02. Phép Quán Niệm Hơi Thở

23 Tháng Năm 201400:00(Xem: 6520)

Thích Nhất Hạnh
HƠI THỞ NUÔI DƯỠNG VÀ TRỊ LIỆU
Áp Dụng Kinh Quán Niệm Hơi Thở vào đời sống hàng ngày
Nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn

02. Phép quán niệm hơi thở

Thân

Nhận diện hơi thở vào / ra
Theo dõi hơi thở dài / ngắn
Nhận diện sự có mặt của toàn thân
Buông thư, làm lắng dịu toàn thân.

Thọ

Chế tác niềm vui (hỷ)
Chế tác hạnh phúc (lạc)
Nhận diện những cảm thọ
Làm lắng dịu những cảm thọ.

Tâm (tâm ý)

Nhận diện các tâm ý (tâm hành)
Làm hoan lạc tâm ý (tâm hành)
Thu nhiếp tâm ý vào định
Cởi trói tâm ý được giải thoát, tự do.

Pháp (đối tượng của nhận thức - tri giác)

Quán chiếu về tính vô thường
Quán chiếu về sự không đáng tham cầu và vướng mắc
Quán chiếu về Niết bàn
Quán chiếu về sự buông bỏ.

Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm

Hơi thở chánh niệm có công năng đưa ta trở về với bốn lĩnh vực hiện hữu của ta, gọi là Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm - Tứ Niệm Xứ để chăm sóc và đem lại sự trị liệu, chuyển hóa.

Lĩnh vực thứ nhất là thuộc về Thân, thân ở đây bao gồm hai phần: hơi thở và hình hài. Hơi thở chánh niệm đưa ta trở về với ngôi nhà của ta (thân thể) để chăm sóc, làm hòa, nhìn sâu và cho thân thể cơ hội để được chữa trị và chuyển hóa.

Lĩnh vực thứ hai của sự quán niệm là Thọ - nói cho đủ là các cảm thọ vì có tất cả là ba loại cảm thọ: khổ thọ, xả thọ và cảm thọ trung tính. Trong đời sống hàng ngày, ta thường không chú ý tới những cảm thọ của ta. Hơi thở chánh niệm giúp ta trở về với những cảm thọ để nhận diện, chăm sóc, nhìn sâu vào bản chất của các cảm thọ để hiểu. Thực tập hơi thở chánh niệm giúp ta chăm sóc những cảm thọ mỗi khi chúng biểu hiện, làm cho chúng lắng dịu trở lại, rồi chuyển hóa và trị liệu. Những cảm thọ ấy có liên quan mật thiết đến thân thể. Mình không thể tách rời cảm thọ ra khỏi thân thể và cũng không thể tách rời thân thể ra khỏi cảm thọ. Thân và thọ tương tức.

Lĩnh vực thứ ba của sự quán niệm là Tâm, nói cho đủ là tâm hành (hay tâm ý). Hành nghĩa là một hiện tượng, một vật được tạo thành từ nhiều yếu tố, điều kiện. Ví dụ bông hoa là một hành thuộc về vật chất; nó được làm ra bằng nhiều yếu tố. Khi những yếu tố, những điều kiện hội tụ đầy đủ thì bông hoa biểu hiện. Trong số các yếu tố ấy, ta thấy có yếu tố nắng. Nếu tiếp xúc với bông hoa sâu sắc, ta có thể tiếp xúc được với ánh nắng mặt trời. Ta không thể lấy ánh nắng mặt trời ra khỏi bông hoa, vì nếu lấy ánh nắng mặt trời ra khỏi bông hoa thì bông hoa sẽ không tồn tại và như vậy sẽ không có bông hoa. Hoa và nắng tương tức. Khi tiếp xúc với bông hoa sâu sắc, ta cũng tiếp xúc được với mây. Trong hoa có mây. Ta không thể lấy yếu tố mây ra khỏi bông hoa. Mây và bông hoa tương tức. Nếu tiếp tục nhìn sâu vào bông hoa, ta thấy yếu tố đất, khoáng chất, không khí và tất cả các yếu tố khác đang được cất chứa trong lòng bông hoa. Tất cả những yếu tố này tụ hội lại với nhau để tạo ra một hành, gọi là bông hoa. Nhưng theo lời Bụt dạy, tất cả các hành đều vô thường - biến chuyển không ngừng - Chư hành vô thường. Khi có một điều kiện thiếu vắng thì cái hành đó, tức là cái bông hoa đó tự khắc bị hoại diệt hay nói một cách chính xác là bông hoa đó ẩn tàng.

Có các loại tâm hành khác không thuộc về vật chất; ví dụ như tâm hành sợ hãi. Sợ hãi là một hành, một hiện tượng thuộc về tâm lý; nó được cấu tạo bởi nhiều yếu tố, trong đó gồm có yếu tố vô minh. Khổ đau, tuyệt vọng, tham đắm, thương yêu và chánh niệm đều là những tâm hành. Trong truyền thống giáo lý đạo Bụt, chúng tôi liệt kê cả thảy là năm mươi mốt loại tâm hành. Tuy nhiên con số đó không phải là con số cố định. Hơi thở chánh niệm giúp ta nhận diện những tâm hành đó mỗi khi chúng biểu hiện lên trên vùng ý thức. Có lúc tâm hành sợ hãi biểu hiện lên và hơi thở chánh niệm đưa ta trở về với sự sợ hãi của ta để ôm ấp, chăm sóc và làm cho nó lắng dịu trở lại. Sau đó ta nhìn sâu vào bản chất của tâm hành sợ hãi ấy để hiểu và tìm cách sống hài hòa với nó. Nếu thực tập giỏi, ta có thể làm lắng dịu sự sợ hãi trong ta, rồi nhìn sâu vào nó và khám phá ra bản chất chân thực của nó. Khi hiểu được bản chất của nó rồi thì nó tự khắc được chuyển hóa. Điều này cũng đúng đối với tất cả các tâm hành khác như tâm hành hận thù, tủi hờn, tuyệt vọng, bối rối và bất an v.v... Thỉnh thoảng tâm hành bất an biểu hiện như một nguồn năng lượng và nó làm cho ta mất hết an lạc, đứng ngồi không yên. Khi năng lượng bất an biểu hiện trong ta, ta có thể nắm lấy hơi thở chánh niệm để thực tập trở về với nó, ôm ấp, chăm sóc nó với tất cả sự trìu mến và thương yêu. Thiền tập gồm có hai phần: phần thứ nhất là Chỉ, tức là dừng lại, làm lắng dịu, êm dịu, buông thư, chuyên chú (Định) và phần thứ hai là Quán, tức là nhìn sâu. Trước hết ta làm cho tâm hành lắng dịu trở lại, an tịnh trở lại, buông thư, sau đó nhìn sâu vào bản chất của nó để thấy cho được nguồn gốc.

Khi ta ôm lấy một tâm hành với năng lượng chánh niệm thì tâm hành ấy sẽ trở nên êm dịu, lắng đọng. Trong khi tiếp tục ôm ấp tâm hành, ta có thể nhìn sâu vào nó và bắt đầu thấy những điều kiện, nguyên do xa gần đã tạo ra tâm hành đó trong ta. Cái đó gọi là tuệ giác. Đây là phép thực tập nhìn sâu, danh từ chuyên môn gọi là quán chiếu, tiếng Pali là vipassana, tiếng Phạn là vipashyana.

Lĩnh vực thứ tư của sự quán niệm là Pháp, tức là đối tượng của nhận thức, của tri giác. Hầu hết những khổ đau đều phát xuất từ những tri giác sai lầm. Ta khổ là tại vì ta không có cái nhìn đúng đắn về bản chất của thực tại - nghĩa là không có chánh kiến. Hơi thở chánh niệm có công năng đưa ta trở về với tri giác của ta để tìm hiểu về bản chất của tri giác. Nhìn sâu vào bản chất của tri giác, ta khám phá ra được những nguyên do đưa tới khổ đau, sợ hãi và tuyệt vọng. Nếu biết nhìn sâu vào bản chất của tri giác, ta sẽ có cái thấy rạch ròi về nó và cái thấy ấy có công năng giải phóng ta ra khỏi ngục tù của khổ đau, sợ hãi và tuyệt vọng. Ta thực tập nhìn sâu vào lòng thực tại, vào bản chất chân thực của một bông hoa, vào thân thể ta, vào những cảm thọ và những tâm hành của ta để hiểu. Sắc, thọ và các tâm hành đều là những đối tượng của tri giác - gọi là tưởng.

Thân và thọ tương tức. Chúng ta không thể tách rời thân thể ra khỏi cảm thọ hoặc ngược lại. Điều này cũng đúng đối với các tâm hành và nhận thức. Bốn Lĩnh Vực Quán Niệm - Thân, Thọ, Tâm và Pháp tương tức nhau. Ta không thể tách rời một cái ra khỏi ba cái kia. Nếu biết nghệ thuật nhìn sâu, ta sẽ khám phá ra được thực tại như chính nó, nghĩa là thấy được bản chất Vô ngã, Tương tức, Duyên sinh. Thấy được như vậy rồi, ta sẽ lấy đi được tất cả những nhận thức sai lầm (vọng tưởng) của ta về thực tại và ta hoàn toàn tự do. Tự do ở đây được phát sinh từ tuệ giác. Sở dĩ ta khổ là do sự vô minh, ganh tỵ và giận hờn của ta. Danh từ chuyên môn gọi là tham, sân và si - Tam độc. Vô minh - si mê là căn bản làm phát sinh giận hờn, thèm khát và ganh tỵ. Ta khổ là vì ta không hiểu được bản chất của khổ đau. Khi đã hiểu được bản chất của sự ganh tỵ và giận hờn của ta rồi thì tất cả khổ đau trong ta bắt đầu tan biến. Vì vậy, hiểu (trí tuệ) là yếu tố giải thoát tất yếu. Mục đích của thiền tập cũng là để đạt tới hiểu biết lớn (tuệ giác). Vì vậy tri giác rất quan trọng. Ta phải thường xuyên trở về với tri giác của ta để thẩm định lại thật kỹ càng về bản chất của nó. Đừng quá tin chắc về tri giác của mình. Phải luôn luôn cẩn trọng và nhìn lại thật kỷ tri giác của mình. Phải luôn đặt lại câu hỏi cho chính mình: “Mình có chắc không? Nhưng dù có chắc đi nữa, thì mình cũng nên xem xét lại.” Đó là thái độ rất khôn ngoan của người tu học.

Khả Năng Tự Chữa Trị

Khoảng mười lăm năm trước tôi có gặp một chàng thanh niên tại thành phố Montréal, Canada. Anh ta đã cho tôi biết là anh đang bị bệnh ung thư rất nghiêm trọng và sẽ không sống được bao lâu nữa. Sau khi chẩn đoán bệnh tình, bác sĩ cho biết là anh chỉ có thể sống thêm được ba tuần lễ nữa thôi hoặc có thể ít hơn. Hôm đó tôi ngồi ăn sáng bên cạnh anh ấy. Tôi đã ăn sáng thật chánh niệm và trong khi ăn, tôi không suy nghĩ gì về phương cách giúp anh ấy cả. Sau khi ăn xong, tôi quay sang và chia sẻ với anh ấy về nghệ thuật sống an lạc và hạnh phúc trong giây phút hiện tại theo giáo pháp Hiện pháp lạc trú. Tôi đã nói với anh ấy rằng: “Cho dù anh chỉ còn có khoảng ba tuần nữa để sống, nhưng anh vẫn có thể sống sâu sắc trong từng giây từng phút của đời sống còn lại của mình”. Tôi có nói với anh ấy rằng có những người sống tới sáu mươi năm, bảy mươi năm hoặc tám mươi năm, nhưng họ không biết sống đời sống của họ một cách sâu sắc trong giây phút hiện tại, họ không có cơ hội để làm điều đó. Do đó bảy mươi năm hoặc tám mươi năm sống trong sự quên lãng, trong sự hưởng thụ, ăn chơi trác táng... thì chẳng có ý nghĩa gì cả. Tôi có nói tiếp rằng: “Nếu anh biết sống sâu sắc mỗi giây phút của đời sống mình, thì ba tuần lễ là nhiều lắm”. Nghe tôi nói như thế, anh vô cùng vui sướng, xúc động. Tôi đã chia sẻ cho anh ấy các phương pháp thực tập hơi thở chánh niệm và thiền đi. Sau khi tiếp nhận những lời hướng dẫn, anh ấy đã thực tập rất miên mật, đã sống rất sâu sắc những ngày còn lại của đời sống mình; và mầu nhiệm thay, anh đã sống thêm được mười một năm. Anh đã tiếp nhận Ba Sự Quay Về (Tam Quy) và Năm Giới Quý Báu; tôi đã đặt pháp danh cho anh là Chân Sinh.

Theo lời Bụt dạy, nếu chúng ta có những đau nhức, những vết thương trong thân và tâm, mình có thể dùng hơi thở chánh niệm để ôm ấp và chăm sóc chúng. Có rất nhiều phương pháp tu tập có thể giúp mình thực tập chăm sóc những vết thương, những niềm đau trong thân tâm. Chúng ta phải cho phép thân và tâm mình cơ hội để được chữa trị. Chúng ta biết rằng cơ thể và tâm thức mình có khả năng tự trị liệu rất mầu nhiệm, nhưng vì thiếu sự hiểu biết và kiên nhẫn nên mình không tạo cơ duyên thuận lợi cho khả năng tự trị liệu trong thân tâm mình. Chúng ta luôn luôn lo lắng, sợ hãi, bối rối khi bị những niềm đau, nỗi khổ trấn ngự và chúng ta hoàn toàn lệ thuộc vào thuốc men, nhất là thuốc Tây. Khi ngón tay của mình bị thương, mình không cần phải làm gì nhiều; chỉ cần rữa cho sạch vết thương bằng thuốc sát trùng và để cho nó tự trị liệu lấy. Chỉ cần hai ba ngày sau là vết thương được chữa lành. Nếu quá bối rối, lo sợ và làm đủ điều để băng bó vết thương thì vết thương sẽ rất khó lành. Nhất là khi lo lắng quá độ. Bụt đưa ra một ví dụ rất hay về một người bị trúng tên. Khi một người bị trúng tên, người đó rất đau nhức. Nếu liền sau đó có một mũi tên thứ hai lao đúng vào chỗ của mũi tên thứ nhất, thì cơn đau nhức không phải chỉ tăng lên gấp hai lần, mà nó tăng lên gấp mười lần hoặc nhiều hơn thế. Cũng vậy, nếu mình có một vết thương trong cơ thể và mình phóng đại nó ra do sự lo lắng và hoảng sợ thì vết thương sẽ trở nên trầm trọng hơn gấp trăm lần. Cách hay nhất là trở về nắm lấy hơi thở chánh niệm - thở vào và thở ra cho thật sâu sắc, dùng năng lượng chánh niệm để ôm ấp và làm cho niềm đau êm dịu trở lại, sau đó nhìn sâu để thấy bản chất của vết thương. Thở vào, mình thầm niệm: ''A! đây chỉ là sự đau nhức của hình hài. Niềm đau nhức này có thể được chữa trị nếu mình cho nó cơ hội tự chữa.'' Nếu cần, mình có thể tư vấn với bác sĩ để bác sĩ xác nhận cho mình là vết thương hay sự đau nhức không có gì đáng lo ngại. Khi có một niềm đau nỗi khổ trong thân tâm, không nên hoảng sợ, bởi vì hoảng sợ là một tâm hành phát sinh từ vô minh. Lo lắng và hoảng sợ là những tâm hành trong năm mươi mốt loại tâm hành. Chúng thường làm cho tình trạng trở nên trầm trọng hơn. Mình phải tin vào trí tuệ và khả năng tự trị liệu của cơ thể mình. Thân và tâm mình có tiềm năng tự chữa trị rất mầu nhiệm. Một niềm đau nho nhỏ trong cơ thể và trong tâm không thể hủy diệt mình được đâu. Khi con thú bị thương, nó thường tìm một nơi thật yên vắng để dưỡng thương. Điều đó cho chúng ta thấy rằng trong cơ thể của con thú có tuệ giác. Con thú biết rằng đi tìm nơi yên vắng để nghỉ ngơi là giải pháp hay nhất. Trong khi bị thương, nó không màng làm gì hết, không cần ăn, không cần đi săn mồi; nó chỉ tìm một nơi yên vắng để dưỡng thương mà thôi. Sau vài ngày điều dưỡng, vết thương của nó được chữa lành hoàn toàn và nó bắt đầu sinh hoạt bình thường trở lại. Ngày nay con người dường như đã đánh mất hoàn toàn niềm tin nơi khả năng tự chữa trị của thân tâm mình. Khi có niềm đau nhức trong thân hoặc trong tâm, ta rất hoảng sợ và tìm đủ mọi cách làm cái này làm cái nọ để quên đi niềm đau nhức ấy; ta uống hết thứ thuốc này đến thức thuốc khác để tống niềm đau ra khỏi thân tâm ta càng nhanh càng tốt. Ta lo lắng quá độ. Vì lo lắng quá độ nên ta không cho phép cơ thể ta cơ hội để nghỉ ngơi và tự điều trị. Ta không biết cách nghỉ ngơi, không biết cách thực tập buông thư. Hơi thở chánh niệm giúp ta học trở lại nghệ thuật buông thư, nghỉ ngơi. Hơi thở chánh niệm giống như người mẹ hiền đang ẫm đứa con yêu quý của mình vào vòng tay và nói: “Con ơi, mẹ đây con. Đừng sợ. Ngủ đi con. Yên giấc đi nào.”

Phép thực tập buông thư, nghỉ ngơi là liều thuốc hữu hiệu giúp ta đối trị với căn bệnh lớn của thời đại, đó là bệnh căng thẳng - stress. Nhiều người trong chúng ta chưa biết cách sử dụng những ngày nghỉ của mình một cách có lợi ích. Thường thường sau một dịp nghỉ hè, nghỉ lễ, người ta trở nên mệt mỏi hơn, căng thẳng hơn. Tôi mong rằng trong các buổi pháp đàm chúng ta có thể chia sẻ và đưa ra những phương cách cụ thể, hữu hiệu như làm thế nào để nghỉ ngơi cho có ích lợi. Trong khóa tu này, chúng ta sẽ có cơ hội thực tập pháp môn thiền buông thư.

Chúng ta phải tin vào khả năng tự trị liệu của thân tâm ta. Tiềm năng tự chữa là một thực tại, nhưng chúng ta đã đánh mất niềm tin ấy nơi tự thân. Ngược lại, ta dùng quá nhiều các chất dinh dưỡng, thuốc men và chính những thứ đó đôi khi lại tạo ra phản ứng phụ và trở thành nguy hại cho cơ thể ta. Con thú biết rằng bốn hoặc năm ngày không ăn sẽ không nguy hại gì đến tính mạng của nó, ngược lại nhịn đói và nghỉ ngơi sẽ giúp cho vết thương của nó chóng lành hơn. Thế nhưng con người thời nay thì khác, họ rất sợ nhịn đói. Ta nghĩ rằng nếu không ăn gì thì cơ thể sẽ bị suy nhược và vì vậy vết thương của ta sẽ không có cơ hội để tự điều trị. Điều này cần phải xét lại. Thời xưa, người ta thường nhịn đói vài ba tuần liên tiếp mà không hề gì. Đây là phương cách rất hay để điều trị những vùng đau nhức trong cơ thể và tâm thức ta. Ta phải tin vào sức mạnh của trí tuệ, tình thương và khả năng tự chữa trị trong ta. Những năng lượng đó là những năng lượng của Bụt, là cõi Tịnh Độ biểu hiện từ tâm, là Nước Chúa, là nơi nương tựa vững vàng nhất. Nếu mất niềm tin nơi khả năng tự chữa trị của thân tâm ta, nơi sự hiểu biết và thương yêu trong ta, tức là ta đánh mất gia tài quý báu ấy. Đây không phải là vấn đề trừu tượng mà là một thực tại mầu nhiệm. Một thực tại ta có thể sờ mó, trân quý và nương tựa. Vậy thì thay vì hoảng sợ, tuyệt vọng, bất an, ta nên thực tập trở về với hơi thở chánh niệm và đặt hết niềm tin vào sức mạnh của khả năng tự chữa trị của thân tâm ta, của khả năng hiểu và thương trong ta. Đây là sự thực tập quay về nương tựa nơi hải đảo tự thân mà Bụt đã căn dặn chúng ta. Ngài khuyên bảo chúng ta hãy luôn luôn quay về nương tựa nơi hải đảo tự thân, mà đừng nương tựa vào bất cứ một pháp nào khác hoặc một ai khác. Đó là hải đảo của bình an, của niềm tự tin, của đức vững chãi, hiểu biết, thương yêu, thảnh thơi và giác ngộ của tự tâm. Hãy nương tựa nơi hải đảo của tự thân. Ta không cần phải chạy tìm ở bất kỳ một nơi nào khác. Hơi thở chánh niệm giúp ta trở về với hải đảo quý giá đó trong tự thân để có thể thực nghiệm được thực tại nhiệm mầu ấy nơi chính mình.

Mỗi khi gặp nguy hiểm hay bị lâm vào tình trạng khó khăn hoặc thấy mình bị cuốn hút vào một ý tưởng phiêu lưu nào đó, ta hãy lập tức nắm lấy hơi thở chánh niệm để trở về với hải đảo của chính mình. Có bài thi kệ giúp ta thực tập rất hữu hiệu khi gặp những tình huống khó khăn. Và đây là bài kệ:

Quay về nương tựa

Hải đảo tự thân

Chánh niệm là Bụt

Soi sáng xa gần.

Hơi thở là Pháp

Bảo hộ thân tâm.

Năm Uẩn là Tăng

Phối hợp tinh cần.

Thở vào, thở ra

Là hoa tươi mát

Là núi vững vàng

Nước tĩnh lặng chiếu

Không gian thênh thang.

Trong khi đọc bài thi kệ này, ta có cơ hội trở về nương tựa nơi hải đảo an toàn của chánh niệm, thiết lập được trở lại chất liệu bình an và sự thanh thản ngay trong giây phút ấy. Làm được như thế, ta sẽ cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng ngay lập tức.

Chúng ta biết rằng chánh niệm là năng lượng của Bụt và tất cả mọi loài chúng sinh đều có nguồn năng lượng ấy nơi tự thân. “Tất cả chúng sanh đều có Phật Tánh.” Đó là câu nói mà Bụt đã tuyên bố ngay sau giây phút Ngài chứng ngộ dưới cội cây Bồ Đề. Chánh niệm nghĩa là khả năng có mặt trọn vẹn trong giây phút hiện tại, thân và tâm trở về một mối, hợp nhất. Nếu tâm ta bị tán loạn, thân ở đây, tâm ở chỗ khác, thì đó gọi là thất niệm, trạng thái tán loạn. Năng lượng chánh niệm được chế tác qua cách đi, đứng, nằm, ngồi, thở, làm việc, nấu cơm và rửa bát trong đời sống hàng ngày. Chánh niệm là năng lượng của Bụt và Bồ Tát có công năng bảo hộ, che chở và soi sáng cho ta, vì chánh niệm chuyên chở trong chính nó năng lượng của Định và Tuệ. Hễ có Niệm thì tự khắc có Định và Tuệ. Năng lượng Định và Tuệ càng mạnh thì năng lượng Niệm càng hùng hậu. Chánh niệm đưa đến sự hiểu biết, chấp nhận, thương yêu và chuyển hóa. Do đó hải đảo của chánh niệm là nơi nương tựa vững chắc và an toàn nhất. Lúc Bụt nhập Niết bàn, Bụt có khuyên bảo, dặn dò các đệ tử của Người rất kỹ càng là phải luôn luôn nhớ quay về nương tựa nơi hải đảo tự thân, hải đảo của chánh niệm, của giới luật, uy nghi mà đừng nương tựa vào bất cứ một nơi nào khác hay một ai khác.

Ước Hẹn Với Sự Sống

Dừng lại và nghỉ ngơi là phép thực tập rất thực tiễn và cần thiết cho nếp sống của thời đại chúng ta. Nếu ta không có khả năng nghỉ ngơi là do ta chưa biết dừng lại. Ta đã chạy, đã ruổi rong không biết bao nhiêu kiếp rồi, bây giờ vẫn tiếp tục chạy và ta chạy ngay cả trong giấc ngủ. Nghĩ rằng hạnh phúc chỉ có thể tìm thấy ở phía tương lai, do đó ta hy sinh hiện tại, nghiền nát hiện tại để chạy tìm hạnh phúc ở tương lai. Niềm tin và ý niệm đó đã ăn sâu trong tâm thức ta. Ta đã tiếp nhận hạt giống đó, tập khí đó từ tổ tiên, ông bà và cha mẹ. Họ đã vật lộn, tranh đấu suốt cả cuộc đời của họ từ thế hệ này sang thế hệ khác và tin rằng hạnh phúc chỉ có thể đạt được ở phía tương lai. Vì vậy lúc còn trai trẻ ta đã có tập khí bồn chồn, lo sợ và hối hả chạy về phía tương lai. Bụt nói rằng ta có thể sống hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây. Tất cả những điều kiện hạnh phúc đều có thể tìm thấy ngay bây giờ và ở đây. Đây là giáo lý đặc thù của đạo Bụt, gọi là Hiện pháp lạc trú, tức là khả năng sống an lạc và hạnh phúc ngay trong giây phút hiện tại. Nếu ta có khả năng dừng lại, thiết lập thân tâm vững chãi trong giây phút hiện tại, ta sẽ thấy tất cả những điều kiện của hạnh phúc đều đang có mặt hiện thực ngay bây giờ và ở đây. Dừng lại được tâm rong ruổi, trôi lăn, tìm cầu thì sẽ thấy rằng ta có dư những điều kiện để hạnh phúc. Tuy rằng quanh ta có một vài điều không vừa ý, nhưng nhìn kỹ ta vẫn còn có quá nhiều điều kiện tích cực để tận hưởng, để hạnh phúc. Khi dạo chơi trong một khu công viên, ta thấy có một vài cây tàn úa, đang chết hoặc đã chết, ta cảm thấy tiếc nuối, buồn khổ cho những thân cây ấy và cho cả khu công viên, tâm ta lúc bấy giờ bị trấn ngự bởi sự tiếc nuối, buồn khổ nên không còn khả năng thưởng thức vẽ đẹp hùng vĩ của cả khu công viên đang diễn bày mầu nhiệm quanh mình. Ta để cho vài thân cây tàn úa, chết khô kia làm tiêu tan tất cả vẻ đẹp của những cây khác đang có mặt. Nếu nhìn kỹ lại, ta thấy rằng khu công viên vẫn còn tươi mát, xinh đẹp và tráng lệ lắm, tại sao ta lại không thưởng thức sự có mặt của chúng một cách trọn vẹn.

Nhìn vào bốn lĩnh vực của thân thể, cảm thọ, tâm hành và nhận thức, ta biết rằng chúng chứa đựng tất cả các yếu tố tươi mát, hạnh phúc, hiểu biết và thương yêu. Ta hãy thực tập như thế nào để nuôi dưỡng và làm cho những yếu tố ấy luôn luôn có mặt cho ta. Không nên chỉ để ý tới những yếu tố tiêu cực, không lành mạnh của cuộc sống trong ta và quanh ta mà thôi.


Thở vào, tôi ý thức về hai mắt tôi.
Thở ra, tôi mỉm cười với hai mắt tôi.

Đây là sự thực tập ý thức về mắt. Mình chế tác ra năng lượng chánh niệm để có mặt đích thực trong giây phút hiện tại, để nhận diện, tiếp xúc, trân quý và nâng niu hai con mắt của mình. Khi tiếp xúc với hai mắt, mình tiếp xúc được với một trong những điều kiện căn bản của hạnh phúc mà mình đang có. Ý thức được rằng hai mắt mình đang còn tốt, còn sáng, đó là một phép lạ, một món quà vô giá. Chỉ cần mở mắt ra là có thể thấy được trời xanh, mây trắng, người thương, thấy được thế giới muôn màu muôn vẻ đang diễn bày mầu nhiệm trước mặt. Thế nhưng có rất nhiều người không có khả năng thưởng thức cái thiên đường mầu nhiệm ấy; thiên đường ấy là một phần thuộc về cõi Tịnh Độ mà đạo Bụt hay nói tới. Sở dĩ mình không có khả năng sống hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây là vì mình đã để cho các tâm hành lo âu, giận hờn, tham đắm, ganh tỵ, tuyệt vọng xâm chiếm, giam hãm. Tịnh Độ hay Thiên Đường đang tuột khỏi tầm tay của mình. Trong khi đi dạo, mình có thể cầm tay con mình, cháu mình dạo chơi trong Tịnh Độ. Mình có thể giúp các con mình, cháu mình nhận diện, tiếp xúc với vẻ đẹp mầu nhiệm của đất trời, của thiên nhiên, của thế giới muôn màu muôn vẻ đang diễn bày trước mặt. Đi đâu để có thể kiếm được một hành tinh xanh mầu nhiệm như hành tinh của chúng ta? Các nhà khoa học đã tốn rất nhiều nhiều công sức, máy móc tinh vi và tiền của mà vẫn chưa kiếm ra được một hành tinh xinh đẹp và sống động như hành tinh của chúng ta.


Thở vào, tôi ý thức về trái tim tôi.
Thở ra, tôi mỉm cười với trái tim tôi.

Khi ta đem năng lượng chánh niệm để ôm lấy trái tim ta và mỉm cười với trái tim, ta sẽ thấy trái tim của ta còn hoạt động bình thường, đó là một phép lạ, là món quà vô giá. Những người bị bệnh tim, hạnh phúc lớn nhất của họ là mong có được một trái tim tốt, hoạt động bình thường. Có được một trái tim đang hoạt động bình thường là một điều kiện căn bản của hạnh phúc. Khi ta nâng niu trái tim với năng lượng chánh niệm, tình thương, thì trái tim của ta sẽ cảm thấy ấm áp trở lại. Bấy lâu nay ta đã không ngó ngàng đến trái tim của ta. Ta đã đối xử không dễ thương với trái tim của ta. Trong đời sống hàng ngày, ta quá bận rộn, chỉ để tâm suy nghĩ, lo toan về chuyện đâu đâu, chạy theo những cái ta tin là điều kiện tất yếu của hạnh phúc, trong khi đó ta không có thì giờ để có mặt cho trái tim ta. Ta làm tình làm tội trái tim ta bởi sự lo lắng quá mức, ăn uống, làm việc và ngủ nghỉ không chừng mực. Mỗi khi hít vào một hơi thuốc lá là ta đang làm khổ trái tim ta. Mỗi khi uống vào một ly rượu là ta đang làm một hành động không thân thiện, không có trách nhiệm, không có tình thương đối với trái tim ta. Ta biết rằng trái tim ta đã làm việc không ngừng nghỉ, đã làm suốt ngày suốt đêm để duy trì, bảo tồn mạng sống của ta, để bảo đảm sức khỏe cho toàn cơ thể. Nhưng ta lại thờ ơ, không quan tâm tới nó. Ta đã đối xử với trái tim ta một cách thật tệ bạc. Ta không chịu học cách bảo vệ những điều kiện hạnh phúc đang có trong ta. Đã đến lúc ta phải tỉnh dậy thôi, phải thắp lên ánh sáng chánh niệm để trở về nhận diện, trân quý và bảo tồn các điều kiện hạnh phúc đang có trong ta, trước hết là đối với thân thể. Ta hãy tiếp tục thực tập như thế đối với các chi phần khác của cơ thể như gan, phổi, thận, lá lách, ruột v.v… Thực tập nâng niu lá gan của mình với niềm ưu ái và tình thương, đó là thiền tập. Thiền tập trước hết là tập dừng lại và nhận diện những điều kiện của hạnh phúc đang có mặt trong giây phút hiện tại. Trở về ôm lấy, chăm sóc thân thể bằng năng lượng chánh niệm mà ta chế tác qua hơi thở ý thức. Khi mình gởi năng lượng chánh niệm đến các bộ phận của cơ thể thì năng lượng chánh niệm sẽ làm công việc nhận diện, ôm ấp và chăm sóc những chi phần ấy của cơ thể với tình thương và sự trìu mến. Làm được như thế tức là ta đáp ứng đúng những gì mà cơ thể ta đang cần. Nếu có một chi phần nào đó trong cơ thể bị đau nhức thì ta cần có mặt lâu hơn để chăm sóc, mỉm cười ưu ái với chi phần ấy. Mỗi ngày ta nên thực tập bài tập này ít nhất là hai lần. Phép thực tập này gọi là Thiền Buông Thư. Thiền Buông Thư là phép thực tập trở về có mặt cho thân thể mình và bằng hơi thở ý thức, mình chế tác ra năng lượng chánh niệm để soi chiếu vào toàn thân, làm cho toàn thân được buông thư, lắng dịu trở lại, rồi từ từ chiếu dụng ánh sáng chánh niệm vào từng chi phần của thân thể để hiểu được tình trạng sức khỏe của nó, chăm sóc và cho phép thân thể được nghỉ ngơi, được tự điều trị. Thiền Buông Thư không phải để ngủ. Nhưng nếu ngủ cũng tốt.

Hơi Thở Có Ý Thức

Bài tập thở có ý thức thứ nhất của kinh Quán Niệm Hơi Thở mà Bụt dạy là “Vào / ra.” Nghĩa là: “Thở vào, ý thức đây là hơi thở vào; thở ra, ý thức đây là hơi thở ra. Vào/ Ra.” Bài tập này cho ta thấy hơi thở chính là một phần của thân thể. Hơi thở là một hành, một hiện tượng thuộc về thân thể vật lý. Hơi thở là phương pháp giúp ta trở về làm quen và làm hòa với thân thể. Đối tượng của sự thực tập chánh niệm là hơi thở vào và hơi thở ra. Nghĩa là trong khi thở vào và thở ra, tâm mình không bị tán loạn bởi những ý tưởng khác, tâm mình (tâm chánh niệm) hoàn toàn an trú trong suốt chiều dài của hơi thở vào và hơi thở ra từ đầu cho tới cuối. Ta nhận diện hơi thở vào là hơi thở vào, hơi thở ra là hơi thở ra. Chỉ nhận diện trọn vẹn hơi thở thôi. Đó gọi là nhận diện đơn thuần. Khi thở vào, ta có thể thầm niệm: “Thở vào, biết mình đang thở vào” và sau đó ta thu gọn lại thành một chữ: “Vào”. Khi thở ra, ta cũng thầm niệm: “Thở ra, biết mình đang thở ra - Ra.” Hai chữ “vào” và “ra” là dụng cụ giúp ta phát triển và duy trì năng lượng chánh niệm. Cố nhiên là ta không lập đi lập lại hai chữ ấy một cách máy móc mà nên để cho hơi thở có ý thức chuyên chở hai chữ ấy một cách tự nhiên để giúp ta phát triển niệm lực và định lực. Trong khi thở vào, ta biết rằng mình đang nuôi dưỡng mình bằng hơi thở vào. ''Vào'' không còn là một ý niệm nữa mà là một thực tại. Hơi thở chánh niệm giúp ta ngưng lại được dòng suy nghĩ. Trong khi thở, có thể sẽ có những tạp niệm xen vào, tung hoành trong vùng ý thức của ta, trong trường hợp đó, ta không nên xua đuổi hay đè nén chúng. Nếu ta có mặt trọn vẹn cho hơi thở vào và hơi thở ra, bám sát lấy hơi thở vào và hơi thở ra và cảm thấy hạnh phúc, cảm thấy thích thú trong khi thở, thấy rằng mình đang còn sống, đang được thở vào, thở ra một cách thông suốt, thì mọi suy nghĩ trong ta tự nhiên ngưng lại. Ta không cần xua đuổi, không cần cố gắng làm cho chúng lắng xuống. Trong thiền tập, thái độ xua đuổi, dồn nén với những gì mình không ưa thích của tâm là điều rất tối kỵ; không nên biến tâm thức mình thành bãi chiến trường trong đó lấy cái thiện đánh cái ác v.v... Ta phải sống hài hòa với chúng. Đôi khi ta cố sống cho thật chánh niệm và trở nên quá cứng nhắc. Thực tập như vậy là chưa đúng cách. Thực tập chánh niệm không phải là vấn đề lao tác mệt nhọc. Mỗi giây phút của sự thực tập phải là mỗi giây phút của an lạc, thảnh thơi và hạnh phúc; có an lạc, có hạnh phúc thì tâm ta dễ dàng được an định. Niệm sinh Định và Định sinh Tuệ. Đó là điều chắc chắn. Chẳng hạn như khi nghe pháp thoại; nếu bài pháp thoại hấp dẫn, thích thú, thì ta nghe rất tỉnh táo; còn nếu như bài pháp thoại không có sức thu hút, hấp dẫn, không sinh động, không đáp ứng được nhu cầu của ta, thì dù có cố gắng cách mấy, ta vẫn không tỉnh táo được. Chìa khóa của sự thực tập, bí quyết để thành công là làm sao cho có an lạc, hạnh phúc và thích thú ngay trong giây phút của sự thực tập. Ta thở như thế nào để có an lạc ngay trong từng hơi thở vào và hơi thở ra, thở như thế nào để năng lượng của Niệm, của Định càng thêm vững chãi, hùng hậu. Hễ có Định thì chắc chắn có Tuệ. Niệm, Định và Tuệ có mặt trong nhau, chúng làm ra nhau. Trong Niệm có Định và trong Định có Tuệ.

Nghệ Thuật Ngồi Yên

Trong suốt thời ngồi thiền, ta chỉ cần ngồi yên và tận hưởng hơi thở vào và hơi thở ra. Thở cho thật thoải mái và ý thức trọn vẹn từng hơi thở vào và hơi thở ra. Ngồi thiền là cơ hội để thân tâm ta được nghỉ ngơi và trị liệu. Ta cũng có thể thực tập trong tư thế nằm; trong khi nằm, ta theo dõi hơi thở vào, hơi thở ra, mỉm cười và buông thư toàn thân. Khi ngồi, ta nên ngồi như thế nào để thân thể được thư thái. Ta có thể ngồi trong tư thế kiết già hoặc bán già hay một tư thế nào đó mà ta cảm thấy dễ chịu và buông thư hoàn toàn các cơ bắp trên cơ thể mình. Đầu và sống lưng giữ thẳng, không nghiêng hay cong về phía trước hoặc phía sau, vẹo về bên trái hoặc bên phải, không nên gồng mình trong khi ngồi, thả lỏng hoàn toàn. Ta có thể ngồi trên gối ngồi (tọa cụ) hoặc trên mặt phẳng. Nhưng theo kinh nghiệm của tôi, ngồi trên gối ngồi thì thế ngồi vững vàng và thoải mái hơn, ngồi được lâu hơn. Nếu ngồi trên tọa cụ thì quý vị nên chọn cho mình một tọa cụ thích hợp với thế ngồi của cơ thể mình. Khi ngồi xuống, trước hết ta nên điều chỉnh thế ngồi như thế nào để có thể ngồi được lâu mà không bị tê chân hay bị mỏi mệt. Sau khi đã điều chỉnh thế ngồi, ta bắt đầu theo dõi hơi thở vào và hơi thở ra, hoàn toàn chú ý tới hơi thở. Sau đó ta có thể chú ý tới thế ngồi của mình; rồi thực tập buông thư các cơ bắp trên khuôn mặt bằng hơi thở chánh niệm. Khuôn mặt của ta có khoảng ba trăm cơ bắp. Mỗi khi tức giận, lo lắng hoặc sợ hãi thì các cơ bắp trên khuôn mặt mình trở nên căng thẳng. Khuôn mặt mình lúc bấy giờ rất dữ dằn, khó coi. Nếu thở vào và ý thức về khuôn mặt của mình, thở ra - mỉm cười, thì ta sẽ làm thư giãn hàng trăm cơ bắp trên khuôn mặt của ta. Cứ như thế, ta chiếu dụng ánh sáng chánh niệm tới hai bả vai, rồi hai cánh tay v.v.. Ta tiếp tục thực tập như thế đối với tất cả các bộ phận của cơ thể. Đây là một phép thực tập buông thư rất hữu hiệu. Theo phép thực tập này, ta không cần phải cố gắng cực nhọc. Nếu ta lao tác mệt nhọc trong khi thực tập thì không thể thành công được. Ngược lại ta sẽ trở nên căng thẳng hơn; vai và ngực của ta trở nên khó chịu và có thể tạo ra những triệu chứng đau nhức khác. Khi ngồi xem truyền hình, mình đâu cần phải cố gắng cực nhọc; nhờ vậy mà mình có thể ngồi xem ti vi, phim ảnh hàng giờ mà không cảm thấy mỏi mệt. Khi ngồi thiền, ta thường có khuynh hướng tranh đấu với chính mình nên không thể ngồi yên được lâu. Nên ngồi như thế nào cho thật thoải mái giống như khi mình ngồi trên ghế salon để xem phim, xem truyền hình. Không tranh đấu, không cố gắng dụng công là chìa khóa của sự thành công. Chỉ cần ngồi cho thật yên và thưởng thức sự kiện là mình đang được ngồi yên, đang thở vào và thở ra; không mong cầu để thành đạt quả vị nào hết, dù là quả vị Bụt. Ngồi trong tư thế buông thư, nhận diện, quán sát và mỉm cười với những tâm hành đến và đi một cách đơn thuần, không đè nén hoặc xua đuổi. Ngồi yên là cơ hội cho cơ thể ta được nghỉ ngơi.

Khi ta rót nước táo vào ly và nước táo đang bị vẩn đục; muốn có được ly nước táo thơm, trong để uống thì ta phải đặt nó xuống mặt bàn khoảng từ năm đến mười phút để cho những cặn bả li ti trong ly nước táo chìm lắng xuống thì mới uống được. Cũng vậy, nếu mình cho phép cơ thể mình ngồi thật yên trong tư thế kiết già hoặc bán già, giữ thân ngay thẳng, buông thư, theo dõi hơi thở chánh niệm thì thân và tâm mình sẽ được lắng dịu trở lại. Ngồi thiền là cơ hội để tận hưởng từng hơi thở vào và hơi thở ra, ý thức rằng mình đang còn sống và đang được ngồi yên là một hạnh phúc lớn. Đó là một phép lạ. Biết rằng mình đang được ngồi chung với những người cùng thực tập giống như mình cũng là một điều kiện khác của hạnh phúc. Ngồi yên và không cố gắng để trở thành một người nào khác, dù là thành Bụt, cũng mầu nhiệm rồi. Khi những tâm tư của mình được lắng đọng, mình sẽ tiếp xúc được với những nhiệm mầu của sự sống đang có mặt trong giây phút hiện tại. Thời gian ngồi thiền là thời gian để ăn mừng sự sống. Ngồi yên là một xa xí phẩm.

Bài tập thứ hai Bụt dạy trong kinh Quán Niệm Hơi Thở là ''Dài / ngắn''. ''Thở vào, tôi theo dõi hơi thở vào từ đầu cho tới cuối. Thở ra, tôi theo dõi hơi thở ra từ đầu cho tới cuối.'' Nghĩa là khi thở vào và thở ra, ta ý thức toàn vẹn chiều dài, chiều ngắn của hơi thở vào và hơi thở ra, từ đầu cho tới cuối. Tuyệt đối không can thiệp vào hơi thở, không cố làm cho hơi thở ngắn lại hoặc dài ra theo ý mình. Điều này rất quan trọng. Đối tượng chánh niệm của hai bài thực tập đầu chỉ đơn thuần là hơi thở vào và hơi thở ra. Hãy để cho hơi thở xảy ra theo nhịp điệu tự nhiên của nó. Sự thực tập của ta là thắp sáng ngọn đèn chánh niệm và soi chiếu vào hơi thở. Công việc của ta là chỉ nhận diện tình trạng của hơi thở như nó đang là và mỉm cười, không uốn nắn, không gò ép, không can thiệp vào hơi thở.

Hai bài thực tập này nếu thực tập đúng theo lời chỉ dẫn sẽ đem lại những lợi lạc rất lớn. Ta không thể diễn tả được sự chuyển động tuyệt vời và sự mầu nhiệm của hơi thở. Ta không nên lao tác mệt nhọc trong khi thở; hãy để cho hơi thở diễn biến một cách nhịp nhàng và tự nhiên, quan trọng là khi thở vào, mình biết mình đang thở vào; thở ra, mình biết mình đang thở ra. Đây gọi là hơi thở có ý thức. Như ánh sáng mặt trời và cây cỏ. Ánh sáng mặt trời có sự tác động và ảnh hưởng lên cây cỏ, nhưng công việc của ánh sáng mặt trời là chiếu vào cây cỏ và bao trùm lấy chúng. Ánh sáng chánh niệm cũng có tác dụng như thế đối với hơi thở. Ta không nên gò ép hơi thở đi theo ý mình; chỉ nhận diện đơn thuần hơi thở vào như là hơi thở vào và hơi thở ra như là hơi thở ra, thế thôi. Nếu hơi thở vào ngắn, hãy để cho nó ngắn; nếu hơi thở ra dài, cứ để cho nó dài. Đừng cố làm cho chúng ngắn lại hoặc dài ra theo ý mình. Không nên uốn nắn hoặc gò ép hơi thở.

Nếu tiếp xúc với hơi thở bằng năng lượng chánh niệm thì phẩm chất của hơi thở sẽ tiến bộ hơn và ta cảm thấy thân tâm được thư thái và nhẹ nhàng. Sự an bình và hòa điệu của hơi thở giúp thân thể ta được an bình và hòa điệu, và khi thân an thì tâm cũng an. Thân và tâm tương tức.

Trong đời sống hàng ngày, ta thường bị những lo lắng, phiền muộn trấn ngự. Ta suy nghĩ không ngừng. Trong ta dường như có cái băng đĩa đang quay liên tục, không bao giờ dừng nghỉ hoặc giống như cái máy truyền hình đang hoạt động suốt ngày. Đầu óc của ta bị nóng bừng, căng thẳng vì ta suy nghĩ, lo lắng quá độ và cuối cùng dẫn đến triệu chứng mất ngủ. Ta không biết cách dừng lại. Vì mất ngủ nên ta càng lo lắng và giải pháp cuối cùng là đi khám bác sĩ để xin thuốc ngủ. Sau khi đã uống thuốc ngủ, ta có thể ngủ được, nhưng trong giấc ngủ, thân tâm ta vẫn bồn chồn không yên, vẫn chạy, vẫn suy nghĩ, vẫn lo lắng, sợ hãi. Ta không thật sự nghỉ ngơi. Do đó liều thuốc hữu hiệu và an toàn nhất chính là hơi thở chánh niệm. Nếu ta nắm lấy hơi thở chánh niệm để thực tập thì nội trong vòng năm, bảy phút thân tâm ta sẽ trở nên êm dịu, thư thái và ta có thể ngưng được dòng suy nghĩ một cách dễ dàng. Nếu ta theo dõi, bám sát hơi thở vào và hơi thở ra từ đầu cho tới cuối, không tán loạn thì dòng suy nghĩ tự nó sẽ ngưng lại thôi.

Hai chữ ''vào / ra'' không phải là ý niệm; không phải là sự suy nghĩ; hai chữ ấy là sự hướng dẫn cho hơi thở chánh niệm. Khi suy nghĩ nhiều thì phẩm chất của sự sống trở nên nghèo nàn. Nếu ta đình chỉ được sự suy nghĩ thì phẩm chất của sự sống phong phú hơn. Thân tâm ta trở nên an bình và thư thái hơn. Ông triết gia Descart có nói rằng: ''Tôi suy tư nên tôi hiện hữu''. Theo tôi, thì húng ta nên nói rằng, ‘‘Tôi suy tư, cho nên tôi không có mặt, tôi không hiện hữu, tôi đánh mất tôi trong sự suy tư.’’

Đã Về Đã Tới

Ta có thể sử dụng bài thi kệ “Đã Về, Đã Tới” để thực tập trong khi thở và đi. Có hai cách thực tập thiền đi: thứ nhất là kinh hành, tức là đi từng bước chậm rãi, mỗi hơi thở một bước chân. Bắt đầu bằng chân trái, thở vào - ta bước một bước; thở ra - ta bước một bước, bằng chân phải. Kinh hành thường được thực tập trong thiền đường hoặc trong chánh điện sau thời ngồi thiền. Cách thực tập thứ hai là thiền đi. Thiền đi thường được áp dụng ngoài khu vực thiền đường và nhịp bước nhanh hơn. Ta có thể bước hai hoặc ba bước trong khi thở vào và hai hoặc ba bước trong khi thở ra. Tuy nhiên, tùy vào buồng phổi của ta. Nếu hơi thở vào cho phép ta bước được một bước hoặc hai bước, thì hãy nên bước như vậy và hơi thở ra cho phép ta bước hai bước hoặc ba bước, thì nên bước như vậy. Không nên ép hơi thở để có thể bước được nhiều bước, vì làm như vậy ta sẽ bị mệt, tạo thêm căng thẳng trong thân. Thực tập là để đạt tới an lạc và hạnh phúc ngay trong khi thực tập, chứ không phải để tạo thêm khổ đau. Ta phải là một nhạc sĩ, nhạc trưởng điều khiển hơi thở và bước chân của ta sao cho có hòa điệu và có thể tấu lên một bản nhạc thiền đi thật hay, thoải mái và an vui. Vấn đề không phải là ít bước hay nhiều bước, quan trọng là trong khi bước ta phải cảm thấy thoải mái, an lạc và thảnh thơi. Thở vào, bước hai bước, ta thầm niệm: ''đã về, đã về; thở ra, bước hai bước, ta thầm niệm: đã tới, đã tới.'' Quý vị có thể thắc mắc: ''Về đâu? Tới đâu?'' Về với quê hương đích thực của ta trong giây phút hiện tại.

Cách đây khoảng mười lăm năm, tôi có đi thăm một cộng đồng Phật giáo thuộc giai cấp thấp kém ở Ấn Độ. Một người bạn người Ấn đã sắp đặt cuộc viếng thăm và mời tôi nói chuyện tại đó. Anh ta thuộc về giai cấp đó, một giai cấp đã bị kỳ thị qua hàng ngàn năm. Hôm đó ở trên xe buýt, anh ta ngồi cạnh tôi. Hai thầy trò đang trên đường đi tới trung tâm đó. Trong suốt thời gian ngồi trên xe buýt, tôi theo dõi hơi thở chánh niệm và tận hưởng cảnh đẹp vùng ngoại ô của Ấn Độ. Có lần tôi chợt nhìn sang anh ta và thấy anh rất bất an, căng thẳng. Anh là người tổ chức cho cuộc viếng thăm và anh đã sắp đặt chu toàn tất cả mọi việc để làm cho cuộc thăm viếng của tôi được xảy ra tốt đẹp. Tuy mọi việc đã được sắp đặt chu đáo, thế mà anh vẫn chưa yên tâm, vẫn tiếp tục lo lắng. Nhìn anh, tôi thấy được năng lượng tập khí lo lắng nơi anh đã được trao truyền từ nhiều thế hệ tổ tiên trong quá khứ. Tổ tiên trong giai cấp của anh đã vùng vẫy, tranh đấu suốt cả cuộc đời qua nhiều thế hệ do sự kỳ thị, bất công của chế độ phân biệt giai cấp. Để chuyển hóa năng lượng tập khí thâm căn cố đế này quả là một việc không phải một sớm một chiều. Tôi nói với anh ta rằng: ''Này anh bạn, anh không nên lo lắng như thế. Không có gì cần phải làm cả! Dù anh có lo bao nhiêu chăng nữa thì anh cũng không làm gì được, vì thực tế là anh đang ngồi trên xe buýt với tôi. Theo tôi, hay nhất là anh hãy ngồi cho thật yên, trở về với hơi thở chánh niệm, thực tập buông thư và thuởng thức cảnh đẹp của vùng ngoại ô. Khi tới đó chắc chắn mọi việc sẽ ổn thôi. Anh hãy ngồi cho thật thoải mái và mỉm cười với sự sống mầu nhiệm đang diễn bày quanh mình.” Anh ta nói: ''Dạ!'' Rồi anh ngồi yên. Nhưng khoảng hai phút sau anh lại bồn chồn, lo lắng, bất an, căng thẳng, suy nghĩ đủ điều; anh không an trú được trong giây phút hiện tại.

Thiền trước hết là thực tập dừng lại - chỉ. Dừng lại năng lượng tập khí chạy như bị ma đuổi để có thể tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống đang có mặt trong ta và chung quanh ta ngay trong giây phút hiện tại. Bất cứ lúc nào, khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, ăn cơm, làm việc... ta cũng thắp lên ánh sáng chánh niệm để nhận diện và dừng lại cái tập khí muốn chạy như bị ma đuổi trong ta. Có những người trong khi đang ngồi ăn mà tâm của họ chạy như bị ma đuổi. Họ không có khả năng dừng lại và an trú vững chãi để thật sự thưởng thức miếng cơm hoặc miếng bánh mì mà họ đang nhai trong giây phút hiện tại. Chúng ta phải nâng đỡ nhau để thực tập dừng lại. Bụt dạy: Quá khứ đã đi qua. Tương lai thì chưa tới. Chỉ có giây phút hiện tại là đáng để ta sống mà thôi. Chúng ta có ước hẹn với sự sống trong giây phút hiện tại. Nếu ta lỡ hẹn với giây phút hiện tại, tức là ta đánh mất sự sống. Chúng ta ai cũng hiểu được điều ấy. Nhưng trong đời sống hàng ngày ta vẫn hành xử như ta chưa từng tiếp xúc với giáo lý mầu nhiệm ấy. Ta không có khả năng an trú và sống thảnh thơi trong giây phút hiện tại. Đó là vì tập khí lo lắng, rong ruổi và sợ hãi trong ta quá sâu dày. Vì vậy chúng ta cần nâng đỡ nhau để thực tập dừng lại, thiết lập thân tâm vững chãi trong giây phút hiện tại. Ăn cơm trong chánh niệm với nhau là cơ hội để ta dừng lại. Ngồi thiền và theo dõi từng hơi thở vào và hơi thở ra cũng là cơ hội cho ta dừng lại. Mỗi khi con ngựa tập khí trong ta vươn mình muốn chạy, thì ta lập tức trở về với hơi thở vào và hơi thở ra có ý thức và nói: ''Chào anh bạn tập khí, tôi biết anh rồi. Thôi đừng chạy nữa, dừng lại và thở với tôi đi!'' Ta thở và mỉm cười với nó thì tự dưng nó không còn tác yêu tác quái ta nữa và sức mạnh thúc đẩy của nó sẽ yếu dần yếu dần, rồi từ từ được chuyển hóa. Lần sau nếu nó biểu hiện trở lại, thì ta thở vào, thở ra và nói: ''Chào anh bạn, anh tới chơi hả!'' Ta chỉ nhận diện đơn thuần tâm hành ấy. Mỗi lần thực tập như vậy, thì sức mạnh của nó yếu dần đi. Ta không cần phải vật lộn với nó mà chỉ cần nhận diện sự có mặt của nó và mỉm cười với nó mà thôi. Quê hương đích thực của ta là bây giờ và ở đây, là nơi hải đảo của tự thân. Những mầu nhiệm của sự sống chỉ có thể tiếp xúc được trong giây phút hiện tại. Khi nghe chuông, ta ngưng hết mọi sinh hoạt - như nói năng, làm việc, suy nghĩ và trở về an trú trong hơi thở chánh niệm. Thở vào, ta thầm niệm: ''Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe.” Thở ra: “Tiếng chuông huyền diệu đưa về nhất tâm.'' Tiếng chuông là tiếng gọi của Bụt đưa tâm trở về hợp nhất với thân và an trú vững vàng trong giây phút hiện tại.

Sau vài phút thực tập câu “đã về / đã tới”, ta có thể chuyển sang câu thứ hai của bài kệ: “bây giờ / ở đây.” Thở vào ta thầm niệm: “Bây giờ, bây giờ”; thở ra: “Ở đây, ở đây.” Bây giờ và ở đây là địa chỉ của Bụt, là quê hương đích thực của ta. “Bây giờ và ở đây” đồng nghĩa với câu “Đã về. Đã tới.” Ta muốn thực tập mỗi câu bao lâu cũng được. Sau khi thực tập câu thứ hai một thời gian, ta có thể đổi sang câu thứ ba là “Vững chãi / thảnh thơi”- thở vào: vững chãi; thở ra: thảnh thơi. Đây không phải sự tự kỷ ám thị. Nếu ta đã về được, đã tới được trong giây phút hiện tại, thì tự nhiên ta thiết lập được đức vững chãi và thảnh thơi. Khi bước được từng bước trong chánh niệm, thì ta tiếp xúc được với quê hương đích thực của mình và trở nên rất vững chãi, rất thảnh thơi; mình không còn chạy như bị ma đuổi nữa, mình đã phục hồi lại được chất liệu tự do. Trước kia, mình đã từng là nạn nhân của những con ma của quá khứ và tương lai, chúng giống như hai lực sĩ luôn luôn kéo mình đi về trăm hướng. Bây giờ mình đã làm chủ được chính mình, đã lấy lại được chủ quyền. Mình không còn là nạn nhân nữa. Khi cảm nhận được điều ấy, ta thầm niệm, ''vững chãi, vững chãi; thảnh thơi, thảnh thơi.'' Vững chãi (bất động) và thảnh thơi (trạm nhiên) là hai đặc tính của Niết bàn, là thực tại của không sinh không diệt, không tới không đi v.v... Câu cuối của bài kệ là: ''Cửa vô sinh mở rồi, trạm nhiên và bất động.'' Ta sẽ hiểu được câu này sâu sắc khi ta thực tập bốn phép thở cuối của kinh Quán Niệm Hơi Thở nói về nhận thức và đối tượng của nhận thức, danh từ chuyên môn gọi là tưởng.

Ngồi thiền là một niềm vui chứ không phải là sự lao tác mệt nhọc. Đi thiền, ăn cơm cũng vậy. Nếu thực tập giỏi thì sự thực tập của ta trở nên rất dễ chịu, nuôi dưỡng và đem lại sự trị liệu lớn.

Đã về, đã tới
Bây giờ, ở đây
Vững chãi, thảnh thơi
Quay về nương tựa.
Nay tôi đã về, nay tôi đã tới
An trú bây giờ, an trú ở đây.
Vững chãi như núi xanh
Thảnh thơi dường mây trắng
Cửa vô sinh mở rồi
Trạm nhiên và bất động.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn