A. Tâm Thức Và Máy Tính.

07 Tháng Mười Một 201000:00(Xem: 12071)

VIỆN CAO ĐẲNG PHẬT HỌC HẢI ĐỨC
Hồng Dương Nguyễn Văn Hai
LUẬN GIẢI TRUNG LUẬN
TÁNH KHỞI VÀ DUYÊN KHỞI
PL.2547 - DL.2003 - Ban tu thư Phật học

22. Tâm thức, Toán học, và Thế giới 
A. Tâm thức và Máy tính.
Kế toán và tâm thức.

Trong mấy thập niên mới đây, nhờ học hỏi kinh nghiệm nơi các bậc Thiền đức các nhà thần kinh học đạt nhiều tiến bộ đáng kể trong công trình tìm hiểu não bộ ảnh hưởng những hoạt động tâm lý như thế nào. Nhưng họ vẫn còn mờ mịt về cội nguồn và bản tính của những tác dụng nội tâm. Họ không có phương tiện khách quan nào để phát hiện sự có mặt của tâm thức trong thai đang phát triển hay trong người lớn. Đối với họ, tâm thức hay tánh biết là sản phẩm của não trong quá trình tiến hóa, không có tự ngã hay linh hồn huyền bí nào chủ tể cả. Nhưng phát sinh như thế nào, thời họ hoàn toàn không giải thích được. Một số tin rằng tất cả mọi quá trình hoạt động tâm lý đều diễn biến bên trong tầng sâu thẳm nhất của hệ thần kinh. Họ chưa tìm ra cách nào để trực tiếp thấy biết quá trình tâm, ngoại trừ quán sát tâm thông qua những mẫu hình cọng hưởng của các mạch neuron. Cái thế giới ta nhận thức, cái thế giới não trưng bày cho ta thấy chỉ là một bức ảnh đã được các mạch neuron ấy tô điểm lại chứ không phải nguyên bản. Đo lường các tác dụng của tâm thời cũng chỉ đo lường được những biến chuyển đã được truyền dẫn hiện khởi lên ở bề mặt trên của hệ thần kinh mà thôi. 

Phải vin vào các mẫu hình cọng hưởng của các mạch neuron để biểu hiện quá trình tâm là vì khi các cấu chất của não liên tục sinh diệt và khi các đường dây neuron không ngớt thay đổi thời cuối cùng chỉ có mẫu hình biến chuyển là tồn tại. Gọi các mẫu hình này là mẫu hình cọng hưởng bởi tại chúng hình thành do sự cọng hưởng của tần số các xung động neuron xuyên qua các mạch não. Trong thực tế mạng lưới não biến chuyển quá nhanh chóng và quá phức tạp. Riêng vỏ não hiện nay ước lượng có phỏng chừng 100 tỉ neuron (số 1 đèo theo 11 zero). Nếu làm toán để tính hết thảy mọi cách chúng có thể nối kết nhau thời số tổ hợp nối kết khi viết ra cần đến hàng triệu zero đứng sau số 1. Cho rằng mỗi tổ hợp tương ứng với một phương cách não nhận thức, như thế đủ thấy khả năng nhận thức của não bao gồm một số hình thái nhận thức lớn hơn cả tổng số các dương điện tử hiện có trong vũ trụ. Nhưng đó mới là khởi điểm của phức độ. Các neuron dùng tín hiệu điện và hóa chất để truyền thông với nhau. Khắp não bộ, cứ mỗi giây, từ neuron này đến neuron khác hàng triệu tín hiệu được bắn ra. Kết quả là mạng lưới não tự phối trí, điều hợp trạng thái cọng hưởng thích nghi với bên ngoài từng sát na, mau lẹ hết sức tưởng tượng.

Nhà toán vật lý học Roger Penrose, giáo sư Đại học Oxford, Anh quốc, phản bác lý thuyết của các khoa học gia nặng đầu óc duy vật cho rằng tâm thức là hiện tượng ngoại vi (epiphenomenon), tức sinh khởi từ hoạt động của các neuron trong vỏ não nhưng không có quyền năng kiểm soát các hoạt động neuron ấy. Theo thuyết ngoại vi hiện tượng, neuron đảm trách hết mọi việc mà không bao giờ hỏi ý kiến chúng ta, kể cả những việc liên can ý chí tự do và trách nhiệm cá nhân như chọn lựa và quyết định. Theo Penrose, nếu biểu hiện tâm thức như là mạng lưới não phức tạp gồm các đường dây nối kết neuron và các diện tiếp hợp thời vấp phải vấn đề là não có nhiều bộ phận không liên hệ tâm thức. Tiểu não (cerebellum) chẳng hạn, một bộ phận nằm phía sau hai bán cầu não (cerebrum; đại não), thay thế đại não hoạt động sau khi một cơ vận được luyện tập đến mức tinh thông, không cần đến ý thức hay tư duy. Ví như khi mới học lái xe, cần chú ý nhiều đến những động tác sử dụng tay lái, đạp thắng, tăng tốc độ, v..v... thời cần vận dụng vỏ não rất nhiều. Nhưng khi lái xe thuần thục rồi thời mọi cơ vận trở nên tự động. Đây là lúc tiểu não xen vào thay thế vỏ não điều khiển, phối hợp, và hoàn thành mọi cơ vận không cần đến ý thức nữa. Điều đáng lưu ý ở đây là neuron tác dụng vô ý thức của tiểu não có số lượng bằng nửa số lượng neuron của đại não. Ngoài ra, số lượng diện tiếp hợp trong tiểu não và trong vỏ não xấp xỉ giống nhau. Vậy nếu tâm thức hoán khởi từ neuron và các diện tiếp hợp theo quan niệm ngoại vi hiện tượng thời tại sao ý thức lại hoàn toàn vắng mặt trong tác dụng của tiểu não?

Trong tác phẩm Bóng của Tâm (Shadows of the Mind) luận bàn về sự cần triển khai một khoa vật lý học mới để xây dựng một lý thuyết khoa học về tâm thức, Penrose đề cập vấn đề khả năng của người máy (robot) và hệ trí khôn nhân tạo (artificial intelligence) về mặt tâm, ý, thức. Mỗi miếng tích hợp (chip) hiệu Intel Pentium kích thước chỉ bằng móng tay mà gồm hàng triệu transistor, mỗi transistor có năng lực thi hành chu đáo hàng trăm triệu lệnh mỗi giây. Bởi vậy trong trường hợp phải quyết định chọn lựa một trong nhiều cách hành động và cần dự đoán những hậu quả có thể xảy đến với mỗi và mọi cách hành động, các máy tính trở nên rất cần thiết để lượng định mọi hậu quả khả dĩ xảy ra với mỗi mỗi hành động. Não người không thể tính toán nhanh chóng và chu toàn như máy tính. Đó là nguyên nhân vì sao một số khoa học gia tin tưởng trong tương lai mức độ thông minh của máy tính sẽ tăng trưởng vượt bực, hơn hẳn con người. Họ bằng vào sự phát triển năng lực kế toán của máy tính đang lũy tiến và đem so với sự phát tín hiệu của các neuron trong não bộ thời các transistor tính toán nhanh chóng và chính xác gấp bội. Mỗi giây, transistor thực hiện một ngàn triệu phép tính, còn neuron thời chỉ thực hiện chừng một ngàn phát xạ mà thôi. Thời gian và mức chính xác của các tác động được máy tính lượng tính vô cùng xác đáng. Ngoài ra, so với các mạch đường dây liên kết neuron thuộc loại chăng mềm (soft-wired) có tính cách ngẫu nhiên, các mạch điện tử trong máy tính được tổ chức có tính cách cân nhắc và tinh mật hơn.

Họ biết rằng trong hiện tại, não bộ có nhiều điểm ưu thắng. Tổng lượng neuron trong não lên đến hàng trăm ngàn triệu, bỏ xa số lượng transistor trong máy tính. Hơn nữa, đường dây nối kết giữa các neuron trung bình nhiều gấp bội so với số nối kết giữa các transistor trong một máy tính. Chẳng hạn, tế bào Purkinje trong tiểu não, một loại tế bào lớn có chức năng tham gia quá trình cá nhân học hỏi những cơ vận mới, có đến 80 ngàn diện tiếp hợp trong lúc transistor của máy tính chỉ có từ ba đến bốn mà thôi. Tuy nhiên, họ tin rằng do công nghệ phát triển, các dây nối và transistor sẽ được thay thế bằng những thiết bị điều khiển laser và phương cách ghép song song các hệ máy tính sẽ được triển khai để máy tính không còn thua kém não bộ trên phương diện số lượng neuron và số lượng diện tiếp hợp.

Một số câu hỏi được nêu ra. Xét máy tính về phương diện tâm thức, những điều đáng quan tâm có thật chỉ có các vấn đề sau đây mà thôi: năng lực kế toán, khả năng vận hành nhanh chóng và chính xác, độ lớn dung lượng của bộ nhớ, hay tổ chức tinh vi sơ đồ nối kết các transistor? Mặt khác, có thể nào xảy ra trường hợp một số tác dụng của não bộ không thể dùng kế toán để mô tả? Những cảm giác ý thức được như hạnh phúc, đau khổ, tình yêu, ý chí,... đặt vào chỗ nào trong máy tính? Trong tương lai, máy tính có thể nào bao gồm cả tâm thức? Nếu quả có tâm thức, thời tâm thức thật có ảnh hưởng trên tập tính hay không? Dùng ngôn ngữ khoa học để bàn luận về tâm thức có hợp lý không? Hay là khoa học thật sự bất lực không khảo sát và phân tích nổi những vấn đề liên hệ tâm thức?

Penrose phân biệt có ít nhất bốn quan điểm khác nhau, hay nói đúng hơn, có bốn kiến giải cực đoan về quan hệ giữa kế toán (computation) và tâm thức (mind/consciousness).

Quan điểm A: Suy tưởng là kế toán. Riêng cảm giác về tri thức (feelings of conscious awareness) thời có thể hoán khởi bằng cách thực hiện những kế toán thỏa đáng.

Quan điểm B: Nhận biết (awareness) là một tác động vật lý của não. Tuy có thể mô phỏng trên máy tính mọi tác động vật lý của não, nhưng mô phỏng trên máy tính tự nó không thể hoán khởi sự nhận biết được.

Quan điểm C: Tác động vật lý thỏa đáng của não có thể hoán khởi sự nhận biết. Tuy nhiên, không thể mô phỏng tác động vật lý ấy trên máy tính một cách thích đáng được.

Quan điểm D: Sự nhận biết không thể giải thích bằng những ngôn từ vật lý, kế toán, hay khoa học nào khác.

Hai quan điểm, B và C, đều tin rằng cấu tạo vật chất của não là yếu tố căn bản trong sự định đoạt có hay không có tâm thức. Tâm thức nếu hiện hữu thời hiện hữu tương quan tương duyên với chất liệu của não. Nghĩa là chúng nương vào nhau tương đãi tương thành, chứ không phải chất liệu của não tác động mà “sinh ra” tâm thức.

Chấp nhận quan điểm D tức là phủ nhận hoàn toàn lập trường của các nhà khoa học duy vật và chủ trương tâm thức không thể giải thích bằng ngôn ngữ khoa học. Do đó, những người phái D được sắp thuộc phái huyền bí. Đối lập quan điểm D là quan điểm A. Trong phái A tuy có những ý kiến khác nhau về tâm thức và nhận biết, về có hay không có hiện tượng gọi là tri thức, về tác động như thế nào mới gọi là kế toán hay thực hiện kế toán, nhưng tựu trung hết thảy đều chấp nhận thế giới vật chất vận hành theo luật tắc kế toán. Những người thiên kiến A không lưu tâm đến chất liệu cấu tạo cái vật thể đang tác dụng suy tưởng. Đối với họ chính kế toán vật thể ấy đang thực hiện mới xác định các hoạt động tâm thức. Các phép tính toán là những mảnh phần của toán học trừu tượng, không dính líu đến vật thể riêng biệt nào cả. Do đó, phái A chỉ chú trọng đến kế toán là những hoạt dụng trừu tượng toán học và cho rằng tâm thức hoàn toàn không liên hệ vật chất.

Chữ kế toán (computation) thường được hiểu là hoạt động tính toán của một máy tính thông dụng. Nhưng muốn chính xác hơn, Penrose nói đó là tác dụng của một máy Turing, tức là một máy tính lý tưởng không bao giờ lỗi lầm, vận hành bao lâu cũng được, nhờ có một bộ nhớ vô cùng rộng lớn. Ngoài ra, ở đây chữ kế toán có thể thay thế bằng chữ thuật toán (algorithm), có nghĩa là phép diễn toán hoặc được tổ chức theo đúng một thủ tục thiết kế rõ ràng và cố định đưa đến một giải đáp minh bạch (top-down procedure; thủ tục chóp xuống), hoặc sử dụng một thủ tục nhằm vận dụng hệ thống cải tiến hiệu năng tùy thuộc kinh nghiệm học hỏi của máy (bottom-up procedure; thủ tục đáy lên).

Theo quan điểm A, vũ trụ là một máy tính khổng lồ. Nó có thể thực hiện những chương trình con (subprogram) thích đáng để dẫn khởi những cảm giác tri thức, tạo nên cái gọi là tâm thức. Quan điểm này phát xuất từ sự tin tưởng vào hiệu lực của phương pháp mô phỏng trên máy tính (computer simulation) và phần nào cũng do quan niệm các hiện tượng vật chất chỉ là những mẫu hình thông tin (patterns of information). Những mẫu hình này tuân theo những luật tắc kế toán. Hầu hết chất liệu trong cơ thể và não bộ được thay thế liên miên, cái tồn tại là những mẫu hình của chúng. Ngoài ra, vật chất cũng biến chuyển, thay đổi từ dạng này sang dạng khác. Ngay cả khối lượng (mass) là độ đo chính xác đại lượng vật chất chứa trong vật thể có thể chuyển hóa thành năng lượng thuần túy trong nhiều trường hợp thích đáng. Như vậy, vật chất cấu tạo não cũng có thể chuyển biến thành một hiện thực toán học hoàn toàn lý thuyết. Cơ học lượng tử cũng xác quyết rằng các hạt vật chất toàn là những sóng thông tin (waves of information). Tóm lại, vật chất chính nó cũng mơ hồ, vô thường, như huyễn. Do đó, có lý do mà nói rằng sự tồn tại của cái “ngã” (self) xét ra liên hệ với sự tồn tại của các mẫu hình (ngũ uẩn) nhiều hơn là với sự tồn tại của các hạt vật chất hiện hữu (tứ đại).

Đối với phái A, nếu một người máy do máy tính điều khiển thông qua thử nghiệm Turing, tức phản ứng và trả lời những câu hỏi đặt ra cho nó giống như người thật, nghĩa là hành động như thể có tâm thức, thời nó đương nhiên được công nhận là có tâm thức. Phái B không đồng ý. Một người máy không tâm thức vẫn có thể hành động như một người có tâm thức. Tiến trình vật lý được mô phỏng trên máy tính là tiến trình biểu tượng, không phải là tiến trình thực tại. Chẳng hạn, sự mô phỏng một cơn bão trên máy tính chắc chắn không là cơn bão. Tuy vậy, cả hai phái A và B đều công nhận người máy do máy tính điều khiển có thể hành động như người có tâm thức. Đó là điểm khác biệt với phái C. Theo phái này, không bao giờ có thể mô phỏng một người có tâm thức trên người máy do máy tính điều khiển. Nơi một người máy hành động tưởng như người có tâm thức, sự thiếu vắng tâm thức cuối cùng thế nào cũng lộ diện nếu kéo dài thời gian hạch hỏi.

Theo B, sự có mặt hay thiếu vắng tâm thức tùy thuộc vật thể nào là chủ thể đang suy tưởng và tùy thuộc những tác động vật lý riêng biệt nào chủ thể ấy là tác nhân. Chẳng hạn, nếu não sinh học là chủ thể đang suy tưởng và tác động dẫn khởi tri giác, thời đây là trường hợp có tâm thức. Trái lại, khi mô phỏng tác động vật lý của não trên máy tính, thời chủ thể suy tưởng là chương trình máy tính và tác động suy tưởng là thực hiện những phép tính, không có gì chứng minh sự có mặt của tâm thức. Như vậy, điều quan trọng nhất ở đây đáng quan tâm là thể trạng chất liệu của vật thể chứ không phải tác động tính toán của nó.

Tâm thức bất khả kế toán.

Penrose thiên về kiến giải C, cho rằng đối với ba quan điểm kia quan điểm C gần đúng chân lý nhất. Theo C, những vật thể có tâm thức như não bộ chẳng hạn, biểu hiện bên ngoài những tướng trạng sai khác với những tướng trạng máy tính biểu hiện bên ngoài. Vì thế nên không thể mô phỏng những tác quả biểu lộ bên ngoài của tâm thức trên máy tính một cách thích đáng. Penrose chấp nhận quan điểm cho rằng tướng hiện khởi của tâm thức là nương vào tác động của một số vật thể, như của não, mặc dầu không bắt buộc chỉ của não mà thôi. Tuy nhiên, các tác động vật lý hoán khởi tâm thức không thể mô phỏng một cách đích xác trên máy tính được.

Thử hỏi trong vật lý học hiện đại có một tác động nào khả dĩ phát hiện mà trên nguyên tắc không mô phỏng được trên máy tính hay không? Thật sự, hiện giờ chưa có bằng chứng toán học nào trả lời dứt khoát câu hỏi đó. Tuy nhiên theo Penrose, một tác động như vậy có thể tìm thấy trong cảnh giới vật lý học nằm ngoài sự kiềm tỏa của các định luật vật lý hiện có. Trong sách Bóng của Tâm, ông đưa ra những luận chứng toán học và vật lý học để biện minh một lý thuyết khoa học về tâm thức cần một lối nhìn mới, một phép quán chiếu mới để thông đạt cảnh giới nằm giữa thế giới vi mô vận hành theo những luật tắc của cơ học lượng tử và thế giới vĩ mô vận chuyển theo những định luật của vật lý cổ điển và của thuyết tương đối. Ông nghĩ rằng chính đó là cảnh giới của tâm thức.

Nói rằng cần phải thoát ra khỏi cảnh giới hiểu biết của khoa học hiện đại để tìm cách giải thích hiện tượng tâm thức không có nghĩa là Penrose chấp nhận quan điểm D. Thật ra, hai kiến giải C và D hoàn toàn sai khác về mặt phương pháp luận. Theo C, vấn đề tâm thức là một vấn đề khoa học, mặc dầu khoa học hiện đại bất lực và một khoa học mới thỏa đáng để giải quyết vấn đề đang còn là dự tưởng. Khác hẳn với quan điểm D xác quyết khoa học không giải quyết nổi vấn đề tâm thức.

Bốn kiến giải A, B, C, và D là những thiên kiến cực đoan. Lẽ cố nhiên, có nhiều quan điểm nằm giữa hay tổ hợp hai trong bốn thiên kiến nói trên. Chẳng hạn, kiến giải tổ hợp A và D chủ trương rằng não bộ tác động như một máy tính, nhưng là một máy tính quá xảo diệu nên đó là một sáng tạo của Đấng tạo hóa chứ con người và khoa học không thể mô phỏng trên máy tính được, nghĩa là mọi tác động của não bộ đều bất khả kế toán.

Để có một ý niệm rõ ràng về tính bất khả kế toán, tưởng cũng nên nêu ra đây thí dụ về một bài toán không thể giải trên máy tính: bài toán số 10 của Hilbert. Năm 1900, nhà toán học Đức David Hilbert đưa ra trước Hội nghị Quốc tế Toán học 23 bài toán chưa có lời giải, những bài toán này là động cơ thúc đẩy sự phát triển nhiều ngành toán học mới trong thế kỷ 20. Bài toán thứ mười đặt vấn đề là “tìm một thuật toán (algorithm) tức một thủ tục diễn toán để quyết định khi nào một hệ thống phương trình Diophantos có lời giải.” Đại khái chỉ cần biết Diophantos là tên một toán gia Hy lạp sống vào thế kỷ 3, người đã chuyên nghiên cứu những hệ thống phương trình đa thức với hệ số toàn là số nguyên và đòi hỏi các lời giải phải là số nguyên. 

Nếu có một thuật toán giải đáp bài toán số 10 thời máy tính sẽ vận hành cho đến khi thuật toán quyết định dứt khoát một hệ thống phương trình Diophantos hoặc có hoặc không có lời giải. Trong trường hợp thuật toán không thể lấy quyết định thời máy tính sẽ vận hành mãi mãi không ngưng. Sự tìm kiếm một thuật toán như vậy tất nhiên dẫn đến bài toán gọi là bài toán đình lưu (the halting problem): “Hãy xác định trong trạng huống nào một máy tính Turing hoạt động liên tiếp tự nó không ngưng lại được.” Mãi đến năm 1970 bài toán thứ mười của Hilbert mới được nhà toán học Nga Yuri Matiyasevich tìm ra lời giải: Không thuật toán nào đủ khả năng quyết định một cách máy móc một hệ thống phương trình Diophantos có hay không có đáp số. 

Bài toán số 10 và bài toán đình lưu là thí dụ về những bài toán bất khả kế toán, nghĩa là không thể dùng máy tính mà giải được. Điều đáng lưu ý ở đây là có những phép diễn toán ta biết được là không bao giờ ngưng, thế mà không tìm ra một thuật toán nào đủ khả năng xác định những phép diễn toán ấy không bao giờ ngưng!

Kiến giải C chủ trương sự nhận biết (awareness) là do một tác động vật lý thỏa đáng hoán khởi, và không một phép kế toán nào khả dĩ mô phỏng tác động ấy. Theo Penrose, nhận biết là điều kiện cần để tựu thành sự thông hiểu (understanding) và sự thông hiểu là điều kiện cần của tánh thông minh (intelligence). Ông nhấn mạnh cần phải hiểu “thông minh” là thông minh có nhận biết, có thông hiểu như vậy thời mới không ngộ nhận với từ thông minh dùng trong cụm từ “thông minh nhân tạo” (Artificial Intelligence hay viết tắt AI) để chỉ bất kỳ hoạt động nào thực hiện mô phỏng (simulation) bằng kế toán. Bởi thế cho nên nhằm biện minh cho kiến giải C, thay vì tìm cách chứng minh rằng nếu một tác động vật lý hoán khởi sự nhận biết và do đó, sự thông hiểu, thời tác động ấy không thể mô phỏng trên máy tính được, Penrose chứng minh có một sự thể nào đó liên hệ đến sự thông hiểu của con người không thể mô phỏng bằng bất cứ phép kế toán nào, và như vậy, chứng tỏ không có hệ trí khôn nhân tạo nào khả dĩ mô phỏng tâm thức.

Tâm thức, theo ông, gồm hai mặt. Một tiêu cực, đó là sự nhận biết. Một tích cực, đó là cảm giác về ý chí tự do. Ý nghĩ của ông đúng là sự nhận xét về cái bản chất mâu thuẫn cố hữu của cuộc đời do lý tính con người phát kiến. Con người sinh ra tất phải có già và chết, đó là lẽ tự nhiên. Nhưng con người muốn trẻ mãi không già, sống hoài không chết. Như thế, một mặt, nhận biết tính cách vô thường của vạn pháp vận hành theo những định luật thiên nhiên và thông hiểu sự sống còn của mình là phải khuất phục những định luật tất nhiên ấy. Song mặt khác, con người còn có cuộc sống tinh thần lấy tự do làm đặc tướng, muốn dùng ý chí tự do của mình để thoát ra khỏi vòng kiềm tỏa của các định luật thiên nhiên ác nghiệt. Một mặt đành chịu khuất phục sự ràng buộc của luật thiên nhiên và mặt kia muốn chống lại thiên nhiên để thực hiện cái ý chí tự do của mình, sự mâu thuẫn cố hữu đó hoàn toàn do kết quả của sự trấn áp tinh thần mà có. Chính nó là nguồn gốc của cái khổ mà đức Phật thường xuyên khuyến khích tu dưỡng để đoạn diệt. Đây không phải là cái khổ do cảm giác trực tiếp cảm nhận. Vì nhận thức do cảm giác, thời không những chỉ có khổ, mà còn có vui, và cũng có trạng thái không khổ, không vui, và như vậy nhận thức về khổ hay vui rất dễ tiêu tán tùy theo nhịp độ của khổ hoặc vui qua đi.

Sự mâu thuẫn cố hữu này không chỉ tồn tại giữa thiên nhiên và tinh thần con người mà còn xảy ra ngay trong tự thể của đời sống tinh thần nữa. Thật vậy, tâm gồm ba yếu tố là trí, tình, và ý. Tình, ý tự lấy nó làm trung tâm rồi nhất thiết theo đó mà phán đoán tốt, xấu. Trái lại, trí thời quên mình mà thích ứng với đối tượng. Tác dụng tâm lý này tuy thường có thể thỏa hiệp, nhưng cũng có lắm trường hợp tình, ý lôi cuốn đàng này, trí trì kéo về đàng khác, và trở nên xung đột kịch liệt khiến cho nội tâm bất an, gây một nỗi khổ não âm thầm, làm cho thâm tâm trực nhận một cái gì dày vò khó tả.

Về mặt tích cực của tâm thức, cảm giác về ý chí tự do đưa đến hành động. Những hoạt động ý chí tương ưng với một số tác động vật lý đặc thù của não. Trong tâm lý Phật giáo, về mặt hoạt động, tâm thức được biểu hiện bằng nhiều danh từ như dục, tư, hành, nghiệp,... Tựu trung, danh từ được dùng nhiều nhất và có ý nghĩa rộng nhất là “hành”.

Nói đến sự thông hiểu do nhận biết tức là đề cập vấn đề tâm thức trên phương diện tiêu cực. Penrose đưa ra những luận cứ nhằm nêu rõ có một “cái gì đó” liên hệ đến sự thông hiểu mà không thể mô phỏng bằng kế toán. Để trình bày vấn đề một cách cụ thể và chính xác, ông chọn sự thông hiểu toán học làm thí dụ về “cái gì đó” và chứng minh sự thông hiểu toán học là “cái gì đó” không thể dùng thuật toán mô phỏng. Theo ông, mọi hoạt dụng như là chơi cờ, tiên đoán thời tiết,... dẫu phức tạp đến mức nào đi nữa, nhưng nếu thông hiểu được bằng những phép kế toán minh xác, thời đều thuộc phạm vi thực dụng của máy tính. Chính sự thông hiểu về cơ bản của các luật tắc kế toán mới là cái gì đó vượt quá khả năng kế toán của máy tính. 

Tưởng cũng nên nhắc lại rằng “bất khả kế toán” là nói về sự bất lực mô phỏng của bất kỳ máy tính nào được thiết lập căn cứ trên các nguyên tắc luận lý cơ bản của hết thảy mọi thiết bị điện tử hay cơ giới hiện có. Tuy nhiên, khái niệm tác động bất khả kế toán không hàm ý một cái gì đó vượt khỏi quyền năng của khoa học và toán học. Nó ám chỉ điểm yếu kém của hai kiến giải A và B là không thể giải thích được chúng ta tác nghiệp như thế nào tương ưng với kết quả tác dụng của tâm thức.

Với kinh nghiệm của một nhà toán vật lý học, Penrose bác bỏ quan điểm D vì ông nhận thấy mọi tiến bộ thông hiểu cách thức vũ trụ vận hành đều do sử dụng phương pháp khoa học và toán học. Hơn nữa, duy chỉ những hiện tượng tâm thức quan hệ mật thiết với những vật thể đặc thù như não thời mới có thể thí nghiệm. Mặt khác, rõ ràng có sự liên hợp giữa những sai biệt tâm trạng và những sai biệt trạng thái vật lý của não. Chẳng hạn, tác dụng của một số dược vật được ghi nhận liên quan với những biến đổi thái độ và tâm tánh. Ảnh hưởng trên tâm thần gây ra bởi thương tích, chứng bệnh, hay giải phẫu có thể xác định và dự đoán phát xuất từ những vùng đặc thù nào của não. Theo Penrose, với kiến thức và kinh nghiệm hiện có, các nhà khoa học không đủ khả năng thấu triệt những trạng thái tâm thức liên can đến sự nhận biết. Bởi thế cho nên cần phát minh những phương pháp khoa học mới để giải thích sự cộng đồng hiện hữu và đồng thời hiện khởi của tác dụng tâm thức và tác động vật lý bất khả kế toán. 

Thêm nữa, các nhà lượng tử học khám phá nhiều hiện tượng kỳ ảo như tánh nối kết phi cục bộ (quantum non locality) của lượng tử vướng mắc nhau (quantum entanglement). Diễn tả tánh ấy theo cách nói thông thường, thời đó là tính chất lượng tử tuy cách xa nhau mà vẫn giao tiếp ảnh hưởng nhau một cách tức thời, hoặc có thể là vì tín hiệu lượng tử được truyền dẫn nhanh hơn tốc độ ánh sáng, hoặc muốn tránh mâu thuẫn với thuyết tương đối của Einstein, thời nói đó là một sự “tương giao ảnh hưởng” kỳ ảo giữa các lượng tử xa cách nhau. Tuy nhiên, sự “tương giao ảnh hưởng” ấy không dùng được vào việc truyền dẫn tức thời những tín hiệu lượng tử khả dụng. Những khám phá có tính cách huyền bí như tánh phi cục bộ đã gợi ý Penrose về sự cần thiết thay đổi phương pháp quan sát và phân tích của khoa học hiện đại, thành lập một khoa vật lý học mới, thời mới mong đủ khả năng nhìn thấu và hiểu biết rõ ràng “chất liệu” cấu trúc vật lý của não là nơi theo Penrose phát hiện những tác dụng của tâm thức.

Vì lý do gì Penrose chọn sự thông hiểu toán học làm thí dụ về “cái gì đó” không thể dùng thuật toán mô phỏng? Tại vì toán học là hình thể thuần túy nhất của tiến trình suy tưởng. Nếu suy tưởng là kế toán thời thế nào chúng ta cũng thấy rõ điều đó mọi khi suy tưởng toán học. Nhưng tiếc thay, chúng ta thấy điều trái ngược lại. Chính toán học đã đưa ra bằng chứng rõ ràng là trong tiến trình suy tưởng hiện có một cái gì thoát khỏi kế toán. 

Bằng chứng Penrose đề cập ở đây là một dạng đơn giản của định lý Godel: Không một hệ thống hình thức quy tắc chứng minh toán học kiện toàn [kiện toàn có nghĩa là không bao giờ cho lời giải sai] nào đủ khả năng, dù trên nguyên tắc, xác lập tất cả mệnh đề số học đúng. Theo ngôn ngữ máy tính, định lý Godel khẳng định không có thuật toán kiện toàn nào xuất liệu (output) chứa hết thảy mọi mệnh đề số học đúng và không chứa mệnh đề số học nào sai.

Trong luận thức chứng minh, trước hết, Penrose giả thiết cho một danh sách gồm tất cả mọi phép kế toán C(n), tức là tất cả mọi chương trình máy tính tác dụng trên số nguyên n. Sau đó, ông giả thiết có một thuật toán A kiện toàn gồm hết thảy mọi thủ tục diễn toán các nhà toán học hiện có giúp họ thông hiểu có một số kế toán hoạt động không ngừng. Thuật toán A vận chuyển lần lượt qua từng phép kế toán C(n). Mỗi khi A đình lưu ngang nơi một phép kế toán C(n) nào thời phép kế toán C(n) ấy được chứng minh là hoạt động không ngừng. Luận chứng đưa đến kết luận là tuy tìm ra được một phép kế toán biết rõ hoạt động không ngưng, thế mà thuật toán A không đủ khả năng xác định được điều đó. Vì có những phép kế toán hoạt động không ngưng thoát khỏi sự thấy biết của thuật toán A, cho nên suy ra không bao giờ có một thuật toán nào biết là kiện toàn mà đủ khả năng xác định các phép kế toán hoạt động không ngưng. 

Vậy theo định lý Godel, không một hệ thống quy tắc diễn toán kiện toàn nào đủ khả năng chứng minh tánh đúng của tất cả mệnh đề số học, ngay cả của những mệnh đề số học mà trên nguyên tắc do trực giác (intuition) và quán tuệ (insight) ta biết là đúng. Như thế, trực giác và quán tuệ, tức sự thông hiểu toán học do tác dụng tâm thức, không thể quy kết thâu gọn thành bất cứ thuật toán nào. Đôi lúc, các chương trình máy tính thay thế phần nào sự thông hiểu, nhưng không bao giờ có thể thay thế hoàn toàn.

Quả thật là một kết luận bất ngờ. Toán học, ngành khoa học luận lý xác thực nhất, không thể chương trình hóa trên máy tính, dẫu máy tính vận hành chính xác và có bộ nhớ rộng lớn đến đâu đi nữa! Máy tính không thể khám phá định lý toán học như một toán học gia.

Quy tắc diễn toán trên máy tính không phải là thứ giúp ta thông hiểu được bản chất của số nguyên tự nhiên (tức là dãy số 1, 2, 3,...). Trong thực tế, mặc dầu đặc tính của số nguyên tự nhiên không thể dùng quy tắc kế toán miêu thuật được, nhưng đứa trẻ nào cũng biết thế nào là số nguyên! Penrose xác quyết: Tiến trình thông hiểu toán học, và nới rộng ra mọi hành động suy tư và ý thức, tất cả đều dẫn khởi bởi những tác động vật lý bất khả kế toán.

Có người nói phần trình bày trên mới chứng minh được tánh bất khả kế toán là đặc tánh của sự thông hiểu toán học. Đối với các thứ thông hiểu khác thời sao? Penrose cho rằng thông hiểu toán học nói riêng hay thông hiểu nói chung đều là thông hiểu cả, vì không có sự thông hiểu riêng biệt dành cho toán học. Nói một cách tổng quát, tánh bất khả toán là đặc tánh của tâm thức. Penrose y cứ vào đặc tánh ấy để thuyết minh hiện tượng tâm thức chỉ có thể hiện khởi đồng thời với một số tiến trình vật lý bất khả kế toán đang diễn biến trong não. Các tiến trình vật lý bất khả kế toán biểu hiện tác động vật lý cố hữu không chỉ của não, mà của hết thảy vật chất vô tình, bởi vì não và vật chất vô tình đều cùng chung chất liệu cấu tạo và cùng chung định luật vật lý chi phối.

Nhưng thử hỏi tại sao hiện tượng tâm thức thường được quan niệm chỉ xảy ra trong não hay liên hệ với não, mặc dầu không có bằng cớ nào minh chứng tâm thức không hiện khởi nơi những hệ thống vật lý thỏa đáng khác? Theo Penrose, lý do là vì não có một cấu trúc vật chất rất phức tạp và tinh vi, do đó mới có những cơ cấu vi diệu ứng hợp với những tiến trình vật lý bất khả toán.

Trong vấn đề đi tìm cảnh giới các luật tắc chi phối những tác động vật lý khả dĩ phát hiện mà bất khả kế toán, những khoa học gia đồng quan điểm C với Penrose chia làm hai phái. Một phái cho rằng sự thông hiểu vật lý học hiện thời hoàn toàn đầy đủ, cho nên có thể tìm thấy cảnh giới ấy trong cảnh giới các định luật vật lý học hiện có. Chẳng hạn, không thể mô phỏng trên máy tính số tự (digital computer; máy tính bất liên tục) vì tập tính hỗn độn (chaotic behavior), hoặc vì tác động có tính cách bất liên tục mà lại tùy thuộc các thông số vật lý liên tục, hay vì những tác động do nhập liệu (input) từ một hệ thống lượng tử có tính cách ngẫu nhiên (quantum randomness).

Phái thứ hai, trong đó có Penrose, không đồng ý, cho rằng tất cả trường hợp nêu ra đó đều có thể mô phỏng trên máy tính bằng cách này hay cách khác. Theo phái này, muốn giải quyết vấn đề tác động vật lý bất khả kế toán, điều kiện cần là phải biến đổi tận cơ bản khung tổ chức lý thuyết vật lý hiện thời, sửa đổi cách nhận thức hiện nay về vật chất, và khám phá những mô hình mới hòa hợp cơ học lượng tử và thuyết tương đối, tóm lại, thành lập một khoa vật lý học mới.

Penrose liên kết cơ học lượng tử với thuyết tâm thức phát hiện từ những tác động vật lý bất khả kế toán. Cơ học lượng tử là một thuyết toán học cùng với một số thuyết toán học khác như hình học Euclide, cơ học Newton, điện động lực học Maxwell, thuyết tương đối Einstein, được sử dụng vì có khả năng mô tả cấu trúc của thế giới vật lý một cách vô cùng chính xác. Thế giới vật lý được khảo sát tùy theo quy mô các hiện tượng. Sự vận hành của thế giới các hiện tượng cực vi được thuyết giảng như là tác dụng của hàm sóng lượng tử tức hàm sóng Schrodinger của thuyết cơ học lượng tử. Các thuyết kia bao gồm những định luật vật lý chi phối thế giới các hiện tượng đại quy mô. 

Điều đáng lưu ý ở đây là thế giới vi mô và thế giới vĩ mô tuy cùng chung một thế giới là thế giới vật lý mà lại tuân theo những định luật hoàn toàn khác nhau. Khi xưa đã có trường hợp như vậy, phân biệt chuyển động trên quả đất và chuyển động trong không gian tuân theo những luật tắc khác nhau. Nhưng Galileo và Newton đã phát minh một lối nhìn khoa học mới hòa hợp hai thứ chuyển động ấy trong cùng một cảnh giới vật lý học. Trong trường hợp khuếch đại thế giới vi mô thành thế giới vĩ mô, hòa hợp hai thế giới ấy trong cùng một cảnh giới cộng đồng, vấn đề đặt ra là vì sao và vào lúc nào xảy ra sự “sụp đổ” của mọi lớp sóng chồng chập trong hàm sóng lượng tử, và xảy ra như thế nào để cuối cùng chuyển hóa thành một kết quả đo lường vật lý có quy mô.

Penrose chủ trương sự nhận biết phát hiện cùng lúc với sự sụp đổ hàm sóng lượng tử do các lượng tử của não tương giao tác động và cọng tác với sự hấp dẫn (gravity) của chất liệu bao quanh chúng. Nói theo thuật ngữ Duy thức học, sự nhận biết tức thức có chủng tử tại A lại da và với sự cọng tác của một số điều kiện thuận lợi và thích đáng, chủng tử ấy được hiện hành thành thức trong cảnh giới của tâm pháp và thành tác động vật lý bất khả kế toán trong cảnh giới của sắc pháp. Như vậy, thức và tác động vật lý bất khả kế toán, cả hai nương vào nhau và dựa vào A lại da mà hiển phát.

B. Bài toán A lại da duyên khởi.
A lại da và thế giới vi mô.

Chủng tử (bìja) nghĩa đen là hạt giống, nghĩa chính là tiềm năng, công năng, năng lực, quán tính. Có hai loại chủng tử. Một là câu sanh, tức có sẵn trong a lại da thức, hễ có thân sanh ra là có nó cùng sanh. Hai là chủng tử loại phân biệt. Loại này là chủng tử mới sanh, vô thỉ lai do thường thường hiện hành huân tập mà có. Đức Phật y theo đó nói tâm các hữu tình được huân tập bởi các pháp nhiễm tịnh, thành chỗ chứa nhóm của vô lượng chủng tử. Các Luận cũng nói chủng tử nhiễm tịnh do pháp nhiễm tịnh huân tập mà phát sanh, đây chính gọi là chủng tử do huân tập thành. Trường hợp chủng tử của sự nhận biết tức thức thuộc loại phân biệt vì theo ngài Vô Trước, đó là “chủng tử của danh ngôn huân tập” (Nhiếp Đại thừa luận. HT. Thích Trí Quang dịch giải). Tuy nhiên, cũng có thể nói đó là chủng tử thuộc loại câu sanh vì sanh ra cùng lúc với tác động vật lý bất khả kế toán của não.

Huân tập là thế nào? Huân tập nghĩa là xông ướp, tập nhiễm, và phải có hai bên mới thành huân tập. Một bên sở huân, bị huân, chịu huân, và một bên năng huân, có khả năng xông ướp, như một bên trà, một bên hoa. Cũng thế, một bên a lại da thức là sở huân, bị huân, một bên bảy chuyển thức trước, ý Mạt na, ý thức, và năm thức thân, là năng huân, có khả năng huân.

Theo Duy thức, ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) tức toàn thể những hiện tượng vật chất và tinh thần đều là những thứ phát hiện của “chủng tử” tiềm tại trong a lại da thức. Những hiện tượng này, sắc pháp và tâm pháp, đều đứng về thế hiển phát. Khi chưa hiển phát, chúng đứng về thế tiềm tàng. Đứng về thế tiềm tàng, chúng gọi là chủng tử. Đứng về thế hiển phát chúng gọi là hiện hành. Như vậy, chủng tử là công năng làm bản chất cho hết thảy hiện tượng tâm lý và vật lý, nghĩa là cho mọi hiện hành. Toàn thể chủng tử tạo nên cái gọi là a lại da thức. Và a lại da thức là căn bản cho mọi hiện tượng tâm và vật.

Chủng tử sinh hiện hành tức hiện tượng, hiện tượng tàn hoại trở về chủng tử để rồi phát sinh hiện hành khác. Vì mỗi hiện hành sinh diệt trong từng giây phút, nên hiện hành luôn luôn trở về chủng tử và chủng tử luôn luôn phát sinh hiện hành, tiếp diễn liên tục không ngừng, nhanh chóng không thể nào nhận ra kịp.

“Quan hệ chủng tử và hiện hành là quan hệ giữa tiềm thế và hiện thế. Chủng tử là các công năng sai biệt của các giới địa, tức các môi trường tồn tại, với tính chất thiện, ô nhiễm, hay không xác định, tồn tại trong Bản thức tức A lại da thức. Hiện hành (abhisamskàra; cái đang hoạt động) là bảy chuyển thức cùng với các giới là những biến tướng tương ưng với chúng.” (Thành duy thức) 

A lại da (Aølaya vijnàna) là kho tàng chứa chủng tử của vạn pháp, trong đó có ảnh tượng, kinh nghiệm, hành động, tư duy, khái niệm, tri giác, và ngôn từ. A lại da duy trì chủng tử, duy trì sự liên tục của hiện hữu sinh mệnh và của hiện hữu các pháp hiện hành. Vạn hữu là hiện tượng của a lại da, đó là nhân tướng tức đặc tính làm nhân của nó. A lại da quy tụ tiềm năng của vạn hữu, đó là quả tướng tức đặc tính làm quả của nó. Cả hai đặc tính gồm lại là tự tướng tức tính đặc hữu của nó. Tính đặc hữu của a lại da là thâu giữ chủng tử, nghĩa là tiếp nhận huân tập (làm quả) và phát hiện các pháp (làm nhân). Nhiếp luận nói: "Đặc tính đặc hữu của a lại da là, với khả năng thâu giữ chủng tử, a lại da có cái đặc tính tiếp nhận các pháp tạp nhiễm huân tập rồi làm nhân sinh ra các pháp ấy. Đặc tính làm nhân là chính cái a lại da thâu giữ chủng tử ấy lúc nào cũng làm nhân sinh ra các pháp tạp nhiễm. Đặc tính làm quả là chính cái a lại da ấy tiếp nhận các pháp tạp nhiễm huân tập mà vô thỉ đến giờ liên tục hiện hữu."

Nhiếp luận còn nói “a lại da cũng mệnh danh là tâm, như đức Thế tôn nói tâm, ý, thức ba thứ. ... ... ... Có người nói tâm, ý, thức, ý nghĩa là một, chỉ danh từ khác nhau. Nói như vậy không đúng. Ý với thức đã có thể thấy được ý nghĩa khác nhau, thời tâm cũng vậy, ý nghĩa phải khác.” Về sự phân biệt ý nghĩa của ba chữ đó, từ thời luận Câu xá đã nói: “Tập khởi nên gọi là tâm, tư lương nên gọi là ý, liễu biệt nên gọi là thức.” Theo Duy thức, thức thứ tám a lại da là tâm, thức thứ bảy mạt na là ý, và thức thứ sáu ý thức là thức.

Theo luận Đại thừa khởi tín, tâm Chân như và tâm sinh diệt là hai tướng của Tâm chúng sinh. Thức a lại da biểu hiện sự tương tác không ngăn ngại giữa hai tướng này và được giải thích là “do Như Lai tạng mà có tâm sinh diệt. Nghĩa là Chơn (không sinh diệt) Vọng (sinh diệt) hòa hiệp, không phải một không phải khác gọi là thức a lại da (tâm sinh diệt). Thức này tóm thâu tất cả các pháp và xuất sanh tất cả các pháp.” 

Xét trên phương diện tùy duyên, a lại da thức chính là Như Lai tạng bị phiền não che phủ, làm nhân cho động, nên mới nói do Như Lai tạng mà có tâm sinh diệt là thức a lại da. 

Để có thể giải thích dễ dàng bản chất và hoạt động của các quan năng nhận thức thường nghiệm và để khỏi lầm với ý niệm về một tự ngã thường hằng, Lăng già đề nghị thay Như Lai tạng bằng a lại da thức. “Nếu thức a lại da được biểu thị bởi từ Như Lai tạng mà không hoạt động, thời bảy chuyển thức biến mất.” Bảy chuyển thức (ý, ý thức, và năm thức thân) là các chủ thể tâm lý thường nghiệm hoạt động như những con sóng trên đại dương mà nước chính là thức a lại da. Hoạt động của bảy yếu tố tâm thức sinh diệt liên tục trong từng sát na tạo thành hình ảnh một dòng sông chảy xiết. Vì Như Lai tạng không thể là đối tượng của nhận thức thường nghiệm, nên hình ảnh dòng sông chảy xiết đó đối với phàm phu là chủ thể của sinh mệnh và nhận thức.

Theo Phật giáo, nếu khởi tâm tạo tác, phải chịu trách nhiệm việc làm đó và sẽ chịu báo ứng, bởi vì ý lực là một hành động của tâm ngay dù nó không phát biểu ra lời nói hay bộc lộ trong hành động của thân. Tâm là cứ điểm căn để nhất của tất cả mọi hành động nên luật duyên sinh được đặt vào kho tàng tâm ý, tức thức a lại da. Những chủng tử cố hữu, những hiện hành, và những chủng tử mới, chúng hỗ tương phụ thuộc lẫn nhau tạo thành một vòng luân chuyển không ngưng, tái diễn tiến trình trước sau như nhất. Đấy gọi là a lại da duyên khởi. Cái làm cho chủng tử hay vô thức tâm phát khởi thành hiện hành, nghĩa là động lực tạo ra dòng vận động của duyên khởi, chính là ý thể tức thức. Rốt cuộc, theo thuyết a lại da duyên khởi, hoặc, nghiệp, và khổ khởi nguyên từ nghiệp thức, hay ý thể.

Nói theo ngôn ngữ Phật giáo, vấn đề Penrose đặt ra là bằng phương pháp khoa học tìm cách mô tả a lại da duyên khởi, tức là giai đoạn thực hiện hóa chủng tử trải qua như thế nào. Điều kiện vật lý nào có khả năng dẫn khởi sự hiển phát các hiện tượng, sắc pháp và tâm pháp, từ tiềm thế trong thế giới vi mô sang hiện thế trong thế giới vĩ mô? Theo Penrose, cơ cấu của sự dẫn khởi này là cảnh giới trong đó tác dụng của cơ học lượng tử hòa đồng với tánh hấp dẫn (gravity), tiếp cận vừa với thế giới vĩ mô vừa vớiø thế giới vi mô. Hai thế giới này thật ra là hai cảnh giới hỗ tức hỗ nhập của thế giới vật lý. Đến nay, chưa có một thuyết vật lý học duy nhất nào có thể mô tả sự vận hành của thế giới vật lý bao gồm hết thảy mọi cảnh giới, từ cảnh giới vi mô của cực vi lượng tử đến cảnh giới vĩ mô trong đó sự phân bố vật chất và năng lượng có tính cách đại quy mô. Phương pháp khảo sát các hiện tượng trong thế giới vĩ mô hoàn toàn khác hẳn phương pháp mô tả các hiện tượng trong thế giới vi mô.

Tỷ xích bé nhất của cảnh giới vi mô là độ dài Planck (Planck length), một mét chia cho số bắt đầu là 1 với 35 zero theo sau. Các hạt vật chất thuộc cảnh giới này phỏng chừng trăm triệu triệu triệu lần lớn hơn độ dài Planck.

Tương ứng với độ dài Planck là thời điểm Planck (Planck time), một giây chia cho số bắt đầu là 1 với 43 zero theo sau, thời điểm kể từ lúc điểm nguyên thủy của vũ trụ khởi sự trương dãn. Khoa học hiện đại không đủ khả năng thông hiểu trạng thái của vũ trụ trong khoảng thời gian này. Các định luật vật lý hiện có chỉ có thể mô tả trạng thái của vũ trụ sau thời điểm Planck mà thôi.

Tỷ xích lớn nhất của thế giới vĩ mô là bán kính của vũ trụ khả thị, vào khoảng 1 với 26 zero theo sau (mét), tương ứng với tuổi thọ của vũ trụ hiện ước tính độ chừng 15 tỉ năm tức vào khoảng 1 với 18 zero theo sau (giây).

Đối với các tỷ xích như vừa trình bày, cảnh giới sinh hoạt của con người rộng lớn từ tế bào thân đến bán kính quả đất, như thế con người ở vào khoảng giữa và xem như có cấu trúc bền vững. Thật vậy, nếu dùng thang logarít (logarithmic scale) mà so sánh, thời trên phương diện tồn tại, đời sống 100 tuồi so với tuổi thọ của vũ trụ khả thị, thời đâu có thua kém nhiều. Trên phương diện không gian, con người kích thước 1 mét ở gần chặng giữa khoảng cách độ dài Planck và bán kính của vũ trụ khả thị. Trong vị trí đó, con người không thể kinh nghiệm trực tiếp sự vận hành của toàn thế giới vĩ mô và vi mô.

Hầu trả lời câu hỏi ông tự đặt là vật lý học hiện nay có chỗ nào có thể xen kẻ để thuyết minh sự đồng thời phát hiện tâm thức và một tác dụng vật lý bất khả kế toán liên hệ hay không, Penrose duyệt qua tất cả các thuyết vật lý toán học đa số khoa học gia hiện đang sử dụng để mô tả thế giới vĩ mô và thế giới vi mô và kết luận là không có.
 
 

Thế giới hiện tượng.
Thế giới vĩ mô được mô tả tựa trên vật lý học cổ điển bao gồm hết thảy các lý thuyết vật lý toán học, trong đó có cơ học Newton và thuyết tương đối Einstein, trước ngày thuyết lượng tử được phát minh vào khoảng năm 1925. Lý thuyết cổ điển có tính cách quyết định, nghĩa là, vào một thời điểm riêng biệt nào đó, hết thảy điều kiện đầu tức dữ kiện cần thiết để định nghĩa một hệ thống vật lý đều minh xác được, và mọi biến chuyển của hệ thống chẳng những được quyết định bởi những điều kiện đầu mà còn có thể kế toán trên máy tính Turing nương vào các điều kiện đầu đó. Điều kiện đầu thường bao hàm những thông số liên tục cần phải chuyển đổi qua hệ thống số nhị phân (0 và 1) mới có thể thâu nạp vào các máy tính số tự (digital computer). Công việc này thường được thực hiện đến mức độ chính xác khả dĩ chấp nhận. 

Căn cứ vào các cấu trúc toán học tinh diệu của vật lý học cổ điển, khoa học gia rất tin tưởng mọi hiện tượng trong thế giới vật lý đều có thể mô phỏng trên máy tính, kể cả những hệ thống biến chuyển hỗn độn (chaotic behavior). Sau đây là một thí dụ về sự phù hợp kỳ lạ giữa một mô hình lý thuyết khả toán và những dữ kiện do quan sát và đo lường thu góp được.

Cách quả đất độ 300 000 quang niên (1 quang niên dài khoảng "10 lũy thừa 13" kilomét, số 1 đèo theo 13 zero), trong chòm sao Aquila, có một cặp sao nơtron chạy vòng quanh nhau. Sao nơtron (neutron star) là do các sao có trọng khối cực kỳ lớn khi không còn bức xạ được nữa thời chết bằng cách sụp sun nhỏ lại trở nên có tỷ trọng lớn hết sức tưởng tượng. Kết quả đo lường cho thấy chu kỳ mỗi vòng vận chuyển của chúng là 7 giờ 45 phút và 6,9816132 giây. So với trọng khối mặt trời, một sao tạm gọi số 1 nặng gấp 1,4411 lần và sao kia tạm gọi số 2 nặng gấp 1,3874 lần. Sao số 1 có đường kính độ 20 kilomét phát sóng rađiô về phía quả đất với chu kỳ 59 mili giây. Từ dữ kiện đó, tính được tốc độ nó quay xung quanh trục của nó là 17 vòng trong một giây, một tốc độ quay rất lớn so với quả đất phải mất 24 giờ mới quay được một vòng. Sao nơtron phát sóng rađiô như vậy gọi là pulsar và hệ thống hai pulsar này mang danh hiệu là PSR 1913 + 16.

Theo thuyết tương đối, hai trọng khối quay vòng quanh nhau như hệ thống PSR 1913 + 16 là nguyên nhân phát sinh những sóng hấp dẫn (gravitational waves), giống như trường hợp hai điện tử quay vòng quanh nhau làm phát sinh những sóng điện từ hay ánh sáng (electromagnetic waves). Một phần năng lượng của hệ thống bị sóng hấp dẫn vận tải đi mất. Do đó, hai sao nơtron sẽ vận chuyển dần dần sát lại với nhau, và vì vậy mà tốc độ của chúng gia tăng. Thuyết tương đối xác đoán bản chất của sóng hấp dẫn và chỉ cách tính số lượng năng lượng sóng hấp dẫn vận tải mất đi. Ngoài ra, có thể áùp dụng thuyết tương đối để tính độ biến chuyển của quỹ đạo và độ tăng của tốc độ vận chuyển.

Vào năm 1993, hai vật lý gia Joseph Taylor và Russell Hulse được giải Nobel Vật lý học vì đã sử dụng kính thiên văn khổng lồ Aricebo tại Puerto Rico dành riêng quan sát các thiên thể phát sóng rađiô, đo lường, và thâu lượm nhiều kết quả quan trọng liên hệ đến sự vận hành của hệ thống pulsar PSR 1913 + 16. Những kết quả này phù hợp rất chính xác với những kết quả kế toán trên máy tính do mô phỏng theo thuyết tương đối Einstein. Độ chính xác của thuyết tương đối ước tính chừng "10 lũy thừa -14", một phần của số bắt đầu là 1 với 14 zero theo sau!

Một bài học đáng ghi nhận về quá trình thành lập thuyết tương đối rộng (Theory of General Relativity) của Einstein. Xét nguyên nhân sự khám phá thuyết này vào năm 1915, người ta không khỏi ngạc nhiên thấy sự phát minh công thức toán học của Einstein không phải do nhu cầu giải thích những kết quả quan sát thực tại. Lúc bấy giờ, không một ai nghĩ cần phải cải thiện thuyết hấp dẫn vạn vật của Newton ngự trị vật lý học suốt 250 năm với một độ chính xác phi thường là một phần mười triệu. Riêng Einstein quan tâm đến phương diện thẩm mỹ và hợp lý, trực quán thấy rằng nếu chuyển đổi khung không thời gian của lý thuyết hấp dẫn vạn vật từ hình học Euclide qua hình học Riemann và nếu nhận thức hiệu quả của sự hấp dẫn như độ cong của không thời gian Riemann thay vì như tác dụng của một lực như trong cơ học Newton, thời sự mô tả thế giới vật lý sẽ thỏa đáng hơn, chính xác hơn, và phong phú hơn. Phải đợi 80 năm sau, nhờ phát triển và canh tân phương pháp quán sát và đo lường mới thấy mức độ chính xác của thuyết tương đối rộng mười triệu lần lớn hơn mức độ chính xác của cơ học Newton.

Điều làm đa số khoa học gia và triết gia khoa học kinh ngạc là khi thiết lập cấu trúc toán học cho thuyết tương đối rộng, Einstein không hề nghĩ đến một mô hình thực tại nào nhằm tìm cách thích hợp lý thuyết của ông với mô hình đó. Thế mà tại sao lại có sự kiện lạ thường là cấu trúc toán học ông chọn cho thuyết tương đối rộng hiện thành một bộ phận của cấu trúc toán học sâu thẳm của thế giới vĩ mô một cách rất chính xác. 

Theo Phật giáo, thế giới toán học và thế giới vật lý đều duy thức, bởi thế cho nên không có gì kỳ lạ khi Einstein do trực giác và quán tuệ tìm thấy được cấu trúc toán học thỏa đáng và chính xác của thế giới vật lý. Để hiểu rõ điều này và thế nào là thức, hãy đọc đoạn văn sau đây trong Nhiếp Đại thừa luận, ngài Vô Trước nói về duy thức dưới cái dạng gọi là nhiều thứ. 

“Y tha khởi tướng là gì? Là các thức do a lại da làm chủng tử và thuộc về phân biệt hư vọng. Các thức ấy là gì? Là thức thân, thức chủ thể của thân, thức chủ thể của sự tiếp nhận, thức được tiếp nhận, thức tiếp nhận, thức thời gian, thức số mục, thức thế giới cư trú, thức nói năng, thức mình người, thức đường lành đường dữ. Tựu trung, thức thân cho đến thức nói năng là do chủng tử của danh ngôn huân tập, thức mình người là do chủng tử của ngã kiến huân tập, và thức đường lành đường dữ là do chủng tử của hữu chi huân tập. Các thức như vậy là cái y tha khởi tướng thống thuộc ba cõi năm đường và ba tạp nhiễm, là được biểu hiện bởi phân biệt hư vọng. Như vậy, các thức này thống thuộc phân biệt hư vọng, đặc tính là duy thức, làm căn cứ cho sự biểu hiện không có và không thực. Như thế đó gọi là y tha khởi tướng.”

Trong đoạn văn trên, ngài Vô Trước thống nhiếp các pháp thành 11 loại, gọi là 11 thức. Chúng bao gồm hết thảy mọi sự sai biệt của nhân sinh vũ trụ. Mọi sự sai biệt này toàn liên hệ với thức, nên gọi là duy thức. Ba loại đầu là sáu căn: một, thức thân (thân thức), tức cái tổng thể gồm cả năm giác quan; hai, thức chủ thể của thân (thân giả thức) là ý ô nhiễm; và ba, thức chủ thể của sự tiếp nhận (thọ giả thức), là ý vô gián diệt (khả năng tiếp nối sinh tử, tự tại vận hành). Loại bốn là thức được tiếp nhận (bỉ sở thọ thức), tức sáu cảnh. Loại năm là thức tiếp nhận (bỉ năng thọ thức), tức sáu thức. Sáu loại còn lại là: (1) thức thời gian (thế thức), tức vị lai hiện tại quá khứ liên tục; (2) thức số mục (số thức), tức những số toán học; (3) thức cư trú (xứ thức), tức thế giới chúng sinh cư trú; (4) thức nói năng (ngôn thuyết thức), tức ngôn ngữ xuất từ thấy nghe hay biết; (5) thức mình người (tự tha sai biệt thức), tức bản thân với tha nhân; (6) thức đường lành đường dữ (thiện thú ác thú tử sinh thức), tức những nẻo đường sinh tử. Tất cả 11 loại này đều gọi là thức, vì liên hệ đến thức, do thức biểu thị. 
 
 

Thế giới lượng tử.
Với thành quả đạt được rất chính xác nhờ thiết lập những cấu trúc toán học thỏa đáng trong sự mô tả thế giới vĩ mô, tại sao vật lý học cổ điển không đủ khả năng mô tả thế giới vi mô? Lý do là vì thế giới vi mô là cảnh giới hoạt dụng của các cực vi lượng tử không tuân theo những luật tắc của vật lý học cổ điển.

Thí dụ trường hợp vật thể đen (black body). Vật thể đen là một vì sao lý tưởng, một nguồn bức xạ lý tưởng, bức xạ chỉ phụ thuộc nhiệt độ của nguồn mà thôi, chứ không tùy thuộc bất cứ yếu tố nào khác như chất liệu cấu thành hay tính chất của bề mặt vật thể. Vật thể đen ví như cái hộp đựng photon tức lượng tử ánh sáng. Nên biết rằng khi một nguồn sáng bức xạ, nó phát ra nhiều màu khác nhau, trong số đó có một màu cường độ nổi bật. Như mặt trời chẳng hạn, màu nổi bật là ánh sáng màu vàng pha ít lục. Theo vật lý học cổ điển, sự kiện này không xảy ra! Vào năm 1900, Planck tiến cử một công thức toán học biểu tượng quan hệ giữa các màu bức xạ của một vật thể đen và cường độ của chúng rất phù hợp với kết quả thí nghiệm. Dùng công thức Planck, ta có thể tính được nhiệt độ của mặt trời khi biết cường độ bức xạ nổi bật là màu vàng pha ít lục. Do công thức này ta biết rõ trạng thái nhiệt của vũ trụ vài phút sau khi thành hình. Năm 1989, vệ tinh COBE đã đo được trạng thái nhiệt này đúng như công thức Planck tiên đoán.

Đặc biệt là hằng số h xuất hiện lần đầu tiên trong công thức bức xạ Planck và được gọi là hằng số Planck. Hằng số Planck là một trong ba hằng số cơ bản nhất của vũ trụ: hằng số Planck h có trị số rất bé biểu trưng thế giới lượng tử, hằng số hấp dẫn Newton G tiêu biểu thế giới vĩ mô, và tốc độ ánh sáng c, tốc độ lớn nhất trong thế giới vật lý, không chuyển động nào vượt qua tốc độ này. Công thức Planck giả thiết mỗi lần một vật thể phát ra hay hấp thụ ánh sáng tần số f [Mỗi màu ánh sáng là một sóng điện từ được biểu tượng bằng tần số dao động f hay độ dài sóng (=1/f) của nó], thời năng lượng phát ra hay năng lượng thọ nhận luôn luôn thể hiện dưới dạng những hạt gián đoạn gọi là lượng tử có tần số dao động f, và năng lượng E = hf. Vào năm 1905, tiến thêm một bước, Einstein bằng vào hiện tượng hiệu ứng quang điện (photoelectric effect) quảng diễn khái niệm gián đoạn của Planck thành tính gián đoạn của ánh sáng, nghĩa là ánh sáng không những là sóng mà còn là hạt hay quang tử (photon). Einstein được giải Nobel Vật lý học vào năm 1921 không phải vì đã sáng tác thuyết tương đối mà chính là vì đã phát minh tính chất lượng tử của ánh sáng.

Vật lý học cổ điển không thể giải thích tại sao ánh sáng có thể vừa là sóng vừa là hạt, vừa liên tục vừa gián đoạn. Lại nữa, trong thí nghiệm màn chắn có hai khe với nguồn sáng phát ra từng photon một, nhiều câu hỏi rất khó trả lời được nêu ra. Làm thế nào một photon đơn độc có thể cùng một lúc đi qua hai khe hở? Làm thế nào một photon thôi mà có thểå tạo nên kiểu hình sóng giao thoa trên màn lân quang? Tại sao cùng chung điều kiện đầu của chuyển động giống nhau mà các photon không di chuyển trên cùng một quỹ đạo và không đụng màn lân quang cùng một chỗ? Làm thế nào photon bắn ra biết được khi có một khe bị che kín, khi cả hai khe đều hở để cuối cùng vẽ ra trên màn lân quang kiểu hình thích ứng?

Một hiện tượng kỳ lạ nhất trong thế giới lượng tử là hiện tượng phi cục bộ(non locality), còn gọi là lượng tử vướng mắc (quantum entanglement). Đây là trường hợp một hạt có spin 0 (zero) phân rã thành hai hạt di chuyển xa nhau ra theo hai ngả đường nghịch hướng, mỗi hạt có spin (1/2), chẳng hạn một electron E và một positron P. Mọi đo lường spin thực hiện tại vị trí A của hạt này tức thời quyết định trạng thái spin của hạt kia ở vị trí B, mặc dầu A và B cách nhau rất xa. Chuyện kỳ lạ ở đây là hai biến cố xảy ra tại hai điểm cách rời nhau rất xa mà vẫn nối kết giao thiệp nhau một cách rất huyền bí. Các nhà cơ học lượng tử gọi đó là hiện tượng lượng tử vướng mắc hay hiện tượng phi cục bộ. Không thể bảo chúng vướng mắc nhau là do trao đổi tín hiệu thông tin tức thời cho nhau. Bởi vì thông tin tức thời đòi hỏi tín hiệu phải được vận chuyển với tốc độ lớn hơn tốc độ ánh sáng, như thế trái nghịch với thuyết tương đối. Nói cách khác, vật lý học cổ điển không giải thích được vì sao vật thể cách nhau xa, đồng thời tiếp tục nối kết giao thiệp nhau mà không trao đổi tín hiệu.

Vì những lý do như trình bày trên, khi tìm hiểu thế giới lượng tử tức thế giới ở mức lượng tử, các nhà vật lý học bắt buộc phải sửa đổi lối nhìn, phát minh phương cách quan sát và phân tích mới. Trước hết, cần định rõ thế nào là mức lượng tử. Nói đến lượng tử tức là nói đến sự nhỏ bé, nhưng ở đây không hẳn là khoảng cách nhỏ bé, kích thước nhỏ bé, bởi vì tầm mức tác dụng lượng tử có thể lan rộng ra trong những khoảng không gian rộng lớn. Ở mức lượng tử có nghĩa là ở vào mức mà độ sai biệt năng lượng rất nhỏ bé, tầm cỡ hằng số h. Ngoài ra, nên biết sự phân chia thế giới vật lý ra thế giới vĩ mô và thế giới vi mô là để tiện việc khảo sát phân tích, chứ trong thực tế không có hai thế giới riêng biệt, một chịu sự chi phối của vật lý học cổ điển, một ở vào mức lượng tử do cơ học lượng tử điều hành.

Cơ học lượng tử (quantum mechanics), thuyết toán học hiện được sử dụng để mô tả thế giới ở mức lượng tử, có những đặc điểm sau đây.

1. Nói chung, chuyển động là gián đoạn, nghĩa là do các lượng tử cực vi cấu thành. Điều này cũng hàm ý một electron chẳng hạn, có thể nhảy vọt từ một trạng thái này qua một trạng thái khác mà không cần biến chuyển ngang qua những trạng thái trung gian. Năng lượng thừa nhận chỉ có thể là một số nguyên lượng tử: 0, hay hf, hay 2hf, hay 3hf, v..v... 

Nói theo Phật giáo, chuyển động là sát na sinh diệt sinh khởi tiếp cận và tương tục. Có thể nói theo thế tục rằng mỗi sát na sinh diệt là một hạt thời gian, một hạt không gian, hay một cảm tính. Nhưng theo chân đế, sát na sinh diệt không có phẩm tính, không tồn tại, và không thể phân. Sát na sinh diệt sinh khởi tương tục bất đoạn cho ta cảm tưởng một vật thể đang chuyển động, giống như một dãy đèn lần lượt chuyển ngọn lửa liên tục từ đèn này đến đèn kế tiếp cho ta cảm tưởng một ngọn lửa đang di động. Thực ra, không có thực thể di chuyển mà chỉ có tác dụng liên tục. Chính ngay vật thể là chuyển động.

2. Lượng tử như electron chẳng hạn, có tính cách đa thù, nghĩa là có thể phát hiện dưới nhiều tướng dạng khác nhau tùy theo cảnh huống trong đó nó hiện hữu và là đối tượng của sự quan sát. Thí dụ: như hạt, như sóng, hay như vừa hạt vừa sóng. Số tướng dạng có thể vô hạn. Đặc tính “nhiều trong một” này được hàm dung trong nguyên lý chồng chập (Principle of Superposition) của cơ học lượng tử. Nguyên lý này phát biểu rằng quá trình tiến hóa của lượng tử là quá trình tiến hóa của trạng thái có nhiều khả năng, có nhiều tiềm năng đồng thời hiện hữu chồng chập lên nhau.

Đặc điểm này làm nhớ đến mười huyền môn của Hoa nghiêm tông. Chẳng hạn, bốn huyền môn sau đây giúp thông hiểu dễ dàng hơn những hoạt dụng của cơ cấu toán học trong cơ học lượng tử.

Huyền môn thứ ba: Nhất đa tương dung bất đồng môn mà Trí Nghiễm diễn tả theo toán học là đếm đi lên, đếm đi xuống. Không có chướng ngại giữa một và nhiều. Trong sự hỗ tương nhiếp nhập toàn vẹn, Lý và Sự vẫn duy trì vị trí tồn tại cá biệt, vẫn giữ nguyên tính cách một hay nhiều không hư tổn hay rối loạn.

Huyền môn thứ tư: Chư pháp tương tức tự tại môn, nghĩa là các pháp hỗ nhập hỗ tức không ngăn ngại nhau. Như một pháp tự tiêu hủy để đồng hóa với các pháp khác, thời toàn thể tạo thành một đồng nhất hóa tổng hợp. Nếu một pháp thu nhiếp các pháp kia đồng về mình thời hết thảy các pháp kia hòa đồng nơi pháp thu nhiếp.

Huyền môn thứ năm: Ẩn mật hiển liễu câu thành môn, nói đến một pháp có nhiều phương diện. Khi phương diện này hiển thời phương diện kia ẩn, và ngược lại. Trong ẩn có hiển, trong hiển có ẩn, ẩn hiển đắp đổi nhau mà tựu thành. Sự ẩn hiển không có sau trước, không ngăn ngại, chống đối nhau.

Huyền môn thứ sáu: Vi tế tương dung an lập môn, nói về sự hỗ tức hỗ nhập của những vật vi tiểu và ẩn áo. Trong cảnh giới các vật vi tiểu và ẩn áo, hiển liễu hay ẩn mật, một hay nhiều, thuần hay tạp, hữu lực hay vô lực, cái này cũng là cái kia. Cả hai tương dung tương hợp, sự hiện hữu của cái này không trở ngại sự hiện hữu của cái kia.

3. Hai lượng tử như hai electron chẳng hạn, nguyên thủy hợp với nhau thành một phân tử rồi sau đó tách rời xa nhau, phát hiện một quan hệ phi cục bộ kỳ dị: hai phần tử cách nhau rất xa mà vẫn vướng mắc nhau, nối kết nhau, hỗ tương giao thiệp.

Nói theo Phật giáo, những tác dụng lượng tử cách nhau những khoảng rất xa vẫn phải được xem như bất tương ly vì chúng được nối kết bởi hoạt dụng của một thực thể phổ biến vô hình.

Đây là tính tương quan vô tận và vô ngại hay tính trùng trùng duyên khởi, căn bản tư tưởng của Hoa nghiêm tông.

Ngoài ra, các định luật cơ học lượng tử có tính chất thống kê xác suất và không đoán định tình trạng các biến cố riêng biệt trong tương lai một cách chính xác và quyết định như các định luật của vật lý học cổ điển.

Ba đặc điểm nêu trên cho thấy thuyết lượng tử hoàn toàn trái nghịch với thuyết tương đối, vì thuyết tương đối đòi hỏi mọi chuyển động phải liên tục, các vật thể nối kết nhau phải qua các quan hệ biểu thị nguyên nhân, và chỉ có các vật thể cách khoảng đại lượng vô cùng bé mới hỗ tương giao thiệp. Nói theo Phật giáo, ba đặc điểm của cơ học lượng tử có thể xem như biểu thị đặc trưng của Pháp giới tính tức tính bản nhiên của tất cả các chuyển động và các hiện tượng trong vũ trụ.
 
 

Ảo và thực.
Toán học mô tả thế giới lượng tử như thế nào? Cấu trúc cơ bản của thế giới vi mô được diễn tả bằng phức số. Thực số quan trọng và cần thiết đối với thế giới vật lý học cổ điển như thế nào thời phức số quan trọng và cần thiết đối với thế giới lượng tử cũng như vậy. Thiết tưởng nên biết qua vài nét đại cương về nguồn gốc và đặc tính của loại số này. Vào thế kỷ thứ 16, khi tìm lời giải của một phương trình bậc 3, y sĩ kiêm toán học gia người Ý Gerolamo Cardano nhận thấy nếu giải bằng cách vẽ đồ thị thời có đủ ba lời giải trên đường biểu diễn. Nhưng muốn biểu tượng đủ cả ba lời giải đó bằng số thời phải từ bỏ quan niệm cũ cho rằng không bao giờ có căn bậc hai của một số âm. Sở dĩ toán học vào thời bấy giờ không chấp nhận có căn bậc hai của một số âm vì nếu có và đem căn ấy bình phương, tức nhân nó với nó, thời kết quả là một số âm, trái với đặc tính luôn luôn dương của bình phương của mọi số.

Từ đó, những biểu thức như i (= căn bậc hai của –1), hay 2i, v..v... được chấp nhận là số và sau này Descartes gọi đó là ảo số, muốn nói đó là dấu hiệu của một phương trình trong thực tế không có lời giải. Vì số ảo không thể biểu hiện trên đường thẳng số dành cho thực số, nên các nhà toán học cho rằng chúng không mang một ý nghĩa nào dính líu đến thực tại. Ngay cả nhà toán học đại tài Leibniz cũng gán cho số ảo một ý nghĩa huyền bí, gọi ảo số là vật "lưỡng cư giữa hữu và phi hữu" (that amphibian between being and not being). Một thế kỷ sau, Leonhard Euler, nhà toán học phong phú nhất trong lịch sử toán học, tỏ ra đồng ý với Leibniz khi phát biểu: "Sở dĩ hết thảy mọi biểu thức như căn bậc hai của –1, căn bậc hai của -2, v..v... đều là số bất khả năng hay số ảo là vì chúng biểu tượng căn của những số âm; đối với những số như vậy, ta có thể khẳng định rằng chúng không phải là không, không lớn hơn không, hay không nhỏ thua không, và như vậy bắt buộc chúng phải ảo hay bất khả năng."

Phải đợi đến thế kỷ 19, khi chứng minh định lý cơ bản của đại số là “cho bất kỳ phương trình đại số với hệ số phức nào, luôn luôn tìm ra được một phức số z là lời giải”, toán học gia Karl Friedrich Gauss nghĩ ra cách biểu diễn ảo số trên một trục thẳng đứng với đường thẳng số và trên trục ấy chọn i làm đơn vị ảo, thời khi đó số ảo mới bắt đầu có một ý nghĩa thực tế. Hợp với số thực, số ảo tạo nên phức số (complex number). Thí dụ: (2 + 3i), (5 - 4i), ... Số phức z = x + iy có hai phần: phần thực là x và phần ảo là y. Như thế, có thể biểu diễn các phức số bởi những điểm nằm trong mặt phẳng có hệ thống quy chiếu Oxy gồm hai trục tọa độ trực giao, trục Ox gọi là trục thực, và trục Oy gọi là trục ảo. Mặt phẳng biểu diễn phức số có tên gọi là mặt phẳng Argand và điểm biểu diễn phức số z = x + iy có tọa độ là (x, y). Độ dài từ gốc O đến điểm z được gọi là suất của z. Suất của z, và bình phương suất của z, đều là thực số dương. Bình phương suất của phức số thường biểu thị xác suất trong cơ học lượng tử.

Cơ học lượng tử sử dụng phức số như thế nào? Sau đây là thí dụ về công dụng của phức số trong công thức biểu thị thuyết lượng tử theo phương pháp Feynman. Theo Feynman, một hạt không chỉ có duy nhất một quá khứ như vật lý học cổ điển chủ trương. Trái lại, phải quan niệm nó di chuyển theo hết thảy mọi nẻo đường khả năng trong không thời gian. Mỗi nẻo đường quá khứ liên kết với hai thông số biểu thị độ lớn và pha của sóng (hạt cũng là sóng). Xác suất hạt đi qua một điểm nào đó tính được bằng cách tổng cọng tất cả các sóng liên hợp với mỗi và mọi khả năng quá khứ đi qua điểm ấy. Hầu tránh những vấn đề kỹ thuật nan giải, chỉ có duy nhất một cách thực hiện phép tổng cọng là dùng ảo số để đo thời gian thay vì dùng thực số. Và trong trường hợp này, giữa thời gian và không gian không có gì sai biệt nữa, nghĩa là hướng thời gian ảo không khác gì các hướng không gian. Một không thời gian như vậy có tên gọi là không thời gian Euclide.

Áp dụng phương pháp thời gian ảo sẽ làm thay đổi hoàn toàn lịch sử của vũ trụ. Theo nhà vũ trụ học Stephen Hawking và nhà toán vật lý học Roger Penrose, bằng vào thời gian thật như hiện giờ, ta có một mô hình vũ trụ khởi hiện từ một dị điểm toán học (singularity) thường được gọi là điểm nguyên thủy của vũ trụ, trương dãn trong một khoảng thời gian, rồi sau đó có thể sụp đổ trở lại tình trạng một dị điểm toán học. Nếu bằng vào thời gian ảo, thời mô hình vũ trụ không còn có dị điểm toán học nữa và không thời gian Euclide khi ấy có thểõ hữu hạn mà không ranh giới, ví như mặt đất hình cầu đi bất cứ hướng nào cũng không gặp bờ mép hay dị điểm, tuy có khác là không thời gian Euclide có bốn chiều (dimension), mà mặt đất chỉ có hai chiều mà thôi. Stephen Hawking kết luận: "Điều kiện ranh giới của vũ trụ là vũ trụ không có ranh giới." Vũ trụ như thế là không có trong ngoài, không do tạo tác mà có, không hủy diệt biến mất. "It would just BE", xin dịch là "pháp nhĩ như thị", nó vốn như vậy. Ông nói đùa rằng vì cuộc sống của con người không kinh nghiệm dị điểm toán học, nên chúng ta cần phải đảo tên thời gian. Thời gian trong vũ trụ khởi phát từ dị điểm hiện nay gọi là thật nên đổi là ảo và thời gian trong vũ trụ không có dị điểm nay gọi là ảo nên đổi là thật, bởi vì gọi là thật hay ảo, chung quy cũng đều là danh tự giả tướng. Đổi tên gọi thời gian như thế, thời cái thế giới ta đang sống trong đó và cho là có thật trở nên thế giới ảo. Và cái thế giới lượng tử ta cho là ảo vì dùng ảo số biểu thị thời gian sẽ trở nên thế giới có thật. Nói đùa như vậy, biết đâu vì do ông Hawking đã có ý niệm về Pháp giới lý sự vô ngại mà ông ví với thế giới lượng tử và biết đâu vì ông cũng nhận thức theo Phật giáo mọi hiện tượng trong thế giới vật lý học hết thảy đều duyên sinh như huyễn.

Sau đây là một thí dụ khác về công dụng của phức số trong công thức biểu thị thuyết lượng tử trong không gian toán học Hilbert. Hãy tưởng tượng khảo sát một lượng tử, một photon (quang tử) P chẳng hạn. Trong vật lý học cổ điển, photon Pù có thể ở tại một vị trí A hay cũng có thể ở tại một vị trí khác, B. Trong cơ học lượng tử, photon P có nhiều khả năng hơn. Chẳng những nó có thể ở tại một vị trí này hay ở tại một vị trí riêng biệt khác, mà còn có thể luân chuyển qua nhiều trạng thái chồng chập khả năng ở tại cả hai vị trí cùng một lúc! Cơ học lượng tử diễn tả trạng thái chồng chập khả năng hiện hữu đồng thời tại cả hai vị trí A và B dưới dạng biểu thức:

w X “khả năng ở A” + z X “khả năng ở B” 

Trong biểu thức, dấu X biểu thị phép nhân, w và z là phức số, một trong hai phức số đó phải khác không. Hai phức số w và z có ý nghĩa như thế nào? 

Vì chúng là phức số chứ không phải thực số dương nên chúng không thể biểu thị xác suất (probabilities). Tuy nhiên, trong trường hợp được chuẩn tắc hóa (normalization), nghĩa là, tổng bình phương suất của chúng bằng 1, thời bình phương suất của chúng biểu thị xác suất và chúng được gọi là biên độ xác suất. Nếu không được chuẩn tắc hóa, thời w và z trong biểu thức trên sẽ tỷ lệ với biên độ xác suất.

Trong vật lý học cổ điển, ở mỗi thời điểm, một hạt lượng tửû được hai đại lượng xác định. Một là vị trí của hạt trong không gian để chỉ nó ở đâu vào thời điểm ấy. Hai là vận tốc hay động lượng tức trọng khối nhân vận tốc của nó, để cho biết hạt sẽ di chuyển như thế nào tiếp theo sau thời điểm ấy. Trong cơ học lượng tử, mỗi một vị trí hạt có thể chiếm cứ được xem là một khả năng của nó. Tất cả mọi khả năng của hạt tương dung tương hợp theo nguyên lý chồng chập, mỗi khả năng liên hợp với một phức số gọi là trọng số (weighting factor). Tập hợp hết thảy khả năng và trọng số phức của hạt tạo thành một hàm số phức của vị trí, dùng để mô tả trạng thái lượng tử của hạt, và được gọi là trạng thái lượng tử hay hàm sóng của hạt. Với mỗi vị trí x của hạt, hàm sóng ấy có một trị số xác định. Trị số này chính là biên độ xác suất, hay gọi tắt là biên độ của hạt ở vị trí x. Hàm sóng của hạt không những chứa biên độ xác suất cho tất cả khả năng vị trí, nó còn chứa sẵn mọi biên độ xác suất cho hết thảy khả năng động lượng của hạt nữa.

Trong thí dụ khảo sát hạt photon P nêu trên, hạt P chỉ có hai khả năng, khả năng vị trí ở tại A và khả năng vị trí ở tại B, nên hàm sóng của hạt P viết là:

“Hàm sóng P” = w X “khả năng ở A” + z X “khả năng ở B”

với hai trọng số phức là w và z. Đó là cách toán học biểu diễn sự chồng chập tuyến tính hai trạng thái khả năng, “khả năng ở A” và “khả năng ở B”. Các biểu thức, “Hàm sóng P”, “khả năng ở A”, và “khả năng ở B” thường gọi là vectơ trạng thái.

Tựa vào thí dụ chồng chập hai vectơ trạng thái như vừa trình bày, ta có thể nới rộng biểu thức hàm sóng của một lượng tử ra cho bất kỳ hệ thống lượng tử S nào có n vectơ trạng thái. Tốc độ biến đổi theo thời gian của hàm sóng của S suy diễn từ cái gọi là phương trình Schrodinger.

Các hàm sóng lượng tử không biểu tượng sóng thông thường như sóng nước hay sóng âm. Chúng không vận tải năng lượng như sóng thường, mà vận tải những khả năng hay tiềm năng chồng chập tuyến tính lên nhau. Nói theo Duy thức, chúng là những làn sóng chủng tử tạo nên thức a lại da, thức này vừa hằng lại vừa chuyển, nghĩa là tuy biến chuyển mà vẫn là một dòng liên tục.

Điều đáng quan tâm ở đây là ở trong trạng thái chồng chập khả năng như vậy, hệ thống S ở vào tình trạng bất định vì khả năng nào cũng có thể là trị số của nó. Vậy làm thế nào đểø xác định Sù? Chỉ có một cách duy nhất là thực hiện một phép đo lường, tức là gây ra một sự hỗ tương tác dụng thỏa đáng giữa hệ thống S với môi trường của nó. Đo lường một trạng thái lượng tử là khuếch đại một tiến trình vật lý nào đó, chuyển biến tiến trình vật lý ấy từ mức lượng tử lên mức quy mô của vật lý học cổ điển. Thí dụ dùng màn lân quang để phát hiện sự đến nơi của các hạt photon. Trong trường hợp này, biến cố lượng tử của sự đến nơi của photon được khuếch đại lên mức cổ điển dưới dạng một dấu vết trên màn. Thiết bị đo lường phải có khả năng khởi động một biến cố lượng tử vi tế tạo thành một hiệu ứng ở mức cổ điển có thể quan sát được. Chính vào giai đoạn đo lường khuếch đại mức lượng tử lên mức cổ điển, hệ thống nhảy từ tình trạng bất định của trạng thái chồng chập khả năng ở thế lượng tử tiềm tàng qua tình trạng quyết định một trong các khả năng hiển phát. Tác dụng nhảy từ tiềm thế qua hiện thế được gọi là sự sụp đổ của hàm sóng (collapse of the wavefunction) hay sự giảm thiểu của vectơ trạng thái (state vector reduction). Để nói gọn, sau đây sẽ theo cách ký hiệu của Penrose dùng chữ U để chỉ sự biến thiên của hàm sóng và chữ R để chỉ sự sụp đổ của hàm sóng.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tính xác suất tức là có bao nhiêu phần trăm cơ duyên cho mỗi khả năng của hàm sóng do đo lường mà hiển phát. Trong trường hợp thực hiện đo lường trên một hàm sóng có hai khả năng 1 và 2 chồng chập với trọng số phức w và z, một quy tắc của cơ học lượng tử nói rõ rằng “sau khi chuẩn tắc hóa, bình phương suất của w là xác suất khả năng 1 hiển phát, và bình phương suất của z là xác suất khả năng 2 hiển phát.”

Vậy đo lường là nguyên nhân phát sinh R, sự sụp đổ của hàm sóng, và đồng thời, sự sử dụng bình phương suất của các trọng số phức làm xác suất để dự đoán kết quả của đo lường. Nhưng trước khi đo lường, trạng thái lượng tử là U, là sự biến thiên của hàm sóng. Vì duyên cớ gì biểu thức của hàm sóng cần đến phức số? Đa số các nhà lượng tử học không muốn mất thời giờ tìm hiểu vì lý do nào họ bắt buộc phải sử dụng phức số trong mọi mô hình thế giới lượng tử và vì sao sử dụng phức số dẫn đến những kết quả phù hợp rất chính xác với những kết quả quán sát được trong thực tế. Đối với họ, sử dụng phức số chỉ là một thuật kế toán học và thực tại, nói đơn giản, chỉ là kết quả của đo lường mà thôi.

Vấn đề đo lường ở mức lượng tử là phải tìm hiểu bằng cách nào R hiện khởi như tác dụng của các hiện tượng vật lý học cổ điển từ những hệ thống lượng tử vận hành theo U, tức là theo dạng hàm sóng chồng chập khả năng. Một số vật lý gia nghĩ rằng R là một tiến trình vật lý có thật, chứ không đơn thuần là phép diễn toán xác suất. Tuy nhiên, phạm vi tác dụng của tiến trình ấy rộng lớn bao gồm nhiều mức quy mô, từ những mức vi tế ở đó thí nghiệm ghi nhận các hiệu quả lượng tử giao thoa cho đến những mức lớn hơn ở đó bắt đầu thấy được hiện tượng vận hành đúng theo những định luật vật lý học cổ điển. Vậy R thực sự phát khởi từ mức nào? 

Có những vật lý gia như Eugene Wigner, giải Nobel vật lý học năm 1963, chủ trương R, hiện khởi ngay khi một sinh động thể có ý thức vướng mắc vào trạng thái chồng chập khả năng, trước đó vật chất vô tình (inanimate matter) vận hành đúng theo U. 

Penrose không đồng ý. Ông cho rằng sự nhận biết có ý thức tương quan tương duyên với các tiến trình vật lý của não, tuy nhiên, vì hiện nay chưa biết rõ những tiến trình vật lý nào của não liên hợp với nhận thức nên không thể quyết đoán chính ý thức của con người là nơi xảy ra sự sụp đổ của hàm sóng khả năng. Vả lại, không thể nói một cách quá đơn giản rằng ý thức, một tác dụng của ý chí, có thể ảnh hưởng kết quả của một thí nghiệm về cơ học lượng tử. Ngoài ra, quả thật khó tưởng tượng trong một thế giới vật lý các hiện tượng tiến hóa theo nhiều đường hướng khác nhau là tùy theo chúng có ở hay không trong tầm xúc chạm nghe thấy của một cư dân có ý thức cùng ở trong thế giới đó.

Penrose nghĩ rằng thông hiểu vấn đề đo lường lượng tử là điều kiện tiên quyết để thấu đạt vấn đề tâm thức. Nhưng đó là hai vấn đề hoàn toàn khác biệt. Trong vấn đề đo lường, R, sự sụp đổ hàm sóng đồng thời với sự sử dụng xác suất, khác hẳn U và không phải là hậu quả của U, nghĩa là R không xuất sanh từ U. Lý do: U không đưa ra điều kiện nào phải sử dụng bình phương suất để tính xác suất và không bao hàm một ý nghĩa nào liên can đến khái niệm xác suất. Ngoài ra, có thể diễn toán cả U lẫn R trên máy tính. Penrose chủ trương thủ tục thuật toán R không liên can đến sự phát hiện tâm thức và sự phát hiện tâm thức câu sanh cùng với một tác động vật lý bất khả kế toán. Tìm hiểu tác động vật lý bất khả toán ấy như thế nào và phát hiện ở chỗ nào trong não, đó là điểm chủ yếu của bài toán a lại da duyên khởi.
 
 

Kiến giải Penrose về bài toán a lại da duyên khởi.
Đoạn văn trong Nhiếp luận nói về cái nghĩa nhân duyên sẽ giúp hiểu phần nào kiến giải Penrose về bài toán a lại da duyên khởi trên phương diện vật lý học: “A lại da với các pháp tạp nhiễm đồng thời mà làm nhân tố cho nhau, sự ấy làm sao thấy được? Ví như đèn sáng, ngọn đèn với tim đèn đồng thời mà vẫn có sự hỗ tương. Lại như bó lau, dựa nhau giữ nhau mà đồng thời không ngả. Hãy quan sát cái đạo lý hỗ tương ở đây cũng là như vậy: A lại da là nhân tố cho các pháp tạp nhiễm, các pháp tạp nhiễm cũng là nhân tố cho a lại da, chỉ sự thể này mới lập ra cái nghĩa nhân duyên, còn nhân duyên nào khác nữa thời không thể có được.” Thức a lại gia ví như thế giới lượng tử vận hành theo các định luật cơ học lượng tử và thế giới tạp nhiễm ví như thế giới vật lý cổ điển tuân theo các nguyên lý cơ bản của cơ học Newton và của thuyết tương đối Einstein.

Tựa trên thuyết tương đối rộng, Penrose và Hawking chứng minh định lý dị điểm nói rằng điểm thời gian bắt đầu là một dị điểm toán học, nghĩa là một điểm không thời gian có tỷ trọng vô hạn và độ cong vô hạn. Tại đó, mọi định luật vật lý học hiện có đều vô dụng. Vì không thể quan sát dị điểm, nên không biết tựa vào đâu mà thiết lập những định luật mới chi phối dị điểm. Tuy nhiên, định lý dị điểm cho thấy tại đó trường hấp dẫn trở nên quá mạnh nên hiệu ứng hấp dẫn lượng tử trở thành quan trọng, vì thế không ứng dụng được các định luật vật lý học cổ điển. Vậy cần phát minh một thuyết vật lý học mới dung hợp tánh hấp dẫn và cơ học lượng tử.

Vì Penrose chủ trương thức phát hiện cùng lúc với sự sụp đổ hàm sóng lượng tử do các lượng tử của não tương giao tác động và cọng tác với tánh hấp dẫn của môi trường bao quanh, nên trước hết phải tìm hiểu thế nào là hàm sóng lượng tử trong não. Penrose nhận xét các nhà sinh học hiện nay phạm một lỗi lầm lớn là mô tả sự vận hành của não bằng vào tín hiệu vận chuyển thông qua các dây thần kinh giống như sự lưu chuyển điện trong các mạch điện tử của máy tính. Chỉ có hai trường hợp, có điện truyền dẫn và không có điện truyền dẫn. Tuyệt nhiên không có những trường hợp chồng chập khả năng vừa có vừa không có điện truyền dẫn, đặc tính của tác dụng lượng tử. Tuy các nhà sinh học công nhận tác dụng lượng tử đóng một vai trò quan trọng trong tầng sâu thẳm nhất của hệ thần kinh nhưng họ vẫn không thấy cần thiết phải từ bỏ các khuôn khổ lý thuyết cổ điển để phân tích khảo sát các hệ quả có quy mô rộng lớn của tác dụng lượng tử. Chẳng hạn, họ không đả động gì đến cơ cấu lượng tử cội nguồn sanh xuất những tác dụng hóa học chế ngự sự vận chuyển những hóa chất liên kết loại thần kinh dẫn truyền (neurotransmitter), cũng như những thế tác động (action potentials) có tác dụng chi phối sự truyền dẫn tín hiệu dọc theo các dây thần kinh.

Penrose đặt câu hỏi: “Neuron tức tế bào thần kinh hoạt dụng như thế nào? Không lẽ chúng chỉ tác dụng như những đơn vị kế toán mà thôi ư?” Neuron là tế bào và tế bào là rất tinh xảo. Thật vậy, chúng tinh xảo đến độ chỉ cần đơn độc một tế bào thôi mà nó có thể thực hiện nhiều tác động rất phức tạp. Penrose lưu ý chúng ta về một sinh vật có tên là paramecium (trùng cỏ, hay trùng đế giày, hay thảo trùng). Đây là một giống của ngành động vật nguyên sinh, sống phổ biến ở các thủy vực nước ngọt có xác bã thực vật đang phân hủy. Trùng cỏ là một đơn bào có bộ xương tế bào (cytoskeleton) phủ tiêm mao (cilia; lông rung) ở phía ngoài. Các tiêm mao rung động sẽ tạo nên sự chuyển động rất mau lẹ của trùng cỏ. Điều kỳ diệu là trùng cỏ vỏn vẹn là một tế bào, không có một neuron hay diện tiếp hợp nào trong cơ thể, thế mà nó có thể nhận ra và di chuyển theo hướng những vi khuẩn thức ăn, chạy tháo lui khi cảm thấy bị đe dọa, hay bơi vòng quanh một vật chướng ngại. Các nhà sinh học cho rằng trong bộ xương tế bào của trùng cỏ có một phần tác dụng như một hệ thần kinh, trung tâm điều khiển mọi hoạt động của trùng cỏ.

Tế bào thần kinh hay neuron cũng đơn bào và cũng có bộ xương tế bào giống hệt của trùng cỏ. Theo Penrose, phần trong bộ xương tế bào có chức năng của một hệ thần kinh và tương quan liên hệ với hiện tượng tâm thức là gồm những protein có dạng ống mảnh hình trụ gọi là sợi thoi (microtubule).

Các tiểu đơn vị của thành sợi thoi chủ yếu gồm hai kiểu protein hình cầu được gọi là tubulin. Chúng phân bố theo dạng xoắn bao quanh thành, tạo nên đường kính tổng thể khoảng 25 nm (1 nm là một phần ngàn triệu của mét). Theo chiều dài, các tiểu đơn vị tạo thành 13 hàng song song. Mỗi tubulin biểu hiện hai cấu hình (conformation) tương ứng với hai trạng thái phân cực điện gây ra bởi một electron nằm giữa hai protein hình cầu có khả năng hoán đổi vị trí qua lại hai bên. Hãy tưởng tượng hai cấu hình đó biểu diễn '0' và '1' của một máy tính số tự. Tính chất tubulin biến hiện dưới hai cấu hình phân cực điện như vậy đã thành đề tài của nhiều công trình khảo cứu nhằm chứng minh các sợi thoi là một loại máy tính đặc biệt gọi là tế bào tự động (cellular automata). Nếu căn cứ vào tubulin như những đơn vị kế toán cơ bản của não, thời não thực hiện "10 lũy thừa 27" phép diễn toán mỗi giây. So với các máy tính cực mạnh hiện nay chỉ thực hiện "10 lũy thừa 14" phép diễn toán mỗi giây, không thể nào nói rằng trong tương lai gần đây, máy tính sẽ vượt não bộ trên phương diện tính toán nhanh chóng.

Vậy để trả lời câu hỏi về hoạt dụng của neuron, nên lưu ý đến khoảng mười triệu sợi thoi chứa trong nó, mỗi sợi thoi hoạt dụng như một máy tính và có khả năng thực hiện nhiều tác động phức tạp. Ngoài ra, các sợi thoi có trách nhiệm bảo trì cường độ thu nhận và truyền chuyển tín hiệu của những diện tiếp hợp, và khi cần, có thể tác dụng làm thay đổi những cường độ ấy. Hơn nữa, chúng tổ chức sự phát triển thêm diện tiếp hợp, hướng dẫn cách nối kết với những tế bào thần kinh khác. Nói tóm lại, mọi hoạt động của não chung cùng là do những tiến trình lượng tử diễn biến trong các sợi thoi điều khiển. Penrose cho rằng bên trong ống của các sợi thoi phát hiện hiện tượng gọi là hiệu ứng lượng tử dao động nhất trí (quantum coherence) tương quan liên hệ với hiện tượng tâm thức. Hiệu ứng lượng tử dao động nhất trí là trạng thái hỗ tương nhiếp nhập của những tác dụng của một số rất lớn các hạt trong sợi thoi phối hợp dao động của hết thảy hàm sóng riêng biệt của chúng tạo thành một hàm sóng lượng tử duy nhất. Toàn thể số rất lớn các hạt cộng đồng dao động như một hạt. Đúng là lý huyền diệu thứ ba của Hoa nghiêm tông, nhiều ở trong một, một ở trong nhiều, tất cả ở trong nhất thể.

Nhờ có thành ống ngăn cách nên hiệu ứng lượng tử dao động nhất trí ở bên trong ống biệt lập và không bị nhiễu loạn bởi môi trường bên ngoài ống. Đó là điều kiện cần thiết để hiệu ứng lượng tử dao động nhất trí tồn tại lâu dài không bị vướng mắc với môi trường bao quanh. Có bằng chứng nào liên kết hiện tượng tâm thức với hiệu ứng lượng tử dao động nhất trí trong các sợi thoi hay không?

Một cách ghi nhận bằng chứng về cơ bản vật lý của tâm thức là quan sát tác dụng của những chất gây mê khiến tâm thức bất tại. Nhìn vào danh sách những chất gây mê tổng quát thời không thấy một quan hệ hóa học nào giữa chúng: nitrous oxide N2O, ether CH3CH2OCH2CH3, chloroform CHCl3, halothane CF3CHClBr, isofluorane CHF2OCHClCF3, và cả khí trơ xenon nữa. Như vậy, tác dụng của chất gây mê không do những tính chất hóa học của chúng. Penrose đồng ý với nhiều khoa học gia cho rằng khi các chất gây mê khuếch tán trong các tế bào thần kinh, tính chất ngẫu cực điện (electric dipole moment) của chúng tương tác với hai cấu hình phân cực điện của tubulin làm ngắt đoạn tác dụng của các sợi thoi, do đó làm mê man, mất hết cảm giác và tri giác. Ngoài ra, hiệu quả tác dụng của các chất gây mê trên người vẫn có thể quan sát thấy được khi đem sử dụng cùng một nồng độ trên trùng cỏ hay trên amip (amoeba). Điều này chứng tỏ những trạng thái tâm thức đòi hỏi phải có một hệ thống hoạt dụng như bộ xương tế bào. Tâm thức biến mất khi tác dụng của bộ xương tế bào bị ngắt đoạn và trở lại ngay khi tác dụng ấy được phục hồi. Nói tóm lại, yếu tố vật lý chủ yếu liên hệ mật thiết vói hiện tượng tâm thức không phải hệ thống tổ chức neuron của não mà là hiệu ứng lượng tử dao động nhất trí trong các sợi thoi của bộ xương tế bào, hạ tầng cơ sở của neuron. Một câu hỏi được đặt ra: tác dụng vật lý cơ bản bất khả toán nào hợp nhập hoạt dụng của các sợi thoi để dẫn khởi tâm thức?

Trước hết, nên biết rằng hiệu ứng lượng tử dao động nhất trí không những chỉ xảy ra dọc theo chiều dài thành ống của các sợi thoi trong mỗi bộ xương tế bào, mà còn phổ biến lan khắp trong một phạm vi rộng lớn của não. Do tính cách tương quan vô tận và vô ngại của thế giới lượng tử tức tính nối kết phi cục bộ, muôn ngàn sợi thoi vướng mắc nhau tác dụng như một, tất cả tham gia chung một hiệu ứng lượng tử dao động nhất trí. Hơn nữa, trạng thái ấy lan tràn qua các diện tiếp hợp từ neuron này sang neuron khác, cuối cùng phát hiện một nhất thể lượng tử dao động nhất trí trên một khu vực rộng lớn của não, tương ứng với sự phát hiện tâm thức.

Mặt khác, các sợi thoi có thể hoạt dụng như máy tính “tế bào tự động”, các tín hiệu phức tạp được truyền dẫn dưới dạng sóng của hai cấu hình phân cực điện của các tubulin. Truyền dẫn tín hiệu cách này là một phương thức thích đáng để vận chuyển những thế tác động và những hóa chất liên kết loại thần kinh dẫn truyền dọc theo các sợi thoi và ngang qua các protein bắc cầu kết nối giữa các sợi thoi (MAP, microtubule associated proteins). Kế toán lượng tử (quantum computation) quan niệm như vậy chỉ khác máy tính Turing ở điểm là hết thảy mọi phép diễn toán lượng tử đều tuân theo nguyên lý chồng chập. Nghĩa là, chừng nào kế toán lượng tử hoàn toàn được biệt lập với môi trường bên ngoài, các kế toán lượng tử do một hệ thống neuron thực hiện có thể chồng chập nhiều phép tính được thực hiện độc lập riêng biệt trên nhiều mạng neuron khác nhau của hệ thống. Máy tính lượng tử trong trường hợp này vận hành tiến hóa tùy thuận tác dụng của U, sự biến thiên của hàm sóng, cho đến khi thực hiện đo lường thời R, sự sụp đổ hàm sóng, xuất hiện.

Vấn đề đặt ra bây giờ là mô tả sự móc nối (coupling) các kế toán lượng tử diễn tiến dọc thành ống với hiệu ứng lượng tử dao động nhất trí phát hiện ở bên trong ống sợi thoi. Đã có nhiều thí nghiệm đo tần số dao động lượng tử vào khoảng 50 ngàn triệu dao động mỗi giây, đem so sánh thời thấy không khác tần số chuyển cấu hình trong các máy tính tubulin.

Nên lưu ý ở đây, một phía, hoạt dụng dao động lượng tử được thành ống ngăn cách biệt lập hoàn toàn với môi trường bên ngoài tuân theo những nguyên lý của cơ học lượng tử. Nhưng phía kia, tác dụng của kế toán lượng tử khi vượt ra khỏi thành ống, băng qua các MAP tức các protein bắc cầu, có thể gây ảnh hưởng nhiễu loạn môi trường bên ngoài đến độ phải cần được mô tả theo lề lối cổ điển. Nhiễu loạn gây ra là do hoạt động kế toán làm di chuyển những khối lượng chất liệu có tánh hấp dẫn đáng kể dọc bên ngoài thành ống sợi thoi. Bởi thế, nên cần phải minh định ranh giới phân cách cảnh giới của tánh hấp dẫn và cảnh giới của lượng tử dao động nhất trí để biết tác dụng của tánh hấp dẫn liên hệ như thế nào với sự sụp đổ hàm sóng (wavefunction collapse) tức sự giảm thiểu vectơ trạng thái (state vector reduction).

Đây là trường hợp đến lúc hai trạng thái, hiệu ứng lượng tử dao động nhất trí và trạng thái kế toán lượng tử vướng mắc tánh hấp dẫn, trở nên quá khác biệt, cho nên không thể tồn tại trong thế chồng chập được nữa. Sự giảm thiểu vectơ trạng thái tất phải xảy đến. Tuy nhiên, nếu sự giảm thiểu xảy ra khi bên trong vướng mắc quá nhiều với môi trường hấp dẫn ở bên ngoài, nghĩa là khi hiệu ứng lượng tử dao động nhất trí không còn tồn tại, thời sự giảm thiểu đó khả toán và tác dụng như R, không liên can hiện tượng tâm thức. Điểm quan trọng ở đây là phải theo dõi quan sát thời điểm hiện thực một sự móc nối bất khả toán, tạm gọi là MN, đúng vào lúc chất liệu di chuyển vừa đủ khối lượng hấp dẫn để sự giảm thiểu vectơ trạng thái phát khởi trong khi hiệu ứng lượng tử dao động nhất trí còn tồn tại. Tác dụng của MN là điều kiện tiên quyết để phát hiện tâm thức và một thuyết vật lý học mới cần được phát minh để mô tả tác động bất khả toán MN.

Penrose chủ trương rằng sự móc nối bất khả toán MN chuyển biến tiềm năng dao động nhất trí ở bên trong thành ra khả năng kế toán vận chuyển ở bên ngoài. Nhưng vì kế toán lượng tử vận chuyển các thế tác động và chất liệu hóa học đến các diện tiếp hợp và ảnh hưởng cường độ thu phát tín hiệu của các diện này, cho nên cuối cùng, do tác động vật lý bất khả toán MN, một phần cơ cấu của hiệu ứng lượng tử dao động nhất trí có công năng làm thay đổi trạng thái của các diện tiếp hợp, tức là ảnh hưởng các hoạt động của não liên hệ sự phát hiện tâm thức.

Theo Penrose, tâm thức biểu hiện trạng thái vướng mắc phi cục bộ của nội tại cơ cấu bộ xương tế bào và sự can hệ của trạng thái ấy trong quan hệ hỗ tương tác dụng giữa hai mức hoạt dụng, mức tiềm thế lượng tử và mức hiện thế cổ điển. Bởi vậy mạng lưới neuron liên tục bị hoạt dụng của bộ xương tế bào chi phối, và trong đó, neuron chỉ là bộ phận khuếch đại truyền chuyển tác dụng của bộ xương tế bào ở mức lượng tử đến một “cái gì” có công năng gây ảnh hưởng trên các cơ quan khác của thân thể như bắp thịt chẳng hạn. Não và tâm được mô tả rất thô sơ bằng vào hoạt dụng của mạng lưới neuron thật ra chỉ là cái bóng của thế giới phi cục bộ không ngừng biến chuyển một cách vi tế theo hàm sóng chồng chập các tiềm năng ở tầng sâu thẳm của bộ xương tế bào. Chính ở tầng sâu thẳm này mới tìm thấy được cơ bản vật lý của tâm thức.

Tóm lại, đối với Penrose, bài toán a lại da duyên khởi là bài toán khám phá một thuyết vật lý học mới dung hợp tánh hấp dẫn và tánh phi cục bộ, thuyết tương đối và thuyết lượng tử. Trong phần cuối của sách Bóng của Tâm, Penrose xác quyết rằng thuyết vật lý học mới này tuy có cấu trúc toán học, nhưng không thể mô phỏng trên máy tính được.

C. Bài toán Tánh khởi.
Một niệm ba ngàn.

A lại da duyên khởi là thuyết giải thích căn nguyên của nghiệp. Để giải thích căn nguyên của thức a lại da, phải cần đến thuyết Như Lai tạng duyên khởi, còn gọi là tánh khởi. A lại da thức là hình thái động của Như Lai tạng tức chân lý cứu cánh. Khi động (tâm sinh diệt trong luận Đại thừa khởi tín), nó biểu lộ trong vòng sống chết, có thể xuất hiện dưới bất cứ hình thức nào. Điều động bởi một nguyên nhân thuần tịnh, nó mang hình thức thanh thoát. Điều động bởi một nguyên nhân ô nhiễm, nó mang hình thức hủ bại. Trong ý nghĩa tĩnh, thời nó phi không gian, phi thời gian, bình đẳng, vô thỉ vô chung, vô tướng, vô sắc, bởi vì bản thân sự vật mà không có sự biểu lộ của nó thời không thể có ý nghĩa và không bộc lộ. Do đó, không nên hỏi Như Lai tạng khởi lên từ đâu, bởi vì Như Lai tạng là thể tánh, là Chân như không thể diễn đạt.

Trong Thắng Man giảng luận, Thầy Tuệ Sỹ dẫn một đoạn kinh Lăng già liên hệ Như Lai tạng: “Này Đại Tuệ, Ta đã giảng điều này cho Thắng Man phu nhân và cũng hỗ trợ các Bồ tát có trí năng vi diệu tinh tế, rằng Như Lai tạng, vốn được gọi tên là thức a lại da cùng chuyển động với bảy thức, mục đích là nêu rõ yếu tính vô ngã của các pháp cho các Thanh văn còn chấp trước. Ta cũng hỗ trợ cho Thắng Man phu nhân giảng về cảnh giới của Như Lai tạng được gọi tên là thức a lại da, được giảng cho các Bồ tát thuộc hạng có trí năng thanh tịnh, tinh tế, vi diệu như ngươi, chứ không phải cho hết thảy các ngoại đạo, Thanh văn, Bích chi Phật chấp chặt vào văn tự giải thuyết.”

Thay vì nói “do Như Lai tạng mà có tâm sinh diệt” như trong luận Đại thừa khởi tín, kinh Thắng Man nói: “Sinh tử nương trên Như Lai tạng”. Ý này được kinh Lăng già giải thích và phát triển: “Như Lai tạng hoạt động như là nhân của thiện và bất thiện, là cái tạo ra cái định hướng của tất cả sinh loại.” Thầy Tuệ Sỹ giải thích câu nói đó xác nhận Như Lai tạng như một chủ thể hành động (Thắng Man giảng luận). Chủ thể hành động này là giả định, chứ không phải là “ngã”, không phải là “tác giả, thường hằng, biến tại, không lệ thuộc yếu tố cấu thành”. Lăng già cảnh cáo không nên theo xu hướng của các triết gia ngoại đạo liên hệ hoạt động của Như Lai tạng với sự tồn tại của một tự ngã như là tác giả. 

Thắng Man phu nhân nhận định: “Bạch Thế Tôn, Như Lai tạng không phải là ngã, không phải là chúng sinh, không phải là linh hồn, không phải là chủ thể có ngôi vị.

Bạch Thế Tôn, Như Lai tạng không phải là cảnh giới cho chúng sinh rơi vào thân kiến, chúng sinh điên đảo, chúng sinh loạn ý chấp không.”

Như Lai tạng thuộc loại pháp giới nào trong thuyết Bốn Pháp giới của Pháp Tạng? Về ý nghĩa của hai chữ “Pháp giới”, Pháp Tạng giải thích rằng “pháp” cũng như “giới” mỗi chữ có ba nghĩa. Ba nghĩa của pháp là duy trì tự tính, quỹ tắc, và đối tượng của ý. Ba nghĩa của giới là nhân năng sanh, tánh sở y của tất cả các pháp, và phân tề tức giới hạn phân biệt thực tế.

Theo nghĩa thứ ba của giới thời pháp tương đương với giới, và pháp giới bao gồm mọi hiện tượng sai biệt. Pháp giới trong trường hợp này là sự sự vô ngại pháp giới.

Theo hai nghĩa đầu của giới thời pháp giới biểu tượng hoặc là nhân của sự thành tựu Thánh đạo, hoặc là nơi nương tựa, là chỗ thường trụ quy y của hết thảy pháp thế gian. Trong trường hợp này, pháp giới đồng nghĩa với Như Lai tạng, và Như Lai tạng là lý sự vô ngại pháp giới. Như vậy, pháp giới duyên khởi có thể hiểu theo nghĩa Như Lai tạng duyên khởi hay tánh khởi.

Tánh khởi tức y tánh duyên khởi hiểu theo nghĩa “lý sự vô ngại” chỉ vào tác dụng của Tâm (Lý) làm sinh khởi thế giới hiện tượng (Sự). Vì bản tánh của Tâm là tánh Không, nên nói theo ngài Long Thọ, chính do tánh Không mà các pháp mới có thể đồng thời hiện khởi, cộng đồng hiện hữu, và hỗ tương giao thiệp tạo thành một Nhất thể nhịp nhàng hòa điệu (Dĩ hữu không nghĩa cố/ Nhất thiết pháp đắc thành.// Bài tụng Trung luận XXIV.14). 

Thuyết y tánh duyên khởi được đề cập trong Phẩm Phương tiện, kinh Pháp Hoa, như là giáo lý của Nhất thừa: “Chư Phật lưỡng túc tôn, Tri pháp thường vô tánh, Phật chủng tùng duyên khởi, Thị cố thuyết nhất thừa. Thị pháp trụ pháp vị, Thế gian tướng thường trú, Ư đạo tràng trí dĩ, Đạo sư phương tiện thuyết.”

Dịch: “Các đức Phật lưỡng túc tôn, biết pháp thường vô tánh, giống Phật theo duyên mà hiện khởi, cho nên mới nói pháp nhất thừa là pháp trụ pháp vị, tướng thế gian thường trú, đức Phật ở nơi đạo tràng chứng biết rồi, đấng Đạo sư phương tiện nói ra.”

“Pháp trụ pháp vị” là y tánh duyên khởi. “Thế gian tướng thường trú” có nghĩa là tất cả các pháp được biểu lộ đều là những pháp ở ngay trong tự tướng của chính chúng. Đối với Thiên thai tông lấy kinh Pháp hoa làm kinh căn bản, thật tướng hay tự tướng của các pháp siêu việt cả ngôn thuyết và tâm tưởng và chỉ được thể nhận qua các hiện tướng không ngừng biến chuyển và biến dị. Thật tướng các pháp là Như, nghĩa là các pháp như là biểu hiện của chúng, hiện tượng tức là thật tướng của chúng. Những cái được biểu hiện hay được phát lộ ở bên ngoài không gì khác hơn chính là sự thể ấy. Không có khác biệt giữa tướng và tánh. Mọi sự thể đều do duyên sinh nên vô tự tính và do đó, thật tướng của chúng là Không, là Giả, là Trung đạo.

Theo học thuyết Thập như, thật tướng của các pháp có mười sắc thái khác nhau, tức mười cách xuất hiện “như thế” hay “như vậy”: như thị tướng (sắc tướng), như thị tánh (bản tánh), như thị thể (tướng và tánh hợp nhất), như thị lực (năng lực của pháp), như thị tác (chức năng tạo tác, tác dụng), như thị nhân (pháp đó làm nhân), như thị duyên (pháp đó làm duyên), như thị quả (quả do tự nhân duyên của mình và cái khác), như thị báo (sự thù đáp lại nhân và duyên trước đó), như thị bản mạt cứu cánh đẳng (tổng thể cơ bản rốt ráo từ đầu đến cuối, từ tướng đến báo, tất cả dều bình đẳng trên thật tướng).

Từ Thập như, ngài Thiên Thai diễn giải thành ra “nhất tâm tam quán” và “nhất niệm tam thiên”, là hai lý chỉ yếu của tông Thiên Thai. Tam quán là Không quán, Giả quán, và Trung đạo quán. Sở dĩ có ba quán là bởi mỗi và mọi pháp, pháp nào cũng có ba chân lý: Không đế, Giả đế, và Trung đạo đế. Không đế: Bản tánh mọi sự vật không có tự tính độc lập ngoài duyên, nên tất cả đều Không. Giả đế: Do nhân duyên kết hợp, vô thường biến đổi, nên hiện hữu giả tạm. Trung đạo đế: Giả, Không không tách biệt riêng nhau, chính Giả là Không, Không là Giả. Muốn nhận biết ba sự thật đó thời phải quán. Khi quán về mặt Không thời gọi là Không quán, về mặt Giả thời gọi là Giả quán, và về mặt Trung đạo thời gọi là Trung đạo quán. Ba quán là do ngài Thiên Thai biến chuyển mỗi như thị trong Thập như thành ra ba cách đọc. 

Khi đọc tướng thị như, tánh thị như, ..., đó là Không quán hay Chân quán, vì dùø là tướng, là tánh, ..., nhưng tướng vẫn nằm nơi Như, tướng không ly Như, không nằm ngoài thật tướng, không nằm ngoài Chân như. Tướng vẫn là Như, tánh, ..., vẫn là Như.

Khi đọc như thị tướng, như thị tánh,..., đó là lối chỉ ngay hiện tượng mà nói. Hiện tượng giả tướng là như vậy, tánh là như vậy, ... Nhìn về mặt hiện tượng giả hữu thời gọi là Giả quán.

Khi đọc tướng như thị, tánh như thị, ..., tướng như vậy, như vậy là như vậy. Như thị là pháp nhĩ như thị, nó là nó, nó là như thế, như thế là như thế. Như thị là không thiên Hữu, không thiên Vô, không thiên Giả, không thiên Không. Đó là Trung đạo quán.

Ba quán đó cùng một tâm mà thành tựu được và trong một tâm mà quán được viên mãn ba thứ nên gọi là nhất tâm tam quán.

Về yếu lý nhất niệm tam thiên, một niệm là ba ngàn, cần hiểu “ba ngàn” không phải chỉ cho một tính chất bao la của danh số hay bản thể, mà để nói lên sự tương dung của tất cả các pháp và nhất thể cứu cánh của toàn thể vũ trụ. Thiên Thai tông đề ra một thế giới hệ gồm mười cảnh vực, tức là thế giới của hữu tình chia thành mười cõi gọi là thập pháp giới hay thập giới: bốn thánh giới (Phật, Bồ tát, Độc giác, Thanh văn) và sáu phàm giới (Trời, a tu la, người, ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục). Mười giới này tương dung tương nhiếp, mỗi giới mang trong nó chín giới kia nên bao hàm tất cả mười thế giới. Như vậy, mười giới nhân lên thành 100 thế giới. Do khám phá ra mười hiện tướng của Như trong 100 thế giới nên mới đạt đến lý thuyết về một ngàn cõi (Bách giới thiên như). Lại nữa, mỗi cõi gồm có ba loại thế gian: hữu tình thế gian, ngũ ấm thế gian (được tách rời hữu tình thế gian). và khí thế gian, vậy tất cả có ba ngàn như. Trong Phật giáo, chữ “ba ngàn” thường chỉ cho đại thiên vũ trụ gồm 1000 tiểu, 1000 trung, và 1000 đại thế giới. Với Thiên Thai tông, ba ngàn là vũ trụ của tất cả hữu tình và vô tình, nghĩa là toàn thể thế giới sinh động. Tuy nhiên, ba ngàn như này không ngoài một niệm của chúng sinh.

Lý thuyết của Thiên Thai tông chủ trương một sát na tâm hay một khoảnh khắc của tư tưởng bao gồm cả ba ngàn thế giới (nhất niệm tam thiên) được gọi là Bản cụ tam thiên hay Lý cụ tam thiên hay Tánh cụ tam thiên, và có khi gọi là Viên cụ tam thiên. Nội thể, hoặc cụ hay bản tánh hay viên (mãn) đều chỉ chung cho một ý niệm như nhau, tức là trong một khoảnh khắc của tư tưởng (sát na tâm) đều có cả ba ngàn thế giới. Tuy chủ thuyết ba ngàn thế giới được quảng diễn trên căn bản duy tâm, nhưng nó không có nghĩa rằng một khắc của tư tưởng tạo ra ba ngàn thế giới, bởi vì một sự tạo tác là sự khởi đầu của một chuyển động theo chiều thời gian. Nó cũng không có nghĩa rằng ba ngàn thế giới được thu vào trong một khoảnh khắc của tư tưởng, bởi vì sự thu giảm là một chuyển động theo chiều không gian.

Đây là một hình thái của lý thuyết duy tâm tri nhận hiện tượng và tác động của tâm là một. Tất cả các pháp trong vũ trụ đều ở ngay trong một ý niệm nhưng không quy giảm về tâm hay ý. Mỗi hiện tượng tâm hay vật tự biểu lộ lý tánh hay bản tánh của chính nó. Một sự thể hay một hiện thể tự nó là thật tướng. Có thể nói: “Mỗi vật, ngay cả màu sắc và hương vị, đều đồng nhất với Trung đạo” (Nhất sắc nhất hương vô phi Trung đạo). Nói theo kinh Hoa nghiêm, nhất niệm tam thiên có nghĩa là “Vô biên sát hải tự tha bất cách ư mao đoan” (HT Thích Trí Tịnh dịch: Trong một vi trần nhiều sát hải/ Chỗ nơi riêng khác đều nghiêm tịnh//). Từ quan niệm này, ngài Thiên Thai đề cập thuyết tánh khởi. Theo Ngài, tánh khởi là từ nơi bản tánh một niệm mà có đủ ba ngàn, rồi tùy theo duyên mà khởi. Gặp duyên trời người thời khởi lên trời người, gặp duyên địa ngục thời khởi lên địa ngục, v..v... 

Tưởng cũng nên biết Thiền tông coi niệm hoặc tư tưởng là một cái tâm nẩy sinh trên cái tâm, "tâm thượng sanh tâm". Cái tâm có trước là tâm bổn lai, tâm nẩy sinh sau là niệm, là một cái thừa, và chính nó gây ra mê và khổ. Thiền tông thường hình dung hiện tượng niệm khởi bằng hình ảnh một cái đầu ghép trên một cái đầu (đầu thượng trước đầu). Tu đạo là nhằm phục hoàn cái tâm bổn lai.
 
 

Một kiến giải khoa học về tánh khởi.
Đặc điểm của cơ học Newton là khái niệm thời gian phổ biến và tuyệt đối, không phụ thuộc không gian. Mọi cấu trúc vật lý cổ điển Newton đều gồm những phần tử có thể phân chia ra thành những mảnh phần cứng rắn có trương độ hoặc những hạt cực vi vật chất bất khả phân. Những mảnh phần ấy được giả thiết là hỗ tương tác dụng giống như những bộ phận trong một bộ máy.

Einstein lúc 15 tuổi tự đặt một câu hỏi về sau trở thành nguồn gốc của sự khám phá thuyết tương đối. “Điều gì có thể xảy ra nếu ta chuyển động nhanh như ánh sáng và nhìn vào trong gương?” Lẽ cố nhiên, ta sẽ không thấy gì trong gương vì ánh sáng di chuyển từ mặt ta không bao giờ đi đến được nơi gương. Sự kiện này trái nghịch với mọi luật chuyển động Newton, vì theo những định luật này, miễn tốc độ chuyển động hữu hạn, thời trên nguyên tắc, ta có thể bắt kịp và vượt quá bất kỳ chuyển động nào.

Như vậy phải thay đổi quan niệm về tốc độ ánh sáng. Không mộtù chuyển động nào có tốc độ nhanh bằng tốc độ ánh sáng. Theo thuyết tương đối hẹp, thời gian trở nên tương đối, tùy thuộc hệ thống quy chiếu dùng mô tả chuyển động. Ngôn từ dùng mô tả chuyển động cũng phải thay đổi. Trước kia nói tốc độ ánh sáng là tốc độ bất khả năng của một vật thể, bây giờ nói đó là tốc độ cực đại truyền dẫn một tín hiệu (signal). Khái niệm vật thể được thay bằng khái niệm tín hiệu. Tín hiệu hàm ý một cách truyền thông, một quan hệ giao thiệp.

Trong thuyết tương đối rộng, vai trò chính yếu của những hạt vật chất nay nhường lại cho những khái niệm căn bản mới là biến cố (events) và tiến trình (processes). Vật thể không còn có cá biệt tính của một cá thể thường tại và độc lập riêng biệt nữa mà là một mẫu hình của chuyển động (pattern of movement).

Với những khái niệm tân tạo như vậy, Einstein vẫn không thành công mô tả sự vận hành của thế giới theo thuyết thống nhất trường (unified field theory) của ông. Trong vật lý học, “trường” là một vùng hư không có một đặc tính vật lý, thí dụ trọng trường (gravitational field) là trường có lực hấp dẫn chẳng hạn, đặc tính ấy có trị số xác định được tại bất cứ điểm nào của trường. Einstein chọn tổng trường của toàn thể vũ trụ làm nền tảng diễn tả thuyết tương đối rộng. Tổng trường này có tính liên tục và bất khả phân. Hạt hay dị điểm (singularity) là những tượng trừu xuất (abstraction) tức hình tượng rút ra từ những vùng cường độ rất lớn của tổng trường. Trường ở quanh hạt giảm cường độ dần dần khi di chuyển ra xa hạt và cuối cùng hòa nhập trường của những dị điểm khác. Trường không có bờ mé, không nơi nào đứt đoạn. Vũ trụ theo Einstein là một toàn thể hoàn chỉnh, bất phân và bất đoạn.

Như vậy, một trật tự mới được công nhận, trật tự của một toàn thể hoàn chỉnh. Trật tự này thay thế trật tự cũ, trật tự của thế giới cổ điển Newton, một thế giới có thể phân cắt thành những mảnh phần riêng biệt và hỗ tương tác dụng. Nhiều khái niệm mới về trật tự và đo lường được thi thiết. Chẳng hạn, các hệ thống quy chiếu dùng mô tả trọng trường (gravitational field) là những tập hợp đường cong thay vì đường thẳng. Chuyển động được mô tả bằng những hệ thống phương trình phi tuyến tính (non linear) thay vì tuyến tính, nghĩa là lời giải không thể cọng với nhau để có thêm lời giải mới.

Phi tuyến tính của thuyết tương đối đối nghịch với tuyến tính của cơ học lượng tử. Ngoài ra còn có nhiều điểm khác biệt nữa. Về phía thuyết tương đối, có trường liên tục, định luật có tính cách quyết định (deterministic), nghĩa là chỉ cần biết đích xác điều kiện đầu tức vị trí và vận tốc của hệ thống vào một thời điểm nhất định thời sự vận hành của hệ thống được định luật xác định. Về phía cơ học lượng tử, chuyển động là gián đoạn, và hàm sóng chồng chập khả năng chỉ được xác định trên phương diện tổng tướng có tính cách thống kê xác suất. Hơn nữa, thuyết tương đối không công nhận tính phi cục bộ của cơ học lượng tử tức tính hỗ tương giao thiệp giữa hai biến cố hay tiến trình xa cách nhau.

Tuy nhiên, do tính phi cục bộ mà dụng cụ quan sát được xem như không phân cách đối tượng quan sát. Vì phi cục bộ nên người quan sát, dụng cụ quan sát, đối tượng quan sát, và mọi hiện tượng đồng thời xảy ra trong tiến trình thí nghiệm, tất cả hỗ tương giao thiệp, mặc dầu xa cách nhau mà vẫn phải xem như bất tương ly. Trong thế giới lượng tử, cảnh huống thí nghiệm và ý nghĩa của kết quả thu thập là một toàn thể hoàn chỉnh. Toàn thể hoàn chỉnh ở đây có thể ví với mẫu hình của một tấm thảm. Mẫu hình là toàn thể hoàn chỉnh. Những chi tiết hoa lá cây cỏ trong mẫu hình không được xem như là những mảnh phần riêng biệt hỗ tương tác dụng. Chúng là những tượng trừu xuất (abstraction) do cách ta diễn tả biến cố mà phát hiện từ một toàn thể hoàn chỉnh. Cũng vậy, người quan sát, khí cụ đo kiểm, đối tượng quan sát, cùng với mọi hiện tượng đồng thời xảy ra trong cảnh huống thí nghiệm, đều là những tượng trừu xuất do cách ta diễn tả thí nghiệm mà phát hiện từ một toàn thể hoàn chỉnh. Đó là điểm tương đồng giữa thuyết lượng tử và thuyết tương đối. 

Nói theo triết lý Viên dung của Hoa nghiêm, cái toàn thể hoàn chỉnh của các cách thức quan sát, khí cụ đo kiểm, và sự thông hiểu lý thuyết là một mạng lưới quan hệ toàn diện, cùng một lúc, tồn tại giữa những cá thể và phổ biến, giữa những sự vật riêng rẽ và những ý tưởng tổng quát. Bấy lâu khoa học không quan tâm đến những quan hệ hỗ tương giữa cách thức thông hiểu lý thuyết, cách thức quan sát, và khí cụ đo kiểm, cho đó là vấn đề thuộc ngành lịch sử khoa học. Bây giờ cơ học lượng tử cho thấy hiểu biết những quan hệ hỗ tương ấy là điều kiện cần thiết và căn bản để hiểu biết khoa học.

Một thí dụ về quan hệ hỗ tương giữa khí cụ đo kiểm và thông hiểu lý thuyết là thấu kính (lens). Thấu kính dùng trong máy chụp hình chẳng hạn tạo tác ảnh của một vật trên một tấm phim. Với mỗi điểm của vật tương ứng một điểm của ảnh. Do làm nổi bật lên sự tương ứng giữa những nét đặc thù của vật và của ảnh, thấu kính đã ảnh hưởng thói quen nhận thức sự vật bằng cách phân chia chúng thành những mảnh phần tương quan liên hệ với nhau. Dần dà quen với lối nhìn phân toái như vậy, nên mỗi lần suy luận ta có tập quán phân tích (analysis) và tổng hợp (synthesis). Trật tự biểu hiện phép suy luận bằng phân tích và tổng hợp được nhà vật lý học lý thuyết David Bohm gọi là trật tự phóng khai (explicate order). Trật tự này được quảng diễn đến tận những vật thể vô cùng xa, vô cùng lớn, vô cùng bé, hay chuyển động vô cùng nhanh, ngoài tầm nghe thấy của con người. Các nhà khoa học cổ điển quen thói ngoại suy (extrapolation) theo kiểu đó tin tưởng rằng trật tự phóng khai là trật tự thỏa đáng để mô tả biến cố hay tiến trình vật lý trong mọi trạng huống và với mọi cấp độ chính xác.

Tập tính suy diễn phân toái theo trật tự phóng khai như vậy không thích hợp với nhãn quan viên dung của thuyết tương đối và thuyết lượng tử. Nếu thấu kính là khí cụ giải thích thế nào là phân tích và tổng hợp, thử hỏi có khí cụ nào giúp trực quán cái gọi là toàn thể hoàn chỉnh hay không?

Theo Bohm, khí cụ ghi ảnh toàn ký giúp ta có ý niệm về một toàn thể hoàn chỉnh. Ánh sáng dùng trong phép ghi ảnh toàn ký (holography) là một chùm tia laser chiếu đến một tấm gương mạ bạc nửa phần. Gương này chia chùm laser đến thành hai chùm. Chùm thứ nhất phản chiếu trên gương rồi đến chiếu sáng toàn bộ cấu trúc của vật thể ta muốn chụp ảnh và chùm thứ hai đi thông suốt qua gương đến chiếu vào tấm kính ghi ảnh. Chùm thứ nhất sau khi chiếu vào toàn bộ cấu trúc sẽ được hướng dẫn phản chiếu trên tấm kính ảnh, giao thoa với chùm thứ hai trên đó, và tạo nên một hình ảnh của vật thể, gọi là ảnh toàn ký (hologram). Muốn nhìn ảnh toàn ký thời phải sử dụng ánh sáng laser và khi nhìn vào toàn cả tấm kính ảnh, ta thấy ảnh hiện ra rất rõ trong khung kích thước ba chiều không khác cảnh vật nhìn qua cửa sổ. Điểm đặc biệt và mới lạ của ảnh toàn ký là dù nhìn ảnh trên bất cứ mảnh phần nhỏ nào của tấm kính ảnh, ta vẫn thấy toàn bộ cấu trúc đầy đủ chi tiết như khi nhìn trên toàn cả tấm kính ảnh, tuy chi tiết của ảnh không sắc nét bằng.

Mỗi mảnh phần của ảnh toàn ký chứa thông tin về toàn thể sự vật. Toàn bộ cấu trúc của toàn thể sự vật được thu nhiếp trong mỗi mảnh phần của ảnh toàn ký. Khi chiếu laser vào bất cứ mảnh phần nào thời toàn bộ cấu trúc ấy mở bày phóng khai trở lại tái tạo hình ảnh của toàn thể sự vật như trước. Đây là trường hợp một trật tự mới: mọi sự vật thu nhiếp trong mọi sự vật. Bohm gọi đó là trật tự thu nhiếp (implicate order). 

Bohm đề nghị thay thế lối nhìn cổ điển qua thấu kính (lens) chú trọng vào sự phân tích chia chẻ ra thành phần riêng biệt bằng lối nhìn ghi ảnh toàn ký (holography) nhìn thực tại như toàn thể hoàn chỉnh (unbroken wholeness). Nói cho đúng, ảnh toàn ký chỉ là một khí cụ có chức năng "bắt chộp" (snapshot) ghi lại một hình ảnh tĩnh. Trật tự thu nhiếp thật ra nằm trong chuyển động phức tạp của các điện từ trường dưới dạng sóng ánh sáng. Sóng ánh sáng chuyển động truyền dẫn khắp nơi và trên nguyên tắc, sự chuyển động truyền dẫn đó thu nhiếp toàn thể không thời gian của vũ trụ vào trong mỗi mỗi vùng. Khi ý niệm nhận biết khởi lên thời với một cặp mắt tốt hay một kính viễn vọng là có thể thấy mọi sự vật thu nhiếp phóng khai trở lại, tướng dạng hiện ra như những tượng trừu xuất từ toàn thể hoàn chỉnh của vũ trụ.

Ngoài chuyển động truyền dẫn của sóng ánh sáng, trật tự thu nhiếp và phóng khai có thể nằm trong chuyển động của các sóng khác. Sóng đề cập ở đây có tính gián đoạn và phi cục bộ của cơ học lượng tử chứ không phải là thứ sóng thường. Do đó, toàn bộ chuyển động thu nhiếp và phóng khai vượt ra khỏi tầm mức thấy biết của chúng ta, vì thế cho nên không thể định nghĩa và không thể tư lường. Bohm gọi toàn bộ ấy là toàn lưu (holomovement) hay là vũ trụ toàn ký (holographic universe). Theo ông, đương thểø (what is) chính là toàn lưu và mọi biến cố hay tiến trình phải được hiểu như là tượng trừu xuất từ toàn lưu.

Vũ trụ toàn ký của Bohm có thể ví với Pháp giới Hoa nghiêm. Trật tự thu nhiếp ví vớiø pháp giới tánh là tánh bản nhiên "trùng trùng duyên khởi" của tất cả sự vật. Trật tự phóng khai biểu hiện hoặc luật nhân quả (tadutpatti. "Ở đây có lửa bởi vì có khói") hoặc luật đồng quy nhất (tàdàtmya. "Ở đây có cây bởi vì có nhiều lau sậy"). Trật tự phóng khai thật ra là dạng biến chuyển của một trật tự thứ cấp bao hàm trong trật tự thu nhiếp. Trật tự thứ cấp này tạo điều kiện (duyên) phát hiện biến cố hay tiến trình như những tượng trừu xuất từ vũ trụ toàn ký. Như vậy, trật tự thu nhiếp là nguyên nhân hay căn bản y của hết thảy chuyển động và hiện tượng trong vũ trụ và trật tự phóng khai là thứ cấp, dẫn xuất từ trật tự thu nhiếp.

Ngài Khuê Phong Tông Mật phân biệt hai thứ nhân duyên sanh khởi: tánh khởi và duyên khởi. Tánh khởi chỉ vào hai mặt bất biến và tùy duyên của vạn pháp. Duyên khởi chỉ vào hai cửa nhập đạo đốn ngộ và tiệm tu. Ở đây, có thể ví phép chuyển trật tự thu nhiếp thành trật tự phóng khai là tánh khởi và ngược lại, phép chuyển trật tự phóng khai thành trật tự thu nhiếp là duyên khởi.

Có thể nói theo ngài Trí Nghiễm, kế tổ của Hoa nghiêm tông, phép triển chuyển trật tự thu nhiếp thành trật tự phóng khai và ngược lại chính là phép đếm từ một đến mười, đếm đi xuống là chuyển phóng khai thành thu nhiếp và đếm đi lên là chuyển thu nhiếp thành phóng khai.

Toán học mô tả phép triển chuyển này như là phép chiếu (projection) từ vũ trụ toàn ký, một toàn thể có thứ nguyên cao vào những vùng có thứ nguyên thấp và ngược lại. Các tượng trừu xuất là hình chiếu từ vũ trụ toàn ký, vì thế bản tánh của chúng là trật tự thu nhiếp và trật tự phóng khai là biến tướng của một trật tự thứ cấp chứa trong trật tự thu nhiếp.

Theo Bohm, bấy lâu các định luật vật lý diễn tả quan hệ và biến chuyển theo trật tự phóng khai, căn cứ trên lưới tọa độ Descartes. Vật lý học cổ điển công nhận có một thuyết vật lý cơ bản dùng làm nền tảng bất biến, nơi cuối cùng quy giảm hết thảy mọi hiện tượng vật lý. Trong vũ trụ toàn ký, nói đến một thuyết vật lý cơ bản như vậy là vô nghĩa. Mỗi thuyết vật lý là một lối nhìn trừu tượng hóa một khía cạnh nào đó của vũ trụ toàn ký, khía cạnh này chỉ thích đáng trong một cảnh huống giới hạn, và được chỉ báo bởi một phép đo lường thích hợp.

Ta có thể tìm thấy ý nghĩa nguyên nhân hay căn bản y của vũ trụ toàn ký phô diễn một cách rất thiện xảo theo ngôn ngữ Phật giáo trong đoạn văn sau đây Thầy Tuệ Sỹ viết trong Tựa Nhận thức và tánh Không: “Pháp tính mà có thể nhận thức được, bằng hiện lượng hay bằng tỉ lượng, thì tự căn bản pháp tính hiện thực “ở đâu đó”. Thế nhưng, “nơi nào đó” có tác dụng, nơi đó pháp tính mới được nỗ lực quán chiếu để phát hiện. Trước Newton vô thủy, và sau Newton vô chung, trái táo, và mọi thứ trái khác,vẫn rơi; cả tâm của chúng sinh cũng rơi. Ở phương Tây người ta thấy điều đó. Ở phương Đông, người ta cũng thấy như vậy. Trên mặt phẳng của sự rơi, dưới đáy hố thẳm siêu hình của sự rơi, pháp tính vẫn thường nhiên. Trong mỗi pháp được nhận thức, có vô biên điều kỳ diệu. Nhưng chỉ tại một điểm nào đó trong một xứ và một thời nhất định, do tác dụng của tâm trong một định hướng tồn tại nhất định, mà một quy luật được phát hiện từ pháp tính. Mỗi phát hiện đều có cơ làm thay đổi sắc diện của thế giới. Người ta gieo hạt để thâu hoạch những thứ mình cần, hay muốn.”

Tất cả các quan hệ cấu thành vũ trụ toàn ký không phải là quan hệ giữa những hình tướng trừu tượng và phân biệt trong thế giới huyễn tướng được nhận thức qua các giác quan hay qua các khí cụ đo kiểm. Chúng là quan hệ giữa những cấu trúc thu nhiếp, hỗ tức hỗ nhập khắp toàn thể hư không. Mặc dầu không thể nào thấu đạt toàn thể những luật tắc chi phối sự vận hành của vũ trụ toàn ký, ta vẫn có thể giả thiết chúng công nhận tánh cách căn bản y (nguyên nhân) của vũ trụ toàn ký: "không có một pháp nào chẳng từ đó mà lưu xuất, và cũng không có một pháp nào chẳng trở về đó" (Vô bất tùng thử pháp giới lưu, mạc bất hoàn qui thử pháp giới).

Như vậy, luật tắc chi phối vũ trụ toàn ký mặc nhiên công nhận trật tự thu nhiếp bao hàm một trật tự thứ cấp. Trật tự thứ cấp này tạo điều kiện trừu tượng hóa một tập thể các dạng ở bên trong vũ trụ toàn ký có tính cách phần nào bền vững, tập tính gần như tuần hoàn, và có khả năng tách biệt. Khi những tượng trừu xuất biểu hiện, chúng tạo nên cái thế giới hiện tượng quen thuộc của giác quan. Trật tự phóng khai của thế giới hiện tượng lưu xuất từ trật tự thứ cấp nói trên.

Tóm lại, theo Bohm, khoa học phải khởi đầu từ một toàn thể hoàn chỉnh, có nhiệm vụ phát hiện những tượng trừu xuất từ toàn thể hoàn chỉnh, giải thích chúng như là những hiện tướng trông có vẻ sai biệt, bền vững, và tuần hoàn tái diễn, nhưng kỳ thật tương quan liên hệ nhau và tạo thành những biến cố hay tiến trình tương đối tự trị, tuân theo những luật tắc của trật tự phóng khai.

Làm thế nào giải thích trật tự phóng khai là trật tự nhận thức được bằng giác quan? Muốn vậy, cần phải đem tâm thức vào vũ trụ ngôn thuyết (universe of discourse) và thuyết minh vật chất nói chung và tâm thức nói riêng, theo một nghĩa nào đó, cả hai có chung một trật tự, trật tự phóng khai.

Đề cập vấn đề vật chất trước, Bohm tựa trên thuyết biến số ẩn tàng (theory of hidden variables) của ông đưa ra một mô hình electron (âm điện tử) làm thí dụ. Cơ học cổ điển mô tả electron là một hạt, mỗi lúc xuất hiện thời xuất hiện trong một vùng không gian nhỏ bé và có vị trí thay đổi theo thời gian. Bohm ngược lại mô tả electron căn cứ vào một toàn lưu (vũ trụ toàn ký) gồm các tập hợp thu nhiếp không có vị trí xác định trong không gian. Vào bất cứ lúc nào, một trong các tập hợp đó có thể được phóng khai và trở thành có vị trí xác định. Nhưng trong giây phút kế tiếp, nó được thu nhiếp lại và thay thế bởi một tập hợp phóng khai kế tiếp. Những hình tướng tương tợ liên tục thu nhiếp và phóng khai một cách đều đặn và hết sức nhanh chóng gây ra cảm tưởng có một electron tồn tại. 

Sự hiện hữu của electron là sự hiện hữu cùng với và hỗ tương giao thiệp với một toàn thể các tập hợp biến hình hỗ tức hỗ nhập trong những trạng thái thu nhiếp bất đồng. Tuy cả dạng lẫn cấu trúc của các tập hợp biến hình, nhưng trật tự thu nhiếp của toàn thể vẫn không thay đổi. 

Thật ra, electron chỉ là kết quả tác dụng của hoạt động trừu tượng hóa. Đương thể (what is) là toàn lưu, một toàn thể hoàn chỉnh của hết thảy tập hợp các chuỗi thu nhiếp và phóng khai đồng thời hiện khởi và cộng đồng hiện hữu, hỗ tương nhiếp nhập khắp trong toàn thể hư không.

So với mô hình cổ điển, hiểu electron theo Bohm như là tượng trừu xuất từ một toàn thể hoàn chỉnh thử hỏi có những lợi ích gì? Sau đây nêu ra hai lợi điểm cơ học cổ điển không giải thích nổi.

Một, thí nghiệm cho thấy electron có thể nhảy từ một trạng thái này sang một trạng thái khác không cần phải đi qua trung gian. Tại sao electron có khả năng như vậy? Tại vì hạt chỉ là một tượng trừu xuất từ một toàn thể cấu trúc rộng lớn và là một hiện tướng đối với giác quan. Không có lý do gì bắt nó phải có một chuyển động liên tục.

Hai, khi toàn bộ trạng huống của tiến trình thí nghiệm thay đổi, thời xuất khởi nhiều hình thái biểu hiện mới. Do đó, electron có thể là hạt, có thể là sóng, hay có thể vừa hạt vừa sóng, tùy thuận toàn bộ cảnh huống trong đó nó hiện hữu và được thí nghiệm quan sát.

Đến lượt đề cập vấn đề tâm thức, câu hỏi được đặt ra là có thể nào vũ trụ toàn ký, căn bản y của vật chấùt, cũng là căn bản y của tâm thức hay không? Trước hết, phải công nhận rằng vật chất thường là đối tượng nhận thức của tâm thức. Mặt khác, qua phép ghi ảnh toàn ký, ta có một ý niệm về sự thu nhiếp mọi thứ năng lượng như ánh sáng, âm thanh, v..v... liên can đến toàn thể vũ trụ vật chất vào mỗi mỗi vùng của hư không. Do những tiến trình như vậy mà thông tin về các thứ ấy truyền xuyên qua các giác quan đến tận hệ thần kinh của não. Thật ra, ngay từ đầu, tất cả vật chất trong cơ thể chúng ta cũng thu nhiếp vũ trụ bằng một cách nào đó. Có thể nào cấu trúc thu nhiếp của thông tin và của vật chất trong não và thần kinh hệ chẳng hạn, là cơ sở của những hoạt động tâm thức hay không?

Karl Pribram, giáo sư chuyên về não tại Đai học Stanford, có bằng chứng thí nghiệm cho thấy kinh nghiệm, nói một cách tổng quát, được cất giữ khắp nơi trong não, do đó thông tin về bất cứ sự vật hay phẩm tính nào đều được thu nhiếp trong toàn bộ não, chứ không cất giữ nơi một tế bào hay một khu vực nào riêng biệt. Ký ức tức nhớ lại những kinh nghiệm đã qua giống như nhìn vào một tấm ảnh toàn ký nhưng phiền phức gấp bội. Giống ở điểm là mỗi lần ký lục toàn ký bị kích hoạt thời một mẫu hình năng lượng thần kinh được tạo ra, phần nào tương tợ mẫu hình do kinh nghiệm đã ghi lại trong não toàn ký. Mẫu hình nhớ lại phức tạp gấp bội là vì nhiều lý do. Một, ít chi tiết hơn. Hai, những ký lục ghi lại sau những lần khác nhau đã hòa nhập làm một. Ba, ký lục kết nối nhau do liên tưởng và suy luận. Ngoài ra, nếu thêm vào đó những dẫn liệu cảm thọ (sensory data) thời toàn bộ kinh nghiệm nhớ lại là một nhất thể không phân tích được do sự kết hợp cực kỳ phức tạp của trí nhớ, luận lý, và cảm giác tạo thành.

Tâm thức không phải chỉ là ký ức. Phật giáo gọi ký ức là niệm hay ức niệm, là một trong năm tâm sở biệt cảnh (dục, thắng giải, niệm, định, tuệ) theo cách liệt kê của Duy thức. Tâm thức còn là sự nhận biết, chú ý, tưởng tri, thông hiểu, và nhiều tâm sở khác nữa. Bởi thế không nên chỉ chú trọng quan sát những mẫu hình kích động dây thần kinh cảm giác và cách bảo tồn ký ức mà cần phải quan sát phân tích những tác dụng tâm kể trên thời mới thấy được cơ sở của những hoạt động tâm thức.

Bohm đưa sự nghe nhạc ra làm thí dụ. Vào lúc nghe một nốt nhạc mới thời trong tâm thức một số nốt nhạc vừa nghe trước đó vẫn còn vang dội lại. Sự đồng thời hiện khởi và hoạt dụng của tất cả âm thanh vang dội đó trực tiếp và tức thời gây nơi người nghe một cảm giác về chuyển động, lưu động, và liên tục, một cảm giác về một toàn thể hoàn chỉnh sinh động đang lưu chuyển. Âm thanh vang dội không phải là ức niệm cất giữ về trước mà là những biến hình hoạt động của những gì đã phát hiện trước đây, như những tiếng nhạc giảm dần cường độ trên đường truyền dẫn đến tai, những cảm ứng xúc động, những phản ứng cảm động của thân thể, và nhiều thứ cảm xúc tinh tế hơn nữa. Ta có thể trực quán cách thức thu nhiếp một chuỗi nốt nhạc vào trong nhiều mức độ nhận thức khác nhau và vào bất kỳ lúc nào, trực quán cách thức những biến hình lưu xuất từ những nốt nhạc thu nhiếp ấy hỗ tương nhiếp nhập và hỗ tương tác dụng để dẫn khởi một cảm giác tức thời và sơ cấp về chuyển động.

So với thí dụ electron, trong thí dụ nghe nhạc cũng có sự biến đổi hoàn toàn các nốt nhạc mà vẫn không thay đổi trật tự thu nhiếp của toàn lưu. Tuy nhiên có điểm khác biệt. Trong thí dụ electron, do suy tư mà nắm bắt được trật tự thu nhiếp, xem đó là sự cộng đồng hiện hữu của nhiều mức độ biến đổi tập hợp, khác nhau nhưng tương quan liên hệ biến chuyển không ngưng. Còn trong thí dụ nghe nhạc, trật tự thu nhiếp được trực cảm tức thời và xem như là sự cộng đồng hiện hữu của nhiều mức độ biến đổi âm thanh, khác nhau mà tương quan liên hệ biến chuyển không ngưng. 

Tác dụng của vật chất như electron và tác dụng tâm thức như nghe nhạc đều lưu xuất từ trật tự thu nhiếp. Trong trường hợp nghe nhạc, trật tự thu nhiếp là trật tự của tự tướng của chuyển động nhận thức bằng hiện lượng tức trực cảm . Trong trường hợp electron, trật tự thu nhiếp là trật tự của tổng tướng của chuyển động nhận thức bằng tỷ lượng tức bằng suy tư. Nói theo thuật ngữ Phật giáo, quan hệ giữa vật chất (electron) và tâm thức (nghe nhạc) trước hết là quan hệ theo luật đồng quy nhất (tàdàtmya). Chúng quy hợp về cùng chung một căn bản hữu pháp (dharmì). Căn bản hữu pháp ở đây là toàn lưu hay vũ trụ toàn ký, một toàn thể hoàn chỉnh, vận hành theo trật tự thu nhiếp.

Vận hành theo trật tự thu nhiếp khác với chuyển động theo trật tự phóng khai như thế nào? Cơ học cổ điển mô tả chuyển động theo trật tự phóng khai như một dãy điểm kế tiếp dọc theo một đường. Nếu một hạt ở vị trí x1 vào thời điểm t1 và ở vị trí x2 vào thời điểm t2 , thời tốc độ của nó là kết quả so sánh (x2 – x1) / (t2 – t1).

Theo kinh nghiệm thường ngày, khi t2 hiện đến thời t1 đi vào quá khứ, biến mất, không bao giờ trở lại. Như thế nếu tính tốc độ hiện tại, tức là vào lúc t2, theo công thức (x2 – x1) / (t2 – t1), thời đó là một cách nối kết cái đương là (x2 và t2) với cái không đương là (x1 và t1). Nhưng tốc độ hiện tại là để xác định hạt vận hành như thế nào từ hiện tại, tự nơi nó, và tương quan với những hạt khác. Thế thời làm sao hiểu được hoạt động hiện tại nơi vị trí x1 hiện giờ đã biến mất và không bao giờ trở lại? Để cứu vãn tình hình, toán vi phân diễn tả (t2 – t1) là lượng vô cùng bé dt và (x2 – x1) là lượng vô cùng bé dx. Tốc độ tức thời lúc t2 là giới hạn của tỷ số dx / dt khi dt tiến đến zero. Định nghĩa như thế là tưởng rằng có thể xem x1 và x2 là hai vị trí hiện tại của hạt. Nhưng thử hỏi có ai kinh nghiệm một khoảng thời gian bằng zero hay không? Có ai hiểu được bằng suy luận thế nào là một khoảng thời gian zero hay không?

Mô tả theo trật tự phóng khai như trình bày trên là do quan niệm chuyển động như là một quan hệ hoạt động giữa cái đang là và cái không đang là. Vậy theo quan điểm cổ điển về bản thể thực tại, đương thể (what is) là một quan hệ hoạt động giữa cái đang là và cái không đang là. Theo trật tự thu nhiếp, chuyển động của hạt tức sóng là quan hệ giữa các pha vướng mắc nhau của đương thể, các pha này đồng thời hiện hữu và ở vào các cấp thu nhiếp khác nhau [Pha là một phẩm tính của sóng giống như tuần trăng tả cho biết sóng đang ở thời kỳ nào của chu kỳ chuyển động. Quan hệ giữa các pha nói ở đây biểu hiện cái mà cơ học lượng tử gọi là "pha bất tương ly" (phase entanglement), hay tính phi cục bộ tức là hỗ tương giao thiệp giữa những hiện tượng xa cách nhau]. Như vậy, theo quan điểm toàn lưu, đương thể tức bản thể thực tại là sự lưu chuyển của một toàn thể hoàn chỉnh các quan hệ giữa các pha vướng mắc nhau, đồng thời hiện hữu, và thuộc các cấp thu nhiếp khác nhau.

Con người có thể ví như một cấu trúc trừu xuất từ vũ trụ toàn ký. Cấu trúc này là sự cộng đồng hiện hữu của nhiều loại quá trình, quá trình biến đổi và sản xuất, quá trình chuyển hóa và phát triển, v..v..., tất cả tạo thành mạng lưới quan hệ hỗ tức hỗ nhập và tương giao hỗ tác với ngoại cảnh. Do đó, nó tạm thời tồn tại, nghĩa là tạm thời giữ được trạng thái bền vững nhờ trao đổi vật chất và năng lượng với môi trường sống.

Trong tiến trình biến đổi của cấu trúc, trạng thái vật lý có thể tác dụng ảnh hưởng nội hàm tâm thức bằng nhiều cách, chẳng hạn như dây thần kinh bị kích thích thời sinh cảm giác. Ngược lại, nội hàm tâm thức có thể ảnh hưởng trạng thái vật lý, như là ý lực (cetàna; tư) có thể làm các dây thần kinh bị kích thích, các bắp thịt co dãn, nhịp tim đập thay đổi, gây ra sự thay đổi hoạt tính của các tuyến, hóa tính của máu, v..v... Quan hệ giữa tâm và vật không những là quan hệ theo luật đồng quy nhất mà còn là quan hệ theo trật tự thu nhiếp chứ không phải quan hệ giữa hai hữu riêng biệt mà tương quan tác dụng. Nghĩa là tâm thu nhiếp vật chất nói chung và do đó, thu nhiếp thân thể nói riêng. Cũng vậy, thân thể thu nhiếp không những tâm, mà còn thu nhiếp toàn thể vũ trụ vật chất, qua giác quan và qua sự kiện các nguyên tử cấu thành thân thể là những cấu trúc được thu nhiếp khắp nơi trong hư không.

Nói theo toán học, tâm và vật là những hình chiếu có thứ nguyên thấp từ vũ trụ toàn ký là một thực tại có thứ nguyên cao hơn. Những hình chiếu này không những nối kết phi cục bộ mà còn hỗ tương nhiếp nhập theo trật tự thu nhiếp. Ta có thể hình dung tâm và vật như hai cái bóng của cùng một vũ công do đèn chiếu trên hai tấm màn đặt đối diện trên sân khấu. Chúng nhảy múa ăn nhịp là do quan hệ phi cục bộ và hỗ tương nhiếp nhập giữa chúng.

Như vậy, có thể hiểu sát na tâm theo chủ trương của Pháp tướng tông, "tam pháp triển chuyển, nhân quả đồng thời". Nghĩa là trong thời gian của sát na hiện tại, sự biến chuyển phóng khai và thu nhiếp cùng xảy ra đồng thời và do sự biến chuyển như vậy mà có sự khác biệt. Nội hàm tâm thức vì thế bao gồm hai mặt. Mặt hiển theo trật tự phóng khai là những tác dụng tâm dễ nhận thức và quan sát trong đời sống hàng ngày. Mặt kia thu nhiếp trong vũ trụ toàn ký, một thực tạiù không nắm bắt được, không diễn tả được, nhưng không vì thế mà không hiện hữu, tạo nên bối cảnh vô thức của mọi tác dụng tâm thức và vận hành theo trật tự thu nhiếp. Nói theo ngôn ngữ Phật giáo thời cái trật tự thu nhiếp đó chính là pháp giới tánh, là tánh Không.

D. Tổng kết.

Báo Thế kỷ 21, số tháng sáu và số tháng bảy 1994, đăng một bài, Giáo sư Nguyễn Kết dịch và chú, tường thuật cuộc hội thảo bàn tròn về đạo Phật và khoa học vào mùa thu năm 1988 tại Viện Niels Bohr (Niels Bohr Instituttet) ở Danmark. Dalai Lama được mời tham dự cùng với nhiều nhà vật lý tiếng tăm của Bắc Âu làm việc trong các lãnh vực vũ trụ học, tâm lý học, sinh học, và vật lý lượng tử. Ngoài ra, còn có mặt nhiều tên tuổi lớn thuộc các lãnh vực khác. Vấn đề liên hệ giữa các tiến trình vật lý và các biểu lộ tâm lý được đề cập. Sau một hồi thảo luận, một tham dự viên hỏi Dalai Lama: “Ngài có đề cập đến vấn đề này theo một cách khác, bằng cách phân biệt thế giới bên trong và bên ngoài. Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều đồng ý rằng có một nội giới và một ngoại giới. Chúng ta còn có thể giả thiết rằng óc não tôi là một phần tử trong ngoại giới của ngài, cũng như tâm thức của ngài là một phần của ngoại giới của tôi. Tôi rất muốn biết trong truyền thống của ngài, tức là trong truyền thống Phật giáo, người ta nói sao về biên địa hay ranh giới giữa nội và ngoại giới.

Tôi hỏi như thế vì vấn đề song hành đã đề cập giữa tâm thức và vật chất có thể đã xuất hiện tại vùng biên địa này. Mắt tôi theo một cách nào đó là biên giới giữa nội và ngoại giới. Nhưng ranh giới, vùng biên địa này là gì?”

Dalai Lama trả lời: “Đây đúng là vấn đề... và tùy theo bình diện mà có những giải quyết khác nhau. Ở một bình diện, người Phật giáo nói tâm thức là nội tại, không hình thể, không màu sắc, phi chất-tâm thức chỉ là tâm thức (không một yếu tố nào khác làm nên nó).

Đạo Phật xem tâm và tâm thức là một thực thể không hình tướng, không choán chỗ của bất kỳ sự vật nào (không có vị trí trong không gian). Bản chất của nó chỉ đơn giản là “biết”; nó là một dụng cụ nhờ đó chúng ta “biết”.

Nhưng tâm thức có nhiều tầng bậc. Ở một diện thô sơ tâm thức có liên hệ chặt chẽ với thân xác vật lý. Khi con người ở tầng tâm thức này và khi thân xác gặp một trục trặc nào đó, thời tâm thức liên hệ bị lấn lướt hay trở nên rất yếu ớt. Nhưng chúng ta cũng có những dạng tâm thức vi tế hơn, không hoàn toàn nương tựa vào khía cạnh vật lý. Dạng tâm thức cao nhất, vi tế nhất có khả năng tương tác với vật chất. Do tương tác này mà có các bậc tâm thức ít vi tế hơn.

Thế thời ở một phía chúng ta có nội giới và ngoại giới, và ngoại giới phô bày cho chúng ta như các “đối tượng của giác quan”, với hình thể, màu sắc, v.v... Ở phía khác, về nội giới, thời phần vật lý của một người, thân xác, cũng có liên hệ với tâm thức. Hiển nhiên vì có tâm thức nên chúng ta, qua trung gian khía cạnh vật lý của đời sống và thân xác, có thể tiếp xúc, cảm nhận, lưu tâm chú ý hay kinh nghiệm sự vật. Các khía cạnh vật lý do đó bằng nhiều cách nối kết trực tiếp với tâm thức. Theo cách phân loại của chúng tôi thời thân xác vật lý của một người, kể cả óc não, thuộc về nội giới. ... ... ...

Trong truyền thống Phật giáo có những phương cách tu tập, những dạng rèn luyện nhất định để hành giả có thể vượt qua giới hạn của bậc tâm thức thô sơ. Khi thành công, một bậc tâm thức vi tế hơn sẽ hoạt động. Ví dụ một bậc tâm thức cao đẳng có thể đạt được trong mơ: qua sự tu tập, tâm thức có thể được lưu giữ trong giấc ngủ sâu không mộng mị và từ đó người ta có thể phát triển một tâm thức vi tế hơn nữa. Bậc tâm thức vi tế nhất có thể đạt được ở thời điểm chúng ta hay một sinh vật nào đó chết, ở chính tiến trình chết, khi mà lúc bấy giờ chúng ta tự nhiên kề cận bậc tâm thức đó.

Nếu có một người đã kinh qua dạng tu tập đó và có khả năng ở lại trong thân xác mình nhiều ngày sau khi chết, dấu chỉ điều này là, thân xác vẫn tươi và ấm như thể người ấy vẫn còn sống, thời người ấy qua đó đã thấy mình thành đạt, phát triển đến bậc tâm thức vi tế nhất. Chúng tôi tin rằng hiện tượng này có là do người chết nhờ tiến đến bậc tâm thức cao nhất nên có thể giữ thân xác tươi tốt, còn có những trường hợp tươi tốt hơn cả khi người còn sống.

Hiện nay, kể cả thời kỳ chúng tôi ở Aán độ, vẫn có những hành giả trụ trong trạng thái này cả tuần lễ, hoặc có khi hai tuần, tử thi vẫn tươi tốt và có sự sống, dù mọi khảo nghiệm đều cho thấy vị ấy đúng là đã chết. Theo giải thích của chúng tôi, sự chứng đạt bậc tâm thức vi tế nhất giúp giữ sự sống cho tử thi trong một khoảng thời gian và chỉ khi tâm thức này rời bỏ thân xác, sự hư rữa tàn hoại mới bắt đầu.

Như thế chúng tôi tin rằng có nhiều bình diện tâm thức. Bình diện thấp kém nhất bị dính mắc với năng lượng của não: bao lâu não còn hoạt động, bấy giờ dạng tâm thức này vẫn còn; nhưng khi cái chết đến thời chẳng còn gì gọi là “não thức”. Để chấm dứt đề tài thảo luận này, tôi muốn nói thêm rằng, do đó mà trong đạo Phật người ta cho rằng nhờ dạng tâm thức vi tế nhất, mà cả con người lẫn các loài có sự sống đều được tin là có, mà phối hợp hóa học của não mới có thể khả dụng như điểm tựa vật chất cho tâm thức.”

Sau đó, giải đáp thắc mắc của một hội thảo viên về khái niệm không đại hay thành phần hư không, về quan điểm của Phật giáo đối với “không gian rỗng”, Dalai Lama giảng giải:

“Vũ trụ luận Phật giáo nói nhiều đến tiến trình, nhiềâu giai kỳ tiến hóa của vũ trụ. Trước tiên vũ trụ kinh qua hai kỳ “hư không”, rồi giai kỳ tạo dựng (thành), sau đó là trạng thái tương đối ổn định (trụ) như vũ trụ hiện tại, và rồi giai kỳ hư hoại. Từ đó một chu kỳ mới phát sinh. Cứ thế hết chu kỳ này lại đến chu kỳ khác, không gián đoạn và không bao giờ dứt. “Không gian rỗng” là nền tảng cho sự hình thành của vũ trụ mới, và nó là một vi tử có do sự hư hoại của vũ trụ trước đó. Vi tử này được mô tả như cái chỉ có thể hình dung mà không thể biết với giác quan. Các tiến trình như thế được giải thích trong vũ trụ luận Phật giáo.”

Nghe đến đó, một tham dự viên chợt nhận ra một khái niệm quen thuộc, phát biểu: “Một vi tử ‘chưa sinh’, một hiện tượng lượng tử ...”. Một vị khác hiểu lầm khái niệm vi tử hư không và nói: “Có phải cực vi hư không là cái tạo nên không gian?... Tôi muốn nói, nó mà tạo ra không gian thời có thể xem như một loại vật chất. Có phải như thế không?”

Dalai Lama liền giải thích khái niệm chủng tử sắc pháp và chủng tử tâm pháp như sau:

“Vi tử hư không ở đây không liên hệ gì với không gian thông thường trong đó các hiện tượng choán chỗ. Hư không ở đây không đơn giản là không gian rỗng, mà chứa đựng, trong trường hợp này, một dạng chất thể/vật chất hay là một cái gì đó cực kỳ vi tế, vì nó không ngăn ngại sự tồn tại của bất kỳ “cái gì khác”. Nó không choán chỗ, không có vị trí. Như tôi đã nói, vi tử hư không là nền tảng trên đó vật chất dần dần phát sinh.

Nhưng mặt khác, đạo Phật không nói rằng tâm thức phát sinh từ vi tử hư không. Một nguyên lý căn bản của đạo Phật là vật và tâm có riêng cho mình liên tục tính. Hai đường thẳng cách biệt nhau. Nếu muốn nói đến nguyên nhân sâu xa cho sự phân cách này, trong đạo Phật, người ta viện dẫn các định luật tự nhiên.”

Một hội thảo viên hỏi về hiện tượng bổ sung của Niels Bohr (thí dụ: một lượng tử có thể vừa là hạt vừa làø sóng): “Khi mô tả sự tương duyên tương sinh thời sử dụng từ bổ sung thế nào? Xin ngài vui lòng giảng giải cách thức ngài sử dụng khái niệm này và những hệ luận của cách sử dụng đó.”

Dalai Lama đề cập thuyết nhị đế của Bồ tát Long Thọ để trả lời: “Tôi nghĩ có một liên hệ giữa lối hiểu bổ sung của quý vị và phương cách sử dụng khái niệm này trong triết lý đạo Phật. Chúng tôi giả thiết rằng có sự không tương hợp giữa hình tướng như chúng ta nhận biết của một sự vật và chân tướng của nó. Sự không tương hợp này phát sinh vì chúng ta lệ thuộc vào ngôn ngữ thường ngày quen thuộc của mình. Ngôn ngữ này có liên quan mật thiết với những khái niệm thông thường cũng như đặc biệt của chúng ta, với quan niệm thực tại, với bối cảnh của chúng ta, v..v... Thế nên khi đi vào chiều sâu và tìm cách khảo sát thể tính của thực tại, thời chúng ta không thể tìm thấy tinh hoa này, chỉ vì sự khảo sát của chúng ta đặt căn bản trên ngôn ngữ, khái niệm thông thường và tầm thường mà chúng ta sử dụng. Nhưng điều này không có nghĩa là thể tính thực tại không có.

Sự vật thật ra chỉ có trong sự lệ thuộc hỗ tương. Một sự vật có là do tương tác của nhiều yếu tố, cả những luật gọi là chủ quan lẫn khách quan. Do đó, không có gì có sự tồn tại độc lập, cái tự mình mà có và tồn tại mà không cần đến những cái khác. Mặc dù có thể được xem như một ‘toàn thể’, nhưng ‘toàn thể’ này chỉ tồn tại nhờ những thành phần của nó. Người ta không thể tìm được cái ‘toàn thể’ mà chỉ có những thành phần. Nhưng dù thế vẫn có một ‘toàn thể’.”

Trong lời giải nghĩa của Dalai Lama về vấn đề song hành giữa tâm thức và vật chất, đáng lưu ý nhất là câu: “Trong truyền thống Phật giáo có những phương cách tu tập, những dạng rèn luyện nhất định để hành giả có thể vượt qua giới hạn của bậc tâm thức thô sơ. Khi thành công, một bậc tâm thức vi tế hơn sẽ hoạt động.” Quả vậy, nhiều phương pháp tu luyện tâm thức đã được giảng dạy dưới nhiều hình thức khác nhau, tại nhiều nơi, nhiều lúc khác nhau, thích ứng với hoàn cảnh và căn cơ của từng cá nhân. Tựu trung mục đích vẫn là một mặt, ức chế tâm ác, không để những tâm trạng điên đảo xuất hiện, và mặt khác, bồi dưỡõng tâm thiện, thành tựu và tăng trưởng những tâm trạng thiện hảo. Nói rộng hơn, tu tập là ức chế phiền não, phát huy trí tuệ để cuối cùng đạt đến giải thoát và giác ngộ. Thiện, ác, mê, ngộ, rốt ráo không ngoài những hoạt động tâm lý. Cho nên tu tập muốn có hiệu quả thời trước hết cần phải biết rõ những hoạt động tâm lý một cách như thực. Đó là nguồn gốc phát sinh tâm lý luận Phật giáo.

Đức Phật căn cứ vào tâm lý để nói lý vô ngã, có khi giải phẫu những yếu tố cấu thành tâm nói là tĩnh, có khi cắt nghĩa tình hình hoạt động của tâm mà nói là động. Theo lập trường vô ngã luận, tâm là hiện tượng, là quá trình của những tác dụng phức hợp. Để thấy rõ chân tướng của tâm, các luận sư A tỳ đàm đặc biệt thuyết minh những yếu tố cấu thành tâm và mối quan hệ giữa những yếu tố ấy. Tâm và tâm sở được phân tích rất tinh tế và tỉ mỉ. Những nhân duyên quy định sự sinh khởi của tâm, sự câu khởi hay kế khởi của những tác dụng tâm cũng được thuyết minh rất tường tận.

Đặc biệt là vấn đề nhận thức. Nhận thức là những tác dụng nhân duyên, khi căn, cảnh hòa hợp thời một ý nghĩ (thức) về cảnh tướng tức tượng trừu xuất phát hiện. Như vậy, nhận thức hoàn toàn là một quá trình tâm lý. Nhận thức cũng niệm niệm sinh diệt, tương tợ, tương tục từng sát na, cũng gọi là tâm, cũng gọi là thức. Trong sự tương tục ấy, niệm trước, niệm sau chưa hẳn là đồng nhất.

Thật vậy, trong mỗi niệm hay sát na tâm, thức bao gồm trong nó cả phần chủ thể lẫn phần đối tượng. Kiến phần và tướng phần là hai phần thiết yếu không thể không có của thức, của nhận thức. Hai phần này luôn luôn cùng sinh cùng diệt, có phần này thời có phần kia, phần này không thời phần kia không. Cảm giác phải luôn luôn là cảm giác về một cái gì, tri giác phải luôn luôn là tri giác về một cái gì, ý thức phải luôn luôn là ý thức về một cái gì. Không thể có chủ thể riêng biệt với đối tượng. Chẳng hạn, một sát na nhãn thức bao gồm một chủ thể (người thấy), mối quan hệ (sự thấy), và đối tượng (vật thấy). Nhãn thức không thể tồn tại nếu không có nhãn căn tức thị quan và sắc trần tức hình sắc. Sự tiếp nối của những chuỗi xúc chạm giữa các cảm quan sinh lý và đối tượng vật lý của chúng tạo nên sự tiếp nối của những chuỗi cảm giác mà ta gọi là thức. Thức như vậy là những dòng tiếp nối của cảm giác, nếu ta nói về năm thức đầu, hay của tri giác hoặc phân biệt, nếu ta nói về ý thức.

Sự quán sát và phân tích của các luận sư A tỳ đàm cho thấy không có một chủ thể bất biến cố định (“ngã”) trong quá trinh niệm niệm sinh diệt không một khắc dừng nghỉ của tâm. Nhưng đó là nói về chủ thể, còn đối tượng thời sao? Và quan hệ thời sao? A tỳ đàm luận phân biệt các tính chất vật lý là đối tượng của năm giác quan và suy nghĩ là đối tượng của ý thức. Đó là phép phân tích lưỡng biên chủ thể và đối tượng, kiến phần và tướng phần. Có hai hệ quả đáng lưu ý. Một, sát na tâm được nhiều bộ phái như Kinh lượng bộ (Sautràntika) chẳng hạn, chủ trương là thực tại cứu cánh. Luận sự có câu: “Hết thảy các pháp tồn tại trong một sát na tâm”. Hai, vô ngã trong A tỳ đàm luận là ngã không, hay sinh không, chứ không phải là sinh pháp câu không, cả sinh không lẫn pháp không. Bởi thế ngoại giới là một thực thể khách quan và độc lập.

Đối với ngài Long Thọ, ngoài yếu tố khách quan không có yếu tố chủ quan, ngoài yếu tố chủ quan không có yếu tố khách quan; ngoài khách quan thời quan hệ cũng không có, mà quan hệ đã không có thời nhận thức cũng không thể có được. Nói như thế không có nghĩa là khẳng định hay phủ định sự hiện hữu của sự vật. Mọi sự vật đều đồng thời câu khởi, đồng thời hỗ nhiếp, và đồng thời hỗ dung. Nghĩa là, đúng theo lý duyên khởi không có sự vật nào hiện hữu độc lập, có sẵn định tánh nơi bản thể của nó, và mọi sự vật đồng thời hiện khởi, nương tựa lẫn nhau, ảnh hưởng lẫn nhau, cái này không chướng ngại sự hiện hữu và hoạt động của những cái kia. Tóm lại, theo ngài Long Thọ, "Chưa từng thấy có bất cứ pháp nào không sanh từ nhân duyên. Thế nên tất cả các pháp đều Không, nghĩa là không có tự tính." (Trung luận XXIV.19: Vị tằng hữu nhất pháp/ Bất tùng nhân duyên sinh./ Thị cố nhất thiết pháp/ Vô bất thị không giả.//)

Để phản bác chủ trương sự vật có tự tính của đối phương, ngài Long Thọ thường sử dụng phép phản chứng (reductio ad absurdum), thuận theo lý lẽ của họ, đưa ra những lý do mà họ công nhận dù Ngài không đồng ý, rồi từ đó chỉ cho họ thấy lỗi lầm của họ. Trong Trung luận, luận chứng của Ngài chú trọng vào ba trường hợp phân biệt: phân biệt chủ thể, đối tượng, và quan hệ nhận thức (Phẩm 3: Quán Lục tình), phân biệt nguyên nhân, quả dẫn xuất, và quan hệ nhân quả (Phẩm 4: Quán Ngũ ấm), và phân biệt vật thể, thuộc tính, và quan hệ định nghĩa (Phẩm 5: Quán Lục chủng và Phẩm 6: Quán Nhiễm Nhiễm giả). Đại khái luận chứng được trình bày như sau.

(1) Nếu chủ thể và đối tượng, nguyên nhân và quả dẫn xuất, vật thể và thuộc tính, tất cả hiện hữu độc lập nhau như ta thường tưởng, hay tự hữu một cách tuyệt đối như là những yếu tố căn bản dùng làm lý chứng cho sự phân tích tâm và vật, thời tất nhiên chúng không phụ thuộc vào bất cứ điều kiện hay quan hệ nào. Sự hiện hữu như vậy là hiện hữu có tự tính.

(2) Kinh nghiệm cho thấy không tìm đâu ra những hữu có tự tính.

(3) Vậy mọi sự vật đều do duyên sinh. Tất cả đều vô tự tính, tất cả là Không.

Có người hỏi: "Được rồi, ai cũng thấy thế giới và cái ta biến đổi trong từng sát na, có ai bảo thế giới và cái ta là thường hằng đâu? Ai cũng thấy mọi sự vật đều nương vào nhau mà đồng thời hiện khởi, có ai bảo chúng hiện hữu độc lập riêng biệt đâu? Thế thời thử hỏi tu tập phỏng có lợi ích gì?"

Trả lời: “Theo cách đặt câu hỏi thời rõ ràng sự thấy biết nói đến trong câu hỏi không do tu tập, nghĩa là không do chính mình tự quán sát và phân tích mà có. Có thể là do tin tưởng qua một quyền lực ngoại vi nào, hoặc qua những hình ảnh trong tâm do danh từ gợi ra, hoặc do nương tựa nơi sự thấy biết của tha nhân. Phải có những kinh nghiệm tâm linh cá nhân sống động và thực thụ, phải tinh tấn tu tập triển khai tuệ quán vào tánh Không thời mới thể nghiệm được cái sức mạnh lớn lao của vọng tưởng hý luận gây nơi ta sự bám víu chấp trước vào cái hình tượng huyễn ảo về cơ sở cố định của một cái ngã có thực và riêng biệt, của một thế giới có thực và riêng biệt, và của một quan hệ chân thực giữa ngã và thế giới.”

Ngài Long Thọ đả phá triệt để những tư duy trừu tượng và những luận giải thuần lý luôn luôn dính mắc vào chấp ngã chấp pháp. Trung luận trình bày rất cặn kẽ vấn đề tiêu diệt vọng tưởng hý luận và khẳng định công phu tu chứng là phương tiện duy nhất để thấy cái như thực. Số đông triết gia Tây phương cho rằng thế giới thực tế của kinh nghiệm là của trí thức quần chúng, không đáng bỏ công nghiên cứu. Ngược lại, Trung luận cho thấy rằng cuộc sống và thế gian thế nào thời đức Phật thấy y thế ấy, không dụng công diễn dịch chúng theo ý riêng. Lẽ cố nhiên, về mặt nhận thức luận, ta không thể không ghép liền cái chủ quan vào mỗi hành vi nhận thức, và cái gọi là thế giới khách quan chẳng qua chỉ là một sự tái tạo hư giả của tâm tưởng cố hữu của ta. Nhưng trên quan điểm tánh Không thời tự do tuyệt đối chỉ đạt được khi mọi tư tưởng chấp ngã chấp pháp hết xen vào cuộc sống. Thế gian được nhận thức đúng như thực, như tấm gương thấy sao chiếu vậy, “hoa qua chiếu hoa, nguyệt qua chiếu nguyệt”.

Trong Phẩm 4: Quán Ngũ ấm, ngài Long Thọ dặn dò rất kỹ là khi giải đáp hay khi đặt câu hỏi thời phải y cứ trên tánh Không, nếu không thời người đáp hay người hỏi mắc phải lỗi lầm lấy giả định làm luận cứ giảo biện (petitio principii):

IV.8. Khi phân tích y cứ trên tánh Không, bất cứ người nào phản bác, thời những diều người này không phản bác đúng là những điều cần phải được chứng minh.

IV.9. Khi giải thích y cứ trên tánh Không, bất cứ người nào nạn vấn, thời những diều người này không nạn vấn đúng là những điều cần phải được chứng minh.

(Bản chữ Phạn: IV.8. Vigrahe yah parihàram krte sùnyatayà vadet,/ Sarvam tasyàparihrtam samam sàdhyena jàyate.//

IV.9. Vyàkhyàne ya upàlambham krte sùnyatayà vadet,/ Sarvam tasyànupàlabdham samam sàdhyena jàyate.//)

Lấy giả định làm luận cứ giảo biện có nghĩa là luận chứng của đối phương phản bác quan niệm sự vật vô tự tính luôn luôn tựa vào tiền đề là “Có những hiện tượng hoàn toàn độc lập và sinh khởi không có nguyên nhân, hoặc sinh khởi từ một hiện tượng khác có tự tính.” Vì vô minh từ nguyên thỉ, đối phương đâu có biết tiền đề ấy chỉ là giả định, nghĩa là điều cần phải được chứng minh! Nhưng chắc chắn đối phương không thể chứng minh hiện tượng có tự tính được. 

Bởi vì không những kinh nghiệm cho thấy không tìm đâu ra những hữu có tự tính mà ngay trong bài tụng đầu tiên, Phẩm I: Quán Nhân duyên, ngài Long Thọ đưa ra đầy đủ lý do bác bỏ hết thảy mọi lối nhìn điên đảo cho rằng các pháp duyên khởi có yếu tính quyết định và luận phá tất cả mọi kiến giải sai lầm về sự sinh khởi của các pháp do tác dụng của năng lực dẫn sanh quả từ tự thể hay từ nơi tự tính của vật thể khác. Sự sinh khởi không thật có giữa hai vật thể đồng nhất hay sai khác. Ngôn ngữ và luận lý không đủ khả năng giải thích tánh phi nhất phi dị tức tánh Không của sự sinh khởi. Từ quan điểm Bát nhã, sinh khởi chỉ là danh tự giả tướng.

Như vậy, do tu tập thiền định mà khám phá ra trước tiên là tuy không tìm thấy "ngã" nhưng vẫn thấy có tâm thức để nhận diện sự phát sinh, có mặt, và tàn hoại của những hiện tượng tâm lý (tâm sở), mặc dầu chỉ trong chớp nhoáng của một sát na. Nhưng tiếp theo sau đó, ngay cả tâm thức cũng không thấy có. Và vì tâm thức là cái gì đó riêng biệt và thông hiểu thế giới hiện tượng, cho nên khi không có tâm thức thời cũng không có thế giới! Cả hai cái mốc chủ quan và khách quan đều không có. Ngay cả quan hệ nhận biết cũng không có bởi vì chẳng bao giờ có sự vật gì bị che dấu trong toàn vũ trụ (Thiên giới bất tằng tàng), nghĩa là ngoài tâm thức và thế giới không có cái thứ ba.

Nhưng cái thế giới ta sinh sống trong đó hiện ra sờ sờ trước mắt hằng ngày thời sao? Mỗi cá nhân vẫn có một tên gọi, có công ăn việc làm, có kỷ niệm, có những dự tính muốn thực hiện. Mặt trời vẫn mọc mỗi sáng và các nhà khoa học vẫn gia công giải thích sự kiện đó. Có thể dùng thuyết Nhị đế của ngài Long Thọ để giải đáp thắc mắc này. Nhị đế được trình bày trong ba bài tụng Trung luận XXIV.8, 9, và 10 sau đây.

XXIV.8. Vì chúng sanh, chư Phật đã y cứ vào Nhị đế (hai chân lý) để thuyết giảng giáo pháp. Nhị đế đó chính là Thế tục đế và Đệ nhất nghĩa đế (còn gọi là Chân đế).

XXIV.9. Người nào đối với Nhị đế mà không có khả năng tri nhận, phân biệt thời kẻ đó không thể tri nhận được ý nghĩa chân thật của giáo pháp sâu xa vi diệu của chư Phật.

XXIV.10. Nếu không y cứ Tục đế, thời không đạt được Đệ nhất nghĩa đế. Và nếu không đạt được Đệ nhất nghĩa đế thời không chứng được quả vị Niết bàn.

Theo thuyết Nhị đế, thế tục đế hay sự thật theo quy ước thông tục là trật tự của thế giới thường nghiệm. Trong thế giới thường nghiệm này, tâm thức và thế giới vật lý không ngừng câu khởi, liên tục quan hệ nhau trong cả không gian lẫn thời gian, có những thứ như tên gọi, công ăn việc làm, kỷ niệm, dự tính, mặt trời và chuyển động của nó, các công trình khảo cứu, v.v... Chân đế hay Đệ nhất nghĩa đế là tánh Không của chính cái thế giới thường nghiệm đó. Như vậy, mặc dầu theo Chân đế, các hiện tượng, tâm hay vật, là duyên khởi như huyễn, không có tự tính, nhưng theo thế tục đế, chúng có, chúng là giả hữu, là danh tự giả tướng.

Tài liệu tham khảo
Tiếng Việt.

Thích Đức Niệm. 
· Kinh Thắng Man. Phật Học Viện Quốc tế. 1990
· Kinh Bảo Tích. Phật Học Viện Quốc Tế. 1996
Thích Khánh Anh.
· Hoa nghiêm nguyên nhân luận. Phật Học Viện Quốc tế. 1986
Thích Minh Châu. 
·Thắng Pháp Tập Yếu Luận. Chùa Kỳ Viên. Hoa Thịnh Đốn. 1989
Thích Nhất Hạnh.
· Vấn đề nhận thức trong Duy thức học. Phật Học Viện Quốc tế. 1985
· Kinh Pháp Ấn. Lá Bối. 1990
· Con đường chuyển hóa. Lá Bối. 1990
Thích Thanh Từ.
· Kinh Kim Cang Giảng giải. Chùa Đức Viên. 1989 
· Kinh Lăng già Tâm ấn. Thiền sư Hàm Thị sớ giải. Suối Trắc Bá. 1995
· Chứng đạo ca giảng giải. Thiền viện Trúc Lâm. 1995
· Chơn tâm trực thuyết giảng giải. Thiền viện Trúc Lâm. 1999
Thích Thiện Hoa. 
· Duy thức nhập môn. Phật Học Viện Quốc Tế. 1984
· Triết lý Thủ lăng nghiêm. Phật Học Viện Quốc Tế. 1996
· Luận Đại thừa khởi tín. Phật Học Viện Quốc tế. 1992
Thích Thiện Siêu. 
· Đại cương Câu xá luận. Viện Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam. 1992
· Lối vào Nhân minh học. Phật Học Viện Quốc tế. 1997.
· Luận Thành Duy Thức. Phật Học Viện Quốc tế. 1997
· Luận Đại trí độ. Nhà Xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh. 1997
· Ngũ uẩn Vô ngã. Nhà Xuất bản Tôn giáo. 1999
· Lược giảng kinh Pháp Hoa. Chùa Huyền Không ấn hành. 1998
· Trung Luận. Nhà Xuất bản Thành Phố Hồ Chí Minh. 2001
Thích Trí Hải. 
· Tư tưởng Phật học. Phật Học Viện Quốc tế. 1983
· Thanh tịnh đạo. Chùa Pháp Vân ấn hành. 1992
· Giải thoát trong lòng tay. Pabongka Rinpoche. Xuân Thu. 1998
Thích Trí Quang.
· Nhiếp Luận. Phật Học Viện Quốc tế. 1994
· Kinh Giải thâm mật. Phật Học Viện Quốc tế. 1994
· Pháp Hoa lược giải. Nhà Xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh. 1998
Thích Trí Siêu.
· Bồ tát hạnh. Nguyệt san Phật Học Louisville, KY. 2001
D. T. Suzuki. 
· Thiền luận. 3 Tập: Thượng, Trung, và Hạ. Cơ sở xuất bản Đại Nam. 1971
Hồng Dương.
· Tìm hiểu Trung luận: Nhận thức và Không tánh. Nhà Xuất bản Tôn giáo Hà Nội. 2001.
Nguyệt san Phật Học Louisville, KY. ấn tống 2001 
Kimura Taiken. 
· Phật giáo tư tưởng luận. 3 Quyển. Phật học viện Quốc tế. 1989
Liên Hoa Tịnh Huệ. 
· Kinh Đại Bát Niết Bàn luận giải. Nhà Xuất bản Tuệ Quang. 1998
Tâm Minh Lê Đình Thám. 
· Kinh Thủ lăng nghiêm. Phật Học Viện Quốc tế. 1981.
Trúc Thiên.
· Sáu cửa thiền thất. Phật Học Viện Quốc tế. 1987
Tuệ Sỹ. 
· Triết Học về Tánh Không. Phật Học Viện Quốc Tế. 1984
· Các Tông Phái của Đạo Phật. Phật Học Viện Quốc Tế. 1987
· Thắng Man Giảng luận. Am Thị Ngạn. Phật lịch 2543
· Kinh Duy Ma Cật sở thuyết. Ban Tu thư Phật học. Phật lịch 2546

Tiếng Anh.

Masao Abe.
· A study of Dògen. State University of New York Press. 1992
James H. Austin.
 · Zen and the Brain. The MIT Press. 1998
Kamaleswar Bhattacharya. 
· The dialectical method of Nàgàrjuna. Motilal Banarsidass Publishers.1998
Carl Bielefeldt.
· Dògen’s Manuals of Zen Meditation. University of California Press. 1988
David Bohm.
· Wholeness and the Implicate Order. Routledge. 1999
José Ignacio Cabezón. 
· A Dose of Emptiness. State University of New York Press. 1992
Garma C. C. Chang.
· The Buddhist Teaching of Totality. The Pennsylvania State University Press. 1991
Thomas Cleary. 
· Shòbògenzò. Zen Essays by Dògen. University of Hawaii Press. 1991
· The Flower Ornament Scripture. Shambhala. 1993
· Entry into the Inconceivable. University of Hawaii Press. 1994
· Buddhist Yoga. Shambhala. 1995
· Rational Zen. The Mind of Dògen Zenji. Shambhala. 1995
Kate Crosby.
· Sàntideva. The Bodhicaryàvatàra. Oxford University Press. 1998
Christian de Duve.
· Vital Dust. Basic Books. 1995
Vicenti Fatone.
· The Philosophy of Nàgàrjuna. Motilal Banarsidass Publishers. 1991
Jay L. Garfield. 
· The Fundamental Wisdom of the Middle Way. Oxford University Press. 1995
· Empty Words. Oxford University Press. 2002
Nina van Gorkom.
· Buddhism in Daily Life. Triple Gem Press. 1969
Peter N. Gregory.
· Traditions of Meditation in Chinese Buddhism. University of Hawaii Press. 1986
· Studies in Ch’an and Hua Yen. University of Hawaii Press. 1986
Yoshito S. Hakeda. 
 · The Awakening of Faith. Columbia University Press. 1967
W. D. Hart.
 · The Philosophy of Mathematics. Oxford University Press. 1996
Jeffrey Hopkins.
· Emptiness Yoga. Snow Lion Publications. 1995 
· Meditation on Emptiness. Wisdom Publications. 1996
· Emptiness in the Mind-Only School of Buddhism. University of California Press. 1999
C. W. Huntington, Jr. 
· The Emptiness of Emptiness. University of Hawaii Press. 1989
Nolan Pliny Jacobson.
· The Heart of Buddhist Philosophy. Southern Illinois University Press. 1988
D. J. Kalupahana. 
· Nàgàrjuna. State University of New York Press. 1986
Sallie B. King.
· Buddha Nature. State University of New York Press. 1991
Donald S. Lopez, Jr. 
· Buddhist Hermeneutics. University of Hawaii Press. 1988
· Elaborations on Emptiness. Princeton University Press. 1996
William Magee. 
· The Nature of Things. Snow Lion Publications. 1999
Lynn Margulis and Dorion Sagan.
. What is life? University of California Press. 1995
Bimal Krishna Matilal.
· The character of Logic in India. Oxford University Press. 1999
Hòsaku Matsuo. 
· The Logic of Unity. State University of New York Press. 1987
T. R. V. Murti. 
· The Central Philosophy of Buddhism. Unwin Paperbacks. 1987
Gadjin Nagao. 
· Màdhyamika and Yogàcàra. State University of New York Press. 1986
· The Foundational Standpoint of Màdhyamika Philosophy. State University of New York Press. 1989
Keiji Nishitani. 
· Religion and Nothingness. University of California Press. 1982
Wes Nisker.
· Buddha’s Nature. Bantam Books. 1998
Roger Penrose.
· Shadows of the Mind. Oxford University Press. 1994
Anatol Rapoport. 
· Operational Philosophy. Harper & Brothers. 1953
Bertrand Russell.
· Introduction to Mathematical Philosophy. Dover Publications. 1993
Mervyn Sprung.
· Lucid Exposition of the Middle Way. The Essential Chapters from the Prasannapadà of Candrakìrti. Prajnà Press. 1979
F. Th. Stcherbatsky. 
· Buddhist Logic. Dover Publications. 1962
· The Conception of Buddhist Nirvàna. Motilal Banarsidass Publishers.1999
Florin G. Sutton. 
· Existence and Enlightenment in the Lankàvatàra-Sùtra. State University of New York Press. 1991
D. T. Suzuki
· Studies in the Lankàvatàra Sùtra. Munshiram Manoharlal Publishers Pvt. Ltd. 1998
· The Lankàvatàra Sùtra. Motilal Banarsidass Publishers. 1999
Musashi Tachikawa. 
· An Introduction to the Philosophy of Nàgàrjuna. Motilal Banarsidass. 1997
Nyanaponika Thera.
· The Heart of Buddhist Meditation. Samuel Weiser, Inc. 1996
· Abhidhamma Studies. Wisdom Publications. 1998
Francisco J. Varela, Evan Thompson, and Eleanor Rosch. 
· The Embodied Mind. The MIT Press. 1995
B. Alan Wallace.
· The Taboo of Subjectivity. Oxford University Press. 2000
Alex Wayman. 
· A Millennium of Buddhist Logic. Motilal Banarsidass Publishers. 1999
Ken Wilber. 
· Sex, Ecology, Spirituality. Shambhala. 2000
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
27 Tháng Mười Một 2015(Xem: 8277)
Pháp thân Phật là tánh Không không hình không tướng ở khắp như hư không. Báo thân là quang minh và Hóa thân là thân vật chất; hai thân này được gọi là Sắc thân. Sắc thân được ứng hiện từ Pháp thân và không lìa Pháp thân. Một trong những tính cách của sắc thân là an lạc:
20 Tháng Mười Một 2015(Xem: 6749)
Long Thọ (Nagarjuna, Klu-grub), cùng với Vô Trước (Asanga, Thogs-med), là hai đại hành giả tiên phong của truyền thống Đại thừa. Ngài Long Thọ đã trao truyền giáo huấn thậm thâm về tri kiến tánh Không của dòng truyền thừa từ Đức Văn Thù Sư Lợi, trong khi ngài Vô Trước thì trao truyền giáo huấn về pháp hành bồ tát sâu xa của dòng truyền thừa từ Đức Di Lặc.
17 Tháng Mười Một 2015(Xem: 5399)
Pháp thân Phật là tánh Không không hình không tướng ở khắp như hư không. Báo thân là quang minh và Hóa thân là thân vật chất; hai thân này được gọi là Sắc thân. Sắc thân được ứng hiện từ Pháp thân và không lìa Pháp thân. Một trong những tính cách của sắc thân là an lạc:
16 Tháng Bảy 2015(Xem: 4879)
Nói đến lòng sùng tín, sùng mộ và tin tưởng, có lẽ không phẩm nào của Kinh Đại Bát-nhã nói cụ thể và xúc động hơn phẩm Bồ-tát Thường Đề, kể về sự nhiệt thành khát khao cầu ngộ nhập tánh Không của một Bồ-tát. Sùng mộ, tin tưởng và nhiệt thành cầu thể nhập tánh Không đến độ thường hay khóc, do đó có tên Thường Đề.
10 Tháng Bảy 2015(Xem: 5796)
Mushin là một trong những nhà sư rạng rỡ hơn ai hết, trong tu viện. Sự an lạc và tính tình vui vẻ của ông, đã gây nguồn cảm hứng cho những ai tiếp xúc với ông.
01 Tháng Bảy 2015(Xem: 6339)
"Tánh Không" (còn gọi là tính-không) là một từ ngữ liên hệ đến sự giảng dạy chính yếu của mọi ngành Phật giáo, nhưng ý nghĩa thật sự của từ ngữ nầy thường bị hiểu lầm.
01 Tháng Bảy 2015(Xem: 5217)
Nếu một người chưa có dịp nghe, đọc (Văn), chưa tư duy (Tư) chưa thực hành (Tu) về tánh Không thì rất dễ xem tánh Không là một cái gì rất tiêu cực, vì tánh Không với người ấy là không có cái gì cả. Từ đó mà không tin nhân quả, định luật để con người dựa vào đó mà tiến bộ, tiến hóa.
24 Tháng Sáu 2015(Xem: 11788)
“Mặc dù trải qua 100 năm từ khi có sự bắt đầu những nghiên cứu khoa học về đạo Phật ở Châu Âu, tuy vậy, chúng ta vẫn còn đang mơ hồ về nền tảng giáo lý của tôn giáo nầy và tính triết học của nó. Chắc chắn không có một tôn giáo nào khác đã chứng tỏ một cách rất kiên định để làm sáng tỏ những trình bày có tính hệ thống của mình.”
12 Tháng Sáu 2015(Xem: 4759)
Như kinh Duy-ma-cật nói, “Từ gốc vô trụ (tánh Không), lập tất cả pháp”. Trung luận (phẩm Quán Tứ đế) nói, “Bởi vì có nghĩa Không. Tất cả pháp được thành. Nếu không có nghĩa Không. Tất cả đều chẳng thành”. Kinh Hoa Nghiêm, như các kinh điển Đại thừa, lấy tánh Không làm nền tảng. Tánh Không trong kinh này là Pháp thân của Phật bổn nguyên Tỳ-lô-giá-na, và toàn thể vũ trụ là hiện thân của Ngài. Pháp thân Tỳ-lô-giá-na chính là pháp thân của Phật Thích Ca.
25 Tháng Tư 2015(Xem: 11232)
Phản chiếu trên việc một đối tượng duyên sinh như thế nào – sinh khởi phụ thuộc trên nhân và duyên, phụ thuộc trên những bộ phận của nó, và phụ thuộc trên tư tưởng – hổ trợ vô cùng để vượt thắng cảm nhận rằng đối tượng tồn tại trong nó và của chính nó.