4. Bốn Dấu Ấn

22 Tháng Bảy 201415:34(Xem: 5366)
Khenchen Thrangu Rinpoche
Đỗ Đình Đồng dịch
TÁNH KHÔNG
TRONG TRUYỀN THỐNG PHẬT GIÁO TÂY TẠNG
hay
SHENTONG & RANGTONG
Hai Cái Thấy về Tánh Không

 4 
Bốn Dấu Ấn

III Bốn Dấu Ấn

 

 Phần thứ ba của bản văn này nói về cái thấy, Jamgon Kongtrul miêu tả quá trình phát triển trí tuệ chứng ngộ vô ngã. Bốn dấu ấn là những cái sơ bộ. Chữ “ấn” được dùng theo cách mô phỏng sắc lệnh của vua, người đóng ấn một tài liệu chứng tỏ đó là lời của người cai trị. Bốn dấu ấn là những dấu hiệu chứng tỏ rằng đó là những lời dạy chính thống của đức Phật. Nếu thiếu bất cứ cái nào trong bốn dấu ấn này, thì chúng không phải là lời dạy của đức Phật. Bốn dấu ấn ấy là: (a) Bất cứ cái gì hợp tạo đều vô thường; (b) Mọi thứ bất tịnh đều là khổ; (c) Tất cả các pháp đều là không và không có ngã; và (d) Niết-bàn là bình an.

 

 A. Cái Gì Hợp Tạo Thì Vô Thường

 

Trước hết, nếu vật gì đó không hiện hữu, thì nó không hiện hữu, nhưng bất cứ vật gì thực sự hiện hữu là hợp tạo và không phải là một thực thể đơn độc, không thể phân chia. Đây là dấu ấn thứ nhất. Tất cả những vật được tạo thành bằng những thành phần khác nhau và những thành phần này tạo thành những vật hiện hữu. Do đó, tất cả những hiện tượng hiện hữu đều được kết hợp bằng những thành phần khác nhau và kết quả là vô thường. Chúng sinh chết, sự vật tàn tạ và phân tán. Ở mức vô thường thô hay hiển nhiên, mọi sự vật biến đổi qua thời gian, và điều này hiển nhiên và mọi người có thể hiểu được. Mức vô thường vi tế là mối quan tâm chính ở đây; nó là sự vô thường chóng vánh của mọi phút giây.

Khi nhìn vô thường chóng vánh ở mức thô, chúng ta có thể thấy rằng một người thay đổi từ thời kỳ thơ ấu đến thời kỳ trưởng thành. Người ta có thể nghĩ rằng có sự thay đổi liên tục xảy ra. Người ta có thể thắc mắc sự thay đổi này xảy ra khi nào và kết luận rằng mọi năm, mọi người đều khác nhau. Tuy nhiên, sự thay đổi không tự động xảy ra ở một điểm nào đó mỗi năm. Người ta có thể kết luận rằng mọi tháng, mọi người đều khác nhau, nhưng sự thay đổi cũng không tự động xảy ra ở một điểm nào đó mỗi tháng. Người ta có thể kết luận rằng mọi ngày hay mọi giờ, mọi người thay đổi. Chúng ta theo lý luận này xuống đến từng phút giây đơn độc trong đó sự thay đổi xảy ra, như vậy trong mọi phút giây có sự thay đổi. Đây là mức vi tế của vô thường. Những thay đổi xảy ra qua các năm thì dễ thấy, nhưng thực ra, thay đổi xảy ra mọi phút giây. Nguyệt Xứng (Chandrakīrti) nói rằng ngay cả viên kim cương trông kiên cố, to như viên đá cuội, cũng thay đổi mọi phút giây.

 

B. Mọi Bất Tịnh Đều Là Khổ

 

 Tất cả mọi hiện tượng đều gây nên những loại đau khổ khác nhau. Đây là dấu ấn thứ nhì. Có ba loại khổ: khổ thông thường, khổ vì thay đổi, và khổ xâm nhập tất cả.

 Loại khổ thứ nhất, hiển nhiên nhất, gồm có bệnh tật, tuổi già, và đau đớn. Không cần thiết phải chiêm nghiệm hay thiền định về sự khổ thông thường bởi vì ngay cả thú vật cũng có thể nhận ra khổ thể xác là vì cái gì. Không cần phải phân tích và chứng minh một cách hợp lý rằng cái khổ này là khổ.

 Dù cho có hạnh phúc, tất nhiên nó sẽ thay đổi và đến hồi chấm dứt và bị hình thức khổ thứ nhì, tức là khổ vì thay đổi, thay thế. Mọi người có thể nhận thức cái khổ vì thay đổi bởi vì hạnh phúc không thể kéo dài; tất cả mọi hạnh phúc đều đến hồi chấm dứt và biến thành đau khổ. Do đó mọi sự vật phát sinh đều phải ngã đổ và mọi sự vật có hợp ắt phải có tan. Như vậy, mọi sự vật đều bị gắn liền với suy tàn và đi đến chấm dứt.

 Loại khổ thứ ba không hiển nhiên lắm. Bởi vì tất cả sự vật trong luân hồi đều là những hiện tượng cấu thành, làm bằng những sự vật khác nhau, thay đổi từng phút giây một, chúng sinh luân hồi kinh nghiệm loại khổ thứ ba này. Dù họ có đang kinh nghiệm hạnh phúc hoặc đau khổ hay không, tất cả chúng sinh kinh nghiệm cái khổ vi tế này gọi là “khổ của hợp tạo.”

 

 C. Tất Cả Các Pháp Đều Là Không

 

Những pháp (hiện tượng) nào chúng ta có thể nhận thức được đều là trống rỗng giống như những bọt nước. Dù chúng ta nghe hay thấy các vật, không vật gì có chân thực tại nơi chính nó; không có cái ta thật trong cá nhân và không có sự hiện hữu thực sự của các pháp. Bất chấp sự kiện chúng xuất hiện, các pháp không có bản thể hay chân thực tại của riêng chúng. Như vậy người ta nói rằng tất các pháp đều là không và không có ngã.

 

D. Niết-bàn Là Bình An

 

Dấu ấn thứ tư là Niết-bàn hay bình an. Vì cá nhân hay pháp đều không có ngã, có lời dạy rằng tất cả các pháp là không và không thực sụu hiện hữu. Khi chúng ta nhận ra sự vắng mặt của ngã hay tính vô ngã của tất cả các pháp, chúng ta sẽ loại bỏ được bốn cái thấy không đúng và kết quả trở thành tự do với sanh tử. Rồi chúng ta sẽ đạt Niết-bàn. Nhưng trong khi ở trong thế giới sinh tử, chúng ta không tìm thấy hạnh phúc hay bình an thật sự, mà kinh nghiệm đau khổ. Khi nhận ra sự vắng mặt của ngã, trở thành tự do với sinh tử và đạt cảnh giới giải thoát, kết quả sẽ đạt hạnh phúc tối thượng của cứu cánh tối hậu, tức Niết-bàn, cảnh giới của bình an.

Nhờ nhận ra hai dấu ấn đầu tiên (hợp tạo là vô thường và tất cả những thứ bất tịnh đều là khổ) chúng ta đạt được sự không chấp vào thế gian và sanh tử, và chuyển tâm chúng ta hướng đến giải thoát. Chúng ta tìm chỗ qui y và đặt hy vọng của chúng ta nơi đức Phật và pháp của ngài. Qua tu tập thiền định và nhận ra dấu ấn thứ ba (các pháp không có ngã và là không) chúng ta được giải thoát khỏi luân hồi.

Một khi chúng ta hiểu ba dấu ấn đầu tiên, chúng ta đạt được chân hạnh phúc và bình an, chỉ tìm thấy ở Niết-bàn. Chân hạnh phúc và bình an không thể tìm thấy trong thế giới sinh tử luân hồi bởi vì bản tánh của nó là khổ. Đây là căn bản trong những lời dạy của đức Phật; vì thế bốn điểm này được gọi là “những dấu ấn của những lời Phật dạy.”

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
21 Tháng Chín 2022(Xem: 33339)
Tinh yếu của đạo lý Tánh Không của Bồ Tát Long Thọ xưa nay vốn là thểtài sâu rộng mà biết bao luận sư, giảng sư, học giả, trí thức đã dày côngnghiên cứu và lưu bố. Nhưng, không phải vì thế mà không còn gì để truy tầmhay ham học. Ngược laị, càng có nhiều người diễn giải càng có thêm nhiềuchiếu kiến mới lạ rất giá trị để suy nghiệm. Nay Thượng Tọa Thích Viên Lý, một tác giả và dịch giả của hàng chục pho sách rất giá trị, phát tâm dịch sang tiếng Việt để giúp cho người học Phật, nhất là những ai quan tâm đến giáo nghĩa Không Tánh của Bồ Tát Long Thọ. Mặc dù, đây là một tác phẩm chứa đầy những phương pháp lý luận tinh vi, những thuật ngữ triết luận lý học, và Tánh Không học chuyên biệt, dịch giả bằng phong cách đặc dị và bút pháp trong sáng đã giúp cho người đọc cảm thấy nhẹ nhàng và dễ nắm bắt hơn.
19 Tháng Sáu 2017(Xem: 8014)
19 Tháng Tư 2017(Xem: 7325)