Lời Tựa của Karma Lodro Choepel

22 Tháng Bảy 201415:08(Xem: 5154)
Khenchen Thrangu Rinpoche
Đỗ Đình Đồng dịch
TÁNH KHÔNG
TRONG TRUYỀN THỐNG PHẬT GIÁO TÂY TẠNG
hay
SHENTONG & RANGTONG
Hai Cái Thấy về Tánh Không

Lời Tựa của Karma Lodro Choepel

Khi đến với triết học Phật giáo, đặc biệt là Rangtong và Shentong, nhiều người học có những phản ứng khá thích thú. Một vài người cảm thấy sợ rằng họ sẽ không thể hiểu được và như thế có thể ngay cả không muốn bắt đầu nghiên cứu và chiêm nghiệm. Một vài người có thể muốn biết làm sao điều đó có thể giúp họ tu tập và tốt hơn là chỉ ngồi và thiền định. Đối với những người khác, quan điểm này hay quan điểm kia khiến họ thích thú hay kích động, và họ bị phiền não. Vì bị dính mắc vào cái thấy do sở thích của mình, họ nghĩ rằng Rangtong phải là cái tối hậu và Shentong chỉ là giáo lý tạm thời và nhuốm màu chấp trước, hay Shentong dạy trung đạo chân chính và vĩ đại còn Rangtong chỉ là chân lý thiên lệch. Thường khi bạn không thể trách ai vì có phản ứng như vậy: nếu bạn đọc nhiều sách Phật giáo, bạn sẽ sớm bất chợt gặp phải những lời nói mà bề ngoài hỗ trợ hay ngay cả khuyến khích bất cứ phản ứng nào trong những phản ứng này.

Nhưng tất cả những cái đó đều bị giới hạn ở một mức độ nào đó. Dĩ nhiên tất cả chúng ta đều có những khuynh hướng và khả năng khác nhau, và nên tu tập pháp môn nào thích hợp nhất với bản tánh của chúng ta, nhưng chúng ta không nên bác bỏ bất cứ giáo lý nào trong những lời dạy khác của đức Phật vì sợ hãi, vô minh, hay chấp trước. Đức Phật đã dạy những cái thấy mà về sau được gọi là rangtongshentong vì lý do đơn giản mà chiêm nghiệm và hiểu được chúng có thể giúp chúng ta trong tu tập thiền định. Nếu chúng ta có những quan niệm sai lầm về bản tánh của thực tại, chúng ta sẽ không thể tiến bộ trong thiền định, vì thế điều quan trọng là chiêm nghiệm cả cái thấy của Rangtong lẫn cái thấy của Shentong. Và bất chấp danh tiếng đáng gờm của chúng, Rangtong và Shentong là điều mà chúng ta có thể chiêm nghiệm và hiểu được.

Trong những trang sau đây, Khenchen Thrangu Rinpoche miêu tả ý nghĩa và tầm quan trọng của cả hai cái thấy này bằng ngôn ngữ đơn giản và rõ ràng. Bất cứ khi nào Rinpoche thảo luận về Rangtong và Shentong, sư đều nhấn mạnh cả hai đều quan trọng như thế nào: cả hai đều dạy về bản tánh tối hậu của thực tại. Cái thấy của Rangtong nhấn mạnh tánh không của tất cả các hiện tượng, như thế chúng ta không bị dính mắc vào sự vật là kiên cố và có thật. Cái thấy của Shentong nhấn mạnh tánh giác trong sáng, vốn đầy đủ các phẩm tính và tiềm năng, như thế chúng ta không nghĩ rằng chân tánh chỉ là cái hư không. Dù trong lời nói hai cái thấy này nghe như những cái khác nhau, trong thực tại chúng không thể tách rời nhau. Bản tánh trong sáng của tâm không phải là một cái gì kiên cố mà chúng ta có thể tìm thấy hay minh xác được, nhưng nó không phải chỉ là một cái không tĩnh vật, không có cái gì cả. Đây là những gì chúng ta gọi là sự hợp nhất của tánh giác và tánh không, sự hợp nhất của tính trong sáng và tánh không. Bằng nghiên cứu tánh không và các cái thấy của Rangtong và Shentong, chúng ta có thể đến chỗ hiểu được lý do tại sao bản tánh của tâm là cách nó tồn tại và phát triển sự chắc chắn nơi nó.

Mặc dù đây chỉ là cái hiểu và sự chắc chắn có tính cách khái niệm, nó sẽ giúp chúng ta trong tu tập thiền định. Dù cho chúng ta đang thiền định về thần thủ hộ (yidam: bổn tôn) hay tu tập Đại Thủ ấn (Mahāmudrā) hay Đại Hoàn thiện (Dzogchen), chúng ta cần biết tại sao chúng ta thiền định và tại sao thiền định có thể làm được. Rồi khi có kinh nghiệm trong tu tập, chúng ta có thể nhớ lại, “Ồ, đây là những gì họ muốn nói khi họ nói tâm là tánh không. Đó là những gì họ muốn nói qua tính trong sáng hay tính quang minh.” Chúng ta sẽ có thể nhận ra các dấu hiệu tiến bộ tốt hơn đối với chúng là gì và có khả năng tốt hơn thấy thấu suốt bất cứ kinh nghiệm lừa gạt tạm thời nào có thể xảy ra. Đây là lý do tại sao đối với chúng ta, đọc và chiêm nghiệm những tập sách như tập sách này là quan trọng.

Trên hết, chúng ta phải luôn luôn nhớ vận may tốt đẹp của mình được sống làm người bây giờ vào thời mà Khenchen Thrangu Rinpoche và nhiều bậc thầy khác đang cống hiến chúng ta những giáo lý quí báu này và chúng được làm cho khả dụng trong những ngôn ngữ chúng ta có thể hiểu được. Rinpoche đã dùng nhiều thập niên du hành trên địa cầu này và giải thích cái thấy và cách thiền định vì ước mong đơn giản giúp tất cả chúng ta đạt được hạnh phúc bền vững và lâu dài. Chúng ta nợ Rinphoche ân huệ lớn vì lòng từ ái này. Nhưng để mang những giáo lý này đến cho chúng ta, nó cần nhiều hơn là những nỗ lực đơn độc của Rinpoche; nó cũng nhận lấy sự làm việc khó nhọc và cần mẫn của những học viên sùng mộ. Hơn ba chục năm qua, Clark Johnson đã dùng tất cả thời gian không phải làm việc của mình để làm việc trợ giúp các dự án của Rinpoche và các giáo lý của sư. Phần lớn đó là vì những nỗ lực không mệt mỏi của ông nên nhiều giáo lý của Rinpoche bây giờ khả dụng bằng tiếng Anh. Tập sách này chỉ có thể được xuất bản là nhờ sự khởi đầu và cần mẫn của ông, vì vậy tôi cảm ơn ông vì tất cả sự phục vụ của ông. Tôi cũng cảm ơn cô Carole Lamarche vì lòng sùng mộ và thiện chí đọc bản in thử và hiệu đính bản thảo. Đây là một sự trợ giúp rất cần thiết vậy.

Rinpoche nói rằng khi chúng tôi gọi một giáo lý là thâm sâu, những gì chúng tôi muốn nói là hữu ích. Tôi thành thật hy vọng rằng bạn tìm thấy những lời dạy trong tập sách này hữu ích không chỉ trong tu tập pháp của bạn mà còn cả trong cách thấy sự vật xảy ra như thế nào trong đời sống hằng ngày của bạn. Tôi nguyện rằng bất cứ một nỗ lực nào dù nhỏ bé khi đi vào trong tập sách này cũng giúp cho những lời dạy của Rinpoche đem lại hạnh phúc cho bạn bây giờ và trong tương lai. Mong niềm vui và điều tốt đầy khắp thế gian này.

Śramanera Karma Lodrö Choephel

Boudhanath, Nepal

Tháng 02, 2008

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn