Chương 5: Tuổi Trẻ Tự Lực Và Hóa Giải

15 Tháng Tám 201200:00(Xem: 11832)

PHẬT GIÁO VÀ THỜI ĐẠI
Thích Nhật Từ
Hiệu chỉnh: Phú Tuệ, Thích Nữ Tâm Minh
Nhà xuất bản Phương Đông 2010

Chương 5: Tuổi trẻ tự lực và hóa giải
Lời cảm niệm
Đạo Phật cho từng độ tuổi
Nhận xét chung về hai độ tuổi
Bất mãn – nhu cầu của sự thăng tiến
Tuổi trẻ cần có bất mãn
Bất mãn tuổi già nên tránh
Tự lực và tha lực
Tiếp cận tha lực từ hai góc độ
Ảnh hưởng phong tục tập quán đối với đạo Phật
Mối quan hệ giữa tự lực và tha lực
Phật giáo và chính thể
Dùng từ bi để chuyển hóa
Học tập phương thức từ nước bạn
Vượt qua mặc cảm


Lời cảm niệm

Chúng tôi rất may mắn được thăm viếng Hoa Kỳ lần thứ thứ hai và học hỏi được nhiều điều sau khi thăm quan một số trung tâm tu học của Phật giáo Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Tây Tạng. Chuyến thăm lần này, mặc dù thời gian chỉ hai tháng, nhưng chúng tôi có nhiều cơ hội tiếp tục tìm hiểu về sự phát triển Phật giáo trong bối cảnh đa văn hoá của Hoa Kỳ. Kinh nghiệm này giúp ích chúng tôi rất nhiều, khi trở về Việt Nam sẽ có phương hướng ứng dụng tương đối thích hợp hơn với những mô hình sinh hoạt Phật giáo trong nước.

Nhân đây, xin chân thành cảm ơn chương trình phát thanh Đuốc Tuệ Giao Điểm đã mời gọi các thân hữu có mặt tại cư gia của cư sĩ Tâm Cát, chia sẻ nhiều quan điểm khác nhau. Chúng tôi cho rằng các quan điểm, ý niệm đó đã tạo ra bề mặt về con đường rất tốt cho chúng tôi tư duy. Mời quý vị tiếp tục đặt những câu hỏi đối với các vấn nạn của Phật giáo Việt Nam nói chung và sự phát triển Phật giáo trong từng cộng đồng người Việt nói riêng.

Đạo Phật cho từng độ tuổi

Cư Sĩ Mật Nghiêm (CSMN): Kính bạch thầy! Con xin phép đặt một câu hỏi. Thực ra, câu hỏi này của anh Vũ Hữu Đệ. Anh Đệ sinh hoạt tại đạo tràng Hoa Nghiêm chùa Liên Hoa. Một hôm, chúng con lên thăm Hoà thượng Mãn Giác, anh Đệ đứng nhìn mê mẩn bốn câu thơ của Hòa thượng:

Ô hay xuân đến bao giờ nhỉ

Nghe tiếng hoa khai bỗng giật mình Sáng nay thức dậy choàng thêm áo Vũ trụ muôn đời vẫn mới tinh!

Con vỗ vai anh Đệ, bảo: Đấy, đạo đấy! Đạo nằm đấy! Sau đó chúng con về sinh hoạt ở đạo tràng, có đạo hữu ra trình bày các vấn đề lý thuyết Phật giáo thì anh Đệ quay sang vừa cười vừa bảo con: Họ lại biến Phật thành Thần rồi.

Chúng con có được kinh nghiệm, như thầy vừa nói về cuộc sống đạo đổi mới thì: Tuổi trẻ sống trong cuộc đời này thường đánh mất mình do chạy theo cái bên ngoài. Ngược lại, người cao tuổi bắt đầu dừng nhưng biến Phật thành Thần và tự nhiên trốn vào chỗ dừng lại đó. Vậy, Thầy thấy thế nào là con đường tốt đẹp cho cả hai lứa tuổi trong thời điểm này?

Thích Nhật Từ (TNT): Vấn đề đặt ra rất lý thú bởi vì nó đụng chạm đến phong tục tập quán đang diễn ra trong tiến trình tu tập, hành trì của rất nhiều hành giả Phật giáo ở hiện tại cũng như tương lai.

Nhận xét chung về hai độ tuổi

Vấn đề của tuổi trẻ và tuổi già tiếp xúc đạo Phật đang làm đau lòng những người có tâm huyết truyền bá Phật giáo. Dĩ nhiên, các vị cao Tăng trong Phật giáo nhìn thấy có lỗ hổng nào đó. Từ lỗ hổng này đã đẩy lùi giới trẻ ra bên ngoài mặc dù họ biết rất rõ, tuổi trẻ và giới trẻ là giai đoạn mà năng lực của con người và lòng tự lực được phát triển một cách tuyệt đối, đến độ, họ có thể rơi vào chủ nghĩa duy lý hoặc duy ý chí. Nghĩa là, mơ ước, dấn thân làm những chuyện động trời ngoài khả năng của bản thân. Tất nhiên, đó là những điều đáng trân trọng vì theo nhà Phật dạy, khích lệ, phát huy tiềm năng. Nếu không có ao ước lớn như vậy thì không thể làm được những việc tương đương trong cuộc đời.

Có lẽ, khi người ta thấy đức Phật Thích Ca mơ ước thành bậc đại Giác ngộ thì cũng nghĩ: Đức Phật là người có ước mơ động trời. Nhờ ước mơ động trời ấy mới có thể làm lay chuyển nền văn hoá tâm linh đặt nặng trên tha lực và thần linh của truyền thống mấy ngàn năm trước đó. Cho nên, giới trẻ có được cơ hội rất quý, tiếp xúc với đạo Phật khi còn trẻ trung.

Ngược lại, tuổi già gần như an phận thủ thường, trở về lo cho bản thân mình nhiều hơn. Lúc đó, nếu sống với chủ nghĩa kinh nghiệm theo khuynh hướng của các triết gia, học thuyết thì sự chán nản bắt đầu xuất hiện do kinh nghiệm để lại nỗi khổ, niềm đau lớn vô cùng. Nói vậy, không có nghĩa chúng ta phủ nhận kinh nghiệm. Trong nhà Phật, vẫn có một loại thần thông biết được quá khứ của mình hay của người rõ ràng, rành mạch như đang cầm trái xoài trong lòng bàn tay và biết cái vân, cốt, màu sắc, kích thước lớn nhỏ của trái xoài này chắc chắn đến 100% chứ không phải ước đoán. Do vậy, tuổi già với nhiều kinh nghiệm làm cho đóng bít những cách thức tiếp xúc những giá trị mà lẽ ra, sự truyền thừa kinh nghiệm tích cực giúp giới trẻ thăng bằng lại chủ nghĩa duy chí của họ.

Như thế, tiến trình tiếp cận đạo Phật của hai lứa tuổi sẽ tạo ra trạng thái cân bằng, hỗ trợ lẫn nhau rất nhiều. Trên thực tế, ở trong các chùa, thế hệ già và trẻ luôn luôn có khoảng cách rất lớn. Ví dụ, tuổi trẻ tới chùa chỉ để sinh hoạt hoặc có những lớp học giáo lý dành cho giới trẻ thì dấn thân, ngoài ra, không màng đến. Những chuyện lớn hơn chưa chắc họ quan tâm. Có lẽ, một phần do thế hệ lớn tuổi không tạo cơ hội để họ làm khi đang còn nhiệt huyết, nhiệt tình.

Do đó, chúng ta nên học hỏi phong cách sáng tạo của đức Phật. Khi Ngài chỉ ba mấy tuổi đã trở thành bậc đại Giác ngộ, với năng lực thuyết pháp vĩ đại thế mà có những tình huống đức Phật không hề giảng. Có nhiều người ở các tầng lớp như: Vua chúa, quan tước, những nhà tư tưởng, văn hóa, tôn giáo lớn tiếp xúc, vấn đáp nhưng Ngài vẫn để học trò trả lời mặc dầu những vị đó mới chỉ vài ba hay năm, mười tuổi đạo với tuổi đời cũng rất trẻ. Ngài muốn các học trò bật ra năng lực thể hiện sự hành trì của họ thông qua lối diễn đạt để giúp những người khác tháo gỡ được bế tắc trong cuộc sống. Xong, đức Phật kiểm nghiệm lại xem những lời dạy đó phù hợp chưa, nếu chưa thì bổ sung thêm, còn đủ rồi thì Ngài kết luận bằng câu đơn giản: Những gì Như Lai định trình bày cho cư sĩ đã được thầy Xá-lợi-phất hay Mục-kiền-liên hoặc Tôn giả A-nan đã trình bày, các vị hãy theo đó hành trì, kết quả lợi lạc đạt được như nhau.

Với tư cách là những người đi trước, thế hệ bậc thầy, thế hệ của người lớn hơn tạo tiền đồ, nhịp cầu, sự hỗ trợ tha lực, đức Phật tạo cơ hội rất cần thiết cho thế hệ trẻ, đệ tử của Ngài có được tự lực làm Phật sự ở hiện tại và tương lai. Lúc đó, rõ ràng, những bước chân của đức Phật sẽ mang lại rất nhiều an vui, hạnh phúc cho cuộc đời.

Bây giờ, ở trong chùa vẫn bị lâm vào tình trạng, đôi lúc chủ nghĩa, thói quen về thành tích của các bậc đi trước làm cho người đi sau đánh mất cơ hội dấn thân, phục vụ. Những người có nhiều thành tích nhưng không có tâm buông xả có thể nghĩ rằng: Thế hệ con, em mình còn trẻ quá, non nớt, thiếu kinh nghiệm, tâm chưa sâu nên khi dấn thân dễ bị vấp ngã, bị rớt, bị ra đời nên không tạo cơ hội cho làm. Do vậy, tuy tình thương, cảm xúc dành cho thế hệ trẻ rất lớn nhưng không giúp họ đóng góp được những cái cần đóng góp trong cuộc sống. Thời đại của đức Phật Thích Ca, Ngài đã làm. Rất tiếc, chúng ta không dám bắt chước hoặc làm chưa triệt để.

Bất mãn – nhu cầu của sự thăng tiến

Trở lại vấn đề của thế hệ già và trẻ, với tư cách người tại gia, có thể cũng rơi vào tình trạng như vậy. Cần tạo sự thăng bằng, tìm kiếm những kinh nghiệm mà thế hệ đi trước, ông, cha, chú, bác đã làm. Muốn có được cách tiếp nhận tích cực vậy thì phải loại trừ tâm lý bất mãn. Bất mãn là cảm xúc thường xuất hiện ở những người có cảm xúc, nhu cầu về sự thăng tiến, phát triển, cách tân, đổi mới, nên nếu thiếu bất mãn thì khó lòng làm được việc lớn.

Nếu Lý Thường Kiệt không từng bất mãn với chính sách nô lệ của người Trung Quốc áp đặt lên đất nước Việt Nam, rõ ràng, Lý Thường Kiệt đâu có những chiến công oai hùng. Trần Quốc Tuấn không bất mãn với tướng tá, quân sĩ mà lo ăn chơi, đá gà, nhậu nhẹt chắc ông không sáng tác ra bài Hịch Tướng Sĩ rất ấn tượng, đi vào lòng người. Nếu đức Phật Thích Ca không bất mãn về vai trò khổ đau, mà dù với tư cách một vị đông cung thái tử hay vua cũng chưa thể đáp ứng được, thì Ngài đâu trở thành bậc đại Giác ngộ! Cho nên bất mãn là một trong những chất xúc tác đẩy ta đi về phía trước.

Tuổi trẻ cần có bất mãn

Tuổi trẻ thường bất mãn với tuổi già. Cho rằng, thế hệ cha, anh đã lạc hậu, lỗi thời, trở thành những người rất bảo thủ, không muốn nhường lại vai trò nào đó cho mình nên bất mãn và có thể tạo ra nổi loạn, kháng cự. Sự bất mãn này dẫn tới hủy diệt, không tốt cho cuộc sống. Chỉ có thái độ bất mãn để xây dựng cách tân, làm mới, nuôi nguyện lực hùng dũng, tạo ra con đường dấn thân mãnh liệt trong tương lai, chính sự bất mãn này mới mở ra cửa ngõ của những giá trị đóng góp. Chúng tôi mong rằng, tất cả thế hệ trẻ nếu chưa có cơ hội do giáo hội không tạo hoặc thế hệ đi trước không mở ra thì phải tự bất mãn để không hài lòng với những phong tục, tập quán đang có hòng mở ra một tiến trình mới tích cực. Đương nhiên, làm phải có nghệ thuật, phương pháp để những người không hoan hỷ, tùy hỷ với mình vẫn có thể chấp nhận được giá trị đóng góp và lòng nhiệt thành của mình ở trong cuộc đời.

Bất mãn tuổi già nên tránh

Ngược lại, tuổi già đừng bao giờ chán nản rằng đã đến tuổi “Gần đất xa trời”, tuổi hết rồi, tuổi xế chiều, không còn giá trị gì nữa dẫn đến thái độ yếm thế, bi quan, chán chường và thất vọng. Thấy người khác làm, mình khuyên đừng làm, thế này thế kia, khiến người ta mất nhiệt huyết thì không nên. Lúc đó, cần phải khuyến khích, khích lệ cho những tiềm năng từ hạt cát trở thành viên sỏi, từ viên sỏi trở thành tảng đá, từ tảng đá trở thành hòn núi, từ hòn núi trở thành dãy trường sơn... trở thành hàng loạt những dãy Tu Di, trở thành vô cùng vô tận. Khi ấy, chúng ta đã đóng vai trò dẫn đạo cho thế hệ trẻ.

Như vậy, tiến trình làm Phật sự, con đường dấn thân tu tập ở gia đình, xã hội, chùa chiền, tôn giáo... nói chung, trên mọi lĩnh vực, đều có sự hợp tác rất chặt chẽ giữa thế hệ đi trước và sau. Được thế, tiến trình của sự thành công chắc chắn nắm trong tay. Tất nhiên, rất khó ở chỗ, phải phá vỡ thành trì cố thủ của những người lớn, phá vỡ thành trì tự thị mà trong kinh Tăng Chi đức Phật gọi là “Kiêu mạn tuổi trẻ”. Kiêu mạn tuổi trẻ là một trong những cản lực rất lớn làm cho con người dầu có tài nhưng không được chấp nhận, thành công vẫn không được đánh giá cao. Nó tạo ra một sự hãnh diện, kiêu ngạo rằng: Tôi có thể làm được tất cả, tôi là trung tâm, bản lề, trục xoay, giá trị, hạt nhân… Làm cho người khác càng lánh xa. Cho nên, kiêu mạn tuổi trẻ cần được chuyển hóa để lòng vô ngã vị tha trở thành nhân ở trong tiềm lực lớn. Rõ ràng, vấn đề này có thể lây lan, mở rộng phạm vi bờ cõi, đến độ, ảnh hưởng của nó vượt xa thế hệ đi trước. Lúc về già rồi thì thế hệ trẻ đó cũng phải nghĩ, nên nhường vai trò này cho thế hệ đàn em. Giống như những đợt sóng sau đẩy sóng trước chứ không thể sóng trước đẩy sóng sau. Sóng sau đẩy sóng trước nữa, cứ như vậy tiếp tục, cuộc đời tiến triển theo tiến trình của vô thường, của sinh-trụ-dị-diệt và tạo ra cái mới. Cái mới lại trải qua một giai đoạn y hệt như vậy.

Hiểu được vậy, rõ ràng không bao giờ bất mãn lẫn nhau, không bao giờ kiêu mạn tuổi trẻ và cũng không bao giờ ti liệt mạn tuổi già. Hai trạng thái tâm lý phản ứng đối nghịch nhau đều là con cháu, thân bằng quyến thuộc của bản ngã. Nếu sống trên định vị của bản ngã thì cuộc đời rất nhiều rắc rối. Cho nên, đôi lúc có lòng nhiệt tình nhưng không chấp nhận lẫn nhau. Vẫn biết người kia làm Phật sự, mình cũng làm Phật sự, ấy thế, hai bản ngã của kiêu mạn và ti liệt mạn đụng nhau, nhóm lửa và cuối cùng hạt giống Phật sự bị chết. Thật đáng tiếc! Hiểu được tinh thần đức Phật đã dạy, vẫn cần phải có sự hỗ trợ tích cực giữa những việc khác nhau chứ không đơn thuần là giới tính, tuổi tác.

Tự lực và tha lực

CSMN: Qua phần pháp thoại của thầy vừa rồi, con xin thầy giảng rõ thêm về quan niệm tự lực và tha lực thế nào là chính đáng đối với người Phật tử?

TNT: Câu hỏi này liên hệ đến giá trị hành trì của các tông phái trong đạo Phật kể từ khi đức Phật nhập Niết-bàn. Dĩ nhiên, lý giải hai quan điểm tự lực và tha lực khó có thể đáp ứng được sự đồng tình của quảng đại các hành giả thuộc nhiều trường phái Phật giáo khác nhau.

Trước nhất, xin xác nhận, trong thời của đức Phật không hề có khái niệm về tự lực và tha lực. Tất cả những pháp môn Ngài để lại trong kinh được xem như tông chỉ chung mà bất kỳ hành giả nào cũng phải hành trì. Có những pháp môn rất phù hợp với tư cách người xuất gia, có những pháp môn phù hợp với người tại gia, có những pháp môn áp dụng chung cả hai tầng lớp, có những pháp môn phù hợp cho hai giới, có những pháp môn phù hợp luôn cả người lớn và trẻ nhỏ.

Đạo Phật trong thời đại của đức Phật không có tông phái, tông chỉ như: Thiền tông, Mật tông, Tịnh Độ tông, Pháp Hoa tông, Hoa Nghiêm tông, Tam Luận tông… Khi ấy là một đạo Phật của tổng thể. Trong đó, mỗi lời kinh, pháp của đức Phật dạy là một con đường, đóng vai trò hỗ trợ rất lớn cho các hành giả trong tiến trình đi trên con đường hoằng pháp và giải thoát.

Khi đi trên những con đường đó, tất cả các hành giả được coi là con người tự lực. Tha lực là tác hưởng về phương diện duyên, như thực tại có mặt trong cuộc đời này, bên cạnh chúng ta, ở đâu cũng có. Ví dụ: Thời điểm Tăng chúng quây quần bên đức Phật nghe giảng pháp, dạy những con đường của sự chuyển hoá. Lúc bấy giờ, yếu tố thuyết pháp của đức Phật được xem là tha lực đối với những người đang có mặt. Tha lực, tức sự hỗ trợ bên ngoài về giáo dục, hoằng pháp, hành trì, hỗ trợ thông qua cách thức quán tưởng hoặc bất cứ thứ gì thuộc về duyên đều được xem là tha lực. Dưới góc độ vừa nêu, quan niệm về tha lực thì rất khác với khái niệm tha lực mà con người sử dụng trong thời đại Tịnh Độ tông.

Trở lại nguồn gốc kinh điển ngày xưa của đức Phật, tất cả các hành giả đều phải tự lực và tha lực nếu có, chỉ là một quyển kinh, bài pháp, con đường chuyển hóa, sự hành trì, 37 phẩm trợ đạo, mọi giá trị về pháp và đạo đức mà đức Phật để lại. Tất cả những thứ đó đều được gọi tha lực. Bởi vì, nương vào chúng sẽ có một công tắc chuyển hóa rất lớn. Thông qua các giá trị chính pháp Ngài để lại trong kinh, có thể ví năng lực ngoại hộ của đức Phật giống như bản lề của cánh cửa. Khi bản lề mở ra, sự mời gọi tri thức tâm linh, tuệ giác bắt đầu có mặt và do đó, con người cần phải mạnh dạn đi vào ngôi nhà chính pháp đó.

Tiến trình tự đi ấy được coi là tự lực. Sự mời gọi là tha lực. Như vậy, tha lực nếu có trong tiến trình phát triển của đạo Phật vào thời đại đức Phật là hỗ trợ nhân duyên rất cần thiết. Sự hỗ trợ đó chỉ đóng vai trò xúc tác, kích hoạt mà theo chúng tôi, không quá 10%, 90% còn lại phải thuộc phần tự lực của hành giả. Về sau, lòng từ bi và đạo lý Đại thừa có khuynh hướng thần thánh hoá các đức Phật, Bồ tát. Phương pháp thần thánh hóa này là một trong những nghệ thuật để đưa chất liệu văn hóa tâm linh nhà Phật đi vào từng ngõ ngách của các tôn giáo khác.

Cách đây hai hôm, tại chùa Phật Tổ, chúng tôi cũng nói về hạnh dung thông văn hóa của Bồ tát Quan Thế Âm thông qua 32 ứng thân. Trong đó, có ứng thân làm các vị thần, trời, vua, tể tướng, thương gia, nhà giáo dục, nghệ sĩ… rất nhiều thân phận khác nhau. Đạo Phật được hiểu dưới góc độ tôn giáo qua các truyền thống tín ngưỡng thì rõ ràng chất liệu axít đậm đặc của tuệ giác nhà Phật bị giảm đi tới 70%, 80%. Sự giảm này có dụng ý chứ không phải giảm do biến chất. Dụng ý đó, các vị Tổ coi là một phương tiện nhằm mục đích, đưa đạo Phật tự lực thành đạo Phật tha lực để những con người có truyền thống tâm linh của các tôn giáo hữu thần nói chung và nhất thần nói riêng cảm thấy truyền thống văn hóa tâm linh của nhà Phật rất gần gũi với những gì họ đang tìm. Nhờ thế, họ đi vào đạo Phật dễ dàng hơn. Nếu đã từng có một đức Chúa bác ái, những vị thần linh với nhiều tha lực thì nhà Phật có Bồ tát Quan Thế Âm. Chất liệu mang nghĩa đen là vậy, còn nghĩa bóng, triết lý là đòi hỏi quá trình hành trì tự lực.

Tiếp cận tha lực từ hai góc độ

Cần hiểu tha lực dưới hai góc độ: Thứ nhất, là duyên cần thiết để chính nhân sẵn có trong con người hành giả có đủ chất xúc tác tạo thành quả ở hiện tại, tương lai và đó là cả quá trình của sự tự lực. Trong trường hợp này, tha lực được hiểu, là một tác nhân để chính nhân có mặt, trưởng thành nên rất cần thiết.

Thứ hai, tiếp cận tha lực như một chủ nghĩa huyền bí, sự ban phước, ân sủng. Tạo ra những khoảng hỗ trợ, tạm gọi là ô dù của lòng từ bi hay ô dù của sự thiết lập tình thân cảm ứng đạo giáo. Chủ động đưa đạo Phật đến góc độ dung thông văn hóa với các tôn giáo, khác với phương tiện mời gọi các tín đồ của các tôn giáo đó về với đạo Phật. Mức độ thứ hai, phải vượt lên nghĩa thường này, đi vào nghĩa triết lý với những biểu tượng đòi hỏi những chìa khóa, công thức giải mã bản chất con người. Lúc này mới thấy tha lực đó chỉ có ý nghĩa phương tiện chứ không phải cái có thực. Tiến trình của cuộc sống là tiến trình của nhân quả nên phải là tiến trình tự lực chứ không phải tha lực.

Chúng tôi phân tích về bản chất và phương cách hành trì của các cư dân Tịnh Độ. Dùng từ, cư dân Tịnh Độ mà không dùng từ Thánh giả Tịnh Độ bởi, tất cả hành giả có mặt ở cõi Tịnh Độ đều phải hành trì theo lời đức Phật dạy rất rõ: “Rải hoa cúng dường, tác tạo công đức, phạn thực kinh hành, từng bước thảnh thơi, quán chiếu âm thanh, quán chiếu suối chảy, quán chiếu tiếng chim reo…”. Rồi, tu tập “Nhất tâm bất loạn”, tạo nhiều phước báu chứ không phải thiện căn công đức… Tất cả những thứ đó đều là tiến trình của tự lực. Rốt cuộc lại thì đạo Phật là đạo của tự lực, còn đạo tha lực là đạo của các tín ngưỡng, tôn giáo khác.

Phương thức tiếp cận đạo Phật giữa hai châu lục: Thực tế, cuộc đời có nhiều điều diễn ra trái ngược nhau. Nếu phương Tây đến với đạo Phật thông qua con đường tri thức, hành thiền, khoa học, tâm lý học, giáo dục học và triết lý… Ngược lại, dưới ảnh hưởng của các nền văn hóa nhất thần:

Khổng giáo, Lão giáo, Thiên Chúa giáo… đạo Phật ở các nước châu Á là đạo Phật của hữu thần. Cái gì liên hệ đến hữu thần thì mang nghĩa tha lực. Cái gì liên hệ đến tha lực sẽ tạo ra rất nhiều vầng hào quang của thần bí, viễn tưởng của niềm tin, rất nhiều tiến trình của hy vọng. Nhưng, giá trị của thực tại rất khác với những gì con người mong đợi.

Gương tự lực của đức Phật Thích Ca Mâu Ni: Nhà Phật không bao giờ dạy theo kiểu mơ tưởng những đàn gà mà dạy cách thức để làm cho trứng gà trở thành gà con. Đức Phật đã từng sánh ví Ngài như một quả trứng gà. Bằng tuệ giác, hành động, tu trì, chuyển hóa, Ngài dùng cái mỏ của trí kim cương để chọc thủng vỏ trứng vô minh và phiền não. Khi chọc thủng vỏ trứng đó, đức Phật sử dụng hai bàn chân tự lực cất từng bước chân đi để có mặt và hiện hữu ở cuộc đời này. Đức Thế Tôn nói rằng rất may mắn Ngài là con gà đầu tiên chọc thủng được vỏ trứng của vô minh và phiền não. Nếu không học theo Ngài, mà cứ mong gà mẹ dùng tha lực để mổ vỏ trứng cho mình ra, thì vẫn có thể ra được nhưng độ an toàn tuyệt đối không có. Vì, gà mẹ không biết mắt, mũi, miệng, não… của gà con nằm ở chỗ nào. Mổ không khéo sẽ khiến mắt bị mù, não bị thủng… và làm biến dạng cấu hình sinh học của gà con. Quả thực, hỗ trợ có thể dẫn tới khuynh hướng tác hại ở hiện tại và tương lai. Do đó, đức Phật khuyên: Hãy bắt chước như đức Thế Tôn, tự nỗ lực để con gà từ trong quả trứng đi ra được bằng cách dùng mỏ mổ vỏ trứng chứ không cần gà mẹ hỗ trợ từ bên ngoài. Đó là những gì đức Phật để lại trong kinh tạng Pàli.

Ảnh hưởng phong tục tập quán đối với đạo Phật

Thực tế, khi Phật giáo du nhập vào nền tảng văn hóa các nước, đặc biệt là Trung Hoa đã chịu ảnh hưởng của phong tục tập quán bản địa. Bấy giờ, có thể nói, rất nhiều loài tầm gửi, dây mơ rễ má bám lên cây Bồ đề của đạo Phật. Vai trò của hành giả Phật giáo là, đừng bao giờ đồng hóa cây Bồ đề với những cây tầm gửi. Dây tầm gửi chỉ bám vào Bồ đề hòng tạo sức sống hoặc nhiều người muốn lấy dây tầm gửi để chế tác thành thứ trang sức nào đó cũng không chừng. Phải phân biệt rạch ròi giữa hai cây này không phải một, và bản chất của đạo Phật là cây Bồ đề chứ không phải tầm gửi. Tha lực là tầm gửi, tự lực là Bồ đề. Đến với đạo Phật phải đến với cây Bồ đề chứ không phải tầm gửi.

Vì vậy, nếu có khuynh hướng của cảm xúc, yếu đuối quá nhiều thì bỗng dưng khuynh hướng về nhu cầu tha lực bắt đầu xuất hiện trong con người. Nhu cầu tha lực đó có từ khi hình thành trong bào thai người mẹ. Ở chỗ, con người không thể tự sống mà phải được nuôi dưỡng trong thời gian chín tháng mười ngày bởi nhau thai truyền chất máu, cảm xúc, thực phẩm… và, sau lúc sinh ra, mất 3 năm nhũ bột, rồi mười mấy năm nuôi dưỡng trong học đường để trở thành người có vai trò, vị trí trong xã hội. Như vậy, tiến trình có mặt của con người cũng như các loài vật khác trong cuộc đời là một tiến trình của tha lực. Chính lẽ đó đã tạo ra di hưởng tâm lý, có xu hướng tìm một thứ để nương vào, dù là ảo giác, lý tính hay cảm xúc và cảm thấy được trấn an, an toàn, đảm bảo, vững chãi hơn khi phải tự cất bước thui thủi một mình. Con đường của nhà Phật là:

Một mình cất bước, một mình vân du

Hạ đông rồi lại xuân thu

Thế gian làm cảnh, thái hư làm nhà”.

Nghe tiến trình như vậy, thấy ớn cả da gà và hễ nhắc đến là ngán ngẩm. Vì thế, khuynh hướng tha lực bắt đầu có mặt và trở thành liều thuốc bổ tạm thời. Chưa đủ sức đi thì uống vào để tăng cường năng lực, đi chút thấy mỏi lại uống tiếp. Nếu chịu khó tập thể dục sẽ không còn lệ thuộc vào bác sĩ, thuốc thang mà chỉ lệ thuộc vào tiến trình chuyển hoá sức khoẻ của bản thân. Bấy giờ, đi thoải mái không cần thuốc vẫn không thấy mệt. Thuốc là tha lực, ai tin tưởng vào thuốc, bác sĩ, đồng nghĩa, giao mạng sống của mình cho người khác đến 80%.

Dựa vào tha lực vẫn tốt, vì có nhiều người yếu quá không đủ sức đứng lên nên phải uống thuốc hỗ trợ. Các pháp môn đặt nặng vấn đề lòng từ bi, giới thiệu quá nhiều về giá trị của nó với tình thương bao la không cùng tận và con người là đối tác. Thông qua niềm tin tôn giáo, thương tưởng được thiết lập, rõ ràng vẫn đạt được giá trị. Nhưng phải biết rằng giá trị đạt được trong tình huống này là hạn hữu vì đang “ăn” an sinh xã hội của các vị Bồ-tát. An sinh xã hội chiếm tối đa là 10% tiền lương từ con người tự lực làm. Chấp nhận chế độ an sinh vẫn sống an lành, thoải mái nhưng không có điều kiện làm vô số công đức bởi do thu nhập hạn chế từ bản thân.

Ở phương Tây, người dân đóng thuế rất cao. Thông qua hệ thống luật pháp, sự đóng thuế này là cách các chính phủ làm công đức tình nguyện thay vì người nộp thuế phải lấy 25% tài chính, theo lời đức Phật dạy là một phần tư tiền lương dùng làm công đức. Chế độ đóng thuế ở các nước phương Tây đã bắt chước lời dạy của đức Phật, lấy 25% thu nhập của người nộp thuế làm công tác an sinh xã hội, đưa vào hệ thống giáo dục… Quan niệm như thế, đến tháng, tiền lương bị cắt đi không cảm thấy tiếc nuối, nhăn mặt, khó chịu, khổ đau mà thấy mừng ghê gớm bởi chính phủ làm hộ mình. Liên tưởng đến chế độ an sinh xã hội, được nhận trợ cấp thì đó là tha lực có thật. Tha lực chắc chắn có, bởi thế giới của nhà Phật là thế giới duyên khởi mà duyên khởi lại lệ thuộc vào nhau, và sự lệ thuộc này chính là tha lực. Không có thứ gì tách rời khỏi tha lực nhưng vấn đề ở chỗ, là hạt giống chính, cây cổ thụ hay là cây da, cây me… tùy thuộc vào sự lựa chọn của mỗi người.

Dấn thân với bản lĩnh của tuệ giác, tình thương, sức chịu đựng đi trên con đường tự lực hiển nhiên đem lại rất nhiều hạnh phúc, lợi lạc cho cá nhân và con người. Được vậy, sẽ sớm có tấm hộ chiếu về cõi Tây Phương Cực Lạc, nếu là cư dân của Tịnh độ. Đức Phật khẳng định: Không thể dùng công đức nho nhỏ, be bé mà được về Tịnh độ. Nhiều người cúng Phật có nải chuối mà đòi về Tây Phương thật hoàn toàn không thể. Phải xây dựng nhiều cô nhi viện, viện dưỡng lão, chùa chiền, đúc chuông, tạc tượng, in kinh ấn tống, thậm chí các Phật tử trong tương lai cần phải giảng pháp và dấn thân vào việc hoằng pháp giống như người xuất gia. Những người có hoàn cảnh nghèo, không có tiền của để làm những việc phước thì phải có tâm tùy hỷ và phải tu tập niệm danh hiệu Phật thật nhiều mới được. Phong trào Bồ tát tại gia trong kinh Duy Ma Cật thời đại nào cũng phải có. Không làm được thì rõ ràng công đức rất nhỏ, rất yếu. Do đó, hộ chiếu có rồi nhưng visa không được đóng dấu nhập cảnh thì không thể làm những việc lớn.

Mối quan hệ giữa tự lực và tha lực

Tự lực và tha lực đều có và tồn tại song hành, nếu biết cách sẽ tạo sự hỗ trợ lẫn nhau rất nhiều. Trong đó, yếu tố tự lực chiếm tỉ lệ 90% tất cả giá trị hạnh phúc, thành công của cuộc đời. Tha lực chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Ví dụ: Thỉnh thoảng, có người hiểu rất rõ về đạo lý sự dấn thân, hành đạo. Nhưng mới xuất phát vào con đường làm Phật sự liền bị phong ba bão táp thì choáng váng, sợ hãi và thôi. Bảo với người ta lần sau có Phật sự đừng gọi tôi nữa nghe, thấy thầy từ xa vội kêu con cái đóng cửa lại và dặn trả lời nói là “mẹ không có nhà” nếu thầy hỏi. Hiểu được vấn đề và việc Phật sự mà ứng xử vậy thì rõ ràng đang bị thối chuyển, đang rất cần tha lực. Khi ấy, người thiện hữu tri thức sẽ đến khuyến tấn, khích lệ, truyền chất liệu lòng tự tin, bác ái, từ thân của ngọn đuốc soi đường để người kia tự tin và vững bước trên con đường đạo lý, bất chấp mọi lời thị phi, chỉ trích không có giá trị cho đạo đức và dấn thân. Lúc đó, rất cần tha lực với vai trò hỗ trợ.

Tha lực được hỗ trợ đúng mức sẽ tạo ra khuynh hướng thay đổi cả cuộc đời, tạo ra hướng đi với nhiều dấn thân có ý nghĩa. Cho nên, tự lực và tha lực đều rất tốt nhưng đừng lệ thuộc vào tha lực bởi, sự lệ thuộc này khiến tiềm năng trong con người không bao giờ được phát huy, đây là sự thật 100%. Con cái trong gia đình phải lệ thuộc hoàn toàn vào cha, mẹ thì không phát triển trọn vẹn. Từ nhỏ đã có sự bươn chải, dấn thân thì về sau này sự thành công sẽ lớn hơn. Quan sát hai em bé trong hai bối cảnh gia đình khác nhau. Một em thuộc con nhà giàu, có vú nuôi, người dưỡng mẫu, đầy đủ các trò chơi... Mỗi lần ngã, người mẹ chạy tới kêu: Trời ơi! con làm sao ngã thế! Mẹ đánh cái bàn này, cái bàn này làm cho con ngã này, mẹ đánh nó, mẹ đánh nó... Người mẹ càng vỗ về chừng nào thì nó càng khóc oà lên chừng đó. Trong cùng trường hợp, em bé khác khi ngã, vẫn khóc nhưng nhìn xung quanh không thấy ai thì đứng dậy lẳng lặng bỏ đi.

Như vậy, khả năng tự lực và tha lực nằm sẵn trong con người. Do nhu cầu bưng bít về cảm xúc của những người xung quanh, hoặc do sống trong vòng từ trường văn hóa tôn giáo quá cường điệu về tha lực của các thần linh, nên tin tưởng vào tha lực nhiều. Cảm xúc, niềm tin tha lực đó làm xuất hiện sự an ủi: Thà tin, dư còn hơn thiếu! Vì thế, biết rõ người chết không ảnh hưởng đến người sống nhưng khi có người qua đời vẫn phải đến chùa nhờ quý thầy xem ngày, giờ. Các thầy biết rõ là mê tín dị đoan, sai với lời Phật dạy, nhưng do nhu cầu của Phật tử nên không thể không đáp ứng và dùng nó làm phương tiện vì lo họ bỏ chùa, đến những nơi tà kiến thì còn nguy hiểm hơn. Các thầy cũng phải lấy sổ ra tính toán, rồi nói ngày tốt ngày xấu…

Có điều, ai gặp chúng tôi sẽ biết. Chúng tôi không dựa vào bất cứ cuốn sách nào, mặc dầu hiểu rất rõ về chữ Hán, thuật số này nọ. Chúng tôi chỉ dựa vào sự thuận lợi của chùa và công việc của người đó thôi. Thường, chúng tôi để đám tang hai ngày, ngày thứ ba là đem chôn hoặc thiêu. Giờ chôn, hỏa táng phải tránh giờ sát sư. Ở những nơi mê tín gọi là giờ linh đạo, tức 12h khuya để tránh trùng tang, li tán, tam tai… Chúng tôi gọi giờ đó là giờ sát sư, vì giờ này các thầy đang ngủ mà bị sốc dậy làm sao hoan hỷ nổi. Đó là sự thật. Còn mai táng vào 8h hoặc 14h là tiện lợi cả đôi bên. Buổi sáng, bốn giờ khuya các thầy tụng kinh hoặc thiền hành, sáu giờ điểm tâm, bảy giờ chấp tác việc ở chùa, tám giờ thảnh thơi và đi tụng niệm, bái sám phù hợp. Buổi chiều, nghỉ trưa từ 12h - 13h, tiếp theo ngồi thiền hay thiền hành, xong xuôi, tâm rất an tịnh, tỉnh thức và thực hiện Phật sự rất thoải mái. Chúng tôi chỉ dựa vào sự thuận tiện cho cả hai phía, cứ giờ nào thuận tiện thì tiến hành và chắc chắn chưa từng bị ai thưa kiện vì xem trúng giờ trùng tang, ly tán...

Do đó, niềm tin tạo ra giá trị thặng dư. Cứ an ủi thì thà dư còn hơn thiếu. Chính điều đó sinh ra tha lực, phải nương vào những phong tục tập quán, truyền thống sai lầm, không cần thiết, chạy theo những thứ ấy. Chỗ nào càng bày vẽ nhiều, linh đình càng đem đến thích thú vì sự an tâm, trấn an được kích thích. Ngược lại, sự trấn an này làm cho sợ hãi ngày càng gia tăng. Chỗ nào có nhiều sự trấn an chỗ ấy nỗi sợ hãi có mặt.

Nhà Phật dạy, hãy quan niệm mọi việc thật bình thường và hệ nhân quả không bao giờ tác động lẫn nhau. Mỗi người đều có hệ nhân quả riêng về phước lực, tuổi thọ, cuộc sống, còn ảnh hưởng chỉ cộng hưởng từ trường nhỏ, không lớn lắm. Nên đừng sợ cái chết của người thân kéo theo cái chết của mình. Nếu lo cho người thân vì sợ ảnh hưởng đến cái chết của bản thân thì đâu phải thương họ, mà thương bản ngã đúng hơn. Sợ bị thế này thế kia nên làm linh đình, phô trương. Do đó, phương tiện phải được thiết lập vì niềm tin tôn giáo ngoại đạo trà trộn vào đạo Phật quá nhiều và tha lực có mặt, rồi được truyền thừa qua nhiều thế hệ, đến độ, người ta cho nó là chân lý. Chính vậy, khi vào chùa, vẫn thấy những tập tục, phong tục đó không được tháo gỡ. Ban đầu, người thiết lập với chủ ý dùng nó làm phương tiện, sau khi Phật tử vào chùa sẽ giảng kinh về nhân quả, thuyết pháp về đạo lý, bày tỏ con đường chuyển hóa để họ tháo gỡ những thứ này nhưng cuối cùng nó vẫn còn nguyên.

Cái gì tiếp cận lần đầu tiên cái đó gây ấn tượng. Nhiều người, bình thường không đến chùa, khi có người thân qua đời mới đến coi ngày, giờ. Lúc ấy, quý thầy phải phương tiện, tuỳ thuộc theo yêu cầu của gia chủ. Càng sợ hãi càng làm, cuối cùng, hạt giống được gieo trồng một cách có ý thức, tới mức, người ta thấy nó là một phần của sự sống. Tách rời hạt giống sai lầm đó ra khỏi mảnh đất tâm, bỗng nhiên thấy không an toàn. Tha lực cứ như vậy tồn tại, phát triển. Hạt giống đã cấy gieo khó nhổ lên nổi, phải mạnh dạn lắm mới chuyển hoá được.

Nếu nghiên cứu tinh thần nhà Phật một cách đúng đắn, nghiêm túc, bản lĩnh thì nên chọn con đường tự lực mới bền bỉ, tạo ra nhiều hệ giá trị của dấn thân còn hơn đi con đường tha lực phải lệ thuộc vào người khác. Sự lệ thuộc nào cũng bị trói buộc hết. Ví như, sống ở Hoa Kỳ, không biết lái xe hơi thì đi đâu cũng phải nhờ vả, vào lúc người ta vui còn cảm thấy vui, lúc người ta buồn có thể bị bỏ bất cứ khi nào. Nên, chắc ăn là cứ chịu khó tập và sẵn sàng chấp nhận cái chết nếu xảy ra tai nạn thì mới lái được xe, chứ cứ sợ tai nạn sẽ không bao giờ lái được. Đừng vì tai nạn mà bỏ phương tiện giao thông, phải tập điều khiển chúng để có được những giá trị tự lực dấn thân đi trên con đường này, trên cuộc đời. Lúc đó, sẽ đóng góp được rất nhiều thứ mà tha lực không thể sánh ví được, thậm chí, 1/16, nói theo ngôn ngữ của nền văn hóa Ấn Độ.

Phật giáo và chính thể

Cư sĩ Phan Mạnh Lương: Có khi nào đức Phật hay trong kinh sách, chỗ nào đã cho phép chư Tăng hoạt động chính trị chính thức và chống đối nhà nước mà mình đang sinh sống hay không?

Thầy giải thích thế nào về hiện tượng các vị cao Tăng, các vị có trách nhiệm trong cả hai giáo hội đã chính thức chống đối nhà nước tới mức phải lĩnh án tử hình, sau đó được miễn?

Kinh sách nào, những lời dạy nào của đức Phật đã cho phép chư Tăng ở nước ngoài “khăn gói qua mướp” đi các nước và tới Liên Hiệp Quốc, qua tận Roma yết kiến Giáo hoàng, hôn chân Giáo hoàng để đòi tự do tôn giáo?

Đã có những vị Tăng đứng ra làm chủ tịch hội đồng Liên Tôn để giải quyết những vấn đề giữa các tôn giáo, cộng đồng con người Việt. Đó là những sự việc đã xảy ra gần đây. Hành động đó biểu hiện điều gì?

Nhất là vài tháng vừa qua, sự kiện làm cho Phật tử nhức nhối. Là chuyến viếng thăm Việt Nam của Thiền sư Nhất Hạnh nhưng vì sao các vị cao Tăng của giáo hội từ chối không gặp Thiền sư?

Lời dạy nào của đức Phật đã cho phép các vị đó ứng xử, đối xử với nhau giữa các vị lãnh đạo trong giáo hội? Nêu gương về thực hành Phật pháp, giải thích thế nào về tinh thần Lục hòa, giải thích thế nào về việc điều hành Phật sự và giải thích thế nào cho Phật tử khi ứng dụng những lời Phật dạy trong thực tế?

Con xin Thầy từ bi giải thích rõ những hiện tượng nêu trên để Phật tử Việt Nam ở hải ngoại lẫn trong nước thấy rõ phải nhìn, ứng xử đúng đối với hoàn cảnh hiện nay của đất nước với sự chia rẽ rất cùng cực, căng thẳng đang diễn ra giữa đồng bào trong nước và ngoài nước làm nhức nhối cho nhiều người.

TNT: Trước nhất, rất cám ơn bác Lương đã ưu ái nhường câu hỏi của thầy Tâm Thiện cho thầy Nhật Từ.

Câu hỏi bác nêu một đơn vị nhưng chứa nhiều nội dung. Tôi không phải là chư tôn đức được đề cập trong nội dung câu hỏi nên không đủ tư cách để trả lời thay thế dù vì động cơ, mục đích gì, đặt trên nền tảng nào để tiếp hay không tiếp Thiền sư Nhất Hạnh. Có lẽ, nên chuyển trực tiếp câu hỏi đó đến chư tôn đức được nêu trong nội dung.

Lời dạy và quan điểm của nhà Phật: Những vế đầu của câu hỏi, xin được trình bày theo tinh thần mà đức Phật nêu trong kinh. Rõ ràng, không hề có ý nào đề cập đến việc đứng từ thế chính trị A để đặt vấn đề vào thế chính trị B và ngược lại. Bởi, đội bất cứ cái mũ nào, dù mũ cối hay sắt… cũng chỉ là một cách thế để trấn an. Cố tình đội mũ cối để không bị chụp lên đầu chiếc mũ sắt đối với những người trong nước. Đội mũ sắt để không bị chụp lên đầu chiếc mũ cối đối với người ở nước ngoài. Đó đều là phản ứng của sự trấn an chứ không phải phản ứng của tĩnh tại, thong dong. Dựa vào kinh điển, đức Phật không hề có bất kỳ một lời dạy nào cho phép những vị xuất gia làm chính trị, chống đối lẫn nhau. Đạo lý Bồ tát của Phật giáo Đại thừa dạy rằng: Nếu người xuất gia dấn thân làm chính trị, thậm chí, chỉ xem quân trận[1] mà khởi lên tâm niệm ủng hộ phe này chống phe kia thì lòng từ bi của Bồ tát trong người đó bị thương tổn. Nếu có xem, chỉ với tư cách như phản ứng thấy được bản chất của lịch sử đang diễn ra như vậy để thương chung cho cuộc đời vì những tranh chấp mà sát phạt, giết hại lẫn nhau chứ không nghiêng về bất cứ một chính thể nào. Việc đó thuộc về các nhà chính trị chứ không phải hành giả tu tập.

Nhà Phật dạy, không làm chính trị dưới bất kỳ hình thức nào. Đức Phật cũng không dạy biểu tình chống đối. Ngài dạy, góp ý để giúp người khác chuyển hóa. Đạo lý nhà Phật là đạo lý nhìn con người không phải là kẻ thù, dù con người nào đó đã từng phạm tội tày trời, bị giam vào ngục, tuyên án tử hình vẫn không phải là kẻ thù của nhau. Kẻ thù chung của con người chính là lòng tham, sân, si được đức Phật coi là tam độc. Tức, ba loại độc tố uống vào sẽ chết, kẻ sống chất chứa chúng trong lòng thì coi như đã chết. Tất cả mọi người dù ở chính thể nào, ý thức hệ tôn giáo nào, thể chế chính trị nào cũng cần phải chuyển hóa chúng nếu muốn có đời sống an bình và hạnh phúc. Nên, nhà Phật thiết lập truyền thông bằng cách, bày tỏ những quan điểm phong phú, đa dạng khác nhau trên nền tảng của sự lắng nghe, tôn trọng những người khác để người ấy có những hệ giá trị tham khảo cần thiết thay đổi cơ cấu đã xem là bị lạc hậu, lỗi thời và đáp ứng nhu cầu an vui và hạnh phúc. Nhà Phật luôn khuyến khích mang chất liệu xây dựng chứ không chống đối. Vì, chống đối tạo kẻ thù, xây dựng thiết lập bạn bè. Phật không bao giờ dạy thiết lập kẻ thù, chỉ dạy mang tình thương rửa hận thù thôi.

Hãy học theo đức Phật: Có sự kiện lịch sử đã diễn ra đối với người thân của đức Phật, cả cộng đồng dân tộc Sakya. Sau khi trở thành Bậc đại giác, Ngài không muốn thân bằng quyến thuộc của Ngài lên ngôi vua. Ngài khuyên con trai La-hầu-la, và vợ là công chúa Da-du-đà-la, di mẫu, anh em cùng cha khác mẹ Nan-đà, anh em A-nan xuất gia. Thậm chí, Ma-ha-nam là vua Ngài cũng khuyên xuất gia nhưng vì dòng tộc Sakya hết người nên buộc ông phải giữ vị trí này. Nếu có người chịu thay thế thì dòng họ Sakya không còn kế vị ngôi vua rồi. Vì, đức Phật thấy giới hạn rất lớn của đời sống chính trị đối với các chính thể trải qua chiều dài lịch sử nhân loại. Ngài dùng câu trong kinh Bát Đại Nhân Giác, “Quốc độ nguy thúy” hiểu theo hai nghĩa. Nghĩa đen, thế giới với cấu hình vật lý giòn, bở, vô thường, chóng vánh, tạm bợ. Nghĩa bóng, là chính thể của một quốc gia dù chính thể đó lo cho nhân dân tự do, dân chủ, an vui hạnh phúc với nhiều chế độ an sinh xã hội khác nhau… đều vô thường, không tồn tại lâu dài trên cuộc đời này huống hồ chế độ đi ngược lại với những vấn đề vừa nêu.

Đức Phật hiểu rất rõ vậy nên Ngài muốn thiết lập con đường của chủ nghĩa thánh vương, chính pháp, đưa chính pháp vào cuộc đời để tháo gỡ nỗi khổ niềm đau. Ấy thế, dòng họ Thích Ca của Ngài vẫn lâm vào nguy nan của sự diệt chủng. Do, trong thời xa xưa, tổ phụ của đức Phật Thích Ca có một vị vua rất cao ngạo với sức mạnh có thể khống chế, biến tất cả các nước lân bang thành thuộc địa. Bấy giờ, nước Lưu Ly vì tiềm lực quân kém hơn, chính trị yếu hơn nên phải dùng phương thức cầu hôn để thiết lập tình hữu nghị với vương quốc Sakya. Lúc đó, vua Sakya lấy một nữ tì thay công chúa và gả cho vua Lưu Ly. Mấy thế hệ sau, chuyện đánh tráo bị bại lộ, dòng họ Lưu Ly vô cùng đau khổ và tuyên thệ, phải trả thù dòng họ Thích Ca đến nơi đến chốn. Tới thời đức Phật Thích Ca, vua Lưu Ly, cùng giai đoạn này, vẫn mang nỗi sân hận đó.

Trước hoàn cảnh đó, đức Phật tỏ lòng từ bi, muốn nỗi hàm oan của hai bên được cắt đứt. Ngài dùng đạo lý của tình thương, xóa bỏ hận thù khuyên vua Lưu Ly: Không nên mang nỗi hận thù quá khứ thuộc nhiều thế hệ trước áp đặt lên hạnh phúc và biến hạnh phúc này thành thương đau trong thời hiện tại, trong số chúng ta đây, có ai không từng hận thù với nhau, có ai không từng nhục mạ với nhau đâu, tại sao chúng ta phải trả đũa lẫn nhau, đó là điều hoàn toàn không thích hợp!… Nhưng lời khuyên của đức Phật đối với vua Lưu Ly không thành công, vì vị vua này không mở lòng để đón nhận những giá trị tình thương mà đức Phật đã gieo rắc.

Trong tình huống ấy, đức Phật đâu có kêu gọi ai đi biểu tình chống đối. Ngài cũng không hề viện trợ nguồn quân sự, chính trị từ các nước lân bang như Ma-kiệt-đà… vốn là đệ tử của Ngài. Ngài không hề làm những chuyện để tạo ra liên minh, đối tác. Đức Phật chỉ dùng nội lực chính của mình thông qua lòng từ bi để chuyển hóa.

Như vậy, giới hạn về nhân quả nằm ở chỗ, khi thành kiến, bản ngã tạo thành ổ khóa đóng bít mối quan hệ tình người với nhau thì chân lý cũng bó tay. Đức Phật không hề dùng phương thức liên minh chính trị, liên minh quân sự, yêu cầu viện trợ bất cứ từ một người nào mà Ngài dùng năng lực của lòng từ bi. Còn sự thành công hay thất bại phụ thuộc vào yếu tố các duyên, nhất là tấm lòng của đối tượng.

Dùng từ bi để chuyển hóa

Dựa vào bài học lịch sử trên, cho phép ứng xử theo cách thức, nếu biết rõ một chính thể bất kỳ có sai lầm thì người có lòng từ bi nên góp ý để họ sửa đổi. Dĩ nhiên, con đường chính trị không dễ dàng sửa đổi bởi, chính thể luôn cho mình là chân lý, đỉnh cao của thời đại, trục xoay của vũ trụ. Người ta được quyền nâng cao, cường điệu, bơm phồng giá trị của mình lên. Đó là sự tự do lựa chọn của mỗi chính thể hay cá nhân. Và, lòng từ bi của con người cho phép tiếp cận, gần gũi người khác để khiến họ xóa bỏ bản ngã. Bấy giờ, họ sẽ thấy được những giới hạn của họ thông qua sự đối chiếu giữa mình và người khác, hoàn cảnh của một dân tộc với hoàn cảnh các dân tộc, quốc gia khác. Họ thấy được, đâu đúng và sai, tích cực và tiêu cực, giới hạn và không giới hạn. Khi ấy, bản thân nội tại của chính thể sẽ tự động huyển hóa nó.

Chuyển hóa! Theo nhà Phật là khởi lên từ đời sống nội tâm trong từng con người chứ không phải từ bên ngoài. Nếu từ bên ngoài, tức tiếp tục nhờ vào tha lực. Dựa vào tha lực của một chính thể đối lập, có nghĩa đã tự phủ nhận tiềm năng tuệ giác của bản thân, đi sai con đường của nhà Phật. Đức Phật dạy, cứ tin tưởng mọi thứ sẽ được chuyển đổi, có thể tiến trình chuyển đổi từ từ nhưng chắc chắn phải diễn ra, vì bản chất của mọi sự vật là vận động và chuyển đổi. Cần tin chắc chắn 100% như vậy.

Do đó, không cần biến mình thành một con gà để đấu lại với những con gà, không cần biến mình thành chó ở trong nhà để đấu lại những con sói. Làm những thứ đó, con còn lại vẫn bị trầy da tróc vẩy. Hãy dùng năng lượng của từ bi để chuyển hóa, dùng gươm trí tuệ chặt đứt những hạt giống vô minh thì chắc chắn trong tương lai gần hoặc xa phải có sự thay đổi những cái cổ hủ, bằng không sẽ bị thay thế bởi cái khác. Cái thay thế đó chính là thế hệ con em, những phần tử tích cực hơn, những con người có tầm nhìn sâu sắc hơn, dấn thân hơn, vị tha hơn, vì cuộc đời hơn. Chỉ những con người nằm ở trong lòng thực tại của chính thể mới có thể thay thế được. Ẩn dụ đức Phật dùng: Chỉ có con vi trùng nằm trong con sư tử mới có thể chiến thắng được con sư tử chứ không phải con cọp hay hùm beo bên ngoài mà có thể chiến thắng được sư tử. Đừng bao giờ mơ tưởng, dùng cưỡng lực bên ngoài để trấn áp một cưỡng lực bên trong mà bản thân cho rằng nó bất lợi đối với dân tộc. Điều đó, hoàn toàn hoang tưởng, không có thực.

Chuyển hóa từ nội tại: Phải cấy những hạt giống nhưng đừng dùng hình ảnh con vi trùng vì gây ấn tượng xấu, không tốt mà phải thiết lập hạt giống của những yếu tố tuệ giác, chân chính nằm trong con sư tử thì nó sẽ thay hình đổi dạng nội tại dù vẻ ngoài vẫn giữ nguyên như đã có, vẫn chiếc mũ, chiếc áo, đôi dép đó nhưng nội dung hoàn toàn khác. Cái cần là thay đổi về nội dung chứ không phải hình thức. Nhà Phật dạy, chuyển đổi phàm phu thành thánh nhân không phải bằng cách đến thẩm mỹ viện giải phẫu mà phải ở tính tình, nội tâm cho đẹp hơn, tích cực hơn. Sự thay đổi này mang lại rất nhiều hệ giá trị tốt đẹp, còn thay đổi về hình thức chỉ đem lại sự tranh chấp, tiếp tục chiếm và sở hữu để có thể xoay nó theo định hướng mà bản thân coi như một chân lý, giá trị, sự thật, lợi ích hay an vui.

Theo chúng tôi, nên đi con đường của nhà Phật. Chắc chắn giữa lời đức Phật dạy và lời của giáo hội nói có một khoảng cách rất lớn. Lời Phật không sai. Trong kinh Dược Sư, ngài A-nan nói: Mặt trời có thể từ nóng trở thành lạnh, mặt trăng từ huyền diệu có thể trở thành nóng, các ngôi sao có thể bị rơi, núi Tu Di có thể bị sụp lở nhưng chân lý của chính pháp không bao giờ thay đổi. Điều đó chính xác 100%, không thể có sự thật nào khác thay thế được. Chân lý của các giáo hội có thể bị thay đổi. Chân lý của các tông phái có thể bị sai lầm, con đường dấn thân đáp ứng nhu cầu về phương tiện nhiều quá nên không đủ can đảm giới thiệu chất liệu nguyên chất của nhà Phật, vì thế, dễ đi sai tôn chỉ của đức Phật. Đến với đạo Phật là đến với tôn chỉ của đức Phật chứ không phải đến với tôn chỉ của các giáo hội, dù A hay B. Giáo hội đó, tin chắc là giáo hội của phàm phu hoặc của cao Tăng là hết chứ không thể của Thánh tăng. Giáo hội của cao Tăng vẫn có thể sai lầm vì đó là cộng đồng của con người. Do vậy, đến với đạo Phật phải lấy đức Phật làm nền tảng học hỏi mới chuyển hóa được rất nhiều thứ để cống hiến cho cuộc đời.

Dĩ nhiên, khi nói những điều mang nội dung như vậy, người ta có thể nói chúng ta là những người thân phe này chống phe kia, chuyện đó là chuyện của họ. Dán nhãn đối tượng là thói quen, đệm danh đối tượng là ước mơ của con người. Nội dung trong con người với những nhãn hiệu được dán lên là hai cái hoàn toàn khác nhau.

Nhà Phật dạy, đừng bao giờ sống với cảm xúc, lao theo nó để rồi phải lo sợ. Hãy cứ bình tĩnh nói những gì đức Phật dạy. Người Phật tử không được quyền nói những gì sai với chân lý. Đức Phật dạy: Một trong những nguyên tắc đạo đức của người tại gia là tuyên bố sự thật, đoàn kết xây dựng, mang chất liệu của sự chuyển hóa chứ không phải mang tính chất nguyền rủa, chửi bới, tiêu cực, thậm chí những lời vô giá trị.

Truyền bá tinh thần của đức Phật: Nên truyền bá tinh thần của đức Phật, còn việc người khác không chấp nhận, biểu tình chống đối là chuyện của họ. Họ được quyền làm tất cả mọi thứ, nhất là ở các nước tự do này. Được quyền nói những gì đức Phật đã dạy trong kinh, dĩ nhiên, cách hiểu có thể khác nhau, nhưng đừng mắc vào sai lầm ở chỗ lợi dụng tự do để cưỡng bức tự do của người khác. Đừng lợi dụng tự do để chà đạp tự do, làm vậy là không đúng. Phải bỏ qua những chiếc mũ, mũ cối hay sắt, mới có được chiếc mũ của chính pháp. Mũ đó đối với người tu hành là đầu trọc, đội “chủ nghĩa Tam bảo” lên đầu. Đối với người tại gia là mái tóc, tất nhiên không phải mái tóc thời trang được nối kết thêm mà là mái tóc của chân lý, từ bi, hành trì, hóa giải và đương nhiên mang lại rất nhiều giá trị.

Khi đề cập đến vấn đề này, chúng tôi cũng xin khuyên tất cả những người làm công tác chính trị đừng bao giờ đẩy mấy thầy vào thế chính trị, đừng bao giờ biểu tình chống đối quý thầy khi quý thầy không treo lá cờ nào trong khuôn viên của ngôi chùa. Chùa chiền là nơi tâm linh, tại sao phải treo cờ chính trị? Đức Phật dạy, xóa bỏ hận thù. Không nên ca ngợi một chính thể nào bởi, chính thể đã tự ca ngợi, đảng phái bất kỳ cũng tự ca ngợi họ, các thành viên của đảng phái đã tự quảng cáo. Phật tử chỉ quảng cáo chính pháp nhưng không cần phải quảng cáo theo góc độ, cường điệu giá trị mà quảng cáo bằng những giá trị hiện thực để người ta đến với đạo Phật không bằng thái độ mê tín dị đoan. Đừng buộc mấy thầy trở thành những nhà chính trị. Đem chính trị vào trong nhà Phật là biến nhà Phật trở thành lò sát sinh. Sát sinh trên lý tưởng, hành động, đổ nát… không đúng tinh thần của nhà Phật.

Ngay cả trong nước, chùa chúng tôi không hề treo cờ của chính thể hiện tại. Ở nước ngoài, đến nơi nào có treo cờ của chính thể bất kỳ trên chính điện thì chúng tôi không bao giờ giảng, không phải vì chúng tôi sợ “Cờ vàng ba sọc đỏ” hay “Cờ đỏ sao vàng”. Đó là chính trị nên hạn cuộc với thời gian còn chính pháp vượt lên trên những cái này. Được quyền tuyên bố như thế mặc dù bị cấm vẫn phải nói. Nó là sự thật. Đừng bao giờ biến nhà chùa trở thành biên cương liên minh của chính trị. Nếu làm vậy sẽ rất nhiều tội lỗi vì khiến ánh sáng của chính pháp bị lu mờ. Cứ mạnh dạn, không cần phải treo cờ ở chùa dù là cờ nào đi chăng nữa. Trong nước, ngoại trừ những ngày đại hội Phật giáo còn hầu như các tình huống khác không bắt buộc treo cờ. Ở thế giới tự do lại đi đội một lá cờ của thể chế chính trị vào trong nhà chùa là sai lầm. Nếu có treo thì treo cờ Phật giáo vì đó là lá cờ ngũ sắc của hào quang tượng trưng cho ánh sáng tâm linh, ngũ sắc của sự hòa hợp tượng trưng cho nước hòa với sữa, ngũ sắc của sự dấn thân với nhiều cách thế đa dạng khác nhau. Cờ của Phật giáo biểu tượng cho an vui và hạnh phúc chứ không phải của thể chế chính trị.

So sánh, đối chiếu với các nhà thờ của Tin Lành, Thiên Chúa giáo trong cộng đồng Việt Nam hay phi Việt Nam tại Hoa Kỳ, đâu thấy treo cờ gì đâu. Lúc đầu, chúng tôi tưởng các ngôi chùa ảnh hưởng truyền thống treo cờ trong các nhà thờ. Khi nghe một số cư sĩ lão thành cho biết thì rất là ngạc nhiên, đi quan sát thử mới thấy quả thực không treo cờ. Tại sao chùa phải treo cờ? Các nhà chính trị buộc nhà sư treo cờ. Vì sợ không treo cờ sẽ bị đội vào mũ cối nên phải treo. Như vậy, treo cờ đâu vì chính nghĩa mà vì sợ hãi. Kiểu treo cờ đó không có giá trị gì, chỉ làm giảm giá trị chính pháp và tâm linh. Cho nên, chính trị có thể làm và làm bất cứ ở đâu nhưng đừng bao giờ làm trong khuôn viên của nhà chùa. Phần lớn các ngôi chùa của cộng đồng người Việt Nam ở phương Tây nói chung đều phải treo cờ của một chính thể bất kỳ, đó là điều đáng nuối tiếc, vì việc này không đúng.

Phát huy tinh thần nhà Phật bằng con đường Bồ tát hạnh: Kinh điển của nhà Phật dạy con đường chính pháp đi vượt lên trên tất cả mọi đối lập của chính trị, của ý thức hệ. Mang thân phận của Bồ tát dấn thân, phải thương những con người vô minh nhiều hơn. Nếu họ là những con người sai lầm, chưa được sáng suốt, bị lạc hậu, cục bộ, cực đoan thì phải rót chất liệu từ bi và tuệ giác vào họ nhiều hơn chứ! Cha mẹ phải thương những đứa con chưa được phát triển nhiều hơn những đứa con đã thành công.

Lòng từ bi của Bồ tát cũng y hệt như vậy, dạy dấn thân chứ không dạy tách rời. Chỉ có đạo lý Bồ tát của nhà Phật mới dạy các vị Bồ tát phát nguyện xuống địa ngục để gần gũi “dân anh chị” thôi, chứ đâu có đạo lý nào dám dạy điều đó. Các đạo lý khác phải nguyền rủa cho người ta chết để cuộc đời này được an vui. Chết về thể xác mà tâm hồn không được chuyển hóa thì kiếp sau sinh ra cũng “Đầu trâu mặt ngựa” thôi, rất nguy hiểm! Do đó, nhà Phật dạy chúng ta phải chuyển hóa tận gốc rễ. Nếu có bản lĩnh, cứ dấn thân. Có cái hay hãy cứ giới thiệu bởi, bế tắc, sở đoản ai cũng có trong cuộc đời. Trong đạo Phật cũng có về phương diện tổ chức. Đi theo đạo Phật, rõ ràng phải vượt ra ngoài các giá trị của chính trị mới là đạo Phật của đại đa số quần chúng.

Học tập phương thức từ nước bạn

Đạo Phật ở Đài Loan hoặc đạo Phật Tây Tạng ở Ấn Độ cũng tị nạn, nhưng hai cộng đồng này phát triển vượt trội trong vòng mấy mươi năm. Đạo Phật Tây Tạng có mặt tại ấn Độ năm 1959. Đạo Phật Đài Loan chỉ có mặt trong vòng 30 năm trở lại đây, nhưng chúng ta chưa từng có ngôi chùa nào bằng được một phần mười chùa Phật Quang Sơn, chưa từng có trường đại học nào như ba trường đại học Phật Quang Sơn, chưa từng có một đài tiếng nói Phật giáo nào phát sóng suốt hai bốn giờ cùng bảy đài truyền hình khác và mấy chục tờ nhật báo như Phật Quang Sơn tại Đài Loan.

Đọc những tờ nhật báo, tạp chí của Phật giáo, xem những chương trình phát thanh của họ, không khi nào thấy sự chống đối gì hết. Họ chỉ tìm cách phát huy Phật giáo. Vạch phương hướng A phát triển đạo Phật. Mở con đường B giáo dục Phật giáo. Tạo con đường C hoằng pháp Phật giáo. Đưa Phật giáo vào nền kinh tế, giáo dục, vào mọi ngõ ngách tận cùng của cuộc đời. Do đó, họ thành công, vững mạnh, trưởng thành.

Vào năm 1999, kỷ niệm bốn mươi năm Tây Tạng bị mất nước, đức Đạt-lai Lạt-ma đã dùng từ với tinh thần đạo Phật rất tích cực: “Kỷ niệm bốn mươi năm đại chuyển pháp luân” chứ không nói: “Bốn mươi năm pháp nạn”. Dùng từ “pháp nạn” là mặc cảm, dù đang sống rất an vui và hạnh phúc, nhưng vẫn cứ mang thân phận tị nạn. Như vậy, rơi vào mặc cảm tự ti và sinh phiền não. Có thể nói tị nạn lúc đang vượt biên với tư cách thuyền nhân cách đây ba mươi năm, hai mươi năm, còn khi trở thành giám đốc của một công ty lớn, trở thành triệu phú, tỉ phú… mà vẫn nói mình tị nạn là sai lầm, không nên. Cần học tinh thần của đức Đạt-lai Lạt-ma theo tinh thần “Bốn mươi năm đại chuyển pháp luân”. Biến cố năm 1959, Tây Tạng phải cảm ơn những gì gây ra khổ đau và nhờ đó đạo Phật của Tây Tạng đã có mặt khắp mọi nơi.

Đạo Phật Đài Loan phải cảm ơn sự kiện đó, bởi vì không có nó rõ ràng không có mảnh đất tới 89% người dân theo Phật giáo thuần túy - mảnh đất hoàn toàn của đạo Phật.

Đạo Phật Việt Nam cũng vậy, phải cảm ơn những biến cố 1975, vì thiếu những biến cố đó, dân tộc Việt Nam không có mặt khắp nơi, người Việt không trở thành những người giàu có với gia tài sự nghiệp đồ sộ, phương tiện đời sống vật chất đầy đủ, với những tự do, dân chủ, an vui, hạnh phúc.

Hủy diệt tạo đà cho hồi sinh: Mọi biến cố trong cuộc đời đều có thể hồi sinh. Sự hủy diệt cuối cùng tạo ra hồi sinh. Cứ nhớ tiến trình: Sinh-trụ-dị-diệt, Thành-trụ-hoại-không. Cái diệt, cái không tạo ra tiến trình mới và nở hoa, kết trái, lá xanh thay thế lá vàng đã rơi rụng. Nhà Phật dạy con người khả năng nhìn thấy tương lai tươi sáng, sau cơn mưa sẽ có ánh sáng. Nhìn thấy hướng đi của mặt trời thì sẽ bỏ được bóng đêm. Nhìn thấy được những giá trị tích cực thì tiêu cực không còn lẩn quẩn chi phối cuộc đời. Với cách nhìn ấy, không còn thù hận những kẻ đã tạo ra nỗi khổ niềm đau, mà thương hơn, do họ bị vô minh nên mới tạo ra cảnh ngang trái đó.

Đạo Phật Việt Nam không bằng đạo Phật của Đài Loan, Tây Tạng nhưng giữ được hình thức hơn đạo Phật Trung Quốc ngày nay là rất đáng mừng. Sang Trung Quốc và thấy, một quốc gia có truyền thống tâm linh lâu đời với nhiều di sản tông phái, Tổ sư, thiền sư, người chứng đắc… giờ đây trở thành nơi thu hút du khách để kiếm tiền chứ không để truyền bá giáo dục tâm linh nữa. Chúng ta mừng thầm khi Phật giáo Việt Nam vẫn còn nhiều cái đáng mừng hơn những cái phỉ báng và tự hào với những cái còn lại đó.

Học tinh thần của kinh Diệu Pháp Liên Hoa, đức Phật nói: Một trẻ em chỉ cần vẽ một chữ Phật trên bãi cát với sự nô đùa, khi vẽ xong dùng chân chà lên thì hạt giống tâm linh đó vẫn làm cho chúng thành Phật trong tương lai. Không có giá trị đạo đức nào tích cực như vậy, chỉ đạo Phật Đại thừa, chỉ trong đạo Phật mới có điều đó. Cho nên, có thể nhìn thấy được tiềm năng tuệ giác ở trong những con người nhất xiển đề, những việc mà hi vọng sẽ làm được trong những thế giới với điều kiện và phương tiện làm được. Tin tưởng vào tiềm năng đó, nhất xiển đề cũng thành Phật.

Bản thân cho những người là kẻ thù sẽ trở thành bạn trong tương lai. Theo đạo lý nhà Phật là không có kẻ thù. Chính trị còn dám phát biểu, không có kẻ thù vĩnh viễn mà cũng không có bạn thân vĩnh viễn. Khi có giá trị kinh tế là bạn thân, khi giá trị kinh tế bị tước đoạt trở thành kẻ thù. Mỹ là một quốc gia như vậy. Nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng có khuynh hướng chính trị tương tự.

Nhà Phật không đi trên lợi ích kinh tế, chỉ đi trên giá trị lợi ích tâm linh. Cho nên, phải xóa bỏ hận thù để thiết lập nhịp cầu tình thân mới tạo ra sự an bình thịnh trị lâu dài. Đương nhiên, quan điểm này không bao giờ được các nhà chính trị chấp nhận, bởi vì, chính trị là loại trừ lẫn nhau để tồn tại. Bên này làm chủ thì bên kia phải làm tớ, bên chiến thắng thì bên thua phải làm nô lệ. Đừng đem giá trị của sự loại trừ đó cài đặt vào trong đạo Phật với hình thức của một lá cờ, mũ cối, mũ sắt hay bất cứ một cái gì. Đó không phải đạo Phật. Hãy trả lại đạo Phật những giá trị nguyên thủy của nó, đạo Phật của quần chúng, phi ý thức hệ chính trị, tự do, an lạc, hạnh phúc chứ không phải đối đầu, loại trừ lẫn nhau.

Chúng tôi mạnh dạn trình bày những điều đức Phật dạy trong kinh điển, chia sẻ và nếu sự chia sẻ này khiến quý vị nào đó không hài lòng hoặc nghĩ rằng chúng tôi đang tuyên truyền cho một chính thể nào đấy thì xin cam đoan 100% không phải dụng ý của chúng tôi. Nếu có, là tuyên truyền “chủ nghĩa Phật” tức “chủ nghĩa Giác ngộ”, “chủ nghĩa Pháp” tức con đường của tuệ giác và tình thương, “chủ nghĩa Tăng” tức con đường hòa hợp, thương yêu chăm sóc lẫn nhau. Không có chủ nghĩa nào ngoài ba chủ nghĩa này.

Có lần chúng tôi tiếp xúc với phái đoàn hành hương tại Ấn Độ, một cuộc giao lưu giữa những người xuất gia du học tại đất Phật với những Phật tử cùng những nhà sư đang hành đạo ở phương Tây, có một Phật tử nêu câu hỏi khiến nhiều thầy rất buồn nhưng không tiện nói ra. Đại ý nội dung giữa chúng tôi và vị Phật tử này như sau:

- Thầy được đi du học như vậy, chắc chắn đã vào Đảng rồi phải không?

+ Vâng, vào rồi.

- Tôi nói đùa mà thầy trả lời thật hả?

+ Tôi nói thật chứ không đùa đâu.

- Thầy vào Đảng hồi nào?

+ Chúng tôi vào Đảng lúc hai mươi tuổi, bây giờ được hai mươi lăm năm rồi.

- Thầy có bị bắt buộc thế này thế nọ không?

+ Bị bắt buộc nhiều thứ lắm nhưng những sự bắt buộc này rất có lợi ích cho bản thân và những người khác.

- Đã theo Đảng làm sao lợi ích được? Theo Đảng là sai lầm nên không thể đi song hành với chúng tôi được. Thôi, sau bữa cơm này chúng ta là những người xa lạ với nhau.

+ Chúng tôi đã nhập vào “Đảng Phật” và chỉ mới được 1% của “Đảng Phật” thôi, muốn mà chưa được kết nạp. Đang nhập vào “Đảng Pháp” và được kế thừa mấy mươi phần trăm. Còn “Đảng Tăng” thì chúng tôi đã là thành phần. Nhờ ba “Đảng” này nên có cuộc sống an lạc, hạnh phúc vô cùng.

Nghe vậy, tất cả các thầy đều cười lên.

Vượt qua mặc cảm

Có những mặc cảm, thành kiến cứ đội mũ cối cho những người trong nước ra nước ngoài và nếu không khéo, những người ở nước ngoài bị đội mũ sắt. Thành ra, những người cùng tôn thờ Tam bảo lại trở thành những người đối lập ý thức hệ với nhau. Có nhiều người kích động quần chúng biểu tình chống đối các vị Hòa thượng chuyên tu khi ra nước ngoài bị người ta cho rằng đã đội mũ cối rất lớn. Về phương diện nhân quả, việc vu khống đó tạo nghiệp lớn lắm và phải gánh lấy những trách nhiệm nhân quả đó vì gieo rắc sự sợ hãi cho những người thân, biến tình thầy trò của những người trong nước và hải ngoại thành kẻ thù của nhau, biến đạo lý tình thương thành đạo lý không bao giờ gần gũi, xích vào nhau được. Đó là tội lỗi, sai lầm rất lớn.

Những kẻ thù của ý thức hệ chính trị còn có những buổi hòa đàm, ngồi lại thân mật, tâm sự cùng nhau để tìm ra giải pháp có lợi cho hai bên. Ixarel, Palestine, Ấn Độ, Pakistan là kẻ thù biết bao đời, thế mà vẫn ngồi với nhau. Chẳng lẽ, những người Phật tử lại không dám làm chuyện đó? Trong khi, đức Phật và đạo Phật là đạo lý duy nhất trong cuộc đời dạy về điều đó đầu tiên của lịch sử nhân loại. Ấy thế, có người đi ngược lại với đạo Phật, còn vay mượn chính trị, bỏ sở trường chạy theo sở đoản, khiến tổn thất thuộc về phía đạo Phật.

Nếu thực sự thương Phật pháp và thấy được giới hạn Phật giáo trong nước có nhiều cái cần phải bổ sung, cách tân, làm mới thì cần phải bắt tay với nhau để hợp tác. Có thể cách tân về nội dung hoặc hỗ trợ về giáo dục, hoằng pháp, tư tưởng vì ba điều này là ba mũi nhọn để tháo gỡ những bế tắc trong cuộc đời. Đó là ba con đường quan trọng nhất, ít tốn nhưng thành quả của sự đóng góp được mở rộng rất nhiều ở hiện tại và tương lai. Khi nguồn năng lực tuệ giác, chất xám của Tăng Ni lớn mạnh thì tất cả bế tắc trong quá khứ mà giới hạn của lịch sử đã vấp phải sẽ được tháo gỡ một cách trọn vẹn. Đừng tham vọng tháo gỡ sự bế tắc nào đó trong vòng một, hai năm, nó có thể kéo dài đến hai mươi, ba mươi năm, hoặc phải mạnh dạn tẩy não, súc ruột nhiều lần mới thành công.

Lợi thế và năng lực của tuổi trẻ: Chắc chắn giới trẻ trong nước và hải ngoại sẽ không có những nỗi đau, không có sự đóng bít băng giá cảm xúc của quá khứ nên dễ dàng hợp tác với nhau.

Mong rằng, tất cả các vị trẻ hãy cùng chúng tôi làm những công việc đó. Mạnh dạn lên, đừng sợ người khác chụp mũ, bởi vì, cứ đi làm đạo lý của nhà Phật thì giá trị nhân quả tự nó sẽ có ảnh hưởng rất lớn, không sợ người khác cô lập. Chỉ khi nào lợi dụng đạo lý nhân quả kiểu, “Treo đầu dê bán thịt chó” mới sợ. Nhân quả dựa vào tâm chứ không phải hình thức. Mang tâm trạng dấn thân lớn, rõ ràng sẽ khai thông mọi ách tắc. Sợ hãi sẽ kéo theo những sự sợ hãi khác, cuối cùng thành gieo rắc những quả mìn sợ hãi. Những hành giả gieo rắc sự sợ hãi này có thể trở thành thương phế binh bởi những đố kị, thái độ không hoan hỷ, thành kiến cố chấp và khiến tất cả các hành giả trở thành người một “giò” hoặc cụt tay. Đến khi hiểu được nhau thì chỉ còn một giò, một tay sót lại và không thể làm đạo Phật phát triển vững chãi, thịnh trị được.

Kẻ thù còn biết cách bắt tay với nhau để phát triển. Vậy mà, trong đạo Phật có rất nhiều cái dỡ. Các tông phái, giáo hội không dám bắt tay nhau để làm Phật sự, vậy thì làm cho cái gì?

Nếu làm Phật sự phải bất chấp tất các ý thức hệ, các hình thức, lấy nội dung chính pháp làm chuẩn mới thật sự phát triển Phật pháp. Còn lấy giá trị của một chủ nghĩa làm chuẩn, dù chủ nghĩa đó đặt dưới góc độ giáo hội, trong nước hay ngoài nước, đều là sai lầm, đều xiển dương bản ngã chứ không phải chính pháp. Đó là sự thật. Dĩ nhiên, khi nói những điều này ra sẽ tạo sự va chạm rất lớn. Các va chạm này có thể cản trở chúng tôi trên con đường đi Hoa Kỳ lần sau hay đi chỗ này chỗ kia giảng kinh, thuyết pháp nhưng chúng tôi vẫn không sợ. Vì, nhân quả tự nó định đoạt mọi giá trị. Những lời phê bình, đánh giá, chỉ trích, chụp mũ, dán nhãn, đặt danh đều không phản ánh con người chân thật của bất cứ ai được. Đó là điều chúng tôi tin chắc 100% như vậy.

 


[1] Sự xem quân trận bây giờ được hiểu dưới nhiều góc độ khác nhau: Chẳng hạn, xem bộ phim chiến tranh của Việt Nam hay giữc nước này nước nọ.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn