Niết Bàn Vô Danh Luận

15 Tháng Mười Một 201000:00(Xem: 11333)

TĂNG TRIỆU VÀ TÁNH KHÔNG HỌC ĐÔNG PHƯƠNG
Tuệ Hạnh dịch
BẢN DỊCH VIỆT VĂN

NIẾT BÀN VÔ DANH LUẬN

Biểu tấu Tần chúa Diêu Hưng.

Tăng Triệu nói rằng:

Triệu nghe Trời đạt đến nhất thể do nơi thanh tịnh, Đất đạt đến nhất thể do yên nhiên, quân vương đạt đến nhất thể do cai trị thiên hạ(1). Phủ phục trước sự sáng suốt minh triết của bệ hạ, Triệu tôi nói Đạo đã hội ứng với thần linh của bệ hạ, nên lý tắc không làm sao mà không thông hợp, diệu khế như trung tâm chiếc kim hoàn(2). Thong thả mà giải quyết vạn sựï(3), hoằng đạo trọn ngày, uy đức bảo bọc trăm họ, văn chỉ của bệ hạ đã trở thành luật tắc cho nhân gian. Do đó mà người xưa nói rằng(4), vũ trụ có tứ đại, trong đó vương quyền là một.

Đạo lý của Niết Bàn là chỗ hội quy của ba thừa, là uyên nguyên của Phương Đẳng, là vùng nước xa tít, là sa mạc mênh mông, là địa vức nơi dứt tuyệt mọi điều thấy nghe, u ẩn đến hư huyền, hầu như chẳng phải là tình người có thể đo lường tới được.

Triệu tôi hèn mọn, lại mong ân đất nước được nhàn cư nơi học tứ, làm môn hạ Thập Công hơn mười năm. Tuy kinh điển học tập có nhiều đề mục thắng giải chớ không phải chỉ có một, nhưng mà vấn đề Niết Bàn vẫn là quan trọng bậc nhất (đối với học đồ ở đây). Tuy lấy điều dự thính các công cuộc học tập làm đầu, nhưng vì Triệu tôi tài hèn trí kém nên tuy được Thập Công tận tường dạy dỗ mà lòng vẫn còn mang nặng mù mờ những hoài nghi. Vì trí óc ngu muội không dừng, lại nữa, những hoài nghi này tựa hồ như đã được liễu giải rồi nhưng vì chưa được các kinh cao quyết xác cho, nên vẫn còn chưa dám tự quyết là đúng.

Bất hạnh Thập Công lại tạ thế nên không còn ai để mà tham cứu học hỏi nữa, Triệu tôi lấy đó làm điều vĩnh viễn cảm khái trong lòng. Thế nhưng thánh đức của bệ hạ không cô độc, vì thần khí đã cùng Thập Công khế hợp. Chính mắt Triệu tôi trông thấy Đạo được bệ hạ và Thập Công tồn trì, tấc lòng thật tận cùng khoái lạc, nên càng phấn chấn học đòi huyền phong để mở cửa Pháp cho đời mạt thế.

Một ngày, mong ân được xem thư của bệ hạ gởi cho (hoàng đệ là) An Thành hầu Diêu Tung(5), trả lời về tông chỉ của Vô Vi(6). (Thế nào là Vô Vi?). Bệ hạ đáp rằng: “Sở dĩ chúng sinh từ bao lâu vẫn lưu chuyển trong vòng sinh tử là vì cứ mãi đắm trước nơi ái dục. Nếu mà tâm đình chỉ dục vọng thì không còn lẫn lộn nơi sinh tử nữa. Không còn sinh tử, ẩn giấu tinh thần nơi huyền mặc, khế hợp cùng cái Đức của hư không, đấy gọi là Niết Bàn vậy. Đã là Niết Bàn thì làm sao mà còn có thể dung chứa được vật hữu danh bên trong?”.

Những lời này quả là đã đạt đến tận cùng cái mỹ lệ vi tế của chúng, đàm luận đến cực đoan vượt ngoài hình tướng vậy. Như tự bệ hạ, đạo pháp chưa tham cứu đến Văn Thù, đức chẳng sánh bằng Di Lặc, thì làm sao mà có thể tuyên dương huyền đạo, tự làm thành hào cho Phật pháp được? Làm sao mà có thể sử đại giáo vốn đã cuộn lại rồi nay lại được trải ra lại(7), để mà hiển dương ý chỉ u huyền vốn đã bị luân lạc? Triệu tôi ân cần ngoạn thưởng nghĩa văn, không thể lìa thư khỏi tay dầu trong chốc lát. Hân hoan, tỏ ngộ, lòng mang mang phơi phới, múa may phấn khởi, chẳng lúc nào nhàm. Há đấy chẳng những là bánh xe thanh thắng cho đương thời mà cả là bờ bến cho bao nhiêu kiếp về sau nữa hay sao?

Ý chỉ của thánh vương uyên thâm huyền nhiệm, lý luận vi tế, văn ngôn giảm ước, khả dĩ tài giỏi hơn người đi trước, bạt tụy cao sĩ; Triệu tôi chỉ sợ rằng bọn người câu chấp vào văn từ chưa thể nào tận tường thông hiểu ý nghĩa mà bệ hạ đề khởi được. Cho nên Triệu tôi xin phỏng theo Khổng Tử khi sáng tác nên chương Thận Dực trong Dịch Kinh, không tham cầu nơi câu văn phong phú mà chỉ lo toan đến việc hoằng hiểu ý chỉ u huyền của kinh điển, tự chuyên viết nên “Niết Bàn Vô Danh luận” này.

Luật gồm chín điều bác bỏ và mười phần điều giải, biện luận quảng bác theo các kinh để dẫn chứng và thí dụ. Lấy điều ngưỡng ước đến chỗ cùng cực về Vô Danh của bệ hạ, nào dám đâu gọi luận này là diễn đạt thần tâm hay là nghiên cứu đến tận cùng tư tưởng xa vời của bệ hạ. Vậy nên chỉ dám lấy điều định giải biện nghị Bát Nhã huyền môn để diễn thích cho Tăng chúng nơi học tứ mà thôi.

Cuối chương bản luận của bệ hạ nói: “Tất cả các học phái đồng ý thông qua rằng, Đệ Nhất Nghĩa Đế bao la, yên nhiên, không hư, tịch tĩnh, không hiện hữu Thánh nhân. Tôi thường cho đấy là quá sức trực tiếp, không gần được với nhân tình. Nếu như không Thánh nhân thì ai là người biết rằng có cái Vô?(8)”. Thật như chiếu văn sáng suốt của bệ hạ nói như thế, quả thật như thế. Đạo vốn hoảng hốt, yểu minh, nhưng nội tại hiện hữu tinh thần. Nếu như không Thánh nhân, thì ai cùng Đạo tụ họp? Các học đồ ngày nay, chẳng thể khônog trù trừ trước ngưỡng cửa Đạo mà tấm tức về ý chỉ của vấn đề Niết Bàn này. Hoài nghi trọn ngày mà chẳng có ai để mà xác chính cho. Hữu hạnh tình cờ được lời phán quyết cao siêu của bệ hạ, tông đồ nhờ đó mà được y nhiên. Học đồ vốn đứng gõ cửa Đạo, nay được hăm hở xông vào huyền thất. Đấy quả thật có thể gọi là Pháp luân lại tái chuyển nơi cõi Diêm Phù(9) và ánh sáng của Đạo pháp lại rực rỡ thêm qua ngàn muôn kiếp nữa.

Nay xin diễn thích ý chỉ của luận do bệ hạ sáng tác, biện giải khúc chiết về Thể của Niết Bàn mà bệ hạ cho là Vô Danh, và yên bài lần cuối cuộc đàm luận về ý chỉ bao la, yên nhiên của Niết Bàn như sau:

Kính cẩn trình lên bệ hạ, như bài này tham giải thánh chỉ được chút nào, thì mong bệ hạ sắc dạy cho được tồn ký. Như có điều sai lạc, xin bệ hạ chỉ điểm thêm cho.

Tăng Triệu viết:

Nê Viết, Nê Hoàn, Niết Bàn, ba danh từ này lần lượt xuất hiện, do vì văn ngôn sử dụng nơi Trung nguyên và nơi biên cương(10) không đồng. Nay gọi Niết Bàn, là phiên âm đúng nhất vậy.
 
 

Chú thích: PHẦN DẪN NHẬP

1 Lão Tử, ch. 39. “Thiên đắc nhứt dĩ thanh, địa đắc nhứt dĩ ninh, thần đắc nhứt dĩ linh, cốc đắc nhứt dĩ doanh, vạn vật đắc nhứt dĩ sinh, hầu vương đắc nhứt dĩ vi thiên hạ trinh; kỳ trí chi”.

2 Trang Tử, ch. Tề Vật luận. “Xử thủy đắc hoàn trung, dĩ ứng vô cùng”.

3 Trang Tử, “du nhận vạn cô”.

4 Lão Tử, ch. 25. “Vực trung hữu tứ đại, nhi vương cư kỳ nhứt yên”.

5 Thư đáp của Diêu Hưng này viết sau khi Thập Công ngã bệnh năm 409 và trước khi Công tịch năm 413. Diêu Tung, bào đệ của nhà vua, được nhắc đến trong tiểu sử của La Thập như là một tín đồ hăng say truyền bá đạo Phật, chức là Đại Tần Tư Lệ Giáo Úy Tả Tướng Quân, và được phong làm Giám sát quan nơi học tứ cho đến năm 410. Năm 417 tử trận.

Quảng Hoằng Minh tập ghi lại ý chỉ của các thư vấn đáp như sau:

a. Thư của Diêu Hưng viết cho bào đệ, ghi là có viết thư hỏi La Thập về vấn đề tam thế (traikalya), nêu lên bốn điểm thắc mắc: Bát Nhã, Hóa thân Phật, Tam thế và Niết Bàn.

b. Thư đáp của Diêu Tung.

c. Thư thứ hai của Diêu Hưng mà Tăng Triệu kể ở nơi luận này.

d. Thư đáp của Diêu Tung.

e. Thư đáp của Diêu Hưng.

6 Độc giả cần để ý là Vô Vi trong bản luận này đồng nghĩa với Niết Bàn. Xem phần đầu bản chánh văn, khi Tăng Triệu định nghĩa các danh từ về ý nghĩa Niết Bàn.

7 “Sử phù đại giáo quyến nhi phục thư”, Tăng Triệu dùng hình ảnh tượng trưng giáo lý vốn được ghi chép trên lối quyển sách của Trung Hoa, cuộn tròn lại để chỉ cho cảnh Phật điển không được ai mở ra đọc đến, cứ phải bị cuộn tròn cho đến khi Diêu Hưng trải sách ra để mà truyền pháp.

8 Dụ Nghị luận của Tuệ Duệ (tức Tăng Duệ, mất năm 439): “Mỗi chí khổ vấn: Phật chi chân chủ diệc phục hư vọng. Phật nhược hư vọng, thùy vi chân giả. Nhược thị hư vọng, tích công lũy đức, thùy vị kỳ chủ?”. Mỗi chí khổ vấn: Chỉ cho việc mỗi kỳ học tập, Thập công đều bị các Tăng đồ vấn nạn.

9 Diêm Phù Đề, Jambudvipa, chỉ cho Ấn Độ hay là cõi trần gian nơi Phật pháp được truyền bá.

10 Xem chú thích phần chánh văn về Niết Bàn, mục số 3.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
11 Tháng Tư 2015(Xem: 10776)
Như được giải thích trong chương trước, tất cả mọi hiện tượng cho dù vô thường hay thường, đều có những phần tử. Những phần tử và toàn thể tùy thuộc với nhau, nhưng chúng dường như có thực thể riêng của chúng.
26 Tháng Ba 2015(Xem: 11659)
Tình cờ một quyển sách nằm trong tầm tay. A Glimpse of Nothingness – chợt nhận, thoáng nhận ra Không tính – tên tác giả lạ hoắc, không phải hàng Sư tổ của thiền. Chính vì chỗ này mà cách diễn tả gần gũi.
02 Tháng Giêng 2015(Xem: 9737)
Trong nhiều bộ kinh của Phật giáo Đại thừa, có nói về Bồ tát Quán Thế Âm; một vị Bồ tát luôn luôn khởi lòng Từ-bi ban vui và cứu khổ cho tất cả chúng sanh. Thế nhưng chúng ta ít thấy đề cập đến sự Giác ngộ của Ngài. Chỉ trừ kinh Thủ Lăng Nghiêm có nói đến việc này.
02 Tháng Giêng 2015(Xem: 7997)
Tánh Không như một tấm gương sáng nó phản ảnh những gì đi qua nó tuyệt đối không lưu giữ. Nó không phải là năng duyên tức thọ, tưởng, hành, thức. Cũng không phải là sở duyên tức sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.
07 Tháng Mười 2014(Xem: 6112)
Một số cư sĩ Phật giáo Nam tông thường hỏi tôi về tư tưởng Tánh Không trong kinh điển Theravāda. Có khi tôi trả lời: “Các pháp do duyên khởi nên vô ngã tính, vì vô ngã tính nên không. Không này chính là Không Tánh chứ có gì lạ đâu!” Một lần khác nữa, tôi lại nói: “Cứ đọc cho thật kỹ kinh Tiểu Không, kinh Đại Không, kinh Đại Duyên là sẽ hiểu rõ toàn bộ về tư tưởng Tánh Không thời Phật”. Tuy nhiên, trả lời gì cũng không giải toả được sự tồn nghi, thắc mắc của chư cư sĩ ấy.
27 Tháng Chín 2014(Xem: 26052)
Không phải đợi đến thời kỳ Phật giáo phát triển (Đại Thừa) mà ngay trong thời Thế Tôn, Ngài đã khai thị về lý Không (Sùnyatà). Pháp thoại này đã cho thấy vấn đề cốt tủy nhất, tình túy nhất của Đại thừa là tánh Không đã được Thế Tôn truyền trao, khuyến tấn tu tập không những cho hàng xuất gia mà ngay cả những Phật tử tại gia. Có thể nói, học thuyết tánh Không thể hiện bàng bạc trong Bát Nhã, Trung quán luận v v… là hoa trái của lời dạy
23 Tháng Chín 2014(Xem: 5960)
Shikantaza(1) là thực hành hay hiện thực hóa tánh Không. Mặc dù bạn có thể đã có một sự hiểu biết sơ sài nào đó về tánh Không qua tư duy, nhưng bạn nên hiểu tánh Không qua trải nghiệm của mình. Bạn có một ý tưởng về vô và một ý tưởng về hữu và bạn nghĩ rằng hữu và vô là hai ý tưởng đối lập nhau.
23 Tháng Bảy 2014(Xem: 11663)
Trong tập sách nhỏ này, Thrangu Rinpoche trình trình bày một cách ngắn gọn nhưng đầy đủ và rõ ràng tánh không trong truyền thống Phật giáo Tây tạng, cả về giáo lý lẫn tu tập. Có thể nói đây là một kết hợp chặc chẽ của giáo lý và tu tập trong Phật giáo Tây tạng, đặc biệt là trong dòng truyền Karma Kagyu. Lý thuyết và thực hành hỗ trợ cho nhau, tạo nên sự quân bình trong lý thuyết và thực hành của Phật giáo Tây tạng.
21 Tháng Bảy 2014(Xem: 5959)
Bây giờ chúng ta bắt đầu phần thứ nhì bộ luận này là phần giải thích ý nghĩa mỗi chương. Phần này có 3 phần: sự biểu thị duyên khởi là rỗng thông không có hiện hữu tự tính (essentially empty), trình bày sự kiện dù bạn vẫn còn trong luân hồi, hoặc thoát khỏi luân hồi, điều đó tùy thuộc vào bạn có hoặc không lí hội thông hiểu duyên khởi rỗng thông không có hiện hữu tự tính, và các tri kiến sai lầm được buông bỏ theo cách nào, một khi bạn lí hội thông hiểu duyên khởi.
20 Tháng Bảy 2014(Xem: 6359)
Trong hệ thốngTrung Quán tất cả các hiện tượng, cả vô thường và thường hằng, đều là các sự duyên khởi (dependent- arisings; pratiyasamutpada). Xuyên qua lí luận về trạng thái hiện hữu duyên khởi của chúng, tính không của chúng thì được an lập.