19. Năng Tạo Và Sở Tạo Trong Phẩm Iv

07 Tháng Mười Một 201000:00(Xem: 9726)

VIỆN CAO ĐẲNG PHẬT HỌC HẢI ĐỨC
Hồng Dương Nguyễn Văn Hai
LUẬN GIẢI TRUNG LUẬN
TÁNH KHỞI VÀ DUYÊN KHỞI
PL.2547 - DL.2003 - Ban tu thư Phật học

19. Năng tạo và sở tạo trong Phẩm IV

A. Phẩm IV: Quán Ngũ ấm (Dịch Việt).

IV.1. Nếu lìa ngoài sắc nhân/ Thời sắc (pháp) không thể có được./ Còn nếu lìa ngoài sắc (pháp)/ Thời sắc nhân không thể có được.//

IV.2. Lìa sắc nhân mà sắc (pháp) hiện hữu/ Thời sắc (pháp) ấy không có nhân./ Không nhân mà có pháp/ Điều đó không đúng.//

IV.3. Nếu lìa sắc (pháp) mà có (sắc) nhân/ Thời nhân ấy không có quả./ Nếu nói có cái nhân không có quả/ Thời là không có lẽ ấy.//

IV.4. Nếu đã có sắc (pháp)/ Thời không cần dùng đến sắc nhân./ Nếu không có sắc (pháp)/ Cũng không cần dùng đến sắc nhân.//

IV.5. Không có (sắc) nhân mà có sắc (pháp)/ Điều này không hoàn toàn đúng./ Thế nên, người có trí/ Không nên phân biệt chấp sắc có tự tính.//

IV.6. Nếu quả tương tợ nhân/ Điều đó không đúng./ Nếu quả không tương tợ nhân/ Điều đó cũng không đúng.//

IV.7. Thọ ấm và tưởng ấm,/ Hành ấm và thức ấm, v..v... / Cùng tất cả các pháp khác,/ Đều đồng như sắc ấm nói trên.//

IV.8. Nếu người ta có hỏi/ Mà đáp không y cứ trên tánh Không/ Thời sự đáp không thành/ Cùng đồng chỗ nghi với người kia.//

IV.9. Nếu người có nạn vấn/ Mà không y cứ trên tánh Không/ Thời nạn vấn không thành/ Cùng đồng chỗ nghi với người kia.//

B. Luận giải.

Sự phân loại Mười hai xứ đề cập trong Phẩm III: Quán Lục tình đứng trên căn bản nhận thức luận chủ trương thế giới được thành lập trên quan hệ nhận thức tương đãi và tương thành giữa sáu căn và sáu cảnh. Trong Phẩm IV: Quán Năm ấm này sự phân loại Năm uẩn được xét đến trên phương diện nguyên nhân, duyên do phát sinh sự vật. Uẩn là tụ tập theo loại, do ngài Huyền Trang phiên dịch từ tiếng Phạn skandha. Ngài La Thập dịch ý là ấm, tức ngăn che, hàm nghĩa rằng năm thứ sắc, thọ, tưởng, hành, và thức có tính cách ngăn che làm không thể liễu đạt chân tánh của vạn pháp. Ngăn che do hình tướng (thân và cảnh) thời gọi là sắc ấm. Ngăn che do cảm giác thời gọi là thọ ấm. Ngăn che do tưởng tượng các danh tướng thời gọi là tưởng ấm. Ngăn che do tâm niệm thay đổi, đáp ứng với sự vật thời gọi là hành ấm. Ngăn che do tập quán sai lầm chứa chấp trong tiềm thức thời gọi là thức ấm.

Thuyết Năm uẩn trở thành một phân loại rất quen thuộc từ thời đại Phật giáo Nguyên thủy. Trong bốn vấn đề hoàn toàn thuộc về con người: Tâm, Tâm sở, Sắc, và Niết bàn được đem ra giải thích cặn kẽ trong Thắng pháp tập yếu luận, môn Tâm lý học của đạo Phật, HT Thích Minh Châu dịch giải, thời Tâm, Tâm sở, và Niết bàn thuộc về tâm thức. Sắc nói nhiều về thân thể con người, quan hệ giữa thân thể ấy với tâm thức và ngoại giới. Trong năm uẩn, sắc uẩn thuộc về sắc pháp. Bốn uẩn kia thuộc về tâm pháp. Đạo Phật không bao giờ tách biệt Tâm và Sắc vì cả hai đều tương quan liên đới.

Theo Thắng pháp, sắc pháp là sự tổng hợp của những đức tánh luôn luôn biến động. Do vậy các sắc pháp gọi tên là rùpa nghĩa là những gì luôn luôn biến động. Chữ rùpa chỉ chung cho các sắc pháp và chỉ riêng cho những đối tượng con mắt thấy. Sắc pháp chia ra hai loại: bốn đại chủng (mahàbhùta) và những sắc do bốn đại chủng tạo thành (bhautika). Bốn đại chủng là địa, thủy, hỏa, và phong, bốn phần tử căn bản không thể rời nhau và tác thành mọi sắc pháp, từ nhỏ đến lớn, từ vi trần cho đến núi cao. Chữ Đại có nghĩa là có công dụng lớn lao nhờ đó mà hết thảy mọi vật mới được tạo thành. Tuy nhiên, trên phương diện pháp tướng, khi phân biệt bốn đại, A tỳ đạt ma thường căn cứ vào sự có thể thấy hay không thể thấy làm tiêu chuẩn và thường cho bốn đại là không thể thấy. Bởi vậy cho nên các luận sư của A tỳ đạt ma chủ trương bản chất bốn đại: cứng, ướt, nóng, và động là những yếu tố thực thể, mới là bốn đại thật, còn đất, nước, lửa, gió hiện thực là bốn đại giả. Do đó, bốn yếu tố cơ bản “cọng sinh bất ly”, cứng, ướt, nóng, và động, thường được gọi là năng tạo chủng. Chúng hỗ tương kết hợp để tạo thành các sắc pháp khác (bhautika) được coi như thuộc loại dẫn xuất thứ cấp và được mệnh danh là tứ đại sở tạo sắc. Nói theo ngôn ngữ khoa học, sở tạo sắc là những hiện tượng hóa lý và bốn đại chủng có thể gọi là vật chất, vật chất hiểu theo thuyết Tương đối là vật chất và năng lượng.

Có 11 tứ đại sở tạo sắc gồm năm tịnh sắc căn tức năm trung tâm thần kinh nhận cảm: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, và thân, năm cảnh: sắc, thanh, hương, vị, và xúc, và vô biểu sắc tức một loại sắc pháp không biểu hiện cụ thể để có thể nghe thấy được, vì đó là dư tập do thân, khẩu nghiệp lưu lại, tương tục chuyển biến, và trở thành nhân tố chiêu cảm quả báo ở tương lai.

Ha lê bạt man (Harivarman), sống ở Ấn độ khoảng một thế kỷ trước Thế Thân (Vasubandhu), tác giả của tập Thành thật luận (Tattvasiddhi), đưa ra một chủ trương trái ngược. Hiện thực tứ đại, đất, nước, lửa, gió, cùng những yếu tố cứng, ướt, nóng, động, năm căn, và thanh, hết thảy đều là hiện tượng vật chất (giả danh) được thành lập từ bốn trần: sắc, hương, vị, xúc, xem như yếu tố vật chất cơ bản. Thuyết này phảng phất giống thuyết tế vật chất và ngũ duy của phái Số luận, một trong sáu phái triết học lớn ở Ấn độ vào thời bấy giờ. Trong Số luận, cứng, ướt, nóng, và động được gọi là tế vật chất, sắc, thanh, hương, vị, xúc mỗi mỗi đều là tính chất và gọi là ngũ duy. Chính từ ngũ duy mà thành lập ngũ đại là đất, nước, lửa, gió, và không.

Tất cả các bộ phái không thừa nhận thuyết của Ha lê bạt man, nhận định rằng bản tính của bốn đại là cứng, ướt, nóng, và động, và mọi hiện tượng hóa lý đều lấy bốn đại làm nền tảng. Vấn đề được đặt ra là các sắc pháp sở tạo do bốn đại năng tạo biến hóa mà thành, vậy ngoài sự biến hóa đó chúng có độc lập tính hay không? Nếu cho rằng tất cả những gì ngoài bốn đại chủng là giả thời trong Mười hai xứ hay Mười tám giới, trừ chất cứng, ướt, nóng, động của phần xúc, tất cả có thể nói đều là giả pháp. Hữu bộ không chấp nhận điều đó. Theo Hữu bộ, toàn bộ sở tạo sắc biệt lập ngoài bốn đại chủng. Lúc đầu, từ sự quán sát vật lý, năm căn, năm cảnh được lấy làm những yếu tố vạn hữu, gán cho một ý nghĩa độc lập, rồi trong quá trình tiến triển tự nhiên đi sâu vào vật chất luận, dẫn đến kết luận bốn đại là năng tạo chủng.

Tỳ bà sa đứng trên lập trường ngũ nhân mà chủ trương bốn đại chủng là năng tạo của hết thảy vật chất, sinh ra và duy trì các sắc sở tạo. Năm nhân ấy là: (1) sinh nhân, vì từ bốn đại mà sinh. (2) y nhân, vì sinh rồi thời y vào bốn đại mà xoay vần. (3) lập nhân, vì bốn đại ví như bức tường nâng đỡ lấy họa phẩm duy trì sở tạo sắc. (4) trì nhân, vì nhân không bao giờ dứt. Và (5) dưỡng nhân, vì làm cho tăng trưởng.

Theo Hữu bộ, nếu lấy dục giới làm tiêu chuẩn thời sắc pháp tất phải y vào bốn đại năng tạo và bốn trần sở tạo mà tồn tại, dù chỉ tồn tại ở một mức độ tối thiểu, ngoài ra không có vật nào khác. Câu xá luận gọi đó là “bát sự câu sinh”, “tám việc (năng tạo tứ đại và sở tạo tứ trần) đều sinh, không thiếu một việc, để trở thành đơn vị của hiện tượng vật chất; ngũ căn còn y tồn trên bề mặt của đơn vị này.“ (Câu xá quyển 4, trang 121) Lẽ cố nhiên, bởi vì đã là “bát sự câu sinh” thời không còn có chất cứng, ướt, nóng, động, tồn tại một cách đơn độc cho nên không thể bảo đơn vị ấy là cực vi.

Trong sáu bài tụng đầu, IV.1 - 6, ngài Long Thọ một mặt, phản bác sự phân loại sắc pháp thành thực thể có yếu tính quyết định, bên này là yếu tố nguyên nhân cơ bản và bên kia là hiện tượng vật chất dẫn xuất thứ cấp, một đằng là đại chủng hay năng tạo chủng (mahàbhùta) và đằng kia là sở tạo sắc (bhautika), rồi ví năng tạo chủng là vua, sở tạo sắc là tôi, hay năng tạo chủng là thân cây, sở tạo sắc là cành cây, v..v... Mặt khác, Ngài chỉ trích chủ trương quan hệ nhân quả một chiều giữa bốn đại chủng và các sở tạo sắc, cho rằng bốn đại chủng sinh ra và duy trì các sắc sở tạo.

Trong bài tụng đầu tiên IV.1, ngài Long Thọ khuyến cáo chớ quan niệm những hiện tượng hóa lý độc lập riêng biệt với bốn đại chủng và chớ xem bốn đại chủng là sẵn có định tánh nơi tự tính của chúng, nguyên nhân sinh khởi các hiện tượng hóa lý.

Bản chữ Hán: 

IV.1. Nhược ly ư sắc nhân/ Sắc tắc bất khả đắc/ Nhược đương ly ư sắc/ Sắc nhân bất khả đắc.//

Dịch:

IV.1. Nếu lìa ngoài sắc nhân/ Thời sắc (pháp) không thể có được./ Còn nếu lìa ngoài sắc (pháp)/ Thời sắc nhân không thể có được.//

Hãy lưu ý ở đây chữ sắc (pháp) dùng chỉ vào những hiện tượng hóa lý (bhautika rùpa) và chữ (sắc) nhân (kàrana) chỉ vào bốn đại chủng. Hai chữ Phạn kàrana và kàrya tuy dịch là nhân và quả giống như khi dịch hai chữ hetu và phala, nhưng ý nghĩa của chúng khác hẳn. Hetu và phala luôn luôn là nhân và quả. Trái lại, kàrana và kàrya có thể lúc thời kàrana xem như là nhân với quả là kàrya, lúc thời kàrya là nhân với quả là kàrana.

Trong các bài tụng IV.2 - IV.5, phép phản chứng (reductio ad absurdum) được sử dụng để biện minh bốn đại chủng và những hiện tượng hóa lý không thể ly cách riêng rẽ như là những thực thể có tự tính.

Bản chữ Hán:

IV.2. Ly sắc nhân hữu sắc/ Thị sắc tắc vô nhân/ Vô nhân nhi hữu pháp/ Thị sự tắc bất nhiên.//

IV.2. Lìa sắc nhân mà sắc (pháp) hiện hữu/ Thời sắc (pháp) ấy không có nhân./ Không nhân mà có pháp/ Điều đó không đúng.//

Khi tách vật chất và hiện tượng hóa lý ra thành hai thực thể độc lập riêng biệt có tự tính thời một mặt, các hiện tượng hóa lý hiện hữu đơn độc mà không có nhân. Không có nhân mà có quả là việc thế gian chưa từng có. Bởi vậy không thể tách riêng hiện tượng hóa lý với nguyên nhân của chúng là vật chất.

Có người hỏi: Pháp Phật nói có ba thứ vô vi, vô vi là thường nên không có nhân. Pháp ngoại đạo thời cho hư không, thời gian, phương hướng, thức, vi trần, niết bàn là thường, nên không có nhân. Pháp thế gian thời cho hư không, thời gian, phương hướng, không chỗ nào không có, thế nên là thường, thường thời không có nhân. Vậy sao bảo rằng thế gian không có pháp nào không có nhân?

Đáp: Những pháp không có nhân đó chỉ có trên ngôn thuyết. Nếu tư duy phân biệt kỹ càng thời không có. Mọi pháp nhân duyên sinh đều không thể nói là không có nhân.

Mặt khác, vật chất nếu tách biệt với hiện tượng hóa lý xem như tác quả của nó thời hóa ra vật chất là nhân không quả. Có nhân tất phải có quả. Không quả đâu gọi được là nhân. Vì thế không thể chấp nhận được có nhân mà không có quả. Đó là ý nghĩa của bài tụng IV.3.

Bản chữ Hán:

IV.3. Nhược ly sắc hữu nhân/ Tắc thị vô quả nhân./ Nhược ngôn vô quả nhân/ Tắc vô hữu thị xứ.// 

Dịch:

IV.3. Nếu lìa sắc (pháp) mà có (sắc) nhân/ Thời nhân ấy không có quả./ Nếu nói có cái nhân không có quả/ Thời là không có lẽ ấy.//

Ngoài ra, thử hỏi sự tương quan liên hệ nào có thể thành lập được giữa hai thực thể riêng biệt là sắc pháp và cái gọi là sắc nhân, cái nhân giả tưởng của sắc pháp đó? Đừng nên lầm tưởng rằng ngài Long Thọ phản bác luật nhân quả. Cái mà Ngài đả phá là cái lối nhìn sai lầm và cái chấp trước mê muội cho rằng nhân duyên có tự tính. Trong Phẩm này cũng như trong Phẩm I: Quán nhân duyên, Ngài không chấp nhận sự vật có tự tính và khái niệm năng lực dẫn sanh quả từ tự tính. Bài tụng đầu tiên của Trung luận, bài I.1, biện chứng tứ cú được áp dụng để phản bác hết thảy mọi kiến giải về sự sinh khởi của các pháp do tác dụng của năng lực dẫn sanh quả từ tự tính của nhân. Ngôn ngữ và luận lý không có khả năng giải thích và phát biểu tánh phi nhất phi dị tức tánh Không của sự sinh khởi. Nói một cách khác, sự sinh khởi không thật có giữa hai vật thể đồng nhất hay sai khác. Từ quan điểm Bát nhã, sinh khởi chỉ là danh tự giả tướng. 

Bài tụng IV.4 trình bày dầu kết quả là sắc pháp có xuất hiện hay không xuất hiện, có sắc nhân trong cả hai trường hợp đều không thể được.

Bản chữ Hán:

IV.4. Nhược dĩ hữu sắc giả/ Tắc bất dụng sắc nhân/ Nhược vô hữu sắc giả/ Diệc bất dụng sắc nhân.//

Dịch:

IV.4. Nếu đã có sắc (pháp)/ Thời không cần dùng đến sắc nhân./ Nếu không có sắc (pháp)/ Cũng không cần dùng đến sắc nhân.//

Lý do: Khi một sắc pháp hiện hữu có tự tính, thời nó đâu cần đến nhân sinh khởi ra nó. Trong trường hợp sắc pháp không hiện hữu, tất nhiên sắc nhân không thể có được, vì là nhân chỉ khi nào có quả sinh khởi. Không sinh khởi quả tất nhiên không gọi đó là nhân. Cũng có thể nói rằng nếu trong nhân trước đã có sắc pháp, thời đó không thể gọi là sắc nhân. Nếu trong nhân trước không có sắc pháp, cũng không gọi đó là sắc nhân.

Phía đối lập có thể bảo rằng dẫu lý luận chứng minh vật chất không thể là nhân đối với các hiện tượng hóa lý, nhưng trong thực tế những hiện tượng hóa lý ấy hiển hiện có thật tất nhiên nhân của chúng là vật chất cũng phải có thật.

Trả lời: Nếu sắc pháp hiện hữu có tự tính, thử hỏi sắc nhân tác dụng như thế nào để sinh ra nó? Do một năng lực tác dụng có hiệu quả? Như đã giải thích trong bài Nhân và Duyên trong Phẩm I Trung luận, bài tụng I.4, nếu có một hiện tượng gọi là năng lực tác dụng dẫn sanh quả từ nhân thời năng lực ấy hoặc cần duyên hoặc không cần duyên để tác dụng có hiệu quả. Nếu cần duyên thời lý luận gây ra một chuỗi câu hỏi kế tiếp, duyên này cần duyên nào khác, v..v..., nghịch suy vô cùng tận không giải quyết được vấn đề. Nếu không cần duyên thời hóa ra đó là một hiện tượng không có nguyên nhân, điều này không thể chấp nhận. Như vậy, khái niệm năng lực dẫn sanh quả không thể giải thích sự quan hệ giữa nhân và quả sinh khởi.

Theo lý luận trên, sở dĩ không có sắc nhân mà có sắc quả là bởi tại chấp sắc có tự tính. Kỳ thật, nói có pháp không do nhân duyên sinh là điều thế gian chưa từng có. Điều này được trình bày trong bài tụng IV.5.

Bản chữ Hán:

IV.5. Vô nhân nhi hữu sắc/ Thị sự chung bất nhiên/ Thị cố hữu trí giả/ Bất ưng phân biệt sắc.// 

Dịch:

IV.5. Không có (sắc) nhân mà có sắc (pháp)/ Điều này không hoàn toàn đúng./ Thế nên, người có trí/ Không nên phân biệt chấp sắc có tự tính.//

Bài tụng IV.6 cho ta một thí dụ về cách thành lập mệnh đề tôn trong luận pháp của ngài Long Thọ.

Bản chữ Hán:

IV.6. Nhược quả tợ ư nhân/ Thị sự tắc bất nhiên/ Quả nhược bất tợ nhân/ Thị sự diệc bất nhiên.// 

Dịch:

IV.6. Nếu quả tương tợ nhân/ Điều đó không đúng./ Nếu quả không tương tợ nhân/ Điều đó cũng không đúng.//

Hai tôn y dùng để lập tôn ở đây là sắc nhân và sắc quả. Tôn y sắc quả được chia thành hai phần bổ sung nhau “sắc quả tương tợ (giống) sắc nhân” và “sắc quả không tương tợ (không giống) sắc nhân”, nghĩa là nếu sắc quả hiện hữu thời nó hoặc là tương tợ hoặc là không tương tợ sắc nhân. Không có trường hợp thứ ba ngoài hai trường hợp ấy, chẳng hạn như vừa tương tợ vừa không tương tợ sắc nhân. Hội hai phần bổ sung ấy lại tạo thành tập hợp tất cả sắc quả trong thế gian, tương ứng với vũ trụ ngôn thuyết của thí dụ này.

Như vậy, có hai quan hệ nhân quả giữa sắc nhân và sắc quả: quả và nhân tương tợ (giống) nhau và quả và nhân không tương tợ (không giống) nhau. Cả hai mệnh đề ấy đều không đúng. Luận thức dùng phản bác quan hệ đồng nhất hay sai khác giũa nhân và quả đã đề cập trong Phẩm I: Quán nhân duyên, bài tụng I.14. Nhân và quả, cũng như quan hệ giữa chúng đều là danh tự giả tướng, không có thật thể cố định, không có tự tính. 

Hãy nghe ngài Thanh Mục giảng: “Nếu quả và nhân giống nhau, việc ấy không đúng, vì nhân tế mà quả thô, sắc và lực của nhân và quả khác nhau. Như vải mà giống chỉ thời không gọi là vải, vì chỉ nhiều mà vải có một, nên không được nói nhân quả giống nhau. Nhưng nếu nhân quả không giống nhau cũng không đúng, như chỉ gai không thể dệt thành lụa, chỉ thô thời không thể dệt thành vải mịn. Thế nên không được nói nhân quả chẳng giống nhau. Cả hai lẽ đều không đúng, nên biết không có sắc (pháp), không có sắc nhân.” (Trung luận. Phạm Chí Thanh Mục thích. Thích Thiện Siêu dịch và tóm tắt)

Đối với bốn ấm còn lại là thọ, tưởng, hành, thức, và tất cả pháp khác, bài tụng IV.7 khuyên nên tư duy quán sát như đối với sắc ấm mà luận phá.

Bản chữ Hán:

IV.7. Thọ ấm cập tưởng ấm/ Hành ấm thức ấm đẳng/ Kỳ dư nhất thiết pháp/ Giai đồng ư sắc ấm.//

IV.7. Thọ ấm và tưởng ấm,/ Hành ấm và thức ấm, v..v... / Cùng tất cả các pháp khác,/ Đều đồng như sắc ấm nói trên.//

Bây giờ hãy xét đến ý nghĩa của hai bài tụng cuối, IV.8 và IV.9.

Bản chữ Hán: 

IV.8. Nhược nhân hữu vấn giả/ Ly không nhi dục đáp/ Thị tắc bất thành đáp/ Câu đồng ư bỉ nghi.//

IV.9. Nhược nhân hữu nan vấn/ Ly không thuyết kỳ quá/ Thị bất thành nan vấn/ Câu đồng ư bỉ nghi.//

Dịch:

IV.8. Nếu người ta có hỏi/ Mà đáp không y cứ trên tánh Không/ Thời sự đáp không thành/ Cùng đồng chỗ nghi với người kia.//

IV.9. Nếu người có nạn vấn/ Mà không y cứ trên tánh Không/ Thời nạn vấn không thành/ Cùng đồng chỗ nghi với người kia.//

Theo hai bài tụng cuối này, khi giải đáp hay khi đặt câu hỏi, thời phải y cứ trên tánh Không, nếu không thời người đáp hay người hỏi mắc lỗi lấy giả định làm luận cứ giảo biện (petitio principii). Ngài Nguyệt Xứng (Candrakìrti) dùng thí dụ cụ thể để giải thích lỗi này: “Nếu đối phương có ý phản bác quan điểm sự vật không có tự tính, chẳng hạn, nói rằng, 'bởi vì thọ, tưởng, v..v... đều thật có, nên đối tượng của chúng cũng có thật', thời hết thảy những gì đối phương phát biểu đều thiếu khả năng phản bác, bởi vì sự hiện hữu của thọ, tưởng, v..v... là cùng một cách thức như sự hiện hữu của các đối tượng, và đó là điều cần phải chứng minh.

Ngay cả hiện tượng vật chất, khi được quán sát phân tích kỹ càng, thời thấy chúng không hiện hữu đồng nhất hay dị biệt với nguyên nhân vật chất, cho nên thọ do duyên xúc, tưởng câu khởi đồng thời với thức, hành do duyên vô minh, và thức do duyên hành, khi được phân tích quán sát kỹ càng, tất cả đều không hiện hữu đồng nhất hay dị biệt với nhân của chúng. Chúng đều giống như xúc và những yếu tố khác của vòng sinh tử, tất cả đều là những điều cần phải được chứng minh. Và vì thọ, tưởng, v..v... đều giống như những điều cần phải được chứng minh, cho nên thuộc tính và chủ thể, quả và nhân, toàn thể và bộ phận, và những khái niệm như vậy toàn là những sự thể giống như hiện tượng vật chất đều là những điều cần phải được chứng minh. Làm sao đối phương có thể đề ra một sự phản bác? Tất cả những luận cứ họ dùng để phản bác đều là những điều cần phải được chứng minh.” (Prasannapadà. Candrakìrti. Bản dịch Anh ngữ của Mervyn Sprung)

Đoạn văn luận giải trên tương ứng với nguyên văn tiếng Phạn sau đây của hai bài tụng IV.8 và IV.9. So với bản chữ Hán chỉ dịch ý thời bản tiếng Phạn nói rõ hơn về lỗi giảo biện vin vào luận cứ giả định nếu không y cứ trên tánh Không.

Bản chữ Phạn:

IV.8. Vigrahe yah parihàram krte sùnyatayà vadet,

Sarvam tasyàparihrtam samam sàdhyena jàyate.

IV.9. Vyàkhyàne ya upàlambham krte sùnyatayà vadet,

Sarvam tasyànupàlabdham samam sàdhyena jàyate.

Dịch:

IV.8. Khi phân tích y cứ trên tánh Không,

bất cứ người nào phản bác, thời những điều người này không phản bác đúng là những điều cần phải được chứng minh.

IV.9. Khi giải thích y cứ trên tánh Không,

bất cứ người nào nạn vấn, thời những điều người này không nạn vấn đúng là những điều cần phải được chứng minh.

Y cứ vào tánh Không có nghĩa là phân tích chứng rõ một hiện tượng là vô tự tính, vô tự tính đương nhiên là do nhân duyên sinh và chỉ có theo nghĩa tục đế. Ở đây, ngài Long Thọ căn cứ vào lý nhân duyên sinh mà bác bỏ khái niệm về hiện tượng có tự tính. Do đó, khi phản đáp với mục đích đả phá quan niệm sự vật vô tự tính, hay khi nạn vấn nghi ngờ về tánh vô tự tính của sự vật, ý của đối phương là muốn đề cập bất kỳ hiện tượng nào đó có tự tính. Bởi vậy trong luận chứng phản bác của đối phương, tiền đề là: “Có những hiện tượng hoàn toàn độc lập và sinh khởi không có nguyên nhân, hoặc sinh khởi từ một hiện tượng khác có tự tính.” Nhưng xét cho kỹ thời tiền đề ấy chỉ là giả định, tức là điều cần phải được chứng minh!

Chắc chắn đối phương không thể chứng minh hiện tượng có tự tính được bởi vì Phẩm IV cũng như Phẩm I đã đưa ra đầy đủ lý do để bác bỏ hết thảy mọi lối nhìn điên đảo cho rằng các pháp duyên khởi có yếu tính quyết định và luận phá tất cả mọi kiến giải sai lầm về sự sinh khởi của các pháp do tác dụng của năng lực dẫn sanh quả từ tự tính của nhân.

Như đã trình bày, trong Phẩm này, ngài Long Thọ đả phá sự phân loại bốn đại làm yếu tố nguyên nhân cơ bản và năm căn năm trần làm hiện tượng hóa lý dẫn xuất thứ cấp. Ngài bác bỏ chủ trương quan hệ nhân quả một chiều cho rằng do sự biến hóa của bốn đại năng tạo mà các hiện tượng hóa lý được thành lập và mệnh danh là sắc pháp sở tạo. Luận pháp Ngài sử dụng có thể đem dùng để bác xích những chủ trương không thuần túy khoa học, có tính cách siêu hình và giáo điều như trong khoa học duy vật chủ nghĩa (Scientific materialism) hiện nay. Sau đây là những đặc điểm thường được xem như giáo điều của khoa học duy vật chủ nghĩa. 

1. Nguyên lý khách quan (Objectivism). Chủ nghĩa khoa học duy vật đòi hỏi đối tượng khảo sát phải phát xuất từ kinh nghiệm. Nhưng kinh nghiệm đây là thứ kinh nghiệm công cộng được nhiều người san sẻ chứ không kể đến những kinh nghiệm do cá nhân tự chứng tự giác. Ngoài ra, phương pháp khảo sát phải khách quan, nghĩa là xem sự vật ở trong thực tại phải ở bên ngoài kiến thức của người khảo sát. Vì vậy kiến thức khoa học trưng bày một thế giới trong đó không tìm ra sự có mặt của tâm thức và không vin vào đâu mà thi thiết ý nghĩa về sự hiện hữu của tâm thức.

2. Nguyên lý nhất thể (The monistic principle). Đối với chủ nghĩa khoa học duy vật, vũ trụ chỉ có một, gồm duy nhất một thực chất, đó là vũ trũ vật lý học, một vũ trụ vận hành như một Bộ Máy Khổng Lồ. Hiện tượng được định nghĩa là sự vật, biến cố, và quá trình có hình tướng mà giác quan nhận thức được khác với thể tánh (noumena) là yếu tính của sự vật tự hữu tự tồn.

Mọi hiện tượng đều là hiện tượng vật lý. Các nhà khoa học duy vật tin chắc có thể mô tả toàn vẹn vũ trụ ấy căn cứ vào những định luật vật lý học được khám phá một cách khách quan. Những định luật vật lý này tác dụng điều hành tiến trình biến chuyển của mọi hiện tượng đồng đều khắp nơi và ở mọi thời. Mọi hiện tượng vật lý đều diễn biến có trật tự, có thể lặp lại, và diễn tả bằng toán ngữ căn cứ vào kết quả đo lường. Như thế, mọi hiện tượng không phải hiện tượng vật lý như hiện tượng tâm lý, định tính, thưa thớt, đơn phát, hoặc diễn biến không có trật tự đều bị gạt bỏ.

3. Nguyên lý quy giảm (The principle of reductionism). Vì chấp nhận nguyên lý nhất thể nên phải xác định bản tính của thực chất cấu tạo vũ trụ. Các nhà khoa học duy vật tin tưởng rằng nguyên nhân của bất cứ hiện tượng vĩ mô nào cũng bắt nguồn từ những hiện tượng vi mô. Chẳng hạn, tập tính của tế bào người là do tập tính của các hạt cơ bản hợp thành tế bào. Hiện nay, trong ngành lý sinh học thần kinh, mọi hiện tượng tâm lý đều quy giảm về hoạt tính não bộ, nghĩa là chủ trương vật chất có tự tính và là nguyên nhân của mọi quá trình tâm lý. Đến nay các nhà lý sinh học duy vật chưa trưng dẫn được bằng chứng làm thế nào bản tính và nguồn gốc của tâm ý thức cũng như của những biến cố tâm lý khác phát xuất từ tính hoạt động của tế bào thần kinh.

4. Nguyên lý khép kín (The closure principle). Về quan hệ nhân quả, họ chủ trương nguyên lý khép kín (The closure principle): Không một hiện tượng nào ngoài hiện tượng vật lý được quan niệm là nhân của những hiện tượng vật lý khác. Như thế, mọi công cuộc nghiên cứu trong ngành sinh học và thần kinh học luôn luôn được thực hiện với giả thiết không một yếu tố nào ngoài các yếu tố vật lý ảnh hưởng đến những diễn biến hữu cơ trong thần kinh hệ và đến cách thức hoạt động của con người. Điều này rõ ràng là không phù hợp với kinh nghiệm sinh hoạt hằng ngày.

5. Nguyên lý thực hữu (Physicalism). Trong thực tại chỉ có vật chất và quá trình vật lý là có thật. Nói cách khác, chỉ có cấu hình của không gian và của khối/năng cùng với tác dụng, phẩm tính, và hiệu quả của chúng là thực hữu. Do đó, cái gì thực hữu đều có thể định lượng, như là các yếu tố cấu thành thực tại vật lý và những định luật điều hành các hỗ tương tác động giữa chúng. Chung cùng, nguyên lý thực hữu cho thấy một vũ trụ hoàn toàn vô tri vô giác, vô nghĩa, phối cảnh nhìn từ một quan điểm hoàn toàn khách quan, không nhân tính. Đây là một quan điểm nhìn vào thực tại từ “không nơi nào”! 

Năm đặc tính nêu trên mô tả tôn chỉ của phái theo chủ nghĩa khoa học duy vật thực ra chỉ là những phương pháp ứng dụng để tìm hiểu thực tại. Nhưng các nhà khoa học duy vật có thái độ cố chấp nên lập chúng thành những giáo điều thay vì xem chúng như là những quan niệm phân tích phát sinh từ nhu cầu tìm hiểu nhân duyên và tương quan nhân quả. Điều đáng lo ngại nhất hiện nay là thế giới đang chịu ảnh hưởng nặng nề của khoa học duy vật chủ nghĩa căn cứ trên cơ học cổ điển Newton. Theo định luật chuyển động của Newton thời ta có thể dự đoán tương lai hay ngược suy quá khứ của một vật chuyển động nếu biết rõ một số dữ kiện, thường gọi là điều kiện đầu, mô tả thuộc tính của vật ấy vào một lúc nào đó. Thí dụ biết được vị trí và vận tốc của quả đất, mặt trăng, và mặt trời hiện giờ thời có thể suy diễn những ngày trăng tròn, trăng khuyết, nguyệt thực, hay nhật thực trong tương lai và quá khứ. Đây là trường hợp với mỗi quả tương ứng một nhân mà thôi.

Mặc dầu chương trình thám hiểm không gian là một thành công lớn của cơ học Newton, phạm vi ứng dụng các phương trình chuyển động của cơ học Newton rất hạn hẹp. Thí dụ: Đối với chuyển động tương đối theo định luật sức hút vạn vật của hai vật thể thời có thể tìm ra lời giải chính xác, nhưng nếu là của ba vật thể thời phải bó tay. Vả lại trên nguyên tắc, theo cơ học lượng tử ta không thể nào đo lường chính xác các điều kiện đầu và theo thuyết hỗn độn (chaos theory) nếu các điều kiện đầu chỉ thay đổi một đại lượng vô cùng bé thời với thời gian, tập tính (behavior) của lời giải sẽ trở nên vô cùng hỗn độn khó lường. Hơn nữa, thuyết tương đối bác bỏ hoàn toàn những khái niệm căn bản của cơ học Newton xem không gian và thời gian, vật chất và năng lượng như những tự thể độc lập riêng biệt. 

Thế mà hiện nay cơ học cổ điển Newton vẫn duy trì ảnh hưởng rộng lớn trong mọi ngành khoa học: vật lý, sinh học, tâm lý, xã hội, kinh tế, chính trị, v..v... và trong đời sống cá nhân và cộng đồng, nhất là tại các nước được xếp vào hạng văn minh nhất thế giới. Các thể chế chính trị cũng như hoạt động của con người đều được quan niệm vận hành máy móc theo những quy luật tự nhiên. Tự do cá nhân chỉ là thứ tự do bị phối chế (conditioned freedom) hướng về hưởng lạc thú và thỏa mãn tham ái và dục vọng. Trong xã hội mà khoa học duy vật ngự trị, tôn giáo phải đứng riêng biệt ra một khu vực, lìa xa lý trí và khoa học, chỉ thuần túy chuyên trách những vấn đề tâm linh, tín ngưỡng, và truyền thống mà thôi.

Những giả định siêu hình của khoa học duy vật chủ nghĩa thường được đem ra trình bày như là những kết quả thực nghiệm của khoa học. Cách trình bày như vậy vấp phải lỗi giảo biện vin vào luận cứ giả định như được đề cập trong hai bài tụng cuối IV.8 - 9. Hãy đưa ra một thí dụ. Số báo Time, ngày 17 tháng bảy, 1995 đăng một bài có hình ở trang bìa với nhan đề: “Glimpses of the Mind: What is Consciousness? Memory? Emotion? Science unravels the best-kept secrets of the human brain” (Liếc nhìn qua Tâm: Thế nào là Thức? là Ký ức? Là Xúc động? Khoa học giải khai những gì bí mật nhất về não con người) của Michael D. Lemonick. Trong bài này, tác giả vô tình hay hữu ý trình bày những giả thiết siêu hình của khoa học duy vật như những khám phá khoa học xác thật.

Ở trang đầu là một bức hình của não do máy tính vẽ ra từ bộ quét của PET (Positron-emission tomography), một phép chụp bằng tia X theo lớp, với lời chú thích đây là ảnh của “một ý nghĩ buồn” (a sad thought). Thực ra, đó là ảnh của một vùng não có những tế bào thần kinh tích cực hoạt động gia tăng sự chuyển hóa trong lúc một ý nghĩ buồn xuất hiện. Hoạt động của tế bào não và tri giác về cảm thọ có thể liên kết như vậy là do kinh nghiệm cá thể được cá nhân tường thuật lại đồng thời với sự quán sát não bộ theo phương pháp khoa học. Ngoài ra, sự tương quan nhân quả giữa cảm thọ và hoạt động tế bào não của những vùng liên hệ đang là một giả thuyết chưa được kiểm chứng toàn bộ. Do đó, tác giả đã lấy một giả định làm thành một xác quyết khoa học mà không cho độc giả hay.

Cùng một luận điệu, khi nói về ký ức, tác giả phán quyết: “Ký ức không gì khác hơn là một vài ngàn tế bào não phát xạ theo một mẫu hình đặc thù nhất định”. Đó là một sự khẳng nhận đối với hai nguyên lý, quy giảm và thực hữu, của chủ nghĩa khoa học duy vật. Không có gì trong lời phát biểu biện minh cho nguyên nhân và cách thức phát sinh ký ức. Luôn luôn đứng trên lập trường tâm phát sinh từ não, tác giả tiếp tục viết: “những kỹ thuật hiệu dụng như MRI (magnetic resonance imaging; phép phát hiện ảnh bằng cọng hưởng từ) và PET (Positron-emission tomography; một phép chụp bằng tia X theo lớp) mở cửa sổ cho thấy bộ não con người, để các khoa học gia theo dõi một ý tưởng thành hình, thấy lớp sáng đỏ của sự sợ hãi phát ra từ một cấu trúc mệnh danh là amiđan, hay ghi chú sự phát xạ tiết lộ bí mật của các tế bào não khi một ức niệm chôn vùi từ lâu được tái tạo.”

Cuối cùng, nhận lầm thức là tự ngã, Lemonick viết: “Mặc dầu theo bản năng ta tin ngược lại, thức không phải là một sự vật nằm bên trong não tương ưng với “ngã” là hạt nhân của tri giác, nhà đạo diễn tấn tuồng... Sau hơn thế kỷ truy tầm, các nhà não học kết luận rằng không một nơi nào khả dĩ tưởng tượng là trụ sở của một cái ngã như vậy, và thật ra đơn giản là nó không có. ...

Có thể các khoa học gia trong tương lai sẽ chấp nhận sự hiện hữu của một cái gì nằm ngoài tầm hiểu biết của mình, cái gì đó có thể mô tả như là linh hồn.”

Nếu quả đây là một sự cố ý của tác giả thời rõ ràng bài báo này đã lừa gạt độc giả vì mập mờ đánh lận con đen, trình bày giả thuyết cần phải chứng minh như là sự thật đã được thể nghiệm. Trung luận gọi đó là hý luận. Tác giả có thể vô tình như “kẻ phàm phu mê tối đối với sự thật bèn khởi ra các tướng của các pháp, chấp lấy tướng mà cho ra danh, y theo danh mà giữ lấy tướng”, sinh vọng tưởng nghĩ sai lầm các pháp có tự tính. Những vọng tưởng chấp trước như vậy đã huân tập trong tâm từ vô thủy, những cảm nhiễm thâm căn cố đế đã kết thành tập quán vô minh trong sinh hoạt nhận thức sai lầm của tác giả. Do đó, vì không khéo sử dụng ngôn ngữ và luận lý để nhận ra những vọng tưởng hý luận, tác giả đã mắc phải lỗi lấy ngọn làm luận cứ để quyết định vấn đề, lấy giả định làm tiền đề thay thế những chân lý đã thực chứng.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Chín 2022(Xem: 32254)
Tinh yếu của đạo lý Tánh Không của Bồ Tát Long Thọ xưa nay vốn là thểtài sâu rộng mà biết bao luận sư, giảng sư, học giả, trí thức đã dày côngnghiên cứu và lưu bố. Nhưng, không phải vì thế mà không còn gì để truy tầmhay ham học. Ngược laị, càng có nhiều người diễn giải càng có thêm nhiềuchiếu kiến mới lạ rất giá trị để suy nghiệm. Nay Thượng Tọa Thích Viên Lý, một tác giả và dịch giả của hàng chục pho sách rất giá trị, phát tâm dịch sang tiếng Việt để giúp cho người học Phật, nhất là những ai quan tâm đến giáo nghĩa Không Tánh của Bồ Tát Long Thọ. Mặc dù, đây là một tác phẩm chứa đầy những phương pháp lý luận tinh vi, những thuật ngữ triết luận lý học, và Tánh Không học chuyên biệt, dịch giả bằng phong cách đặc dị và bút pháp trong sáng đã giúp cho người đọc cảm thấy nhẹ nhàng và dễ nắm bắt hơn.
19 Tháng Sáu 2017(Xem: 7305)
19 Tháng Tư 2017(Xem: 6591)