Bốn Nhiếp Pháp: Cá Nhân Và Quốc Gia

12 Tháng Bảy 201408:05(Xem: 11208)

BỐN NHIẾP PHÁP:

CÁ NHÂN & QUỐC GIA

Nguyễn Thế Đăng

1. Cá nhân

Bốn nhiếp pháp là bốn cách đối xử với người khác để làm lợi lạc cho người và cho mình trong sự tiến bộ phát triển chung về vật chất lẫn tinh thần. Bốn nhiếp pháp có trong kinh điển hệ Pali Nam tông và hệ Sanskrit Bắc tông. Ở Bắc tông được nhấn mạnh hơn bởi vì đây là sự thực hành hòa nhập và lợi lạc cho xã hội, đưa xã hội tiến bộ, của người thực hành đạo Bồ-tát.

Bố thí: là cho, chia sẻ, không bám giữ vào tài sản vật chất và tinh thần. Ngược lại với bố thí là sự keo kiệt, ích kỷ.

Người ta có thể cho bất kỳ lúc nào. Chẳng hạn, có người hỏi đường, ta chỉ cho họ cặn kẽ, như vậy là ta đã cho họ chút ít thời gian của mình, một chút công sức, và có thể một chút lòng tốt, tâm từ. Một nụ cười, một cái gật đầu chào, đó là cho. Sự cho đem lại dễ chịu, niềm vui cho cả hai bên.

Nếu thường giữ ý tưởng cho, trong một ngày chúng ta sẽ có rất nhiều cơ hội để cho, để đem lại sự vui lòng cho người khác, để niềm vui của lòng tốt nở hoa giữa cuộc đời. Khi sống với ý tưởng cho, tự nhiên chúng ta thấy mình rất giàu có, vì có rất nhiều thứ để cho, thậm chí một ý nghĩ chúc lành trong tâm đã là cho rồi. Cho tạo ra sự thân quen, gần gũi và làm cho tâm hồn chúng ta và người khác rộng lớn ra, vui vẻ hơn.

Khi tụng kinh hay làm một việc tốt chúng ta hồi hướng, đó là cho. Thấy một cảnh đẹp, chúng ta mong muốn người khác cũng được hưởng thụ những cảnh đẹp như vậy, đó là cho. Cho làm cho tâm rộng ra, thư thái, trong sạch vì thoát khỏi bám chấp, ích kỷ, hạn cuộc.

Cho là một hành động từ bi; và khi được kết hợp với trí huệ, nghĩa là sự thấy được tính cách không cách biệt ngăn ngại giữa chủ thể và đối tượng, thì đây là một pháp thực hành của Bồ-tát: từ bi bao la kết hợp với trí huệ không có chướng ngại, trí huệ vô ngại.

Ái ngữ: Lời nói là sự biểu lộ của tâm. Tâm ta cáu kỉnh, bực dọc, công kích, đập phá thì lời nói của ta cũng cáu kỉnh, bực dọc, công kích, đập phá. Ái ngữ là lời nói tử tế, an hòa, xây dựng, hòa hợp, độ lượng. Thực hành lời nói như vậy thì tâm ta cũng tử tế, hòa hợp, từ bi. Nói để lấy lòng, nịnh nọt, bóp méo sự thật thì không phải là ái ngữ. Để nói đúng (chánh ngữ) thì phải thấy đúng (chánh kiến), như vậy phải có trí huệ.

Ái ngữ là sự nối kết giữa người này và người khác bằng từ bi và trí huệ để tiến bộ. cho nên ái ngữ là một thực hành của Bồ-tát.

Lợi hành là hành động lợi ích cho người khác. Ngày nay, với sự phân công trong một xã hội như một hệ thống mà việc làm của một người ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống, thì mỗi người dù muốn hay không đều bắt buộc làm lợi ích cho người khác. Để lãnh lương, anh điện phải thường trực cung cấp điện, anh nước phải sửa ngay đường ống nứt bể, anh vệ sinh phải lấy rác mỗi ngày. Mỗi người như một con ong, làm việc để duy trì và phát triển tổ ong.

Nhưng lợi hành còn hơn là sự bắt buộc hay bổn phận. Lợi hành là cái tâm tích cực luôn luôn làm điều lợi ích cho người khác không chỉ ở chỗ làm mà trong mọi sinh hoạt của xã hội. Lượm một bao nhựa bỏ vào thùng rác công cộng, đó là lợi hành. Dạy học trò với mục tiêu đào tạo những công dân tốt, giỏi cho xã hội, đó là lợi hành. Lợi hành có mặt ở mọi phương diện xã hội, mọi cấp độ của xã hội, từ chức vụ cao nhất đến chức vụ thấp nhất.

Chúng ta thấy ngày nay trên thế giới những xã hội, những quốc gia phát triển nhất đều có tinh thần lợi hành cao nhất. Một điều dễ thấy là những quốc gia giàu có nhất đều có năng suất lao động cao nhất.

Lợi hành là một phương diện của từ bi, và còn được kết hợp với trí huệ không tham, không sân, không si để được tự do ngay khi làm. Nhờ trí huệ, lợi hành được trở nên thanh tịnh và thành thật, không tự lừa dối, và do đó tâm trong sáng, an vui.

Đồng sự là cùng làm với người khác, cùng chia sẻ công việc, hợp tác với người khác. Người tiến bộ không đứng ngoài công việc và số phận của người khác. Trong ý nghĩa rộng hơn, đồng sự là cùng sống một thân phận làm người với người khác, cùng nhẫn chịu một sanh tử với chúng sanh, cùng hợp tác để đưa mọi người tiến bộ về vật chất và tâm linh.

Cùng chung một số phận với chúng sanh để làm lợi lạc cho họ, đây là lòng bi. Nhưng đồng thời với trí huệ, Bồ-tát ở rất xa cái gọi là thế gian này, vì trong trí huệ thì “không có mắt tai mũi lưỡi thân ý, không có sắc thanh hương vị xúc pháp, không có vô minh cho đến lão tử…” (Bát-nhã Tâm kinh). Tóm tắt, ở thế gian, cùng làm việc với người khác mà không nhiễm ô bởi thế gian. Đây là chỗ người xưa nói “hòa quang đồng trần”.

Chúng ta có thể hỏi bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự ở đời nào cũng phải có, ở bất cứ tổ chức nào cũng phải có, để tổ chức ấy vận hành tốt. Đó là những kỹ năng để sống và hợp tác trong bất cứ công việc nào. Thế thì cần gì đến Phật giáo chỉ dạy bốn nhiếp pháp này? Bốn nhiếp pháp này ở đời cũng có, nhưng không sâu sắc, căn bản bằng Phật giáo, vì bốn nhiếp pháp Phật giáo bắt nguồn từ trí huệ và từ bi, nghĩa là từ nền tảng sâu thẳm nhất của con người.

Bốn nhiếp pháp là sự kết hợp của trí huệ và từ bi. Ứng dụng chúng, người ta làm lợi lạc cho người và cho mình trên con đường phát triển một nhân cách cao hơn và rộng hơn. Con đường Bồ-tát đi bằng hai chân trí huệ và từ bi để đến nhân cách cao cả nhất và rộng lớn nhất là nhân cách giác ngộ. Thế nên bốn nhiếp pháp là sự thực hành quan trọng của Bồ-tát.

2. Quốc gia

Ngày nay nhân loại vẫn đang tiến theo chiều hướng tích cực ấy. Điều đó được gọi là sự tiến bộ hay phát triển về vật chất và tinh thần của thế giới. Ngoài những thể chế lớn như Liên hiệp quốc và các tổ chức khác của nó như UNESCO, FAO… còn có các tổ chức phi chính phủ.

Chiến tranh và tăng cường chi phí quân sự là điều đang xảy ra mặc dầu đã mấy ngàn năm phát triển văn hóa văn minh. Chiến tranh là do những xúc tình tiêu cực tham sân si, kiêu căng, đố kỵ, nghi ngờ… Nếu biết sống theo những điều tích cực là bốn nhiếp pháp, những xúc tình tiêu cực sẽ bị loại trừ, nghĩa là loại trừ chiến tranh và những phương tiện của chiến tranh.

Bố thí hay là sự chia sẻ: qua các viện trợ, cứu trợ… cho các nước nghèo hoặc bị thiên tai. Học bổng du học để giúp đỡ những nước kém phát triển. Mọi nghiên cứu, khám phá trong mọi lãnh vực đều được chia sẻ trong thời đại toàn cầu hóa. Giải Nobel do người Thụy Điển lập ra, nhưng ngày nay nó đã trở thành một giải thưởng thế giới để trao tặng cho những nhân tài bất kể quốc gia, bất kể chủng tộc.

Ái ngữ của một quốc gia là những lời nói, những tuyên bố mang lại hòa hợp, hài hòa, thay vì hung hăng, đưa đến đấu khẩu và chiến tranh. Những tuyên ngôn của Liên hiệp quốc mang tính ái ngữ rõ ràng. Một quốc gia có ái ngữ thì được đánh giá cao, văn minh.

Lợi hành: thế giới là một hệ thống các quốc gia đan xen, tương thông, tương tác. Mỗi quốc gia làm việc với nhau, cạnh tranh một cách hòa bình với nhau để tạo ra những giá trị về vật chất và tinh thần cho cả thế giới. Một nhà hàng ăn, một khu chợ có đủ tất cả các sản phẩm của các nước, nhìn vào đó là chúng ta thấy cả thế giới.

Đời sống một người, dù ý thức rõ ràng hay không, đều đóng góp phần mình vào sự sinh hoạt của thế giới.

Đồng sự: chia sẻ với nhau về số phận con người, sự nóng lên của trái đất, sự hủy hoại môi trường, thiên tai… Chia sẻ với nhau những thành tựu văn hóa, khoa học, kỹ thuật. Một mồi lửa chiến tranh là nhiều quốc gia, các khối quốc gia tìm cách dập tắt. Tất cả mọi văn hóa văn minh là để cải thiện số phận con người và mọi quốc gia đều tham gia vào đó. Tinh thần hợp tác không còn là một kêu gọi đạo đức, mà là một tất yếu để nhân loại sống còn và phát triển.

Cho nên bốn nhiếp pháp áp dụng vào đời sống quốc tế sẽ đảm bảo cho sự tồn tại và tiến bộ của nhân loại. Đi nghịch lại bốn nhiếp pháp là cản trở và phá hoại sự tiến bộ phát triển của nhân loại, thậm chí tiêu diệt nhân loại. Bốn nhiếp pháp càng được áp dụng thì nhân loại càng sống trong hòa bình, hạnh phúc để phát triển đến sự hoàn thiện của con người. (Văn Hóa Phật Giáo số 203)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn