Thực Tập Như Thế Nào

20 Tháng Bảy 201415:39(Xem: 7599)
THỰC TẬP NHƯ THẾ NÀO
Đức Đạt Lai Lạt Ma
Tuệ Uyển chuyển ngữ

blankTông Khách Ba giải thích vấn đề học nhân nên nương tựa vào một vị thầy tâm linh như thế nào và vấn đề vị thầy nên hướng dẫn học nhân trong sự hướng dẫn của Đức Phật như thế nào. Tất cả mọi giáo huấn của Đức Phật đều hướng đến việc đem tới sự thực chứng nguyện vọng tức thời của chúng ta - tái sanh vào một thế giới cao hơn - và nguyện vọng lâu xa - đạt đến giải thoát. Nhằm để hướng dẫn học nhân trong những hướng dẫn này, vị thầy tâm linh cần có những phẩm chất nào đó. Hiệu lực của giáo huấn luôn luôn tùy thuộc vào phẩm chất của vị thầy. Thí dụ, khi chúng ta chọn lựa một trường đại học hay một trường học nào đấy, chúng ta biết rằng phẩm chất của trường học chính yếu được quyết định bởi phẩm chất của các vị giáo sư hay giáo viên làm việc ở đấy.

Đức Phật đã phác thảo trong nhiều kinh luận về những phẩm chất mà các vị thầy cần cho những loại hướng dẫn đặc thù, từ những nguyên tắc đạo đức của tu sĩ (giới luật) đến tantra yoga tối thượng. Đối với giáo huấn con đường tiệm tiến, vị thầy phải là người nào đấy có thể truyền đạt những hướng dẫn chứa đựng những sự thực tập của tất cả những người trong ba trình độ năng lực[1]. Những phẩm chất then chốt kể cả mười điều được liệt kê trong Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận của Di Lặc. Tông Khách Ba (1:71) trích dẫn một đoạn từ Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận:

Nương tựa vào một vị thầy Đại Thừa, một người nguyên tắc, trong sáng, bình lặng, có những phẩm chất tốt đẹp vượt trội những học nhân, là năng động, có một kiến thức kinh luận phong phú, sở hữu lòng quan tâm thương mến, có kiến thức toàn bộ về thực tại và năng khiếu trong việc hướng dẫn đệ tử, và đã từ bỏ sự mất nhuệ khí.

Tông Khách Ba (1:71) giải thích:

Như được nói rằng những ai tự không có nguyên tắc thì sẽ không có căn bản cho việc hiện thực nguyên tắc cho người khác. Do thế, đạo sư, người muốn rèn luyện tâm thức người khác trước nhất phải tự rèn luyện tâm thức của họ. Họ nên rèn luyện như thế nào? Sẽ không có lợi ích cho họ chỉ với việc hoàn thành một thực hành nào đó, và rồi gọi kết quả ấy là một phẩm chất tốt đẹp của kiến thức. Họ cần một cung cách để rèn luyện tâm thức tùy thuộc với giáo huấn phổ thông của Đấng Chiến Thắng (tức là Đức Phật). Ba điều rèn luyện quý báu (giới, định, tuệ) xác định rõ một cung cách như vậy.

Những hướng dẫn của Đức Phật trước hết gắn liền với việc đạt đến giải thoát; những thực tập chính cấu thành con đường đến giải thoát là những sự thực tập của giới, định, tuệ. Vì vậy, vị đạo sư trao truyền những sự hướng dẫn này phải rèn luyện tâm thức của chính vị ấy trong những điều này và phải biểu hiện tri thức phát sinh từ những tu tập này. Hơn thế nữa, vì những giai tầng của con đường tiệm tiến là những hướng dẫn không chỉ để đạt đến giải thoát mà cũng cho việc đạt đến Giác Ngộ tròn vẹn của Quả Phật, do vậy vị thầy phải có thể trình bày một con đường bao gồm những sự thực tập chẳng hạn như tâm Giác Ngộ - tâm bồ đề, và đại bi. Và nhằm có thể thực hiện việc này một cách chính xác, vị thầy phải thật sự có những phẩm chất này.

Luận điển của Di Lặc thêm rằng vị thầy phải có một kiến thức hoàn hảo về thực tại, có nghĩa là việc hiểu biết về bản chất cứu kính của mọi thứ. Điều này phản chiếu quan điểm triết lý của tác giả, người trình bày nét khác biệt của trường phái Duy Thức giữa vô ngã của con người (nhân vô ngã) về một mặt và mặt kia là thực tại cứu kính. Luận điển của Di Lặc xem tuệ trí trong phạm vi của ba rèn luyện như tuệ trí của nhân vô ngã - chứ không phải là tuệ trí của việc hiểu biết thực tại cứu kính. Vì thế, ngài liệt kê một phẩm chất bổ sung của việc thực chứng thực tại cứu kính - tri thức về vô ngã của các hiện tượng (pháp vô ngã) - đây là thực tại cứu kính như được thấu hiểu trong hệ thống Duy Thức.

Tông Khách Ba (1:75) xem ba phẩm chất chính cần thiết trong một học nhân của giáo huấn con đường tiệm tiến: công bằng, thông minh, và cần mẫn. Khi tìm cầu cho việc thông hiểu bản chất của thực tại, thật quan trọng để có một quan điểm khách quan hay không bè phái. Bằng khác đi, quý vị sẽ bị tác động bởi tính thiên vị của quý vị với một hệ thống hay một cung cách giải thích mọi thứ. Sự không công bằng như vậy gây trở ngại với sự thông hiểu bản chất thật sự của thực tại.

Thông minh ở đây liên hệ đến sự thông minh tối quan trọng có thể thấy rõ sự khác biệt giữa những gì đúng và những gì sai, những gì chính xác và những gì không chính xác. Đó là một năng lực tinh thần tìm hiểu cấp thiết, tính tò mò. Lúc bắt đầu thực hành, quý vị cần có một mức độ hoài nghi, một loại nghi ngờ. Điều này cực kỳ quan trọng. Đây là bởi vì chỉ loại nghi ngờ thế này mới tạo ra một loại khả năng thật sự cho việc thông hiểu sâu xa hơn. Nếu quý vị tiếp cận mọi giáo lý ngay từ đầu chỉ với một đức tin đơn thuần, thế thì loại khả năng thế này sẽ không phát sinh.

Truyền thống Ấn Độ cổ truyền nhận diện chủ đề của mỗi luận điển, là lý do trước mắt cho việc tìm cầu sự thông hiểu chủ đề đó, và mục tiêu lâu dài của việc đạt đến một kiến thức như vậy. Khi một luận điển được sáng tác bởi một người với những năng lực phê phán, nó được thấy trước rằng một người như vậy muốn biết về những nhân tố này. Đôi khi một luận điển truyền thống cho biết trước rằng những người khác biệt sẽ thâm nhập luận điển trong những cách khác nhau. Những ai với năng lực hơi thấp có thể tiếp cận kinh điển với niềm tin và sùng mộ đạo đức, trong khi những người với năng lực tinh thần hơi phê phán hơn sẽ muốn biết từ quan điểm nào mà luận điển trình bày về bản chất của thực tại.

Tông Khách Ba rồi thì trình bày một tiến trình thật sự mà qua đấy hành giả nương tựa với vị thầy tâm linh. Thể trạng nào của tâm thức và thái độ nào mà hành giả nên chấp nhận? Như ngài giải thích điều này, Tông Khách Ba (1:86) nêu lên câu hỏi:

Chúng ta phải thực hành phù hợp với lời dạy của đạo sư. Rồi thì nếu chúng ta nương vào những đạo sư và họ lại hướng dẫn chúng ta trong một con đường sai lạc hay dùng chúng ta trong những hành vi mâu thuẩn với ba thệ nguyện? Chúng ta phải làm những gì họ nói chứ?

Ngài trả lời ba câu hỏi của chính ngài:

Với sự tôn trọng điều này, Đức Quang (Cầu Na Bạt Đà La) trong Giới Kinh đã nói rằng, "Nếu vị trụ trì yêu cầu con làm những gì không phù hợp với giáo huấn, hãy từ chối". Cũng thế Bảo Vân Đại Thừa Kinh nói rằng, "Với sự tôn trọng đạo đức hãy hành động phù hợp với lời dạy của đạo sư, nhưng đừng hàng động theo lời dạy của đạo sư nếu phi đạo đức". Do thế, quý vị quyết không nghe theo những hướng dẫn phi đạo đức. Câu chuyện sinh lần thứ 12 rõ ràng cho chúng ta ý nghĩa của việc không dấn thân trong những gì không thích đáng.

Câu chuyện sinh lần thứ 12 liên hệ đến Chuyện Tiền Thân (Jataka)[2].

Thí dụ, trong tất cả những vị thầy của Atisa, vị quan trọng nhất là Serlingpa. Atisa đặc biệt tôn kính Serlingpa vì giáo huấn của ngài về tâm Giác Ngộ, hay tâm bồ đề. Tuy nhiên, quan điểm triết lý của Serlingpa là Duy Thức học. Đúng là Serlingpa là vị thầy quan trọng nhất của Atisa nhưng không có nghĩa Atisa sẽ tuân theo những sự hướng dẫn của vị đạo sư ấy trong mọi lãnh vực. Ngài là một học nhân chân thành của Serlingpa, nhưng trong trường hợp của sự thấu hiểu triết lý ngài đi theo Trung Quán tông hơn là tiếp nhận quan điểm Duy Thức tông của thầy ngài.


Thiền Tập

Như ngài đã giải thích vấn đề nương tựa vào vị thầy tâm linh như thế nào, Tông Khách Ba (1:94-99) phác họa những gì phải làm trong một buổi thiền tập nghi thức, trình bày sáu thực hành chuẩn bị và bảy điều quán nguyện[3]. Sau đó ngài giải thích (1:100-108) vấn đề ăn ở thế nào giữa những buổi thiền tập. Thật quan trọng để có một sự cân bằng giữa ăn uống và ngủ nghĩ đồng thời, để gia tăng năng lực thực hành của quý vị. Quý vị phải nên canh chừng những cánh cửa của các giác quan và sống với tỉnh thức, với sự cẩn trọng. Vấn đề là những buổi ngồi thiền nghi thức và những thời gian giữa các buổi ngồi thiền phải là bổ sung cho nhau, mỗi thứ làm nổi bật phẩm chất cho nhau. Hãy nghiên cứu để sử dụng 24 giờ mỗi ngày để nuôi dưỡng đạo đức bằng phương tiện này hay phương tiện khác.

Không ai thức dậy vào sáng sớm và nghĩ, "Hôm nay tôi thật sự nên có thêm rắc rối. Tôi phải có thêm xung đột và sân hận". Thay vì thế chúng ta nghĩ, "Hôm nay tôi hy vọng cho một ngày vô cùng an hòa, một ngày tự do và hạnh phúc". Trên hành tinh với sáu tỉ người, không ai muốn nhiều rắc rối. Nhưng vẫn có vô số vấn nạn - hầu hết được chúng ta làm ra. Điều này dường như rõ ràng. Chúng ta thật sự muốn những gì tốt đẹp, nhưng tâm tư chúng ta hoàn toàn bị khống chế bởi phiền não. Những phiền não tinh thần này căn cứ trên si mê ở nhiều mức độ, kể cả si mê căn bản vi tế và si mê ở những mức độ thô. Những tâm thức si mê ô nhiễm nào không biết thực tại. Tâm thức si mê nhìn vào mọi thứ chỉ từ một khía cạnh và quyết định, "Ô, điều này là xấu", hay "Điều này là tốt".

Thiền tập có nghĩa là học hỏi để kiểm soát tâm ý chúng ta, theo cách ấy, bảo vệ tâm thức chúng ta khỏi bị khống chế bởi vọng tưởng và những phiền não khác. Chúng ta có thể nghĩ, "Ô, tôi mong tâm ý tôi không bị khống chế bởi si mê và những phiền não khác". Nhưng những phiền não này là vô cùng mạnh mẽ và rất tàn phá; chúng sinh khởi mặc cho mong ước của chúng ta. Chúng ta phải hành động để phát triển những biện pháp đối phó hiệu quả. Chúng ta không thể mua những phương thuốc điều trị như vậy từ một cửa hàng; ngay cả những máy móc rất phức tạp cũng không thể chế ra những phương thuốc như vậy cho chúng ta. Chúng được đạt đến chỉ qua các nổ lực tinh thần, việc rèn luyện tâm thức trong thiền tập. Thiền tập có nghĩa là làm cho tâm thức chúng ta quen thuộc với năng lực gây tác dụng đối lập [với si mê và phiền não], trở thành thói quen với chúng ngày qua ngày, tuần qua tuần, tháng qua tháng, năm này qua năm khác. Ngay cả kiếp này qua kiếp khác, năng lực vẫn tiếp tục. Dần dần, những năng lực đối lập này trở thành mạnh hơn và, khi chúng hoạt động, những phiền não tự động lùi lại bởi vì chúng không hợp với những thể trạng tinh thần mới này. Hai thứ này mâu thuẩn với nhau trong chiều hướng tri giác nên chúng không thể tồn tại với nhau.

Tạng ngữ tương đương với thuật ngữ "thiền tập" là gomba. Trong Phạn ngữ là bhavana, có nghĩa là trau dồi và làm quen thuộc một cách thận trọng. Một cách phổ thông Tạng ngữ động từ gompa có nghĩa là "thuần thục" hay "trở thành quen thuộc", nhưng như sgompa nó là một động từ hoạt động, biểu thị một tác nhân, người hành động một cách cẩn trọng một loại việc làm quen thuộc đặc thù.

Phạm vi của những hành động của chúng ta được sai khiến bởi tâm thức của chúng ta và tâm thức hóa ra bị khống chế và sai khiến bởi phiền não. Trong sự giải thích này, mặc dù chúng ta mong ước hạnh phúc, nhưng chúng ta lại kết thúc với khổ đau. Chúng ta rất quen thuộc và tập làm quen với những tình trạng tinh thần vô nguyên tắc. Thâm nhiễm qua nhiều kiếp sống, những tình trạng tinh thần như vậy dường như tự động và tự nhiên. Khi chúng ta hành thiền vì thế làm lớn mạnh những phương pháp hóa giải, thì chúng ta đang chống lại những khuynh hướng phiền não. Chúng ta đang học tập những kỷ năng mới, một cung cách suy nghĩ mới, một cung cách sống mới. Như vậy, mới đầu những phương pháp hóa giải này rất yếu kém, nhưng sau một thời gian chúng trở nên mạnh mẽ hơn, và khi chúng hoạt động, những phiền não trở nên yếu kém hơn.

Phiền não thay đổi kinh khủng và cơ hội chủ nghĩa không thể ngờ. Bất cứ khi nào có cơ hội, chúng tìm cách này hay cách khác để biểu hiện. Cho nên thật quan trọng để thấu hiểu chúng và nhận ra chúng, để biết vấn đề chúng xuất hiện như thế nào trong tâm thức chúng ta. Thí dụ, chúng ta có khuynh hướng xem dính mắc như một người bạn. Nó là một tính chất của tâm thức có xu hướng lôi kéo những thứ khác đến với chúng ta, vì thế nó giúp chúng ta tập hợp những điều kiện với nhau mà chúng ta tưởng rằng nó hữu ích cho sự sống còn của chúng ta. Sân hận và thù oán là những tình trạng tinh thần sinh khởi trong mối quan hệ với một chướng ngại; chúng ta có xu hướng cảm thấy rằng chúng hiện diện ở đấy để bảo vệ chúng ta chống lại những thứ mà chúng ta không muốn. Chúng ta xem chúng như những người bạn đáng tin cậy, bảo hộ chúng ta.

Đáp lại sự đa dạng và xảo quyệt của phiền não, chúng ta cần những phương pháp hóa giải đầy năng lực và đa dạng. Đức Phật đã dạy về tám mươi bốn nghìn pháp môn; kinh luận giải thích các giáo huấn này là vô số luận điển giảng rộng. Có một mục tiêu duy nhất, cứu kính tiềm tàng phía sau những giáo huấn này - để giúp chúng ta tìm thấy sự hòa bình của tâm thức. Nhưng chúng ta cần một lực lượng đa dạng các giáo huấn và những sự thực tập bởi vì các phiền não quấy rầy chúng ta gồm rất nhiều loại khác nhau. Cũng thế, chúng biểu hiện khác nhau trong những cá nhân khác nhau. Nếu chúng ta thẩm tra tự chính các phiền não, về vấn đề chúng thể hiện chức năng trong tâm thức chúng ta, và những điều kiện bên ngoài và bên trong làm chúng sinh khởi như thế nào, thế rồi tốt hơn là chúng ta chuẩn bị phát triển những phương pháp hóa giải. Thật không đủ nếu chỉ nhận ra sự tàn phá của phiền não và rồi mong ước hay cầu nguyện chúng tan biến đi. Chúng ta phải rất cẩn trọng trong việc phát triển những phương pháp hóa giải chúng.

Chúng ta phát triển những phương pháp hóa giải đối với các phiền não qua một loạt các trình độ (1) tuệ trí xuất phát từ học hỏi - văn, (2) tuệ trí xuất phát từ quán chiếu - tư, (3) tuệ trí xuất phát từ thiền tập - tu. Tuệ trí xuất phát qua học hỏi đến từ việc lắng nghe một vị thầy hay nghiên cứu một văn bản. Trong những cách này quý vị có thể phát triển một sự thông hiểu tri thức về những đặc tính của các phiền não và những phương pháp hóa giải thích đáng đối với mỗi thứ. Trên căn bản của sự thấu hiểu tri thức này, quý vị sau đó phải quán chiếu một cách cẩn trọng và liên tục, làm sâu sự thấu hiểu của quý vị cho đến khi quý vị có một cảm nhận chân thành về sức thuyết phục, về hiệu lực của các phương pháp hóa giải.

Qua trình độ thứ hai này, sự hành thiền của quý vị là phân tích một cách chính yếu. Khi quý vị dấn thân trong sự quán chiếu cẩn trọng và hành thiền phân tích, quý vị phải sử dụng lý trí căn cứ trên bốn nguyên tắc, những thứ này là bốn con đường mà qua đó chúng ta tiếp xúc với thực tại[4]. Đây là (a) nguyên lý bản chất, (b) nguyên lý phụ thuộc, (c) nguyên lý công năng, và trên căn bản của ba nguyên lý này - (d) nguyên lý chứng cứ. Thí dụ, việc khảo sát tâm thức trong dạng thức của nguyên lý bản chất, chúng ta thấy rằng nó được mô tả đặc điểm một cách rõ ràng và hiểu biết. Xét cho cùng, trong dạng thức của nguyên lý bản chất, chúng ta thấy rằng tất cả những thể trạng tinh thần thay đổi từng thời khắc. Chúng là nhất thời và chóng tàn phai. Cũng thế trong tâm thức, chúng ta thấy các quá trình hoạt động của những mâu thuẩn xung khắc. Thí dụ, chúng ta biết rằng thù oán và sân hận đối với ai đấy là trái ngược với từ ái và bi mẫn đối với người ấy. Những năng lực đối kháng này mâu thuẩn với nhau vì thế chúng ta không thể có cả hai loại cảm giác này cùng một lúc. Chúng giống như nóng và lạnh, đối lập với nhau vì thế ngăn ngừa nhau cùng tồn tại. Ý tưởng này về các quá trình hoạt động của những mâu thuẩn xung khắc là một bộ phận của nguyên lý bản chất.

Khi, căn cứ trên việc phân tích bản chất, quý vị rồi thì phân tích những mối quan hệ nhân quả, đây là nguyên lý phụ thuộc. Việc nhận ra những mối quan hệ nhân quả này, thì chúng ta có thể đi đến thấu hiểu về những công năng đặc biệt của những thể trạng tinh thần khác biệt. Rằng mỗi thứ - trong trường hợp này, mỗi thể trạng tinh thần - có chức năng riêng biệt của chính nó là nguyên lý công năng. Rồi thì, việc thông hiểu ba nguyên lý này, quý vị có thể sử dụng chứng minh hợp lý. Trường hợp là như vậy và như vậy, điều gì khác phải tiếp theo một cách hợp lý.

Sử dụng bốn nguyên lý này trong phân tích, quý vị có thể đem đến những phương pháp hóa giải chống lại từng phiền não khi nó sinh khởi trong tâm thức quý vị. Căn cứ trên loại thiền tập phân tích này, rồi thì quý vị có thể đi tới trình độ thứ ba - tuệ trí xuất phát từ thiền tập. Ở đây, sự hành thiền của quý vị trở thành ở trong bản chất của định tập trung nhiều hơn và quán phân tích ít hơn. Sự tiếp cận chính yếu được duy trì trong sự nhất tâm trên sự kiện mà quý vị đã quyết định trong phân tích. Qua thiền tập trên sự kiện này với sự tập trung nhất tâm, sự kiện này trở thành rõ rệt hơn bao giờ hết, cho đến khi quý vị đạt đến tuệ trí từ việc hành thiền. Đây là những bước mà qua đấy chúng ta chuyển hóa tâm thức chúng ta.


HỎI VÀ ĐÁP

HỎI: Thưa Đức Thánh Thiện, ngài đã nói rằng chúng ta liên hệ đến những sự kiện căn cứ trên nhận thức của chúng ta hơn là căn cứ trên thực tại. Chúng ta cần phân biệt các nhận thức của chúng ta và thực tại. Nhưng làm sao chúng ta biết thực tại mà không liên hệ với những nhận thức của chúng ta?

ĐÁP: Một cách tổng quát, nếu quý vị nhìn vào một sự vật riêng lẻ hay một sự kiện chỉ từ một khía cạnh, sau đó quý vị không thể thấy toàn bộ hoàn cảnh. Nhằm để thấu hiểu một sự kiện quý vị phải nhìn từ những khía cạnh khác nhau. Ngay cả trong trường hợp của một thứ vật lý, việc hiểu biết chỉ một chiều kích của nó không cho quý vị thấy toàn bộ hoàn cảnh. Với ba hay bốn hay sáu chiều kích, rồi thì quý vị có thể có một bức ảnh rõ ràng hơn. Chính là cách này với mọi thứ; quý vị phải thẩm tra chúng từ những quan điểm khác nhau, cùng với những chiều kích khác nhau. Việc thấy chỉ từ một khía cạnh, luôn luôn có một khoảng cách giữa hiện tướng và thực tại. Đây là tại sao khảo sát là quyết định. Chỉ qua sự khảo sát thì chúng ta mới có thể giảm thiểu khoảng cách giữa hiện tướng và thực tại. Chỉ trong cách này.

Trước đây tôi đã sử dụng những từ "hiện tướng" và "thực tại" trong phạm vi của hai chân lý (nhị đế). Làm sao chúng ta có thể thấu hiểu gốc rể khổ đau của chúng ta? Đâu là gốc rể của những phiền não tinh thần của chúng ta? Gốc rể ấy là sự chấp trước của chúng ta vào sự tồn tại cố hữu của mọi thứ. Tâm thức lừa dối của chúng ta chấp trước vào sự tồn tại cố hữu, dấn thân vào những sự kiện của thế gian một cách chính yếu từ dạng thức của vấn đề chúng xuất hiện thế nào, ở trình độ của nhận thức. Mọi thứ xuất hiện ở một cung cách nào đó và rồi thì tâm thức chấp trước chúng như hiện tướng ấy là thực tại thật sự của sự vật. Khi quý vị nhận ra rằng những hiện tướng không phù hợp với cung cách mà mọi thứ thật sự là, sau đó quý vị dần dần có thể làm yếu đi sự kìm kẹp của chấp trước.

HỎI: Thưa Đức Thánh Thiện, như một người bắt đầu trên con đường tu tập, vẫn đang thực tập những bước chập chững bé con, ngài có bất cứ lời nào để giúp tôi thiết lập một sự thực tập hàng ngày đầy đủ ý nghĩa mà sẽ đưa tôi tiến tới một sự tỉnh thức và thấu hiểu rộng lớn hơn?

ĐÁP: Nghiên cứu nhiều hơn. Có nhiều sự diễn dịch Kinh Luận Phật Giáo qua Anh ngữ, cũng như Pháp, Đức, Tây Ban Nha và dĩ nhiên là Hoa ngữ - mặc dù thế, tôi nghĩ có ít hơn những bản dịch sang Hoa ngữ hơn là Anh ngữ. Có nhiều bản dịch mới sang Anh ngữ. Nghiên cứu những tài liệu như vậy hàng ngày trong một giờ hay tối thiểu nửa giờ. Sau đó hướng tâm quý vị vào trong và quán chiếu những gì quý vị đã học hỏi. Thẩm tra và khảo sát, so sánh với những gì sách vở đã nói với cung cách suy nghĩ và sinh sống thông thường của quý vị. Cách tốt nhất để làm việc này là vào buổi sáng, khi tâm ý quý vị còn trong sáng. Có thể sau khi ăn điểm tâm là tốt hơn; đối với tôi tối thiểu là như vậy. Trước khi điểm tâm, tôi đói bụng. Thỉnh thoảng khi hành thiền, phân nửa tâm ý tôi nghĩ về bao tử!

Hãy thử sự tiếp cận này. Nghiên cứu, học hỏi và rồi thì đem những gì quý vị đã thấu hiểu như căn bản cho sự quán chiếu của quý vị, dành đôi lúc mỗi buổi sáng cho buổi thiền tập nghi thức. Phối hợp sự thấu hiểu về những gì quý vị đã học hỏi với sự thực hành thiền tập. Sự tiếp cận này đem sự học hỏi và quán chiếu cẩn trọng và thiền định hợp nhất với nhau.
*
Trích từ quyển "From Here to Enlightenment"
Ẩn Tâm Lộ, 16/6/2014
Bài liên hệ

[1] Xem chương 7 về ba trình độ năng lực: lớn, vừa, nhỏ

[2] Theo câu chuyện này, Bồ tát sau này trở thành Đức Phật Thích Ca trong một kiếp quá khứ là học trò của một vị thầy dạy một hướng dẫn tại sao trộm cắp là đạo đức. Trong khi những học trò khác đồng ý với trộm cắp, thì Đức Phật tương lai vẫn im lặng. Được hỏi vì sao ngài im lặng, ngài tuyên bố rằng trộm cắp dường như không đúng bởi vì nó phản lại giáo lý phổ thông. Vị thầy - người thực tế đã thử lòng học trò của ông - sau đó đã ca ngợi ngài như người học trò xuất sắc nhất. Xem Đại Luận 1:385:386

[3] 6 sự thực hành chuẩn bị: 1/ làm sạch sẽ nơi tu tập và sắp đặt thứ tự tượng trưng cho thân, ngữ, ý của Đức Phật; 2/ cúng dường phẩm vật chân thật và xếp đặt đẹp mắt; 3/ ngồi tư thế hoa sen hay nửa hoa sen, quy y, và phát triển tâm bồ đề;4/ tưởng tượng trước mặt chư vị tổ sư, chư Phật và Bồ tát;5/đem ra 7 điều quán nguyện để tích tập công đức và tuệ trí, trong khi thanh tịnh tâm ý chướng ngại;6/ Thỉnh cầu sự gia hộ. 7 điều quán nguyện là 1/ tôn kinh bậc Giác Ngộ, 2/ cúng dường, 3/ sám hối nghiệp chướng, 4/ tùy hỉ công đức của những bậc Giác Ngộ, 5/ Thỉnh cầu các bậc Giác Ngộ dạy giáo pháp, 6/ thỉnh cầu các ngài tiếp tục giảng dạy trong hàng a tăng kỳ kiếp, và 7/ hồi hướng công đức việc làm của chúng ta để hoàn thành Giác Ngộ cho tất cả chúng sanh. Xem THỰC HÀNH BẢY ĐIỀU QUÁN NGUYỆN - Chuyển ngữ: Tuệ Uyển

[4] Đại luận của Tông Khách Ba (3:329) giải thích tóm tắt bốn điều này nhưng chúng không nổi bật trong cấu trúc của luận điển.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn