06. Phẩm Quán Niết Bàn

04 Tháng Tám 201300:00(Xem: 4764)

ĐẬP VỠ VỎ HỒ ĐÀO
Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
(Thiền sư Nhất Hạnh giảng Trung Quán Luận)
Nhà xuất bản Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh 9-2012

Phẩm Quán Niết bàn

Bài kệ 1
Nhược nhất thiết pháp không 若一切法空
Vô sinh vô diệt giả 無生無滅者
Hà đoạn hà sở diệt 何斷何所滅
Nhi xưng vi Niết bàn? 而稱為涅槃

Nếu các pháp đều không,
Không sinh cũng không diệt,
Có gì đoạn và diệt
Mà gọi là Niết bàn?

 

Đó là câu hỏi của một người đứng ở ngoài: Quý vị chủ trương không sinh cũng không diệt, tại sao quý vị còn nói về Niết bàn? Một ngọn lửa đang cháy, khi nó tắt đi thì gọi là diệt, đó là Niết bàn. Một mặt quý vị nói các pháp không sinh không diệt, còn một mặt quý vị nói là có diệt. Như vậy là quý vị mâu thuẫn với nhau!

Nhược nhất thiết pháp không
Vô sinh vô diệt giả
Hà đoạn hà sở diệt
Nhi xưng vi Niết bàn?

Nếu tất cả các pháp đều là không, không sinh cũng không diệt thì cái gì có thể đoạn, cái gì có thể diệt được để chủ trương có cái gọi là Niết bàn? Đó là một câu hỏi căn cứ trên một lý luận rất xác thật! Từ hồi mười bốn, mười lăm tuổi tôi đã đọc về Niết bàn. Tôi nghe người ta nói Niết bàn là cái mà ta không thể nói tới được! Tôi cứ tin như vậy. Câu nói đó có một phần đúng. Có những cái mà ta phải trực tiếp kinh nghiệm mới biết được. Ta phải tới để thấy, để trực tiếp tiếp xúc thì ta mới biết nó là cái gì, chứ có nói cách mấy ta cũng không thể hiểu được. Đừng nói tới cái gì sâu xa lắm, ví dụ như trái quít chẳng hạn. Đối với một người chưa bao giờ thấy trái quít, chưa bao giờ bóc vỏ quít để ngửi, chưa bao giờ bỏ một múi quít vào miệng thì dù có nói cách gì đi nữa thì người đó cũng không có thể có một ý niệm chính xác về trái quít.

Cho rằng chúng ta không thể nói gì hết về Niết bàn, là đúng. Trong các truyền thống khác như Cơ Đốc giáo, người ta nói: Thượng Đế là gì? Chúng ta không thể nói gì về Thượng Đế, Thượng Đế chỉ có thể chứng nghiệm trực tiếp được thôi! Cũng cùng một nghĩa đó, thần học là một môn chuyên nói về Thượng Đế. Nếu không thể nói về Thượng Đế thì nên dẹp môn Thần học và đừng lập những đại chủng viện để dạy Thần học. Một mặt thì nói không thể nói gì về Thượng Đế, một mặt thì lập đại chủng viện, tiểu chủng viện để dạy về Thượng Đế và viết bao nhiêu là sách về Thượng Đế, có phải là ngược với nhau hay không?

Khi lớn lên, tôi suy nghĩ chín chắn hơn. Tôi thấy rằng, nếu nói cho khéo, chúng ta vẫn có thể nói được về Niết bàn, thì người ta sẽ không bị kẹt vào những điều mình nói. Cả người nói và người nghe đều khôn ngoan, không bị kẹt. Người nói không giăng ra cái bẫy và người nghe không bị kẹt vào bẫy. Trong khi nói và trong khi nghe, ta có được sự chỉ dẫn để làm thế nào có thể tiếp xúc được với Niết bàn. Ta nói: Anh chưa ăn quít hả? Anh phải biết nó nhỏ như vầy, màu cam, anh ra chợ thì có thể mua được. Tuy không phải là trái quít, nhưng đó là những lời chỉ dẫn để ta có thể đi tới trái quít và nhận diện ra nó. Những lời chỉ dẫn cũng có lợi ích. Nói cho khéo, nghe cho khéo thì cả hai bên đều không bị kẹt, một bên không giăng bẫy và một bên không bị sập bẫy và sử dụng được lời chỉ dẫn để đi tìm Niết bàn.

Trung Quán Luận cũng vậy. Trung Quán Luận biết là không thể nào nói được về thực tại tối hậu. Nhưng sử dụng ngôn ngữ cho khéo như ông phù thủy sử dụng âm binh thì có thể tạo ra phép lạ, giúp người ta lấy đi những khái niệm, những ý niệm sai lầm về thực tại. Chương này, cũng như những chương khác của Trung Quán Luận, dùng những ảo thuật của ngôn từ để giúp cho chúng ta đi tới được. Chúng ta đừng nên vướng vào đó. Trong kinh nói, tất cả những giáo lý của Đức Thế Tôn dạy đều như ngón tay chỉ mặt trăng. Ngón tay tuy không phải là mặt trăng, nhưng nhờ vào ngón tay mà ta thấy được mặt trăng. Nếu nắm ngón tay mà cho là mặt trăng là bị kẹt. Người đưa ngón tay ra không khôn khéo, người đó “giăng bẫy”. Người nắm lấy ngón tay cho là mặt trăng, người đó “bị sập bẫy”. Cả hai bên đều hỏng. Người nói và người nghe đều phải khôn khéo. Đừng nhìn vào ngón tay mà phải nhìn lên thì khôn khéo hơn, con mắt nhìn lên thì không cho ngón tay là mặt trăng. Tiêu nguyệt chỉ là ngón tay chỉ mặt trăng.

Tất cả lý luận của thầy Long Thọ là những phương tiện khéo léo để giúp chúng ta chứng nghiệm được cái đó, dù cái đó không thể nói, không thể diễn bày được bằng ngôn ngữ. Về trí tuệ của Bụt, về Niết bàn hay về những cái không thể dùng ngôn ngữ để diễn tả được, ta cũng có thể dùng ngôn ngữ để giúp người ta thoát khỏi những ý niệm mà họ có về Bụt, về Niết bàn. Đó là những phép ảo thuật về ngôn ngữ mà thầy Long Thọ là một người có rất nhiều tài năng.

Niết bàn, tiếng Anh là extinction, tức là sự dập tắt, như hình ảnh của một ngọn lửa bị dập tắt. Niết bàn là mục tiêu tối thượng của người thực tập, của hành giả. Có thể nói, mục đích tối hậu của sự tu học là đạt được Niết bàn, cũng như mục tiêu tối hậu của bên Cơ đốc giáo là về với Chúa, ngồi dưới chân Chúa. Có người đặt nghi vấn: Giả dụ, ta tin vào Thiên đường, tin vào Chúa; nhưng nếu Thiên đường không có, Chúa không có thì có phải là ta lỗ hay không? Ta đầu tư, ta đem hết cuộc đời, tất cả năng lượng đầu tư vào một cái không có thì có phải là lỗ không? Giống như khi đánh bạc, trúng thì ta lời to, thua thì ta mất hết. Như vậy Thần học có phải là một ván cờ hay không? Có một nhà thần học nói: Cứ tin đi! Nếu có Chúa, có Thiên đường thì ta về. Nếu không có thì thôi, ta đâu có mất gì đâu! Nếu ta không tin mà giả sử nó có thì uổng biết mấy! Thà rằng tin thì hay hơn! Trong lý luận đó có một cái gì tội nghiệp.

Nếu đem áp dụng lý luận đó trong Phật giáo thì như thế nào? Niết bàn là cái có thiệt hay là cái do mình tưởng tượng ra? Ta đem cả cuộc đời ta đi về hướng đó, rốt cuộc Niết bàn không có thì có phải là uổng công không? Người ta đặt câu hỏi: Niết bàn có hay không có? Niết bàn là một thực tại hay chỉ là một ý niệm, một mong ước, là sự tưởng tượng của những người đau khổ đang muốn tìm tới chỗ mà họ nghĩ là không có đau khổ?

Nhưng trong giáo lý đạo Bụt, chữ Niết bàn có nghĩa là vượt thoát có và không. Niết bàn không phải có cũng không phải không. Sự nghi ngờ trong trường hợp này đặt ra không đúng như trong trường hợp Thiên đường và Thượng đế. Nói Niết bàn có là sai lầm. Chính đạo Bụt nói như vậy, tại vì Niết bàn vượt ra khỏi ý niệm có. Nói Niết bàn là không có cũng sai lầm, tại vì Niết bàn vượt ra khỏi ý niệm không. Hai chữ “có, không” không thể nào diễn tả được Niết bàn. Niết bàn không phải có cũng không phải không. Ta là cái đang có mà Niết bàn cũng là cái đang có, tức là một cái có đang đi vào một cái có? Nếu ta là có mà Niết bàn là không, tức là một cái có đang đi vào một cái không có, như vậy có phải là uổng công không? Nếu có óc buôn bán thì ta phải đặt vấn đề là: Tôi phải biết chắc là Niết bàn có rồi tôi mới tu. Tu rồi, lỡ Niết bàn không có thì có phải là lỗ vốn không? Đó là lý luận của các nhà buôn. Nhưng ngay từ lúc đầu ta đã hiểu, Niết bàn là sự vắng mặt của ý niệm có và không. Đòi hỏi Niết bàn phải có là sai ngay từ lúc ban đầu.

Có một nhà thần học cận đại, người Đức, tên là Paul Tillich, đã tuyên bố trong một cuốn sách của ông: Thượng Đế là nền tảng của hữu thể! (God is the ground of Being!). Tất cả những gì đang có như sông, núi, cỏ cây, đất đá, con người, loài vật, thời gian, không gian, đều thuộc về hữu thể (being, être). Đứng về phương diện Trung đạo, ý niệm về hữu thể chỉ có thể sinh khởi từ ý niệm về vô thể. Hữu thể (être, being) là ngược lại với vô thể (non-être, non-being). Hữu thể khác với vô thể như tay mặt khác với tay trái. Hễ có hữu thể thì có vô thể. Không có vô thể thì làm sao có hữu thể? Câu hỏi đặt ra là: Nếu Thượng đế là nền tảng của hữu thể thì cái gì là nền tảng của vô thể? Vậy thì, Thượng đế có phải là tất cả hay Thượng đế chỉ là nền tảng của phân nửa thôi (being), còn phân nửa kia (non-being) thì Thượng đế không làm nền tảng được? Ngay về phương diện ngôn ngữ, câu nói đó đã có sự sai lầm rồi. Ngày mai có thể sẽ có một nhà thần học Cơ đốc tuyên bố một câu khác: Thượng đế là nền tảng của hữu thể và vô thể! Ý niệm về hữu thể làm sao có thể thành lập được nếu không có ý niệm về vô thể, cũng như ý niệm về tay trái làm sao có thể thành lập được nếu không có ý niệm về tay phải?

Bốn câu của bài kệ mở đầu chương hai mươi lăm như là một appéritif (món khai vị) để quý vị có thể thưởng thức được những trò ảo thuật (magic show) của thầy Long Thọ. Và đây là câu trả lời của thầy:

 


Bài kệ 2

Nhược chư pháp bất không 若諸法不空
Tắc vô sinh vô diệt 則無生無滅
Hà đoạn hà sở diệt 何斷何所滅
Nhi xưng vi Niết bàn? 而稱為涅槃

Nếu các pháp chẳng không
Thì không sinh không diệt.
Có gì đoạn và diệt
Mà nói tới Niết bàn?

 

Bài kệ thứ hai giống hệt như bài kệ thứ nhất và đối nhau chan chát với bài kệ thứ nhất. Đối phương nói: Nếu các pháp là không thì nó không sinh không diệt, làm sao mà nói tới Niết bàn? Chủ ý của địch thủ nói: Quý vị nói “các pháp là không” là không đúng. Các vị chỉ có quyền nói tới Niết bàn khi các vị công nhận các pháp là có. Có có thì mới có diệt. Nếu các pháp là không thì làm sao có diệt? Chủ trương của quý vị không đúng. Các pháp có thì Niết bàn mới có nghĩa. Các pháp là không thì không sinh cũng không diệt, có gì đoạn và diệt mà quý vị nói tới Niết bàn. Như vậy là quý vị sai, quý vị phải chủ trương các pháp là có.

Thầy Long Thọ đối lại: Nếu các pháp không phải không (bất không) tức các pháp là có, thì nó cũng không sinh không diệt. Vậy thì có cái gì đoạn và diệt để có thể nói về Niết bàn? Nếu các pháp thật có thì nó có hoài, không thể nào tiêu diệt được. Nó có thật thể, có tự tánh (permanent entity) thì nó cũng bất sinh bất diệt. Vậy thì cái gì đoạn, cái gì diệt mà có thể nói tới Niết bàn? Thầy Long Thọ dùng ngay chữ của đối phương để trả lời. Đối phương nói: Nếu các pháp không thì làm sao có Niết bàn? Thầy Long Thọ trả lời: Nếu các pháp là có thì làm sao có Niết bàn? Thầy xô người ta ngã liền lập tức bằng một chữ thôi. Bất không có nghĩa là có, mà có thì không thể nào trở thành không được.

Đâu có lẽ có chiều qua mà không sáng nay?
(Vũ Hoàng Chương)

Có là phải có hoài, có là có tự tánh. Nếu nó tiêu diệt thì nó không thật sự có tự tánh. Đả phá quan niệm về không rồi, thầy Long Thọ đả phá luôn quan niệm về có. Quan niệm về Niết bàn không đi đôi với quan niệm về không mà cũng không đi đôi với quan niệm về có.

Nếu đọc bài kệ trên với trái tim, chúng ta có thể hiểu được những cái có liên hệ tới những khổ đau, lo lắng của mình. Chúng ta có một người thân đang hấp hối. Chúng ta nghĩ rằng, người thân đó đang từ có trở thành không. Nhưng nếu thực chứng được bản thể của sự vật thì ta không còn đau xót nữa.

Nếu các pháp đều không
Không sinh cũng không diệt
Có gì đoạn và diệt
Mà gọi là Niết bàn?

Bài kệ thứ nhất nói: Nếu quý vị chủ trương các pháp đều là không thì nó không sinh cũng không diệt, mà nếu không sinh không diệt thì tại sao lại nói tới đoạn và diệt? Ý niệm về Niết bàn của quý vị vì vậy không đứng vững được. Bài kệ thứ hai chỉ sửa một chữ thôi: Nếu quý vị nói các pháp không phải không tức là nó thật sự có, thì nó cũng không có sinh không có diệt. Vậy thì ý niệm về đoạn, về diệt không thể có, và ý niệm về Niết bàn cũng không có được. Bây giờ chúng ta đi tới chủ trương của đạo Bụt:

 

Bài kệ 3

Vô đắc diệc vô chí 無得亦無至
Bất đoạn diệc bất thường 不斷亦不常
Bất sinh diệc bất diệt 不生亦不滅
Thị thuyết danh Niết bàn. 是說名涅槃

Không đắc cũng không tới
Không đoạn cũng không thường
Không sinh cũng không diệt
Đó gọi là Niết bàn.

Bài này cho người ta biết Niết bàn mà đạo Bụt đang nói tới có ý nghĩa gì. Niết bàn nghĩa là sự dập tắt của tất cả mọi ý niệm. Nó không phải là sự dập tắt của hiện hữu mà là sự dập tắt của những ý niệm của ta về hiện hữu.

Vô đắc có nghĩa là, không phải từ không mà trở thành có. Ta không có đứa con nào hết, bây giờ tự nhiên ta có đứa con. Ta đặt câu hỏi: Đứa con từ đâu tới? Đạo Bụt trả lời: Nó không từ đâu tới hết. Đó gọi là vô chí hay vô lai. Chí là tới; vô chí là không từ đâu tới (vô lai) và cũng không đi về đâu (vô khứ), tiếng Anh là no coming, no going. Vô khứ vô lai là một thực tại. Vô đắc cũng có nghĩa là vô thất, tức là không được cũng không mất. Thật tại Niết bàn là thật tại vượt thoát tất cả những ý niệm về được và mất.

Trong đạo Bụt, ý niệm được và mất là ý niệm không dính gì tới sự thật. Từ đâu tới và sẽ đi về đâu là một ý niệm. Tự nhiên từ chỗ không có ta có, rồi từ chỗ có ta đi tới chỗ không có. Đó gọi là đắc và chí. Vô đắc và vô chí là đặc tính của Niết bàn.

Bất đoạn diệc bất thường

Thường là hữu thể; hữu thể không thể nào trở thành vô thể. Đoạn là vô thể (non-être), vô thể vĩnh viễn là vô thể, không thể nào trở thành hữu thể (être). Thường là một ý niệm, tiếng Anh dịch là eternalism. Đoạn là anihilation, tức là sự tiêu diệt hoàn toàn. Thực tại của Niết bàn vượt ra khỏi ý niệm thường và đoạn, được và mất, tới và đi.

Bất sinh diệc bất diệt

Sinh là ý niệm từ không mà trở thành có và diệt là ý niệm từ có mà trở thành không. Bất sinh diệc bất diệt, tiếng Anh dịch là no birth no death. Cái “không tới cũng không đi, không được cũng không mất, không đoạn cũng không thường, không sinh cũng không diệt ”, cái đó gọi là Niết bàn. Vì vậy chúng ta nói Niết bàn có hay không có thì rất buồn cười. Nói Niết bàn có là trật mà nói Niết bàn là không cũng trật, vì ý niệm có-không không áp dụng được cho Niết bàn. Khi nói “tôi không biết chắc là có Niết bàn nên tôi không tu” thì rất buồn cười. Đem ý niệm có hay không đi tìm Niết bàn thì chúng ta không bao giờ tìm thấy được.

Trong kinh Pháp Hoa có ý niệm tích mônbản môn. Đứng về phương diện tích môn, tức là phương diện sóng, ta thấy có sinh có diệt, có đợt sóng cao, có đợt sóng thấp, có còn có mất. Nhưng khi đi qua bình diện bản môn, tức là bình diện nước, thì những ý niệm như sinh diệt, có không, đợt sóng này, đợt sóng kia, cao hay thấp không còn nữa. Hãy tưởng tượng một đợt sóng đang sợ hãi, đau khổ, lo lắng, ganh tị, đợt sóng đó đang đi tìm một cõi an lành. Người ta nói với nó: “Cái mà em đang đi tìm đó là nước. Khi em biết em là nước rồi thì em sẽ không còn sợ lên xuống, lớn nhỏ, đẹp xấu nữa”. Đó là một ví dụ, là một ngón tay chỉ mặt trăng thôi!

Niết bàn giống như nước. Hữu thể và vô thể mà ta đang nói tới giống như những đợt sóng và nước. Sự thật, đợt sóng không cần phải đi tìm nước tại vì bản thân của nó đã là nước rồi. Chúng ta cũng vậy, Niết bàn là tự tánh của ta, bất sinh, bất diệt, vô khứ, vô lai. Ta đang nằm ngay trong Niết bàn. Niết bàn không phải là cái ta đi kiếm. Đặt vấn đề “Niết bàn có hay không có” và đặt vấn đề đi tìm để “đạt được, chứng được, đắc được Niết bàn” là sai lầm. Quan niệm đó rất ngây thơ, giống như đợt sóng đi tìm nước. Đợt sóng đã là nước rồi mà còn đi tìm nước làm gì nữa? Đó là vô đắc (no obtaintion). Trong kinh có nói, chứng cái vô chứng, đắc cái vô đắc là như vậy, là đạt tới cái không cần đạt, chứng cái không cần chứng, tại vì ta chính là cái đó rồi.

Ví dụ như chúng ta có một ống kính vạn hoa (kaleidoscope). Trong kính vạn hoa có mấy tấm kính và một mớ giấy màu. Lắc một cái, ta thấy có một hệ thống màu sắc hiện ra rất đẹp. Lắc một cái nữa thì hệ thống đó biến mất và một hệ thống khác biểu hiện ra rất đẹp. Một đứa con nít cứ say mê lắc, cái nào biểu hiện ra cũng đẹp. Đứa con nít không có sự tiếc nuối tại vì không có cái đẹp này thì có cái đẹp khác. Có sự phân biệt giữa hình này và hình khác nhưng các hình tướng ta thấy đó đều phát hiện ra từ những mảnh giấy trong đó. Các mảnh giấy là bản môn, các hình tướng biểu hiện ra là tích môn. Nếu biết tất cả là do từ bản môn mà biểu hiện thì sự sinh diệt, còn mất của tích môn không còn động được tới ta.

Một đám mây đi tìm nước. Làm nước thì khỏe còn làm đám mây mệt lắm! Đám mây bị thổi đến chỗ này chỗ kia, rồi mai mốt phải chết, vì vậy nó đi tìm nước. Nhưng nó đâu cần phải đi tìm tại vì nó là nước rồi. Tự tánh của đám mây là nước. Đám mây gặp khí lạnh thì thành tuyết, tuy không còn hình dáng của đám mây nhưng nó vẫn tiếp tục là nước. Khi đám mây thành mưa hay thành nước đá cũng vậy. Đó là những ví dụ liên tiếp đưa ra để chúng ta hiểu chứ không phải để chúng ta bị kẹt vào đó.

Khi Đức Thế Tôn dạy, Ngài dùng rất nhiều ví dụ. Ngài có nói: Những người thông minh nhờ ví dụ mà hiểu được, còn những người không thông minh thì bị kẹt vào ví dụ đó. Khi đám mây chứng nghiệm nó là nước rồi thì nó hết lo sợ. Nó thấy làm mây cũng vui mà làm mưa cũng vui, làm nước đá hay làm tuyết cũng vui, nhởn nhơ vậy thôi. Con người có những lo lắng, sợ hãi, kỳ thị, ghen tuông là do ta không ý thức được, không chứng nghiệm được ta là Niết bàn. Nếu tiếp xúc được với thực tại của ta, gọi là Niết bàn, tức là thực tại không sinh không diệt, không tới không đi, không thường không đoạn, thì tất cả những lo sợ, những sầu đau, những ganh tị của ta biến mất. Chuyện đó chúng ta có thể làm được. Bậc giác ngộ là bậc đã thức tỉnh và đã thấy được nền tảng của ta là Niết bàn, do đó lên cũng vui mà xuống cũng vui, ra cũng vui mà vào cũng vui. Một bậc đạt đạo được diễn tả như một con người tự do, tự do đối với những ý niệm như có-không, còn-mất, tới-đi.

Các học giả bây giờ dịch chữ Nirvana là Freedom. Ngày xưa người ta dịch Nirvana là sự dập tắt, dập tắt những ý niệm như đắc và thất, khứ và lai, đoạn và thường, sinh và diệt. Bây giờ chúng ta dịch Nirvana là tự do, tự do đối với những khái niệm. Khi nào những khái niệm đó không còn lung lạc được ta, không còn làm ta đau khổ nữa thì lúc đó ta có tự do tức là có Niết bàn. Không phải là sau khi thân này hoại diệt, tan rã, ta mới đạt được Niết bàn. Niết bàn có ngay bây giờ, gọi là Hiện pháp Niết bàn (Nirvana in the Here and in the Now), Dristadharmanirvana. Người Cơ đốc giáo, nếu theo lối này thì nói: Ta là Thượng đế, Thượng đế là ta. Thượng đế là nền tảng bất sinh bất diệt của ta. Ta không cần đi tìm Thượng đế. Thượng đế là thực tại tối hậu của ta.

Chỉ có những đợt sóng nào biết mình là nước mới chơi đùa nhỏn nhơ được, và khi nào tấp vào bờ thì nó mỉm cười thôi. Chỉ có những con người nào đạt tới Niết bàn thì khi thở hơi cuối cùng mới biết mỉm cười, còn những kẻ khác trong hoàn cảnh này sẽ bị sự lo lắng và sợ hãi xâm chiếm. Cái đẹp, cái hay, cái mầu nhiệm nhất của người tu là chứng nhập cho được Niết bàn. Niết bàn không phải là cái gì ở xa mà ta phải chạy theo. Niết bàn chính là tự thân của ta, nó nằm trong từng tế bào cơ thể ta. Nền tảng của tất cả là Niết bàn. Ví dụ có một người đi tìm không gian, chạy sang phương Đông, chạy về phương Tây, chạy ra phuơng Nam, chạy về phương Bắc, leo lên phương Thượng, tuột xuống phương Hạ để tìm không gian mà không biết là mình đang ở trong không gian và chỗ nào cũng là không gian. Chúng ta cũng vậy, ta là người đang đi tìm Niết bàn, tìm trong quá khứ, tìm trong tương lai, tìm ở phương Đông, tìm ở phương Tây. Thật ra ta đang ở trong Niết bàn. Đó gọi là Hiện pháp Niết bàn, chỉ có tỉnh ra mới thấy được thôi. Vì vậy cho nên đạo Bụt gọi là đạo Tỉnh thức, tỉnh ra là thấy được Niết bàn không cần đi tìm kiếm, quán chiếu sự sống cho thật sâu sắc thì tự nhiên tiếp xúc được. Ngay một nhà khoa học, chưa bao giờ nghiên cứu Phật học, chưa bao giờ tu mà cũng nói được câu: Rien ne se crée, rien ne se perd! (Không có gì sinh, không có gì diệt!), đó là nhà khoa học Pháp, Lavoisier. Bản chất của sự vật là không sinh cũng không diệt. Nếu những người như vậy mà đi sâu vào hơn nữa, chắc chắn là họ sẽ đạt được tự do lớn. Tự do lớn đó là Niết bàn.

 

Bài kệ 4

Niết bàn bất danh hữu 涅槃不名有
Hữu tắc lão tử tướng 有則老死相
Chung vô hữu hữu pháp 終無有有法
Ly ư lão tử tướng. 離於老死相

Niết bàn không phải có
Có là tướng già chết.
Tuyệt không có pháp có
Lìa xa tướng già chết.

Niết bàn bất danh hữu

Nirvana không thể gọi là có. Không thể gọi Niết bàn là một cái gì có (existing). (You can not call Nirvana as something existing).

Hữu tắc lão tử tướng

Nếu Niết bàn là có thì cố nhiên nó phải có tính chất của già (lão) và chết (tử). Bất cứ cái gì có đều phải đi ngang qua giai đoạn tàn hoại và tiêu diệt

Chung vô hữu hữu pháp

Ly ư lão tử tướng

Chung là rốt cuộc. Rốt cuộc, không có pháp nào được gọi là có (hữu pháp) mà có thể xa lìa tướng lão và tử.

Chúng ta gọi bông hoa này là có, vì vậy nó sẽ tàn lụi và nó sẽ chết. Cái gì mà có là phải đi ngang qua tướng già và tướng chết. Nếu Niết bàn là một cái gì có thì nó cũng phải đi ngang qua tướng già và chết, vậy thì Niết bàn đâu phải là mục đích tìm cầu của ta? Ban đầu chúng ta nói: Tu là phải đạt được Niết bàn. Nếu Niết bàn không có thì tu để làm gì? Cũng như nếu không có Chúa, nếu không có Thiên đường thì theo đạo Cơ đốc uổng quá đi!

Nhưng trong giáo lý đạo Phật, Niết bàn không thể được gọi là có. Nếu Niết bàn là có thì Niết bàn phải đi ngang qua cửa của sự tàn hoại và tiêu diệt, mà nếu tàn hoại và tiêu diệt thì không thể gọi là Niết bàn. Rốt cuộc không có một vật nào được gọi là có mà có thể tách rời được tướng già và tướng chết.

 

Bài kệ 5

Nhược Niết bàn thị hữu 若涅槃是有
Niết bàn tức hữu vi 涅槃即有為
Chung vô hữu nhất pháp 終無有一法
Nhi thị vô vi giả. 而是無為者

Nếu Niết bàn là có,
Niết bàn là hữu vi.
Tuyệt không còn pháp nào
Được gọi vô vi cả.


Nhược Niết bàn thị hữu
Niết bàn tức hữu vi

Nếu Niết bàn được gọi là có, nó là một pháp hữu vi. Nhưng theo nguyên tắc, Niết bàn là một pháp vô vi. Hữu vi là samskrta. Tất cả những gì do các yếu tố khác tập hợp lại làm thành ra được gọi là pháp hữu vi (conditioned dharmas, choses conditionnées). Rừng cây, mưa, người thợ mộc, đinh v.v.. kết hợp lại làm biểu hiện ra cái bàn, nên cái bàn là một pháp hữu vi. Niết bàn không phải là một pháp hữu vi tại vì bất cứ pháp hữu vi nào cũng đi ngang qua sự tàn hoại và tiêu diệt. Nếu đi tìm Niết bàn như một pháp hữu vi thì không đáng để đi tìm, tìm một cái cũng già, cũng chết thì tìm làm gì? Nếu Niết bàn đã là một pháp hữu vi rồi thì:

Chung vô nhất pháp
Nhi thị vô vi giả

Vậy thì còn pháp nào được gọi là vô vi nữa? Niết bàn là hữu vi rồi thì cái gì trên đời được gọi là vô vi nữa? Vô vi là asamskrta (unconditioned dharmas). Người ta chia các pháp ra làm hai loại: những pháp do điều kiện tạo thành (hữu vi) và những pháp không do điều kiệu tạo thành (vô vi). Niết bàn thường được diễn tả trong kinh điển như là một pháp vô vi.

 

Bài kệ 6

Nhược Niết bàn thị hữu 若涅槃是有
Vân hà danh vô thọ 云何名無受
Vô hữu bất tùng thọ 無有不從受
Nhi danh vi hữu pháp. 而名為有法

Nếu Niết bàn là có
Sao gọi là vô thọ?
Không gì không từ thọ
Mà được gọi pháp có.

 

Nhược Niết bàn thị hữu
Vân hà danh vô thọ

Nếu Niết bàn được diễn tả như một cái gì có thì làm sao gọi đó là vô thọ? Trong kinh có nói: Hữu thọ là sinh tử, vô thọ là Niết bàn. Chữ thọ được dịch từ chữ upādāna. Upādāna có nghĩa là ta với tới được, ta nắm lấy được, ta chấp thọ được (s’acquérir, appropriating, dependant, cause). Tất cả cái gì mà ta có thể nắm được, có thể nắm bắt được, có thể nương tựa vào được để mà thành, gọi là hữu thọ. Đó là những pháp hữu vi, mà hữu vi thì thuộc về phạm vi sinh tử. Công ăn việc làm của ta như ta làm cho nhà băng, ta làm ruộng hay làm thợ mộc, tất cả đều là hữu thọ (hữu vi). Nó có đó, rồi mai mốt nó không có nữa. Ta bị mất việc làm như chơi. Ta phải nương vào nó, phải nắm bắt nó. Đó là những cái phải nương vào nhau để phát hiện. Nếu Niết bàn mà còn nương cậy trên những cái khác thì nó đâu phải là Niết bàn! Nếu gọi Niết bàn là có (hữu thọ) thì tại sao Niết bàn có thể còn là vô thọ? Vô thọ (independant) là cái không tùy thuộc, không vướng mắc, không nương cậy trên những cái khác.

Vô hữu bất tùng thọ
Nhi danh vi hữu pháp

Vô hữu tức là không có. Vô hữu bất tùng thọ nghĩa là, không có một cái gì không từ thọ mà có thể được gọi là một cái đang có. Hữu pháp là một cái gì có. Tất cả cái gì có đều phải có tính cách thọ, tức là có tính cách nương tựa, nhờ cậy, tùy thuộc. Không có một pháp có nào mà không tùy thuộc vào những pháp có khác. Thọ là tùy thuộc (dependant), vô thọ là không tùy thuộc (independant).

Niết bàn không phải hữu thọ, nó không tùy thuộc vào cái có-không, lên-xuống, còn-mất của những cái khác. Đó gọi là vô thọ.

Chữ hữu thọvô thọ phải được hiểu theo văn mạch của kinh điển: Hữu thọ là sinh tử, vô thọ là Niết bàn.

 

 

Bài kệ 7

Hữu thượng phi Niết bàn 有尚非涅槃
Hà huống ư vô da? 何況於無耶
Niết bàn vô hữu hữu 涅槃無有有
Hà xứ đương hữu vô? 何處當有無

Có còn chẳng Niết bàn,
Không Niết bàn sao được?
Niết bàn không là có,
Tại sao lại là không?

 

Có những người đặt điều kiện, phải biết chắc Niết bàn là có, rồi mới tu. Nếu Niết bàn không thật có thì tu rất tốn công. Đó là lề lối suy nghĩ thường tình của con người. Thầy Long Thọ nói: Bất cứ cái gì mà ta gọi là có đều phải biến dị và tàn hoại. Nếu Niết bàn mà có thì nó cũng biến dị và tàn hoại. Như thế thì Niết bàn có phải là cái mà ta muốn đi tìm không? Niết bàn không phải là cái có. Thấy được như vậy thì người ta hy vọng Niết bàn không phải là cái có. Người ta nhảy từ thái cực có sang thái cực không. Vậy Niết bàn là cái không sao? Nirvana is a non-existence? Câu trả lời là:

Hữu thượng phi Niết bàn
Hà huống ư vô da

còn không phải là Niết bàn, hà huống gì là không có!

Niết bàn vô hữu hữu
Hà xứ đương hữu vô

Niết bàn đã không phải là có thì tại sao nó lại là không? Cái không là đối với cái có. Ta sẽ thấy sự chứng minh của thầy Long Thọ trong bài kệ tiếp theo.

 

Bài kệ 8

Nhược vô thị Niết bàn 若無是涅槃
Vân hà danh bất thọ? 云何名不受
Vị tằng hữu bất thọ 未曾有不受
Nhi danh vi vô pháp. 而名為無法

Nếu Niết bàn là không
Sao gọi là vô thọ?
Chưa từng có vô thọ
Mà được gọi pháp không.


Nhược vô thị Niết bàn
Vân hà danh bất thọ

Nếu cái không là Niết bàn thì tại sao Niết bàn được gọi là vô thọ? Vô thọ có nghĩa là không tùy thuộc vào những điều kiện khác để có, không, lên, xuống. Tất cả những pháp có và những pháp không đều là hữu thọ. (If Nirvana is non-existent, how could it be called independant? Because everything, existent or non-existent, depends on other things).

Hôm qua ngồi thiền, nhìn khúc củi, tôi thấy nó nhìn tôi cười. Tôi cười lại và quán chiếu nó. Mọi người đều nghĩ khúc củi này là có (existent). Có thể ngày mai sư chú sẽ bỏ nó vào lò và độ chừng ba giờ sau thì nó sẽ trở thành không (non-existent). Cái có của khúc củi đã tùy thuộc vào mặt trời, đám mây, đại địa, thời tiết, sư chú, v.v... Cái có là một cái tùy thuộc, gọi là hữu thọ (dependant). Khi khúc củi được bỏ vào lò đốt đi và trở thành không có thì cái không của nó cũng tùy thuộc vào lửa, dưỡng khí, sư chú, v.v… Cái có tùy thuộc mà cái không cũng tùy thuộc (hữu thọ).

Niết bàn là có thì Niết bàn cũng tùy thuộc, mà Niết bàn là không thì Niết bàn cũng tùy thuộc. Khi nào còn tùy thuộc thì chưa phải là Niết bàn. Niết bàn phải là cái không tùy thuộc (independant).

Vị tằng hữu bất thọ
Nhi danh vi vô pháp

Chưa từng có pháp nào có tính bất thọ mà được gọi là pháp vô; chưa từng có pháp vô nào mà có tính vô thọ (tính độc lập). Câu này nhắc ta một câu đã học trong bài kệ thứ sáu: Vô hữu bất tùng thọ, nhi danh vi hữu pháp. Không pháp gì không từ thọ mà được gọi là pháp có. Nghĩa là bất cứ pháp nào được gọi là đều phải từ thọ mà ra. It’s nothing that can be described as existent, that does not depend on other things. Pháp không cũng vậy. Không có gì được gọi là không mà không từ thọ mà ra. Bây giờ khúc củi là một pháp có, nó tùy thuộc vào đám mây, mặt trời, rừng cây v.v... Mai mốt khúc củi thành pháp không, thì nó cũng tùy thuộc vào lửa, dưỡng khí hay sư chú, v.v...

Nhược vô thị Niết bàn
Vân hà danh bất thọ

Nghĩa là: Nếu Niết bàn là không thì tại sao Niết bàn còn được gọi là bất thọ (không tùy thuộc)? Tại vì không cũng tùy thuộc vào điều kiện. Chúng ta muốn được thì phải có điều kiện như ăn uống v.v... Chúng ta muốn được không thì cũng phải có điều kiện như đi tự tử để từ có trở thành không. Cái có của mình phải tùy thuộc mà cái không của mình cũng phải tùy thuộc. Vậy thì, nếu Niết bàn là không thì tại sao Niết bàn còn được gọi là không tùy thuộc?

Vị tằng hữu bất thọ
Nhi danh vi vô pháp

Không có pháp nào không tùy thuộc mà được gọi là pháp không. Bất cứ pháp không nào cũng phải tùy thuộc. Có hay không đều phải tùy thuộc, chỉ có Niết bàn là không tùy thuộc.

 

Bài kệ 9

Thọ chư nhân duyên cố 受諸因緣故
Luân chuyển sinh tử trung 輪轉生死中
Bất thọ chư nhân duyên 不受諸因緣
Thị danh vi Niết bàn. 是名為涅槃

Tùy thuộc nơi nhân duyên
Luân chuyển trong sinh tử.
Không tùy các nhân duyên
Đó gọi là Niết bàn.

 

Thọ chư nhân duyên cố

Cố, nghĩa là vì lý do. Vì lý do tùy thuộc vào các nhân duyên mà ở trong cõi sinh tử, trôi dạt tới lui. (Because we depend on conditions, that is why we come and go in the realm of birth and death (saṃsāra).

Bất thọ chư nhân duyên
Thị danh vi Niết bàn

Không tùy thuộc vào các nhân duyên, đó gọi là Niết bàn. (Not dependant on conditions, that is called Nirvana). Đây là định nghĩa của Niết bàn và sinh tử. Sinh tử là saṃsāra (wandering), tức là đi lang thang. Niết bàn là không đi lang thang, là đã về đã tới. Chúng ta đi lang thang tại vì chúng ta còn tùy thuộc vào những điều kiện. Không còn tùy thuộc vào những điều kiện thì lúc đó chúng ta an trú trong Niết bàn.

Trong chữ luân chuyển, luân là đi vòng, chuyển là thay đổi, chúng ta dịch là tới-đi (coming and going), nguyên văn trong tiếng Phạn là ājāvam-javim. Cụm từ ājāvam-javim có nghĩa là tới-lui, ra-vào trong sinh tử. Depending on conditions, that is why we come and go in the realm of saṃsāra. No longer depend on conditions, we are in the Nirvana.

Tự tính của sinh tử là tùy thuộc, là hữu thọ. Còn tự tính của Niết bàn là vô thọ. Hữu thọ là tùy thuộc vào các nhân duyên, vô thọ là không tùy thuộc vào các nhân duyên.

 

Bài kệ 10


Như Phật kinh trung thuyết 如佛經中說
Đoạn hữu đoạn phi hữu 斷有斷非有
Thị cố tri Niết bàn 是故知涅槃
Phi hữu diệc phi vô 非有亦非無

Như trong kinh Bụt nói
Đoạn có và đoạn không
Mà ta biết Niết bàn
Không có cũng không không


Như Phật kinh trung thuyết
Đoạn hữu đoạn phi hữu

Như Đức Thế Tôn đã nói trong kinh, chúng ta nên dứt bỏ không có. Đây là sự thực tập của chúng ta. Chúng ta thèm khát cái có (craving for being), tiếng Phạn là bhava-tanhā. Bhava là being, tanhā là craving. Ta thèm có, có cho lâu, có cho nhiều. Đôi khi, ta không bằng lòng với chất lượng cái có của ta, và ta đi tìm cái có khác. Ta muốn sinh lên nước Chúa hay đi về cõi Tịnh độ, tức là ta muốn rời bỏ cái có này để đi tìm một cái có khác. Cái có khác đó gọi là vibhava-tanhā. Cái hiện hữu này quá nặng nề trên vai mình, mình muốn đặt nó xuống để đi tìm cái không hiện hữu. Đó là tâm trạng của những người muốn tự tử. Bhava và vibhava là hai đối tượng của sự thèm khát. Bụt nói, cả hai thèm khát đó đều không nên. Bụt dạy ta làm thế nào để vượt thắng hai thèm khát đó. Bụt không dạy ta từ bỏ sự thèm khát “có” để đi tìm sự thèm khát “không”.

Đây không phải là lý thuyết mà là sự thực tập, đừng bám vào hữu (becoming) mà cũng đừng bám vào vô (non-becoming). Trong rất nhiều kinh, Bụt dạy: Đừng thèm khát có mà cũng đừng thèm khát không. Căn cứ vào lời dạy đó chúng ta biết rằng, Niết bàn là một trạng thái, một thực tại vượt thắng có và không, trong đó chúng ta rất an ổn, ta không bị hai thèm khát có và không đè nặng.

Theo Cơ đốc giáo, nước Chúa là một cái gì có. Nếu nước Chúa không có thì ta mong ước sinh lên làm gì nữa? Nhưng trong giáo lý đạo Bụt, Niết bàn không phải là cái có. Nhìn cho kỹ, chúng ta thấy bất cứ cái gì có đều phải tiêu diệt và trở thành không. Tìm nước Chúa hay tìm cõi Tịnh độ như một cái gì có thì đó vẫn là một thèm khát. Có và không, trong bất cứ hình thức nào, đều không phải là đối tượng tìm kiếm của người Phật tử.

Thị cố tri Niết bàn
Phi hữu diệc phi vô

Nhờ đó mà biết Niết bàn không phải có mà cũng không phải không có. Nói Niết bàn là sai lời Bụt dạy mà nói Niết bàn không cũng sai lời Bụt dạy.

Giới triết học đàm luận tới có và không như những thực thể của triết học. Trong nguyên văn tiếng Phạn của Trung Quán Luận, câu thứ hai dùng chữ hữu là bhāva-vibhāva, nhưng câu thứ tư thì dùng chữ hữu là bhāva-abhāva. Bhāva-vibhāva là đối tượng của kinh nghiệm, là những empirical events. Còn bhāva-abhāva có tính cách của triết học, của thực chất, là một giả định mang tính trừu tượng (a metaphysical assumption). Ý niệm về hữu-vô trong bhāva-abhāva vượt thoát lĩnh vực kinh nghiệm, nó đi vào phạm vi của triết học. Đó là ý niệm về siêu hình, nên gọi là metaphysical assumption. Hữu-vô dịch từ bhāva-vibhāva, là những cái thuộc về phạm vi kinh nghiệm của năm uẩn của mình trong đời sống hằng ngày (empirical events). Đến khi đi vào thực tại sâu sắc thì ta dùng chữ bhāva-abhāva. Đó là cái có và cái không đi vào phạm vi thực chất, là hai ý niệm siêu hình có tính cách triết học.

 

Bài kệ 11

Nhược vị ư hữu vô 若謂於有無
Hợp vi Niết bàn giả 合為涅槃者
Hữu vô tức giải thoát 有無即解脫
Thị sự tắc bất nhiên. 是事則不然

Nếu gộp cả có không
Mà thành ra Niết bàn
Có không là giải thoát
Điều này thật vô lý.

 

Nếu có và không hợp chung lại mà thành ra Niết bàn thì hóa ra hữu vô là giải thoát. Chuyện đó rất vô lý! Cái có riêng nó làm ta đau khổ, cái không riêng nó cũng làm ta đau khổ. Bây giờ góp có và không lại thì làm ta đau khổ thêm thôi, sao lại gọi là giải thoát?

Có bốn mệnh đề (tứ cú): có, không, vừa có vừa không, không có và không không có. Chúng ta đang học về mệnh đề thứ ba: vừa có vừa không. Nếu sự thật không nằm ở có thì nó nằm ở không, mà nếu sự thật không nằm ở không thì có lẽ nó nằm ở vừa không vừa có. Nhưng lấy cả có cả không hợp lại để làm thành Niết bàn thì hóa ra có-không tức là giải thoát. Đó là một điều vô lý!

 

Bài kệ 12

Nhược vị ư hữu vô 若謂於有無
Hợp vi Niết bàn giả 合為涅槃者
Niết bàn phi vô thọ 涅槃非無受
Thị nhị tùng thọ sinh. 是二從受生

Nếu gộp cả có không
Mà có được Niết bàn,
Niết bàn chẳng vô thọ
Cả hai do thọ sinh.

Lấy cả có và không mà hợp lại thành Niết bàn thì Niết bàn không còn tính chất vô thọ (phi vô thọ). Tại vì có là một cái tùy thuộc, cái không cũng là một cái tùy thuộc, hợp cả hai cái lại làm thành ra một cái tùy thuộc hơn. Trong khi đó, Niết bàn là một cái không tùy thuộc nhân duyên. Cái có và cái không đều do hữu thọ mà thành, còn Niết bàn là vô thọ. Lý luận cho rằng, Niết bàn là do cả có và cả không gom lại mà thành là không đứng vững. Ta vượt được mệnh đề thứ ba là “vừa có vừa không”.

 

Bài kệ 13

Hữu vô cộng hợp thành 有無共合成
Vân hà danh Niết bàn 云何名涅槃
Niết bàn danh vô vi 涅槃名無為
Hữu vô thị hữu vi. 有無是有為

Khi gộp có, không lại
Làm sao gọi Niết bàn?
Niết bàn là vô vi
Có, không là hữu vi.

Đem cái có và cái không góp chung lại gọi là Niết bàn, đó là một điều vô lý, (tại vì) Niết bàn là một pháp vô vi trong khi có và không là những pháp hữu vi.

Hữu vô cộng hợp thành
Vân hà danh Niết bàn

Vân hà có nghĩa là làm sao, danh là gọi. Cái có và cái không cộng lại làm sao gọi đó là Niết bàn, tại vì:

Niết bàn danh vô vi
Hữu vô thị hữu vi

Niết bàn là một pháp vô vi trong khi đó có và không là những pháp hữu vi.

 

Bài kệ 14

Hữu vô nhị sự cộng 有無二事共
Vân hà thị Niết bàn 云何是涅槃
Thị nhị bất đồng xứ 是二不同處
Như minh ám bất câu. 如明暗不俱

Hợp hai cái ấy lại
Làm sao có Niết bàn?
Hai cái không cộng trú
Như sáng tối không chung.

Hữu vô cộng nhị sự
Vân hà thị Niết bàn

Nhị sự là hai cái. Hai cái gộp chung lại làm thế nào gọi là Niết bàn được?

Thị nhị bất đồng xứ
Như minh ám bất câu

Cái có và cái không, như ánh sáng và bóng tối, không bao giờ ở chung được.

 

Bài kệ 15

Nhược phi hữu phi vô 若非有非無
Danh chi vi Niết bàn 名之為涅槃
Thử phi hữu phi vô 此非有非無
Dĩ hà nhi phân biệt? 以何而分別

Cái chẳng có chẳng không
Mà gọi là Niết bàn,
Chẳng có chẳng không ấy,
Làm sao mà phân biệt?

Cái không phải là Niết bàn, cái không không phải là Niết bàn, cái “vừa có vừa không” không phải là Niết bàn. Bây giờ chúng ta đi vào phạm trù thứ tư: Không có cũng không không (phi hữu phi vô).

Nhược phi hữu phi vô
Danh chi vi Niết bàn
Thử phi hữu phi vô
Dĩ hà nhi phân biệt

Nếu gọi cái “không có cũng không không” là Niết bàn thì lấy gì để phân biệt cái “không có không không” đó. Chúng ta không thể quan niệm được cái “không có không không”. Nó không phải là một ý niệm, nó chỉ là một danh từ thôi.

 

Bài kệ 16

Phân biệt phi hữu vô 分別非有無
Như thị danh Niết bàn 如是名涅槃
Nhược hữu vô thành giả 若有無成者
Phi hữu phi vô thành. 非有非無成

Phân biệt chẳng có không
Mà gọi là Niết bàn.
Nếu có không thành được
Chẳng có không mới thành.

Phân biệt phi hữu vô
Như thị danh Niết bàn

Đặt ra cái phi hữu vô mà gọi là Niết bàn thì không đúng, tại vì:

Nhược hữu vô thành giả
Phi hữu phi vô thành

nếu khái niệm về hữu vô thành lập được thì khái niệm về phi hữu phi vô mới có thể thành lập được; nếu khái niệm về hữu vô không thành lập thì khái niệm về phi hữu phi vô cũng không thành lập. Cũng như khi nói đến trái và phải, nếu trái không thành lập thì làm gì có phải? Nếu không có trên thì làm sao có dưới? Nếu không có cái thì làm sao có cái không có ? Lý luận này cũng giống lý luận trong những bài kệ trước. Sau khi xô ngã ý niệm thì ý niệm không không thể nào đứng vững được, tại vì không là đối lập với có, một cái rơi thì cái kia cũng rơi theo. Chúng ta đã xô ngã ý niệm: không là Niết bàn. Ý niệm không bị xô ngã thì ý niệm không có cũng không không cũng bị xô ngã, tại vì hai ý niệm đó đối chọi với nhau như ý niệm có với không, ý niệm trái với phải, ý niệm trên với dưới. Đó là biện chứng pháp (dialectic) của thầy Long Thọ. Phân biệt phi hữu phi vô mà gọi là Niết bàn là không đúng, tại vì quan niệm vừa có vừa không bất thành thì quan niệm không phải có không phải không cũng bất thành.

Nếu có không thành được
Chẳng có không mới thành

Quan niệm có không đã bị xô ngã rồi thì quan niệm không có cũng không không cũng bị xô ngã theo.

‘‘Sau khi Đức Như Lai diệt độ rồi thì Như Lai còn hay không còn, hay Như Lai vừa còn vừa không còn, hay Như Lai vừa không còn vừa không không còn?’’. Đó là đối tượng của kinh A Nậu La Độ. Có một hôm, thầy A Nậu La Độ đang đi ngoài đường, gặp một số du sĩ của một giáo phái khác chặn thầy lại hỏi: Thầy A Nậu La Độ, Đức Như Lai được tôn xưng là bậc giác ngộ hoàn toàn. Vậy Ngài nói thế nào về vấn đề sau khi chết? Ngài còn hay không còn, hay vừa còn vừa không còn, hay vừa không còn vừa không không còn? Thầy A Nậu La Độ trả lời: Thầy tôi không bao giờ nói đến thực tại qua bốn mệnh đề: có, không, vừa có vừa không, hay không có cũng không không. Thầy trả lời cũng đúng, nhưng bên kia chưa được thỏa mãn. Thầy A Nậu La Độ về hỏi Đức Thế Tôn và Đức Thế Tôn đã dạy thầy A Nậu La Độ qua kinh A Nậu La Độ.

Chúng ta đã đọc kinh A Nậu La Độ trong Nhật Tụng Thiền Môn 2000. Hai bài kệ 17 và 18 phản chiếu tinh túy của kinh A Nậu La Độ, một kinh Nguyên thỉ mà không phải là kinh Đại thừa.

 

Bài kệ 17

Như Lai diệt độ hậu 如來滅度後
Bất ngôn hữu dữ vô 不言有與無
Diệc bất ngôn hữu vô 亦不言有無
Phi hữu cập phi vô. 非有及非無

Như Lai diệt độ rồi
Không nói có và không
Không vừa có vừa không
Không không có không không.

 

Như Lai diệt độ hậu: Hậu là sau, diệt độ là qua đời, Như Lai là Bụt. Sau khi Như Lai qua đời.

Bất ngôn hữu dữ vô: Không thể nói được Ngài là có hay Ngài là không.

Diệc bất ngôn hữu vô: Cũng không thể nói Ngài vừa có vừa không.

Phi hữu cập phi vô: Không thể nói Ngài không có cũng không không.

Chúng ta không thể ‘‘nhét’’ Như Lai vào một trong bốn cái hộp: có, không, vừa có vừa không và không có cũng không không.

Nhiều người trong chúng ta tin rằng, ta có một linh hồn bất tử, rất nhiều Phật tử tin như vậy. Sau khi thân xác này tan hoại thì linh hồn vẫn còn y như lúc ta còn sống, và nó đi tìm một thân xác khác để nhập vô. Đó là ý niệm về luân hồi của một số Phật tử. Ý niệm đó trái chống với giáo lý của Đức Thế Tôn, có thể gọi đó là đạo Bụt ngoài da (popular Buddhism). So với giáo nghĩa thâm sâu của đạo Bụt, đó là một tà kiến. Nhưng với những người có căn cơ thấp kém, không đi xa được, thì phải bắt đầu từ chỗ đó mà đi tới từ từ. Trong Cơ đốc giáo và trong nhiều tôn giáo khác, người ta cũng tin có một linh hồn bất tử, tức là sau khi thân xác tan hoại, linh hồn đó hoặc đi lên thiên đường hoặc đi xuống địa ngục. Trong đời sống bận rộn hàng ngày, có những giây phút ta tự hỏi, không biết ta sẽ đi về đâu? Nhưng những giây phút đó rất ngắn ngủi tại vì công việc và lo lắng quá nhiều.

Trong khi đó, có một số người chủ trương Duy Vật Luận. Có rất đông các nhà khoa học tin ngược lại; họ tin có một linh hồn nhưng nó không bất tử, bởi vì khi thân xác tan hoại thì linh hồn hoàn toàn không còn nữa. Nhưng các nhà khoa học có tuệ giác thâm sâu thì không thấy như vậy. Niềm tin vào đoạn diệt (annihilation) cũng phản khoa học. Lavoisier, một nhà khoa học Pháp, mấy trăm năm trước đã nói: “Rien ne se crée, rien ne se perd”. Nhà khoa học đó nói rất gần với đạo Bụt. Không có gì sinh ra và cũng không có gì mất đi! Nói rằng, có một cái và cái đó sẽ tan biến hoàn toàn không còn gì nữa, là một nhận thức trái với khoa học. Đó là quan điểm đoạn diệt. Trong chúng ta cũng có người nghĩ, sau khi thân xác tan hoại rồi thì ta không còn gì nữa. Thi sĩ Vũ Hoàng Chương có viết trong Bài Ca Siêu Thoát: Đâu có lẽ có chiều qua mà không sáng nay? (It’s absurd that exists last night but it becomes non-existing this morning!). Đó là một câu hỏi!

Chúng ta là học trò của Bụt, là một người tu học theo tuệ giác của Bụt thì phải nhìn với con mắt nào? Câu chuyện các du sĩ ngoại đạo hỏi thầy A Nậu La Độ được ghi chép trong nhiều kinh. Những câu hỏi như vậy được đặt ra rất nhiều. Mỗi lần câu hỏi được đặt ra là Bụt im lặng không trả lời. Tại vì trả lời “có” không được mà trả lời “không” cũng không được, không thể xác nhận được cú thứ nhất là đúng hay sai và như vậy cũng không thể xác nhận được cú thứ hai.

 

Bài kệ 18

Như Lai hiện tại thời 如來現在時
Bất ngôn hữu dữ vô 不言有與無
Diệc bất ngôn hữu vô 亦不言有無
Phi hữu cập phi vô. 非有及非無

Như Lai giờ phút nầy
Không nói có và không
Không vừa có vừa không
Không không có không không.

Trong thời gian Như Lai đang có mặt, đang còn sống cũng không diễn tả được Như Lai bằng bốn mệnh đề: có, không, vừa có vừa không, không có cũng không không. Kinh A Nậu La Độ rất hay! Trong câu hỏi, người ta chỉ chú ý tới sau khi Như Lai tịch diệt thì Ngài có hay không có, hay vừa có vừa không có, hay không có cũng không không có. Đức Thế Tôn trả lời:

- Đừng nói tới chuyện sau này tôi diệt! Hãy nói chuyện bây giờ! Bây giờ đây, tôi có hay không có, hay vừa có vừa không có, hay không có cũng không không có?

Giáo lý đạo Bụt luôn luôn đưa ta về giây phút hiện tại để quán sát sự vật ngay trong giây phút hiện tại. Nếu thấy được sự vật trong giây phút hiện tại thì ta sẽ thấy được sự vật trong tương lai và trong quá khứ.

- Tôi đang ngồi trước mặt thầy. Thầy nói tôi có hay không có, hay vừa có vừa không có, hay không có cũng không không có?

Cuối cùng, thầy A Nậu La Độ thấy mình không thể dùng bốn mệnh đề đó để diễn tả Đức Như Lai ngay trong giờ phút mình đang ngồi trước mặt Ngài. Đức Như Lai nói:

- Tôi đang ngồi trước mặt thầy đây mà thầy tìm tôi với bốn mệnh đề đó còn không được thì sau khi tôi tịch rồi làm sao mà thầy tìm tôi với bốn mệnh đề kia?

Quý vị xách bốn cái thùng để đi lấy nước hay đi hái quít. Quý vị sẽ đổ nước vào bốn thùng rồi gánh về hay hái quít đầy bốn thùng rồi gánh về. Đi gánh nước về thì có nước, đi hái quít về thì có quít. Đem bốn thùng đi và đem về thành công gọi là đắc (prapta), tức là nắm bắt được (conceive), lý giải được. Đắc là grasp. Nhưng ta có thể nắm bắt được Như Lai không? Dùng bốn phạm trù không bao giờ nắm bắt được thực tại, trong đó có Như Lai, cũng như muốn nắm gió trong bàn tay. Thực tại không thể nắm bắt được gọi là bất khả đắc. Trong Tâm Kinh nói: Không có sở đắc, không có đối tượng để nắm bắt bằng bốn ý niệm. Như Lai còn sống ta cũng không nắm bắt được bằng bốn mệnh đề. Phải bỏ bốn mệnh đề đó thì ta mới có cơ hội tiếp xúc được với thực tại gọi là Như Lai.

Như Lai hiện tại thời: Trong lúc Như Lai còn có mặt đây.

Bất ngôn hữu dữ vô: Không thể nói Như Lai có hay không có.

Diệc bất ngôn hữu vô: Cũng không thể nói là vừa có vừa không có.

Phi hữu cập phi vô: Cũng không thể nói là chẳng có cũng chẳng không.

Cái gì thật sự có thì nó không thể trở thành không, cái gì thật sự không thì nó không thể trở thành có được. Những cái biểu hiện trước mặt ta không có tự tánh, thì ta không thể nói nó có hay nó không có. Hai phạm trù có và không không chứa được thực tại. “To be or not to be, that is the question!”. Nói phải chọn một trong hai là sai! Trong ánh sáng của đạo Bụt: “To be or not to be, that is not the question!”. Niết bàn cũng giống như Như Lai, cũng giống như cái bàn, nói nó không đúng, nói nó không không đúng, nói nó vừa có vừa không không đúng, mà nói nó chẳng có chẳng không cũng không đúng.

 

Bài kệ 19

Niết bàn dữ thế gian 涅槃與世間
Vô hữu thiểu phân biệt 無有少分別
Thế gian dữ Niết bàn 世間與涅槃
Diệc vô thiểu phân biệt. 亦無少分別

Niết bàn và thế gian
Không mảy may phân biệt.
Thế gian và Niết bàn
Không mảy may phân biệt.

Một thực tại có sinh, có diệt, có có, có không, chúng ta gọi đó là thế gian, là luân hồi. Nói tới Niết bàn, chúng ta nghĩ tới một cái khác hẳn, cái đó không sinh, không diệt, không tới, không đi, không luân hồi. Người tu đạo thường nghĩ, mình phải rời bỏ thế gian để đi tìm Niết bàn. Nhưng bài kệ thứ 19 là một tiếng sấm sét rất lớn. Nó cho ta thấy Niết bàn và thế gian vốn không mảy may sai biệt. (There is no distinction, whatsoever, between Nirvana and Samsara).

Chúng ta hay dùng ví dụ nước và sóng. Nước được ví dụ cho Niết bàn. Sóng được ví dụ cho thế gian: có lên, có xuống, có cao, có thấp, có còn, có mất, có lớn, có nhỏ, có đẹp, có xấu. Nước thì không như vậy. Nhưng nếu lấy nước đi thì không còn sóng, mà lấy sóng đi cũng không còn nước. Sóng với nước là một, không thể tách rời nhau. Tại vì u mê nên ta thấy đó là thế gian. Nếu không u mê thì ta thấy đó là Niết bàn. Niết bàn và thế gian không phải là hai thực thể tách biệt. Thái độ bỏ một cái để đi tìm một cái là dại dột. Chỉ trong truyền thống đạo Bụt tuệ giác này mới được trình bày một cách rõ rệt, trực tiếp và hùng tráng như vậy mà thôi. Quan niệm lưỡng nguyên của chúng ta về thế gian và Niết bàn phải được lấy đi thì ta mới có cơ hội tiếp xúc với Niết bàn.

Câu “Niết bàn và thế gian không mảy may phân biệt” đã đủ nghĩa rồi nhưng thầy Long Thọ còn lặp lại câu “Thế gian và Niết bàn không mảy may phân biệt”. Hai câu đó giống nhau. Trong kinh Bụt hay nhấn mạnh như vậy: Sắc tức thị không, không tức thị sắc.

Niết bàn dữ thế gian

Vô hữu thiểu phân biệt

Thế gian dữ Niết bàn

Diệc vô thiểu phân biệt.

Giữa Niết bàn và thế gian không có một chút xíu nào phân biệt.

 

Bài kệ 20

Niết bàn chi thật tế 涅槃之實際
Cập dữ thế gian tế 及與世間際
Như thị nhị tế giả 如是二際者
Vô hào ly sai biệt. 無毫釐差別

Thật chất của Niết bàn,
Thật chất của thế gian,
Thật chất hai thứ ấy
Không mảy may sai khác.

Thật chất của Niết bàn và thật chất của thế gian không mảy may sai khác. Thật chất (true nature) được dịch từ chữ bhūta-koti có nghĩa là ranh giới của sự thật. Thật chất là bản thân của thực tại, là chân như (suchness). Khi nhìn khơi khơi bên ngoài chúng ta chỉ thấy hình tướng mà chưa thấy được thật chất. Nhìn với niệm, định, tuệ thì ta khám phá ra bản chất gọi là thật tế. Tế là biên giới (limit). Trong bài kệ của thiền sư Liễu Quán trong điệp hộ giới có câu:

Thật tế đại đạo tánh hải thanh trừng

dịch là: Đường lớn thật tại, biển thể tính trong. Là con cháu của Tổ Liễu Quán, chúng ta phải hiểu câu đó: Con đường lớn của thật tại là biển thể tính trong ngần. Thật tế là bản chất, là chân như, là biên giới của sự thật mà ta có thể tiếp xúc tới.

Thật chất của Niết bàn là vô sinh bất diệt, không tới không đi, không có, không không, không vừa có vừa không, không chẳng có chẳng không. Không phải chỉ bản chất của Niết bàn là như vậy mà bản chất của Như Lai và của tất cả các pháp đều như vậy. Bản chất của cái bàn, của sư chú, của sư cô cũng vậy. Bản chất của tất cả các pháp là không có, không không, không vừa có vừa không, không không có cũng không không.

Tóm lại chẳng những chúng ta không nắm được Như Lai mà tất cả các pháp như cái bàn, đám mây, hòn sỏi hay sư chú, ta cũng không nắm được bằng bốn mệnh đề đó nên gọi là chư pháp bất khả đắc. Nhìn sâu vào một đám mây, một hòn cuội hay một bông hoa, ta thấy rõ bản chất của tất cả là Không: không có, không không, không sinh, không diệt. Lúc bắt đầu ta tưởng như vậy, ta thấy có sự phân biệt giữa Niết bàn và sinh tử. Nhưng nhìn thật sâu vào sinh tử, ta chạm tới Niết bàn. Ngoài sinh tử thì không thể tìm được Niết bàn cũng như ngoài sóng thì không tìm được nước. Giáo lý của đạo Bụt là: Niết bàn sinh tử thị không hoa. Niết bàn và sinh tử là một. Khi ngu dốt thì ta phân biệt sinh tử và Niết bàn, khi giác ngộ thì ta thấy sinh tử và Niết bàn không mảy may sai biệt.

Niết bàn chi thật tế
Cập dữ thế gian tế
Như thị nhị tế giả
Vô hào ly sai biệt

Thật tế của Niết bàn và thật tế của thế gian, hai thực tại đó không khác nhau một tơ tóc nào. Hào ly là mảy may. Vô hào ly sai biệt, tức là không khác nhau chút xíu nào, hai cái là đồng nhất.

 

Bài kệ 21

Diệt hậu hữu vô đẳng 滅後有無等
Hữu biên đẳng thường đẳng 有邊等常等
Chư kiến y Niết bàn 諸見依涅槃
Vị lai quá khứ thế. 未來過去世

Diệt rồi có hay không?
Hữu biên thường vân vân.
Kiến khởi từ Niết bàn
Từ quá khứ vị lai.

Trong bài kệ thứ 20, chúng ta thấy rằng thật chất của Niết bàn và thật chất của sinh tử luân hồi hoàn toàn không sai khác nhau. Ý niệm chạy trốn sinh tử để đi tìm Niết bàn là một ý niệm sai lầm. Có một thiền sư Việt Nam khuyên đệ tử đừng vướng mắc vào trong cõi sinh tử mà hãy tìm tới cõi Niết bàn. Có một vị đệ tử đứng lên hỏi thiền sư, vậy thì phải tìm Niết bàn ở đâu thì thiền sư trả lời: Tìm ngay trong cõi sinh tử! Ngoài sinh tử ra thì không tìm được Niết bàn. Nó là sinh tử tại vì chúng ta có cái nhìn sai lạc. Khi nhìn với con mắt của trí tuệ, của giác ngộ thì sinh tử biến thành Niết bàn.

Bài kệ thứ 21 nói về các kiến, tức là về các chủ thuyết. Chúng ta đã đọc kinh A Nậu La Độ, chúng ta biết có bốn mệnh đề: có, không, vừa có vừa không, không có cũng không không. Các triết gia muốn chúng ta phải chọn một trong bốn mệnh đề đó. Bụt nói, bốn phạm trù của tư tưởng không chứa đựng được thực tại. Đi hái mận, chúng ta có thể đem theo bốn cái giỏ để đựng mận. Nhưng đi tìm thực tại mà đem theo bốn cái giỏ thì không thể chứa đựng được.

Ngày xưa Bụt có một đệ tử tên là Mālunkyāputta. Anh ta đặt rất nhiều câu hỏi có tính cách triết học:

Con muốn biết, Ngài dạy cho con, thế gian này thường hay không thường, hữu hạn hay vô hạn, hữu biên hay vô biên? Thế giới của vũ trụ có biên giới hay không có biên giới? Thời gian là vĩnh cửu hay có giới hạn? Nếu thầy không trả lời cho con những câu hỏi này thì chắc là con phải bỏ giáo đoàn mà đi tại vì đó là cái con muốn đi tìm.

Đức Thế Tôn nói:

Này thầy! Hồi thầy mới xuất gia, tôi có hứa với thầy là tôi sẽ trả lời cho thầy biết thế giới thực tại này hữu hạn hay vô hạn, thường hay vô thường, hữu biên hay vô biên không? Tôi chưa bao giờ hứa với thầy là khi thầy đi tu thì tôi sẽ trả lời những câu như vậy.

Và Bụt đưa ra một ví dụ rất nổi tiếng: Nếu có một người đi đâu đó và bị người ta bắn một mũi tên độc cắm vào thân. Chất độc đã bắt đầu thấm vào. Lúc đó người trong nhà gọi bác sĩ tới. Ông bác sĩ sắp sửa nhổ mũi tên ra thì người bị thương ngăn lại: Không được! Không được! Ông chưa nhổ ra được! Ông phải nói cho biết ai là người bắn tên này? Tên họ người đó là gì, thuộc về dòng giống nào? Lý do gì mà người đó bắn tôi? Tôi phải biết rõ rồi tôi mới cho ông nhổ tên ra. Đức Thế Tôn nói:

Mālunkyāputta, nếu cứ ngồi đó mà trả lời cho hết những câu hỏi kia thì người bị thương đã chết trước khi vết thương được chữa trị. Sở dĩ tôi không nói đến chủ đề triết học, siêu hình tại vì tôi không thấy chủ đề đó giúp ích gì được cho quý vị. Những gì tôi dạy là về khổ đau, bản chất của khổ đau, nguyên do đưa tới khổ đau và con đường vượt thoát khổ đau. Tôi là ông thầy thuốc, tôi không ngồi trả lời những câu hỏi về nhân chủng học, về xã hội học. Nếu tôi ngồi để trả lời những câu hỏi đó thì anh sẽ chết trước khi có cơ hội để chuyển hóa và tu tập.

Đi tu, trước hết là để chữa trị những vết thương của mình chứ không phải để đi tìm thỏa mãn những câu hỏi về siêu hình, triết học.

Diệt hậu hữu vô đẳng
Hữu biên đẳng thường đẳng

Diệt hậu là sau khi chết. Đẳng có nghĩa là vân vân. Sau khi nhập Niết bàn thì Như Lai có hay không có, những vấn đề như hữu biên hay vô biên, hay vừa hữu biên vừa vô biên, hay không hữu biên cũng không vô biên; còn hay không còn, hay vừa còn vừa không còn, hay vừa không còn vừa không không còn, là tám chủ thuyết triết học. Thêm vào bốn chủ thuyết nữa là thường hay đoạn, hay vừa thường vừa đoạn, hay không thường cũng không đoạn.

Chư kiến y Niết bàn
Vị lai quá khứ thế

Tất cả những chủ thuyết, những ý thức hệ đó đều nương vào ý niệm về Niết bàn và những kiến chấp kia cũng có liên hệ tới hai thời gian là quá khứ và vị lai. Những chủ thuyết này được đặt trong khung cảnh của không gian và thời gian.

Bài kệ này không phải là giáo lý của thầy Long Thọ. Thầy chỉ liệt kê những lý thuyết mà người đời đặt ra và tranh chấp với nhau. Có một vấn đề nữa được đưa ra là mạng và thân. Mạng là thọ mạng (mạng sống) và thân là hình hài. Mạng sống và hình hài là hai hay là một? Mạng sống có phải là hình hài không? Nếu hình hài chỉ có một khoảng thời gian thì mạng sống cũng chỉ có một khoảng thời gian như vậy không? Mạng và hình hài là một chủ thuyết khác ở Ấn Độ thời đó. Cộng vào tất cả thì có 14 chủ thuyết. Người ta làm ra 14 phạm trù của tư tưởng và bắt chúng ta phải chọn một trong những phạm trù, và thực tại phải được diễn tả bằng một trong 14 phạm trù đó. Trong khi đó, Bụt dạy là không thể nắm bắt thực tại bằng 14 phạm trù tư tưởng. Và đây là lời dạy của thầy Long Thọ:

 

Bài kệ 22

Nhất thiết pháp không cố 一切法空故
Hà hữu biên vô biên? 何有邊無邊
Diệc biên diệc vô biên 亦邊亦無邊
Phi hữu phi vô biên. 非有非無邊

Vì các pháp đều không
Sao có hữu vô biên?
Vừa hữu vừa vô biên
Vừa không hữu vô biên?

 

Nhất thiết pháp không cố
Hà hữu biên vô biên

Chúng ta biết tất cả các hiện tượng đều không thật có (không có tự tánh). Hữu biên hay vô biên đều là thuộc tính của các pháp, nhưng nếu các pháp đều là không thì tại sao lại đặt vấn đề hữu biên hay vô biên? Chừng nào một pháp thật sự có thì mới nói hữu biên hay vô biên, nó không thật sự có thì làm sao nói hữu hay vô?

Diệc biên diệc vô biên
Phi hữu phi vô biên

Tại sao lại phải nói vừa hữu biên vừa vô biên hay không phải hữu biên cũng không phải vô biên?

 

Bài kệ 23

Hà giả vi nhất dị 何者為一異
Hà hữu thường vô thường 何有常無常
Diệc thường diệc vô thường 亦常亦無常
Phi thường phi vô thường? 非常非無常

Làm sao có một khác
Có thường và vô thường
Vừa thường vừa vô thường
Không thường không vô thường?

 

Hà giả vi nhất dị

Nếu các pháp là không thì tại sao phải tìm hiểu nó là một hay là khác (the same and the difference) như mạng và căn, như thân (vật chất) và tâm (tinh thần). Đây là thuộc tính của vạn vật. Vạn vật là một hay là khác? Thân và tâm là một hay là khác? Chúng ta thấy có bốn chủ thuyết: là một hay là khác, hay vừa một vừa khác, hay không một cũng không khác.

Hà hữu thường vô thường
Diệc thường diệc vô thường
Phi thường phi vô thường

Nếu vạn vật là không thì tại sao ta gọi nó hoặc là thường hoặc là vô thường, hoặc vừa thường vừa vô thường, hoặc không thường cũng không vô thường. Câu trả lời của thầy Long Thọ rất rõ:

 

Bài kệ 24

Chư pháp bất khả đắc 諸法不可得
Diệt nhất thiết hí luận 滅一切戲論
Vô nhân diệc vô xứ 無人亦無處
Phật diệc vô sở thuyết. 佛亦無所說

Các pháp không nắm được
Diệt hết mọi hí luận
Không người cũng không xứ
Bụt cũng không nói gì.

 

Nếu không dùng được ý niệm về có, về không để diễn tả các pháp thì tại sao ta lại phí thì giờ để tìm hiểu các pháp là thường hay vô thường, là hữu biên hay vô biên, là một hay là khác? Trong khi đó ta không tập thở, không tập đi thiền hành, không biết nhận diện những cảm thọ, những nội kết để làm lắng dịu, để chuyển hóa. Giống như một người bị tên bắn mà không chịu nhổ tên, cứ hỏi về người bắn mình. Sau khi Đức Thế Tôn nói như vậy thì thầy Mālunkyāputta mới chịu ngưng những câu hỏi để bắt đầu tu học.

Chư pháp bất khả đắc

Tính chất của các pháp là không thể nắm bắt được. Ta nắm bắt Đức Thế Tôn không được tại vì Đức Thế Tôn là một pháp. Ta nắm bắt với cái gì? Ta không nắm bắt bằng hai bàn tay mà bằng tư tưởng, bằng ý niệm, bằng những phạm trù tư tưởng (mental categories) như có, không, vừa có vừa không, không có không không, thường, vô thường, vừa thường vừa vô thường, không thường không vô thường, hữu biên, vô biên, vừa hữu biên vừa vô biên, không hữu biên không vô biên. Đó là những phạm trù của tư tưởng. Chúng ta không thể nắm bắt được thực tại bằng những phạm trù đó. You can not grasp the reality with mental categories. Đó gọi là chư pháp bất khả đắc.

Diệt nhất thiết hí luận

Vì vậy chúng ta phải lấy đi tất cả mọi hí luận. Hí luận là những câu hỏi, những câu trả lời, những luận thuyết vô bổ. là chơi, luận là speculations; hí luận là useless speculations. Cuộc đời ngắn mà ta dùng để hí luận thì rất uổng! (Vain speculations leading us to nowhere).

Vô nhân diệc vô xứ

Chúng ta không thấy được bản ngã của con người cùng hoàn cảnh, thời gian của người đó. Khi nhìn người và xứ mà vượt thoát được ý niệm về người và xứ thì thấy được thực tại. Nếu chỉ khư khư cho đây là người này, đây là chỗ kia, không thấy được tánh tương tức của vạn vật, không thấy được bản chất Niết bàn của vạn vật mà cứ để cho những khái niệm của trí óc thống trị thì lúc đó ta vẫn còn u mê.

Phật diệc vô sở thuyết

Bụt không nói gì có nghĩa là Bụt im lặng trước những câu hỏi đó. Trong kinh có nhiều đoạn nói về sự im lặng của Bụt gọi là im lặng hùng tráng, im lặng sấm sét.

Có một du sĩ ngoại đạo rất thông minh tên là Vacchagotta tới hỏi Bụt:

- Bạch Đức Thế Tôn, có ngã không? Có thiệt là có ngã không?

Đức Thế Tôn cười không nói. Thầy A Nan ngạc nhiên là Đức Thế Tôn không trả lời, tại vì câu hỏi đó bất cứ một người đệ tử nào mới đi tu hai hay ba ngày cũng có thể trả lời được. Một hồi lâu thì du sĩ Vacchagotta hỏi:

- Vậy thì không có ngã phải không?

Đức Thế Tôn cũng ngồi cười. Sau một thời gian thì Vacchagotta bỏ đi. Thầy A Nan nói:

- Bạch Đức Thế Tôn! Tại sao Ngài không trả lời cho ông ấy? Ngài thường nói là vạn vật không có ngã mà?

Bấy giờ Bụt mới nói:

- Thầy A Nan, ông này đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi của trí năng ông ta. Ta có dại gì mà đi vào trong bẫy của ông ấy. Nếu nói có ngã thì ta nói ngược lại những điều ta dạy. Còn nói không có ngã thì không có lợi gì cho ông ấy vì ông sẽ lấy cái “không có ngã” làm thành một lý thuyết ngược lại với lý thuyết “có ngã”. Ta đã không nhận lý thuyết có ngã, ta dạy lý thuyết vô ngã nhưng không phải để người ta kẹt dính vào nó. Giáo lý vô ngã có mục đích, có sứ mạng đập tan ý niệm về hữu ngã. Nhưng nếu ta nói vô ngã để người ta nắm lấy và bị kẹt vào thì cũng không có ích lợi gì, cho nên ta đã im lặng.

Im lặng đó là im lặng sấm sét. Đứng trước hoàn cảnh của hí luận, trong môi trường của hí luận thì chúng ta cũng làm như Đức Thế Tôn. Chúng ta cũng ngồi yên không nói và chỉ mỉm cười thôi thì mới xứng đáng là học trò của Ngài. Bụt không nói gì mà con cũng không nói gì khi người ta đang đi vào vòng hí luận.

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
27 Tháng Mười Một 2015(Xem: 8277)
Pháp thân Phật là tánh Không không hình không tướng ở khắp như hư không. Báo thân là quang minh và Hóa thân là thân vật chất; hai thân này được gọi là Sắc thân. Sắc thân được ứng hiện từ Pháp thân và không lìa Pháp thân. Một trong những tính cách của sắc thân là an lạc:
20 Tháng Mười Một 2015(Xem: 6750)
Long Thọ (Nagarjuna, Klu-grub), cùng với Vô Trước (Asanga, Thogs-med), là hai đại hành giả tiên phong của truyền thống Đại thừa. Ngài Long Thọ đã trao truyền giáo huấn thậm thâm về tri kiến tánh Không của dòng truyền thừa từ Đức Văn Thù Sư Lợi, trong khi ngài Vô Trước thì trao truyền giáo huấn về pháp hành bồ tát sâu xa của dòng truyền thừa từ Đức Di Lặc.
17 Tháng Mười Một 2015(Xem: 5399)
Pháp thân Phật là tánh Không không hình không tướng ở khắp như hư không. Báo thân là quang minh và Hóa thân là thân vật chất; hai thân này được gọi là Sắc thân. Sắc thân được ứng hiện từ Pháp thân và không lìa Pháp thân. Một trong những tính cách của sắc thân là an lạc:
16 Tháng Bảy 2015(Xem: 4879)
Nói đến lòng sùng tín, sùng mộ và tin tưởng, có lẽ không phẩm nào của Kinh Đại Bát-nhã nói cụ thể và xúc động hơn phẩm Bồ-tát Thường Đề, kể về sự nhiệt thành khát khao cầu ngộ nhập tánh Không của một Bồ-tát. Sùng mộ, tin tưởng và nhiệt thành cầu thể nhập tánh Không đến độ thường hay khóc, do đó có tên Thường Đề.
10 Tháng Bảy 2015(Xem: 5796)
Mushin là một trong những nhà sư rạng rỡ hơn ai hết, trong tu viện. Sự an lạc và tính tình vui vẻ của ông, đã gây nguồn cảm hứng cho những ai tiếp xúc với ông.
01 Tháng Bảy 2015(Xem: 6339)
"Tánh Không" (còn gọi là tính-không) là một từ ngữ liên hệ đến sự giảng dạy chính yếu của mọi ngành Phật giáo, nhưng ý nghĩa thật sự của từ ngữ nầy thường bị hiểu lầm.
01 Tháng Bảy 2015(Xem: 5217)
Nếu một người chưa có dịp nghe, đọc (Văn), chưa tư duy (Tư) chưa thực hành (Tu) về tánh Không thì rất dễ xem tánh Không là một cái gì rất tiêu cực, vì tánh Không với người ấy là không có cái gì cả. Từ đó mà không tin nhân quả, định luật để con người dựa vào đó mà tiến bộ, tiến hóa.
24 Tháng Sáu 2015(Xem: 11788)
“Mặc dù trải qua 100 năm từ khi có sự bắt đầu những nghiên cứu khoa học về đạo Phật ở Châu Âu, tuy vậy, chúng ta vẫn còn đang mơ hồ về nền tảng giáo lý của tôn giáo nầy và tính triết học của nó. Chắc chắn không có một tôn giáo nào khác đã chứng tỏ một cách rất kiên định để làm sáng tỏ những trình bày có tính hệ thống của mình.”
12 Tháng Sáu 2015(Xem: 4759)
Như kinh Duy-ma-cật nói, “Từ gốc vô trụ (tánh Không), lập tất cả pháp”. Trung luận (phẩm Quán Tứ đế) nói, “Bởi vì có nghĩa Không. Tất cả pháp được thành. Nếu không có nghĩa Không. Tất cả đều chẳng thành”. Kinh Hoa Nghiêm, như các kinh điển Đại thừa, lấy tánh Không làm nền tảng. Tánh Không trong kinh này là Pháp thân của Phật bổn nguyên Tỳ-lô-giá-na, và toàn thể vũ trụ là hiện thân của Ngài. Pháp thân Tỳ-lô-giá-na chính là pháp thân của Phật Thích Ca.
25 Tháng Tư 2015(Xem: 11232)
Phản chiếu trên việc một đối tượng duyên sinh như thế nào – sinh khởi phụ thuộc trên nhân và duyên, phụ thuộc trên những bộ phận của nó, và phụ thuộc trên tư tưởng – hổ trợ vô cùng để vượt thắng cảm nhận rằng đối tượng tồn tại trong nó và của chính nó.