Ý Nghĩa Pháp Duyên Khởi

16 Tháng Hai 201300:00(Xem: 7624)

Ý NGHĨA PHÁP DUYÊN KHỞI 
Thích Thái Hòa

Ý Nghĩa Pháp Duyên Khởi

Pháp Duyên khởi, tiếng Phạn là Pratīya-samutpāda. Pratīya, là sự hướng đến: Nghĩa là cái này hướng đến cái kia và cái kia hướng đến cái này. Hán dịch Pratīya là Duyên và Anh dịch là Condition.

Trong Māhyamika, Ngài Nāgārjuna giải thích chữ Pratīya như sau:

Utpadyate pratītyemān itīme pratyayaḥ kīla (1).

Nghĩa là, do làm điều kiện cho cái kia sinh khởi, những cái này người ta gọi là Duyên.

Samutpāda có nghĩa là tập khởi, đồng khởi, sinh khởi, tương khởi, cộng khởi…

Do những ý nghĩa trên, mà Pratīya-samutpāda được các nhà Hán dịch là Duyên khởi hay Duyên sinh, tức là sự khởi sinh của vạn pháp cần phải có điều kiện (pratīya), nếu không có điều kiện, thì các pháp không thể sinh khởi.

Trong luận Thuận Chánh Lý, ngài Chúng Hiền đã giải thích ý nghĩa của Duyên khởi là: “Thử hữu cố bỉ hữu, thử sanh cố bỉ sanh, thị duyên khởi nghĩa”.(2) Nghĩa là cái này hiện hữu thì cái kia hiện hữu; vì cái này sinh khởi nên cái kia sinh khởi, đó là ý nghĩa của Duyên khởi.

Sự sinh khởi của tất cả pháp, từ thế giới khách quan cho đến thế giới nội tại đều do bốn duyên - hay chính do bốn duyên mà có sự sinh khởi của tất cả pháp.

Bốn duyên ấy là nhân duyên, đẳng vô gián duyên, sở duyên duyên và tăng thượng duyên.

Nhân duyên (pratyayāhetu): Tất cả pháp từ thế giới nội tại cho đến thế giới khách quan, không có sự sinh khởi nào độc lập ngoài quan hệ nhân duyên.

Nhân (hetu) là năng lực tác động; duyên (pratīya) là điều kiện giúp đỡ, để cho năng lực tác động ấy được sinh khởi và hình thành.

Đẳng vô gián duyên (Anantara-pratīya): Hay còn gọi là thứ đệ duyên, nghĩa là tất cả các pháp làm nhân, làm duyên cho nhau một cách liên tục, không bị gián cách. Hay nói khác đi, pháp trước làm nhân cho pháp sau, pháp sau làm duyên cho pháp trước, các pháp cứ tuần tự làm nhân, làm duyên cho nhau như vậy mà sinh khởi liên tục. Do đó gọi là đẳng vô gián duyên hay là thứ đệ duyên.

Sở duyên duyên (Alambanapratītya): Nghĩa là duyên và sở duyên. Duyên là pratītya và sở duyên là alambana. Alambana đi từ động từ căn là lam, có nghĩa là leo, vin vào, dựa vào, nương vào, vướng vào.

Như vậy, sở duyên hay alambana là đối tượng để cho cái khác dựa vào. Sở duyên là ám chỉ cho cảnh vật được biến tợ bởi tâm và thức. Những cảnh vật được biến tợ này lại làm duyên để cho tự thức khởi sinh. Do đó, gọi là sở duyên duyên.

Lại nữa, sở duyên (alambana) là chỉ cho đối tượng bị nhận thức hay thế giới khách quan. Còn chữ duyên (pratītya) là ám chỉ cho chủ thể năng nhận thức hay thế giới nội tại. Thế giới khách quan làm điều kiện để cho thế giới nội tại khởi sự phân biệt.

Nói tóm lại, cái nào có khả năng dẫn sinh sự phân biệt, và sự phân biệt ấy mang ảnh tượng tương tợ với chúng thì cái ấy gọi là duyên và sở duyên, hay gọi là sở duyên duyên (alampanapratītya).

Tăng thượng duyên (adhipapeyampratīya): Là duyên tăng thêm sự sinh khởi cho các pháp một cách nhanh chóng từ nhân đến quả.

Tăng thượng duyên gồm có thuận và nghịch.

Thuận duyên, là duyên hỗ trợ và tác động một cách tích cực để cho các pháp sinh khởi một cách nhanh chóng từ duyên đến quả.

Nghịch duyên, là duyên làm đối kháng sự sinh trưởng của nhân.

Mọi pháp có thể sinh khởi, tồn tại hay hủy diệt đều lệ thuộc vào bốn duyên này. Ở trong bốn duyên này thì sở duyên duyên, tăng thượng duyên, đẳng vô gián duyên là biệt tướng, còn nhân duyên là tổng tướng.

Bởi vậy, chúng ta chỉ nói nhân duyên thì hàm đủ cả ba duyên kia.

Lại nữa, nhân duyên còn có ý nghĩa như Không tính (Śūnyata), giả danh (prajñāpir) và trung đạo (mādhyamā).

Không tính (śūnyata): Tất cả các pháp do duyên mà khởi, nên không có một pháp nào gọi là tự tánh hoặc có tự thể thực hữu.

Bởi vậy, Không tính (śūnyata) là tính của các pháp không có tự thể thực hữu. Hay nói cách khác, Không tính là tính duyên khởi của các pháp, và tính duyên khởi của các pháp là Không tính (śūnyata). Không tính là tính phổ biến của vạn pháp, không có pháp nào sinh khởi mà không mang tính chất của Không tính.

Do đó, tính không của vạn pháp là siêu việt không gian và thời gian.

Giả danh (prajñāptir): Tất cả các pháp do duyên mà khởi, nên tự chúng không có tên gọi. Sở dĩ gọi bằng tên này hay tên khác chỉ là do sự giả định, sự quy ước, do sự gợi lên của nhận thức.

Lại nữa, gọi là giả danh vì tên gọi của các pháp chỉ là do nhận thức áp đặt và giả định. Các pháp đã là do duyên khởi thì tự chúng là sinh động vô thường, nên bảo rằng các pháp là thực hữu cũng không chính xác; mà bảo rằng các pháp không thực hữu cũng không chính xác; bảo rằng các pháp là đoạn diệt cũng không chính xác; bảo rằng các pháp là thường hằng cũng không chính xác.

Do đó, các pháp được gọi tên chỉ là theo giả định, nghĩa là chúng được gọi tên do sự gợi lên của nhận thức (prajñāptir).

Trung đạo (mādhyamā): Là con đường xa rời những cực đoan của sự nhận thức đối với các pháp. Vì các pháp do duyên mà khởi, nên không thể gọi chúng là thường, bởi lẽ chúng luôn luôn sinh diệt; cũng không thể bảo chúng là đoạn diệt, bởi lẽ pháp này diệt thì pháp khác liền sinh, cứ như vậy chúng sinh khởi liên tục, cũng không thể bảo chúng là thực hữu, vì chúng chỉ là một tập hợp không tự thể; cũng không thể bảo chúng là vô, vì chúng tạm thời đang hiện hữu.

Bởi lẽ, các pháp do duyên khởi, nên không thể bảo chúng là thường hay đoạn, hữu hay vô, đồng nhất hay dị biệt, nhận thức chân thật như thế gọi là Trung đạo.

Sở dĩ gọi đó là Trung đạo, vì Trung đạo là siêu việt, hữu, vô, thường, đoạn, lai, khứ, đồng nhất và dị biệt…

Về mặt giải thoát thì Trung đạo là con đường đi đến Niết-bàn, nhưng tự thân nó không phải là Niết-bàn. Trung đạo là con đường đi đến Niết-bàn, vì không bị vướng mắc bởi bất cứ cực đoan nào.

Về mặt giác ngộ thì Trung đạo tự nó không phải là giác ngộ, mà là con đường của nhận thức, hiểu biết chân thật để đi đến giác ngộ, không bị vướng mắc bởi những quan điểm cho rằng các pháp là thường hay đoạn, là hữu hay vô, là đồng nhất hay dị biệt…

Nói tóm lại, Trung đạo là con đường đi đến Niết-bàn vì không bị vướng mắc vào những nhận thức cực đoan; và là con đường đi đến giác ngộ vì không bị vướng mắc bởi những nhận thức phiến diện.

Trong kinh Đức Phật dạy cho Kaccāyana như sau:

“Tất cả là có, này Kaccāyana, là một cực đoan. Tất cả là không, là cực đoan thứ hai. Xa lìa hai cực đoan ấy, này Kaccāyana, Như Lai thuyết pháp theo Trung đạo”.

Như Lai thuyết pháp theo Trung đạo, là thuyết pháp không bị vướng mắc vào những quan điểm của nhị nguyên thường tình. Nghĩa là Như Lai chỉ thuyết pháp dựa vào sự giác ngộ lý duyên khởi mà thôi.

Trong Madhyamikā, ngài Nāgārjuna đã phát biểu thẳng ý nghĩa duyên khởi như sau: “Tôi tuyên bố rằng: Pháp nào mà duyên khởi, thì pháp ấy là Không tính, pháp ấy cũng là giả danh, pháp ấy cũng là Trung đạo. (yaḥ pratītya samutpādaḥ śūnyatām tām pracaksmahe, śaprajñāptir upādāyapratipat saiva madhyamā)”. (3)

Như vậy, ý nghĩa của Duyên khởi cũng là ý nghĩa của Không tính, Giả danh và Trung đạo. Và ý nghĩa ấy cũng đã được khai triển tùy theo sự nhận thức về giác ngộ của từng trường phái Phật giáo.

Tuy nhiên, dù ý nghĩa duyên khởi có khai triển sâu rộng đến mức nào đi nữa, thì ý nghĩa căn bản của duyên khởi, có tính nhất quán trong các trường phái Phật giáo vẫn là: “Cái này hiện hữu thì cái kia hiện hữu, cái này không hiện hữu thì cái kia không hiện hữu”.

Chú thích:

1*Mādhyamika-prātyaya-parīksa gāphas.

2*Thuận Chánh Lý Luận- quyển 25, trang 481b. Đại Tạng Kinh 29.

3*Mādhyamika-āriyasatya-pariksā.

 

Ud 7.8 PTS: Ud 77
Kaccāyana Sutta:
Kaccāyana translated from the Pali by Thanissaro Bhikkhu

I have heard that on one occasion the Blessed One was staying near Sāvatthī at Jeta's Grove, Anāthapiṇḍika's monastery. Now at that time Ven. Mahā Kaccāyana was sitting not far from the Blessed One, his legs crossed, his body held erect, having mindfulness immersed in the body well-established to the fore within. The Blessed One saw Ven. Mahā Kaccāyana sitting not far away, his legs crossed, his body held erect, having mindfulness immersed in the body well-established to the fore within.

Then, on realizing the significance of that, the Blessed One on that occasion exclaimed:

If one were to have mindfulness always established, continually immersed in the body, (thinking,) "It should not be, it should not be mine; it will not be, it will not be mine"[1] — there, in that step-by-step dwelling, one in no long time would cross over attachment.

Note

1.

This passage can also be translated as:

It should not be, it should not occur to me; it will not be, it will not occur to me.

In AN 10.29, the Buddha recommends this view as conducive to developing dispassion for becoming. However, in MN 106 he warns that it can lead to the refined equanimity of the dimension of neither perception nor non-perception, which can become an object of clinging. Only if that subtle clinging is detected can all clinging be abandoned.

The Canon's most extended discussion of this theme of meditation is in SN 22.55. See Appendix Two [of the print edition of this book].

For more on this topic, see The Paradox of Becoming, chapter 5.


 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn