Tạm biệt áp lực

21 Tháng Giêng 201609:00(Xem: 7196)

TẠM BIỆT ÁP LỰC
Thích Thánh Nghiêm
(Trích từ sách: Tu Trong Công Việc)


tu-trong-cong-viec-biaLàm việc gì cũng cần có hiệu quả, nhưng không phải vì gấp rút theo đuổi hiệu quả. Thái độ khi đối diện với công việc phải “tranh thủ nhưng không cần vội vàng”.

Trong điều kiện thời gian có thể tận dụng, cần cân nhắc năng lực của mình, có thể làm được bao nhiêu thì làm bấy nhiêu. Khi giải quyết sự việc bằng thái độ như vậy sẽ không có những gánh nặng lớn, bởi sự vội vã sẽ không có tác dụng gì; lo lắng, hoảng sợ, ưu sầu không những không giúp gì cho công việc mà ngược lại còn gây thêm áp lực.

Chạy đua với thời gian thường khiến thân thể và tâm lí chúng ta trở nên căng thẳng. Vì vậy, ta cần phải tập luyện thư giãn cho tâm hồn, học cách “coi cuộc sống như là một công việc ưa thích, coi công việc như là sự thú vị của cuộc sống”, hưởng thụ công việc, hưởng thụ cuộc sống, cảm nhận được đây chính là hạnh phúc, tâm hồn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, không còn căng thẳng và áp lực.

Ngoài ra, nếu đặt mục tiêu quá cao, tự mình sẽ cảm thấy áp lực, nhưng cần học được cách đối diện và hoàn thành chúng với tâm thái nhẹ nhàng. Ví dụ có những người luôn luôn yêu cầu tôi phải hoàn thành được việc nào đó trong khoảng thời gian nhất định, nhưng tôi sẽ không cảm thấy đó là áp lực, mà coi nó như là sự mong đợi đối với mình, vì vậy khi nào bắt đầu làm, khi nào hoàn thành đều là việc của tôi, tự mình có thể khống chế được, tôi cũng không lo mình có thể hoàn thành được không, bởi lo lắng là quá thừa. Giống như tàu hỏa chạy trên đường ray tiến lên phía trước, nếu dựa vào tốc độ cố định để tiến lên, nhất định sẽ đến được đích, nếu đột nhiên có một chiếc xe tải đi nhầm vào đường giao nhau, đâm vào tàu là chuyện xui xẻo nhưng đó là chuyện không thể tránh khỏi và hoàn toàn nằm ngoài ý muốn chủ quan của mình. Vì vậy, lo lắng trước sự việc xảy ra chẳng có tác dụng gì, bởi nó chỉ làm tăng thêm áp lực và tâm lí bất ổn trong khi tiến hành công việc.

Làm thế nào để tháo gỡ những áp lực trong công việc? Điều quan trọng là trước khi làm cần có kế hoạch, đồng thời phải hiểu rõ thực lực bản thân, không được giả vờ như không biết hoặc đánh giá quá cao hay quá thấp bản thân. Nếu năng lực của mình không đủ, tri thức hạn chế, nhưng mong muốn quá cao, thì bạn khó có thể hoàn thành công việc được giao, cuối cùng lại đổ lỗi do công việc quá vất vả. Ví dụ, tôi muốn trở thành một hòa thượng 100 điểm, nhưng năng lực chỉ đạt 60 điểm, cho dù có tận tâm tận lực, kết quả có thể vẫn không đạt được, điều đó cũng không sao, bởi nó không phải là vấn đề tôi cần làm, mà là tôi không thể làm được. Vì vậy, việc mong đợi những cái phù hợp với mình là điều tốt, áp lực như vậy sẽ khiến chúng ta có những biểu hiện tốt hơn, nhưng nếu năng lực không thể hoàn thành được, chúng ta không nên cầu cạnh người khác cũng không nên oán trách mình.

Sau khi hiểu được điều này, chúng ta có thể giảm bớt nhiều áp lực. Nhưng bản tính con người vốn rất hay suy tính thiệt hơn, sợ thất bại, sợ không đuổi kịp tiến độ, sợ ngày mai sẽ xảy ra những việc mà mình không thể ngờ tới, vì vậy không có cảm giác an toàn, trong lòng cũng không thể yên tâm.

Trên thực thế, trong thế giới này có rất nhiều việc mà ta không thể điều khiển nổi, ví như, số mệnh không bao giờ có thể nắm bắt được, ngay cả một bước tiếp theo sẽ xảy ra chuyện gì cũng không thể biết được. Vì vậy, không nên lo lắng, hãy gạt bỏ những âu lo vớ vẩn, tập trung vào những việc mình đang làm, chỉ cần cố gắng tận tâm, làm tốt công việc của mình, thì có thể giảm bớt được những áp lực. Nhưng nếu như áp lực mà mình lo âu kia xảy ra thực thì làm thế nào? Lúc đó cần gạt công việc sang một bên, hãy để thân tâm thư giãn, nghỉ ngơi một lát, nếu không càng vội vã, càng bận rộn, áp lực sẽ càng nhiều hơn. Thay đổi quan niệm, cách nhìn nhận, tiếp cận sự việc sẽ khiến tâm hồn trở nên mới mẻ, thư thái, giảm bớt áp lực với công việc.

HT. Thích Thánh Nghiêm
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn