vì không hề có trường hợp Thế tôn không có định tâm[35]; vì thường quyết trạch đối với hết thảy pháp;[36] Và vì thường tương ưng với tịnh tín v.v.;[37] vì không nhiễm ô;[38] vì không tán động;[39] Nó cũng duy chỉ tương ưng với xả thọ, vì hằng thời vận chuyển một cách tự nhiên và bình đẳng. Nó lấy hết thảy pháp[40] làm cảnh sở duyên, vì trí như gương soi[41] duyên khắp đến hết thảy pháp.

 
 
[1] Giải thích câu tụng “A-la-hán vị xả 阿羅漢位捨.” Skt. tasya vyāvṛttỉ arhatve/

[2] Sthiramati: nói là A-la-hán, do đạt được tận trí, vô sinh trí (kṣayajñānānutpādajñānalābhāt).

[3] Giải thích của nhóm Luận sư thứ nhất, về nghĩa A-la-hán.

[4] A-la-hán (Skt. arhant), theo nghĩa là “sát tặc.” Tức theo ngữ nguyên : ari (kể thù) + han (sát hại).

[5] A-la-hán hiểu theo nghĩa “ứng cúng.” Tức theo ngữ nguyên arh (arhati): xứng đáng, có khả năng.

[6] A-la-hán hiểu theo nghĩa “vô sinh.” Tức theo ngữ nguyên aruhat: không sinh trưởng, do động từ ruh: sinh trưởng. Phần đoạn sinh: bậc vô học của Nhị thừa và Bồ tát địa thứ tám trở lên đã dứt sinh tử phần đoạn nhưng vẫn còn chịu sinh tử biến dịch.

[7] Du-già 51, Nhiếp quyết trạch phần, tr. 582a8, nêu bốn trường hợp: 1. Thành tựu a-lại-da chứ không chuyển thức: các trường hợp của trạng thái vô tâm vị. 2. Thành tựu chuyển thức, không a-lại-da: A-la-hán, Độc giác, Bồ tát hàng bất thối, và các Như lai trụ hữu tâm vị. 3. Thành tựu cả hai: các hạng hữu tình còn lại trụ hữu tâm vị. 4. Không cả hai: A-la-hán, Độc giác, Bồ tát bất thối và các Như lai nhập diệt tận định, trụ vô dư y niết bàn giới.

[8] A-tì-đạt-ma tập luận 7 (T31n1605, tr. 692c5), Tạp tập luận 14 (T31n1606, tr. 763c26): “các Bồ tát, sau khi đã đắc hiện quán Thánh đế, trong giai đoạn tu đạo của mười địa, chỉ tu tập phần đối trị sở tri chướng mà không cần tu tập đối trị phần của phiền não chướng. Khi chứng đắc bồ đề, phiền não chướng và sở tri chướng nhất loạt bị đoạn trừ, đốn chứng thành A-la-hán và Như lai.”

[9] Thuật ký (tr. 341c28): bốn hạng bất thối: 1. bất thối đối với tín, tức tâm thứ sáu trong thập tín; 2. bất thối đối với chứng. Bồ tát thập địa trở đi; 3. bất thối đối với hành, Bồ tát địa thứ tám trở lên; 4. bất thối đối với phiền não, ở vô lậu đạo, các phiền não bị đoạn trừ. Ý nạn vấn: Bồ tát bát địa xả a-lại-da được gọi là bất thối. Sơ địa chưa xả a-lại-da, vậy không được gọi là bất thối?

[10] Trường hợp thứ tư trong bốn bất thối, cht. 8.

[11] Giải thích của nhóm Luận sư thứ hai, bởi Hộ Pháp.

[12] Thuật ký: Sơ địa cho đến Lục địa, thiểu hành (hành nhỏ). Thất địa, đại hành. Bát địa trở lên, quảng hành, vì tu tất cả hành trong tất cả hành.

[13] Giải thích của Nan-đà.

[14] Vô phân biệt trí (nirvikalpakajñāna) và Hậu đắc trí (pṛṣṭhlabdhajñāna).

[15] Du-già 78 (tr. 733b14): Bồ tát có thể khởi ba thứ phiền não: 1. phiền não không đặc tình nhiễm ô, vì khởi do nhận thức; 2. không gây tai hại, vì không không khiến Bồ tát cảm nghiệm đau khổ nơi tự thân; 3. đoạn nhân của khổ, Bồ tát hiện khởi phiền não để trừ khổ cho hữu tình.

[16] Đã dẫn, T31n1605, tr. 692c08; T31n1606, tr. 763c29. 

[17] Nhóm Luận sư thứ tư.

[18] Giả định trả lời của Nan-đà.

[19] Thuật ký: Phản vấn của Luận chủ (Hộ Pháp).

[20] Thuật ký: Giải thích của nhóm Luận sư thứ hai (Hộ Pháp).

[21] Không có tự thể của thức thứ tám, không có thức duy trì chủng tử

[22] Nghĩa đăng 4 (tr. 729b25): Có 18 tên gọi. Tụng nói: 無沒,本,宅,藏/種,無垢,持,緣/顯,現,轉,心,依/異,識,根,生,有: 1. Vô một, không chìm, không tan biến. Có lẽ do Skt. đọc là alaya (gốc động từ lī: layati, chìm mất, biến mất), thay vì đọc là ālaya. Dẫn luận Vô tướng: vì các chủng tử không chìm ẩn mất nên gọi là vô một. 2. Bản, hay căn bản thức, Skr. mūla-vijñāna. 3. Trạch, cái nhà, một nghĩa khác của từ ālaya. 4. Tàng, nghĩa phổ biến của từ ālaya. 5. Chủng, tức chủng tử thức. 6. Vô cấu, xem giải thích của Luận. 7. Trì, hay chấp trì thức, nghĩa của từ a-đà-na thức (ādāna-vijñāna). 8. Duyên, Skt. pratyaya. Biện trung biên (Madhyānta, k. 10) A-lại-da là điều kiện cho các thức khác xuất hiện (ālayavijjñānam anyeṣāṃ vijñānānāṃ pratyâytvāt pratyaya-vijñānam). 9. Hiển, dẫn luận Vô tướng: vì nó làm hiển lộ năm căn, bốn đại (Skt. vijñapti-vijñāna?). 10. Hiện, vì các pháp hiển hiện trên đó; Skt. khyāti-vijñāna (Laṅkā, N. 37). 11. Chuyển, dẫn Vô tướng: các pháp y trên nó mà sinh khởi (Skt. pravṛtti-vijñāna). 12. Tâm, xem giải thích trong Luận. 13. y, vì nó là y chỉ của sở tri, xem giải thích của Luận; Skt. āśraya-vijñāna. 14.Dị, tức dị thục; Skt. vipāka. 15. Thức, dẫn Vô tướng: tức thức phân biệt sự; Skt. vastuprativikalpa-vijñāna (Laṅkā, N.37). 16. Căn, chỉ cho căn bản thức của Hữu bộ. sinh, hữu. 17. Sinh, tức cùng sinh tử uẩn của Hoá địa bộ. 18. Hữu, tức hữu phần thức của Thượng tọa bộ; Skt. bhavānga.

[23] Thuật ký: Phạn nói chất-đa 質多; phiên âm Skt. citta. Hiểu theo ngữ nguyên, động từ căn ci: tích luỹ. Nhiếp luận bản 1 (tr. 134a9): nói là tâm (citta), vì nó là nơi tích luỹ (ācita) chủng tử được huân tập của các chủng loại pháp sai biệt.

[24] Skt. ādāna. Nhiếp luận bản 1 (tr. 133b29): Vì nó chấp thọ tất cả căn có sắc, và là sở y của thủ (upādāna).

[25] Skt. vijñeyāśraya. Nhiếp luận thích (Thế Thân) 1 (tr. 322b29): Cái có thể được nhận thức, gọi là sở tri. Đó là các pháp tạp nhiễm và thanh tịnh, tức ba tự tính .

[26] Bồ tát từ bát địa trở lên.

[27] Bồ tát địa thứ mười trở xuống.

[28] Skt. amala-vijñāna; cũng phiên âm là a-mạt-la thức 阿末羅識, a-ma-la thức 阿摩羅識.

[29] Thuật ký, tụng của kinh Như lai công đức trang nghiêm.

[30] Duy chỉ ở Như lai.

[31] Chỉ hoạt động của năm tâm sở biến hành.

[32] Hán: lạc; chỉ hoạt động của tâm sở dục (chanda) trong năm biệt cảnh.

[33] Hán: ức trì; chỉ hoạt động của thắng giải (adhimukti) trong năm tâm sở biệt cảnh.

[34] Hán: minh ký, chỉ niệm (smṛti) trong năm biệt cảnh.

[35] Tức tâm sở định (samādhi) trong năm biệt cảnh.

[36] Hoạt động của tâm sở huệ (prajñā) trong năm biệt cảnh.

[37] Chỉ 11 tâm sở thiện.

[38] Nhiễm ô, chỉ 6 căn bản phiền não và 22 tùy phiền não.

[39] Tán động, chỉ 4 tâm sở bất định.

[40] Hết thảy pháp: toàn bộ 18 giới, bao gồm hết thảy hữu vi, vô vi.

[41] Kính trí, tức đại viên kính trí.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
01 Tháng Năm 2018(Xem: 5408)
16 Tháng Năm 2017(Xem: 5733)
14 Tháng Mười 2015(Xem: 6762)
Trong một thời gian rất lâu, xuyên suốt qua các nền văn hóa và tôn giáo trên thế giới, chúng ta đã vật lộn với câu hỏi là bản thân chúng ta đã phát triển về thân thể, và về tâm lý như thế nào.
29 Tháng Chín 2015(Xem: 10435)
Bài viết này xin không trình bày lần lượt hệ thống các lý thuyết căn bản về Duy thức học mà chú trọng những điểm thiết yếu chi phối toàn triệt quá trình nhận thức một cách cô đọng và đặc trưng nhất có thể.
10 Tháng Sáu 2015(Xem: 5964)
Thành Duy Thức Luận trình bày hai quả chuyển y là Đại Niết-bàn và Đại Bồ Đề; Do đoạn trừ hết thảy các chướng mà thành tựu hai quả vị thù thắng này. Lại do ly khai phiền não chướng vốn dẫn độ đến tái sinh mà đạt được chân giải thoát. Giải thoát, Tây vực Phạn âm gọi là ba-lị-nặc-phược-nẫm; Từ Sanskrit là parinirvāṇam, bát niết- bàn, Niết-bàn viên diệu, hay viên mãn tịch diệt . Ở đây, trong hai quả chuyển y, chúng ta chưa vội đề cập đến quả đại Bồ-đề mà chủ đích chỉ bàn đến Niết bàn hay quả Đại Niết-bàn.
06 Tháng Sáu 2015(Xem: 9465)
Sự gieo hạt giống, sự tăng trưởng của cây và sự cho quả là ba giai đoạn khác nhau. Trong đạo cũng giống như thế, thân tương tục nhập đạo, trở nên thuần thục và được giải thoát theo một tiến trình tiến lên từ từ: Trong đời sống thứ nhất là gieo trồng các thiện căn có tên giải thoát phần; trong đời sống thứ hai là sinh khởi các quyết trạch phần; và đời sống thứ ba là sinh khởi thánh đạo. Giải thoát phần được thành tựu từ văn và tư chứ không phải định...