Trói buộc và giải thoát

27 Tháng Sáu 201409:35(Xem: 10380)

TRÓI BUỘC VÀ GIẢI THOÁT

Thích Tâm Hạnh


A/ DẪN NHẬP.

blankTrải qua nhiều gian nan vất vả, lận đận lao đao khiến con người ta mất phương hướng sống, ngày càng thấy mình trở nên lạnh lẽo, cô đơn. Cuộc sống lẻ loi giữa trường đời như đang bị ngục tù vô hình của thế gian giam nhốt. Có vị Phật tử thấm thía những trắc trở cõi đời mình đã sống qua và viết nên thành thơ:

Hồn con lạnh buốt sương mù
Đêm đêm trở giấc ngục tù thế gian.

Sống giữa dòng đời với rất nhiều người, với bao nhiêu thứ bận rộn, nhưng không biết tại sao lại cảm thấy tâm hồn mình quạnh quẽ, lẻ loi, dường như không thể có người hiểu mình để cùng san sẻ bớt phần nào cho nhau vậy. Đêm đêm trở giấc, thoạt thức giấc ngủ thì cảm thấy mình như bị giam nhốt trong ngục tù thế gian. Đó là tâm trạng của người làm thơ và có lẽ cũng là tâm trạng của nhiều người đang sống trong cuộc đời còn nhiều gian khổ. Khi thấy cuộc sống ngoài thế gian quá rộn ràng, mệt mỏi, ai cũng đang bị nhiều thứ chung quanh ràng buộc nên có người đã tìm đến chùa học đạo, tu tập để mong cởi bớt ra những thứ trói buộc kia, trong nhà Phật gọi là giải thoát. Gần là để giải thoát bớt những ràng buộc của thế gian, dần dần tu tập cao hơn thì được giải thoát rốt ráo. Giải thoát có nghĩa là cởi trói ra. Ví như tay mình đang bị cột gọi là bị trói buộc, và khi được mở ra thì gọi là giải thoát. Như vậy, khi muốn cầu giải thoát có nghĩa là chúng ta đang bị trói buộc. Vậy ai trói mình? Tại sao mình bị trói? Chúng ta cùng phăng tìm ra manh mối cho tường tận, rõ ràng thì việc thực hành của mình mới có kết quả thiết thực. Vì vậy hôm nay trao đổi cùng quý vị đề tài “Trói buộc và giải thoát”.

B/ AI TRÓI BUỘC MÌNH?

Nhìn lại xem, có vị nào cảm thấy mình hoàn toàn không bị bất cứ một cái gì trói buộc không? Ai cũng bị trói hết. Vậy cái gì trói chúng ta? Đúng ra hôm nay tan sở, đi làm về là mình đã có chương trình riêng ở nhà rồi. Thình lình không biết từ đâu ông Thầy tới Chùa Hoa Nghiêm khiến mình phải lên đây. Ngồi nghe nói chuyện đây thì chắc quý vị cũng hoan hỷ, nhưng giả sử nhỡ ở nhà có chuyện chi đó gọi điện thoại lên thì trong lòng mình không dễ được yên tâm, ít nhất cũng có lo một chút. Ngay niệm lo lắng đó thì biết là mình đã bị cái nhà nó cột trói rồi. Nếu không bị nó cột thì đâu có gì phải lo âu? Cho đến các mối quan hệ chung quanh như vợ chồng, cha mẹ, anh em ràng rịt lẫn nhau. Thêm nữa, trong cuộc sống vì kế sinh nhai bắt buộc mình phải lo lắng. Cuối tháng lỡ không có tiền trả hóa đơn thì chúng ta đã lo lắng ăn không ngon ngủ không yên, từ đó bị nhiều thứ nó trói mình chằn chịt không tả nổi:

Ngược xuôi mấy dặm thương trường
Cuộc vui tao ngộ cuộc vương đọa đày.
Áo đời mấy lượt sờn vai,
Con còn đếm bước tháng ngày lao đao.

Thương trường là nơi làm ăn. Chúng ta đôn đáo chạy ngược chạy xuôi trong đó để tranh đấu kiếm tiền sinh sống. Bao nhiêu quan hệ, gặp gỡ… có khi tưởng chừng như vui, nhưng do mỗi người chưa làm chủ chính mình cho nên sẽ đến lúc vướng víu, rắc rối rồi phải vương khổ đọa đày. Lúc này mới biết mình đã bị trói buộc thì quá muộn, đã bị khổ rồi. Tỉnh táo một chút để nhìn lại thì thấy sự trói buộc nó đang diễn ra ngay từng sự tiếp xúc, từng quan niệm hằng ngày.

I/ ĐIỀU THUẬN TRÓI BUỘC.

1/ VẬT CHẤT TRÓI BUỘC.

Khi đi làm về trễ, thấy nhà cửa lộn xộn thì trong lòng không vui. Ngược lại, hôm nào về thấy nhà cửa sạch sẽ, con cái lịch sự dâng nước, lấy khăn cho mình lau mặt thì cảm thấy hài lòng, dễ chịu. Như vậy là đã bị dính mắc, trói buộc, mới thấy tâm mình rất vi tế. Chỉ cần có một niệm hài lòng, ngay đó đã bị nó trói cột rồi. Cho nên trong cuộc sống hằng ngày, khi vừa cảm thấy thích ý hay hài lòng về một cái gì đó thì coi chừng, ngay đó đã bị trói. Một khi bị trói rồi thì nó khiển đi đâu mình phải theo đấy, không làm chủ được.

2/ Ý TƯỞNG TRÓI BUỘC.

Ở một góc độ khác, trong cuộc sống, có nhiều người có vẻ như không màng tới vật chất, tiền bạc hay các quan hệ chung quanh mà họ chỉ sống theo một ý tưởng của riêng của họ. Người thích sống với lý tưởng như thế xem ra dường như không bị vật chất thế gian chi phối, thấy như là thanh thoát, nhưng chính họ có bị cái gì trói buộc không?

Thời xưa có anh chàng thư sinh khi học hết chữ của thầy rồi lên đường đi thi. Trên đường đi qua một dòng sông, gặp cô lái đò thì anh ta có ý chọc ghẹo. Cô lái đò nghiêm túc nói: “Tôi có một câu đối, nếu anh đối được thì tôi nguyện đi theo nâng khăn xách túi, còn không đối được thì xin trả tiền đò gấp đôi”. Anh thư sinh nghĩ, một người nghèo chèo đò bên sông thì có gì cao siêu, nên anh ta gật đầu chấp nhận. Cô lái đò ra câu đối:

Hỏa tại thạch trung, trầm tích thủy thiên niên bất tuyệt.

Có nghĩa là, lửa ở trong đá, nhấn chìm xuống dưới nước cả ngàn năm sau cũng không bao giờ mất. Khi cầm hai viên đá ma sát mạnh với nhau thì có lửa. Bây giờ chọi cục đá đó chìm xuống đáy biển một ngàn năm sau cầm lên ma sát thì vẫn có lửa, lửa đó vẫn không mất. Thấy cô gái có vẻ quê mùa mà đưa ra vế đối quá siêu xuất, chặt chẽ, anh thư sinh không thể nghĩ ra câu nào để đối lại. Buồn cho sở học bao lâu của mình không đủ để đối lại câu đối của một cô gái nhà quê. Sau khi trả tiền gấp đôi, anh ta đã nhảy xuống sông tự tử. Do không nghĩ ra được vế đối, ôm ấp nổi khắc khoải, buồn bã mà chết nên hóa thành hồn ma bên bờ sông, đêm đêm hiện lên lầm nhầm đọc câu đối cô gái. Lần nọ, có vị Thiền sư hành cước đi ngang qua đây nghe mọi người kể câu chuyện như vậy nên đêm đó Ngài quyết định ở lại bên bờ sông. Đêm đến, hồn ma xuất hiện lầm nhầm câu đối:

Hỏa tại thạch trung, trầm tích thủy thiên niên bất tuyệt.

Liền khi ấy Thiền sư đối lại:

Nguyệt tại thiên không, chiếu nhân gian vạn cổ trường tồn.

Có nghĩa là, trăng ở trên trời, soi rọi thế gian không bao giờ mất. Nghe được câu đối xuất sắc, tương xứng, lòng thư sinh phấn khởi, liền được siêu thoát. Từ đó, mọi người quanh vùng không còn thấy bóng ma xuất hiện nữa.

Vậy thì ai đã trói cột anh chàng thư sinh đó không thoát được mà phải làm bóng ma bên bờ sông? Là một ý tưởng. Vì cho đó là một ý tưởng cao thượng, câu đối quá hay cho nên đã bị buộc vào đó, muốn đối lại cho bằng được. Không đối được thì buồn tức và chết, ôm theo ý tưởng đó để phải làm hồn ma không siêu thoát nỗi. Nhờ vị thiền sư nói cho một câu đối lại, thấy xứng ý, trong lòng thỏa mãn cho nên mới siêu thoát. Sự trói buộc ở đây không phải là vật chất mà là một lý tưởng. Và khi cái tâm tưởng đeo đuổi kia không còn nữa thì được giải thoát.

Nhìn lại, nhà cửa chúng ta cũng bị trói, quan hệ bạn bè mình cũng bị trói, vật chất mình cũng bị trói, có người không màng đến vật chất, sống theo lý tưởng cũng bị trói… Như vậy, chúng ta đang sống trong một cái vòng bị trói một cách chằng chịt. Hễ một điều gì chúng ta sanh tâm vừa lòng, thích ý thì liền bị trói. Đó là chúng ta đã thấy những cái vừa lòng thích ý nó trói mình, còn những điều trái ý nghịch lòng nó có trói chúng ta không?

II/ ĐIỀU NGHỊCH TRÓI BUỘC.

Xưa kia, vua A Dục là một người có công rất lớn đối với Phật giáo. Công việc lợi ích của ông đối với Phật pháp không thể kể hết. Một trong những công việc quan trọng là Vua đã tạo điều kiện và khuyến khích chư tăng ra ngoài nước Ấn Độ để hoằng hóa đạo, giảng dạy Phật pháp. Sau này, khi Phật giáo tại Ấn Độ gần như bị diệt vong thì chính những vị tăng này đã trở về phục hưng lại. Mới một khía cạnh như thế thôi đã thấy công lao của vua đối với Phật giáo quan trọng và lớn lao như thế nào. Thế mà khi lâm bệnh, vị quan hầu cận dâng bát cháo không đúng cách, làm trái ý mình nên vua nổi giận và băng hà. Do ôm lòng tức giận nên thần thức đã nhập vào con rắn độc nằm ngay khe cửa, chờ ông quan đó đi ngang qua cắn lại để trả thù cho hả dạ. Có một thầy Tỳ kheo trước đây là thái tử con vua A Dục đã chứng A la hán có thần thông nên nhìn thấy, biết con rắn ở khe cửa đó chính là thần thức của cha mình. Vị Tỳ kheo này đến bên con rắn và nhắc lại những việc tốt lúc sinh tiền vua cha đã làm: “Bệ hạ còn nhớ không? Hằng ngày bệ hạ xây dựng rất nhiều trụ đá ở nhiều nơi trên thế giới để đánh dấu nơi Phật pháp được truyền đến cho mọi người biết. Bệ hạ đã khuyến khích những vị Tỳ kheo đi giáo hóa nước ngoài, bây giờ quay trở về phục hưng nên Phật giáo Ấn Độ mới còn tồn tại…”. Khi nghe kể như vậy thì thần thức vua nhớ lại những việc lành cả đời mình đã làm nên trong lòng phấn khởi, vui mừng, quên giận, thần thức thanh thoát. Con rắn đã tự nhịn ăn rồi chết, thần thức sanh lên cõi trời.

Cả đời làm lành, khi lâm chung lẽ ra phải sanh lên cõi lành. Nhưng vua A Dục thì thác sanh vào thân rắn. Vì sao như vậy? Ai đã buộc vua A Dục không sanh vào được cõi lành? Do một hành động trái ý nghịch lòng khiến vua nổi giận và bị trói buộc phải làm thân rắn độc hôi hám. Nghe qua chữ trói thấy như tầm thường, nhưng nó có thể khiến cho con người mấy chục ký này phải đi theo nó không thể cưỡng lại. Cứ nghĩ cả đời làm lành, lúc chết chắc chắn sẽ được sanh vào đường lành. Nhưng nếu quên tu, không có tỉnh lực, quen chìu theo lòng tham sân khiến nó trở thành sức mạnh. Khi sắp lâm chung, chỉ thoáng một việc trái ý nghịch lòng, sân tâm sôi sục trỗi dậy và đưa chúng ta đi vào các đường xấu ác, phải chịu rất nhiều đau khổ. May mắn cho vua A Dục có vị Tỳ kheo chứng A la hán cứu cho. Nếu không thì làm thân con rắn tạo nghiệp lộn đi lộn lại mãi trong đó để chịu khổ, biết khi nào mới thoát ra được! Mới thấy, những thứ nghịch ý trái lòng trói mình cũng không phải là ít.

Xưa kia về đời Đường dưới triều vua Ý tông, có ngài Ngộ Đạt Quốc sư pháp danh Tri Huyền. Khi chưa làm quốc sư, tình cờ ngài gặp một vị tăng nhân bị bệnh cùi, ai cũng gớm, chỉ có Ngài Tri Huyền luôn gần gũi chăm sóc, chưa có một vẻ nhờm gớm bao giờ. Vì vậy khi chia tay, vị tăng cảm cái nghĩa đó nên nói: “Sau này Ngài sẽ bị nạn, nếu cần thì tìm nhau tại núi Trà Lũng, huyện Bành Thành thuộc đất Tây Thục, nơi có hai cây tùng làm dấu”. Theo thời gian, ngài Ngộ Đạt lớn dần lên và rất tài giỏi, được vua mời làm quốc sư. Vua rất kính trọng nên ban cho ngài tòa ngồi làm bằng trầm hương. Bước lên tòa, ngài Ngộ Đạt phấn khởi sanh tâm hãnh diện về chỗ ngồi của mình thì tự nhiên đầu gối ngài nổi lên một cái mụt ghẻ mặt người hành hạ đau đớn dữ dội. Các danh y được vua mời đến nhưng đều bó tay, không có cách gì trị được. Hằng ngày phải đút thịt cho nó ăn thì mới đỡ bớt đau nhứt. Ngài nhớ lại và tin lời hẹn trước nên tìm đến chỗ hai cây tùng. Đến nơi thì trời cũng vừa sụp tối, vị tăng ngày trước đã đợi sẵn, bước ra chào và bảo rằng: “Không cần kể gì cả, ta biết hết mọi chuyện rồi. Vào đây nghỉ, sáng mai xuống dưới núi có dòng suối, lấy nước từ bi tam muội rửa sạch vết thương thì sẽ hết”. Sáng hôm sau, vị tăng sai chú tiểu đồng dẫn xuống suối. Khi Ngài Ngộ Đạt vừa toan lấy tay vốc nước để rửa thì cái mụt ghẻ mặt người nói: “Khoan rửa đã! Ngài là người học nhiều hiểu rộng, vậy ngài đã đọc chuyện Viên Án và Triệu Thố trong Tây Hán chưa?” Ngài nói: “Đọc rồi”. Mụt ghẻ nói: “Đọc rồi mà ngài không biết sao? Viên Án chính là Ngài và Triệu Thố chính là tôi đây. (Viên Án làm quan chém oan Triệu Thố). Triệu Thố bị chém ngang lưng tại chợ phía đông, oan ức đến mức nào. Tôi mười đời đi theo tìm cách báo hại, nhưng do mười đời Ngài là vị cao tăng đạo cao đức trọng, tu hành nghiêm chỉnh nên tôi không thể báo được. Ngày hôm nay, nhân khi ngồi lên tòa trầm hương, ngài vừa khởi tâm cao ngạo, ngã mạn thì cái đức có phần thương tổn cho nên tôi mới có cơ hội để báo lại Ngài. Hôm nay, mọi chuyện đã rõ, ngài nguyện tu hành tôi cũng nguyện tu hành, xin lấy nước từ bi tam muội để rửa sạch oan khiên nhiều đời. Từ nay trở đi, tôi không còn oán hại Ngài nữa”. Nghe xong, ngài Ngộ Đạt bàng hoàng vốc nước lên rửa, đau đến tận xương, ngất đi hồi lâu mới tỉnh, nhìn lại thì mụt ghẻ không còn. Định lên cảm tạ vị tăng, nhưng nhìn lại thì cảnh và người đều không còn nữa. Hỏi chú đồng tử mới biết vị tăng đó chính là Tôn giả Ca Nặc Ca, một vị Thánh tăng. Nói xong thì đồng tử cũng biến mất.

Như vậy, ai đã buộc ông Triệu Thố mười đời phải đi theo ngài Ngộ Đạt mà không thoát được? Đó là niệm phẫn uất, tức giận, là cái nghĩ cho rằng quan Viên Án làm mình oan ức quá, phải đi theo trả thù cho bằng được mới hả dạ. Chúng ta vẫn thường nghe những người khi sân hận nói: “Chọc vậy mà không giận sao được? Tôi phải trả thù cho hả dạ”. Nghe qua thì như là có lý, nhưng đó là đã theo cái sân hận và bị nó trói cột mình rồi. Một người bị cột như vậy và người khác không thèm chấp, không vướn bận thì ai sướng hơn? Gặp cảnh oan ức chúng ta nổi sân có khi thấy như là hợp lý, nhưng ôm lòng sân này lâu ngày thành thói quen, nuôi lớn nó để rồi chúng ta phải bị nó trói cột, chịu khổ đau, thật là oan uổng cho mình. Nếu cứ để tâm tưởng mình lờ mờ trôi qua thì khó nhận ra tai hại của lòng sân, nhưng khi ngồi lại soi xét cho thật kỹ thì mới thấy giựt mình.

III/ TỰ MÌNH TRÓI BUỘC MÌNH.

Khi gặp cảnh trái lòng, chúng ta vừa sanh tâm là bị trói buộc. Trong đời, cảnh trái ý nghịch lòng đó nó có quyền đến với bất cứ người nào, nhưng nếu chúng ta vừa sanh tâm tức tối, dính mắc thì liền bị trói. Nếu việc đáng giận mà mình không giận thì không ai trói mình được hết. Như vậy cái tâm oán hận đó nó nằm ở nơi chính mình, do mình. Ra chợ, thấy giỏ hoa đẹp, thích quá và bị trói. Cũng là do mình, nơi mình. Không có giỏ hoa nào tự nói tôi đẹp lắm, cô mua về để chưng cả, mà do mình khởi tâm dính mắc cho nên mới bị trói buộc. Mọi thứ có quyền đến với mình bất cứ lúc nào, nhưng nếu không để ý thì đâu có gì trói buộc được! Như vậy, cái tâm oán hận cũng từ nơi mình, cái tâm ưa thích dính mắc cũng từ nơi mình. Cuối cùng, không ai khác mà chính mình tự trói buộc mình. Nhưng lâu nay con người chúng ta ít có ai chịu chấp nhận sự thật này mà luôn tìm cách đổ thừa cho một người hay hoàn cảnh nào đó. Tại anh đó làm tôi giận chứ tôi đâu có đến nỗi tệ. Có người khuyên, thôi, mình tu thì phải nhịn bớt, liền đáp: “Anh nghĩ coi, cũng vừa phải thôi chứ nhịn quá mức ai mà chịu nổi?” Do chưa biết sự nguy hiểm của cái giận nên mới thấy giận là phải. Nếu đã ý thức được sự tai hại của nó thì chúng ta sẽ không bao giờ dám sân giận. Người xưa nói: “Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai”, một niệm sân vừa dấy khởi thì trăm ngàn cửa nghiệp chướng mở ra. Hoặc là “Một đốm lửa sân, thiêu rụi cả rừng công đức”. Trường hợp của vua A Dục là một bài học cho mình. Chỉ một chút sân tâm thôi mà đã trói cột mình đi làm rắn độc hôi hám, tạo nghiệp đọa lạc và phải chịu khổ mãi biết khi nào mới thoát ra? Nghiệm lại để thấy cho tường tận thì mới sợ cho cái tâm sân giận của mình, mới thoát ly được.

Như vậy, việc mình tự trói mình quý vị thấy đã có lý. Nhưng xét lại cũng thấy rất là vô lý, tại sao mình lại trói mình? Trên đời này có ai muốn mình bị trói không? Không hề. Vậy thì tại sao mình lại đi trói buộc lấy mình? Phải phăng tận gốc rễ để giải quyết cái vô lý này chứ không thể chấp nhận như vậy được.

C. TẠI SAO CHÚNG TA BỊ TRÓI?

I/ DO SANH TÂM DÍNH MẮC.

Ở Bình Thuận, có anh chàng nọ đời sống khá vất vả. Mỗi sáng phải thức dậy từ 3 giờ để chuẩn bị đi bộ qua một quãng đường dài lấy bánh mì về bán cho kịp. Trên đường, anh ta đi ngang qua một cái am. Nghe người ta nói cái am này rất linh, cầu gì được nấy. Anh nghĩ, từ nhỏ đến lớn khổ cũng đã khổ rồi, vô đây cầu đại, may ra trúng được thì đỡ cho cuộc sống của mình. Anh chạy vào van vái thần linh chỉ cho tôi mua vé số, nếu trúng thì tôi phát nguyện sẽ cạo trọc đầu để đền ơn. Đúng là linh thiệt, hôm đó mua vé số cũng trúng, nhưng trúng giải bảy được có 5 ngàn đồng. Đã lỡ hứa cạo tóc rồi thì phải cạo, nhưng tiền cạo đầu tốn hết 7 ngàn, vậy là lỗ mất 2 ngàn. Như vậy, ai đã trói anh chàng kia phải bị mất tiền như vậy? Có ông thần linh nào trói không? Hoàn toàn không mà chính là do tâm dính mắc. Thấy cái gì vừa lòng thích ý thì dính mắc. Chính cái tâm dính mắc đó nó đã trói buộc lấy mình chứ không ai khác.

Thời đức Phật còn tại thế, mỗi buổi sáng Ngài thường quán xét xem ngày hôm nay ai là người có duyên được độ. Hôm ấy, quán thấy con của Trưởng giả Punda nhân duyên đã chín muồi, ngài bèn đi thẳng đến đó khất thực để tìm phương tiện hóa độ. Nhà này chưa hiểu Phật pháp, có một con chó khá đặc biệt. Hằng ngày ông Punda chăm sóc nó rất kỹ lưỡng. Nằm trên giường nệm rộng rãi, ăn uống sang trọng hơn cả người. Đặc biệt là nó giống hệt như người vậy. Hễ nói nặng là giận liền. Mỗi khi ai chọc giận thì không thèm nằm trên giường mà nó ra ở ngoài bụi. Mỗi khi có ai làm cho chú chó này giận như thế thì ông Punda tức lắm. Hôm đức Phật đến, anh Punda đi vắng, con chó trong nhà vồ ra dữ tợn. Đức Phật đưa tay ra nói: “Thôi thôi, đã nhiều đời bám chấp chịu khổ rồi, sao bây giờ còn tiếc nuối, bám chấp quá vậy?”. Nói xong, ngài ra về. Con chó buồn giận và ra bờ rào nằm đó. Khi Punda về thấy như vậy liền biết có ai đó đã chọc giận con chó mình. Hỏi những người chung quanh thì mới biết hồi sáng có Sa môn Cù Đàm đến nhà. Ông vô cùng tức giận chạy đến chỗ đức Phật lớn tiếng nói: “Ngài đã làm gì cho con chó của tôi giận?”. Đức Phật nói: “Con chó đó là cha của ông. Do tiếc của nên cha ông phải làm thân chó. Ta từ bi thương cha ông nên nói để ông giác ngộ mà thoát kiếp làm súc sanh.” Nghe xong ông Trưởng giả càng tức giận hơn: “Con chó đó sao lại là cha của tôi được?”. Đức Phật nói: “Ông hãy về hỏi nó ngày xưa cha ông đã chôn cất, giấu vàng ở chỗ nào, khi đó ông sẽ tin”. Ông Punda về hỏi như vậy thì con chó đi đến bốn góc giường lấy chân cào cào dưới đất. Ông Punda đào lên thì thấy đúng là có bốn hũ vàng cất giấu ở dưới. Sau đó, con chó cũng hóa kiếp.

Như vậy, cái gì đã buộc ông trưởng giả này phải làm con chó mà không làm người được. Có phải hũ vàng trói không? Nếu đưa hũ vàng này cho con nít thì nó đâu có biết gì, đâu có trói được con nít? Nếu nhà mình đang có hũ vàng mà ai đó bảo mình phải coi như hũ rác và ném bỏ đi thì quý vị chịu không? Rất khó! Thế là mình đã bị dính chặt rồi. Rõ ràng, chính vì cái tâm dính mắc này nên chúng ta bị trói cột. Như vậy, lý do đầu tiên là vì sanh tâm dính mắc cho nên chúng ta bị trói buộc.

Nhưng mà mình khổ đau đã quá nhiều rồi, sao bây giờ lại dại dột, tự nhiên sanh tâm dính mắc làm chi để phải bị trói buộc cho khổ vậy? Tại sao chúng ta lại bị dính mắc? Đó là câu hỏi để phăng tìm cái gốc của nó. Tìm cho bằng được cội nguồn thì mình mới gỡ ra được. Có thế chúng ta mới được nhẹ nhàng và thấy rõ ý nghĩa giải thoát một cách thực tế.

II/ VÌ LẦM CHẤP, CHO CÁC PHÁP LÀ THẬT CÓ.

Xưa kia có hai người bạn rất thân, cả hai đều làm quan, khá giả. Những người làm quan ngày xưa thường trong nhà họ trang trí rất cầu kỳ, treo cung kiếm đủ thứ. Nhân lúc rảnh rỗi, anh A mời anh B sang nhà để uống rượu thuốc, hàn huyên tâm sự. Vào bàn tiệc, anh A mời anh B nâng ly. Anh B nhấc ly rượu lên thì bỗng thấy sao lại có con rắn con nằm loằn ngoằn trong đó cho nên không dám uống, đặt ly rượu xuống và làm thinh. Anh A không hiểu nên cố ép anh B uống. Vì tôn trọng bạn nên anh B không thể chối từ, đành uống. Khi uống con rắn vào trong bụng rồi thì không yên. Nó cồn cào như có con rắn đang bò trong bụng vậy. Không chịu nổi, muốn ói ra cũng không ói được, cố nén cơn cồn cào cho hết buổi tiệc. Khi về đến nhà thì anh B ói nhào rồi lâm bệnh nằm liệt suốt cả tuần lễ. Anh A nghe phong phanh, hỏi ra mới biết sự thể là như vậy. Vì chuyện chưa rõ ràng và do nể nang nhau nên chưa ai nói với ai điều gì hết. Đợi cho người bạn lành bệnh hẳn, anh A mới mời sang nhà uống rượu thêm lần nữa. Vì nể lòng bạn nên cũng nhận lời. Khi sang, người bạn vẫn mời anh B ngồi đúng ngay vị trí cũ hôm trước, cũng đặt ly rượu đúng ngay chỗ đó rồi trò chuyện, ép uống. Anh B nâng ly rượu lên thì lại thấy con rắn bò ngoằn ngoèo trong đó y hệt như hôm trước. Lần này là giận thiệt! Anh B dằn mạnh ly rượu xuống nói: “Bạn bè sao lại chơi nhau như vậy? Anh có biết một tuần liền tôi nằm liệt không ăn uống được là vì con rắn trong ly rượu của anh không?”. Khi đó anh A cười, chỉ lên trần nhà thì trên đó có treo cây cung trang trí. Anh A dời ly rượu sang chỗ khác thì bên trong không có con rắn nào hết, mà để lại chỗ cũ thì có. Té ra đó chỉ là cái bóng của cây cung rọi vào trong ly rượu chứ không có con rắn nào trong đó cả. Khi đó anh B mới vỡ lẽ, thông cảm và cười. Hai người hiểu nhau vui vẻ.

Vậy thì, anh B bị bệnh nằm liệt suốt một tuần là từ đâu? Là tưởng có một con rắn thật nằm trong ly rượu nên bị bệnh. Và bây giờ hết bệnh là từ đâu? Chỉ là biết rõ không có một con rắn thật nào trong ly rượu cả, đó chỉ là cái bóng thôi, thế là bao nhiêu bệnh tình đều tan biến. Rất đơn giản! Ngỡ nó là có thật thì bị bệnh trầm kha, biết rõ nó không ra gì thì liền lành bệnh.

Vấn đề tu hành cũng tương tự như vậy. Khi thấy thân này có thật, suy nghĩ này là thật, mọi thứ chung quanh có thật thì lầm chấp đủ thứ, phiền não sanh tử, mọi thứ rối rắm đau khổ có ra. Chỉ cần thấy rõ nó là đồ giả, vốn không thật có thì mọi thứ rắc rối khổ đau kia tự nhiên tan biến. Chúng ta nghe Hòa thượng giảng đã biết thân này là giả, tâm này huyễn giả, ngoại cảnh cũng giả. Đang ngồi đây tỉnh táo thì thấy cái gì cũng là giả hết. Nếu có việc gì tới thì mình cũng bình thường, an ổn, không có vấn đề gì quan trọng. Nhưng hôm nào rộn ràng, trong gia đình có việc phiền phức thì chúng ta lại không kịp nhớ nó là đồ giả, và bị trói buộc, sanh ra phiền phức đủ thứ. Vừa thất niệm, vừa quên, không tỉnh giác thì bị mọi thứ trói buộc liền.

Có lẽ ai cũng biết, thân này tồn tại tối đa khoảng hơn trăm tuổi rồi cũng ra đi; hoặc bị tai nạn bất thường thì cũng không còn nữa; hoặc đang có đây thì cũng chỉ là các bộ phận ráp lại với nhau thì tạm gọi là có thân vậy thôi, tìm một cái là mình cũng không thể được; nay còn mai mất, không có gì quan trọng hết. Nếu chiêm nghiệm cho thấu đáo thì sẽ thấy rõ thân này không có gì chắc thật. Nhưng do chúng ta không soi xét cho tường tận nên không dám nhìn nhận một sự thật như vậy. Nhiều lúc mình cũng thấy nó là đồ giả, nhưng nếu bị ai mạt sát quá thì cũng thấy bị tổn thương, như vậy là mình đã thầm thầm chấp cho nó là thật rồi.

Tâm mình cũng thế. Quý vị làm việc cả ngày mệt mỏi rồi, nhưng lên đây nghe nói chuyện vui quá nên tâm trạng mệt mỏi tan biến đâu mất. Ở nhà đang có tâm sự buồn, lên đây nghe quý thầy nói chuyện liền hoan hỷ, thỏa mái thì cái buồn cũng không còn nữa. Vừa mới buồn đó, bây giờ lại vui. Cứ như thế, một ngày nó thay đổi liên tục không biết bao nhiêu lần mà kể. Vậy thì tâm đó là một cái bóng đổi thay sanh diệt liên tục, không có một thể thật gọi là mình, nó vốn là huyễn hóa, không thật.

Tất cả cảnh vật, của cải sinh hoạt hằng ngày cũng vô thường sanh diệt, không có gì chắc thật, lâu bền cả. Ông bà ta có câu: “Một đời ta ba đời nó”. Mình sống một đời mà mọi thứ nó đã sanh diệt đổi thay tới ba lần rồi, đâu có gì bền chắc?

Sự thật của thân, tâm sanh diệt và hoàn cảnh, vật chất, đều huyễn hóa, giả tạm, nhưng chúng ta không dám thấy nó là giả, luôn chấp cho là có thật. Mà một khi thấy mọi thứ là thật thì sẽ bị mắc bệnh trầm kha giống như anh chàng ngỡ mình đã uống phải con rắn kia.

Cụ thể, khi thấy thân này là thật của tôi thì sẽ quan trọng về nó. Từ đó bất chấp mọi thứ để lo cho nó tốt lành, ai đụng đến nó thì mình không chịu. Tất cả mọi thứ cuống cuồng lo cho thân, những phản ứng khi người khác xúc phạm đến thân… sẽ tạo nên mọi thứ rắc rối, khổ đau, đều do bắt nguồn ban đầu chấp thân là thật. Tâm cũng thế, cho tôi nghĩ là đúng nên người khác làm khác đi là không chịu, buồn tủi, tức giận, tạo nghiệp, khổ đau. Mọi thứ bên ngoài cũng thế, nghĩ nó là thật thì tham chấp, bị nó trói buộc, đưa đến khổ đau rất nhiều khía cạnh khác nhau. Cho nên, nếu chúng ta cho tất cả là thật thì sẽ bị căn bệnh trầm kha cột trói, chịu khổ trong sanh tử triền miên. Còn nếu chúng ta nhìn các pháp đúng như thật của nó là đồ giả, huyễn hóa, tạm có giống như cái bóng thôi, không có gì quan trọng thì mọi chuyện sẽ ổn, ngay đó là lành bệnh. Rất đơn giản, chỉ cần chuyển một cái nhìn.

Do chúng ta chưa có một cái nhìn đúng, chưa chịu nhìn đúng một cách triệt để nên chưa dám chuyển, chưa dám khẳng khái để nói mọi thứ đều là đồ giả cho nên còn nhiều vướn kẹt, còn bệnh trầm kha. Nếu đã thấu triệt, nhìn rõ tất cả chỉ là đồ giả thì mọi chuyện sẽ trở nên đơn giản, bình thường. Khi gặp việc vừa lòng thích ý mình cũng không thấy có gì là quan trọng. Khi gặp chuyện trái ý nghịch lòng mà thấy thân mình là giả, không ra gì hết, không có cái tôi thật cho nên mình không thấy có gì là bị xúc phạm… Chỉ cần nhìn lại cho đúng thì mọi việc được giải quyết ổn thỏa.

D. CỞI TRÓI (GIẢI THOÁT) BẰNG CÁCH NÀO?

I/ THẤY RÕ CÁI TRÓI BUỘC KHÔNG THẬT.

Tứ tổ Đạo Tín lúc còn là một vị sa di mười bốn tuổi, vừa mới xuất gia. Một hôm, ngài hỏi vị thầy của mình là Tam tổ Tăng Xán:

- Xin Hòa thượng từ bi ban cho con pháp môn giải thoát.

Ngài Tăng Xán bảo:

- Ai trói buộc ngươi?

Ngài Đạo Tín coi lại, không thấy cái gì trói hết nên nói:

- Không ai trói buộc cả.

Ngài Tăng Xán bảo:

- Đã không trói buộc, đâu cần cầu giải thoát!

Khi đó Ngài Đạo Tín liền đại ngộ và nối vị tổ thứ tư.

Lâu nay chúng ta cảm giác có một cái gì đó không được thỏa mái như là mình đang bị trói buộc cho nên trong lòng lúc nào cũng cảm thấy phiền phức lắm chuyện. Sao mà tôi bị cuộc đời trói cột hoài, không có lúc nào cảm thấy thoải mái hết, thấy như đang có cái gì đó trói buộc mình khổ sở lắm vậy. Nhưng khi ngồi lại tỉnh táo để nhìn cho thật kỹ thì sẽ nhận ra, cái gọi là trói buộc đó, nó chỉ là một khái niệm, một cái thầm thầm tưởng rằng mình đang có một cái gì đó trói buộc trong này vậy thôi. Nếu nhìn lại cho rõ, xét cho cùng cái đó từ đâu mà có, nó có thiệt hay không, hiện nay nó đang ở đâu, thì tự nó sẽ mất tăm dạng, không có cái trói buộc nào thật cả. Nếu cứ để miên man thì sẽ có cái niệm thầm ngỡ là có một cái gì đó đang trói mình, đó là do cái mê triền miên của mình nó trói buộc mình trong khổ não. Nếu một phen phấn chấn tinh thần, ngồi trấn tĩnh cho mạnh, nhìn trở lại tâm mình thì sẽ nhận ra không thật có cái gì trói buộc mình cả, mọi thứ tự vắng bóng, nhưng tâm chúng ta vẫn sáng biết rõ ràng. Do vắng bặt mọi thứ mà vẫn sáng biết nên cái biết rõ ràng lúc đó không động. Chính cái rõ ràng sáng biết tất cả mà không động đó là tâm chân thật đang hiện tiền. Chỉ cần khéo nhận, sống ngay đó thì được an ổn giải thoát liền. Ban đầu thì có thể thấy hơi khó, nhưng nếu hằng ngày biết sống về như vậy thì lâu ngày tự nó sẽ có sức sống, năng lực giải thoát tự nó có ra.

II/ NHẬN CHÂN CÁI THẤY BIẾT CHÂN THẬT THÌ KHÔNG CÒN BỊ CÁI GIẢ TRÓI.

Khi quý vị đã nghe, đã đọc thì được biết rõ thân này là giả, tâm này là giả, vật chất là giả, rồi cái trói buộc cũng giả luôn. Nhưng với người chưa bao giờ nghe được điều này thì họ khó để dám biết mọi thứ này là giả. Như vậy, khi chúng ta nhận biết mọi thứ là giả, đó là mình đã dùng trí mà thấy, đó là cái thấy biết trí tuệ rồi. Đó là một mức.

Giờ sang mức thứ hai. Đến đây quý vị đã nhận ra, khi biết tất cả là giả thì đó là chúng ta đang thấy biết bằng trí tuệ, vượt qua mọi thứ rắc rối trong đời. Nhưng trên thực tế, khi gặp việc thì mình vẫn còn thầm chấp là thật, chưa qua nổi, vậy lỗi này là ở chỗ nào? Phải phăng cho tới cùng thì mới gỡ ra được.

Khi nghe quý Thầy nói mọi thứ là huyễn hóa, quý vị có suy nghĩ và hiểu được. Chính cái tâm suy nghĩ đó là tâm sanh diệt, chưa rời huyễn hóa. Dùng tâm huyễn hóa để nghe về huyễn hóa thì mình vẫn còn nằm trong huyễn hóa, chưa thoát ra được. Mà cái huyễn hóa không thể đối trị được huyễn hóa. Đó là lý do mà chúng ta còn bị mọi thứ huyễn hóa chi phối, chưa thoát ra được các khổ đau.

Thêm nữa, khi đang ngồi nghe quý Thầy nói chuyện, tất cả mọi thứ là giả đây thì quý vị có chú ý lắng nghe không? Có chú ý lắng nghe từng lời. Khi chú ý như vậy thì quý vị đã bỏ mất bản vị của chính mình mà theo lời nói này rồi. Đây chính là cái mê vẫn còn cho nên chưa thoát khỏi sự chi phối của vô thường huyễn hóa. Nghe nói mọi thứ đều giả là hay, nhưng chú tâm, phóng tâm ra để nghe theo lời thì đó là bỏ mất chính mình mà đi ra rồi. Tâm đó chưa lìa sanh diệt, còn nằm trong tướng động tịnh đối đãi cho nên nó vẫn còn là cái giả huyễn hóa, chưa chắc thật. Dùng cái giả để học cái giả thì làm sao thoát ra khỏi được? Đây là cái vi tế khiến người học đạo dễ bị lầm. Rõ ràng lâu nay mình nghe nói mọi thứ đều là giả, nhưng dùng cái tâm giả để học về cái giả cho nên chưa thoát khỏi sự chi phối, khổ đau. Đây là do cái lỗi của người không khéo học đạo.

Bây giờ quý vị cũng nghe quý thầy nói chuyện như vậy, nhưng đừng để ý theo lời nói nữa mà trở lại bản vị, cái đang lặng biết của mình thì khi đó tánh ấy nó tự nghe, nhưng không động. Mới biết, khi không bỏ lời này, không chú tâm theo lời này, cũng không khởi tâm để mặc kệ thì tánh kia tự nghe một cách rõ ràng. Tánh này không động, vượt lên vô thường sanh diệt, chính tánh này mới tiêu dung mọi thứ, tự nó giải thoát, không còn khổ não. Lâu nay chúng ta cứ ngỡ là phải chú ý mới nghe, đâu ngờ không cần chú ý, không tán loạn cũng không cần khởi tâm phân biệt thì tánh kia tự nghe suốt khắp, không động. Còn khi chú ý lắng nghe là đánh mất nguyên ủy ban đầu chính mình, là rơi vào tình thức, cái nhìn có hạn lượng nhỏ hẹp. Cái đó không đủ lớn để đối phó với nổi khổ lớn sanh tử, không đủ lớn để tiêu dung những cái chi phối của cuộc đời này.

Thí dụ khi nhìn cái bình hoa này, nếu quý vị chú ý nhìn lên nó thì sẽ không thấy được sự hiện diện của cái ly này. Bây giờ đừng để ý đến bình hoa nữa, trả lại cái thấy biết ban đầu không động, lặng sáng mà nhìn thì sẽ thấy hết mọi thứ một cách rõ ràng, không động. Cái thấy biết lúc này không còn bị hạn cuộc ở bình hoa nữa mà thấy suốt hết tất cả, thấy bình hoa, cái ly, thấy quý thầy đưa tay… Vẫn ở bản vị của mình mà thấy biết suốt tất cả thì những cái này tuy có dao động, nhưng vẫn là không động chút nào. Mới hay ra, rõ ràng tánh giác kia tính chất của nó vốn tự không động, vốn tự giải thoát. Cuộc đời tuy chảy, các pháp tuy động, nhưng sống trở về tự tánh thì cái động đó vốn tự không còn động nữa mà sẽ trở nên sống động. Đây là chỗ giải thoát đặc biệt nhưng thực tế, cảm nhận được chứ không phải là chuyện xa vời. Sống với cái thấy biết chân thật đó thì chính nó mới có năng lực đủ lớn để chúng ta làm chủ được những cái sanh diệt trong cuộc đời, không còn bị sanh tử chi phối, trói buộc.

III/ CHỈ CHUYỂN CÁI NHÌN, KHÔNG HOẠI CÁC PHÁP THẾ GIAN MÀ BÀN THỰC TƯỚNG.

Khi đã biết tất cả đều là giả, không có gì quan trọng thì chúng ta không cần làm gì cả, có phải vậy không? Nếu vậy thì đức Phật đâu có thị hiện làm gì? Đức Phật là người thấy rất rõ sự giả tạm mong manh của kiếp người và chỉ cho chúng ta, nhưng tại sao ngài lại thị hiện vào trong cảnh giả làm gì?

Nếu ngài không thị hiện để chỉ bày thì chúng ta có biết được mọi thứ là giả không? Không thể, chúng sanh chỉ chấp mọi thứ là thật có cho nên các khổ điên đảo từ đó có ra. Từ trí tánh thanh tịnh, ngài thương chúng sanh cho nên từ bi, dùng nguyện lực thị hiện, đem đạo lý chỉ dạy để giải khổ chứ không phải ngài dính chấp, đi vào ta bà này rồi cho là cảnh giới của mình.

Ngài chỉ rõ cho chúng ta thấy thân vô thường, tâm vô thường, vạn vật vô thường, tất cả đều là giả tạm, huyễn hóa, vậy mình phải bỏ nó sao? Nếu bỏ thì mọi thứ xa rời mình rồi, làm sao sống? Còn nếu không bỏ thì nó trói cột mình, phải làm sao bây giờ? Đây là một điểm rất quan trọng đối với đời sống của mình.

Ví dụ trong nhà có một đứa nhỏ, quý vị đưa cho nó một chiếc vòng bằng vàng giả tuyệt đẹp. Nó rất thích thú và chơi say sưa với cái vòng vàng đó. Khi đang say sưa như thế, quý vị giựt lấy cái vòng vàng cất đi thì nó không chịu, ré lên khóc liền. Ngược lại, với mình là người lớn có cả một kho vàng thật rồi thì đối với vòng vàng giả kia có còn quan trọng nữa không? Giả sử có ai đó đặt cái vòng vàng giả trên bàn chơi. Hôm nào bị lấy mất thì cũng không thấy có gì tiếc cả. Do đã có cả kho vàng thật rồi thì chúng ta không quan tâm cái vòng vàng giả nữa, còn hay mất đều không thành vấn đề. Không quan tâm thì đâu có bị trói cột, đâu có gì khổ đau. Cùng một vòng vàng giả, nhưng với đứa con nít thì do không biết nó là đồ giả nên dính mắc cho nên khi bị mất đi thì nó sẽ rất đau khổ, khóc và đòi lại cho bằng được. Nhưng với người lớn thì đã có vàng thật, biết chiếc vòng giả kia là đồ không thật thì khi mất đi lại thấy bình thường. Như vậy, khổ đau là tại cái vòng vàng giả đó nó làm cho mình khổ hay tại mình? Nếu tại vòng vàng giả làm cho mọi người khổ thì lẽ ra người lớn cũng phải khổ vì nó. Đằng này nó có mất đi mình cũng thấy bình thường thì rõ ràng cái vòng vàng giả kia không lỗi, nó không có khả năng làm cho chúng ta khổ mà khổ là tại cái nhìn của chúng ta chưa đúng, đồ giả mà tưởng nó là thật mà thôi. Lỗi đã không phải tại cái vòng vàng giả kia, hay cụ thể hơn là nó không có khả năng làm cho chúng ta đau khổ thì không cần đợi đến khi vứt bỏ nó đi mới được giải thoát. Có thì để đó chơi cho vui thôi chứ không dính dáng gì, bởi chúng ta đã nhận biết nó là đồ giả, đã có một thùng vàng thật. Tương tự, đối với công việc làm ăn sinh hoạt hằng ngày cũng giống như vòng vàng giả kia vậy, mọi thứ không có lỗi. Tùy theo từng hoàn cảnh cho phép, chúng ta sống thì phải làm, phải ăn, không có gì lỗi cả, nhưng lỗi ở chỗ quên mất mình mà dính mắc, chấp trước cho nên bị mọi thứ trói buộc, khổ não có ra. Nếu chúng ta biết trả lại cái toàn thể đang sáng biết không động để làm tất cả thì mình vốn không động trong cảnh đời đang động, ngay đó sáng biết rõ ràng, không có gì lỗi, mọi khổ não tự nó tiêu dung.

Như vậy, tất cả chúng ta bị trói buộc không phải do cảnh mà chính là do tâm mình, chỉ tại chỗ mình quên hay là nhớ lại chính mình thôi. Quên giác, quên mình thì ngay đó liền bị mọi thứ chi phối, dính mắc, trói buộc, khổ đau. Nhớ lại thì liền trả lại bản thể ban đầu, không có gì trói buộc cả. Vậy thì đâu có cần phải bỏ công ăn việc làm hiện tại để tìm đến một phương trời xa xôi nào đó mới được giải thoát? Chỉ tại nơi mình thôi!

Thông thường quý vị đang ngồi đây thì dễ tỉnh lắm, nhưng vừa đứng lên bước ra ngoài để lái xe thì ngay cái khoảng quý vị vừa đứng dậy là bị bỏ quên chính mình liền. Ngay khi mình vừa đổi từ tư thế này sang tư thế khác thì chúng ta thường hay bất giác, vọng động nảy sinh ngay đó liền. Do chúng ta xem thường cái khoảng đó cho nên phát sinh ra lắm chuyện. Chư Tổ nói: “Cái họa hoạn của con người nó núp ở chỗ không nơi chốn, không thấy được, nhưng nó sẽ xuất hiện ngay chỗ mình xem thường, khinh suất.” Quý vị đang ngồi đây thì có thấy sân gì đâu, tìm không ra cái sân nó nằm ở đâu cả. Nhưng nếu xem thường, không giác tỉnh, ai đụng một chút là sân đùng đùng liền, cho nên nói “nó sẽ phát ra ngay chỗ mình xem thường”. Vừa coi thường, xem nhẹ thì họa hoạn nó nhảy vô liền, mà giác trở lại thì nó mất dạng. Công phu tu tập cũng vậy. Cụ thể, hằng ngày trước khi chuẩn bị đi làm, quý vị vẫn nhớ trả lại toàn thể biết không động là đúng. Bước lên xe, khoan hãy tính chuyện gì khác, xem coi lúc này đang nhớ hay quên? Trở lại sáng suốt trước thì bắt đầu cầm vô-lăng lái. Vô công việc cũng vậy, khoan hãy nói làm việc gì mà trước tiên cần coi là đang mất mình hay đang giác tỉnh rồi bắt đầu làm. Cho đến khi nào nhận ra rằng, cái nhớ lại mình đó là sinh mạng sống và mất mình chính là đi xuống trầm luân khổ đau, coi như mình bị chết, không được sống trong khoảng đó thì chúng ta mới cảm nhận được giá trị và quý sức giác tỉnh, mới thực hành một cách mạnh mẽ và có hiệu quả được. Sống như vậy một thời gian sau quý vị sẽ thấy tâm mình có thay đổi. Khi đang làm việc nhưng tâm mình vẫn tỉnh, vẫn sáng, vẫn làm chủ, thấy rõ mình đang làm chứ không phải quên mình theo việc. Ví dụ quý vị đang ngồi đánh máy, trước tiên chỉnh tư thế ngay ngắn tỉnh táo rồi làm thì mình vẫn đang làm mà sức giác tỉnh vẫn rõ ràng. Làm mọi việc với sự giác tỉnh như vậy thì có làm cả buổi cũng không mệt, luôn cảm thấy sảng khoái, vui vẻ bình thường. Nếu không giác tỉnh, vừa bỏ quên mình lao ra theo công việc thì bị cuốn theo dòng miên man của công việc. Một lát rời cái máy ra thì người mình sẽ mệt lã. Ban đầu thì tập như vậy, thời gian sau thuần thục rồi thì sức giác tự hiển hiện. Chúng ta sống, làm việc cũng như ngày xưa, nhưng cảm thấy an ổn và hoan hỷ vô cùng, thấy rõ tất cả mọi việc mình đang làm mà không cần phải phân biệt gì nữa.

Hoặc khi tụng kinh cũng vậy. Khi đã thuộc kinh văn rồi thì chỉ cứ tụng bình thường, đừng duyên theo tiếng. Khi quý vị trả lại tánh toàn thể tự sáng biết thì không còn phân biệt nữa, nhưng thấy mình đang tụng kinh rõ ràng. Từng tiếng mõ, từng tiếng chuông, từng tiếng khánh, tiếng tụng kinh của cả trăm người một lúc chúng ta đồng thời nghe hết, nhưng không động, không nghe theo tiếng, chỉ thấy mình đang trong lặng, sáng biết, mọi thứ tự nó hiển hiện một cách rất rõ ràng. Tụng suốt một thời kinh như vậy mới cảm nhận được Phật pháp sâu mầu như thế nào. Lúc này mới thấy, chúng ta vốn tự sáng biết không động, tất cả những cái dao động chung quanh không ra ngoài quỹ đạo của tâm mình. Tâm sáng thì mọi chuyện tự yên, không động. Theo thời gian công phu, sống về, năng lực này tự lớn mạnh. Chính năng lực sống này sẽ tiêu dung tất cả, dòng xoáy sanh tử không thể chi phối đến được.

Một ví dụ rất gần, dễ thấy. Hôm nào làm việc, đến giờ về rồi mà công việc chưa giải quyết xong, người làm bên cạnh không giúp đỡ mà còn quấy rầy nhiều thứ, lo lắng cho ngày mai lên họp có thể bị kiểm điểm vì công việc giải quyết chưa chu đáo. Bước vào nhà thì thấy mọi thứ bừa bãi, lộn xộn, không gọn gàng, chưa kịp cất cái túi xách thì nghe con cháu đi qua vô ý đóng mạnh cửa cái “rầm”, chúng ta sẽ bực bội lên liền. Lý trí thì biết rằng chỉ là một sự sơ xuất nhỏ của cháu con thôi, không có gì đáng giận. Biết là như thế, nhưng không biết vì sao trong lòng nó tự sôi sục, cứ bực bực rất khó chịu. Cho thấy chúng ta đã mất tự chủ, bị hành động đóng cửa kia ngự trị, chiếm lĩnh, chi phối, mất quyền kiểm soát, khiến chúng ta không thể dừng lại được mà phải tức bực, khổ đau.

Hôm khác đi làm mọi chuyện trong công ty được hanh thông, làm việc vui vẻ không thấy mệt, lại được tiền thưởng, được cho về sớm. Về nhà thấy mọi thứ ngăn nắp, gọn gàng, con cháu bước ra chào hỏi quan tâm vui vẻ, đem khăn mặt cho mình lau, mang nước ra mời uống, ngồi xuống thấy thoải mái vô cùng. Khi đó, con cháu đi quan lỡ đóng cửa cái “rầm”, chúng ta cảm thấy bình thường như không có gì xảy ra cả. Khi ấy, hành động đóng cửa kia có mà như không, không hề hấn gì đối với mình.

Như vậy, cùng một hành động đóng cửa, nhưng khi mất mình, không làm chủ thì chúng ta bị nó quấy rối, mà ngay khi rối thì tâm bị yếu, tâm yếu thì dễ sanh bực bội, khổ đau, vậy là đã bị sanh tử chi phối, trói buộc. Cũng một hành động đó, nhưng nếu khi đó tâm chúng ta đang an, đang sáng, đang có sức sống mạnh mẽ thì thấy chuyện đó rất bình thường, có cũng như không, không có gì cho chúng ta phải khởi tâm suy nghĩ nó là như thế nào cả. Ngay đó, không muốn giải thoát thì nó cũng đã tự giải thoát, không có gì ràng buộc.

Chỉ một tâm an nhờ vào hoàn cảnh bên ngoài thuận lợi mà đã có tác dụng như thế. Huống nữa đối với một tâm thể giác tỉnh, bất động, ngập tràn lạc an, năng lực ấy rất lớn sẽ khiến chúng ta bình thường trên mọi hoàn cảnh một cách rất tự nhiên, không thể nghĩ bàn nổi thì giá trị của nó lớn lao biết dường nào! Đóng cửa là một ví dụ cho tất cả các hoàn cảnh bên ngoài. Sự sống, cảnh duyên, số phận… nó có đến như thế nào đi nữa, chỉ cần một tâm giác tỉnh này đủ mạnh, chúng ta sẽ thấy mọi thứ trở nên bình thường, không có gì đáng khởi tâm, bàn luận.

Giả sử quý vị đang rất khát nước, gần như không còn chịu nổi. Tình cờ có ai đó cho mình một ly nước lã thì chúng ta rất ghiền, uống vào đến đâu thấm tận tâm can đến đấy, quá ngon. Hôm khác đi ăn tiệm, được mọi người đãi toàn những đồ uống thượng vị, đúng món mình thích, chúng ta đã ăn uống no nê. Ra đường gặp người bạn thân mời ly nước suối, nể lòng thì cũng uống, nhưng không thấy ngon, chỉ là bình thường, uống và không uống giống nhau. Như vậy, cùng là một ly nước suối, khi khát nước thì thấy rất ngon, ưa thích, là bị dính mắc, chi phối. Nhưng khi no rồi thì thấy bình thường, không có gì quan trọng, là không bị dính mắc, trói buộc, được giải thoát. Mọi thứ buồn vui, mừng giận, thương ghét, được mất, hơn thua… trong đời chỉ là một ly nước lã, nhưng do chúng ta còn đói với nước thượng vị chánh pháp, thiếu sức giác tỉnh nên khát thèm vị nước lã đó, bị những thứ tào lao trong đời nó chi phối, đưa đến mọi khổ đau. Nếu khéo tu tập, luôn giác tỉnh, sức giác tỉnh càng cao thì đó là chúng ta đang uống loại nước thượng vị được nhiều. Khi sức giác tỉnh đủ lớn, niềm lạc an trào dâng, nước thượng vị đã no đủ thì nước lã của mọi thứ ngũ dục sẽ không còn tác dụng với mình nữa. Không còn có niệm lấy hay bỏ mà tự nó vô tác dụng với chính mình, ngay đó là đã giải thoát chứ không phải tìm cầu giải thoát ở đâu khác. Tính chất, năng lực của bản tâm chân thật chính mình vốn tự nó có khả năng làm cho các pháp trần không còn đủ giá trị chi phối chúng ta nữa. Cho nên tu tập chỉ là nhận ra và sống về với bản tâm chân thật chính mình. Nếu quý vị giác tỉnh liên tục, nâng cái sức giác này càng cao thì ngũ dục sẽ bớt chi phối mình. Đến lúc năng lực giác này đủ lớn thì ngũ dục nó mới đầu hàng mình, nó hoàn toàn vô hiệu hóa, vô tác dụng thì chúng ta sống giữa cõi đời này chỉ là an lạc, không còn bị khổ đau nữa.

Tóm lại, tự tánh mình vốn đủ tính chất giải thoát, tức là nó sẵn là giải thoát rồi, chúng ta không cần loại bỏ hay tìm một cái gì xa xôi bên ngoài nữa, chỉ là hằng ngày đừng theo cảnh, luôn giác tỉnh, sống về bằng giác tánh thanh tịnh chính mình. Sống như vậy lâu ngày thuần thục thì chúng ta sẽ cảm nhận được năng lực giác tỉnh của mình mạnh lên. Chính năng lực này cho chúng ta một sức sống làm chủ cuộc đời và được giải thoát chứ không phải gạt bỏ mọi thứ bên ngoài để đi tìm một sự giác ngộ giải thoát gì khác ngoài tâm mình. Không gạt bỏ nhưng cũng không có quyền lao theo. Cũng làm, cũng ăn nhưng đừng lao theo mọi thứ. Chỉ là luôn giác lại và sáng tỏ rõ ràng trên mọi công việc, lấy đó làm sức sống. Theo thời gian, sức giác tỉnh đủ lớn, chúng ta sẽ cảm nhận được năng lực vĩ đại của tâm, mọi tính chất an lạc giải thoát vốn tự tròn đủ.

Để rõ được tinh thần trói buộc và giải thoát, chúng ta cần xác định lại mấy điểm chính.

- Ai trói buộc mình?

- Chính mình trói buộc mình.

- Tại sao chúng ta bị trói?

- Do tâm dính mắc nên bị trói.

- Tại sao lại dính mắc?

- Do lầm chấp cho các pháp là thật, cho thân tâm sanh diệt là thật nên bị dính mắc.

- Và chúng ta thực sự giải thoát khi nào?

- Khi đã nhận ra bản tâm chân thật nơi chính mình.

Là những bậc đã chứng ngộ, sống trọn vẹn bằng bản tâm thì các tính chất an lạc giải thoát tự tròn đủ. Chúng ta là những người còn đang mày mò công phu thì không cách nào hơn là luôn sống về bằng tâm giác tỉnh chính mình. Không phải mơ tưởng về một cái gì đó xa xôi, hằng ngày chỉ sống trở lại ngay tánh thấy biết rõ ràng không động nơi chính mình, lâu ngày sẽ có nội lực. Tuy chưa được trọn vẹn như quý ngài đã chứng ngộ, nhưng ngay khi giác tỉnh sống về như thế là quý vị đang sống về với phần giác của mình. Chính những phần đó, quý vị sống mạnh mẽ theo thời gian thì tự nó sẽ có năng lực, khiến cho mọi thứ không đủ sức chi phối mình nữa. Lúc này, quý vị sẽ nếm được hương vị giải thoát rất thực tế, rõ ràng. Theo đó công phu, phần giác đủ lớn, trong thoáng bất chợt tình cờ, tự mình nhảy thót vào chân trời toàn giác một cách rất bất ngờ, tự nhiên, mọi tác dụng tự vẹn đủ, phát huy một cách sinh động, đạo cả rõ ràng, không có sự trói buộc nào phải tháo bỏ, không có phương trời giải thoát nào cần thoát ra, mới cảm nhận được sự sâu mầu của Phật pháp.

E. KẾT LUẬN.

Một hôm, Thiền sư Pháp Nhãn hỏi đại chúng:

- Cổ cọp mang lục lạc, người nào mở ra được?

Đại chúng không đáp được. Khi đó, ngài Pháp Đăng hiệu Thái Khâm vừa đi ngang qua, Thiền sư Pháp Nhãn hỏi, Sư liền nói:

- Người cột mở được.

Người nào đã dám gan trời leo lên cổ con cọp để cột cái lục lạc kia thì chính người đó mới đủ can đảm mở nó ra được. Và hiện nay ai trói buộc mình? – Tự mình trói buộc mình. Ai mở ra được? – Cũng là tự mình thôi. Vậy là quá dễ. Tự mình trói và cũng chính mình tự mở. Rõ ràng mình là người trọn quyền tự giải quyết cho mình, khỏi phải ký kết hợp đồng nhờ ai cả. Quý thầy chỉ có thể nói cho quý vị nhận biết, còn phần mở ra, phần giải thoát là của mỗi người tự thực hành, quý thầy không thể làm thay được cho nên phần của quý thầy đến đây cũng hết.

Thích Tâm Hạnh (Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã TT Huế)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn