Kho vô tận

17 Tháng Mười Một 201403:14(Xem: 7568)

KHO VÔ TẬN

Mãn Tự

    Vô minh có nghĩa là không sáng, không sáng không có nghĩa là không có ánh sáng mà vì ta không nhận ra ánh sáng đó. Cũng vậy hằng ngày chúng ta sống trong ánh sáng mặt trời mà ta không nhận ra gì hết, còn các nhà khoa học thì nhận ra được. Chẳng những nhận ra mà còn đo được tốc độ di chuyển của nó và phân biệt được nó chuyển động bằng sóng hay bằng hạt.

    Chúng ta bị đau khổ vì chúng ta luôn luôn đi sau, sự vô minh bất hạnh của chúng ta là luôn luôn đi sau. Ta chưa bao giờ được đồng hành cùng nhịp điệu chuyển biến từ thân tâm cho đến vạn sự vạn vật xung quanh ta. Sự vật xung quanh ta luôn luôn chuyển biến và ta đang ở trong sự chuyển biến đó mà ta chẳng hề hay biết. Cho đến khi ta nhận ra thì sự việc đã rồi, giống như quả địa cầu chúng ta nó quay 1.800 cây số một giờ mà ta có nhận ra đâu.

    Mỗi con người chúng ta có hai cái biết, một là cái biết trực tiếp hai là cái biết qua trung gian. Cái biết trực tiếp thì nó đồng hành với sự chuyển động của thân tâm của vạn sự vạn vật không trước không sau. Còn cái biết qua trung gian là biết sự việc đã rồi, có nghĩa là những cái ta đang thấy đang biết thành ra cái đã thấy đã biết. Ta không đồng ý với cuộc sống, ta bất an  vì ta lờ mờ nhận ra rằng có một cái gì đó nó luôn đồng hành cùng ta mà ta không nắm bắt được nó, ta cảm thấy bị nó bỏ rơi.

    Nói có hai cái biết không phải nó có trước có sau, mà nó luôn đông thời. Để giải quyết cái nghi đó trong tâm ngài Tu Bồ Đề về năm loại nhãn của Như Lai và để chỉ thẳng cho ngài Tu Bồ Đề. Tuy Như lai có năm loại mắt nhưng không phải có trước có sau, bằng cách gợi ý cho ngái Tu Bồ Đề “Tu Bồ Đề ý ông nghĩ sao? Như bao nhiêu cát trong sông Hằng, Như Lai có nói đó là cát không ?” Và ngài Tu Bồ Đề nhận ra nên thưa “ Bạch Đức Thế Tôn. Đúng thế, Đức Như Lai bảo là cát”. Hay như Lục Tổ Huệ Năng nói “Tánh thấy đó bình đẳng với người chưa tu không bớt, với bật hiền thánh không tăng, với phiền não không động khi thiền định không lắng”.

    Ta hiện hữu trong thế giới này giống như có sự sắp đặt sẵn, chính bản thân ta nói riêng, và vạn sự vạn vật xung quanh ta nói chung. Nó đến rồi đi, nó xuất hiện rồi biến mất mà ta không có phương pháp nào để ngăn cản. Nó âm thầm chuyển vận biến dịch đổi thay, cho đến khi nhận ra thi luôn là sự đã rồi mà ta thì chỉ lo dọn dẹp. Vì không thấy trực tiếp, vì thấy qua trung gian, nên nhiều tôn giáo trên thế gian nghĩ rằng có một đấng quyền năng tối cao nào đó làm ra và nắm lấy vận mạng của muôn loài.

    Tất cả những sự việc đó thật ra không có vị thần tối cao nào làm ra hay sắp đặt trước cả. Ta không biết, không hay, không nhận ra là vì ta không đủ sức đủ lực phát hiện ra nó chứ nó không hề lẫn tránh hay dấu diếm chúng ta. Chúng ta không nhận ra vì chúng ta chỉ nhận một nữa, còn nữa kia thì không nhận. Thí dụ, mọi người trên thế giới này đều nương vào ánh sáng để nhìn thấy vạn vật, còn những đêm không trăng sao lại bị mây che vạn vật chìm trong đêm tối thì không thấy. Cái chúng ta không nhận ra là chổ đó, vì thật sự cho dù là đêm đen thì chúng ta vẫn thấy. Hay khi có vật hiện hữu trước mắt ta thì ta gọi là có, khi không có vật hiện hữu nữa thì gọi là không, mà thật ra không hề không.

    Nếu vị nào có được cái thấy bình đẳng giữa sáng và tối giữa có và không thì thân tâm này thế giới này không còn gì là bí ẩn nữa.

Nhân loại từ xưa đến giờ đều lấy ngoại cảnh làm sự hiểu biết, cho nên khi đối diện với vũ trụ bao la không cùng tận thì ta thấy mình vô cùng nhỏ bé và run sợ khi so sánh tự thân với khoản không mênh mông vô tận. Nhưng không phải ta run sợ khoảng không gian mênh mông đó mà thật ra ta sợ chính ta. Thí dụ, có người tạc tượng thủ công vô cùng siêu đẳng, một ngày kia có người mướn ông ta tạc ra một vị ác thần. Do tài năng siêu việt cho nên ông ta tao nên hình tượng vô cùng sống động nhìn giống như thật còn vẽ hung ác thì khỗi phải nói ai nhìn cũng run sợ. Một thời gian sau người thợ có dịp đi ngang qua bức tượng đó, khi nhìn thấy hình tượng đầy vẽ hung ác đe dọa do chính tâm thức mình tạo ra thì cũng run sợ giống như bao người khác . Cũng vậy mọi cảnh tượng trên trần gian này mà ta đang đối diện, chính là do tâm thức ta tạo nên, rồi cũng chính tâm thức đó làm ta mê đắm hay run sợ.

Ta nhận ra vũ trụ này, thế giới này qua sáu giác quan đó là: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Thông thường năm giác quan trước chỉ nhận mà không phân biệt, còn biết đó là gì thì phải qua trung gian của ý thức. Vì qua trung gian của ý thức cho nên thấy nghe hay biết đang xảy ra lại thành đã xảy ra. Thật sự không phải năm giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi và thân không có cái biết, vì ta không đủ năng lực để nhận ra tánh biết trực tiếp không qua trung gian đó. Những vị ngộ đạo nhờ cái nhờ cái biết trực diện đó nên mọi cái biết lưu trữ ẩn tàng từ lâu xa không có cơ hội hình thành bóng tối dẫn dắt tư tưởng đưa ta đi lầm đường.

    Mỗi con người chúng ta ai cũng có cái biết vô cùng vô tận, nếu biết vận dụng toàn bộ tiềm năng mà ta sỡ hữu. Do không biết tận dụng khai mở tiềm năng vô tận ta đang sỡ hữu đó mà ta chỉ nhận biết qua trung gian, vì qua trung gian nên ta chỉ nhận biết được một phần nhỏ, không đáng kể trong cái kho vô tận đó.

    Trong kinh Lăng già Thế Tôn ngài lấy cục đất với hạt bụi làm thí dụ để nói lên tính chất “đồng - dị” của vạn hữu trong vũ trụ này. Hạt bụi không phải là cục đất nếu theo cái biết của sự so sánh giữa lớn và nhỏ đó là “dị”. Tuy nhiên hạt bụi không từ đâu mà có, nó có là do từ cục đất mà ra nên nó không khác với cục đất đó là “đồng”. Còn theo các nhà khoa học khám phá vũ trụ thì trái đất của chúng ta đang sống đối với hình thể của chúng ta thì nó rất là to lớn nhưng đối với vũ trụ thì nó giống như hạt bụi mà thôi. Cũng vậy, trái đất không phải là vũ trụ cũng không khác vũ trụ vì trái đất không từ đâu mà hiện hữu. Chẳng những trái đất mà tất cả vạn sự vạn vật trong trái đất cùng bản thân ta mà ngay cả chiếc lá giọt mưa hay ngọn cỏ đều mang tính chất vũ trụ. Vì sao? Vì tất cả điều đến từ vũ trụ thí dụ như có một khối vàng nguyên chất người thợ lấy ra làm đồ trang sức, rồi tùy theo chỗ đeo trên thân mà có hình dáng và tên gọi khác nhau. Tuy mỗi mỗi đều khác nhau mà vàng thì không khác, cho đến một hạt bụi vàng cùng khối vàng cũng không khác. Hay như bọt nước với biển cả, nó nổi lên hay tan biến cũng không rời biển cả.

    Thấy được sự sai biệt tất cả hình tướng trong vũ trụ thì gọi là “dị” phân biệt tất cả hình tướng một cách tỉ mỉ rõ ràng mà tâm luôn thanh tịnh gọi là “ Nhất thiết chủng trí”. Thấy hình tướng có vạn sự sai biệt nhưng tánh thì không khác thì gọi là “đồng”, đồng – dị đều không gọi là “Nhất thiết trí”

    Từ lâu xa chúng ta bỏ ra không biết bao nhiêu thời gian hướng ra ngoài để tìm cầu, do hướng ra ngoài tìm cầu cho nên chúng ta luân chuyển qua không biết bao nhiêu là cảnh giới. Vì nhận thức qua sự hiểu biết của trung gian nên cảnh giới cũng theo đó mà không ngừng biến chuyển. Ngày nay khoa học nhờ có dụng cụ tiên tiến nên họ thấy được những sinh vật cực vi đối với cái thấy qua con mắt thường của chúng ta hơn hàng triệu lần hay hơn nữa. Cho dù cực vi như vậy thì nó cũng không đứng yên vì mọi sự vật mà có tướng thì không phải là tự tánh chân thật của nó. Còn các nhà tu hành cũng vậy vì lấy cảnh làm tâm, nên cho dù định lực đạt đến cảnh giới phi tưởng phi phi tưởng xứ thì vi tế biến dịch vẩn còn nên khi định lực hết thì phải chịu luân hồi.

    Tất cả những sự hiểu biết của nhân loại từ xưa cho dến bây giờ, những phát minh thần kỳ mới mẻ của khoa học cho đến những cảnh giới chứng đắc của những vị tu hành nhiều không thể tính điếm. Nhưng tất cả điều ở trong cái kho vô tận đó, mà cái kho vô tận thật không đâu xa nó hiển hiện trước mắt mà chúng ta không nhận ra vì hiện tượng không rời bản thể mà có vậy.

    Với con mắt thường của chúng ta khi thấy khoảng trống không có vật gì thì gọi là hư không nhưng với những nhà khoa học thì đó là một sự sai lầm đáng tiếc. Thời đại bây giờ không còn bao nhiêu người phủ định vi trùng dù rằng không mấy người thấy biết được nó ngoài những người nghiên cứu nó ra. Nhưng chúng ta tin vào nó vì nhờ nghiên cứu mà nhiều người thoát ra khỏi những căn bệnh hiểm nghèo. Đối với con mắt thường của chúng ta thì vi khuẩn là một sự mơ hồ, vì ngoài những dụng cụ khoa học và những nhà nghiên cưu nó, còn chúng ta thì hoàn toàn không thấy gì hết. Vì vậy cái chúng ta thấy là hư không thì không thật là không. Hư không có bao nhiêu tầng lớp? Kính phóng đại của khoa học bây giờ mạnh hơn mắt thường của chúng ta bao nhiêu lần thì hư không cũng có bao nhiêu tầng và như vậy tăng lên chưa có hồi kết cuộc.

    Lấy ý niệm tầng lớp hư không để so sánh với “ Tánh Không” vạn pháp mà Như Lai Thế Tôn ngài khai thị cho chúng ta bàng bạc khắp trong các bộ kinh Đại Thừa. Lấy nhãn căn đối sắc trần thì có bao nhiêu tầng lớp hư không như vậy, còn lấy vạn pháp đối với Tánh Không thì tầng lớp không thể tính điếm. Vì vậy có một đoạn kinh Thế Tôn nói: "Trong Tam Thiên Đại Thiên cỏ cây lùm rừng có nhiều hay không?" Khi được trả lời là rất nhiều. Thế Tôn nói: "Bây giờ cỏ cây lùm rừng đó biến thành đại trí Xá Lợi Phất, cho dù đại trí Xá Lợi Phất đông đầy cả Tam Thiên Đại Thiên thế giới mà muốn suy lường một lời nói của Như Lai dù trải qua trăm năm, ngàn năm, vạn năm hay lâu hơn nữa cũng không sao thấu hiểu hết được".

    Vì thấy một ít phần Tánh Không mà có từ sơ thiền cho đến Diệt Tận Định. Vì chứng một phần Tánh Không cho mà có từ Tu Đà Hoàn quả cho đến A La Hán quả. Vì hoàn tất Tánh Không mà có năm mươi bốn Bồ Tát vị từ sơ phát tâm cho đến Thập Địa. Vì viên mãn Tánh Không mà có Phổ Hiền hạnh.

    Trên con đường tu tập đi đến Tánh Không phương tiện thì vô lượng mà thực hành thì có hai: một là Tiệm, hai là Đốn. Nếu là Tiệm thì xả ly được bao nhiêu sự ô nhiễm của tâm thì thấy được bao nhiêu Tánh Không. Còn Đốn thì thanh tịnh bao nhiêu pháp thì thấy được bao nhiêu Tánh Không. Tánh Không, không phải có nhiều hay ít, mà thấy ít hay nhiều là do xả ly hay thanh tịnh các pháp từ nội tâm cho đến ngoại cảnh.

    Tánh Không bình đẳng khắp trong mọi chúng sinh không phân biệt, cũng như hư không ở khắp trong vạn vật. Thí dụ như ta đào đất, ta đào bao nhiêu đất thì có bao nhiêu hư không, mà hư không không có ra hay vào.

    Trên đường tu tập chúng ta cũng vậy, dù Đốn hay Tiệm thì cũng do xả ly hay thanh tịnh các Pháp mà Tánh Không hiển hiện.

    Khoa học nhân loại dù có phát minh tột cùng thì cũng không bao giờ thấy được Chân Hư Không chỉ có Như Lai thế tôn là thấy được mà thôi. Trong những bộ kinh Đại Thừa Phương Quảng có những từ như “ Tận Hư Không” Theo tri thức hiểu biết của nhân gian thì “Tận Hư Không” có nghĩa là xa xôi cùng tột không có biên bờ không thể suy lường hay tưởng tượng gì được, còn theo khoa học thì tính là 14,5 tỉ năm ánh sáng. Thật ra sự hiểu biết như vậy thì chẳng tương quan gì đến cái nghĩa “Tận hư không” của Như Lai Thế Tôn khai thị cho chúng ta hết. Vì hiểu biết như vậy không thực dụng không đem đến sự thấy biết chân thật, không đem đến sự an lạc của thân tâm, không giải thoát được vô minh phiền não vậy.

    Tánh thấy, thấy không có sắc không có không. Trong kinh Lăng Nghiêm Thế Tôn khai thị: “ Nếu sắc không phải tánh thấy thì sao thấy được sắc, còn nếu sắc là tánh thấy thì sao gọi là sắc? Nếu hư không, không phải là tánh thấy thì làm sao thấy được Hư Không, còn nếu Hư Không là tánh thấy thì sao gọi là Hư Không.”

    Thấy Sắc không còn Sắc tức thấy tận Pháp giới, thấy Không, không còn Không tức thấy tận Hư Không. Pháp giới, Hư Không Giới không còn tức đương thị không xa cũng không gần.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn