03. Phẩm Quán Tứ Đế

04 Tháng Tám 201300:00(Xem: 4724)

ĐẬP VỠ VỎ HỒ ĐÀO
Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
(Thiền sư Nhất Hạnh giảng Trung Quán Luận)
Nhà xuất bản Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh 9-2012

Phẩm Quán tứ đế

Bài kệ 1

Nhược nhất thiết giai không 若一切皆空
Vô sanh diệc vô diệt 無生亦無滅
Như thị tắc vô hữu 如是則無有
Tứ Thánh đế chi pháp 四聖諦之法

Nếu tất cả đều không
Không sinh cũng không diệt
Như thế thì không có
Pháp bốn Thánh đế được

Nhược nhất thiết giai không: Nếu tất cả đều là không. (If everything is empty).
Vô sinh diệc vô diệt: Không sinh cũng không diệt. (No birth and no death).
Như thị tắc vô hữu: Vô hữu là không có. Như vậy là không có.
Tứ Thánh đế chi pháp: Các pháp gọi là bốn Thánh đế. (There is no such a thing as the Teaching on the Four Holy Truths).

 

Bài kệ 2

Dĩ vô Tứ đế cố 以無四諦故
Kiến khổ dữ đoạn tập 見苦與斷集
Chứng diệt cập tu đạo 證滅及修道
Như thị sự giai vô 如是事皆無

Vì không bốn Thánh đế
Việc thấy khổ dứt tập
Chứng diệt và tu đạo
Cũng đều là không có

Dĩ vô Tứ đế cố: Tại vì lý do không có bốn Thánh đế.

Kiến khổ dữ đoạn tập, chứng diệt cập tu đạo: Cho nên những cái gọi là kiến khổ, đoạn tập, chứng diệt, tu đạo.

Như thị sự giai vô: Đều là không có.

Khổ (ill-being) là sự thật thứ nhất, Tập (the root of ill-being) là sự thật thứ hai, Diệt (cessation of ill-being) là sự thật thứ ba và Đạo (the path leading to the cessation of ill- being) là sự thật thứ tư.

Kiến khổ là thấy khổ; đoạn tập là chấm dứt nguyên do đau khổ; chứng diệt là thực chứng sự chuyển hóa, sự vượt khổ; tu đạo là hành trì, đi theo con đường. Thấy khổ, dứt tập, chứng diệt, tu đạo, bốn cái đó không thể có nếu không có Tứ đế. Không có khổ đế thì không có kiến khổ. Không có tập đế thì không có đoạn tập. Không có diệt đế thì không có chứng diệt. Không có đạo đế thì không có tu đạo. Vì không có Tứ đế cho nên việc kiến khổ, đoạn tập, chứng diệt và tu đạo đều không thể có được.

 

Bài kệ 3

Dĩ thị sự vô cố 以是事無故
Tắc vô Tứ đạo quả 則無四道果
Vô hữu Tứ quả cố 無有四果故
Đắc hướng giả diệc vô 得向者亦無

Vì các việc ấy không
Nên không có Bốn quả
Nếu không có Bốn quả
Thì Bốn hướng cũng không

Dĩ thị sự vô cố, tắc vô Tứ đạo quả: Vì những chuyện đó không có, thì không thể nào có cái gọi là Bốn quả. (Because of the fact that these things do not exist, there are no Four fruits). Quả là hoa trái của sự thực tập, đó là sự giác ngộ. Có bốn quả: quả Nhập lưu, quả Nhất lai, quả Bất lai và quả A la hán.

Vô hữu Tứ quả cố, đắc hướng giả diệc vô: Nếu không có Bốn quả thì những người có Bốn hướng cũng không có. Bốn quả gồm có tám bậc. Tiếng Hán là Tứ song và Bát bối. Tứ song là bốn cặp, Bát bối là tám hạng người (the Four pairs and Eight kinds of holy people).

Cặp thứ nhất là Nhập lưu hướng Nhập lưu quả. Nhập lưu (getting into the stream) là đi vào dòng. Những người đi vào dòng rồi thì chứng được quả gọi là Nhập lưu (Tu đà hoàn) và trong con người của họ có chất Thánh, vì quả đó là một Thánh quả. Nhưng không chỉ có những người Nhập lưu mới có chất Thánh. Có những người chưa đi vào dòng, nhưng trên con đường đi vào dòng, họ cũng có chất Thánh trong người, và quả đó gọi là Nhập lưu hướng (those who orientate towards the stream’s entrance). Nhập lưu hướng là những người đi vào dòng, và mỗi khi đã đi vào dòng thì chắc chắn sẽ đi ra biển.

Trong Thánh chúng có người nhập lưu, ngồi thoải mái, vững chãi trong dòng, thế nào dòng cũng đưa mình ra biển. Nhưng còn những người chưa vào dòng nhưng đang hướng về dòng, giống như ta phải đi ra Bordeaux hay Libourne mới có thể đi tàu siêu tốc TGV được. Sự thật thì ngay từ khi ta lái xe từ Làng Mai ra Libourne để cố ý lên TGV thì ta đã là TGV hướng rồi. Khi ta ngồi trong TGV thì gọi là TGV quả. TGV hướng TGV quả là cặp đầu, là đệ nhất song (the first pair).

Cặp thứ nhì là Nhất lai hướng Nhất lai quả. Nhất lai nghĩa là trở lại một lần nữa.

Cặp thứ ba là Bất lai hướng Bất lai quả. Bất lai nghĩa là không còn trở lại nữa.

A la hán hướng A la hán quả là cặp thứ tư. Những người chưa chứng A la hán, nhưng trên con đường đi đến A la hán quả thì gọi là A la hán hướng.

Bốn cặp Thánh quả tức là tám loại người có chất Thánh. Trong bài Tùy Niệm Tăng có nói đến “bốn đôi và tám bậc Thánh quả”. Chúng ta đừng mặc cảm là chúng ta chỉ có chất phàm, chỉ có tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến. Chúng ta cũng có chất Thánh. Mỗi khi thở vào, chúng ta có chánh niệm, biết cái gì đang xảy ra, giận biết mình giận, buồn biết mình buồn, vui biết mình vui, là chúng ta có chất Thánh rồi. Có chánh niệm là có chất Thánh. Đó là điều rất hay! Chúng ta ở đây để làm gì? Để nuôi dưỡng chất Thánh. Đó là sự nghiệp, là business của người tu, tức là để chế tác và nuôi dưỡng chất Thánh, để một dòng giống không bị tuyệt chủng. Dòng giống đó là Thánh chủng (the race of Holy People). Thiệu long Thánh chủng là làm cho dòng Thánh được hưng thịnh, được trường tồn.

Chúng ta là con cháu của Thánh, là Thánh con. Là Thánh con thì ta phải mỗi ngày vun trồng và nuôi dưỡng chất Thánh trong ta bằng bước chân, bằng hơi thở, bằng nụ cười, bằng sự quán chiếu. Khi có chất Thánh rồi thì đoàn thể của chúng ta được gọi là Thánh chúng. Thánh chúng giống như đại dương, trong đó có nhiều châu báu, có tám loại châu báu từ Nhập lưu hướng - Nhập lưu quả cho đến A la hán hướng - A la hán quả. Quy y Tăng là tìm về biển châu báu trong đoàn thể Thánh chúng.

Bài kệ này tiếp nối bài kệ ở trên là nếu không có tứ đế thì không có Tứ quả. Nếu không có Tứ quả thì không có Tứ hướng.

 

Bài kệ 4

Nhược vô bát Hiền Thánh 若無八賢聖
Tắc vô hữu Tăng bảo 則無有僧寶
Dĩ vô Tứ đế cố 以無四諦故
Diệc vô hữu Pháp bảo 亦無有法寶

Tám Thánh Hiền nếu không
Thì không có Tăng bảo.
Nếu không có Tứ đế
Thì không có Pháp bảo.

 

Nhược vô bát Thánh Hiền, tắc vô hữu Tăng bảo: Nếu không có tám loại Thánh Hiền thì sẽ không có cái gọi là Tăng bảo. (If there are no eight kinds of Holy People, there cannot be Holy Community).

Dĩ vô Tứ đế cố, diệc vô hữu Pháp bảo: Giáo lý Tứ đế không có thì không thể nào có Pháp bảo. (If the Four Noble Truths are not there, the existence of the Dharma is also impossible).

 

Bài kệ 5

Dĩ vô Pháp Tăng bảo 以無法僧寶
Diệc vô hữu Phật bảo 亦無有佛寶
Như thị thuyết không giả 如是說空者
Thị tắc phá tam bảo 是則破三寶

Pháp bảo, Tăng bảo không,
Thì không có Phật bảo.
Cho nên chủ trương không,
Là phá hoại tam bảo

Dĩ vô Pháp Tăng bảo, diệc vô hữu Phật bảo: Nếu không có Pháp bảo và Tăng bảo thì không có Phật bảo. Vì không có Pháp bảo và Tăng bảo, cho nên không có Phật bảo. Từ trên xuống dưới, thầy lý luận rất chặt chẽ!

Như thị thuyết không giả, thị tắc phá Tam bảo: Như vậy, chủ trương thuyết Không là phá hoại tam bảo. Đây chính là những người Phật tử công kích chứ không phải là người ở ngoài. Những người Phật tử này không đạt tới giáo lý không cho nên mới công kích giáo lý không.

 

Bài kệ 6

Không pháp hoại nhân quả 空法壞因果
Diệc hoại ư tội phúc 亦壞於罪福
Diệc phục tất hủy hoại 亦復悉毀壞
Nhất thiết thế tục pháp 一切世俗法

Cái không phá nhân quả
Lại phá hoại tội phước
Mà cũng phá hoại hết
Các pháp của thế gian

 

Không pháp hoại nhân quả: Cái pháp gọi là không (the teaching of emptiness) phá hoại giáo lý nhân quả (undermines the teaching of causality). Vì tin vào ý niệm về nhân quả cho nên người ta không dám làm bậy để chuốc lấy quả ác. Bây giờ nói không tức làm cho đạo đức hư hỏng. Họ lên án thầy Long Thọ rất nặng: Giáo lý về không phá hoại đạo lý nhân quả!

Diệc hoại ư tội phúc: Và phá luôn ý niệm về tội phước. “Làm đi, không có tội gì đâu, tại vì tất cả đều không!”. Tộiadharma, phước là dharma. Trong nguyên văn dùng chữ dharma (pháp) và adharma (phi pháp). Dharma-adharma, chúng ta dịch là tội phước. Dharma là đi đúng với đạo lý, adharma là đi ngược với đạo lý.

Diệc phục tất hủy hoại, nhất thiết thế tục pháp: Tất là đương nhiên. Cũng đương nhiên phá hoại tất cả những pháp của thế tục. Trong đạo có pháp, ngoài thế gian cũng có luật pháp, có thiện ác, có luân lý, đạo đức của thế gian. Vì vậy, ông dạy giáo lý Không rất là nguy hiểm!

Sáu bài kệ này (từ bài kệ thứ nhất đến bài kệ thứ sáu) là những vấn nạn của đối phương, tại vì giáo lý không rất vi diệu, rất sâu xa và ít người có thể hiểu được. Nghe nói tới không thì nhiều người hoảng sợ. Họ nghĩ rằng giáo lý không phủ nhận tất cả những gì mình đã học trước đây, không những về Phật pháp mà về cả thế pháp, thế pháp cũng có pháp luật, có đạo đức. Và đây là ý chính của người vấn nạn. Người vấn nạn không phải là người ngoài đạo Bụt mà là người trong đạo Bụt, ở trong đạo Bụt mà không với tới giáo lý nhiệm mầu của không.

Tới bài thứ bảy thì thầy Long Thọ bắt đầu trả lời.

 

Bài kệ 7

Nhữ kim thực bất năng 汝今實不能
Tri không, không nhân duyên 知空空因緣
Cập tri ư không nghĩa 及知於空義
Thị cố tự sinh não. 是故自生惱

Bạn quả thực không hiểu
Không và nhân duyên không
Không hiểu được nghĩa không
Nên tự sinh ưu não.

 

Nhữ kim thực bất năng, tri không, không nhân duyên. Kim là trong giây phút này, bây giờ đây. Nhữ là anh, là bạn. Bây giờ đây, anh (bạn) không thể hiểu về không và nhân duyên đưa tới sự giảng dạy giáo pháp không.

Cập tri ư không nghĩa, thị cố tự sinh não: Và không hiểu được lý đích thực của không nên bạn sợ, bạn trách, và bạn tự sanh ra sự phiền não, bạn tự làm hại bạn.

 

Bài kệ 8

Chư Phật y nhị đế 諸佛依二諦
Vị chúng sanh thuyết pháp 為眾生說法
Nhất dĩ thế tục đế 一以世俗諦
Nhị đệ nhất nghĩa đế. 二第一義諦

Các Bụt nương hai đế,
Thuyết pháp cho chúng sanh:
Một là thế tục đế,
Hai là thắng nghĩa đế.

 

Chư Phật y nhị đế, vị chúng sanh thuyết pháp. Vị là vì, vị tha là vì người. Các đức Phật nương vào hai sự thật. Đế là sự thật. Chữ Hán viết chữ đế (諦), một bên là chữ ngôn (言) và một bên là ông vua (帝). Lời nói của một ông vua thì không ai dám đặt vấn đề gì hết.

Nhất dĩ thế tục đế, nhị đệ nhất nghĩa đế: Một là thế tục đế (loka-samvrti), hai là đệ nhất nghĩa đế (paramārtha). Đệ nhất nghĩa đế còn gọi là thắng nghĩa đế. Thắng là hơn, đệ nhất cũng là hơn. Sự thật tương đối là sự thật thế gian và sự thật tuyệt đối là sự thật xuất thế gian.

 

Bài kệ 9

Nhược nhân bất năng tri 若人不能知
Phân biệt ư nhị đế 分別於二諦
Tắc ư thâm Phật pháp 則於深佛法
Bất tri chân thật nghĩa. 不知真實義

Nếu không phân biệt được
Hai thứ chân lý kia
Thì không thể hiểu được
Nghĩa thâm sâu của pháp.

Nhược nhân bất năng tri, phân biệt ư nhị đế: Nếu người ta không phân biệt được hai sự thật đó. (If someone is not able to distinguish one truth from the other).

Tắc ư thâm Phật pháp, bất tri chân thật nghĩa: Thì người đó không thể hiểu được nghĩa chân thật trong chiều sâu của Phật pháp. Thâm Phật pháp, tiếng Anh là Deep Buddhism. Có hai thứ đạo Bụt (Buddhism) là, đạo Bụt trên bề mặt (Shallow Buddhism) và đạo Bụt sâu thẳm (Deep Buddhism). Những người quanh quẩn trên bề mặt đạo Bụt thì không thể nào hiểu được đạo Bụt sâu thẳm. Khi anh hỏi xong thì người ta biết anh chỉ thuộc về đạo Bụt trên mặt thôi, còn đạo Bụt sâu thẳm thì anh chưa hiểu. Chữ Deep Buddhism đã có từ thế kỷ thứ hai. Chân thật, tiếng Anh là true meaning.

Nếu người ta không có khả năng phân biệt hai sự thật đó thì, đối với nền Phật pháp thâm sâu, người ta không hiểu được nghĩa lý chân thật.

 

Bài kệ 10

Nhược bất y tục đế 若不依俗諦
Bất đắc đệ nhất nghĩa 不得第一義
Bất đắc đệ nhất nghĩa 不得第一義
Tắc bất đắc Niết bàn. 則不得涅槃

Nếu không nương tục đế
Thì không đạt chân đế
Nếu không đạt chân đế.
Thì không chứng Niết bàn

 

Nhược bất y tục đế, bất đắc đệ nhất nghĩa: Nếu không nương vào tục đế thì không nắm được nhất nghĩa đế. Có hai sự thật: một là tục đế, hai là chân đế. Nhưng không có nghĩa là chúng ta chọn một cái và vứt bỏ cái kia. Cái nào chúng ta cũng cần. Nếu không bắt đầu bằng tục đế, rồi nương vào tục đế mà nhìn sâu thì không thể nào đạt tới chân đế. Vì vậy cho nên tôi không có phá hoại gì hết, tôi chỉ đi sâu thôi. Tôi không phá hoại cái anh đang tin tưởng, nhưng anh cần phải nhìn thật sâu vào cái anh tin tưởng thì anh sẽ thấy được chiều sâu của nó, có nghĩa là từ tục đế anh sẽ thấy được chân đế.

Câu này nói rằng, tục đế (conventional truth) rất quan trọng. Có thiện, có ác, có chánh, có tà, có phước, có tội, có phân biệt rõ ràng, có nhân, có quả. Nhưng chúng ta đừng kẹt vào đó. Ta phải đi sâu hơn thì từ chân lý tương đối ta có thể đạt tới chân lý tuyệt đối và ta sẽ có thành quả lớn lao hơn nhiều.

Trong bài này, chúng ta thấy rõ đây không phải là thái độ đánh phá mà là thái độ dìu dắt. Nương vào tục đế mà thấy được chân đế. Không nương vào tục đế thì không thấy được chân đế. Vấn đề không phải là bỏ tục đế đi mà phải sử dụng tục đế một cách rất khôn khéo.

Bất đắc đệ nhất nghĩa, tắc bất đắc Niết bàn: Nếu không đạt được đệ nhất nghĩa đế thì không đạt được Niết bàn. Tục đế không đủ sức để cho chúng ta đạt được Niết bàn. Nó có thể làm cho chúng ta bớt khổ, nhưng muốn đạt được Niết bàn là phải đạt tới chân đế, đạt tới đệ nhất nghĩa đế. (If you don’t base on the worldly truth, you cannot attend the ultimate truth. And without attending the ultimate truth, it is impossible for you to touch Nirvana).

 

Bài kệ 11

Bất năng chánh quán không 不能正觀空
Độn căn tắc tự hại 鈍根則自害
Như bất thiện chú thuật 如不善咒術
Bất thiện tróc độc xà. 不善捉毒蛇

Không quán chiếu được không
Kẻ độn căn tự hại
Như không giỏi chú thuật
Không bắt được độc xà.

Bất năng chánh quán không: Không có khả năng thực tập chánh quán về không (Without the capacity to practice the right looking deeply into emptiness). Chánh quán là một cái nhìn chân thật.

Độn căn tắc tự hại: Độn căn tức là căn cơ ám độn. Những người căn cơ ám độn thì tự làm hại mình, tự làm hại bằng sự không hiểu của mình, bằng sự mờ ám, lộn xộn trong đầu mình.

Như bất thiện chú thuật: Cũng như người không giỏi về chú thuật. Chú thuật có nghĩa là những kỹ thuật chuyên môn.

Bất thiện tróc độc xà: Nếu không giỏi chú thuật thì không khéo léo bắt được độc xà.

 

Bài kệ 12

Thế tôn tri thị pháp 世尊知是法
Thậm thâm vi diệu tướng 甚深微妙相
Phi độn căn sở cập 非鈍根所及
Thị cố bất dục thuyết. 是故不欲說

Thế tôn biết pháp này
Rất vi diệu sâu thẳm.
Kẻ độn căn khó hiểu,
Nên không thuyết cho họ.

Thế tôn tri thị pháp, thậm thâm vi diệu tướng: Đức Thế Tôn biết pháp này rất sâu thẳm (thậm thâm) và mầu nhiệm (vi diệu).

Phi độn căn sở cập: Chẳng phải những kẻ căn cơ ám độn mà với tới được. Cập là tới, bất cập là không với tới. (This Teaching is out of reach of the people with meager intelligence).

Thị cố bất dục thuyết: Vì lý do đó cho nên ngài không muốn nói cho họ nghe, chứ không phải ngài tiếc. Họ nghe rồi chỉ hiểu lầm thôi, thà rằng đừng nói còn hơn.

 

Bài kệ 13

Nhữ vị ngã trước không 汝謂我著空
Nhi vi ngã sanh quá 而為我生過
Nhữ kim sở thuyết quá 汝今所說過
Ư không tắc vô hữu. 於空則無有

Bạn nói tôi chấp không,
Cho rằng tôi lạc lầm.
Những cái lầm bạn nghĩ,
Không dính tới cái không.

 

Nhữ vị ngã trước không: Nhữ là anh, là ông. Anh nói rằng, tôi dính vào cái không, bị kẹt vào cái không (You say that I am caught in the idea of emptiness).

Nhi vi ngã sanh quá: Cho nên tôi làm ra nhiều sai lầm (That is why I have made many errors).

Nhữ kim sở thuyết quá: Những cái mà bây giờ anh nói là sai lầm. Quá là sai lầm. (The things you call errors.)

Ư không tắc vô hữu: Những sai lầm anh nghĩ đó, nó chẳng dính gì tới không (They do not exist in emptiness).

Bây giờ, chúng ta đi tới một bài kệ rất nổi danh, đó là bài kệ thứ 14. Bài kệ này làm chấn động cả thế giới từ thế kỷ thứ hai cho tới bây giờ. Ngày mà tôi được nghe bài kệ này, tôi sướng quá, tôi hạnh phúc quá đi!

 

Bài kệ 14

Dĩ hữu không nghĩa cố 以有空義故
Nhất thiết pháp đắc thành 一切法得成
Nhược vô không nghĩa giả 若無空義者
Nhất thiết tắc bất thành. 一切則不成

Chính nhờ vào nghĩa không
Mà mọi pháp được thành.
Nếu mà không có không,
Chẳng pháp nào thành lập.

 

Dĩ hữu không nghĩa cố. Cố là lý do. Dĩ hữu không nghĩa cố là: Tại vì lý do có chân lý về không (Because of the fact that the true of emptiness is there). Nói một cách khác, nhờ tự tánh của vạn vật là không.

Nhất thiết pháp đắc thành: Cho nên tất cả các pháp mới được thành lập. Không là nền tảng của mọi pháp. Các pháp biểu hiện được, thành lập được là nhờ có không. Nếu các pháp không là không thì sẽ không có pháp nào được thành lập, được biểu hiện.

Chữ không ở đây có nghĩa là trống rỗng. Tiếng Việt có chữ trống, chữ rỗng để dịch chữ không (sūnyata) rất hay. Chữ không có thể làm cho người ta hiểu lầm là không ngược lại với có. Ví dụ cái ly này có nước trà, còn ly kia thì không có nước trà, nghĩa là một ly có trà và một ly không có trà. Muốn có trà hay không có trà thì phải có cái ly. Không có ly thì làm gì có trà hay không có trà được? Không có trà, không có nghĩa là không có cái ly. Cái ly này không có trà nhưng nó có những cái khác, nó có không khí đầy trong đó. Không có là không có cái gì? Nó không có trà nhưng mà nó đầy không khí.

Vạn vật không có cái gì, trống rỗng cái gì? Nó không có tự ngã, nó trống rỗng cái tự ngã. (Empty means empty of an own-being, empty of a separate self, a self-nature). Tự tánh, tiếng Anh dịch là own-being hay self-nature. Nhờ không có tự tánh cho nên sự vật mới biểu hiện ra được. Nếu có tự tánh thì sự vật không vô thường, nó không vô thường thì nó không có sinh diệt. Ví dụ chúng ta gieo một hạt bắp vào trong đất. Nếu hạt bắp đó có tự tánh (own-being) thì hạt bắp vẫn mãi mãi là hạt bắp vì tự tánh là cái thường còn, cái không hủy diệt. Nhưng hạt bắp không có thường còn, nó hoại diệt, nhờ đó hạt bắp có thể nứt mầm trở thành cây bắp. Nhờ có cái “không có tự tánh” mà cây bắp có thể phát hiện được. Có tự tánh là có một thực chất không biến đổi. Nó luôn luôn là nó, nó không thể trở thành cái khác. Nói vạn vật có tự tánh thì không có vật nào có thể biểu hiện được. Nhờ vạn vật không có tự tánh cho nên tất cả vạn vật đều có thể biểu hiện ra được.

Dĩ hữu không nghĩa cố
Nhất thiết pháp đắc thành

Nếu em bé có tự tánh thì em bé không thể nào trở thành người lớn. Bất cứ một cái gì: một cây bắp, một người lớn,… tất cả chỉ có thể có được với điều kiện: căn bản của nó không có tự tánh (sùnyata). Nhờ sùnyata mà tất cả mọi cái đều có. Trong khi đó, người ta vì không hiểu sùnyata, không hiểu không nên nghe nói tới không là sợ. Chính nhờ không mà cái gì cũng có được. (Thanks to emptiness, everything becomes possible).

Bây giờ chúng ta là chúng sanh khổ đau, trầm luân, ta muốn được giải thoát, được an lạc. Cái muốn đó làm sao thực hiện được nếu ta có tự tánh? Nếu có tự tánh thì ta sẽ khổ đau dài dài, mê lầm dài dài. Vì cái khổ đau, cái mê lầm không có tự tánh cho nên ta có thể có giác ngộ, có hạnh phúc, có an lạc. Thay vì lo buồn cho “không có gì có tự tánh hết!”, thì ta nói: “May quá! Tại vì không có tự tánh cho nên cái gì cũng có hết!”. Đó là một nhãn quan, một cái thấy rất là tích cực.

Nếu cái nhức đầu của anh mà có tự tánh thì anh sẽ nhức đầu suốt đời. Nhờ cái nhức đầu không có tự tánh nên anh mới hết nhức đầu. Cho nên mình nói: “Vạn tuế vô thường! Vạn tuế không!” Vạn tuế sự không có tự tánh! (Long-lived impermanence! Long-lived emptiness! Thanks to impermanence and emptiness everything is possible!) Câu đó nó hay như vậy! Trong khi người ta than phiền về vô thường, về không thì câu này lật ngược lại hết. Nhờ vô thường, nhờ không mà cái gì cũng có thể có được.

Người ta rất sợ ý niệm không tại vì họ đồng nhất không với ý niệm hư vô. Hư vô là “non being”, là “le néant”. Nhất là người Tây phương, nghe chữ không, họ rất sợ, tại vì họ không biết không là gì.

Nhất thiết pháp đắc thành. Chữ thành dịch tiếng Anh là possible. Dĩ hữu không nghĩa cố, nhất thiết pháp đắc thành. “Thanks to emptiness everything is possible!”. Đó là lời tuyên bố rất mầu nhiệm, rất dõng dạc, rất thần diệu của thầy Long Thọ.

Dĩ hữu không nghĩa cố
Nhất thiết pháp đắc thành
Nhược vô không nghĩa giả
Nhất thiết tắc bất thành.

Thấy được điều đó là bắt đầu có thể tiếp xúc được với bản môn, tức là sự thật tuyệt đối, là chân đế hay đệ nhất nghĩa đế và có cơ hội tiếp xúc được với Niết bàn, tức là thực tại không sinh không diệt, không có cũng không không.

 

Bài kệ 15

Nhữ kim tự hữu quá 汝今自有過
Nhi dĩ hồi hướng ngã 而以迴向我
Như nhân thừa mã giả 如人乘馬者
Tự vong ư sở thừa. 自忘於所乘

Những sai lầm của bạn,
Bạn lại bảo của tôi.
Cũng như kẻ cỡi ngựa
Quên con ngựa mình cỡi.

 

Ta cỡi ngựa mà ta quên mất là ta đang cỡi ngựa. Ví dụ này rất vui, ta đang cỡi ngựa mà nói người khác lấy mất ngựa của mình. Cũng như ta để chìa khóa xe trong túi mà ta nói: “Anh lấy chìa khóa xe của tôi!”.

Nhữ kim tự hữu quá: Giờ phút này, bạn tự tạo ra những lầm lạc như vậy. Tự mình làm ra chứ không ai làm hết.

Nhi dĩ hồi hướng ngã: Nhưng bạn đem lỗi lầm đó quy cho tôi, nói tôi là sai lầm.

Như nhân thừa mã giả: Như có người đang cỡi ngựa. Thừa là leo lên, là cỡi. Thừa xa là leo lên xe đi. Thừa mã là leo lên ngựa đi.

Tự vong ư sở thừa: Tự mình quên mất đối tượng (con ngựa) mình đang cỡi. Sở thừa là vật mình đang cỡi, là đối tượng của sự cỡi, tức là con ngựa.

 

Bài kệ 16

Nhược nhữ kiến chư pháp 若汝見諸法
Quyết định hữu tánh giả 決定有性者
Tức vi kiến chư pháp 即為見諸法
Vô nhân diệc vô duyên. 無因亦無緣
Nếu bạn thấy các pháp
Quyết định có tự tánh,
Là bạn cũng chủ trương
Không nhân cũng không duyên.

Nhược nhữ kiến chư pháp, quyết định hữu tánh giả: Nếu bạn thấy các pháp quyết định có tự tánh.

Tức vi kiến chư pháp, vô nhân diệc vô duyên: Có tự tánh là có sẵn rồi thì đâu cần phải có nhân, có duyên mà sinh ra (If you see that all things definitively have a self-nature, then you also see them as without causes and conditions).

 

Bài kệ 17

Tức vi phá nhân quả 即為破因果
Tác tác giả tác pháp 作作者作法
Diệc phục hoại nhất thiết 亦復壞一切
Vạn vật chi sanh diệt. 萬物之生滅
Bạn phủ định nhân quả
Tác, tác giả, tác pháp.
Lại cũng không công nhận
Sinh diệt của muôn loài.

 

Tức vi phá nhân quả, tác tác giả tác pháp: Nói các pháp có tự tánh là phủ nhận nhân và duyên, phủ nhận luật nhân quả, và phủ nhận sự tạo tác (tác), người tạo tác (tác giả) và vật tạo tác (tác pháp). Ví dụ như hạt bắp có công năng tạo tác, nó tạo tác ra mầm bắp và cây bắp con. Hạt bắp là tác giả, là kẻ tạo tác. Nó có hành động tạo tác, nó có thể tạo ra cây bắp nhỏ. Cây bắp nhỏ là cái (pháp) được tạo tác. Anh phủ nhận nhân quả, phủ nhận hành động tạo tác, kẻ tạo tác và đối tượng của sự tạo tác.

Diệc phục hoại nhất thiết, vạn vật chi sanh diệt: Cũng lại phá hoại, phủ nhận sự sinh diệt của tất cả vạn vật (It also means that you deny the birth and the death of all things).

Nếu anh thấy các pháp quyết định là có tự tánh, như vậy thì không cần nhân cũng không cần duyên. Anh phá hoại ý niệm nhân quả, ý niệm tạo tác, kẻ tạo tác và vật được tạo tác. Anh cũng phá hoại luôn ý niệm về sinh diệt của mọi sự vật. Những lời buộc tội của đối phương, thầy Long Thọ trả lại cho đối phương hết. Đối phương nói: “Nói không thì phủ nhận tất cả”. Thầy Long Thọ nói ngược lại: “Nói không có không nghĩa là nói có tự tánh. Anh phá hoại chứ không phải tôi”.

Bây giờ chúng ta đi đến bài kệ trứ danh khác mà trên thế giới ai cũng biết. Bài kệ này làm nền tảng cho giáo lý và sự thực tập của một tông phái quan trọng ở Trung Quốc, đó là Thiên Thai tông. Từ bài kệ này, thầy Trí Giả đã rút ra một pháp môn gọi là Nhất tông tam quán. Đó là ba phép quán: quán không, quán giả và quán trung. Giáo lý của Thiên Thai tông cũng được thực tập ở Việt Nam. Hồi còn là sa di, tôi cũng có thực tập theo Thiên Thai tông. Tuy là Thiền tông nhưng mình sử dụng giáo lý của Thiên Thai tông. Thiên Thai tông cũng thực tập Thiền nhưng không mang danh Thiền.

Hồi 16, 17 tuổi, tôi đã học cuốn sách giáo khoa về thiền tập, gọi là “Đồng mông chỉ quán”. Đồng là những người trẻ. Đồng mông chỉ quán là phép chỉ quán sử dụng cho các người trẻ mới thực tập. Cuốn sách đó cũng được gọi là “Tiểu chỉ quán” (The smaller book on Śamatha and Vipaśyanā). Trong sách đó có dạy phép điều hòa hơi thở, điều thân, điều tâm và quán chiếu. Trong “Đồng mông chỉ quán” chưa nói tới ba phép quán không, giả và trung. Phải đợi tới cuốn “Đại chỉ quán” (The larger manual on the practice of Śamatha and Vipaśyanā) thì mới đề cập tới ba phép quán đó. Ở đây chúng ta chỉ biết rằng, ba phép quán của Thiên Thai tông được rút ra từ bài kệ của Trung Luận.

 

Bài kệ 18

Chúng nhân duyên sanh pháp 眾因緣生法
Ngã thuyết tức thị không 我說即是空
Diệc vi thị giả danh 亦為是假名
Diệc thị trung đạo nghĩa. 亦是中道義
Các pháp từ nhân duyên
Tôi gọi nó là không.
Nó cũng là giả danh,
Cũng gọi là trung đạo.

Đây là lời tuyên bố của thầy Long Thọ (proclamation):

- Chúng nhân duyên sanh pháp: Các pháp sanh ra từ nhân duyên.

- Ngã thuyết tức thị không: Tôi tuyên bố rằng, các pháp là không. Tại sao có thể tuyên bố các pháp là không? Lý do là tại vì các pháp từ nhân duyên sinh khởi (pratītyasamutpāda). Không là sūnyata, vì là duyên sinh cho nên các pháp cũng là không.

- Diệc vi thị giả danh: Nó cũng là giả danh (prajñapti). Giả danh tức là một tên gọi (conventional designation), chúng ta đồng ý với nhau gọi tên đó cho tiện. Ví dụ như đồng Euro. Đồng Euro tự nó không có tự tánh. Ta thống nhất với nhau quyết định cho đồng Euro có một giá trị nào đó, thành ra đồng Euro trở thành một đối tượng của ước lệ của mình. Nếu không thì nó chỉ là một tờ giấy hay một cục sắt không có nghĩa gì. Tất cả giá trị của nó là do bộ óc ước lệ của con người đưa ra, thành ra đồng Euro có thể dùng được. Đồng Euro là một conventional designation, cho nên đồng Euro có giá trị, anh lấy nó đem đổi được mấy kí lô gạo. Prajñapti là giả danh.

- Diệc thị trung đạo nghĩa: Cũng gọi là nghĩa trung đạo (Madhyamaka). Trung đạo là con đường giữa, con đường siêu thoát những cặp ý niệm như có-không, tới-đi, sinh-diệt,.... Bản chất của các pháp vượt khỏi những cặp đối lập đó. Nó không tới, không đi, không sanh, không diệt, không có, không không, không phải một, không phải khác. Đó là tự tánh của Niết bàn, đó gọi là trung đạo, tức là vượt thoát những ý niệm đối lập nhau. Đó là ba phép quán: không, giả và trung. Sở dĩ các pháp là không-giả-trung tại vì bản chất của chúng là duyên sinh.

Trung Quán Luận có tất cả 27 phẩm, phẩm cuối là Quán Tà Kiến. Phẩm này là phẩm thứ 24, quán về Tứ Đế. Quán Tứ Đế là một trong những phẩm quan trọng nhất. Hai phẩm đầu là cơ bản của lý thuyết, phẩm Quán Tứ Đế rất thực tế. Đến đây, chúng ta đã học ba bài kệ nổi danh vào bậc nhất, tất cả đều nằm trong phẩm thứ 24 này.

Bài kệ đầu nói về hai sự thật: sự thật tương đối (tục đế hay thế đế) và sự thật tuyệt đối (chân đế hay thắng nghĩa đế). Đem sự thật về hai đế chiếu vào các pháp thì chúng ta có thể thấy những cái bị coi là mâu thuẫn thật ra nó không mâu thuẫn chút xíu nào. Nếu không thì ta thấy có khi Bụt nói thế này, có khi Bụt nói thế kia. Người chấp vào cái kia thì không thấy được cái này, người chấp vào cái này thì không thấy được cái kia. Giáo lý về nhị đế (samvrti và paramārtha) là ánh sáng rọi vào để chúng ta thấy tuy hai đế chủ trương khác nhau nhưng kỳ thực cái này có thể nương vào cái kia. Nếu không có cái này thì không thấy cái kia. Bài kệ về hai đế là một trong ba bài kệ quan trọng nhất của phẩm này.

Bài kệ quan trọng thứ hai là bài kệ thứ 14:

Dĩ hữu không nghĩa cố
Nhất thiết pháp đắc thành.

Bài kệ quan trọng thứ ba cũng long trời lở đất, đó là bài kệ thứ 18:

Chúng nhân duyên sanh pháp
Ngã thuyết tức thị không
Diệc vi thị giả danh
Diệc thị trung đạo nghĩa.

Đó là những tuệ giác, những cống hiến, những thức ăn rất bổ dưỡng. Chúng ta đọc thì thấy đó là sự thỏa mãn mà mình có thể đạt được khi tiếp xúc với giáo lý mầu nhiệm. Có thì giờ, có cơ hội để tiếp xúc với những giáo lý như vậy, để đem giáo lý đó ra quán chiếu trong đời sống hàng ngày là một hạnh phúc rất lớn của người tu. Người ngoài đời bận rộn lắm, họ không có thì giờ để thở thì làm sao mà có cơ hội tiếp xúc được với những giáo lý thậm thâm như vậy và đem nó áp dụng vào đời sống hằng ngày của mình. Là người tu, ta phải phát khởi tâm niệm biết ơn thì niềm hạnh phúc của mình mới thật sự lớn lao và trường cửu.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
27 Tháng Mười Một 2015(Xem: 8277)
Pháp thân Phật là tánh Không không hình không tướng ở khắp như hư không. Báo thân là quang minh và Hóa thân là thân vật chất; hai thân này được gọi là Sắc thân. Sắc thân được ứng hiện từ Pháp thân và không lìa Pháp thân. Một trong những tính cách của sắc thân là an lạc:
20 Tháng Mười Một 2015(Xem: 6749)
Long Thọ (Nagarjuna, Klu-grub), cùng với Vô Trước (Asanga, Thogs-med), là hai đại hành giả tiên phong của truyền thống Đại thừa. Ngài Long Thọ đã trao truyền giáo huấn thậm thâm về tri kiến tánh Không của dòng truyền thừa từ Đức Văn Thù Sư Lợi, trong khi ngài Vô Trước thì trao truyền giáo huấn về pháp hành bồ tát sâu xa của dòng truyền thừa từ Đức Di Lặc.
17 Tháng Mười Một 2015(Xem: 5399)
Pháp thân Phật là tánh Không không hình không tướng ở khắp như hư không. Báo thân là quang minh và Hóa thân là thân vật chất; hai thân này được gọi là Sắc thân. Sắc thân được ứng hiện từ Pháp thân và không lìa Pháp thân. Một trong những tính cách của sắc thân là an lạc:
16 Tháng Bảy 2015(Xem: 4879)
Nói đến lòng sùng tín, sùng mộ và tin tưởng, có lẽ không phẩm nào của Kinh Đại Bát-nhã nói cụ thể và xúc động hơn phẩm Bồ-tát Thường Đề, kể về sự nhiệt thành khát khao cầu ngộ nhập tánh Không của một Bồ-tát. Sùng mộ, tin tưởng và nhiệt thành cầu thể nhập tánh Không đến độ thường hay khóc, do đó có tên Thường Đề.
10 Tháng Bảy 2015(Xem: 5796)
Mushin là một trong những nhà sư rạng rỡ hơn ai hết, trong tu viện. Sự an lạc và tính tình vui vẻ của ông, đã gây nguồn cảm hứng cho những ai tiếp xúc với ông.
01 Tháng Bảy 2015(Xem: 6339)
"Tánh Không" (còn gọi là tính-không) là một từ ngữ liên hệ đến sự giảng dạy chính yếu của mọi ngành Phật giáo, nhưng ý nghĩa thật sự của từ ngữ nầy thường bị hiểu lầm.
01 Tháng Bảy 2015(Xem: 5217)
Nếu một người chưa có dịp nghe, đọc (Văn), chưa tư duy (Tư) chưa thực hành (Tu) về tánh Không thì rất dễ xem tánh Không là một cái gì rất tiêu cực, vì tánh Không với người ấy là không có cái gì cả. Từ đó mà không tin nhân quả, định luật để con người dựa vào đó mà tiến bộ, tiến hóa.
24 Tháng Sáu 2015(Xem: 11787)
“Mặc dù trải qua 100 năm từ khi có sự bắt đầu những nghiên cứu khoa học về đạo Phật ở Châu Âu, tuy vậy, chúng ta vẫn còn đang mơ hồ về nền tảng giáo lý của tôn giáo nầy và tính triết học của nó. Chắc chắn không có một tôn giáo nào khác đã chứng tỏ một cách rất kiên định để làm sáng tỏ những trình bày có tính hệ thống của mình.”
12 Tháng Sáu 2015(Xem: 4759)
Như kinh Duy-ma-cật nói, “Từ gốc vô trụ (tánh Không), lập tất cả pháp”. Trung luận (phẩm Quán Tứ đế) nói, “Bởi vì có nghĩa Không. Tất cả pháp được thành. Nếu không có nghĩa Không. Tất cả đều chẳng thành”. Kinh Hoa Nghiêm, như các kinh điển Đại thừa, lấy tánh Không làm nền tảng. Tánh Không trong kinh này là Pháp thân của Phật bổn nguyên Tỳ-lô-giá-na, và toàn thể vũ trụ là hiện thân của Ngài. Pháp thân Tỳ-lô-giá-na chính là pháp thân của Phật Thích Ca.
25 Tháng Tư 2015(Xem: 11231)
Phản chiếu trên việc một đối tượng duyên sinh như thế nào – sinh khởi phụ thuộc trên nhân và duyên, phụ thuộc trên những bộ phận của nó, và phụ thuộc trên tư tưởng – hổ trợ vô cùng để vượt thắng cảm nhận rằng đối tượng tồn tại trong nó và của chính nó.