Nhân cách con người trong triết lý Bát Chánh Đạo Phật Giáo (song ngữ)

25 Tháng Chín 201520:50(Xem: 8795)

NHÂN CÁCH CON NGƯỜI
TRONG TRIẾT LÝ BÁT CHÁNH ĐẠO PHẬT GIÁO
Self-development through the Eightfold Path
Vương Thị Minh Tâm dịch Việt 
Nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn

LỜI GIỚI THIỆU

 

Nhan_cach_con_nguoi_trong_triet_ly_Bat_Chanh_dao coverCó nhiều đường để ta đi tới với giáo pháp của Đức Phật. Như tác giả của bài viết này là một. Một cuốn sách mỏng thôi nhưng là trải nghiệm của một người học Phật, muốn học Phật như Phật đã từng dạy. Một người như tác giả đang dấn bước trên đường học Phật mà thành tựu thì công hạnh đạt được chắc chắn là đầy đặn và lớn lao.

Một ngày, tác giả bỗng bừng lên để nhận chân một điều: sau 25 năm quy y nhưng “chỉ là đứa con rong chơi lạc lối”. Bây giờ, cần mau kíp học hỏi lại, học hỏi một cách thực sự dưới ánh sáng trí tuệ và từ bi mà Đức Phật đã chỉ dạy. Học theo cái căn cơ của mình, học để biết thương yêu và tha thứ, học để làm trôi cuốn những cạn lắng thù ghét và ích kỷ, học để sửa sang cái bất toàn mà đời người ai cũng sa vào.

Tác giả đi từ kinh nghiệm cá nhân để trình bày bài học của mình theo chu trình GIỚI-ĐỊNH-TUỆ. Học Phật bắt đầu từ đâu là theo kinh nghiệm của từng người. Trong cái “kho trời chung” của học Phật và Phật học “mà vô tận của mình riêng” (xin mượn ý của Chu Thần-Cao Bá Quát) một nẻo đường đến với giáo pháp của Người. Cái sự đó là do bởi cơ duyên của từng con người vốn có và được tác động.

Bát Chánh Đạo là con đường để đời người giải thoát khỏi mọi vọng tưởng, trong đó vọng tưởng ta là có, ta là duy nhất đã đưa người ấy sa vào những sai lầm cay đắng. Bát Chánh Đạo không dùng để cao đàm khoát luận mà để tu tập. Sự tu tập trên đường học Phật quả thật gian nan, gian nan như “lội ngược dòng sông”. Là người cư sĩ tại gia và theo quan niệm riêng, tác giả đi từ việc giữ giới đầu tiên để triển khai các bước đi tiếp sau, thay vì đi theo trình tự mà Đức Phật và chư tổ đã truyền dạy. Âu cũng là một nẻo đường đến với sự thoát khổ. Lẽ dĩ nhiên, đi ngược chiều là kinh nghiệm riêng của tác giả, song vì ngược chiều mà sự gian nan cũng nhân lên. Nhưng với một quyết tâm cao độ thì ngược chiều không đồng nghĩa với đi sai lạc tám con đường, mà chỉ là chọn đi con đường nào trước theo kinh nghiệm riêng. Cũng tùy đấy thôi!

Tôi không cho đây là một cuốn sách chỉ bàn về nhân cách con người thuần túy. Cũng không là một cuốn sách với những lý thuyết dài hơi, mà là một nhân cách được cụ thể hóa qua kinh nghiệm tu tập để đạt đến sự hoàn toàn đáng muốn. Tác giả cho ta thấy đây là bài học cá nhân song cũng có thể có giá trị tham khảo nên đem ra cùng chia sẻ với mọi người. Lựa chọn tu tập như thế nào là tùy ở mỗi người, nhưng có một điều sau đây là tâm niệm: nhân cách con người chỉ có thể đạt đến độ hoàn hảo khi con người ấy đi theo con đường chân chính mà Đức Phật đã chỉ dạy.

Xin có đôi ý giới thiệu với bạn đọc. Mong rằng cả tác giả, người viết lời giới thiệu và bạn đọc cùng chia sẻ điều tâm niệm đó.

Hà Nội, ngày 8 tháng 11 năm 2006

TS. Nguyễn Quốc Tuấn
(Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo – Hà Nội)

pdf_download_2
Nhan cach con nguoi trong triet ly Bat chanh dao Phat giao - Song ngu



 

 
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn