Phát Triển Bốn Tự Tại

12 Tháng Bảy 201300:00(Xem: 13630)

PHÁT TRIỂN BỐN TỰ TẠI
MICHAEL CARROLL 
Chuyển ngữ : Diệu Liên Lý Thu Linh, Diệu Ngộ Mỹ Thanh &
Giác Nghiêm Nguyễn Tấn Nam

awakeatworkThật oái oăm khi chúng ta có thể thực hành sự-tỉnh-thức-trong-công-việc bằng cách tập ngồi yên. Tư thế ngồi đó là hành động căn bản cho sự an bình mà chúng ta có thể mang đến cho bản thân và cho người xuyên suốt cuộc hành trình. Bằng cách ngồi thẳng lưng với các giác quan hoàn toàn cảnh giác, và theo dõi hơi thở một cách nhẹ nhàng, chính xác, là chúng ta đang vun trồng một sự tỉnh thức giản dị, mạnh mẽ, nhưng lành mạnh, cởi mở và không tốn kém. Các nghiên cứu khoa học đã ghi nhận nhiều lợi ích về tâm sinh lý của việc ngồi thiền: Như làm hạ huyết áp, tăng các mô hình não liên quan với cảm thọ hỷ, làm giảm lo lắng và ý thức về môi trường xung quanh tăng cao độ. Dầu những điều đó khá lợi ích, nhưng đó không phải là lý do tại sao các truyền thống Đông phương xem thiền là một hoạt động đáng bỏ công sức vào. Người Phật tử xem chính tư thế đó là sự thể hiện rốt ráo của sự tự tại, đĩnh đạc nơi con người. Có sự điềm tĩnh để ngồi xuống và ngồi yên được coi là tính chất hoàn toàn trang nghiêm và sâu sắc của con người. Sự tự tại đó chính là tính chân thật (authenticity) của ta -sự tự tin căn bản về bản thân rằng ta không bị sa lầy trong cuộc sống mà được tự do sống.

Khi tỉnh thức trong công việc, chúng ta khai triển tính tự tại, điềm tĩnh này vào công việc, sự nghiệp, và vào toàn bộ cuộc sống của ta. Thật vậy, việc ngồi thiền cho ta cơ hội để triển khai bốn sự tự tại vào công việc làm, giúp ta được hiệu quả hơn trong công việc và hữu ích hơn đối với người.

PHÁT TRIỂN TỰ TẠI BẰNG TÂM TỪ

Khi ngồi thiền chúng ta trở về với giây phút hiện tại. Chúng ta liên tục buông bỏ sự bám víu vào quan điểm và vọng tưởng. Lúc đầu, điều này có vẻ rất khó khăn nhưng với thời gian nó có thể trở thành một sự hỗ trợ tuyệt vời. Thí dụ, sự tức giận với đồng nghiệp, sự cứng đầu của ta trong giao dịch kinh doanh, sự bào chữa cho một lỗi lầm của ta - tất cả đều có thể được buông bỏ, dù chỉ trong giây lát. Lập tức, điều đó tạo cho ta không gian để thở, để sống. Hành động đó đối với bản thân theo truyền thống được coi là một hành động tử tế, nói nôm na là hành động cho ta được buông thư. Khi nói về sự tử tế, từ bi, ta thường nghĩ đến những hành động như vuốt ve một con mèo hoặc tặng tiền bạc cho người đang thiếu thốn. Nhưng ở đây, ta nói về sự tử tế một cách khác: Ta tử tế với bản thân bằng cách trút bỏ gánh nặng của việc chấp vào định kiến. Khi thực hành buông bỏ trong hành thiền, chúng ta chiêm nghiệm rằng mình cũng có thể mang sự tự tại đó vào công việc, buông bỏ các định kiến về đồng nghiệp, hành động dễ thuơng, tử tế đối với họ, để cho họ được buông thư, dành cho họ không gian, nơi chốn thư giản. Tâm từ mà chúng ta rải ra cho bản thân lúc ngồi thiền, giờ ta cũng có thể rải tâm từ đến cho người khác ở nơi làm việc.

PHÁT TRIỂN TỰ TẠI BẰNG CÁCH QUAN TÂM ĐẾN CÁC KHÓ KHĂN

Khi ngồi thiền chúng ta không chỉ lo phát triển tâm trong sáng hay mục đích rõ ràng mà chúng ta còn thấy ra cái sai, sự ngã mạn và sự sợ hãi của chúng ta. Do ngồi an nhiên, tỉnh lặng mà chúng ta có thể biết mình rõ ràng và với thời gian, ta tập tôn trọng và nhận biết cả hai ưu điểm và khuyết điểm của mình. Chúng không phải là chướng ngại hay tội lỗi mà ta cần hủy diệt khỏi cuộc sống. Chúng ta không cần phải mặc cảm hay xem tình cảm ganh tỵ, bất an như những lỗi lầm mà ta phải xấu hổ. Khi ngồi an nhiên, tỉnh lặng một mình, chúng ta tập tôn trọng và quan tâm đến “những tính cách tiêu cực”, thay vì chống đối, tranh cãi với chúng, khám phá, phân tích thay vì ném bỏ chúng đi. Bằng cách đó, chúng ta phát triển nhân tính trí tuệ, từ bi mà ta có thể mang lại cho công việc. Dần dần, chúng ta phát triển sự tự tại ở nơi làm việc, nơi mà chúng ta tập tôn trọng những khó khăn, bề bộn trong công việc, chớ không phải chống đối chúng.

PHÁT TRIỂN SỰ TỰ TẠI BẰNG TÂM TỈNH GIÁC BÌNH LẶNG

Khi ngồi thiền một khoảng thời gian nào đó, chúng ta khó tránh khỏi cảm thấy buồn chán. Vì chúng ta không làm gì cả mà chỉ ngồi yên một chỗ. Ngã kiến của chúng ta tin rằng nếu chúng ta buồn chán tức là có cái gì đó không ổn. Nên do ta không đạt được điều gì, có nghĩa là phải có vấn đề gì đó. Có lẽ chúng ta không có khả năng ngồi thiền. Chúng ta nên trở lại với công việc bình thường của mình. Khi buồn chán, chúng ta thường tìm cái gì đó để làm, có thể xem truyền hình, chơi trò gì đó hoặc đi ăn. Chúng ta tự nhủ “Phải làm cái gì đó!”. Chúng ta làm bất cứ điều gì - chơi trò chơi trên điện thoại di động, vẽ nguệch ngoạc trên tay, bất cứ điều gì - chỉ để giữ cho tâm khỏi bị trống trải.

Nhờ hành thiền chúng ta phát triển một sự tự tại giúp ta có cái nhìn ngược lại. Bằng cách luôn mang sự chú tâm trở lại giây phút hiện tại, chúng ta làm quen với sự nhàm chán và nhận ra rằng ta có thể tỉnh giác một cách mạnh mẽ ngay trong giây phút hiện tại mà không cần phải được tiêu khiển hoặc giải trí dưới bất kỳ hình thức nào. Với thời gian, chúng ta trở nên có mặt, hiện hữu một cách thoải mái trong thời điểm hiện tại. Chúng ta phát triển một “sự tỉnh giác bình lặng” là điều chính yếu trong liên hệ trực tiếp đến công việc, giúp ta nhìn xa, trông rộng, một khả năng để giải quyết công việc trong các điều kiện của nó khi nó được từng bước triển khai. Chúng ta cũng có thể triển khai sự tỉnh giác bình lặng mà ta có được nhờ công phu hành thiền đến những khó khăn, thách thức trong công việc.

PHÁT TRIỂN TỰ TẠI BẰNG SỰ CÓ MẶT

Thông thường chúng ta cố gắng, nỗ lực để đạt được điều gì đó. Nhất là trong công việc, chúng ta phấn đấu để đạt được mục tiêu và nhận sự khen thưởng; chúng ta làm việc để đạt kết quả. Sự nỗ lực đó là tiên tiến, kiên định, và cốt yếu để hoàn thành các mục tiêu trong công việc. Nhưng lúc hành thiền, chúng ta tập không cố gắng để cầu sở đắc mà là để sống trong giây phút hiện tại. Chúng ta tập không truy tầm quá khứ, không ước vọng tương lai. Trong thiền, khi nhận thấy tâm buông lung, phóng dật, chúng ta liền quay trở về trong giây phút hiện tại. Chúng ta buông bỏ lo âu; chúng ta buông bỏ “các tư dục”, các vọng tưởng để trở về thời điểm hiện tại với tâm trống rỗng, không cần có sự bảo đảm hay quan điểm gì. Bất cứ điều gì phát sinh trong thiền, chúng ta đều sẵn sàng có mặt, cởi mở và quan tâm. Sự có mặt mà ta phát triển trong thiền, khi được triển khai đến trong công việc cho phép chúng ta hoà hợp với đồng nghiệp, với môi trường làm việc và chú tâm đến những gì mà tình huống công việc đòi hỏi.

Phương châm “Phát triển bốn tự tại” khuyến khích chúng ta trau dồi việc hành thiền như là một cách để tái tạo và nâng cao cuộc sống ở nơi làm việc. Phần phụ lục, “Hướng dẫn Thiền Chánh niệm-Tỉnh giác’’, bao gồm những lời hướng dẫn hành thiền cho các hành giả sơ cơ muốn bắt đầu thực hành. Khi phát triển thói quen hành thiền, chúng ta có thể biểu lộ tư thế đĩnh đạc và tự tại tự nhiên trong công việc. Chúng ta có thể rải tâm từ đến cho người khác như ta đã làm với bản thân khi tọa thiền. Chúng ta có thể triển khai sự chấp nhận, tôn trọng đối với những khuyết điểm, yếu kém của ta, đến với sự bề bộn, hỗn độn của công việc. Sự tỉnh giác bình lặng mà chúng ta phát triển trong thiền bằng cách an trú trong giây phút vắng bặt những toan tính, có thể được triển khai đến với những thách thức trong công việc. Sự sẵn sàng để chú tâm và có mặt đối với bất cứ điều gì khởi lên trong thiền – điều đó cũng có thể đem áp dụng đối với đồng nghiệp ở nơi làm việc. Phương châm “Phát triển bốn tự tại” nhắc nhở chúng ta rằng việc hành thiền không phải là cho lợi ích riêng của mình mà là để có ích và hiệu quả hơn đối với người khác khi ta tỉnh thức trong công việc.

Nguyên tác: Awake at Work (Tỉnh Thức Trong Công Việc)

VỀ TÁC GIẢ


Michael Carroll, trong sự nghiệp kinh doanh suốt 25 năm của mình đã giữ các chức vụ điều hành ở nhiều công ty như American Express, Simon & Schuster và Walt Disney. Ông con tư vấn và tập huấn về kinh doanh thương mại cho các công ty như Procter & Gamble, Starbucks, AstraZeneca, v.v...

Michael đã nghiên cứ u về Phật giá o Tây Tạng từ năm 1976, đã hoà n tất chương trì nh Phật học năm 1982, và là một giáo thọ được truyền thừa trong dòng thiền của thiền sư Tây Tạng Chogyam Trunpa.

Michael đã dạy ở các trườ ng như đại học Columbia, đại học St. Mary, trường Cao Đẳng Swarthmore, Tu viện Sơn Thiền (Zen Mountain) và nhiều trung tâm tu học khác ở khắp nước Mỹ , Canada và Âu Châu.

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn