Chương 3 Khảo Sát Sự Sinh Hoạt Của Tám Tâm Thức

28 Tháng Mười Một 201000:00(Xem: 8041)

KHẢO NGHIỆM DUY THỨC HỌC
TÂM LÝ HỌC THỰC NGHIỆM
Thích Thắng Hoan

Chương 3

KHẢO SÁT SỰ SINH HOẠT CỦA TÁM TÂM THỨC

 A.- KHẢO SÁT NĂM TÂM THỨC Ở TRƯỚC:

Năm sự hiểu biết hiện bày ra ngoài nơi thân thể con người gọi là năm Thức ở trước (Tiền ngũ Thức). Muốn tìm hiẻu nguồn gốc của tám Tâm Thức, trước hết chúng ta phải khảo sát trong thân thể con người để hiểu biết giá trị sự có mặt cũng như giá trị sự sinh hoạt nơi mỗi Tâm Thức. Người khảo sát muốn nhận diện một cách trực tiếp về hình tướng của tám Tâm Thức thì thật là vô cùng khó khăn. Nguyên do khả năng nhận thức của con người lại bị giới hạn bởi hệ thống thần kinh và hơn nữa tám Tâm Thức sinh hoạt thì không bao giờ hiển lộ hình tướng ra ngoài giống như sự hiển lộ hình tướng của vật chất. Người khảo sát chỉ có thể hiểu biết tám Tâm Thức một cách gián tiếp qua sự sinh hoạt của chúng và không thể nào nhìn thấy rõ hình tướng của tám Tâm Thức nói trên. Tám Tâm Thức cũng không có tên gọi và để cho dễ phân biệt, nhà Duy Thức mượn các hiện tượng và ý nghĩa của những sự vật bên ngoài do chúng sinh hoạt để đặt tên. Các hiện tượng và ý nghĩa của những sự vật bên ngoài đều là đối tượng của tám Tâm Thức. Đầu tiên, nhà Duy Thức mược các giác quan (các Căn) nơi thân thể con người để đặt tên cho năm Tâm Thức ở trước. Năm giác quan là những hiện tượng bên ngoài mà năm Tâm Thức ở trước nương tựa để sinh hoạt. Giờ đây chúng ta hãy tìm hiểu giá trị năm giác quan (năm Căn) trước khi tìm hiểu năm Tâm Thức ở trước (năm sự Hiểu Biết).

1.- NĂM GIÁC QUAN CỦA HIỂU BIẾT:
(Năm Căn: five senses)

CĂN: là giác quan. Năm Căn nghĩa là năm giác quan của sự hiểu biết.

CĂN: có hai tên: Phù Trần Căn và Tịnh Sắc Căn.

PHÙ TRẦN CĂN: là những giác quan hiện bày ra ngoài nơi thân thể khiến cho mọi người có thể nhìn thấy được một cách dễ dàng. Những giác quan nàỳ như: Mắt, Tai, Mũi, Miệng. Lưỡi, toàn bộ Thân Thể và chúng đều được gọi là Phù Trần Căn.

TỊNH SẮC CĂN: là những giác quan rất tinh tế và nhạy bén nằm ở phía bên trong thân thể của con người. Tịnh Sắc Căn ở đây tức là chỉ cho các hệ thống Thần Kinh (Nervous-System) của: Mắt, Tai, Mũi, Miệng Lưỡi và toàn bộ thân thể của con người.

Mỗi con người đều gồm có: Mắt, Tai, Mũi, Miệng Lưỡi và toàn bộ Thân Thể. Năm giác quan đây rất cần thiết cho mỗi con người để thu nhận những hình ảnh của những sự vật bên ngoài và mang những hình ảnh đó vào bên trong não bộ để giúp cho năm Tâm Thức ở trước (Five Consciousnesses) của họ hiểu biết. Năm giác quan này, nhà Duy Thức gọi là năm Phù Trần Căn (năm giác quan hiện bày ra ngoài). Trong năm giác quan Phù Trần ở trên, giác quan thứ năm thuộc Thân Căn (Thân thể: Body sense power) mới là quan trọng, vì nó bảo vệ bốn giác quan còn lại. Khi con người vừa được thụ thai, Thân Căn (Thân thể) thuộc giác qaun thứ năm của họ chưa được tượng hình, nghĩa là lúc đó đó thân thể của họ chưa được xây dựng. Sau chính tháng và mười ngày, thân thể của họ mới được thiết lập thành hệ thống một bé sơ sinh.

Ngoài năm Phù Trần Căn bao che, tức là ngoài Mắt, Tai, Mũi, Miệng Lưỡi và Thân Thể ra, con người còn được xây dựng thêm năm hệ thống giác quan rất tinh tế hơn ở phía bên trong thân thể được mang tên là Tịnh Sắc Căn ( Giác quan tinh tế và nhạy bén). Năm hệ thống giác quan tinh tế được xây dựng với mục đích để làm môi trường, để làm trợ duyên cho năm Tâm Thức ở trước sinh hoạt. Các nhà khoa học gọi năm Tâm Thức Tịnh Sắc Căn của Duy Thức là năm hệ thống thần kinh (Five Nervous Systems). Năm hệ thống thần kinh gồm có: Thần Kinh Thị Giác (The Nervous Vision), Thần Kinh Thính Giác (The Nervous Sense of Hearing), Thần Kinh Khứu Giác (The Nervous Sense of Smell), Thần Kinh Vị Giác (The Nervous Sense of Taste) và Thần Kinh Xúc Giác (The Nervous Tactile Sensation). Năm Phù Trần Căn và năm Tịnh Sắc Căn, theo nhà Duy Thức đều do những vật lý kết thành, nguyên vì chúng nó thuộc về vật chất.

Năm hệ thống giác quan (năm hệ thống Tịnh Sắc Căn), tức là năm hệ thống thần kinh vừa trình bày, được sanh trưởng nơi trong não bộ (Brain) và được bảo vệ bởi lớp võ não. Đầu của những thần kinh thuộc năm hệ thống giác quan (năm Tịnh Sắc Căn) lại được thả rều phía trong chất óc não như mỡ đặc và cũng được sắp xếp theo từng trung tâm của mỗi loại giác quan (của mỗi loại Căn). Nhờ sự thả rều phía trong não bộ của những thần kinh nói trên, năm Tâm Thức ở trước mới dễ dàng sinh hoạt để hiểu biết những hình ảnh của các sự vật bên ngoài. Đầu của những thần kinh thả rều phía trong não bộ cũng tương tợ như chân của mỗi sợi tóc đều mềm mại và được thả rều phía dưới lớp da để lấy dinh dưỡng nuôi sống.

Theo tinh thần Kinh Báo Phụ Mẫu Ân, khi người mẹ thụ thai, Thức Tạng (Thức Alaya) đầu tiên xây dựng não bộ và não bộ này được bao bọc bởi lớp võ não và kế tiếp xây dựng thân thể (Thân Căn) con người. Sau hai tháng, bốn giác quan kia (bốn Căn còn lại) cũng được tiếp tục xây dựng. Cho đến tám thánh sanh, năm hệ thống giác quan (năm Tịnh Sắc Căn) mới được hoàn thành. Hệ thống tổ chức của năm giác quan thì khác nhau hoàn toàn, cho nên chúng sinh hoạt không quan hệ với nhau và cũng không thể giúp đỡ cho nhau về phương diện nhận thức. Não bộ không phải là trung tâm phân phối sự hiểu biết, mà ở đây não bộ chỉ là trung tâm (Center) sinh hoạt chung của năm hệ thống thần kinh (năm hệ thống Tịnh Sắc Căn) khác nhau. Nơi trung tâm sinh hoạt não bộ có năm khu vực sinh hoạt riêng của mỗi hệ thống thần kinh là nơi mà Tâm Thức đó nương tựa để hiểu biết vạn pháp theo khả năng và giá trị nhận thức. Nghĩa là Nhãn Thức thì chỉ có khả năng và giá trị nhìn thấy hình ảnh của sự vật mà không thể nghe được tiếng nói của sự vật. Ngược lại, Nhĩ Thức thì chỉ có khả năng và giá trị nghe được tiếng nói của sự vật mà không thể nhìn thấy hình ảnh của sự vật. Các Tâm Thức khác cũng giống như thế.

Ngoài năm hệ thống giác quan (năm Căn) thuộc vật chất, con người còn có một sức sống vô cùng quan trọng không thể thiếu mặt ở bất cứ lúc nào và trong bất cứ nơi đâu. Sức sống đó chính là Tâm Thức, thường gọi tắt là THỨC.

2.- DANH NGHĨA NĂM THỨC TRƯỚC:

THỨC, theo định nghĩa ở trước là một năng lực hiểu biết và phân biệt các sự vật sai khác. Thức thì thuộc về Tâm Linh và Tâm Linh này rất trừu tượng, không thể dùng phương pháp khoa học để trắc nghiệm được nó. Nguồn gốc phát sanh ra Thức là vấn đề nan giải cho những nhà khảo cứu muốn đưa nó lên bình diện khoa học. Các nhà khoa học duy vật thường giải thích lầm lẫn cho Tâm Thức hay Tư Tưởng của con người được phát sanh từ nơi hệ thống thần kinh (Nervous-System) và trung tâm não bộ (Brain-Center). Theo họ, ngoài hệ thống thần kinh hay trung tâm não bộ, Tâm Thức hay Tư Tưởng không thể độc lập sanh khởi. Nhưng trên thực tế, chúng ta nhận thấy sự giải thích sai lầm này của các nhà khoa học duy vật được xét nghiệm với những hiện tượng sau đây:

1/- Khi con người ngủ mê, những hệ thống thần kinh của họ chưa bị đứt đoạn và trung tâm não bộ của họ chưa bị hư hoại, tất cả đều rung động liên tục không ngừng theo trái tim nhịp thở. Thế mà lúc đó Tâm Thức hay Tư Tưởng của họ tại sao không hiểu biết?

2/- Trong lúc họ đang ngủ say, chúng ta cầm cành hoa lan rất thơm đưa kề bên lỗ mũi của họ, nhưng tại sao không thấy thần kinh họ thưởng thức mùi thơm hoa lan, mặc dù lỗ mũi của họ vẫn thở đều đều?

3/- Miệng họ vẫn chép khi chúng ta câu muối vào và da mặt của họ vẫn cử động hoặc lúc đó họ lấy tay phủi chỗ ngứa mỗi khi chúng ta cầm lông gà xe vào. Thế mà tại sao họ vẫn ngủ mê không hay biết chi?

4/- Có người bảo rằng, những hành động trên của người ngủ mê chính là tác dụng bản năng tự vệ theo những cơ năng trong bắp thịt của họ. Chúng ta đặt câu hỏi, những hành động bản năng tự vệ trên nếu như cho là tác dụng của những cơ năng trong bắp thịt thì tại sao trong lúc ngủ mệ, họ lại biết rõ mục tiêu để sinh hoạt, nghĩa là họ đưa tay lên gãi đúng chỗ ngứa và phủi đúng chỗ nhột mỗi khi chúng ta se lông gà vào mặt của họ?

5/- Hơn nữa, những hành động gọi là bản năng tự vệ ở trên, nếu như bảo rằng, chúng phát sanh từ nơi các cơ năng trong bắp thịt thì tại sao, người bất tỉnh (Lose Consciousness) không thấy họ sinh hoạt bản năng tự vệ trong lúc chúng ta se lông gà vào mặt của họ, cũng như chúng ta đã hành động ở trước, mặc dù những cơ năng trong bắp thịt và những hệ thống thần kinh trong cơ thể của họ vẫn còn nguyên vẹn như khi còn tỉnh thức, nghĩa là những cơ năng ấy, những hệ thống thần kinh ấy của họ lúc đó không bị hư hoại một bộ phận nào cả?

6/- Trường hợp người lái xe bị ngủ gục. Trong khi lái xe, họ không muốn ngủ vì sợ tai nạn lưu thông nguy hiểm, nhưng Tâm Thức của họ đã rút lui lúc nào không biết. Trong lúc ngủ gục, não bộ của họ vẫn còn nguyên và đôi mắt của họ vẫn mở, nhưng trong lúc đó họ không nhìn thấy chi cả.

Những kiểm chứng trên cho chúng ta nhận định rằng, hệ thống thần kinh hay trung tâm não bộ không phải là nơi phát sanh ra Tâm Thức hay Tư Tưởng. Theo Duy Thức Học, hệ thống thần kinh hay trung tâm não bộ chỉ là môi trường trợ duyên giúp cho Tâm Thức nương tựa để hiểu biết vạn pháp và chúng nhất định không phải sanh ra Tâm Thức. Ngoài hệ thống thần kinh hay trung tâm não bộ, con người còn có Tâm Thức riêng biệt và Tâm Thức này lẽ dĩ nhiên phải có gốc rễ của nó để sinh hoạt. Tâm Thức thì thuộc về Tâm Linh và nó không phải thuộc về vật chất. Tâm Thức luôn luôn có mặt với tánh cách biệt lập với vật lý và độc lập để đóng vai làm chủ cho sự hiểu biết, nguyên vì Tâm Thức không cùng một bản chất với vật lý.

Tâm Thức thì không có hình tướng. Chúng ta chỉ nhận biết được Tâm Thức là khi nào chúng sinh hoạt để hiểu biết vạn pháp. Tâm Thức cũng không có tên để gọi và chúng ta chỉ căn cứ nơi giác quan mà Tâm Thức sinh hoạt để đặt tên cho chúng. Tên gọi của mỗi Tâm Thức được liệt kê sau đây:

1)- NHÃN THỨC: hiểu biết qua con mắt gọi là Nhãn Thức (Eye Consciousness).

2)- NHĨ THỨC: hiểu biết qua lõ tai gọi là Nhĩ Thức (Ear Consciousness).

3)- TỶ THỨC: hiểu biết qua lỗ mũi gọi là Tỷ Thức (Nose Consciousness).

4)- THIỆT THỨC: hiểu biết qua miệng lưỡi gọi là Thiệt Thức (Tongue Consciousness).

5)- THÂN THỨC: hiểu biết qua toàn bộ thân thể gọi là Thân Thức (Body Consciousness).

Năm Tâm Thức này, mỗi Tâm Thức tự nó đã có sẵn hạt giống (Chủng tử) riêng biệt nơi Thức Tạng (Thức Alaya) và chúng hoàn toàn không liên hệ với nhau về mặt tánh chất cũng như về mặt hiểu biết, nghĩa là Tâm Thức nào cũng chỉ hiểu biết được một khía cạnh của một sự vật theo khả năng mà Tâm Thức đó có thể nhận thức. Các Tâm Thức khác cũng không thể thay thế hiểu biết cho nhau được.

Bất cứ sự vật nào dù lớn hay nhỏ, lớn như thế giới và nhỏ như vi trần một khi làm đối tượng (Object) cho năm Tâm Thức sinh hoạt để hiểu biết thì sự vật đó đều thể hiện năm khía cạnh khác nhau. Năm khía cạnh đây gọi là năm Trần Cảnh (Five Objects). Năm Trần Cảnh (năm khía cạnh) của một sự vật gồm có: Hình sắc (Sắc Trần: Visible Form), Âm thanh (Thinh Trần: Sound), Hương thơm (Hương Trần: Odor), Mùi vị (Vị Trần: Taste) và Xúc chạm (Xúc Trần: Tangible Object). Trong năm Trần Cảnh (năm khía cạnh), mỗi loại chỉ làm đối tượng cho mỗi Tâm Thức và mỗi Tâm Thức nương nơi đối tượng đó để hiểu biết sự vật theo khả năng nhận thức của mình.

Như vậy, nơi năm Căn (năm giác quan) và năm Trần Cảnh, bản chất của chúng thì hoàn toàn vật chất và chúng được tạo thành bởi bốn nguyên lý gọi là Tứ Đại (Đất, Nước, Gió, Lửa). Cho nên năm Căn và năm Trần Cảnh gọi chung là Sắc Pháp (Form). Sắc Pháp là những pháp thuộc về hình sắc của vật chất. Nguợc lại, năm Tâm Thức ở trước thì thuộc về Tâm Linh và chúng được phát sanh từ nơi hạt giống riêng biệt của mỗi loại trong Thức Tạng. Cho nên năm Tâm Thức này được gọi chung là Tâm Pháp (Consciousnesses). Tổng cọng: năm Căn, năm Trần Cảnh và năm Tâm Thức đáp số thành ra mười lăm giới (15 Constituents). Mười lăm giới nghĩa là mươi lăm lãnh vực khác nhau.

3.- GIÁ TRỊ VÀ SỰ SINH HOẠT CỦA NĂM THỨC:

Giá trị sự hiểu biết như thế nào của mỗi Tâm Thức, cũng như mỗi Tâm Thức sinh hoạt trên lãnh vực nào của một sự vật để có hiểu biết? Tất cả đều được trình bày cụ thể sau đây:

A/- SỰ HIỂU BIẾT CỦA NHÃN THỨC:

(Understanding of Eyes)

1)- PHẦN HÌNH VẼ:

 

(Hình vẽ)

 

2)- PHẦN GIẢI THÍCH:

a)- NHÃN THỨC (Eye Consciousness): Nhãn là con mắt. Thức là hiểu biết. Hiểu biết qua con mắt gọi là Nhãn Thức.

b)- NHÃN CĂN (Eye): Căn là giác quan. Nhãn Căn là giác quan của hai con mắt. Nhãn Căn là chỗ nương tựa của Nhãn Thức để sinh hoạt. Nhãn Thức nhờ Nhãn Căn mới hiểu biết được hình sắc (Sắc Trần: Visible Form) của một sự vật.

c)- "A" SẮC TRẦN (Visible form): là hần hình sắc (phần hình tướng) của một sự vật, của thân thể anh "A" đã được hiện bày ra ngoài một cách cụ thể. Đây là phần đối tượng (Objects) thuộc về hình sắc của sự hiểu biết nơi con mắt.

d)- "AA" TƯỚNG PHẦN (Images): là phần hình tướng, tức là phần hình ảnh thuộc về Sắc Trần của một sự vật, tức là hình ảnh của anh "A".

e)- "A" ẢNH TỬ (Cause of Illusion): nghĩa là hạt giống ảo giác. Ảnh là hình ảnh và Tử là hạt giống. Ảnh Tử nghĩa là hạt giống ảo giác của hình tướng (Tướng Phần) nơi một sự vật, nơi anh"A" được hội tụ (Focus) vào một điểm trong não bộ (Brain). Ảnh Tử này thuộc về ảo ảnh (Illusion) của một sự vật, của anh "A" với hình thức ngược đầu trở lộn xuống.

g)- KIẾN PHẦN: là phần tác dụng (Activities) của Tâm Thức để nhìn thấy hình tướng của một sự vật qua con mắt.

h)- CHỦNG TỬ NHÃN THỨC (Cause of Eye Consciousness): nghĩa là hạt giống của Tâm Thức hiểu biết về con mắt.

i)- TÂM SỞ HUỆ (Knowledge): là ánh sáng (Nhãn quang: Lens light) của hai con mắt đang chiếu soi. Nó thuộc về dụng (Activity) của trí tuệ theo chiều hướng mê. Tâm Sở Huệ nương nơi trí tuệ làm thể tánh để tác dụng chiếu soi. Tâm Sở Huệ tác dụng qua hệ thống thần kinh (Nervous System) của hai con mắt để soi sáng và thâu ảnh vào não bộ (Brain) giúp cho Nhãn Thức hiểu biết về phương diện nhìn thấy.

k)- KHÔNG: nghĩa là khoảng cách. Nhãn Thức muốn thấy được sự vật bên ngoài phải nhờ có khoảng cách. Nghĩa là sự vật làm đối tượng (Object) phải cách xa hai con mắt chừng một khoảng không gian vừa tầm nhìn thì lúc đó Nhãn Thức mới có thể nhìn thấy sự vật rõ ràng. Ngược lại, Nhãn Thức không thể nhìn thấy được sự vật nếu như sự vật đó trực tiếp duyên thẳng và đụng phải hai con mắt mà không cần đến khoảng cách.

l)- MINH: là ánh sáng. Nghĩa là Nhãn Thức muốn nhìn thấy được sự vật phải nhờ đến ánh sáng mặt trời hoặc ánh sáng đèn trợ giúp. Tùy theo Nghiệp của mỗi chúng sanh, ánh sáng có khác nhau và ánh sáng đó giúp họ nhìn thấy sự vật theo từng giống loại. Như đối với loài Dơi, loài chim Quốc, loài Cú Mèo v.v... thì bóng tối về đêm chính là ánh sáng giúp cho chúng nhìn thấy mọi vật v.v...

Đầu tiên, khi hình sắc (Sắc Trần) của một sự vật nhờ ánh sáng ban ngày (Minh) và khoảng cách (Không) kích thích vào hai con mắt ở hai vị trí khác nhau, Kiến Phần Nhãn Thức (Phần tác dụng của Tâm Thức về con mắt) liền phát xuất từ nơi hạt giống của nó trong Thức Tạng (Thức thể Alaya) chạy vào não bộ để tiếp xúc với hệ thống thần kinh con mắt (The Nervous-System of Eyes). Hệ thống thần kinh này gọi là hệ thống Tịnh Sắc Căn (hệ thống giác quan tinh tế nhạy bén) của con mắt. Tức thì hai luồng nhãn quang (Lens light) của Tâm Sở Huệ trực tiếp soi sáng và thâu ảnh của hình sắc (Sắc Trần) vào hai con ngươi nơi hai tròng con mắt. Hình sắc trong hai con ngươi nơi hai tròng con mắt gọi là Tướng Phần (Images). Hai Tướng Phần này được Tâm Sở Xúc mang vào trong não bộ (Brain) với hình tướng là Ảo Ảnh (Illusion) ngược đầu. Hai Ảo Ảnh ngược đầu này hội tụ lại (Focus) thành Ảnh Tử chung (Cause of Illusions) để làm đối tượng (Object) trực tiếp trong não bộ hầu giúp cho Kiến Phần Nhãn Thức (Phần tác dụng của Nhãn Thức) hiểu biết sự vật qua Ảo Ảnh (Illusions).

Như vậy, Kiến Phần Nhãn Thức chỉ hiểu biết gián tiếp hình sắc (Sắc Trần) của một sự vật qua trung gian Ảnh Tử phía trong não bộ và ngược lại, Kiến Phần Nhãn Thức không thể nào tiếp xúc thẳng đến hình sắc của một sự vật mà không cần qua Ảnh Tử làm trung gian để hiểu biết sự vật đó một cách chân chính.

B/- SỰ HIỂU BIẾT CỦA NHĨ THỨC:

(Understanding of Ears)

1)- PHẦN HÌNH VẼ:

 

(Hình vẽ)

 

2)- PHẦN GIẢI THÍCH:

a)- NHĨ THỨC (Ear Consciousness): Nhĩ là lỗ tai. Thức là hiểu biết. Hiểu biết qua lỗ tai gọi là Nhĩ Thức.

b)- NHĨ CĂN (Ear): Căn lá giác quan. Nhĩ căn là giác quan của hai lỗ tai. Nhĩ Căn là chỗ nương tựa của Nhĩ Thức để sinh hoạt. Nhĩ Thức nhờ Nhĩ Căn mới hiểu biết được âm thanh (Thinh Trần: Sound) của một sự vật.

c)- THINH TRẦN (Sound): là phần âm thanh của một sự vật, tức là phần tiếng nói của anh "A" đã được hiện bày ra ngoài thành những luồng âm thanh vang động một cách cụ thể. Đây là phần đối tượng (Object) thuộc về âm thanh của sự hiểu biết nơi lỗ tai.

d)- DỊCH THỦY: là một loại chất nhờn như mở lỏng ở bên trong hai lỗ tai dùng để gạn lọc chất bụi bặm trong âm thanh, tạo cho âm thanh trở nên trong trẻo và sau đó âm thanh được đưa vào trong, cũng vì chất nhờn này gạn lọc bụi bặm trong âm thanh, cho nên hai lỗ tai thường tiết ra cứt ráy (Ear-Wax).

e)- MÀNG NHĨ: là màng lưới ở bên trong lỗ tai dùng để phát ra hai luồng âm thanh thứ hai (Tướng Phần) sau khi những luồng âm thanh thứ nhất (Thinh Trần) đã được chất nhờn gạn lọc và kích động vào Màng Nhĩ.

g)- KIẾN PHẦN: là phần tác dụng (Activity) của Tâm Thức để nghe biết âm thanh (Thinh Trần) của một sự vật qua lỗ tai.

h)- TƯỚNG PHẦN (Images): là phần hình tướng thuộc về âm thanh thứ hai của một sự vật, của anh "A" được phát ra từ hai màng nhĩ ở hai bên lỗ tai.

i)- ẢNH TỬ (Cause of Illusions): là hạt giống ảo giác của hình tướng (Tướng Phần) thuộc về âm thanh thứ hai nơi một sự vật, nơi anh "A" đã được hội tụ (Focus) vào một điểm trong não bộ.

k)- CHỦNG TỬ NHĨ THỨC: nghĩa là hạt giống Tâm Thức của hiểu biết về lỗ tai.

l)- KHÔNG: nghĩa là khoảng cách. Nhĩ Thức muốn nghe được âm thanh của một sự vật bên ngoài phải nhờ có khoảng cách. Nghĩa là sự vật làm đối tượng phải cách xa hai lỗ tai chừng một khoảng không gian vừa tầm nghe và nhờ khoảng cách đây những luồng âm thanh của sự vật thuộc đối tượng dễ dàng đi vào hai lỗ tai của người nghe. Nhĩ Thức của người nghe lúc đó mới nhận diện được âm thanh một cách rõ ràng. Ngược lại, Nhĩ Thức không thể nào nghe được âm thanh của một sự vật nếu như sự vật đó trực tiếp duyên thẳng và đụng phải hai lỗ tai của người nghe mà không cần đến khoảng cách.

Nhờ có khoảng cách (Không), âm thanh của một sự vật liền kích thích vào hai lỗ tai. Lúc đó, Kiến Phần Nhĩ Thức (Phần tác dụng của Tâm Thức về lỗ tai) phát xuất từ nơi hạt giống của nó trong Thức Tạng chạy vào não bộ để tiếp xúc với hệ thống thần kinh lỗ tai (The Nervous-Systems of Ears). Hệ thống thần kinh này gọi là hệ thống Tịnh Sắc Căn (hệ thống giác quan tinh tế nhạy bén) của lỗ tai. Tức thì những làn sóng âm thanh ở hai bên lỗ tai sau khi được Dịch Thủy gạn lọc cường độ và bụi bặm trong âm thanh, lại kích động Màng Nhĩ và khiến Màng Nhĩ phát ra âm thanh thứ hai. Âm thanh thứ hai này gọi là Tướng Phần (Images). Hai Tướng Phần của âm thanh thứ hai từ hai vị trí khác nhau nơi hai lỗ tai được Tâm Sở Xúc chuyển vào trong não bộ và hai Tướng Phần này hội tụ nhau lại thành Ảnh Tử chung (Cause of Illusions) để làm đối tượng trực tiếp trong não bộ giúp cho Kiến Phần Nhĩ Thức hiểu biết sự vật qua Ảnh Tử của âm thanh.

Như vậy, Kiến Phần Nhĩ Thức chỉ hiểu biết gián tiếp âm thanh của một sự vật qua trung gian Ảnh Tử phía trong não bộ và ngược lại, Kiến Phần Nhĩ Thức không thể nào tiếp xúc thẳng đến âm thanh của một sự vật mà không cần qua ảnh tử làm trung gian để nghe biết sự vật đó một cách chân chánh.

C/- SỰ HIỂU BIẾT CỦA TỶ THỨC:

(Understanding of Nose)

1)- PHẦN HÌNH VẼ:

 

(Hình vẽ)

 

2)- PHẦN GIẢI THÍCH:

a)- TỶ THỨC (Nose Consciousness): Tỷ là lỗ mũi. Thức là hiểu biết. Hiểu biết qua lỗ mũi gọi là Tỷ Thức.

b)- TỶ CĂN (Nose): Căn là giác quan. Tỷ Căn là giác quan của lỗ mũi. Tỷ Căn là chỗ nương tựa của Tỷ Thức để sinh hoạt. Tỷ Thức nhờ Tỷ Căn mới hiểu biết được hương thơm (Hương Trần) Của một sự vật.

c)- HƯƠNG TRẦN (Odor): là phần hương thơm của một sự vật đã được hiện bày ra ngoài một cách cụ thể. Đây là phần đối tượng thuộc về hương thơm của sự hiểu biết nơi lỗ mũi.

d)- KIẾN PHẦN: là phần tác dụng của Tâm Thức để ngửi biết hương thơm của một sự vật qua lỗ mũi.

e- TƯỚNG PHẦN: (Images) là phần hình tướng thuộc về hương thơm (Hương Trần) của một sự vật. Tướng Phần này đã được chất nhờn (Dịch Thủy) ở hai bên lỗ mũi tiết giảm cường độ và lọc sạch chất bụi nơi hương thơm, đồng thời được đưa vào trong hai lỗ mũi.

g)- DỊCH THỦY: là một loại chất nhờn như mỡ lỏng ở hai bên lỗ mũi để gạn lọc cường độ và bụi bặm trong hương thơm và khiến cho hương thơm trở nên tinh khiết, cũng vì chất nhờn gạn lọc bụi bặm trong hương thơm này, thành thử hai lỗ mũi thường tiết ra cứt mũi (Nose Wax).

h)- ẢNH TỬ: (Cause of Illusions) là hạt giống ảo giác của hình tướng (Tướng Phần) nơi hương thơm đã được hội tụ vào một điểm trong não bộ.

i)- CHỦNG TỬ TỶ THỨC: nghĩa là hạt giống Tâm Thức của hiểu biết về lỗ mũi.

Khi hương thơm của một sự vật kích thích vào hai lỗ mũi, Kiến Phần Tỷ Thức (Phần tác dụng của Tâm Thức về lỗ mũi) phát xuất từ nơi hạt giống của nó trong Thức Tạng (Thức Thể Alaya) chạy vào não bộ để tiếp xúc với hệ thống thần kinh lỗ mũi (The Nervous-System of Nose). Hệ thống thần kinh này gọi là hệ thống Tịnh Sắc Căn của lỗ mũi. Tức thì, những làn sóng hương thơm ở hai bên lỗ mũi sau khi được Dịch Thủy gạn lọc cường độ và bụi bặm liền biến thành hai Tướng Phần. Hai Tướng Phần này của hương thơm từ hai vị trí khác nhau ở hai bên lỗ mũi được Tâm Sở Xúc chuyển vào trong não bộ và hai Tướng Phần đó hội tụ nhau lại thành Ảnh Tử chung (Cause of Illusions) để làm đối tượng trực tiếp trong não bộ giúp cho Kiến Phần Tỷ Thức hiểu biết sự vật qua Ảnh Tử của hương thơm.

Như vậy, Kiến Phần Tỷ Thức chỉ hiểu biết gián tiếp hương thơm của một sự vật qua trung gian Ảnh Tử phía trong não bộ và ngược lại. Kiến Phần Tỷ Thức không thể nào tiếp xúc thẳng đến hương thơm của một sự vật mà không cần qua Ảnh Tử làm trung gian để ngửi biết sự vật đó một cách chân chánh.

D/- SỰ HIỂU BIẾT CỦA THIỆT THỨC:

(Understanding of Tongue)

1)- PHẦN HÌNH VẼ:

 

(Hình vẽ)

 

2) PHẦN GIẢI THÍCH:

a)- THIỆT THỨC (Tongue Consiousness): Thiệt là lưỡi. Thức là hiểu biết. Hiểu biết qua miệng lưỡi gọi là Thiệt Thức.

b)- THIỆT CĂN (Tongue Sense): Căn là giác quan. Thiệt Căn lá giác quan của miệng lưỡi. Thiệt Căn là chỗ nương tựa của Thiệt Thức để sinh hoạt. Thiệt Thức nhờ Thiệt Căn mới hiểu biết được mùi vị (VỊ Trần) của một sự vật.

c)- VỊ TRẦN (Taste): là phần mùi vị của một sự vật đã được hiện bày ra ngoài một cách cụ thể. Đây là phần đối tượng (Object) thuộc về mùi vị của sự hiểu biết nơi miệng lưỡi.

d)- DỊCH THỦY: là nước miếng trong miệng dùng để gạn lọc cường độ mùi vị (Vị Trần) nơi đồ ăn uống. Mùi vị nơi đồ ăn uống sau khi được nước miếng gạn lọc cường độ liền biến thành Tướng Phần. Tướng Phần của mùi vị được nước miếng pha loãng đua vào bảy Vị Lôi trong cuống lưỡi.

e)- BẢY VỊ LÔI: là bảy lỗ trong cuống lưỡi. Bảy lỗ này là nơi để tiếp nhận Tướng Phần của mùi vị (Vị Trần) sau khi Tướng Phần được nước miếng làm giảm bớt cường độ mùi vị nguyên chất của đồ ăn uống.

g)- KIẾN PHẦN: là phần tác dụng của Tâm Thức để nếm biết mùi vị của một sự vật qua miệng lưỡi.

h)- TƯỚNG PHẦN (Images): là phần hình tướng thuộc về mùi vị của một sự vật. Tướng Phần này đã được nước miếng làm giảm cường độ mùi vị nguyên chất trong đồ ăn uống và được chuyển vào trong não bộ.

i)- ẢNH TỬ: là hạt giống ảo giác của hình tướng (Tướng Phần) nơi bảy Vị Lôi. Bảy hình tướng nơi bảy Vị Lôi này được Tâm Sở Xúc chuyển vào trong não bộ và chúng hội tụ nhau lại một điểm thành Ảnh Tử.

k)- CHỦNG TỬ THIỆT THỨC: nghĩa là hạt giống Tâm Thức của hiểu biết về miệng lưỡi.

Khi mùi vị của một sự vật kích thích vào miệng lưỡi, Kiến Phần Thiệt Thức (Phần tác dụng của ta về miệng lưỡi) phát xuất từ nơi hạt giống của nó trong Thức Tạng chạy vào não bộ để tiếp xúc với hệ thống thần kinh miệng lưỡi (The Nervous-Systems of Tongue). Hệ thống thần kinh này gọi là hệ thống Tịnh Sắc Căn của miệng lưỡi. Tức thì nước miếng từ trong Hạch Lưỡi (Ganglion-Tongue) tuôn ra để gạn lọc cường độ và pha loãng mùi vị của đồ ăn uống và khiến mùi vị này biến thành Tướng Phần. Tướng Phần mùi vị của đồ ăn uống được Tâm Sở Xúc chuyển vào bảy Vị Lôi (bảy lỗ mùi vị) trong cuống lưỡi và chúng hội tụ nhau lại nơi não bộ thành Ảnh Tử chung để làm đối tượng trực tiếp trong não bộ giúp cho Kiến Phần Thiệt Thức hiểu biết sự vật qua Ảnh Tử của mùi vị.

Như vậy, Kiến Phần Thiệt Thức chỉ hiểu biết gián tiếp mùi vị của một sự vật qua trung gian Ảnh Tử phía trong não bộ và ngược lại, Kiến Phần Thiệt Thức không thể nào tiếp xúc thẳng đến mùi vị của một sự vật mà không cần qua Ảnh Tử làm trung gian để nếm biết sự vật đó một cách chân chánh.

E/. SỰ HIỂU BIẾT CỦA THÂN THỨC:

(Understanding of Body)

1)- PHẦN HÌNH VẼ:

 

(Hình vẽ)

 

2)- PHẦN GIẢI THÍCH:

a)- THÂN THỨC (Body Consciousness): Thân là thân thể, Thức là hiểu biết. Hiểu biết qua toàn bộ thân thể gọi là Thân Thức.

b)- THÂN CĂN (Body): Căn là giác quan. Thân Căn là giác quan của thân thể. Thân Căn là chỗ nương tựa của Thân Thức để sinh hoạt. Thân Thức nhờ Thân Căn mới hiểu biết được sự xúc chạm (Xúc Trần) của một sự vật.

c)- XÚC TRẦN (Tangible object): là phần vật thể của một sự vật đã được hiện bày hình tướng ra ngoài qua hình thức xúc chạm nơi thân thể đưa đến sự cảm giác về vật chất. Đây là phần đối tượng của sự hiểu biết về xúc chạm nơi thân thể.

d)- TÍCH CHÙY NHỤC: là loại thịt ở phía dưới lớp da mỡ. Loại thịt này trải rải rác khắp các hệ thống thần kinh cảm giác (Nervous-System of Sense) trong toàn bộ thân thể con người cũng như trong toàn bộ thân thể của các chúng sanh. Tích Chùy Nhục chính là bộ phận có nhiệm vụ gạn lọc, điều chỉnh và tiết chế phần xúc chạm, đồng thời khiến cho phần xúc chạm này chuyển bién thành Tướng Phần. Sau đó Tâm Sở Xúc chuyển Tướng Phần trên đây vào trong não bộ. Trường hợp phần xúc chạm của một sự vật, thí dụ như thùng nước đá đem tưới vào chân chúng ta. Chất lạnh của thùng nước đá chạy rần rần kên khắp thân thể. Trong lúc đó Tích Chùy Nhục gạn lọc không kịp, tiết chế không nỗi và điều chỉnh không xong cường độ chất lạnh của nước đá, khiến cho con người phát run cảm lên vì bị tê buốt.

e)- KIẾN PHẦN: (Activity) là phần tác dụng của Tâm Thức để cảm biết về sự xúc chạm của một sự vật qua thân thể.

g)- TƯỚNG PHẦN: (Images) là phần hình tướng của sự xúc chạm nơi một sự vật sau khi được Tích Chùy Nhục gạn lọc, tiết chế và điều chỉnh. Tướng Phần này được Tâm Sở Xúc chuyển vào trong não bộ để làm đối tượng cho Kiến Phần Thân Thức nương tựa để hiểu biết sự vật.

h)- ẢNH TỬ: là hạt giống ảo giác của hình tướng qua sự xúc chạm nơi một sự vật đã được hội tụ nhau lại thành một điểm thành Ảnh Tử trong não bộ.

i)- CHỦNG TỬ THÂN THỨC: nghĩa là hạt giống Tâm Thức của hiểu biết về thân thể (Thân Căn).

Trần Cảnh bên ngoài của một sự vật khi tiếp xúc với thân thể của con người cũng như thân thể của các chúng sanh, liền kích thích các tế bào trong thớ thịt (Cơ nhục) nơi con người đó, nơi các chúng sanh đó. Lập tức Kiến Phần Thân Thức (Phần tác dụng của Tâm Thức về Thân Thể) liền phát xuất từ nơi hạt giống của chính nó trong Thức Tạng chạy vào não bộ để tiếp xúc với hệ thống thần kinh thân thể (Nervous-Systen of Body) trong não bộ. Hệ thống thần kinh này gọi là hệ thống Tịnh Sắc Căn của thân thể. Khi Kiến Phần Thân Thức tiếp xúc với hệ thống thần kinh thân thể trong não bộ, sự xúc chạm từ bên ngoài bị gạn lọc bởi lớp da và lớp mỡ phía trong Thân Thể, đồng thời sự xúc chạm này cũng bị tiết chế và bị điều chỉnh cường độ bởi những Tích Chùy Nhục khắp các thần kinh. Nhờ đó sự xúc chạm liền biến thành Tướng Phần. Những Tướng Phần của sự xúc chạm được Tâm Sở Xúc chuyển vào trong não bộ và hội tụ nhau lại thành Ảnh Tử chung. Ảnh Tử chung này làm đối tượng trực tiếp trong não bộ giúp cho Kiến Phần Thân Thức hiểu biết sự vật qua Ảnh Tử của sự xúc chạm.

Như vậy, Kiến Phần Thân Thức chỉ hiểu biết gián tiếp sự xúc chạm của một sự vật qua trung gian Ảnh Tử phía trong não bộ và ngược lại, Kiến Phần Thân Thức không thể nào tiếp xúc thẳng đến sự xúc chạm của một sự vật mà không cần qua Ảnh Tử làm trung gian để cảm biết sự vật đó một cách chân chánh.

B.- KHẢO SÁT SỰ CÓ MẶT CỦA Ý THỨC:

(Mental Consiousness)

Như chúng ta đã biết, năm Tâm Thức vừa được giải thích ở trước chỉ khả năng hiểu biết được những hình ảnh của những sự vật đối tượng có chất lượng duyên sanh, có hình tướng hiện hữu bên ngoài và chúng không thể hiểu biết những sự vật không có chất lượng, không có hiện tướng, mặc dù những sự vật đó vẫn hiện hữu phía bên trong nội Tâm với danh nghĩa Tiềm Năng (Memories). Ngoài ra, con người cũng như chúng sanh hữu tình khác (chúng sanh có tình cảm và hiểu biết) lại còn thêm một Tâm Thức nữa và Tâm Thức này có khả năng hiểu biết khá sâu rộng, khá tinh vi hơn so với năm Tâm Thức ở trước. Tâm Thức đây có khả năng hiểu biết cả hai phương diện: khả năng hiểu biết những sự vật có chất lượng duyên sanh, có hiện tướng bên ngoài và lại còn khả năng hiểu biết những sự vật không chất lượng duyên sanh, không hiện tướng bên ngoài mà chúng vẫn có mặt và đang nằm yên phía bên trong nội Tâm. Nhà Duy Thức gọi Tâm Thức nói trên là Ý Thức thứ sáu (Mental Consiousness). Ý Thức thứ sáu của con người, của chúng sanh hữu tình chẳng những có thể hiểu biết và lại còn có thể ghi nhớ một cách rõ ràng về tánh chất, giá trị và ý nghĩa của một sự vật mà năm Tâm Thức ở trước hoàn toàn bất lực trong việc hiểu biết giống như sự hiểu biết của Ý Thức thứ sáu. Để làm sáng tỏ giá trị của Ý Thức thứ sáu, nhà Duy Thức đã khảo sát Tâm Thức này qua những khía cạnh sau đây:

1/- Nhãn Thức thì chỉ có khả năng nhìn thấy hình sắc của một sự vật mà không thể nghe được âm thanh của sự vật đó. Ngược lại, Nhĩ Thức thì chỉ có khả năng nghe được âm của một sự vật mà không thể nhìn thấy hình sắc của sự vật đó. Tỷ Thức, Thiệt Thức và Thân Thức đều cũng giống như thế cả.

2/- Năm Tâm Thức ở trước chỉ có khả năng hiểu biết về hình tướng một sự vật qua năm khía cạnh khác nhau của mỗi loại (sắc, thinh, hương, vị, xúc) và không thể nhận biết được chiều sâu về tánh chất, giá trị và ý nghĩa của sự vật đó. Sau khi năm Tâm Thức ở trước ngưng sinh hoạt, những hình ảnh của một sự vật vừa nêu trên nếu như không được Ý Thức thứ sáu nhận thức thì liền bị mờ đi và bị biến dạng mất. Chúng ta không thể nhớ lại những hình ảnh đó một cách rõ ràng nơi Ý Thức thứ sáu.

THÍ DỤ: Tôi đang đọc sách. Mắt tôi vẫn nhìn chữ để đọc, nhưng lúc đó tôi không để ý vào sách, nghĩa là trong lúc tôi đọc sách, Ý Thức thứ sáu của tôi không chịu hợp tác để nhận thức. Thành thử tôi không hiểu biết chút nào về ý nghĩa và giá trị của quyển sách ấy nói chi, đồng thời tôi cũng không thể tường thuật lại được những gì mà quyển sách ấy trình bày.

3/- Ý Thức thứ sáu nếu như hợp tác với năm Tâm Thức ở trước để cùng nhau nhận thức một sự vật nào thì khả năng tánh chất, giá trị và ý nghĩa của sự vật đó được hiển lộ một cách tinh tường mặc dù Ý Thức thứ sáu chỉ hiểu biết qua Ảnh Tử do năm Tâm Thức ở trước cung cấp Đã vậy Ý Thức thứ sáu còn có thể ghi nhớ lại một cách rõ ràng những hình ảnh nêu trên đã được nhận thức sau khi sự vật đó không còn hiện diện trước Ý Thức.

THÍ DỤ: Những hình vẽ và những chữ viết trên bảng đen chưa nói lên được nguyên lý của Duy Thức nếu giảng viên chưa trình bày, nhưng Ý Thức thứ sáu của những học viên nhờ những hình vẽ và những chữ viết ở trên, cộng với sự giải thích của giảng viên mới hiểu biết được nguyên lý của Duy Thức. Nhãn Thức của học viên chỉ có khả năng hiểu biết tổng quát về những hình vẽ và những chữ mà thôi, chứ không thể biết được nguyên lý Duy Thức của nó.

4/- Con người cũng như các chúng sanh hữu tình nhất định phải có Ý Thức thứ sáu hiện diện. Nguyên vì Tâm Thức này mới đủ khả năng nhận thức toàn diện về các mặt của một sự vật, như: hình sắc, âm thanh, hương thơm, mùi vị, sự xúc chạm và còn có khả năng tổng hợp các yếu tố trên thành một đối tượng chung để nhận thức. Trái lại, trong năm Tâm Thức ở trước, mỗi Tâm Thức chỉ có thể hiểu biết một khía cạnh của một sự vật mà chính khả năng của nó tiếp nhận và nó hoàn toàn không thể hiểu biết các yếu tố tổng hợp (hình sắc, âm thanh, hương thơm, mùi vị, sự xúc chạm) của một sự vật ngoài khả năng giống như như sự hiểu biết của Ý Thức thứ sáu.

5/- Trong trường hợp năm Tâm Thức ở trước vắng mặt và không hợp tác, Ý Thức thứ sáu vẫn tiếp tục sinh hoạt để hiểu biết những ảnh tượng không thể chất của những sự vật nằm phía trong nội Tâm với hình thức hồi tưởng. Ngay lúc đó, năm Tâm Thức ở trước thì hoàn toàn thiếu khả năng tiếp xúc đến và cũng như không thể nào hiểu biết được những ảnh tượng không thể chất của những sự vật nói trên, mặc dù những sự vật không thể chất đó vẫn hiện hữu phía bên trong nội Tâm. Nguyên do, những ảnh tượng không thể chất của những sự vật vừa kể chỉ làm đối diện cho Ý Thức thứ sáu và chúng chẳng bao giờ làm đối diện cho năm Tâm Thức ở trước. Thành thử năm Tâm Thức ở trước không thể nào hiểu biết sự có mặt của những sự vật không thể chất này trong nội tâm.

Thí dụ, tôi hiện đang ở nước Mỹ chỉ dùng Ý Thức thứ sáu của tôi để nhớ lại (hồi tưởng lại) những hình ảnh thành phố SàiGòn, thành phố Mỹ Tho, thành phố Cần Thơ, thành phố Nha Trang, thành phố Huế v.v... và lúc đó tôi không cần đến sự trợ giúp của năm Tâm Thức ở trước.

Đây là những yếu tố để xác định rằng, ngoài năm Tâm Thức ở trước, con người cũng như các chúng sanh hữu tình còn có thêm một Tâm Thức nữa gọi là Ý Thức. Ý Thức lại đứng hàng thứ sáu nên gọi là Ý Thức thứ sáu. Ý Thức thứ sáu trong con người cũng như trong các chúng sanh hữu tình là một loại Tâm Thức vô cùng quan trọng, không thể thiếu mặt ở bất cứ sự sinh hoạt nào cho lẽ sống của con người, của chúng sanh hữu tình. Con người nếu như không có Ý Thức thứ sáu thì nhất định không có giá trị trong sự tiến bộ của loài người. Con người có được thăng hoa để trở thành đức Phật, cũng như xã hội loài người có được hòa bình an lạc thật sự hay không là do Ý Thức thứ sáu của họ tự quyết định lấy trong việc xây dựng cho chính họ.

Ngày nay, bao sự văn minh của nhân loại qua các lãnh vực như: khoa học, chánh trị, văn hóa, tư tưởng v.v... đều là sản phẩm thành quả của Ý Thức thứ sáu con người sáng tạo. Các Triết Gia đông tây, cổ kim đều cho Ý Thức thứ sáu là Linh Hồn của con người.

Theo Phật Giáo quan niệm, Ý Thức thứ sáu không phải là Linh Hồn của con người. Nguyên vì Ý Thức thứ sáu có mặt trong con người sau khi con người đó đã được xây dựng xong cơ thể sinh lý. Cũng theo Thuyết 12 Nhân Duyên của đức Phật chỉ dạy. Ý Thức thứ sáu và năm Tâm Thức ở trước bắt đầu sinh hoạt sau khi con người hoàn thành hệ thống Lục Nhập (sáu giác quan thâu nhận những hình ảnh bên ngoài vào). Hơn nữa sáu Tâm Thức chỉ sinh hoạt theo các hệ thống thần kinh của cơ thể con người. Sáu Tâm Thức nói trên cũng gọi là Biểu Thức, nghĩa là sáu Tâm Thức sinh hoạt thường biểu lộ một cách rõ rệt nơi thân thể và sự biểu lộ của sáu Tâm Thức khiến cho mọi người nhận biết dễ dàng.

Theo thống kê của nhà Duy Thức, sáu Tâm Thức nương nới sáu giác quan để hiểu biết sáu Trần Cảnh bên ngoài, cọng chung là(6 + 6 + 6 = 18 Giới) mười tám Giới riêng biệt nhau. Như vậy, con người, ngoài năm Tâm Thức này ra, nhất định phải có Tâm Thức thứ sáu để nhận thức. Tâm Thức thứ sáu được gọi là Ý Thức.

a/- PHẦN HÌNH VẼ CỦA Ý THỨC SINH HOẠT:

 

(Hình vẽ)

 

b/- PHẦN GIẢI THÍCH:

Não bộ của con người chính là trung tâm sinh hoạt của năm Tâm Thức ở trước. Trong não bộ có năm khu vực riêng biệt của năm Tâm Thức sinh hoạt. Mỗi khu vực đều được thiết lập hệ thống thần kinh riêng biệt cho mỗi Tâm Thức và mỗi Tâm Thức chỉ có khả năng hiểu biết một khía cạnh nào trong năm khía cạnh của một sự vật đã được chuyển vận qua hệ thống thần kinh riêng biệt mà Tâm Thức đó điều khiển. Trong năm Tâm Thức ở trước, Tâm Thức này không thể nào thay thế cho Tâm Thức kia để hiểu biết sự vật ngoài khả năng của mình. Nói cách khác, nhiệm vụ của Tâm Thức nào thì Tâm Thức đó tự lo sinh hoạt theo khả năng hiểu biết của mình và chúng hoàn toàn không thể thay thế cho nhau ngoài khả năng hiểu biết qua những khía cạnh khác của một sự vật.

Hình ảnh làm đối tượng hiểu biết cho mỗi Tâm Thức đều là Ảnh Tử của một sự vật bên ngoài. Ảnh Tử của một sự vật bên ngoài chỉ là hình ảnh mỗi khía cạnh trong năm khía cạnh nơi sự vật đã được hội tụ thành một điểm trong não bộ. Một sự vật bên ngoài được biểu hiện năm khía cạnh khác nhau để làm đối tượng cho năm Tâm Thức ở trước hiểu biết. Năm khía cạnh đối tượng đó gồm có: hình sắc, âm thanh, hương thơm, mùi vị và xúc chạm. Mỗi hình ảnh là mỗi đối tượng hiểu biết của mỗi Tâm Thức. Hình Sắc thì chỉ làm đối tượng cho Nhãn Thức, Âm Thanh thì chỉ làm đối tượng cho Nhĩ Thức, Hương Thơm thì chỉ làm đối tượng cho Tỷ Thức, Mùi Vị thì chỉ làm đối tượng cho Thiệt Thức và Xúc Chạm thì chỉ làm đối tượng cho Thân Thức. Mỗi Tâm Thức thì cũng chỉ có khả năng hiểu biết được đối tượng của mình và không thể hiểu biết qua các đối tượng khác.

Hơn nữa, trong năm Tâm Thức ở trước, mỗi Tâm Thức chỉ hiểu biết tổng quát về hình ảnh của một sự vật qua Ảnh Tử mà không thể hiểu biết được nội dung của sự vật đó, nghĩa là mỗi Tâm Thức không thể hiểu biết được tánh chất, giá trị và ý nghĩa của một sự vật. Ngoài năm Tâm Thức nói trên, con người còn có một Tâm Thức thuộc hạng thứ sáu, gọi là Ý Thức mới đủ khả năng hiểu biết nội dung về phương diện tánh chất, giá trị và ý nghĩa của một sự vật vừa kể mà năm Tâm Thức ở trước không đủ khả năng hiểu biết. Ý Thức thứ sáu thì được phát sanh từ nơi hạt giống riêng biệt của nó nằm phía bên ngoài con người và Tâm Thức này khi sinh hoạt thì nương theo hệ thống Tâm Thức Mạt Na (Manas-System) thuộc hạng thứ bảy để chạy vào trong não bộ của con người, của chúng sanh hữu tình để tiếp xúc với năm Ảnh Tử (Five causes of illusions) do năm Tâm Thức ở trước cung cấp. Nhờ nam Tâm Thức ở trước cung cấp những Ảnh Tử vừa đề cập, Ý Thức thứ sáu mới có thể nhận biết được tánh chất, giá trị và ý nghĩa của một sự vật mà nó muốn biết. Nói cách khác, Ý Thức thứ sáu của con người, của chúng sanh hữu tình muốn hiểu biết về tánh chất, giá trị và ý nhĩa của một sự vật nào ở bên ngoài thì nhất định phải nhờ đến năm Tâm Thức ở trước cung cấp những Ảnh Tử của sự vật đó để có hiểu biết. Cho nên Ý Thức thứ sáu mỗi khi sinh hoạt thế giới bên ngoài không thể thiếu mặt năm Tâm Thức ở trước giúp đỡ và Ý Thức thứ sáu thường liên lạc với năm Tâm Thức ở trước trong não bộ để hiểu biết vạn pháp, nhưng sự nhận thức của Ý Thức thứ sáu thì luôn luôn bị Tâm Thức Mạt Na thứ bảy trực tiếp chi phối và điều khiển (Control). Thành thử sự hiểu biết của Ý Thức thứ sáu thường bị lệch lạc và nhận định méo mó về vạn pháp.

Giả sử khi một Tâm Thức nào đó trong năm Tâm Thức ở trước gặp phải hệ thống thần kinh của mình bị hư hoại và không còn sinh hoạt được nữa để tiếp nhận Ảnh Tử của một sự vật từ bên ngoài vào thì lúc đó Ý Thức thứ sáu bị mất đi một hình ảnh, một dữ kiện trong năm dữ kiện của một sự vật đối tượng để có hiểu biết. Nghĩa là giả sử Nhãn Thức khi gặp phải hệ thống thần kinh của con mắt bị hư hoại và Nhãn Thức không còn sinh hoạt nữa thì lúc đó Ý Thức thứ sáu đã mất đi một hình ảnh trong năm hình ảnh của một sự vật để có hiểu biết về Hình Sắc. Nhĩ Thức, Tỷ Thức, Thiệt Thức và Thân Thức đều cũng giống như thế. Từ đó, Ý Thức thứ sáu đành phải dồn hết toàn lực tiếp xúc với bốn Tâm Thức hoặc ba Tâm Thức còn lại để hiểu biết được sự vật do những Tâm Thức này cung cấp Ảnh Tử. Cũng vì mất đi sự yểm trợ của một Tâm Thức hoặc hai Tâm Thức trong năm Tâm Thức sinh hoạt, cho nên Ý Thức thứ sáu từ đây hiểu biết sự vật bên ngoài đã bị giảm bớt hiệu năm chính xác, nghĩa là Ý Thức thứ sáu hiểu biết sự vật không còn rõ ràng như xưa nữa.

C.- KHẢO SÁT SỰ CÓ MẶT CỦA THỨC MẠT NA (Manas):

(Afflicted Consiousness)

Năm Tâm Thức ở trước như đã trình bày chỉ có khả năng hiểu biết những sự vật có thể chất bên ngoài và chúng hoàn toàn không thể hiểu biết những sự vật không có thể chất ở bên trong nội Tâm. Những sự vật không có thể chất ở bên trong nội Tâm với tánh cách hạt giống thuộc trạng thái Tiềm Năng đều vẫn có mặt với hình thức trạng thái Không (không hiển lộ) và nằm yên trong Thức Tạng (Thức Thể Alaya). Những sự vật không có thể chất với tánh cách hạt giống bên trong nội tâm giống như những hiện tượng trong mộng mà chúng ta thường mơ thấy. Hạt giống của những sự vật không thể chất nằm yên trong Thức Tạng thì cũng không khác nào những sự vật đang nằm yên trong Hardisk của Computer. Riêng Ý Thức thứ sáu như trước đã trình bày thì có khả năng hiểu biết cả hai mặt: chẳng những hiểu biết được những sự vật có thể chất bên ngoài và còn hiểu biết được những sự vật không có thể chất được tàng trữ bên trong nội Tâm.

Trái lại, Tâm Thức Mạt Na và Tâm Thức Alaya thì luôn luôn sinh hoạt tiềm ẩn phía bên trong thế giới nội tâm. Chúng ít khi biểu lộ hình tướng ra ngoài giống như sáu Tâm Thức nói trên. Do đó chúng ta thật khó phân biệt được sự có mặt của hai Tâm Thức Mặt Na và Alaya trên bình diện thân thể của con người. Tâm Thức Mạt Na và Tâm Thức Alaya sinh hoạt nơi thân thể con người thiếu cường độ biểu lộ giống như sự hiện diện của sáu Tâm Thức ở trước. Chúng ta chỉ ý niệm được hai Tâm Thức này qua một vài hành động mà chúng sinh hoạt nơi thân thể con người trong lúc thiếu mặt Ý Thức thứ sáu. Trước hết, chúng ta hãy tìm hiểu Tâm Thức Mạt Na qua một vài sinh hoạt sau đây nơi thân thể con người.

1/- Ý Thức thứ sáu cũng như năm Tâm Thức ở trước nhất định phải có giác quan để làm chỗ nương tựa cho sự hiểu biết. Sự kiện trên cũng giống như dòng điện trong bình Battery. Dòng điện trong bình Battery nhất định phải có bóng đèn làm nơi nương tựa mới phát sanh được ánh sáng. Ý Thức thứ sáu thiếu giác quan để hiểu biết thì không khác nào Nhãn Thức thiếu đi cặp mắt để nhìn thấy những sự vật đang đối diện, nhưng sau khi khảo sát, chúng ta hoàn toàn không thấy được giác quan của Ý Thức thứ sáu trên phương diện vật chất được xây dựng như thế nào nơi thân thể con người, cũng giống như các giác quan của năm Tâm Thức ở trước. Thế thì, giác quan của Ý Thức thứ sáu nương tựa để sinh hoạt không phải thuộc loại vật chất. Ở đây giác quan của Ý Thức thứ sáu nương tựa để sinh hoạt nhất định thuộc loại Tâm Thức. Theo nhà Duy Thức, giác quan của Ý Thức thứ sáu nương tựa để hiểu biết vạn pháp chính là Tâm Thức Mạt Na thứ bảy. Chữ Mạt Na, theo tiếng Phạn gọi là Manas, nghĩa là Ý. Sự hiểu biết qua Ý gọi là Ý Thức. Ý Thức lại đứng hàng thứ sáu trong năm Tâm Thức ở trước, nên gọi là Ý Thức thứ sáu. Ý Thức thứ sáu nếu như không có Tâm Thức Mạt Na thứ bảy làm giác quan (làm Căn) để trợ duyên thì không thể hiểu biết vạn pháp. Khác nào Nhãn Thức nếu như không có con mắt làm giác quan để trợ duyên thì không thể nhìn thấy được sự vật trong thế gian.

2/- Khi con người đang trong cơn ngủ mê, sáu Tâm Thức của họ, nghĩa là từ Nhãn Thức cho đến Ý Thức thứ sáu đều trở về hạt giống của chúng trong Thức Tạng để an nghỉ. Lúc đó, thân thể của họ nằm trơ ra giống như một cây thịt sống, không có chút tri giác nào cả. Bất chợt, chúng ta đưa ngón tay chọt vào hông của họ thì nhận thấy thân thể họ lăn qua một bên để tránh né. Chúng ta đưa tay gãi vào bàn chân của họ thì nhận thấy họ lấy chân đá để tự vệ. Chúng ta lấy lông gà dúi vào mặt của họ thì nhận thấy họ đưa tay lên gãi chỗ nhột, nhưng trong khi đó, họ hoàn toàn ngủ mê một cách say sưa và cũng không biết ai giỡn chơi. Theo nhà Duy Thức, những hành động của con người ngủ mê có tánh cách tự vệ và tự vệ có chủ đích, có mục tiêu, gãi đúng vị trí chỗ ngứa, chỗ bị kích động chính là sự sinh hoạt của Tâm Thức Mạt Na thứ bảy trong lúc không có mặt của sáu Tâm Thức ở trước. Các nhà khoa học cho những phản ứng nơi con người ngủ mê ở trên là tác dụng bản năng tự vệ của các cơ năng trong thân thể. Chúng ta có thể cả quyết rằng, những phản ứng nơi con người ngủ mê vừa nêu trên nhất định thuộc về hành động của Tâm Thức Mạt Na thứ bảy sinh hoạt mà ở đây không phải do các cơ năng bắp thịt kích động. Nguyên vì họ biết chỗ ngứa để gãi và gãi đúng vị trí chỗ bị kích động trong lúc không có Ý Thức thứ sáu hiện diện. Điều này cũng giống như trường hợp con người bị ngất xỉu (unconscious), các cơ năng bắp thịt và những hệ thống thần kinh của họ vẫn còn nguyên vẹn và không có chỗ nào bị hư hoại, nhưng tại sao họ không thấy sinh hoạt bản năng tự vệ một khi chúng ta hành động như trước, nghĩa là cũng đưa ngón tay chọt vào hông, cũng đưa tay gãi vào bàn chân v.v... Trường hợp thứ hai, một người đang lái xe hơi trên xa lộ, họ không muốn ngủ trong khi lái xe, nhưng lúc đó Ý Thức của họ rút lui tự bao giờ và đôi mắt của họ vẫn mở ra tự nhiên thế mà họ không nhìn thấy chút nào cả.

3/- Trên thực tế như chúng ta đã biết, con người thường mang trong mình một con bệnh "CHẤP NGÃ" truyền kiếp khó chữa trị. Người ta thường chấp: "nào là thân của ta, nhà của ta, danh dự của ta, quyền lợi của ta v.v... và chỉ có 'CỦA TA' mới là quí trọng hơn hết". Họ chấp một cách đam mê mà không cần phân biệt sự chấp ngã đó là phải hay quấy, đúng hay sai. Sự chấp ngã của con người thường được biểu lộ nơi hành động của Ý Thức thứ sáu, nhưng chúng ta nhận thấy, Ý Thức thứ sáu không phải là kẻ chấp ngã. Thật sự Kẻ chấp ngã ở đây là Thức Mạt Na thứ bảy, Thức Mạt Na thứ bảy núp phía sau giựt dây Ý Thức thứ sáu chấp ngã. Sự kiện này được nhận xét như sau:

a)- Tánh chất của Ý Thức thứ sáu thì chỉ phân biệt để hiểu biết sự sai khác của các pháp. Ý Thức thứ sáu không bao giờ so đo chấp trước và cũng không bao giờ quản lý một hình ảnh nào của các pháp trong Thức Tạng cả. Cho nên, Ý Thức thứ sáu mỗi khi muốn nhớ lại một hình ảnh nào mang tánh chất tiềm năng từ trong Thức Tạng đều phải nhờ đến Tâm Thức Mạt Na thứ bảy cung cấp tài liệu đó. Tâm Thức Mạt Na thứ bảy nếu như không muốn cung cấp hình ảnh nói trên thì Ý Thức thứ sáu phải đành chịu quên và không thể nào nhớ lại được. Sự kiện đó cho thấy, Ý Thức thứ sáu không bao giờ có bệnh chấp trước và cũng như không bao giờ quản lý bất cứ hình ảnh nào của các pháp với hình thức hạt giống trong Thức Tạng cả.

b)- Ý Thức thứ sáu nhiều khi giác ngộ và có lúc hiểu rõ tai họa tánh chất ích kỷ của sự chấp trước. Cho nên Ý Thức thứ sáu lắm lúc ăn năn, muốn thoát khỏi vòng đai của bệnh chấp trước vị kỷ trói buộc để cho cuộc sống được hạnh phúc an vui chân thật, nhnưg đến khi sinh hoạt, Ý Thức thứ sáu không còn tự chủ để bảo vệ lập trường chánh đáng của mình và bị sự chấp ngã lái sang chiều hướng vị kỷ kiên cố. Từ đó Ý Thức thứ sáu làm cho mất đi ý niệm cao đẹp ban đầu. Sự kiện này cho thấy, bản chất của Ý Thức thứ sáu thì hoàn toàn không có bệnh chấp ngã một cách ích kỷ, nguyên vì chính Ý Thức có lúc đã tỉnh thức và ăn năn sự tai họa của bệnh chấp ngã. Thật sự Ý thức thứ sáu có bản chất chấp ngã ích kỷ thì không bao giờ tỉnh ngộ và ăn năn.

c)- Theo Duy Thức Học, Thức Mạt Na thứ bảy là một loại Tâm Thức có bản chất so đo thương ghét, tính toán thiệt hơn, chấp trước và quản lý vạn pháp một cách kiên cố, vì chấp ngã một cách ích kỷ, Tâm Thức Mạt Na thứ bảy không bao giờ thức tỉnh trước sự hành động so đo và chấp trước của nó. Cũng nhờ chấp trước và quản lý vạn pháp rất kiên cố, Tâm Thức Mạt Na thứ bảy mới có thể cung cấp bất cứ hình ảnh nào mang tánh chất tiềm năng từ trong Thức Tạng mỗi khi Ý Thức thứ sáu muốn nhớ lại. Ngoài bổn phận làm giác quan cho Ý Thức thứ sáu nương tựa để sinh hoạt. Thức Mạt Na thứ bảy lại còn có khả năng hiểu biết tinh vi và hiểu biết chính xac những hình ảnh của vạn pháp mang tánh chất tiềm năng vô cùng phức tạp trong kho tàng Thức Tạng. Nhờ khả năng hiểu biết tinh vi, Tâm Thức Mạt Na thứ bảy chọn lựa không lầm lẫn và cung cấp rất chính xác những hình ảnh cho Ý Thức thứ sáu nhớ lại không sai. Do bản chất so đo và chấp trước này, bệnh đam mê chấp trước kiên cố của Tâm Thức Mạt Na thứ bảy khó có thể hóa giải. Cũng vì làm giác quan cho Ý Thức thứ sáu nương tựa để sinh hoạt, thành thử Thức Mạt Na thứ bảy thường khống chế và điều khiển Ý Thức thứ sáu hành động theo sự chấp ngã vị kỷ của nó. Như thế, sự chấp ngã vị kỷ là căn bệnh của Ý Thức thứ sáu, mặc dù Ý Thức thứ sáu vẫn có mặt trong lúc Tâm Thức Mạt Na thứ bảy sinh hoạt chấp trước.

Nhìn vào khía cạnh khác, chúng ta nhận thấy, một cô M đúng tuổi xuân xanh, được năm chàng thanh niên tên A,B,C,D và E đến xem mắt. Cô M tận dụng Ý Thức thứ sáu của cô để nhận xét vế tánh tình và tư cách của năm chàng thanh niên vừa kể trên, nhưng cô M vẫn không thương anh nào cả. Điều đó chứng tỏ, bản chất Ý Thức thứ sáu của cô M không có căn bệnh chấp trước (chấp ngã) đối với năm chành thanh niên kia, nhưng đến khi anh cuối cùng là G đến xem mắt, lúc đó cô M lại tỏ tình thương yêu anh chành này một cách tha thiết mặc dù cha mẹ của cô không đồng ý cho lắm về tánh tình của anh chành ta. Sự thương yêu của cô vừa kể chính là hành động chấp trước nơi Thức Mạt Na thứ bảy của cô sau khi được Ý Thức thứ sáu nơi cô nhận xét tư cách của anh chàng G. Từ đó về sau, cô M và anh G luôn luôn bị sự chấp trước về thương yêu của Thức Mạt Na thứ bảy trói buộc một cách kiến cố và cũng bị ràng buộc bởi sự chấp trước của Thức Mạt Na thứ bảy, cô M và anh G mỗi lần gặp nhau tự nhiên mất đi vẻ hồn nhiên vô tư thuở ban đầu.

Những điều nhận xét vừa trình bày cũng đủ nói lên được một cách cụ thể về giá trị của Thức Mạt Na thứ bảy. Có thể xác định, Thức Mạt Na thứ bảy là một loại Tâm Thức mang bản chất chấp trước (chấp ngã) kiên cố. Ngoài Thức Mạt Na thứ bảy này ra, sự chấp trước không thể có ở nơi các Tâm Thức khác. Tánh chất của Thức Mạt Na thứ bảy là luôn luôn so đo và tính toán. Tướng trạng của Thức Mạt Na thứ bảy là mãi mãi xét nghiệm và suy lường. Sự sinh hoạt của Thức Mạt Na thứ bảy là luôn luôn đam mê chấp ngã và chấp pháp kiên cố. Cũng vì chấp ngã và chấp pháp kiên cố của Thức Mạt Na thứ bảy, thành thử bao nhiêu ý tưởng nào ích kỷ, tham lam, tự ái, kiêu mạn, ảo tưởng và si mê cùng nhau thi đua xuất hiện, xui khiến con người mất đi nhân tánh và Phật tánh đã có sẵn từ lâu.

Thức Mạt Na thứ bảy còn có tên là "THỨC TRUYỀN TỐNG", nghĩa là một loại Tâm Thức có nhiệm vụ thu nhận những ảnh tượng có tánh chất Ảnh Tử của thế giới vật chất bên ngoài mang vào trong nội tâm để cất giữ nơi Thức Tạng sau khi được Ý Thức thứ sáu nhận thức. Đồng thời Thức Mạt Na thứ bảy còn mang những ảnh tượng nói trên từ trong kho tàng thế giới nội tâm của Thức Tạng đưa lên trình diện cho Ý Thức thứ sáu để nhớ lại. Chẳng những thế. Thức Mạt Na thứ bảy còn nhiệm vụ nữa là quản lý những ảnh tượng ấy trong thế giới nội tâm của Thức Tạng với tánh chất tiềm năng để làm hồ sơ lưu trữ và cũng để làm nhân duyên cho sự thành hình thế giới kiếp sau. Vì lý do đó nhà Duy Thức đặt thêm cho Thức Mạt Na thứ bảy một tên nữa là "THỨC TRUYỀN TỐNG".

Điều nên chú Ý, vạn vật trong vũ trụ được thành lập trên sự phân biệt và chấp trước của Thức Mạt Na thứ bảy và của Ý Thức thứ sáu hợp tác được nhà Duy Thức gọi là "PHÂN BIỆT NGÃ CHẤP", còn hiện tượng vạn pháp trong thế gian được hiện khởi từ những hạt giống ảnh tử Ngã Tướng và Pháp Tướng trong nội tâm do Tâm Thức Mạt Na thứ bảy và Tâm Thức Alaya thứ tám hợp tác xây dựng thành thế giới được nhà Duy Thức gọi là "CÂU SANH NGÃ CHẤP". Ngoài ra Tâm Thức Mạt Na thứ bảy còn đóng vai trung gian để làm gạch nối giữa Ý Thức thứ sáu và Tâm Thức Alaya thứ tám trong sự quan hệ nơi thế nội tâm và nơi thế giới ngoại cảnh. Cho nên Thức Mạt Na thứ bảy này còn được gọi thêm một tên nữa là "TIỀM THỨC".

D.- KHẢO SÁT SỰ CÓ MẶT CỦA THỨC ALAYA (THỨC TẠNG):

(Foundation Consiousness)

Thức Alaya thuộc hạng thứ tám, như trước đã trình bày, là một loại Tâm Thức sinh hoạt hoàn toàn rất sâu thẩm và rất tinh tế trong phạm vi nội tâm. Chúng ta rất khó phân biệt sự sinh hoạt của Tâm Thức Alaya một cách rõ ràng. Hình tướng của Tâm Thức Alaya không hiển lộ ra bên ngoài vật chất giống như sự biểu lộ của các Tâm Thức khác. Tâm Thức Alaya chỉ sinh hoạt tiềm ẩn bên trong thân thể con người và bên trong thân thể của vạn pháp. Cho nên người khảo sát khó nhận diện được Tâm Thức Alaya trên bình diện khoa học. Thân thể con người và thân thể vạn pháp nếu như không có Tâm Thức này kết hợp, xây dựng và phát triển thì nhất định không thể có mặt và cũng không thể sống còn trong thế gian. Các nhà khảo sát nếu như tách rời hay giải phẩu riêng rẻ thân thể con người và thân thể vạn pháp trên lãnh vực khoa học để chứng nghiệm sự có mặt của Tâm Thức Alaya thì chắc chắn họ sẽ bị thất vọng hoàn toàn. Chúng ta nêu như dựa theo lãnh vực khoa học để chứng nghiệm sự có mặt của Tâm Thức Alaya thì không những sẽ bị rơi vào bệnh hý luận, thiếu thực tế và còn phát sanh ra những tư tưởng quái dị.

Sự thành hình vạn pháp về phương diện vật chất đều do Tâm Thức Alaya góp mặt xây dựng để hiện tướng. Tướng rạng của vạn pháp không phải là tướng trạng của Tâm Thức Alaya và ngoài tướng trạng của vạn pháp không thể tìm thấy sự có mặt của Tâm Thức Alaya. Từ nguyên lý đó, nhà khảo sát muốn thể nghiệm sự có mặt của Tâm Thức Alaya thì không gì hơn nên căn cứ vào một vài yếu tố sinh hoạt sau đây của con người và vạn pháp để nhận thức:

1/- Trường hợp một người bị chụp thuốc mê hoặc bị ngất xỉu bất tỉnh (Lose Consiousness). Lúc đó bảy Tâm Thức ở trước của họ (Nhãn Thức, Nhĩ Thức, Tỷ Thức, Thiệt Thức, Thân Thức, Ý Thức và Mạt Na Thức) đều hoàn toàn ngưng sinh hoạt. Họ không còn chút cảm giác nào cả, nhưng thật ra người đó vẫn chưa chết, nghĩa là thân thể của họ chỉ còn lại duy nhất một Tâm Thức để giữ gìn sức sống và để phân phối máu huyết trong thân thể cho chạy đều. Tâm Thức còn lại cuối cùng trong thân thể con người bất tỉnh trên, nhà Duy Thức gọi là Tâm Thức Alaya. Thêm nữa sau khi chụp thuốc mê, bác sĩ cũng nhờ chận đứng được sự sinh hoạt của bảy Tâm Thức ở trước và cũng nhờ còn lại Tâm Thức Alaya hợp tác cho nên mới có thể mổ xẻ thân thể người bất tỉnh một cách dễ dàng. Tâm Thức Alaya nếu như lúc đó cũng rút lui theo bảy Tâm Thức ở trước thì con người bị bất tỉnh nói trên cũng sẽ bị chết theo và bác sĩ sẽ bó tay trong việc cứu họ sống trở lại, mặc dù bác sĩ vẫn đầy đủ những dụng cụ khoa học tối tân.

2/- Mặt khác, khi người mẹ thọ thai, cái thai đó theo nhà Duy Thức là nhờ Tâm Thức Alaya trước tiên chun vào để xây dựng hệ thống sinh lý nơi thân thể theo nghiệp tướng của đứa con trong bụng. Cho nên đứa con trong bụng người mẹ nhờ đó được tượng hình từ một hòn máu nhỏ vô tri giác trở thành một đứa bé sơ sanh. Ngược lại, Tâm Thức Alaya nếu như không chịu xây dựng hoặc xây dựng nửa chừng rồi lại bỏ rơi thì cái bào thai của đứa con trong bụng người mẹ tức khắc bị hư hoại, nguyên vì cái thai nói trên không có mặt của Tâm Thức Alaya ở trong. Tình trạng này gọi là hư thai. Trường hợp khác, một trứng gà có trống, trong đó chỉ có tròng đỏ và tròng trắng. Một gà mẹ ấp trứng không ngoài mục đích làm trợ duyên cho gà con trong trứng được thành hình. Trong lúc gà mẹ đang ấp, Tâm Thức Alaya chạy vào trong trứng để xây dựng thành hệ thống sanh lý cho gà con. Nhờ Tâm Thức Alaya xây dựng, gà con từ tròng đỏ và tròng trắng trong trứng được nẩy nở. Những dữ kiện trên cho thấy, không ai có khả năng làm công việc đó, ngoại trừ Thức Alaya. Các nhà khoa học dù cho tiến bộ hơn gấp trăm lần, gấp ngàn lần đi chăng nữa cũng không thể nào so sánh kịp hoặc thay thế được khả năng phi thường và mầu nhiệm của Tâm Thức Alaya trong công trình xây dựng con người, cũng như xây dựng các chúng sanh khác. Tâm Thức Alaya chính là ông thợ kiến trúc, một ông thợ tài ba và không ai có thể thay thế chức năng của ông trong công việc xây dựng con người, xây dựng vạn pháp bắt đầu từ một hòn máu, từ con số không, thiết lập thành hệ thống sinh lý vô cùng phức tạp, vô cùng tinh vi và vô cùng khó khăn của một sanh vật. Cũng vì khả năng phi thường và mầu nhiệm đó, Tâm Thức Alaya được mệnh danh là "THỨC CHỦ TỂ" hoặc gọi là "THỨC CĂN BẢN". Mỗi con người, mỗi chúng sanh dù lớn hay nhỏ, nhỏ như vi trùng, theo nhà Duy Thức đều do Thức Chủ Tể này xây dựng, con người cho đến vạn pháp mới có thể sanh thành, mới có thể tăng trưởng và tồn tại theo những nghiệp tướng (Forms) sẵn có trong thế gian.

Để chứng minh cho vấn đề trên, chúng ta hãy cùng nhau nghiên cứu trường hợp một em bé mới sanh ra. Em bé mới sanh thì chưa có mọc răng. Tâm Thức Alaya của em lấy nguyên liệu trong sữa em bé bú để xây dựng hệ thống thần kinh và bộ răng cho em. Khi lớn lên người chê bộ răng của em xấu. Cho nên em liền đến nha sĩ để nhổ bộ răng bỏ đi. Khi nhổ xong, nha sĩ không đủ khả năng thay thế Tâm Thức Alaya làm công việc xây dựng lại bộ răng thiệt như xưa cho em bé. Ở đây nha sĩ chỉ có khả năng làm lại bộ răng giả cho em bằng phương pháp khoa học tân tiến thế thôi.

Có kẻ cho rằng, em bé nhờ những chất dinh dưỡng trong sữa và nhờ những hệ thống Gene di truyền đã có sẵn trong con người của em cùng hợp tác lẫn nhau để mọc lên thành bộ răng cho em. Điều kiện này cũng chưa hoàn toàn đúng hẳn. Nguyên vì khi nha sĩ nhổ bỏ đi bộ răng xấu của em, trong lúc đó em vẫn còn nguyên những hệ thống Gene di truyền trong người em, đồng thời em vẫn tiếp tục bú sữa vào, nhưng tại sao em chờ mãi mà chẳng thấy răng tiếp tục mọc ra. Cho nên em đành phải làm lại bộ răng giả để lấp vào chỗ trống. Như vậy, những nguyên liệu vật chất không phải là yếu tố chính để tự động thành bộ răng và cũng như tinh cha huyết mẹ không phải là điều kiện căn bản để tự động tạo thành hệ thống sinh lý cho con người, nếu như không có Tâm Thức Alaya đóng góp vào, mặc dù những nguyên liệu vật chất trên cũng rất cần thiết cho việc xây dựng bộ răng, cũng như xây dựng bộ máy sinh lý của con người.

3/- Giả sử, chúng ta hồi tưởng một người bạn cố tri hoặc một người thân thương nào đã chết cách đây hai mươi năm, cũng như chúng ta ngằm ngủ mộng thấy thành phố Sàigòn và thấy những bà con bên quê nhà. Ảnh tượng người bạn xưa đó vẫn hiện rõ nét trước Ý Thức thứ sáu để chúng ta nhận thức, cũng như những ảnh tượng mộng mê kia vẫn tồn tại mãi mãi với hình thức Tiềm Năng để cho chúng ta vào mộng thăm viếng và sinh hoạt. Thế thì những ảnh tượng đó từ đâu xuất hiện và chúng ta được tàng trữ ở chỗ nào?

Có kẻ trả lời rằng, những ảnh tượng nói trên xuất hiện từ nơi trung tâm não bộ và cũng chính nơi đây tích trữ. Như vậy, chúng ta thử khảo sát giá trị của trung tâm não bộ để khái niệm về khả năng của nó trong sự tàng trữ những hình ảnh của vạn pháp vừa trình bày. Giá trị của trung tâm não bộ đã được xét nghiệm qua những khía cạnh sau đây:

a)- Tánh chất trung tâm não bộ của con người đều thuộc về vật chất đã được kết hợp một cách rời rạc từ những tế bào li ti (Small cell) chứa đầy máu mủ giống như sữa đặc (gồm 75% nước) và những tế bào này luôn luôn bị sanh diệt, luôn luôn bị biến đổi trạng thái một cách liên tục từng phút từng giây (từng sát na) không ngừng, vì tách sanh diệt và biến đổi liên tục của tế bào, thế nên trung tâm não bộ con người cũng bị chuyển hóa theo, chuyển hóa trạng thái từ giai đoạn hiểu biết non nớt, hiểu biết yếu kém cho đến giai đoạn thông minh già dặn, sung túc kinh nghiệm. Sự chuyển hóa này của trung tâm não bộ được chia làm hai chiều hướng: chiều hướng tăng trưởng để lớn lên và chiều hướng suy tàn để già yếu.

Trung tâm não bộ của một con người cách đây hai mươi năm về trước không phải là trung tâm não bộ của họ hiện tại. Nguyên vì những tế bào trong trung tâm não bộ của họ hiện tại đã được đổi mới hoàn toàn. Những ảnh tượng của hai mươi năm qua, nếu như được cất giữ trong trung tâm não bộ của họ lúc còn nhỏ thì ngày nay cũng đã bị biến hoại theo thời gian do những tế bào xưa kia đã chết và đã xóa đi. Những ảnh tượng đó lẽ dĩ nhiên không còn một chút dấu tích nào lưu lại cả. Hơn nữa, trong cả triệu tế bào, vậy tế bào nào là chủ yếu để thâu nhận cũng như quản lý những ảnh tượng vừa nêu ở trên. Thực tế đã chứng minh cho chúng ta thấy một cách rõ ràng nhất và ai trong chúng ta cũng phải công nhận là ảnh tượng của người bạn cố tri hoặc người yêu năm xưa vẫn còn hiện rõ nơi trí nhớ và hình ảnh đó không phai mờ trong bất cứ lúc nào mỗi khi chúng ta hồi tưởng. Qua những sự kiện nêu trên, chúng ta có thể khẳng định rằng, ảnh tượng của người bạn cố tri hoặc người thân thương v.v... đã chết cách đây hai mươi năm thì nhất định không phải được cất giữ trong trung tâm não bộ. Những hình ảnh đó đã được cất giữ vào một nơi kín đáo và nơi đó không bao giờ bị thay đổi, đó là nơi Thức Thể Alaya thứ tám.

b)- Mặt khác, trung tâm não bộ giới hạn trong phạm vi nhỏ hẹp của cái đầu con người thì không thể và cũng như không có đủ chỗ để dung chứa những ảnh tượng của muôn pháp trong thế giới có tánh cách vô cùng. Đồng thời nó cũng không có khả năng để quản lý và sắp xếp một cách ngăn nắp những ảnh tượng của muôn pháp không cùng một hình tướng, không cùng một vị trí, không cùng một chủng loại và không cùng một thời gian. Nhưng ở đây, chúng ta mỗi khi muốn nhớ lại một người nào thì hình ảnh nguyện đó hiện ra ngay lập tức và không bao giờ hiện lộn một người khác. Cũng như chúng ta mơ thấy một người nào thì hình ảnh người đó hiện ra ngay tức khắc và hiện ra một cách rõ ràng, hiện ra không có chút lầm lẫn, để sinh hoạt cùng với chúng ta. Những hiện tượng vừa trình bày cũng cho chúng ta nhận thấy, trung tâm não bộ của con người không đủ khả năng thay thế để sinh hoạt một cách linh hoạt và nhạy bén trước vô số hình ảnh của muôn pháp có tánh cách phức tạp và tinh vi mỗi khi Ý Thức thứ sáu của người đó muốn nhớ lại quá trình kinh nghiệm sống.

Thí dụ, chúng ta hồi tưởng thầy Thích Thiện Hoa thì hình tướng của thầy Thích Thiện Hoa hiện ra ngay lập tức và hiện ra không lầm lẫn qua hình tướng của thầy Thích Thiện Hoa. Chúng ta nhớ lại thành phố SàiGòn thì hình tướng thành phố SàiGòn hiện ra ngay lập tức và hiện ra không lầm lẫn qua hình tướng thành phố Huế v.v... và chúng ta nhớ lại bất cứ điều chi thì cũng giống như thế cả.

c)- Hơn nữa, chúng ta phóng đại trung tâm não bộ anh A bằng phương pháp khoa học và vạch từng tế bào một (Cell) để tìm hình ảnh người bạn chí thân năm xưa của anh, nhưng chúng ta cứ tìm mãi mà không nhìn thấy một hình ảnh nào cả. Sau khi trở lại bình thường, anh A vẫn nhớ rất rõ hình ảnh của người bạn chí thân và nhớ mãi không bao giờ quên, nghĩa là hình ảnh người bạn chí thân đó của anh vẫn hiện rõ nét trước Ý Thức thứ sáu mỗi khi anh A nhớ lại.

d)- Một sự kiện khác, thần đồng PASCAL mới lên bảy tuổi đã giải đáp nổi bài toán Kỷ Hà Học khó nhất của các nhà bác học. Những định lý và những phương trình để giải bài toán khó này nhất định không có chút hình ảnh nào được ghi lại trong trung tâm não bộ non kém của ông, nguyên vì ông chưa bao giờ học đến những định lý và những phương trình đó. Sự thông minh đây của ông Pascal chắc chắn phải được học từ kiếp trước. Những hình ảnh định lý cũng như những phương trình của bài toán Kỷ Hà Học vừa nêu ở trên cũng phải được tàng trữ và được bảo trì trong Thức Thể Alaya thứ tám của ông Pascal. Nhờ thế, khi chuyển sang kiếp này ông mới nhớ lại được và chính ông sử dụng những địnhh lý cũng như những phương trình nói trên một cách dễ dàng, mặc dù ông chỉ có bảy tuổi mà thôi.

Thêm một sự kiện nữa, mới đây tại thành phố Santa Cruz, một em bé tên là Adragon de Mello, con của ông Augustin de Mello mới 11 tuổi đã đậu Cử nhân toán vào tháng 6/1988 tại Đại Học Đường Santa Cruz, thuộc Tiểu Bang California. Từ năm 8 tuổi em đã tốt nghiệp hạng ưu bậc Trung Học. Với số điểm trung bình là 3.75. Lên 9 tuổi, em được vào Đại Học Cộng Đồng Cabrillo College ở Aptos, thuộc Tiểu Bang California. Năm 10 tuổi em đã tốt nghiệp 2 năm Đại Học ở trường này Đến năm 1987, em vào Đại Học Santa Cruz và năm 1988, em tốt nghiệp Cử nhân toán tại đây.

Sự thông minh này của em bé Adragon de Mello, theo nhà Duy Thức Học cũng không khác với Thần Đồng PASCAL nói trên, nghĩa là sự thông minh đó của em phải được học và phải được tích trữ nơi kiếp trước, còn sự học ngày hôm này của em ở kiếp này chỉ là để làm môi trường trợ duyên giúp cho sự thông minh đã có sẵn nơi Tâm Thức của em sớm được phát triển đấy thôi. Khác nào hai người A và B cùng học Anh Văn, anh A thì đã học Anh Văn trước đây hơn 30 năm. Anh A vì không thường sử dụng đến ngôn ngữ này cho nên không còn nhớ chữ nào cả. Ngày nay anh được sang nước Mỹ va bắt đầu học lại Anh Văn để đi kiếm việc làm. Anh học đến đâu là nhớ rõ đến đó, nhớ một cách dễ dàng và nhanh chóng. Cho nên đối với sinh ngữ Anh, anh A không thấy khó khăn chi và lại còn học mau thuộc lòng. Ngược lại, anh B thì mới bắt đầu Anh Văn lần thứ nhất khi được sang nước Mỹ. Vì chưa quen thuộc ngôn ngữ Anh, cho nên anh B gặp nhiều khó khăn, học trước thì lại quên sau và nói năng không đúng giọng. Bởi thế anh B cần phải cố gắng lắm mới được.

Qua những sự việc này, chúng ta có thể nhận thức được rằng, trung tâm não bộ nhất định không phải là nơi tàng trữ tất cả hạt giống của vạn pháp. Nguyên vì bản chất của trung tâm não bộ luôn luôn bị sanh diệt, bị biến động không ngừng. Ngoài trung tâm não bộ ra, con người nhất định phải có một Tâm Thức gọi là Thức Alaya thứ tám mang tánh chất thường hằng, không bị biến đổi, không bị vấn đề sanh diệt chi phối, nhờ đó mới có thể tàng trữ và bảo trì tất cả hạt giống của vạn pháp được tồn tại mãi ở vị trí tiềm năng. Tâm Thức Alaya thứ tám có quyền năng phi thường trong công việc tàng trữ, bảo tồn những hạt giống của vạn pháp vô cùng phức tạp đã được thu nhận từ lâu đời lâu kiếp và sắp xếp những hạt giống đó một cách trật tự, sắp xếp có thứ lớp, có trước sau để khỏi bị thất thoát. Với quyền năng phi thường của Tâm Thức Alaya thứ tám, không ai trên thế gian này có đủ tầm vóc để thay thế chức năng của nó trong công việc hy hữu vừa kể trên. Nhằm mục đích làm sáng tỏ giá trị của Tâm Thức Alaya thứ tám, chúng ta có thể quan sát sự quan hệ giữa Thức Mạt Na thứ bảy và Tâm Thức Alaya thứ tám như sau:

4/- Thức Mạt Na thứ bảy bản tánh luôn luôn chấp ngã liên tục không ngừng và cái ngã để cho Thức Mạt Na thứ bảy chấp trước nhất định phải là một pháp. Một pháp được làm ngã cũng phải có tánh cách hiện diện liên tục, hiện diện không bị gián đoạn, không bị biến đổi để làm đối tượng lâu dài cho sự chấp trước của Thức Mạt Na thứ bảy. Theo nhà Duy Thức, một pháp được làm Ngã để cho Thức Mạt Na chấp trước không phải là thân thể và cũng không phải là sáu Tâm Thức ở trước của con người. Nguyên do:

a) Trước hết, thân thể con người chính là khối vật chất đã được kết hợp bởi bốn yếu tố: Đất, Nước, Gió, Lửa. Bốn yếu tố này cùng nhau hình thành thân thể con người qua hình thức sanh diệt không ngừng. Thân thể con người nhờ sự sanh diệt không ngừng của bốn yếu tố nói trên mới được nẩy nở và lớn lên. Cũng vì sự sanh diệt không ngừng, bốn yếu tố đất, nước, gió, lửa luôn luôn bị chuyển hóa, bị thay đổi từ hình tướng này đến hình tướng khác để tồn tại trong thân thể con người qua sự ăn uống hít thở. Trong thân thể con người, bốn yếu tố Đất, Nước, Gió, Lửa không có yếu tố nào làm chủ trên hết để cho Thức Mạt Na thứ bảy chấp làm Ngã. Nguyên vì yếu tố nào cũng quan trọng cả. Con người nếu như thiếu một trong bốn yếu tố vừa kể thì sẽ bị chết ngay và những yếu tố còn lại cũng sẽ bị tan rã theo.

b)- Còn sáu Tâm Thức ở trước của con người, từ Nhãn Thức cho đến Ý Thức thứ sáu thì sinh hoạt gián đoạn, nghĩa là sáu Tâm Thức này có lúc soh và có lúc nằm yên. Trường hợp khi con người ngủ nghỉ, sáu Tâm Thức của họ không còn hiện diện trong thân thể và lúc đó sáu Tâm Thức nói trên đã trở về hạt giống của chúng để an trụ. Vì lý do vắng mặt thường xuyên trong thân thể con người, sáu Tâm Thức ở trước không thể làm Ngã một cách liên tục cho Thức Mạt Na thứ bảy chấp trước.

Như thế, ngoài sáu Tâm Thức ở trước và ngoài thân thể thuộc vật chất này ra, con người nhất định phải có cái Ngã làm chủ để cho Thức Mạt Na thứ bảy chấp trước. Cái Ngã làm chủ mà Thức Mạt Na thứ bảy chấp trước, chính là Tâm Thức Alaya thứ tám.

5/- Bốn yếu tố: Đất, Nước, Gió, Lửa trong thân thể con người, nếu như không được Thức Alaya thứ tám duy trì sức sống thì chúng không đủ khả năng tự kết hợp với nhau để tồn tại và lớn lên. Chúng sẽ bị hoại diệt từ từ trong trạng thái hao mòn dần dần theo thời gian, mặc dù chúng ta lúc đó vẫn tiếp tục bồi dưỡng cho chúng qua nhiều hình thức chăm sóc. Bốn yếu tố: Đất, Nước, Gió, Lửa và Tâm Thức Alaya thứ tám trong thân thể con người đều là thành quả đã được xây dựng từ những nguyên nhân trong Tâm Thức và cũng đã được phát sanh từ nơi những nguồn năng lượng nguyên thể của chúng ở trong không gian, được gọi là Thể Không do Thức Thể Alaya thứ tám tàng trữ.

Riêng đứng về vị trí nguồn năng lượng của vạn pháp mà nhận xét, chúng ta thấy rằng, hạt giống bốn yếu tố: Đất, Nước, Gió, Lửa ở trạng thái nguồn năng lượng trong không gian, nếu như không có Thức Thể Alaya tàng trữ và giữ gìn thì sẽ bị tan biến mất đi bản chất và chúng không còn nguyên thể với hình thức hạt giống như xưa nữa để góp mặt trong thân thể con người và cũng như góp mặt trong vạn pháp về phương diện vật chất. Một khi Thức Thể Alaya không còn bảo tồn bản chất năng lượng, sự biến thể của bốn hạt giống: Đất, Nước, Gió, Lửa trong không gian nếu như so sánh thì cũng không khác nào sự tan rã của bốn yếu tố: Đất, Nước, Gió, Lửa nơi thân thể con người và thân thể vạn pháp khi Kiến Phần Thức Alaya không còn giữ gìn sức sống cho chúng. Chẳng những thế, hạt giống của bảy Tâm Thức ở trước, nếu như không nương nơi Thức Thể Alaya làm chỗ cư trú căn bản thì không thể tồn tại và cũng không thể phát sanh tác dụng để nhận thức vạn pháp. Thế nên, Thức Thể Alaya này ngoài nhiệm vụ làm miếng đất (Consciousness-Field) phì nhiêu cho tất cả hạt giống vạn pháp nương tựa để sanh khởi, lại còn một nhiệm vụ nữa là làm nền tảng căn bản cho Thức Mạt Na thứ bảy nương tựa để sanh ra sự chấp trước và quản lý vạn pháp. Những hiện tượng trên đây đều thuộc về trạng thái trừu tượng, sâu thăm, vô cùng tinh tế và phức tạp rất khó nhận thức. Chúng ta chỉ có thể dùng trí tuệ quán chiếu thì mới đủ khả năng nhận biết được trạng thái của chúng bằng phương pháp Thiền Quán. Nếu như không áp dụng phương pháp quán chiếu trên, chúng ta thật khó có thể lãnh hội được chỗ rốt ráo tột cùng của nguyên lý này.

Tóm lại, bao nhiêu dữ kiện đã trình bày qua cũng đủ chứng minh rằng, ngoài bảy Tâm Thức vừa được kiểm nghiệm, con người nhất định phải có một Tâm Thức thứ tám gọi là Alaya và Tâm Thức này vô cùng quan yếu trong công việc làm chủ xây dựng, phát triển và duy trì sự sống còn cho chính họ. Chẳng những trọng yếu đối với loài người, Tâm Thức hiện tại lại còn rất cần thiết trong việc xây dựng, phát triển và duy trì sanh mạng cho các loài động vật (gọi là chúng sanh hữu tình), cũng như cho các chúng sanh thuộc thực vật và cho các chúng sanh thuộc khoáng vật (gọi chung là chúng sanh vô tình) v.v... Nguyên vì những chúng sanh đó đều có mạng sống giống như loài người. Thế nên Kinh Phật có câu: "Hữu tình dữ vô tình đồng viên chủng trí", nghĩa là những loài có tình cảm và hiểu biết cùng với những loài không có tình cảm và hiểu biết, tất cả đều tròn đầy giống như Trí Tuệ sáng suốt. Chủng Trí ở đây có gọi là tên riêng của Thức Thể Alaya thứ tám khi Tâm Thức này được chuyển hóa thành Trí Tuệ Đại Viên Cảnh.

Alaya là tiếng Phạn, nghĩa là tàng trữ, chính là một loại Tâm Thức có khả năng dung chứa, duy trì và bảo vệ tất cả hạt giống của vạn pháp được tồn tại ở trạng thái tiềm năng nguyên thể. Cho nên Tâm Thức Alaya này được gọi là Tàng Thức (Thức chứa). Tàng Thức có ba nghĩa:

1)- NĂNG TÀNG: nghĩa là Tâm Thức Alaya thứ tám có khả năng tàng trữ hết thảy hạt giống thiện ác nguyên thể của vạn pháp trong thế gian để chờ đợi đầy đủ nhân duyên sanh ra các kết quả về sau.

2)- SỞ TÀNG: nghĩa là Thức Alaya thứ tám chính là nơi chốn dùng để chứa đựng hết thảy hạt giống thiện ác của muôn pháp trong thế gian và cũng là vị trí để cho những thạt giống hiện ác ở trên được nẩy mầm và sanh ra. Nói cách khác, những hạt giống thiện ác của vạn pháp trong thế gian phải nương vào Tâm Thức Alaya thứ tám làm Tâm Địa để sanh khởi.

3)- NGÃ ÁI CHẤP TÀNG: nghĩa là Tâm Thức Alaya thứ tám bị Thức Mạt Na thứ bảy chấp làm Ngã một cách luyến ái. Thức Mạt Na thứ bảy đam mê chấp trước Tâm Thức Alaya làm ngã không chịu buông tha. Nguyên vì Thức Mạt Na thứ bảy mỗi khi sinh hoạt phải nhờ Tâm Thức Alaya thứ tám làm giác quan để hiểu biết và chấp trước. Do bởi lẽ trên, Thức Mạt Na thứ bảy nhất định phải chấp Tâm Thức Alaya thứ tám làm Ngã.

Từ những nghĩa này, Tâm Thức Alaya thứ tám thật sự là nền tảng căn bản không thể thiếu để cho vạn pháp sanh trưởng và tồn tại. tất cả mọi hiện tượng đều có hạt giống riêng của chúng. Những hạt giống này đều gọi là ảnh tử và nghiệp tập khí với hình thức tiềm năng được ẩn chứa trong Thức Thể Alaya thứ tám và cũng từ Thức Thể này, những hạt giống ảnh tử và những hạt giống nghiệp tập khí mới cơ duyên để nẩy mầm và để hoàn thành kết quả về sau.

Nói cách khác Tâm Thức Alaya thứ tám chính là sức sống tươi mát của vạn pháp và cũng là môi trường cho tất cả mọi loài chúng sanh nẩy nở và tồn tại. Tâm Thức Alaya sinh hoạt hai chiều hướng: chiều hướng thứ nhất là duy trì thân mạng của chúng sanh (duy trì Thân Căn) cũng như duy trì sanh mạng của vũ trụ (duy trì sanh mạng Khí Thế Gian) và chiều hướng thứ hai là phát sanh mọi hiện tượng từ nơi những hạt giống của chúng trong bản thể. Sự chuyển hóa của những hạt giống nói trên trong giai đoạn sanh khởi đều phải tuân theo nguyên tắc nhân duyên sanh và nhân quả nghiệp báo để tạo thành nhiều hiện tượng khác nhau. Sức sống tươi mát và môi trường của sức sống tươi mát nơi vạn pháp là do sự hiện diện của Tâm Thức Alaya thứ tám ở trong với hình thức biến tướng theo những giá trị của nhân quả nghiệp báo nơi quá khứ.

Qua sự nhận xét trên, chúng ta có thể xác định là vạn pháp trong thế gian nếu như không có Tâm Thức Alaya thứ tám hiện diện để xây dựng và bảo trì thì nhất định không thể sanh trưởng và tồn tại. Do đó, nhà Duy Thức định mức giá trị của Tâm Thức Alaya thứ tám là loại Thức Căn Bản.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
23 Tháng Mười Một 2010(Xem: 70792)
22 Tháng Mười Một 2010(Xem: 26989)
21 Tháng Mười Một 2010(Xem: 18835)
20 Tháng Mười Một 2010(Xem: 28931)
20 Tháng Mười Một 2010(Xem: 29269)