TRUNG ĐẠO - TRUNG LUẬN VÀ TRUNG QUÁN (Trích dịch từ Chương IV của tác phẩm Nghiên cứu về thuyết Tánh Không) Tác giả: Pháp sư Ấn Thuận Người dịch: Thích Nhuận Thịnh
Phẩm Quán Tứ đế của Trung luận, từ chỗ duyên khởi (pratītya-samutpāda) tức là không (śūnyatā), cũng là giả danh (prajñāptiupādāya) về sau, tiếp theo nói: cũng là
trung đạo (madhyamā-pratipad). Ở đoạn trên đã từng nói đến: Duyên khởi của trung
đạo là kinh A-hàm nói; đặc sắc của kinh Bát-nhã là chỉ có giả
danh (không có thật), bổn tánh không (prakṛti-śūnyatā) và tự tánh không (svabhāva-śūnyatā). Tự tánh không là dựa theo tánh
không thắng nghĩa để nói; đến giai đoạn cuối cùng của Trung bản Bát-nhã
mới dùng ‘từ sự hòa hợp của nhân duyên sanh ra nên không có tự tánh’ để giải
thích về tự tánh không. Trong tự tánh không đã có ý nghĩa không có tự tánh cho
nên là không, do vậy Long thọ xuất hiện, dùng một cái mà xuyên suốt hết cả, nên
nói rằng: “Pháp mà do nhiều nhân duyên sanh ra, thì ta nói nó là không, cũng là
giả danh, cũng là nghĩa của trung đạo’ – một bài kệ vô cùng nổi tiếng trong Phật
pháp Đại thừa.
Trung đạo là Phật pháp, cũng là nguyên tắc duy nhất mà hàng đệ
tử của Phật tuân theo. Tất cả hành vi, tất cả nhận thức, tối chính xác mà lại tối
thích hợp, chính là trung đạo, trung là không rơi vào hai bên (nhị biên - antadvaya)
– thiên lệch về bên tà, cực đoan. Lấy sự thực hành để nói, thì kinh Câu-lâu-sấu
vô tranh nói: đắm trước cái dục lạc thấp hèn là một bên, tự khổ hạnh không
dùng lợi dưỡng là một bên, ‘lìa hai bên này, thời có trung đạo’, trung đạo là Con
đường Thánh gồm 8 ngành [Bát chánh đạo].1
Lời dạy dỗ này là được nhiều Kinh, Luật nói đến. Như Phật dạy Tôn giả Nhị thập ức
nhĩ (Śrotraviṃśatikoṭī) rằng: Như ‘điều chỉnh dây của đàn cầm,
không căng, không chùn, điều chỉnh thích hợp được khoảng giữa đó, thì có thể phối
hợp ra âm thanh đáng yêu thích.’ Cho nên “tinh tấn quá mức thì khiến tâm loạn động
(trạo cử); không nỗ lực tinh tấn thì khiến tâm sanh giải đãi. Vì vậy ngươi nên
phân biệt vào lúc này thì nên quán sát tướng như thế này.”2
Tu hành cũng cần phải thích hợp cái trung ấy, là cần phải quán sát thân và tâm
của chính mình, khéo léo điều chỉnh. Giống như luyện vàng vậy, không thể ‘luôn
luôn thổi lửa’, ‘luôn luôn rưới nước’, ‘luôn luôn ngừng cả hai’, mà phải hoặc
chỉ, hoặc cử, hoặc xả,(a) tùy thời
thích hợp mà xử lý, đây mới có thể ‘tâm ắt được chánh định, dứt sạch các hữu lậu.’3 Vì vậy, tu hành thành tựu vô tướng tâm
tam-muội (animitta-citta-samādhi) ấy, ‘là không vọt lên cũng không chìm xuống,’ tâm trụ
nơi bình đẳng.4 Đây là một nguyên tắc, ứng
dụng vào sự nhận thức, chính là duyên khởi do ‘ở nơi trung mà thuyết pháp’,
pháp duyên khởi không rơi vào hai bên – đồng nhất và dị biệt, đoạn diệt và thường
hằng, hữu và vô. Trung đạo chính xác mà thích hợp, không phải là ‘tách ra để
tìm cái giữa’ [chiết trung], không phải là lập lờ nước đôi, càng không phải là
sự điều hòa của hai cực đoan, mà là thoát khỏi mọi kiến chấp, chấm dứt và diệt
trừ tất cả hí luận (prapañca). Từ nguyên tắc này để quán sát, chỉ có tên gọi mà
không có thật thể, tự tánh đều không của kinh Bát-nhã, chỉ là xiển minh
đầy đủ về thuyết duyên khởi trung đạo. Vì sao pháp duyên khởi là trung? Pháp
duyên khởi là không có tự tánh, cho nên chỉ có tên gọi giả (mà không có thật);
pháp duyên khởi là không có tự tánh, cho nên tức là không. Không, cho nên không
có tự tánh, là duyên khởi của giả danh; duyên khởi của giả danh, cho nên lìa
các kiến chấp nên được vắng lặng [không tịch]. Lấy giả danh tức không – ‘tánh
không duy danh’ để nói về trung đạo của duyên khởi, trung đạo là lìa hai bên
[nhị biên], cũng chính là tám phủ định mà Trung luận đã nói. Dựa vào
Trung đạo – duyên khởi gồm tám phủ định (giả danh), có thể thành lập tất cả
pháp thế, xuất thế trong thế tục đế; dựa vào trung đạo – tám phủ định (không) của
duyên khởi, có thể không rơi vào các kiến chấp, khế nhập vào nghĩa chân thật
(thắng nghĩa). Cho nên bài tụng rất nổi tiếng của Trung luận, có thể giải
thích theo biểu đồ như sau:
Tự tánh không
Pháp duyên khởi…....(vô tự tánh)………(bát
bất) trung đạo
Có
theo giả danh
Phần sau của Hạ bản Bát-nhã nhiều lần nói đến hai loại
sự thật [nhị đế], Trung luận cũng là dùng nhị đế để trình bày Phật pháp,
như quyển 4* nói:
“Chư Phật dựa vào nhị đế mà thuyết pháp cho chúng sanh. (Một là)
thế tục đế, và (hai là) đệ nhất nghĩa đế.”(b)
“Nếu không dựa vào tục đế thì không đắc được đệ nhất nghĩa đế.
Không đắc được đệ nhất nghĩa đế thì không thể đắc được niết-bàn.”(c)
Phật vì chúng sanh mà thuyết pháp, nên không thể không đặt để
nên nhị đế; nếu như không có cái ‘hai – nhị’ tương đối thì tất cả đều đã không
thể diễn tả được. Giống như sự hiểu biết của chúng sanh ở thế gian vậy, đúng
như thế, thì gọi là thế tục đế (lokasaṃvṛti-satya – sự thật đúng theo thế gian),
đế có nghĩa là không điên đảo. Đệ nhất nghĩa đế (paramārtha-satya) – thắng nghĩa đế, là
nghĩa chân thật (tattva) được nhận biết bởi bậc Thánh. Cái được nhận biết bởi
chúng sanh ở thế gian, dù đó là cái biết chung, cái thấy chung, đúng như thế, kỳ
thật là mê hoặc điên đảo, cho nên bị sanh tử không dừng. Tìm cầu Phật pháp theo
thắng nghĩa, là phải ở trong tất cả pháp của thế gian, lìa điên đảo mê hoặc để
thông đạt được nghĩa chân thật, đây là mục đích căn bản của sự đặt để nên nhị đế.
Nhưng đệ nhất nghĩa đế, thì danh, tướng, cái phân biệt bằng hư vọng của thế
gian đều không thể biểu đạt được, cho nên nói rằng thắng nghĩa đế là như vầy
như vầy, vẫn là dựa vào thế tục đế, dùng phương tiện mà nói. Như kinh Ma-ha
Bát-nhã ba-la-mật nói: “Các tướng như vậy (tánh không) là tướng của bát-nhã
ba-la-mật sâu xa. Phật vì chúng sanh, nên dùng pháp thế gian để nói, chẳng phải
là đệ nhất nghĩa.”5 “Nếu danh tự và nhân
duyên hòa hợp đều không có, thì ngữ ngôn và các sự việ của thế gian đều bị diệt;
vì thế đế không có, nên đệ nhất nghĩa đế cũng không có.”6 Thế tục đế là cái nhận thức bằng sự mê
lầm của chúng sanh, tuy là lầm lạc, nhưng lại là quan trọng, bọn phàm phu chúng
ta chính là ở trong tình cảnh này vậy! Cho nên phải nương tựa vào thế tục đế mới
có thể biểu thị đệ nhất nghĩa đế; mới có thể từ trong sự khám phá ra cái mê vọng
của thế tục để thông đạt thắng nghĩa đế. Dựa vào nhị đế của Trung luận để
xem xét một bài kệ rất nổi tiếng của Long thọ: Thế tục đế được nhận thức bằng sự
mê vọng của chúng sanh, Phật nói là duyên khởi; dựa vào duyên khởi nên lìa được
biên kiến. Có thể lãnh hội và thấy được nghĩa chân thật một cách chính xác, thì
đây chính là trung đạo. Nhưng người thông thường, những người theo các bộ phái
Phật giáo đều không thể lý giải duyên khởi đúng như thật, cuối cùng thảy đều sa
vào khuôn sáo cũ của ‘dựa vào thật mà lập nên giả’, không thể tự cứu mình được.
Cho nên kinh Bát-nhã nói: tất cả pháp đều là giả danh, thông đạt được tự
tánh vốn vắng lặng [không tịch] thì đây chính là thuyết nhị đế. Trung luận
lập luận dựa theo duyên khởi: pháp duyên khởi tức là tánh không, làm hiện rõ đệ
nhất nghĩa; duyên khởi tức là giả danh, làm sáng tỏ thế tục đế. Sự có theo giả
danh như thế, tức là tánh không, tánh không (cũng là dựa vào giả danh mà nói) không
gây trở ngại cho giả hữu, chính là trung đạo của duyên khởi lìa hai bên. Nói
duyên khởi tức là không, cũng là giả, cũng là trung (luận Hồi tránh nói rằng
duyên khởi, không, trung đạo là cùng một nội dung(d)), nên chỉ là thuyết nhị đế. Thuyết
tam đế gồm tức không, tức giả, tức trung, không phải là luận ý của Long thọ. Hướng dẫn cho người khác chuyển đổi mê lầm đế hướng đến giác
ngộ, dựa vào thế tục đế mà thuyết pháp: vì duyên khởi không có tự tánh cho nên
là không, vì là không cho nên nhờ vào duyên khởi mà có – thuyết trung đạo, có
thể khéo léo thiết lập nên mọi pháp, xa rời hết thảy kiến chấp, có thể nói là sự
thuyết giáo vô cùng thiện xảo vậy! Chẳng qua danh ngôn của thế tục là ‘hai’, là
không có tính quyết định; tánh tương đối vốn có của danh nghĩa, ở trong sự
thích ứng với chúng sanh, tùy thời, tùy nơi mà lưu hành, thì sẽ không tránh khỏi
dẫn đến sanh ra các lời bàn tán khác nhau, đó cũng là pháp thường tình của thếgian. Căn cứ vào đệ nhất nghĩa đế, không, vô sanh, v.v., thì đó chỉ là một loại
phù hiệu, đều không ngang bằng với đệ nhất nghĩa. Như không là lấy sự lìa các
kiến chấp làm tác dụng, mà chấp trước vào cái không ấy thì cũng chẳng phải là
trung, cho nên nói: ‘không cũng lại không có’, ‘không cũng không thể nắm bắt được’.
Vả lại, trong thực hành sự quán về duyên khởi tức không, đúng như điều mà đoạn
kinh dẫn ở trên đã nói, phải tùy thời mà thích hợp khéo léo với cái trung ấy,
luận Đại trí độ nói như thế này:7
“1. Bát-nhã ba-la-mật lìa hai bên mà thuyết về trung đạo: tuy
không mà không chấp trước vào không, cho nên nó là có tội, phước; tuy nói có tội,
phước, nhưng chẳng sanh tà kiến chấp thường, cũng ở trong không mà không có chướng
ngại.”
“2. Bồ-tát trụ ở trong nhị đế mà thuyết pháp cho chúng sanh.
Không chỉ nói về không, không chỉ nói về có, mà còn vì lòng thương xót chúng
sanh cho nên nói là không, vì những chúng sanh đang chấp thủ về tướng của không
cho nên nói là có, ở trong hai chỗ có và không nhưng không đắm nhiễm.”
“3. Tướng có là một bên, tướng không là một bên, lìa hai bên
mà đi trong trung đạo, là thật tướng của các pháp.”
“4. Bát-nhã ba-la-mật ấy là thật tướng của tất cả pháp,… thường
là một bên, đoạn diệt là một bên, lìa hai bên này mà đi trong trung đạo. … Đây
là bát-nhã ba-la-mật, là một bên, đây chẳng phải là bát-nhã ba-la-mật là một
bên, lìa hai bên này mà đi trong trung đạo, đó gọi là bát-nhã ba-la-mật.”1.2. là nói trung đạo cho chúng sanh. 1. là người nói nói về
có mà không sanh ra các kiến chấp về thường, v.v., nói về không mà không dính mắc
nơi không. 2. đối trị cái chấp thiên lệch của chúng sanh, vì những kẻ dính mắc
vào không ấy nên nói là có, vì những kẻ dính mắc về có cho nên nói là không.
Như vậy, đó mới là khéo thuyết trung đạo. 3.4. là ‘đi [thực hành] trong trung đạo’.
Trong sự thực hành bát-nhã, tướng có là một bên, tướng vô – không cũng là một
bên; phân chia ra đây đúng là bát-nhã và đây chẳng phải là bát-nhã cũng đều là
một bên. Thực hành bát-nhã là lấy sự không chấp trước làm nguyên tắc, nếu như
tâm có chấp trước liền khiến cho sự thực hành thiện, thực hành không này cũng đều
là ở một bên mà chẳng phải trung. Kinh Bát-nhã gọi đó là ‘thuận đạo pháp
ái sanh;(e)’8 thí dụ là ‘như ăn loại độc hỗn hợp’.9 Con đường giải thoát được Phật khai thị,
như không, vô sở hữu (ākiṃcanya), vô tướng (animitta), kinh A-hàm sớm đã chỉ
ra rồi: quán về vô ngã và vô ngã sở - vô sở hữu, có sự thực hành quán này thì nhờ
huệ để được giải thoát, đắm nhiễm vào nó thì không giải thoát được, sẽ sanh vào
vô sở hữu xứ (ākiñcanayāyatana); quán tất cả là không có tướng,
có thực hành pháp quán này thì nhờ huệ để được giải thoát, nếu như đắm nhiễm thì
không giải thoát được, sẽ sanh vào vô tưởng xứ - phi tưởng phi phi tưởng xứ (naivasaṃjñānāsaṃjñāyatana).10 Nguyên lý và phương pháp là có chuẩn mực,
nhưng dù là thế tục, mà nếu có thể khéo léo thích ứng đúng với nó, thì đúng như
câu nói của người Trung quốc: ‘muốn vận dụng nó được hoàn hảo, thì phải để hết
tâm vào nó’ vậy. Các vị học giả nên chú ý đến tính thực tiễn của Phật pháp, không
chỉ là ‘Trung luận’ mà phải thêm là ‘Trung quán’ mới được!
1Trung A-hàm, (169) Câu-lâu-sấu vô tranh
kinh, T. 1, tr. 701b-c. Trung bộ, (139) Vô tranh phân biệt kinh, Nam
truyền 11 hạ, tr. 320-321.
2Tạp A-hàm 9, T. 2, tr. 62c. Trung A-hàm,
(123) Sa-môn nhị thập ức kinh, T. 1, tr. 612a-b. Tăng chi bộ, phẩm 6
pháp, Nam truyền 20, tr. 129.
(a) “Chỉ tướng 止相, cử tướng 舉相, xả tướng 捨相. Pāli, A. i.
257: samādhinimittaṃ, định tướng, paggahanimittaṃ, cần (tinh tấn)
tướng, upekkhānimittaṃ, xả tướng.” Tham khảo: Tạp A-hàm, tập 2,
Thích Đức Thắng dịch Việt, Nxb Phương Đông, Sài gòn, 2010, tr. 694, chú
thích 10.
3Tạp A-hàm 47, T. 20, tr. 342a. Tăng chi bộ,
phẩm 3 pháp, Nam truyền 17, tr. 422-423.
4Tạp A-hàm 20, T. 2, tr. 145a-146a. Tăng
chi bộ, phẩm 9 pháp, Nam truyền 22 thượng, tr. 126-127.
*Trung luận
4, T. 30, tr. 32c-33a.
(b)
Skt: dve
satye samupāśritya buddhānāṃ dharmadeśanā |
lokasaṃvṛtisatyaṃ ca satyaṃ ca paramārthataḥ ||8||
(c)
Skt: vyavahāram anāśritya paramārtho na deśyate | paramārtham anāgamya nirvāṇaṃ
nādhigamyate ||10||
5Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật kinh 14, T. 8, tr. 325b.
6Đại trí độ luận 42, T. 25, tr. 365a.
(d) Skt: “yaḥ śūnyatāṁ pratītyasamutpādaṁ madhyamāṁ
pratipadam-anekārthām.” Nāgārjuna, Vigrahavyāvartanī.7Đại trí độ luận: 1. Quyển 70, T. 25, tr.
551a; 2. Quyển 91, tr. 703b; 3. Quyển 61, t. 492c; 4. Quyển 43, tr. 370a-b.
(e) Skt: “iyam āyuṣman śāriputra bodhisattvasya mahāsattvasya
ānulomikī dharmatṛṣṇā āmaḥ.” Pañcaviṃśatisāhasrikā Prajñāpāramitā. Chữ sanh (生), Skt. āma (adj), có nghĩa là chưa chín, chưa được nấu, chưa được rèn
giũa, bệnh tật, v.v. Như vậy, ‘thuận đạo pháp ái sanh - 順道法愛生’ được hiểu là, vị Bồ-tát
ma-ha-tát mà học tập bát-nhã ba-la-mật chưa thuần thục, chưa thực hành đúng
phương pháp của bát-nhã ba-la-mật (như đoạn kinh này đã diễn tả) thì sự thực
hành của vị ấy là thực hành bằng tâm yêu thích của mình đối với Phật pháp mà
chưa hiểu rõ được phương pháp đúng của bát-nhã ba-la-mật.
8Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật kinh 3, T. 8, tr.
233b.
9Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật kinh 11, T. 8, tr. 299c.
10Trung A-hàm, (15) Bất động đạo kinh, T. 1, tr. 542c-543a. Trung bộ,
(106) Bất động lợi ích kinh, Nam truyền 11 thượng, tr. 342-345.
Tinh yếu của đạo lý Tánh Không của Bồ Tát Long Thọ xưa nay vốn là thểtài sâu rộng mà biết bao luận sư, giảng sư, học giả, trí thức đã dày côngnghiên cứu và lưu bố. Nhưng, không phải vì thế mà không còn gì để truy tầmhay ham học. Ngược laị, càng có nhiều người diễn giải càng có thêm nhiềuchiếu kiến mới lạ rất giá trị để suy nghiệm.
Nay Thượng Tọa Thích Viên Lý, một tác giả và dịch giả của hàng chục pho sách rất giá trị, phát tâm dịch sang tiếng Việt để giúp cho người học Phật, nhất là những ai quan tâm đến giáo nghĩa Không Tánh của Bồ Tát Long Thọ. Mặc dù, đây là một tác phẩm chứa đầy những phương pháp lý luận tinh vi, những thuật ngữ triết luận lý học, và Tánh Không học chuyên biệt, dịch giả bằng phong cách đặc dị và bút pháp trong sáng đã giúp cho người đọc cảm thấy nhẹ nhàng và dễ nắm bắt hơn.
Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm tốt nhất trên trang web của chúng tôi. Nếu tiếp tục, chúng tôi cho rằng bạn đã chấp thuận cookie cho mục đích này.