Thoát khỏi lo âu phiền muộn

26 Tháng Giêng 201515:17(Xem: 7628)
THOÁT KHỎI LO ÂU PHIỀN MUỘN
Nguyên Giới


blankĐức Phật nói cho chúng ta biết, sở dĩ chúng ta cứ rơi vào lo âu phiền muộn ấy là bởi thói quen nghĩ tưởng không đúng đắn của chúng ta. Hết thảy mọi thứ đều biến đổi, vô thường, nhưng chúng ta cứ mong chúng thường hằng, tồn tại mãi mãi. Tất cả mọi thứ là duyên sinh, vô ngã, ta không làm chủ được, thế nhưng chúng ta cứ xem chúng “là của ta, là ta, là tự ngã của ta”. Đây chính là nguyên do khiến mọi lo âu phiền muộn không ngừng phát sinh, ám ảnh và chi phối tâm thức con người; khiến cho con người rơi vào sầu muộn, than vãn, khóc lóc, đấm ngực, đi đến bất tỉnh. Kinh Pháp Cú lưu nhắc như vầy:

Con tôi, tài sản tôi,
Người ngu sinh ưu não; 
Tự ta, ta không có,
Con đâu, tài sản đâu?(1)

Lối tư duy ngã tính hay những ý tưởng sinh khởi gắn liền với tự ngã hoặc xoay quanh “cái tôi”, thói quen nghĩ tưởng như vậy đạo Phật gọi là phi như lý tác ý (ayoniso-manasikàra), là tà kiến (micchàditthi), điên đảo kiến(viparìtadassana) hay hý luận vọng tưởng (papancasannasankhà). Nó là sự vận hành của vô minh, tham ái, chấp thủ, những tập khí có công năng kích dẫn tư duy nhị nguyên đối đãi, nuôi lớn “cái tôi” hay “bản ngã” trong cái chuỗi tư tưởng nhầm lẫn bất tận. Theo lời Phật thì lối suy nghĩ và nhận thức sai lầm như vậy rất có hại vì nó tiếp tục làm tăng trưởng các tập khí bất thiện tiềm tàng ở bên trong như tham dục, sân hận, tà kiến, nghi ngờ, ngã mạn, luyến ái hiện hữu, vô minh; mở lối cho các hành vi không chính đáng thể hiện ra bên ngoài như luận tranh, tranh chấp, đấu tranh, vọng ngữ, ly gián ngữ, chiến tranh(2); khiến cho con người không ngừng rơi vào lo âu phiền muộn3. Ngài nêu rõ:

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có kẻ vô văn phàm phu, không đi đến yết kiến các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không đi đến yết kiến các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân, xem sắc pháp: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”, xem cảm thọ: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”, xem tưởng: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”, xem các hành: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”, xem cái gì được thấy, được nghe, được cảm xúc, được ý thức, được đạt tới, được tìm cầu, được ý suy tư: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”, và bất cứ kiến xứ nào nói rằng: “Đây là thế giới, đây là tự ngã, sau khi chết, tôi sẽ thường còn, thường hằng, thường trú, không biến chuyển, tôi sẽ trú như thế này cho đến mãi mãi”, xem như vậy là: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”. Vị này do quán sát như vậy, đối với sự vật chẳng thật có nên khởi lên lo âu, phiền muộn”(4).

Được nghe nói vậy, một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:

- Có thể có cái gì không thực có ở ngoài, có thể gây lo âu phiền muộn?

- Có thể có, này Tỷ-kheo, ở đây, có người nghĩ như sau: “Cái gì chắc chắn đã là của tôi, nay chắc chắn không còn là của tôi. Cái gì chắc chắn có thể là của tôi, chắc chắn tôi không được cái ấy”. Người đó sầu muộn, than vãn, khóc lóc, đấm ngực, đi đến bất tỉnh. Này Tỷ-kheo, như vậy, có cái không thực có ở ngoài, có thể gây lo âu, phiền muộn.

- Bạch Thế Tôn, có thể có cái gì không thực có ở trong, có thể gây ra lo âu phiền muộn?

 – Có thể có, này Tỷ-kheo, ở đây, này Tỷ-kheo, có người có tà kiến như sau: “Đây là thế giới, đây là tự ngã, sau khi chết, tôi sẽ thường còn, thường hằng, thường trú không biến chuyển. Tôi sẽ trú như thế này cho đến mãi mãi”. Người này nghe Như Lai hay đệ tử Như Lai thuyết pháp để bạt trừ tất cả kiến xứ, cố chấp, thiên chấp, thiên kiến, tùy miên, sự tịnh chỉ mọi hành động, sự từ bỏ mọi sanh y, sự diệt trừ khát ái đưa đến ly tham, đoạn diệt, Niết- bàn. Người đó có thể nghĩ như sau: “Chắc chắn ta sẽ bị đoạn diệt, chắc chắn ta sẽ bị hoại diệt, chắc chắn ta sẽ không tồn tại”. Người đó sầu muộn, than vãn, khóc lóc, đấm ngực, đi đến bất tỉnh. Này Tỷ-kheo, như vậy là có cái không thực có ở trong có thể gây ra lo âu phiền muộn(5).

Như vậy, kinh Phật lưu nhắc cho chúng ta rằng hết thảy mọi thứ trên cuộc đời, kể cả ý nghĩ của chúng ta, đều do nhân duyên mà có mặt, là giả hợp, không thực có, luôn luôn biến đổi, là vô ngã, ta không làm chủ được. Sự thật đã là như vậy thì không nên nuôi ảo tưởng muốn mọi thứ là thường hằng, tồn tại mãi mãi; không nên bám giữ ý nghĩ điên đảo cho rằng mọi thứ là của ta, là ta hay tự ngã của ta. Đây chính là cách thức loại bỏ tà kiến, điên đảo kiến hay hý luận vọng tưởng; dứt trừ tham dục, sân hận, tà kiến, nghi ngờ, ngã mạn, luyến ái hiện hữu, vô minh; thoát khỏi mọi lo âu phiền muộn; chấm dứt luận tranh, tranh chấp, đấu tranh, vọng ngữ, ly gián ngữ, chiến tranh. Nói cách khác, muốn thoát khỏi mọi lo âu, phiền muộn và khổ đau thì con người ta cần chấm dứt ngay lối suy nghĩ bám chấp mê lầm hay thói quen tư duy hữu ngã và tập nhìn mọi sự với cái nhìn buông xả, ly ngã, không xem mọi thứ là của ta, là ta, là tự ngã của ta:

- Bạch Thế Tôn, có thể có cái gì không thực có ở ngoài, có thể không gây lo âu phiền muộn?

- Có thể có, này Tỷ-kheo, ở đây, này Tỷ-kheo, có người không nghĩ như sau: “Cái gì chắc chắn đã là của tôi, nay chắc chắn không còn là của tôi. Cái gì chắc chắn có thể là của tôi, chắc chắn tôi không được cái ấy”. Người đó không sầu muộn, than vãn, khóc lóc, không đấm ngực, không đi đến bất tỉnh. Như vậy, này Tỷ-kheo, có cái không thực có ở ngoài, không gây lo âu phiền muộn.

- Bạch Thế Tôn, có thể có cái gì không thực có ở trong, không gây ra lo âu, phiền muộn?

- Có thể có, này Tỷ-kheo, ở đây, có người không có tà kiến như sau: “Đây là thế giới, đây là tự ngã, sau khi chết, tôi sẽ thường còn, thường hằng, thường trú, không biến chuyển, tôi sẽ trú như thế này cho đến mãi mãi”. Người này nghe Như Lai hay đệ tử Như Lai thuyết pháp để bạt trừ tất cả kiến xứ, cố chấp, thiên chấp, thiên kiến, tùy miên, sự tịnh chỉ mọi hành động, sự từ bỏ mọi sanh y, sự diệt trừ khát ái để đưa đến ly tham, đoạn diệt, Niết- bàn. Vị ấy không nghĩ như sau: “Chắc chắn ta sẽ bị đoạn diệt, chắc chắn ta sẽ bị hoại diệt, chắc chắn ta sẽ không tồn tại”. Vị ấy không sầu muộn, than vãn, khóc lóc; vị ấy không đấm ngực, không đi đến bất tỉnh. Này các Tỷ-kheonhư vậy là có cái không thực có ở trong, không gây ra lo âu, phiền muộn(6).

Một cách thức khác là nhận diện các ý tưởng tự ngã hay các hý luận vọng tưởng khi chúng khởi lên, nỗ lực ngăn chặn và loại trừ chúng bằng cách không có tùy hỷ, đón mừng hay nắm giữ chúng:

“Này các Tỷ-kheo, do bất cứ nhân duyên gì, một số hý luận vọng tưởng ám ảnh một người. Nếu ở đây không có gì đáng tùy hỷ, đáng đón mừng, đáng chấp thủ, thời như vậy là sự đoạn tận tham tùy miên, sự đoạn tận sân tùy miên, sự đoạn tận kiến tùy miên, sự đoạn tận nghi tùy miên, sự đoạn tận mạn tùy miên, sự đoạn tận hữu tham tùy miên, sự đoạn tận vô minh tùy miên, sự đoạn tận chấp trượng, chấp kiếm, đấu tranh, tránh tranh, luận tranh, kháng tranh, ly gián ngữ, vọng ngữ. Chính ở đây, những ác, bất thiện pháp này đều được tiêu diệt, không còn dư tàn”(7).

Nhìn chung, thói quen suy nghĩ mê lầm hay nhận thức ngã tính của con người là nguyên nhân của mọi lo âu, phiền muộn, khổ đau, cần phải được thay đổi và loại trừ. Theo kinh nghiệm của Phật – bậc đã giác ngộ không còn mê lầm, thì cách thức thoát khỏi mọi lo âu phiền muộn là từ bỏ lối tư duy ngã tính hoặc không có tùy hỷ, đón mừng hay chấp thủ các ý tưởng tự ngã khi chúng khởi lên. Hẳn nhiên, để làm được như vậy thì cần phải theo đúng phương pháp do Ngài chỉ dẫn và kiên trì thực tập lâu dài, vì thói quen là khó từ bỏ, nhất là thói quen suy nghĩ liên quan đến tự ngã vốn đã được tích tập và ứng dụng lâu ngày. Đức Phật không nói phải tu tập bao lâu thì lối tư huy hữu ngã hay thói quen suy nghĩ ngã tính sẽ được khắc phục và loại trừ. Ngài chỉ lưu nhắc cho chúng ta về sự nguy hại của thói quen nghĩ tưởng mê lầm và gợi cách thức thực tập như vầy:

“Này các Tỷ-kheo, có vị đa văn Thánh đệ tử đi đến yết kiến các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh, đi đến yết kiến các bậc Chân nhân, thuần thục pháp các bậc Chân nhân, tu tập pháp các bậc Chân nhân, xem sắc pháp: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”; xem cảm thọ: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”; xem tưởng: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”; xem các hành: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”; xem cái gì được thấy, được nghe, được cảm xúc, được ý thức, được đạt tới, được tìm cầu, được ý suy tư: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”, và bất cứ kiến xứ nào nói rằng: “Đây là thế giới, đây là tự ngã, sau khi chết tôi sẽ thường còn, thường hằng, thường trú, không biến chuyển, tôi sẽ trú như thế này cho đến mãi mãi”, xem như vậy là: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”. Vị này do quán sát như vậy, đối với sự vật chẳng thật có nên không có lo âu, phiền muộn”(8).

Các bậc Thánh và các bậc Chân nhân tức chỉ cho các bậc giác ngộ và các hành giả Phật giáo đang nỗ lực đi trên con đường hướng đến giác ngộ. Pháp của các bậc Thánh và các bậc Chân nhân tức là Phật pháp hay đạo lý giác ngộ do Đức Phật giảng dạy. Người muốn ra khỏi mê lầm, thoát khỏi mọi lo âu, phiền muộn, khổ đau thì nên tiếp cận hai đối tượng trên để được khuyến khích, hướng dẫn học hỏi Phật pháp, tu tập Phật pháp và chứng nghiệm Phật pháp. Có như thế thì mới nhận ra thế nào là mê lầm, nguyên nhân của mọi lo âu phiền muộn, mới biết cách khắc phục dần dần các ý tưởng mê lầm, không để chúng có điều kiện dấy khởi, ám ảnh và chi phối tâm thức khiến phát sinh mọi lo âu phiền muộn. Nhờ tiếp cận học tập và thực hành Phật pháp lâu ngày thì con người ta mới có đủ tỉnh táo và sáng suốt để nhận ra rằng cái thói quen suy nghĩ ngã tính thật ngớ ngẩn và tai hại, nó cứ đưa đẩy, thôi thúc và dung dưỡng cái ý niệm hão huyền “tôi” và “của tôi”, khiến cho số kiếp nhân sinh chỉ oằn thêm gánh nặng. Vì, như Đức Phật đã dạy rõ, “tự ta còn không có thì có đâu ‘con của tôi, tài sản của tôi’”? •

 

Chú thích:

  1. Kinh Pháp Cú, kệ số 62.
  2. Kinh Mật hoàn, Trung Bộ.
  3. Kinh Xà dụ, Trung Bộ.
  4. Kinh Xà dụ, Trung Bộ.
  5. Kinh Xà dụ, Trung Bộ.
  6. Kinh Xà dụ, Trung Bộ.
  7. Kinh Mật hoàn, Trung Bộ.
  8. Kinh Xà dụ, Trung Bộ.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn