Lưu Di Dân Thư Vấn

15 Tháng Mười Một 201000:00(Xem: 10399)

TĂNG TRIỆU VÀ TÁNH KHÔNG HỌC ĐÔNG PHƯƠNG
Tuệ Hạnh dịch
BẢN DỊCH VIỆT VĂN

LƯU DI DÂN THƯ VẤN

Di Dân(1) hòa nam(2)

Tin lành về Thượng nhân(3) khiến đệ tử vô cùng mừng rỡ; lòng này vốn luôn luôn hoài tưởng người ở xa. Năm gần tàn, trời đông buốt giá, thân tâm người vẫn thường an lạc? Âm kỳ cách trở nên phải tích chứa hoài tưởng trong lòng. Đệ tử bệnh trầm kha nơi thảo thất, thường khốn khó bởi cơn sốt(4) hành hạ. Nhân dịp đạo nhân Tuệ Minh vân du về phương Bắc, nên mới có thể thông đạt tình này đến Thượng nhân.

Cổ nhân không vì hình hài xa cách mà đạm bạc nhau. Đã hiểu nhau rồi thì luôn luôn thân thiết. Cho nên tuy giang san chia cách, cho đến bây giờ vẫn chưa diện kiến nhau(5) mà vẫn luôn mong ngóng phong vị để được ghi khắc dấu tích (hóa thân của Thượng nhân) vào trong lòng. Cách xa không hy vọng gì gặp gỡ nên thường ngước mắt nhìn ráng trời mà than thở. Xin thường tùy thuận thời tiết mà bảo trọng lấy thân. Chỉ mong thường có người thông tin đi lại để mà gởi nhờ âm hao.

Lại xin phục minh cầu nguyện đại chúng luôn khương hòa, pháp sư ngoại quốc Cưu Ma La Thập khinh an. Tài năng Thượng nhân đã ngộ phát, thừa sức để biện giải những vấn đề thâm ảo. Đệ tử thiết tưởng công đức nghiên cứu dịch thuật của Thượng nhân đủ để sánh ngang hàng với Thoán Từ của Dịch Kinh(6), cho nên mỗi khi nghĩ đến niềm cách biệt, thật vô cùng ẩn ức.

Ở Lô Sơn đây, Tăng chúng vẫn sống đời thanh tịnh thường nhật; giới luật luôn trì giữ. Ngoài những khi độc ẩn thiền định, chỉ lo nghiên cứu kinh điển hay giảng pháp, thật nghiêm trang, thật hòa mục, nên đấy cũng là một niềm vui. Đệ tử toại nguyện rằng lòng đã yên tịnh, mà khi mắt nhìn thấy họ đeo đuổi đường tu chân chính, thì lòng lại càng kiên tâm hơn. Được ký nhận vào đây, lòng này thật chí thành ghi nhớ công đức không bao giờ quên, bao lâu mà nhật nguyệt vẫn còn chiếu soi trên trời.

Huệ Viễn pháp sư(7) vẫn thường họp nghi với Phật sự. Tâm tư nghiệp quả đều đã đạt đến chỗ tinh thông, càn càn ngày đêm(8). Nếu tự thân chưa được công dụng tiềm lưu của đạo, tâm chưa được Thần khí ngự trị thì làm sao mà có thể thuận vui cùng năm tháng như vậy(9). Thần khí thâm nhiên hoạt động; do đó mà được yên thân nương dựa nơi người thật càng khiến đệ tử ngưỡng tạ vô cùng.

Cuối hạ năm ngoái, lần đầu tiên được xem Bát Nhã Vô Tri luận do Đạo Sanh thượng nhân mang đến(10). Tài nghệ vẫy vùng thanh thoát, xuất chúng; ý chỉ thâm trầm, chân thật; từng bước một biện giải văn nghĩa của Thánh nhân, uyển chuyển đưa vào căn bản, ân cần vạch bày khí vị. Thật càng đọc càng không thể để luận rời tay. Trực tiếp mà nói, thật có thể gọi là Thượng nhân đã tắm rửa tâm trí mình nơi uyên thâm của Phương Đẳng, và giác ngộ đến chỗ dứt tuyệt hết mọi mù mờ rồi vậy. Nếu mà luận này có thể thông biến cùng khắp, tất Bát Nhã sẽ được lưu truyền trong quần chúng, hầu như không cần đến lời mà vẫn thể hội được. Không vui sao được? Không mừng sao được?

Lý tắc càng vi diệu thì văn từ càng hiểm hóc. Người xướng lên điều gì độc đáo thì phụ họa tất có ít kẻ theo. Nếu chẳng dứt tuyệt ngôn từ biểu tượng bên ngoài mà lại muốn trì giữ hình tướng thì chỉ là làm sai lạc ý chí của luận mà thôi. Ý đệ tử muốn nói rằng đoạn đáp lời chương bàn về “dùng duyên cầu trí” thật vô cùng uyển chuyển, thật cùng tột tinh xảo, không khoảng hở nào có thể nạn vấn thêm được nữa. Nhưng đệ tử ám muội, không thể đốn hiểu được tường tận nên vẫn có một vài chỗ nghi ngờ, nên xin tự chuyên lần lượt đề ra đây, mong rằng Thượng nhân thừa thì giờ nhàn rỗi giải thích sơ lược thêm cho lần nữa.

Tựa luận viết rằng: “Thể của Bát Nhã, chẳng phải có chẳng phải không, hư mà không mất chiếu, chiếu mà không mất hư, cho nên kinh Phóng Quang nói là Đức Phật, không di động, trong thiền định, mà hiển lập các pháp”. Đoạn kế tiếp nói rằng: “Thần minh khác hơn người thường nên không thể dùng sự tướng mà cầu tìm được”. Lại nói: “Dụng tức tịch, tịch tức dụng, thần trí càng tịnh thì hội ứng càng hoạt động”.

Thánh Tâm minh nhiên tịch tĩnh(11), cả lý tắc và cực số đều không. Không vội vàng mà vẫn nhanh chóng, tuy thong thả vẫn không chậm chạp(12). Thế nên tri mà không phế bỏ tịch, tịch mà không bỏ tri(13); chưa từng là không tịch, chưa từng là không tri, cho nên đạo lý của Thánh nhân đưa vạn vật đến chỗ thành công hóa thế; tuy trong thế gian, vạn vật đều phải có danh nhưng mà lại cùng vô danh không khác. Huyền nhiệm về lý tắc đó, kẻ ngu muội này đầy lòng cố chấp nên không thông hiểu được. Nên nay xin ghi ra đây điều sở nghi về ý chỉ của cao luận, để mong cầu tìm ý nghĩa về sự dị biệt của Thánh Tâm.

Gọi Thánh Tâm là cùng linh, cực số, diệu tận, minh phù, hay cho Thánh Tâm là tâm thể tự nhiên, linh bạc, độc cảm(14)? Nếu Thánh Tâm là cùng linh, cực số, diệu tận, minh phù, thì danh gọi tịch chiếu cố nhiên là thể của định và tuệ(15). Nếu là tâm thể tự nhiên, linh bạc, độc cảm, tức sự hội ứng với các số cơ hồ phải dứt tuyệt(16). Có phải chăng là tâm số(17) đã huyền diệu nên một mình vận hành sự minh chiếu của tự mình, hay là Thánh khí đã thuần túy khỏi sự biến hóa ngoại tại nên trí tuệ minh nhiên độc chuyên tồn tại bên trong? Thượng nhân đã chứng ngộ đến chỗ thậm thâm, xin biện giải cho điều sở nghi này(18).

Nghi rằng, Thánh nhân phải dùng đến cái biết về hội ứng với những gì biến hóa mà chính tự mình thấy được, nên không thể gọi tâm của Thánh nhân là bất hữu được. Nhưng ý chỉ của luận lại nói là tâm này là cái trí vốn căn bản là không chấp thủ những cái biết mê hoặc. Thế nhưng luận lại không thích giải nghĩa lý cái sở dĩ không chấp thủ của tâm đó. Đệ tử nghĩ rằng, trước tiên ta phải xác định về điều sở dĩ hội ứng của Thánh Tâm đã, rằng có phải là tâm này duy chỉ minh chiếu cách vô tướng, hay là tâm nhìn thấy tất cả những biến hóa ngoại tại? Nếu thấy tất cả những biến hóa, tất tâm phải khác biệt với vô tướng. Nếu duy chỉ minh chiếu cách vô tướng, tất không có hội ứng nào có thể gợi lên được. Đã không thể gợi lên hội ứng được mà lại cho rằng là công đức có thể gợi dậy hội ứng, thật ý đệ tử chưa thể tri ngộ được. Nên thật là hữu hạnh nếu lại được Thượng nhân dạy bảo về điều này cho.

Luận nói rằng: vô đương, nên vật không gì mà không đương; vô thị, nên vật không gì là bất thị. Vật không bất thị cho nên là như thế mà lại không như thế; vật không bất đương cho nên đương mà lại không đương. Vô đương mà vật không bất đương hóa ra là điều mà sở dĩ gọi là chí đương(19); vô thị mà vật không bất thị hóa ra là điều sở dĩ là chân thị(20). Nhưng sao đã có Chân Thị mà lại chẳng phải Như Thị; Chí Đương mà lại chẳng phải đương? Thế nhưng luận nói đương mà không đương, thị mà vô thị là sao? Nếu bảo rằng Chí Đương chẳng phải Thường Đương, Chân Thị chẳng phải Thường Thị, thì điều đó bởi vì là ngộ và mê căn bản có sai khác; sở dĩ do đó mà đệ tử không minh bạch về ý chỉ của luận là vậy. Nguyện rằng Thượng nhân dạy bảo cho lần nữa để trừ khử cho điều mê hoặc này.

Ngày luận được mang đến đây, đệ tử liền cùng Huệ Viễn pháp sư tinh tường nghiên cứu ngay. Pháp sư cũng hoàn toàn lĩnh hội ý chỉ của luận. Nhưng mà tựa hồ rằng mỗi người đứng ở một tiêu vị cho nên không hẳn là lý giải về luận này, của pháp sư và của đệ tử, phải rốt ráo đồng nhất vậy(21). Lại còn chuyền cho nhau đọc trong đại chúng, ai nấy đều thán phục. Chỉ hận là không thể cùng được kề cận đồng thời(22) bên Thượng nhân mà thôi.
 
 

Chú thích:

1 Lưu Trình Chi, tự Trọng Tư, hiệu Di Dân, thuộc dòng hoàng tộc Tần triều, người Bành Thành, đất Giang Tô ngày nay. Học rộng, sùng đạo, làm quan cho nhà Tần một thời gian. Khi Tần gần sụp đổ, Dân từ chức lui về ẩn cư nơi Lô Sơn nhập chúng theo Huệ Viễn, sống rất đạm bạc. Năm 409, ngã bệnh (lao) và tịch vào năm sau. Dân tạo nên các bài Niệm Phật Tam Muội Vịnh rất nổi danh được toàn thể Tăng chúng tụng nguyện. Pháp Luận mục lục liệt kê bản văn “Thích Tâm Vô Nghĩa” của Tùng Thư Kinh Dịch Chí còn ghi một bản sớ của Dân về Lão Tử Huyền Phổ.

2 Hòa nam, âm theo nghĩa vandanam của Phật ngữ, chắp tay thi lễ.

3 Bát Nhã Vô Tri luận của Tăng Triệu do Đạo Sanh mang từ Trường An lên Lô Sơn cho Di Dân. Dân tự xưng là đệ tử và gọi Tăng Triệu là thượng nhân, một danh gọi đạo sĩ hơn là tăng sư.

4 Di Dân bị lao.

5 Tăng Triệu và Lưu Di Dân chưa từng gặp nhau trong đời, chỉ tâm phục nhau trên văn đàn mà thành tri kỷ.

6 Theo Triệu luận sớ của Huệ Đạt và của Nguyên Khương. Huệ Viễn cũng dùng một ý nghĩa cho Ma Ha diễn luận.

7 Huệ Viễn, sáng tổ Tịnh Độ tông, là đệ tử Đạo An. Khi Đạo An tị nạn tại Tương Dương, chia tay với một số đệ tử tài năng để bảo trì chánh pháp, dạy Huệ Viễn đi xuống vùng trung nguyên Dương Tử giang. Nơi đây, trước tiên Viễn ký cư ở chân núi Lô Sơn, nơi Tây Lâm tự. Sau một thời gian, Viễn bèn lập tự ngôi chùa Đông Lâm tự và bắt đầu thâu thập đồ chúng, đông hơn ngàn người. Trong dân gian, phái này theo truyền thuyết bị gọi là Bạch Liên giáo, có mục đích chính trị. Những hoạt động tôn giáo quy về sự sùng bái Đức Phật A Di Đà. Niệm Phật phái của Viễn ở Lô Sơn và học phái Tam Luận của La Thập (và Tăng Triệu) ở Trường An là hai trung tâm Phật giáo quan trọng nhất ở cuối thế kỷ 4 và đầu thế kỷ 5 ở Trung Hoa. Huệ Viễn mất năm 416, thọ 83 tuổi.

8 Hào Từ, quẻ Càn trong Kinh Dịch: “như người quân tử chánh tâm ban ngày và thành ý ban đêm”.

9 Huệ Viễn bấy giờ đã hơn 60 tuổi.

10 Trúc Đạo Sanh đồng hương với Lưu Di Dân, sinh trưởng tại Bành Thành vào khoảng năm 360. Đạo Sanh tu tại Lô Sơn một thời gian và học tập nghĩa lý Nhứt Thiết Hữu. Khi La Thập đến Trường An, Sanh liền theo học. Năm 408, trở về Lô Sơn mang theo luận Bát Nhã Vô Tri của Tăng Triệu trình lên Huệ Viễn. Hai năm sau, khi Tăng Triệu gởi bản sớ về Duy Ma kinh lên Lô Sơn, Sanh chắc chắn là vẫn còn ở đó, bởi vì sau khi đọc sớ này, Sanh tự cho là có thể viết hay hơn Tăng Triệu nên liền viết một bản sớ nữa về kinh Duy Ma Cật, mà nay hiện còn được truyền bá trong Xuất Tam Tạng ký tập. Về sau, ở Tràng An, Sanh trong cuộc tranh biện về lớp người bị hạng Bà la môn cho là đê tiện, và trong kinh Niết Bàn vốn đương thời được dịch dang dở, mà Pháp Hiển mang xuống miền Nam, cho là không thể được giải thoát, tuyên bố là họ, icchantikas, Nhứt Xiển Đề Ca, cũng có Phật tánh, nên bị Tăng chúng trục xuất khỏi học trường. Cho đến khi kinh Niết Bàn được dịch hoàn toàn, vấn đề icchantikas cũng có Phật tánh và cũng có thể được giải thoát, được chấp nhận. Đạo Sanh chống lại ngay cả các tín điều của các thân hữu, như là đức tin về Tây phương Cực Lạc quốc độ, được phước khi làm điều thiện, tiệm giác, v.v. Sanh có viết một số luận giải quan trọng nhưng nay thất lạc. Chỉ có một số thư từ giao thiệp với bạn hữu còn lưu truyền trong Quảng Hoằng Minh tập, và các bài sớ, Diệu Pháp Liên Hoa kinh sớ, Duy Ma Cật kinh sớ (như đã nói ở trên) và Niết Bàn kinh sớ còn truyền trong bản Niết Bàn kinh tập giải. Đạo Sanh mất năm 434 tại Lô Sơn. 

11 Độc giả để ý rằng Di Dân sử dụng ngôn từ của riêng mình để diễn đạt ý nghĩa văn luận của Tăng Triệu mà tự Di Dân tri nhận được. Nhưng cuối cùng rồi Di Dân lại cũng phải thú nhận rằng Dân không thể hội được ý Tăng Triệu.

12 Hoài Nam Tử, ch. Thái Tộc huấn: “Thanh hưởng tật từ, dĩ âm tương ứng dã”, tiếng dội khi chậm chạp khi nhanh chóng, ấy là vì tương ứng với âm thanh vậy. Ý này nguyên được Trang Tử sử dụng, sau trở nên quen thuộc với Huệ Viễn và ở đây được Di Dân dùng để thuyên giải Tăng Triệu. Di Dân ghi rằng, Thánh nhân tuy hồi đáp nhu cầu của chúng sinh mà vẫn không thường di dộng, không cần đợi đến khi hội đủ điều kiện mới có thể cảm ứng. Ý nghĩa này cũng tìm thấy trong Dịch Kinh, Hệ Từ:” “Duy thần dã, cố bất tật nhi tộc”.

13 Khuôn thức “thể dụng” được sử dụng ở đây mặc dầu môi trường có thay đổi. Khi tri trong vị trí dụng thì vô tri trở thành là thể; khi tri bị thay thế bởi chiếu (Bát Nhã) thì ta trở về với thiền định Ấn Độ và thể trở nên là tịnh (tam muội) vốn đối nghịch với chiếu.

Lô Sơn Xuất Tu Hành Phương Tiện Thiền Kinh tự của Huệ Viễn cho kinh Dharmatrata -Dhyàna ghi: “Chiếu bất ly tịch, tịch bất ly chiếu, cảm tắc câu du, ứng tắc đồng thú”.

14 Nguyên Khương cho là nhóm bốn từ ngữ trước là nói về hữu tri, nhóm sau về vô tri. Huệ Đạt trong Triệu luận sớ cũng đồng ý như vậy, cho là về Hữu minh nghĩa và Vô minh nghĩa. Chú Triệu luận sớ của Tuân Thức giải thích rằng nhóm trước là nói về dụng, nhóm sau về thể. Những sớ giải về sau đều theo ý Nguyên Khương.

Thiền định ở Lô Sơn là một thăng hoa đến “tinh”, mà theo tiến trình đó, hành giả lần lần siêu thoát thể xác và dần dần trở thành tinh thần hóa, để cuối cùng thành bất tử. Nơi đó, hành giả đối thoại với những tinh thần khác và sống trong cực lạc của thế giới bên kia, sau khi đã lìa bỏ cõi trần gian này. Đấy là ý nghĩa của Vô Sanh Pháp Nhẫn, mà Trung Hoa nhận thức theo anutpatti dharmaksanti.

Trong Sa Môn Bất Kính Vương Giả luận, Huệ Viễn nói: “Phản bản cầu tông giả [...] bất dĩ tinh lụy kỳ sinh, tắc sinh khả diệt; bất dĩ sinh lụy kỳ thần, tắc thần khả minh. Thần minh tuyệt cảnh, cố vị chi Nê hoàn”. Với Tăng chúng Lô Sơn, Niết Bàn là một cảnh giới quyết chắc mà hành giả đạt đến ở cuối đoạn đường tu, trong khi đối với Tăng Triệu thì Niết Bàn không khác với nghiệp, nghĩa là có thể đạt được ở nơi đây và ngay bây giờ.

a. cùng linh. Chu Hi dùng “linh” như đồng nghĩa với “hư”: nhân chi sở đắc hồ thiên nhi hư linh bất muội, dĩ cụ chúng lý nhi ứng vạn sự giả dã.

b. cực số. Hệ Từ: “Đại diễn chi số ngũ thập, kỳ dụng tứ thập hữu cửu”. Chú: “tứ thập hữu cửu số chi cực dã”, và “cố thường ư hữu vật chi cực nhi tắc minh kỳ sở do chi tông dã”.

c. diệu tận. Nguyên Khương giải thích là “năng tri pháp tánh”. Huệ Viễn nói: “diệu tồn cố tận vô” và “số tận vô bất cùng” để mô tả thế giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà. Lại nói: “kỳ diệu vật giả, vận quần động dĩ chí nhất nhi bất hữu, khuếch đại tượng ư vị hình nhi bất vô, vô tư vô vi nhi vô bất vi”.

d. minh phù. Lưu Di Dân trong Niệm Phật Tam Muội Vịnh: “Duyên hóa chi lý ký minh, tắc tam thế chi truyền hiểu dĩ. Thiên cảm chi số ký phù, tắc thiện ác chi báo tất dĩ”.

e. tâm thể tự nhiên. Minh Báo Ứng luận: “tội phước chi ứng duy kỳ sở cảm, cảm chi nhi nhiên cố vị chi tự nhiên”.

f. linh bạc. Lão Tử, ch.Hà Thượng Công: “ngã độc bạc hề kỳ vị triệu”.

15 Định Tuệ mà sau này Thiên Thai tôn gọi là Chỉ Quán.

16 Hệ Từ: “dịch bất khả kiến, tắc càn khôn hoặc cơ hồ tức dĩ”.

17 Tâm số, Triệu luận sớ của Huệ Đạt gọi là Thánh trí.

18 Huệ Viễn, trong Trùng Vấn Pháp Thân, nói: “Âm dương chỉ biểu khởi hà cảm nhi thành hóa hồ? Như kỳ bất khả tắc đạo cùng số tận, lý vô sở xuất. Thủy cảnh chi dụ hữu nhân nhi tương, chân pháp tánh phục hà do tai?”.

19 Huệ Viễn, trong bài tự cho A Tỳ Đàm Tâm luận: “Kỷ tánh định ư tự nhiên tắc đạt chí đương chi hữu cực”.

20 Tăng Triệu luôn luôn phân biệt giữa Chân và Thị, không bao giờ gọi chung như Lưu Di Dân ở đây.

21 Đương thời chưa phân biệt tông phái. Chỉ sau này ta mới sắp xếp triết học Phật giáo thành hệ thống, mà đặt Huệ Viễn thuộc Pháp Tánh Tông và Tăng Triệu thuộc Thực Tướng tông.

22 Tây phương không thấu triệt triết lý Đông phương, khi cho rằng hai người xa cách nhau thì không cùng sống đồng thời.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn