Những bài pháp thoại trong ba tháng an cư (15)

24 Tháng Chín 201510:00(Xem: 11270)

blank   

29- Ngày Thứ 29, 30, 31

(Buổi sáng 15/7 chư tăng dự lễ đặt bát hội Mùa Báo Hiếu tại chùa Huyền Không. Buổi chiều chư tăng tụng giới bổn Pāṭimokkha. Buổi tối, một số trong đại chúng xin đi dự lễ phóng sanh đăng trên sông Hương. Chùa HKST chỉ đốt đèn và hành thiền để cúng dường chư Phật. Ngày 16/7 bận công việc. Ngày 17/7 chư tăng đi trì bình khất thực theo lệ thường). 

 

32- Ngày thứ 32 (Bài thứ 15)

- Tối ngày 18/7/ÂL

an cu huyen khong son thuong
Chư vị Hoà thượng, Thượng toạ BTS tỉnh giáo hội Phật giáo
Thừa Thiên Huế lên thăm HKST nhân mùa an cư 2015
Ảnh: Tỉnh GHPGVN Thừa Thiên Huế

Cả ngày chư tăng bận việc đột xuất. Tối nay, thầy có một đề tài để nói chuyện, mọi người chịu khó lắng nghe một chút. Trong ba tháng an cư này có khá nhiều “Hội chúng Bồ-tát” ở Huế và Đà Nẵng đến chùa cúng dường tứ sự và nghe pháp, nhân tiện thầy sẽ nói về Bồ-tát của đại thừa và Bồ-tát theo Nikāya nó giống nhau như thế nào và khác nhau như thế nào?

Đầu tiên là thuật ngữ Bồ-tát thì đại thừa hay Nguyên thuỷ đều có ngữ nghĩa giống nhau, Pāḷi là Bodhisatta và Sanskrit là Bodhisattva, Tàu âm là Bồ-đề Tát-đoả,  đều có ngữ nghĩa giống nhau nhưng khi dịch lại có chỗ khác nhau. Bodhi là trí tuệ, trí giác hay giác trí. Satta hay Sattva là một chúng sanh hay một hữu tình. Vậy, Bodhisatta, Bodhisattva là “một chúng sanh có trí tuệ”, “một hữu tình có trí giác”. Tuy nhiên, một vài nơi lại dịch là “giác hữu tình” như trong Wikipedia, có nghĩa là “đi giác ngộ cho chúng sanh”. Các con hãy lưu ý về điều này, nghĩa đầu là tự độ, tự giác, nghĩa sau là độ tha, giác tha! Nói theo Ôn Làng Mai, một nghĩa là dòng “thể nhập” để tự độ, một nghĩa là dòng“tiếp hiện” để cứu đời! Bên nào cũng tốt cả, cũng hay cả, có phải thế không? Và nó cũng đúng với câu nói của ngài Nārada: “Hoàn toàn để phục vụ, phục vụ để hoàn toàn!” Tuyệt!

Điều cần nhắc đến nữa là các từ đại thừa (Mahāyana) và tiểu thừa (Hinayāna) từ đâu có? Các con có biết không, suốt gần 500 sau Phật Niết-bàn, không có ở đâu trong kinh điển Nguyên thuỷ và các bộ phái phát triển nhắc đến 2 từ nêu trên. Sau này, người ta tìm thấy chúng trong kinh Pháp Hoa, kinh này có mặt khoảng thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch. Bồ-tát thừa cũng như lý tưởng Bồ-tát được hình thành từ đó.

Có Bồ-tát thừa thì bắt đầu có Thanh Văn thừa và Duyên Giác thừa, và rồi sự phân biệt kỳ thị, phân chia căn cơ cao thấp bắt đầu xuất hiện. Và người ta ca tụng Bồ-tát thừa và xem nhị thừa – Thanh Văn, Duyên Giác - là hạng độn căn, thấp thỏi rồi phỉ báng lý tưởng A-la-hán! Cái này thì phát triển hơi quá đà, có phải không, các con!

Có Bồ-tát thì có Bồ-tát giới. Lạ lùng! Ở đâu xuất hiện Bồ-tát giới? “Bồ-tát giới” được tìm thấy trong kinh Phạm Võng của đại thừa. Kinh Phạm Võng của đại thừa không phải do đức Phật lịch sử thuyết mà do đức Phật Lô Xá Na thuyết, đầy đủ tên là Phạm Võng Kinh Bồ Tát Tâm Địa Phẩm. Mà ở đó “Nghìn trăm ức Phật Thích Ca cùng với hội chúng đến đấy để nghe pháp”. Mà pháp là gì? Pháp là nói đến 10 giới trọng và 48 giới khinh của Bồ-tát. Từ đấy, khi thọ Bồ-tát giới, hàng xuất gia hay tại gia thọ trì 10 giới trọng và 48 giới khinh. Ở đây không phân biệt xuất gia hay tại gia vì đồng thọ trì 58 giới giống nhau. Khái quát, 10 giới trọng tương tự thập thiện nghiệp và 48 giới khinh khuyến khích đời sống phụng sự chúng sanh. Có trường hợp, giới tử sa-di khi thọ đại giới tỳ-khưu thì họ thọ luôn Bồ-tát giới. Từ đó, họ xem nhẹ giới tỳ-khưu mà xem trọng Bồ-tát giới, và trọn đời họ không sống theo giới luật tỳ-khưu mà sống theo hạnh nguyện Bồ-tát. Quả thật, tâm vị tha của Bồ-tát đại thừa rất lớn rộng, sẵn sàng bỏ quên tự độ, tự giác mà sống vì hạnh nguyện cứu độ chúng sanh! Cũng tuyệt phải không các con?

Còn nữa, chư vị Bồ-tát đại thừa họ sống và tu tập theo lục độ Ba-la-mật là bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định và trí tuệ.

Trong các Nikāya của Theravāda thì có 3 loại Bồ-tát: Bồ-tát căn cơ Tinh Tấn, Bồ-tát căn cơ Đức Tin và Bồ-tát căn cơ Trí Tuệ. Những ai với hạnh nguyện Thanh Văn thì thực hành 10 Ba-la-mật bậc hạ: Bố thí, trì giới, ly dục, trí tuệ, tinh tấn, nhẫn nại, chân thật, nguyện lực, tâm từ, tâm xả. Những ai với hạnh nguyện Độc Giác hoặc Đại đệ tử của đức Phật thì thực hành 20 Ba-la-mật, cũng là 10 ba-la-mật như trên nhưng cao hơn một chút là là bậc trung. Những ai với hạnh nguyện Chánh Đẳng Giác thì phải trọn vẹn 30 ba-la-mật gọi là bậc thượng, tối thắng, cao cả hơn. Nhị vị đại đệ tử của đức Phật, như tôn giả Sāriputta và tôn giả Mahā Moggallāna thì thành tựu 20 ba-la-mật. Đức Phật Sakyā Gotama kể từ khi ngài là đạo sĩ Sumedha phát nguyện dưới chân đức Phật Dīpaṅkāra (Nhiên Đăng), trải qua 24 vị Phật tổ, ngài phải thực hành trọn đủ 30 pháp Ba-la-mật (pāramī); và suốt trong khoảng thời gian 4 A-tăng-kỳ và trăm ngàn đại kiếp, hành trạng của ngài được gọi là Bồ-tát – như trong các Jataka.

Còn nữa, Nguyên thuỷ cũng có kinh Phạm võng nhưng nội dung là nói đến 62 tà kiến của các giáo phái trong và ngoài truyền thống Vệ Đà. Phạm võng có nghĩa là chiếc lưới của Phạm thiên, vớt 62 cái kiến chấp sai lầm của ngoại đạo. Nhưng Phạm võng của đại thừa lại nói đến bồ-tát giới, có lẽ là được phát triển rầm rộ là dựa theo cả kinh Duy-ma-cật nữa! Ông Duy-ma-cật cũng được “xây dựng” là sống cùng thời với đức Phật Sakyā lịch sử, ở tại Vesāli. Ông ta chỉ là một cư sĩ có gia đình, vợ con mà khinh mạn chư vị A-la-hán! Và quá đáng hơn, xem trí tuệ của tôn giả Xá-lợi-phất (Sāriputta) như hạng hạ căn, chỉ như là học trò của ông ta thôi! Duy-ma-cật sở thuyết “kinh” xuất hiện, coi thường giới tỳ-khưu và xem trọng Bồ-tát giới, và giới cư sĩ được đề cao lên mây xanh! Lưu ý: Đức Phật và chư đại đệ tử thuyết giảng mới gọi là kinh, chư tổ lập thuyết được gọi là luận; ở đây cư sĩ mà cũng gọi là “kinh” – thì sao nhỉ, nghe có lọt tai không các con?

Như vậy là có sự khác nhau giữa Bồ-tát Nguyên thuỷ và Bồ-tát đại thừa. Chúng ta chỉ cần phân biệt để biết cho rõ. Biết cho rõ vậy để khỏi lẫn lộn đâu là tư tưởng gốc, đâu là tư tưởng phát triển về sau. Và hiện tại, chúng ta đang tu tập theo kinh văn Nikāya thì phải thực hành Ba-la-mật theo truyền thống, theo nghĩa Bồ-tát của Nguyên thuỷ. Và đây mới là chủ đề chính của mình hôm nay.

10 Ba-la-mật thì chúng ta tu tập hoài, kiếp này sang kiếp khác; lại còn bổ túc năng lực Ba-la-mật này, Ba-la-mật kia nữa.

Tuy nhiên, các con biết không? Khi ngồi thiền như thế này là chúng ta, một phần nào, đang tu tập 10 pháp hạnh ba-la-mật đấy!

Đầu tiên là bố thí, là dāna, là dāna-pāramī: Bố thí ba-la-mật. Chưa nói đến ba-la-mật bậc thượng, bậc trung hay bậc hạ. Cứ nhớ đến nghĩa bố thí là cho đi tiền bạc, của cải, sức khơẻ, thời gian, tay chân, máu, tim, mắt, thận hay cả sanh mạng. Thì cũng vậy, là kẻ xuất gia, chúng ta đã cho đi tuổi thanh xuân, cho đi niềm vui thế tục, cho đi cả danh vọng và sự nghiệp ở đời nữa. Cụ thể hôm nay, khi ngồi đây, chúng ta cũng sẵn lòng bố thí hết. Có người bị muỗi cắn. Không sao, chúng ta hãy bố thí cho nó chút máu để cho nó sinh tồn. Còn đau à, nhức à, sao chúng ta không khởi tâm niệm bố thí hết đi, cả cái thân này, thì sá chi chút đau chút nhức nơi thân.

Thấy chưa, ghê gớm chưa: Mọi người đang bố thí ba-la-mật đó.

Thứ hai là trì giới, sīla, sīla-pāramī: Trì giới ba-la-mật. Trì giới là ngăn ác, làm lành. Khi ngồi như thế này là chúng ta đang ngăn ác, làm lành. Nó còn trọn vẹn hơn nữa đó. Cả thân khẩu ý chúng ta không làm ác, ba nghiệp đều trọn lành. Phân tích cho kỹ chúng ta có đầy đủ cả thập thiện nghiệp, huống gì chỉ trì giới.

Thứ ba là ly dục, nekkhamma, nekkhamma-pāramī: Ly dục ba-la-mật. Từ lâu ai cũng dịch nekkhamma là xuất gia, cũng được, nhưng nó còn có nghĩa là ly dục, từ bỏ ngũ trần. Khi chúng ta bắt đầu ngồi thiền, mình đã giữ tâm trong sáng, rỗng lặng rồi. Tâm trong sáng, rỗng lặng ấy đồng nghĩa với không có dục, tức ly dục. Tâm trong sáng, rỗng lặng cũng là tâm vốn chói sáng rực rỡ (pabhassaraṃ’idaṃ cittaṃ) khi chưa có những đám mây vô minh, phiền não che mờ. Vậy, chỉ việc ngồi yên rỗng không như thế thôi thì ta đã có ly dục ba-la-mật rồi.

Thứ tư là trí tuệ, paññā, paññā-pāramī: Trí tuệ ba-la-mật. Trí tuệ là thấy cái gì ra cái đó, thấy như chơn, như thực. Sổ tức thì sổ tức như thực. Tuỳ tức thì tuỳ tức như thực. Cái gì phát sanh thì thấy rõ như thực mặt mày của nó. Đau, nhức, tê, ngứa, hôn trầm thuỵ miên, phóng tâm, có tấn, không có tấn, có niệm, thất niệm... Cái gì xẩy ra thì thấy đúng chân tướng của nó. Vậy là tuệ đấy. Và khi ngồi thiền, tất cả chúng ta đều đang có tuệ, tuệ ba-la-mật đó.

Thứ năm là tinh tấn, viriya, viriya-pāramī: Tấn ba-la-mật. Cái này thì đại chúng biết rồi. Tấn nó có 2 vế, vế ác, vế thiện. Vế ác, khi nó chưa sanh khởi thì làm cho nó đừng sanh khởi; khi nó đã sanh khởi rồi thì làm cho nó diệt mất. Vế thiện, khi nó chưa sanh khởi thì hãy làm cho nó sanh khởi; khi nó đã sanh khởi rồi thì hãy làm cho nó tăng trưởng. Tuy nhiên, đấy là trong sinh hoạt thường nhật khi tu tập Tứ chánh cần, còn khi ngồi thiền thì khi mình ngồi như thế này thì đã có tấn rồi. Mình đừng để cho thân tâm hôn trầm thuỵ miên, đừng để cho tư tưởng buông lung, phóng dật là đã có tấn rồi. Cho chí, mình theo dõi hơi thở được sít sao, dính khít liên tục là mình đã có tấn, có tấn ba-la-mật rồi.

Thứ sáu là nhẫn nại, khantī, khantī-pāramī: Nhẫn ba-la-mật. Cái nhẫn này chư vị đại bồ-tát có cái nhẫn kinh khiếp lắm. Như tích truyện đại bồ-tát bị ông vua chặt chân rồi ổng hỏi rằng, ta chặt chân như vậy thì ông có dám nhẫn nữa không? Đạo sĩ đáp: Tâu đại vương, cái nhẫn nó nằm ở trong tâm tôi chứ không phải là ở nơi cái chân. Rồi ông vua chặt tay, đạo sĩ cũng đáp tương tự, là cái nhẫn ở trong tâm tôi chứ không phải ở nơi cái tay... Đã vậy mà vị đạo sĩ còn khởi tâm từ đối với kẻ hại mình nữa. Chúng ta học hạnh thánh hiền, không dám được như thánh hiền, nhưng chúng ta cũng nhẫn được nắng mưa, nóng lạnh, cũng nhẫn được muỗi mòng, ve bọ ở xung quanh. Chúng ta cũng nhẫn được đau nhức tê ngứa, khó chịu, bực bội và khởi tâm nhẫn cho toàn bộ cái thân vốn nhiều nghiệp chướng (nghiệp dị thục) khi đau, khi ốm, lúc trái gió, trở trời, cả khi bệnh này bệnh kia, thói tê, tật nọ nữa... Khởi tâm nhẫn ba-la-mật hết.Vậy khi ngồi thiền, mình quyết nhẫn nại bất kỳ cái gì xẩy ra cho mình với tâm nhẫn nại ba-la-mật thì thật là tuyệt vời.

Thứ bảy là chân thật, sacca, sacca-pāramī: Chân thật ba-la-mật. Cái này thì ta phải học từ khi bắt đầu ngồi. Sổ tức cũng cho đúng, như thực. Tuỳ tức cũng cho đúng, như thực. Cái gì xẩy ra ở đâu, chỗ nào, tác động ra sao thì phải thấy cho chân xác. Chân thật đấy. Rồi khi trình pháp thì mình sao, thấy sao, kinh nghiệm ra sao thì phải nói lại cho thầy nghe cái thực ấy. Chỗ này thầy xin mở ngoặc đơn. Một đệ tử của thầy từng tu tập ở trường thiền Pa-auk nói rằng, thiền sinh người Việt mình hay trình pháp dối. Người Miến, nhất là thiền sư Miến họ có đức chân thật, nói sao là họ tin vậy; lại do qua một người thông dịch nên việc truyền thụ cũng như hướng dẫn tu tập như kiểu ông nói gà, bà nói vịt. Có nhiều lần, thầy nghe một số thiền sinh ở đó về, có người chỉ hành 5,7 ngày đã đắc tứ thiền rồi. Có người tầng thánh quả này, tầng thánh quả kia mới khiếp chứ! Có người lại đắc thông này, thông nọ nữa! Ở Sài Gòn có mấy ông sư qua đó học thiền. Ông ta chẳng thiền mà luôn luôn ngồi ghi chép thiền sinh trình pháp, chép luôn vị thiền sư giảng và hướng dẫn ra sao. Thế rồi, đầu hôm đến sáng, về lại Sài Gòn, ông ta nghiễm nhiên làm thiền sư dạy nơi này nơi kia rất ư là xôm trò! Tất cả cái ấy là gian trá, dối vạy. Biển cả không dung chứa xác thối thì thiền cũng vậy, không dung chứa gian trá, dối vạy.

Thứ tám là là quyết định hay nguyện lực, adhiṭṭhāna-pāramī: Nguyện lực ba-la-mật: Quyết định hay nguyện lực là mũi tên đã đặt sẵn trên dây cung, chỉ có bật và mũi tên sẽ lao vọt đi theo đường nhắm đúng. Ba-la-mật này như tiếp chút lửa cho quyết định, cho tư tác. Khi chúng ta ngồi thiền như thế này, ai có nguyện lực thì người đó không bỏ cuộc nửa chừng. Nói rộng ra, thành Phật Chánh Đẳng Giác cũng có nguyện lực. Độc Giác hay Thanh Văn Giác đều thế cả. À, chỗ này thầy nói thêm, là ngài Hộ Tông cũng đã có phát nguyện Chánh Đẳng Giác. Ngài Giới Nghiêm cũng đã phát nguyện Chánh Đẳng Giác. Thầy thì chưa rõ ràng. Đôi khi thấy chúng sanh cố tật không chừa, đã tự tạo nhân khổ đến khi bị quả khổ thì than trời trách đất, chán quá, do vậy, thầy thích nguyện Độc Giác Phật hơn. Thời gian gần đây, dạy thiền nhiều, tự dưng lại ưa phát nguyện Chánh Đẳng Giác! Rứa đó, chắc trước sau, một lần nào đó cũng phát đại nguyện như các bậc tiền bối! Bây giờ nói gần hơn, khi một hành giả đắc định cũng phải có nguyện lực, ví dụ: “Tôi nguyện ngồi định từ bây giờ cho đến lúc mặt trời mọc”; như vậy là đến lúc mặt trời mọc thì tự động xả thiền. Trong đời sống, trong mọi sinh hoạt, tuy cường độ khác nhau nhưng ai cũng phải có nguyện lực. Tôi nguyện từ bỏ thói hư tật xấu. Tôi nguyện viết quyển sách này trong vòng 5 năm. Tôi nguyện nuôi dưỡng cha mẹ già với tâm đạo hiếu... Tóm lại, nguyện lực ba-la-mật phải luôn có sẵn trong tâm trí các bậc xuất gia. Thiền định, thiền tuệ đều cần thiết cả. Nó là năng lực tựu thành những giá trị tâm linh.

Bây giờ đây, khi ngồi thiền 45 phút, mình quyết định ngồi đúng 45 phút, là nguyện lực ba-la-mật đó. Có phát nguyện tức có quyết tâm để đánh bại tính dễ duôi, biếng nhác cố hữu trong mỗi chúng ta!

Thứ chín là tâm từ, mettā, mettā-pāramī: Từ ba-la-mật.

Nếu trí tuệ là thành tựu cho chính mình thì tâm từ là để sống với chúng sanh, mong cho chúng sanh được hạnh phúc, an vui. Tâm từ này phải bao trùm đồng đẳng từ con sâu, cái kiến đến người, trời và cả muôn loại. Còn khi ngồi thiền như thế nầy, mình phải có tâm từ với chính mình. Mong cho mình được hạnh phúc an vui, có nghĩa là mình phải rời xa ác niệm, ác pháp, phải rời xa tham sân, phiền não. Gần gũi nhất là phải rời xa những triền cái để tâm được an trú, từ đấy, những pháp lành có chỗ nương tựa để nẩy lộc, đâm chồi. Đấy mới thật là có tâm từ với mình. Rồi khi giúp đỡ ai mình cũng phải có tâm từ như thế.

Thứ mười là tâm xả, upekkhā, upekkhā-pāramī: Xả ba-la-mật.

Tâm xả là trạng thái tâm rất cao thượng.

Lộ trình định tứ thiền chỉ còn nhất tâm và xả. 4 thiền Vô sắc giới cũng nhất tâm và xả. Lộ trình thiền tuệ cũng là tuệ xả. Cuối cùng của thất giác chi cũng là xả. Và 10 ba-la-mật cuối cùng cũng là xả. Xả ở đây ngoài nghĩa xả vô lượng còn nói nên sự không còn dính mắc, không còn sở đắc, không còn bản ngã, hoàn toàn giải thoát và tự do. Giống như Nikāya nói: Khi vị ấy giải thoát vị ấy biết rằng mình đã giải thoát!

Vậy khi ngồi thiền, ban đầu là trong sáng, rỗng rang; và sau khi ngồi thiền, ta cũng với tâm trong sáng, rỗng rang. Nói cách khác, trước cũng với tâm xả, sau cũng với tâm xả. Không ai dính mắc ai cả. Mà cũng chẳng có cái gì dính mắc cái gì! Tham sân si phiền não không dính, mà có được cái gì đó cũng không dính.

Ôi! Tuyệt vời thay 10 ba-la-mật mà chúng ta đã có, đang có và sẽ có; không phải là cái gì xa xôi, nó ở chính ngay bây giờ đây! Tuy nhiên, có điều quan trọng nhất cần phải lưu tâm, là 10 ba-la-mật này là chiếc bè để sang sông, nó là pháp hữu vi, bản ngã; dù chúng là pháp cần và đủ như thế nào chăng nữa, cuối cùng cũng phải lìa bỏ, rỗng rang và rỗng không mới sang bờ kia được! Còn lưu ý thêm chút nữa, bờ này, bờ kia cũng chỉ là khái niệm.

Thầy lặp lại câu Kinh Lời Vàng mà ai ở đây cũng thuộc:

“ Bên này sông, bên kia sông

Cả hai không có, cũng không bờ nào

Thoát ly phiền não buộc rào

Là sa-môn gọi, xứng sao danh người!”

Chúc các con thành tựu 10 Ba-la-mật với ngữ nghĩa như trên, dẫu là tí chút cũng quý báu lắm rồi! Bồ-tát Nguyên thuỷ đó!

MỤC LỤC

BÀI LIÊN QUAN:
Kinh Phạm Võng (Thích Trí Tịnh dịch)
Kinh Phạm Võng 62 tà kiến (Thích Minh Châu dịch)
Kinh Duy Ma Cật Sở Thuyết (Thích Tuệ Sỹ dịch)
Tìm Hiểu Phật Giáo Theravada (Hoang Phong)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Sáu 2021(Xem: 4108)
ình trạng nghèo khó, bất công, thiếu tự do, dân chủ, nhân quyền v.v… chúng ta cần tiên phong trong vấn đề cải tổ chính sách và hệ thống giáo dục từ học đường đến gia đình, từ quốc gia đến thế giới, và tôi nghĩ rằng, đây vừa là trách nhiệm nhưng đồng thời cũng chính là sự sống của chúng ta vì chúng ta không xem một nhà làm giáo dục như là một nghề để sinh sống mà đây là lý tưởng sống, mạch sống, nguồn sống của nhân loại.
01 Tháng Sáu 2021(Xem: 3964)
12 Tháng Ba 2021(Xem: 4316)