Trẻ trung vui đùa

08 Tháng Chín 201403:52(Xem: 7048)

TRẺ TRUNG VUI ĐÙA

Nguyễn Thế Đăng

Với một số người, qua hình dung của họ, các vị tu hành giải thoát có vẻ nghiêm nghị, trầm mặc, lặng lẽ, xa cách… Nhưng khi gần gũi với các vị hoặc thấy qua hình ảnh và nghe các câu chuyện kể, chúng ta thấy các vị chứng ngộ thì trẻ trung, vui vẻ, hay cười, linh hoạt, “hài hước” (chữ của Sogyal Rinpoche), vui đùa, khoái hoạt…

Hình ảnh của Huệ Trung thượng sĩ trong Phóng cuồng ca cho ta hình dung về một vị như vậy:

Trời đất liếc trông hề, sao thênh thang

Chống gậy rong chơi hề, phương ngoài phương

Vui ta vui hề, Bố Đại vui khoái

Điên ta điên hề, Phổ Hóa điên cuồng

Chogyam Trungpa Rinpoche nói trong Trí huệ điên:

“Sự phá thấu đầu tiên hiển lộ cho chúng ta phẩm tính giống như trẻ thơ của chúng ta… Ngài Padmasambhava (Liên Hoa Sanh) như một đứa bé, tượng trưng trạng thái trẻ thơ hoàn hảo không có nhị nguyên, không có “đây” và “kia”. Trạng thái này thấm nhập tất cả một cách trọn vẹn. Nó cũng có một cảm thức về sự tươi mới, trẻ trung; bởi vì trạng thái này là toàn thể, siêu việt, không có điểm quy chiếu. Nếu không có điểm quy chiếu, bấy giờ không có gì làm ô nhiễm tâm thức chúng ta. Đó là một cái tối hậu trọn vẹn”. (Chương Sự ngây thơ nguyên thủy, Trí huệ điên, Crazy Wisdom, 1972).

Một trẻ thơ như vậy thì để cho những hiện tượng của vũ trụ chơi đùa, và tham gia vào vũ trụ tức là tham gia vào trò chơi đùa của vũ trụ.

“Thế nên hãy để cho những hiện tượng chơi đùa. Hãy để những hiện tượng chơi đùa với chính chúng và bởi chính chúng”. (Chương Hãy để cho những hiện tượng chơi đùa, Trí huệ điên).

Trẻ thơ biết chơi đùa là phong cách của Padmasambhava và cũng là phong cách của một bậc giải thoát trong Phật giáo:

“Phong cách Padmasambhava là trải nghiệm một cách thuần khiết những hoàn cảnh của đời sống như một đứa trẻ sống một cách tự phát và mãi mãi vẫn là một đứa trẻ. Một từ được khai triển trong truyền thống Đại Toàn Thiện để chỉ nguyên lý này là shönu pum ku (hoàng tử trẻ thơ trong cái bình).

“Cái bình tượng trưng cho tình trạng nằm trong bào thai. Phá vỡ cái bình là lật ngược lại nguyên lý Ba thân. Bạn đã đạt đến Pháp thân: khi cái bình vỡ, bạn trở lại Báo thân và Hóa thân, bạn trở lại với mặt đất. Một tiến trình tương tợ được tượng trưng trong những Bức Tranh Chăn Trâu của Thiền tông. Sau điểm không còn trâu và không còn người chăn trâu, bạn trở lại thế giới này.

“Thế nên điểm chính ở đây là sự trẻ trung hồn nhiên của trạng thái giác ngộ. Sự trẻ trung hồn nhiên này là sự trực tiếp của kinh nghiệm, phẩm tính khám phá thám hiểm của nó… Thám hiểm không làm chúng ta già đi sao? Không phải thế, theo quan điểm Trí huệ điên. Khám phá thám hiểm giờ đây không có nỗ lực. Bạn vẫn làm cùng một công việc trở đi trở lại, nhưng mỗi lần, bạn khám phá những mặt mới của nó, điều đó làm bạn càng trẻ trung hơn”. (Chương Không sợ hãi, Trí huệ điên).

Tại sao có sự tự do phóng khoáng, có niềm vui tràn ngập trong tâm và nơi cảnh như vậy? Trước kia, như những người bình thường khác, chỉ sống ở hai tầng giác quan và ý thức, là hai tầng hoàn toàn nằm trong sự chi phối của vô thường, không biết chỗ nào mà an trụ, lạc lõng trong một thế giới không thật vì vô thường chóng vánh, thù địch vì phân biệt ta và cái khác, không biết đâu là quê nhà, như một chàng cùng tử lang thang nghèo khổ. Nay thì lọt vào tầng tâm linh, biết mình là cái gì, khuôn mặt xưa nay của mình là gì, trời đất quang cảnh chung quanh là gì, do đó mà sung sướng, hoan hỷ.

Kinh điển nói bước đầu tiên lọt vào thế giới chân thật này là Hoan hỷ địa. Từ đây mới sống, từ đây mới hoan hỷ vì biết đời sống thực chất là gì, mới biết cõi Phật thanh tịnh là sao. Còn trước kia, nói theo người xưa, sống chỉ là cuộc đời “ôm xác chết”. So với thế giới chân thật này thì thế giới trước kia chỉ là hư giả, và vì hư giả cho nên đem lại khổ đau.

Trong Phóng cuồng ca, Huệ Trung Thượng sĩ cũng vô tình tiết lộ bước đầu tiên đi vào thế giới chân thật ấy:

Lúc hứng thổi hề, sáo không lỗ

Cõi tịnh đốt hề, giải thoát hương

Mỏi nghỉ chút hề, Hoan hỷ địa

Khát uống no hề, nước tiêu dao

Đó là nơi bắt đầu của đời sống đích thực. Cũng có nghĩa là con người cũ kỹ, cùng khổ phiêu dạt chết đi, nhường chỗ cho sự sống miên viễn, “thọ mạng của Như Lai” (kinh Pháp Hoa). Đó là lúc “cùng thở một lỗ mũi với các bậc giải thoát”. Đó là đời sống chân thật, mọi sự đều nằm trong nền tảng chân thật mà đạo Phật gọi là Phật tánh thường lạc ngã tịnh. Còn trước kia chỉ là một cuộc đời trống rỗng, giả tạo, kết thành bằng những ảo tưởng và phiền não hư vọng, tìm khắp nơi trên trái đất này mà chẳng biết đích thật mình là ai, là cái gì. Chính cuộc sống giả tạo, không rõ biết đó đã gây ra khổ đau, phiền não, tham sân si, kiêu căng, ghen ghét… Trong đời sống đích thật này mọi tương quan với người khác, với sự vật đều trở thành đích thật, không còn bị che ám bởi kiêu căng, ganh ghét, gây hấn. Tương quan đích thật ấy chính là lòng từ bi vì không còn cái ta và cái của ta ngăn chia mình với người khác và với thế giới. Tương quan đích thật là lòng từ bi, và có từ bi thì hoan hỷ, vui vẻ, thấy đời đáng sống.

Khi thấy và sống được nền tảng của mọi hiện tướng của đời sống, đó cũng chính là trí huệ. Trí huệ là một phẩm tính tự nhiên của đời sống chân thật. Sống được trí huệ thì chỉ một câu kinh như “Phàm hễ có tướng đều là hư vọng” hay “Thế gian lìa sanh diệt, giống như hoa trong không, trí chẳng đắc có không, mà hưng tâm đại bi”, cũng làm người ta vui khoái, cười ha hả, hoan hỷ cả ngày. Nếu từ bi đem lại hoan hỷ ấm áp cho cuộc sống thì trí huệ cũng đem lại hoan hỷ của tự do, giải thoát. Thấy tất cả đều vô tự tánh thì có gì mà không vui. Đó là sự sáng tỏ, đời sống không còn những bóng ma của áp bức, ngăn ngại và nghi ngờ.

Đời sống đích thật ấy là cái đạo Phật gọi là Pháp thân, hay “thật tướng của tất cả các pháp”. Một khi thấy được Nó, sống được Nó, dần dần đi sâu vào đời sống đó. Càng đi sâu vào đời sống đó người ta càng trở lại trẻ thơ. Sự tu hành của trẻ thơ là cuộc chơi đùa không chướng ngại:

Bất cứ tư tưởng nào sanh khởi sẽ cùng một vị Pháp thân:

Không cần gì phải lấy-bỏ, tất cả ở trong Niết-bàn trọn vẹn…

Với những hành động của người huyễn, thoát ngoài lấy-bỏ,

Để chuyển nghịch cảnh vào con đường và để hợp nhất thiền định và xuất định,

Hãy đi đến đỉnh núi, nghĩa địa, đảo hoang, chợ búa…

Những nơi chốn làm cho tâm dao động

Và hãy để cho thân nhảy nhót, miệng hát những bài ca

Và tâm phóng chiếu đủ thứ tư tưởng:

Hãy nấu chảy chúng hòa với cái thấy và thiền định của tự giải thoát tức thì khoảnh khắc.

(Longchenpa, Phật tâm, chương Tâm giải thoát tự nhiên: Đại Toàn Thiện, Thiện Tri Thức, 2001).

Cho đến khi những sanh, già, bệnh, chết rơi rụng hết, thì “sanh diệt đã diệt, tịch diệt là vui” (kinh Đại Bát Niết-bàn). Khi ấy người ta hoàn toàn là một trẻ thơ (Đồng chân địa). Trẻ thơ vì không còn hy vọng và lo sợ (Vô nguyện), không còn bị các tướng của sanh tử làm ngăn ngại (Vô tướng), và vì tất cả đã trở về thật tánh và thật tướng của chúng (Không).

Trẻ thơ vì chưa từng bị nhiễm ô bởi sanh tử, bởi vì rốt ráo sanh tử chưa từng có. Khi thấy sanh tử là không có thật, không có tự tánh, thì vui cười: “Sanh tử nhàn mà thôi”.

Đoạn cuối một bài thơ kệ của Huệ Trung thượng sĩ nói:

Sanh tự vọng sanh, tử vọng tử

Bốn đại vốn Không, từ đâu khởi

Chớ như hươu khát đuổi dợn nắng

Chạy đông chạy tây không tạm nghỉ.

Pháp thân không đến cũng không đi

Chân tánh không phải không chẳng phải

Đến nhà thôi chớ hỏi tìm đường

Thấy trăng nào khổ tìm ngón chỉ

Kẻ mê điên đảo sợ sanh tử

Người trí thấy ra, nhàn mà thôi.

(Sanh tử nhàn thôi vậy).

(Văn Hóa Phật Giáo số 208)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn