10. Đức Phật, Vị Lương Y Vô Song

21 Tháng Sáu 201410:22(Xem: 6460)
QUAN ĐIỂM PHẬT GIÁO
VỀ SỰ ĐAU ĐỚN VÀ BỆNH TẬT
Nhiều tác gỉa
Hoang Phong chuyển ngữ
Nhà xuất bản Hồng Đức 2014

10
ĐỨC PHẬT, VỊ LƯƠNG Y VÔ SONG

Jean-Pierre Schnetzler


Lời giới thiệu của người dịch:

 Dưới đây là bài chuyển ngữ sau cùng trong loạt bài thuộc chủ đề "Quan điểm Phật Giáo đối với sự đau đớn và bệnh tật", mang tựa là Đức Phật, Vị Lương Y vô song (Bouddha, Medecin insurpassable), tác giả là ông Jean-Pierre Schnetzler, nhà tâm lý học, phân tâm học, bác sĩ tâm thần và cũng là một học giả Phật Giáo uyên bác và nổi tiếng trong hậu bán thế kỷ XX.

 Jean-Pierre Schetzler (1929-2009) gốc người miền nam nước Pháp, xuất thân từ một gia đình Thiên Chúa Giáo thuần thành và mang truyền thống võ biền, cha của ông là một thương phế binh trong cuộc Thế Chiến thứ nhất. Từ thuở nhỏ ông cũng đã được gia đình khuyến khích nên theo đuổi binh nghiệp hoặc tu tập trong một nhà dòng để trở thành một tu sĩ. Thế nhưng thật hết sức bất ngờ, ông lại biết đến Phật Giáo rất sớm khi còn là một học sinh năm cuối cấp trung học, nhờ đọc quyển sách "Le Bouddha, sa vie, sa doctrine, sa communauté" (Đức Phật, cuộc đời, giáo lý và tăng đoàn) của một học giả người Đức là Hermann Oldenberg (1854-1920). Ông Schnetzler thuật lại rằng khi đọc quyển sách này thì ông cũng chỉ nghĩ là để trau dồi kiến thức nhằm chuẩn bị cho bài luận triết học trong kỳ thi tú tài sắp đến, thế nhưng sau khi đọc xong thì ông cảm thấy vô cùng bàng hoàng, tương tự như có một trận động đất nổ bùng lên trong trí làm chấn động cả tâm hồn mình. Chẳng những đọc đến đâu hiểu đến đó, mà ông còn cảm thấy là các thuật ngữ và khái niệm nêu lên trong sách cũng thật hết sức quen thuộc và dường như đã được đọc từ trước. Bất chợt một ý nghĩ hiện ra trong tâm trí rằng ông đã từng là một người tu tập Phật Giáo trong kiếp sống trước. Tuy nhiên ông không hề hé lộ ý nghĩ ấy với ai cả, vì sợ mọi người bảo mình là một cậu thanh niên điên rồ hay bất bình thường. Ông bèn nghĩ đến là sau này sẽ học y khoa về ngành tâm lý trị liệu để có thể giúp đỡ những kẻ yếu đuối tâm thần.

 Năm 1955 ông tốt nghiệp đại học Y Khoa Bordeaux, một thành phố lớn bên bờ biển phía tây của nước Pháp, về ngành tâm lý trị liệu và ngay sau đó được bổ làm việc trong một bệnh viện tâm thần. Trong thời gian này mỗi khi có dịp là ông lên thủ đô Paris dò tìm xem có người nào tu tập Phật Giáo hay không. Sau cùng thì ông liên lạc được với một hội Phật Giáo thật khiêm tốn thời bấy giờ là "Société Amis du Bouddhisme" (Hội Thân hữu Phật Giáo), và các thành viên của hội này đã giúp ông trau dồi thêm về giáo lý Phật Giáo. Sau đó ông lại tiếp tục tìm cách làm quen với các sinh viên Á Châu ở các đại học, và cũng thật may mắn ông gặp được một nhà sư Campuchia là Dhammarama và một nhà sư khác người Tích Lan là Walpola Rahula. Ông xin quy y với hai vị này trong một buổi lễ tổ chức đúng theo nghi thức Phật Giáo tại trụ sở của "Hội Thân hữu Phật Giáo", và đây cũng là lần đầu tiên mà hội này đã đứng ra tổ chức một buổi lễ như thế. 

 Sau đó ông tập hành thiền và học hỏi thêm về giáo lý Theravada. Ngoài công việc ở bệnh viện ông còn nghiên cứu thêm về tâm lý học và phân tâm học. Ông gia nhập một hội phân tâm học (SFPA/Société Francaise de Psychologie Analytique) theo trường phái Carl Jung (một nhà phân tâm học người Đức nổi tiếng thời bấy giờ), và ở bệnh viện thì ông được bổ nhiệm chức trưởng khoa tâm lý trị liệu.

 Năm 1967 ông gặp được thiền sư Taisen Deshimaru là người đã đưa Thiền Học Zen vào Âu Châu, đây cũng là dịp đã giúp ông tìm hiểu thêm về phép thiền định Zazen (hành thiền bằng cách ngồi của Thiền phái Zen) và cũng là lần đầu tiên ông được tiếp xúc với Đại Thừa Phật Giáo. Ông lại xin quy y theo Đại Thừa để được chính thức xướng lên những lời ước nguyện của người bồ-tát.

 Năm 1971 ông lại gặp được một nhà sư Tây Tạng rất nổi tiếng là Kalou Rinpoché. Chịu ảnh hưởng tích cực của Phật Giáo Tây Tạng, ông mua một tu viện Thiên Chúa Giáo hoang phế vùng đông nam nước Pháp và biến tu viện này thành một ngôi chùa Tây Tạng mang tên là Karma Migyur Ling rất nổi tiếng ngày nay. 

 Mạn phép dài dòng như trên đây không phải là chỉ để nêu lên một trường hợp tiêu biểu và đặc biệt về cuộc đời và sự nghiệp của một người Phật Giáo Tây Phương là tác giả của bài viết này, mà còn là để nhấn mạnh đến một sự kiện khá lạ lùng là sự tin tưởng vững chắc của người này vào khái niệm về sự tái sinh. Thật vậy đối với những người Tây Phương nói chung và kể cả một số người tu tập Phật Giáo trong số họ nói riêng, không mấy ai nghĩ đến tiền kiếp của mình và các tác động của nghiệp trong quá khứ đưa mình đến tình trạng thân xác, tâm thần và cả bối cảnh chung quanh mình trong kiếp nhân sinh hiện tại của mình. Tác giả Jean-Pierre Schetzler là một trường hợp thật đặc biệt vì ông luôn nghĩ đến yếu tố này và tin thật vững chắc vào khái niệm tái sinh trong Phật Giáo. Ông giải thích và đưa ra các bằng chứng về khái niệm này trên phương diện siêu hình, triết học và tâm linh trong rất nhiều sách và bài viết của ông. 

 Ông là một người rất chịu khó học hỏi và viết rất nhiều. Cách viết của ông rất khúc triết và cô đọng, thường đòi hỏi người đọc đôi chút căn bản về giáo lý Phật Giáo cùng một căn bản tối thiểu về triết học nói chung, cũng như về tâm lý học và phân tâm học nói riêng, để có thể thấu triệt hết những gì thật sâu sắc trong tư tưởng của ông. Bài chuyển ngữ dưới đây cũng chỉ từ một bài ngắn mà ông viết cho một tập san Phật Giáo đại chúng là Dharma. Độc giả có thể tham khảo bản gốc tiếng Pháp của bài này trên nhiều trang web:

http://www.buddhaline.net/Le-Bouddha-medecin-insurpassable

http://www.buddhawiki.fr/bwiki/bin/view/RevuesDharma/D46A3

 blank

Jean-Pierre Schnetzler
ảnh chụp ngày 10 tháng 3 năm 2002
trong một phỏng vấn trên đài truyền hình Pháp


ĐỨC PHẬT, VỊ LƯƠNG Y VÔ SONG
Jean-Pierre Schnetzler

Đối với các học phái thật xa xưa cũng như Kim Cương Thừa Đức Phật luôn được xem là Vị Thầy của tất cả các phương thuốc chữa trị.

 Trong kinh điển bằng tiếng Pa-li, Đức Phật được gọi là vị Lương Y (Bhisakka) hay vị Y Sĩ giải phẫu vô song (Sallakatto anuttaro). Trong Tạng Luật tức tạng kinh về giới luật của người xuất gia, có một chương rất dài nêu lên thật chi tiết các phương thuốc và cách sử dụng. Trong tạng kinh này cũng có kể lại nhiều trường hợp Đức Phật đích thân đứng ra chăm sóc cho những người tỳ kheo ốm đau, với tư cách một vị y sĩ hay một người y tá. Nhân một dịp chăm sóc cho các tỳ kheo ốm đau, Đức Phật đã thốt lên một câu nổi tiếng như sau: 

"Này các tỳ kheo, các con không còn mẹ cũng chẳng còn cha để chăm sóc cho các con (bởi vì khi đã xuất gia thì phải từ bỏ gia đình và rời xa thế tục). Nếu các con không tự chăm sóc cho nhau, thì còn ai chăm sóc cho các con nữa? Nếu như các con muốn chăm sóc cho ta, thì cứ hãy chăm sóc cho những kẻ ốm đau".

 Cái khuôn phép ấy đã trở thành cả một cung cách hành xử cho người tu hành từ những thời kỳ xa xưa nhất của Phật Giáo cho đến khi các học phái Đại Thừa được hình thành (vào thế kỷ thứ I sau Tây Lịch). Các học phái Đại Thừa này đã nhân cách hóa hành động chăm sóc kẻ ốm đau của vị Phật lịch sử vượt thời gian, và biến lý tưởng ấy trở thành các vị Phật và các vị Bồ-tát khác. Trong số các vị này thì Dược Sư Phật[i] (Bhaisajyaguru) là vị đầu tiên [được sáng tạo] và cũng là vị danh tiếng nhất. Vị này ngày nay vẫn còn được thờ phụng ở Nhật Bản, và cùng với Phật A-di-đà và Phật Thích-ca Mâu-ni là ba vị được tôn thờ nhiều nhất trong dân gian.

 Dược Sư Phật thường được biểu trưng trong tư thế ngồi thiền, hai tay nâng một bát thuốc (thường thấy hơn thì thủ ấn của Dược Sư Phật là tay trái nâng một bát thuốc và tay phải cầm một cành dược thảo). Phật Giáo Tan-tra Tây Tạng gọi Dược Sư Phật là Sangyé Menla, thân người màu ngọc lưu li (lapis lazuli) xanh biếc, và được xem như là một vị thần linh thiêng để tôn thờ hoặc làm đối tượng cho việc hành thiền, biểu trưng cho sức mạnh chữa trị và sự cứu khổ.

"Này các tỳ kheo, ta chỉ thuyết giảng có hai điều: khổ đau[ii] và sự giải thoát khỏi khổ đau".

 Đức Phật giảng giáo huấn của Ngài như là một phương pháp chủ yếu giúp giải thoát khỏi khổ đau:

"Này các tỳ kheo, ta chỉ thuyết giảng có hai điều: khổ đau và sự giải thoát khỏi khổ đau"... "Này các tỳ kheo, đại dương dù mênh mông nhưng cũng chỉ có một vị duy nhất ấy là vị mặn của muối, Đạo Pháp (Dharma) này cũng thế, cũng chỉ có một vị duy nhất mà thôi, ấy là hương vị của sự giải thoát".

 Trước hết Đức Phật nêu lên các thể dạng thô thiển và dễ nhận thấy nhất của sự khổ đau và sau đó thì mới nói đến các khía cạnh tinh tế hơn là sự bất-toại-nguyện và bản chất không-hoàn-hảo [của sự hiện hữu]. Qua góc nhìn trên đây thì việc chăm sóc của "vị lương y" (tức là Đức Phật) không những chỉ bao gồm các thể dạng sơ đẳng nhất của sự giải thoát (các sự đau đớn trên thân xác và những nỗi khổ đau trong tâm thần) mà còn biểu trưng cho cả một sự chữa trị vô cùng phức tạp của "vị thầy tâm tinh"(cũng là Đức Phật nhưng với vai trò một vị Thầy truyền dạy Đạo Pháp) giúp đưa chúng ta đến cõi niết-bàn. Gợi lên sự chữa lành thân xác cũng là một cách giúp liên tưởng đến sự chữa trị tâm linh, cách nói ẩn dụ này rất thường được sử dụng trong kinh sách, và không sao kể ra hết được vì sẽ rất dài dòng, thiết nghĩ chỉ cần nêu lên một thí dụ nhỏ cũng là đủ (Đức Phật thường sử dụng cách nói ẩn dụ để dễ hiểu hơn cho những người dân bình dị và chất phác sống cách nay đã hơn hai mươi lăm thế kỷ. Do đó mỗi khi đọc kinh sách thì cũng nên lưu ý về điều này để tự đặt mình vào bối cảnh đó, và đấy cũng là cách giúp mình quán triệt được dễ dàng hơn những lời thuyết giảng của Đức Phật bằng phương pháp ẩn dụ, hầu giúp mình hòa nhập sâu xa hơn vào những ý nghĩa nêu lên trong giáo huấn của Ngài. Biết đâu nhờ đó mình cũng sẽ cảm thấy đang ở bên cạnh Ngài, nghe thấy tiếng nói của Ngài đang thuyết giảng cho chính mình chăng ?).

 Trong kinh điển Pa-li có nêu lên trường hợp của một người bị trúng tên và được một y sĩ giải phẫu chữa trị (xin nhắc lại là kinh sách thường gọi người chữa trị là sallakatto, và nguyên nghĩa trong tiếng Pa-li của từ này là một vị giải phẫu/surgeon). Tất nhiên việc khẩn cấp nhất là phải nhổ bỏ mũi tên. Ý nghĩa nêu lên trong thí dụ trên đây thật hết sức rõ ràng: vết thương biểu trưng cho các giác quan và tâm thức (sự đau đớn trên thân xác và các xúc cảm khổ đau trong tâm thần), độc tố (của mũi tên) là vô minh, mũi tên là dục vọng, việc chẩn đoán vết thương là sự chú tâm, lưỡi dao giải phẫu là trí tuệ cao quý. Vị y sĩ giải phẫu trong trường hợp này không ai khác hơn là chính Đấng Như Lai (Tathagatha), là Vị Toàn Năng, là Đấng Giác Ngộ Hoàn Hảo. Dưới góc nhìn đó thì vị đế vương của tất cả các phương thuốc chữa trị là Đạo Pháp, và vị Y Sĩ toàn năng chính là Đức Phật. Đấy cũng là ý nghĩa trong một tiết thơ của nhà sư Adhimutta (trong kinh sách là một vị A-la-hán): "Người giảng dạy cho tôi là một vị chiến thắng, hiểu biết tất cả và nhìn thấy được tất cả, là một vị Thầy với lòng thương cảm vô biên, chữa lành cho toàn thế giới". 

Việc chữa trị bệnh tật là cách nói lên sự kết hợp giữa Trí Tuệ và Lòng Từ Bi

 Việc tu tập hằng ngày phải nói lên được những ước vọng tâm linh sâu xa nhất của mình. Do đó việc chăm sóc và chữa trị bệnh tật, tượng trưng cho sự nối kết giữa trí tuệ và lòng từ bi do Phật Giáo chủ trương, phải giữ một vị thế chủ yếu trong toàn bộ giới luật quy định cách hành xử của người xuất gia (Vinaya[iii]/ Luật Tạng). Một phân đoạn thật quan trọng trong tạng kinh này mang tựa là Mahavagga (nguyên nghĩa tiếng Pa-li là Phân Đoạn Lớn) đã được dành riêng để khai triển chủ đề trên đây.

 Trong phân đoạn này có thuật lại nhiều chuyện về chính Đức Phật đích thân kê toa và đứng ra chữa trị, chẳng hạn như trong trường hợp sau đây. Một hôm có một người tỳ kheo bị kiết lỵ nằm dưới đất, không ai chăm sóc, phẩn trây bê bết. Chính Đức Phật và A-nan-đà đã rửa ráy cho người tỳ kheo này. Sau đó thì Đức Phật nâng đầu và A-nan-đà thì nâng hai chân đỡ người tỳ kheo lên giường. Thái độ hành xử đó của một vị sáng lập [Đạo Pháp] vẫn còn là một tấm gương sáng cho chúng ta hôm nay noi theo: dù là một vị Bác Sĩ Lừng Danh đi nữa thì đôi khi cũng phải hạ mình để làm một người y tá, và nếu muốn tinh khiết hóa tâm linh thì cũng phải bắt đầu bằng việc lau chùi những thứ phóng uế.

 Ngoài những điều đã được nêu lên trên đây, thì các khái niệm trong giáo lý Phật Giáo về sự ốm đau còn mang lại cho chúng ta hôm nay những điều hiểu biết nào khác nữa hay chăng? Trước hết là quan điểm cho rằng ốm đau là thành phần bất khả phân của sự hiện hữu và phản ảnh sự phân hóa của tất cả những gì mang bản chất cấu hợp, sau đó là sự ốm đau phát sinh từ cội nguồn sâu kín nhất của sự hiện hữu, gồm các thể dạng vô minh, thèm khát và ghét bỏ. 

"Căn bệnh của tôi mang nguồn gốc thật xa, từ những lúc khởi đầu của sự tái sinh"

 Câu nói trên đây là do Duy-ma-cật (Vimalakirti/một cư sĩ uyên bác trong thời Đức Phật còn tại thế và là nhân vật chính trong một bộ kinh mang tên là Kinh Duy-ma-cật hay Sở Thuyết Kinh) đã thốt lên trong lúc đang ốm đau: "Căn bệnh của tôi sẽ vẫn còn tiếp tục hành hạ tôi khi mà vô minh và sự thèm khát của chúng sinh vẫn còn hiện hữu. Căn bệnh của tôi mang nguồn gốc thật lâu đời, từ những lúc khởi đầu của sự tái sinh". Ý nghĩa chủ yếu mà Duy-ma-cật muốn nêu lên là "đau ốm là hậu quả mang lại từ sự hiểu biết sai lầm từ căn bản (vô minh)..., phát sinh từ các sự tưởng tượng sai lầm (ảo giác) và dục vọng (sự thèm khát và bám víu)". Dưới khía cạnh này, và cũng là khía cạnh sâu xa nhất, thì ốm đau liên hệ đến quá trình vận hành chung của nghiệp trong toàn bộ của nó (nghiệp luôn vận hành bằng cách tương tác và hóa giải giữa nhau, nghiệp không tác động một cách độc lập và riêng lẻ, và đấy là còn chưa kể đến sự tham gia của các cơ duyên trong bối cảnh chung quanh) xuyên qua quy luật nguyên-nhân-hậu-quả. Theo quy luật này thì mỗi hành động đều tạo ra một sự cảm nhận (hậu quả) có thể vượt xa hơn phạm vi của một cá thể, giới hạn trong không gian và thời gian, tức là trong bối cảnh hạn hẹp theo quan điểm thường tình của chúng ta về sự hiện hữu của một cá thể. Chúng ta sẽ còn trở lại vấn đề này, thế nhưng thiết nghĩ trước khi đào sâu hơn về sự hiểu biết độc đáo và sâu xa ấy của Phật Giáo, thì cũng cần phải nêu lên một vài nguyên nhân thứ yếu liên quan đến việc chữa trị thường tình về các thứ đau đớn thông thường trên thân xác.

 Dĩ nhiên là Phật Giáo cũng có nghĩ đến các thứ bệnh tật xảy ra trên thân xác, gây ra bởi các nguyên nhân đủ loại như: lạnh, nóng, gió, thức ăn không tinh khiết, thiếu vệ sinh, tình trạng bị chấn thương do tai nạn gây ra, v.v... Trên dòng lịch sử phát triển tất nhiên Phật Giáo cũng đã từng khám phá ra nhiều phương thuốc cũng như các phương pháp phẫu thuật đóng góp vào việc chữa trị bệnh tật, thế nhưng đấy không phải là những gì mà chúng ta muốn nói đến, bởi vì các kết quả đóng góp này liên hệ nhiều hơn đến các ngành y khoa Á Đông và vượt ra khỏi khả năng của chúng ta. Điều độc đáo và quan trọng hơn cả là các quan điểm bao quát và sâu xa về bệnh tật và các nguyên nhân đã tạo ra tình trạng ấy mà chúng ta gọi là nghiệp.

 Ngoài các nguyên nhân thứ yếu và ngẫu biến (occasional/xảy đến một cách bất thường, không mang tính cách cố định hay thường xuyên, tức là các cơ duyên) còn có những nguyên nhân chính yếu giữ một vai trò căn bản hơn tạo ra mọi thứ xáo trộn và khó khăn. Lý do là vì một cá thể luôn hiện ra dưới hình thức một tổng thể gồm nhiều thể dạng liên quan đến các lãnh vực như: thân xác, tinh thần và tâm linh (có nghĩa là mỗi cá thể là một sự cấu hợp phức tạp gồm thân xác, tâm thần và những đòi hỏi mang tính cách tâm linh), và nếu nói theo ngôn ngữ Tây Phương thì đấy là corpusanima và spiritus (là các từ trong tiếng La Tinh, và có nghĩa là: cơ thể,linh hồn và tâm linh), có thể xem như phản ảnh phần nào khái niệm trong giáo lý Phật Giáo về ba cõi(tam giới/ba lãnh vực luân hồi) là sự thèm khát (dục giới), hình tướng (sắc giới) và không hình tướng (vô sắc giới).

 Do đó việc chữa trị (đối với Phật Giáo) chỉ có thể được xem như là toàn vẹn khi nào nhắm vào cả ba hình thức của sự đau đớn: thân xác, tâm thần (khủng hoảng tâm lý, điên rồ, ngớ ngẩn, hung dữ, tham lam, lo buồn, sợ hãi, hận thù...) và tâm linh (chẳng hạn như sự cầu xin là một hình thức đau đớn trên phương diện tâm linh, phản ảnh một sự lo sợ thật sâu kín). Long Thụ (Nâgârjuna) nói rằng: "Đức Phật đưa ra các phương thuốc chữa trị khác nhau nhằm thích nghi với từng thể loại bệnh hoạn tâm thần của chúng sinh". Thoạt nhìn thì điều này cũng không phải là một khám phá mới lạ gì đối với thời đại của chúng ta ngày nay, khi mà các ngành y khoa về thể-xác-tâm-thần (psychosomatic) và các ngành tâm lý trị liệu (psychotherapy) đã được hình thành và phát triển. Qua khía cạnh này thì các khám phá của Phật Giáo (về sự chữa trị mang tính cách toàn diện - thể xác, tâm thần và tâm linh - trên đây) cũng không có gì thật là độc đáo, ngoài tính cách lâu đời, thế nhưng chính sự lâu đời ấy cũng lại là những gì hết sức quan trọng bởi vì đấy là những kinh nghiệm hiểu biết được thực nghiệm trước nhất. Tóm lại những gì mà Đức Phật đã vượt xa hơn thời đại của Ngài, nếu không muốn nói là còn mang tính cách hiện đại của thế hệ chúng ta ngày nay, sẽ gồm có hai điểm.

 Điểm thứ nhất, đã được nêu lên trên đây, cho biết là mọi hình thức ốm đau phát sinh từ sự ham muốn, ghét bỏ và vô minh, tức là những gì thuộc bản chất của sự hiện hữu của chúng ta và nguyên nhân chính yếu nhất của nó thuộc lãnh vực siêu hình (câu này vô cùng sâu sắc: các sự đau đớn trên thân xác, khổ đau trong tâm thức và u mê trên phương diện tâm linh, phát sinh từ các nguyên nhân sâu kín và thật lâu đời có thể là từ các kiếp sống thật xa xưa, xuyên qua cung cách hành xử sai lầm - ham muốn, ghét bỏ, vô minh - của chúng ta. Sự liên đới đó rất phức tạp và rất khó nhận thấy, do đó tác giả đã gọi đấy là lãnh vực siêu hình), và nếu muốn đưa ra một phép chữa trị ở một cấp bậc hoàn hảo nhất, tương xứng với tính cách siêu hình trên đây, thì phải phát huy được một tri thức phi-đối-nghịch (vượt lên trên chủ-thể và đối-tượng, thoát ra khỏi mọi sự hiểu biết nhị nguyên).

 Điểm thứ hai là nguồn gốc của sự ốm đau vượt xa hơn biên giới của thời gian (sự đau ốm mà mình đang phải chịu đựng bắt nguồn từ lâu đời, có thể là từ các kiếp sống trước), do đó không thể chỉ dựa vào các biến cố xảy ra trong tuổi ấu thơ của một cá thể theo quan điểm và chủ trương của các nhà phân tâm học (các nhà phân tâm học thường truy lùng các biến cố xảy ra trong quá khứ - có thể là từ lúc tuổi thơ - của một cá thể để chẩn đoán bệnh trạng tâm thần của người này), cũng không phải là chỉ bắt đầu từ sự sinh hay bằng cách dựa vào các sự hiểu biết mang tính cách kỹ thuật và hiện đại liên quan đến sự tái sinh (nhiều nhà phân tâm học dựa vào một số bằng chứng mang tính cách "kỹ thuật" để giải đoán nguyên nhân "bẩm sinh" của một số căn bệnh tâm thần), và cũng không phải chỉ bắt đầu từ những "khuôn mẫu tiên khởi" (archetypes) theo quan điểm của nhà tâm lý học Jung (archétypes jungiens/Jungian archetypes. Carl Gustav Jung, 1875-1961, nêu lên khái niệm về các "dấu vết tiên khởi dưới hình thức mẫu mực" - archetypes - chung cho tất cả các cá thể con người, tương tự như một thể dạng "tiềm thức tập thể" của con người nói chung. Carl G. Jung là đệ tử của Sigmund Freud, 1856-1939, cha đẻ của ngành Tâm Lý Học hiện đại, thế nhưng Jung không đồng chính kiến về một số quan điểm của Freud. Cũng xin nói thêm là tư tưởng của Jung sâu sắc hơn Freud trong các lãnh vực tâm linh và tôn giáo), mà thật ra đôi khi phải căn cứ vào tác động của các dấu vết (của nghiệp) thuộc các kiếp sống quá khứ tồn lưu trong trí nhớ đã được cá nhân hoá (để trở thành một sự "thừa kế" hay "vốn liếng" riêng tồn lưu từ các kiếp trước của mỗi cá thể).

 Dù rằng đối với sự kiện này (tức ốm đau là do hậu quả của nghiệp mà mình đã tự gây ra cho mình trong các kiếp sống quá khứ) mà phần đông người Tây Phương tỏ ra khá khi ngờ và không mấy khi chấp nhận, thế nhưng lại hết sức căn bản trong giáo lý Phật Giáo. Hóa giải các thứ nọc độc tồn lưu từ các kiếp sống quá khứ là những gì mà người Bồ-tát phải hoàn tất trước khi có thể mang lại cho mình sự Giác Ngộ.

Vài lời ghi chú của người dịch

 Trong số các bài trước đây về chủ đề "Quan điểm Phật Giáo đối với sự đau đớn và bệnh tật" thì bài viết của bà Sofia Stril-Rever mang tựa là "Lòng từ bi là một phương thuốc chữa trị vô song" đã được phổ biến trước đây và bài này của Jean-Pierre Schnetzler có thể xem như là các bài kết luận.

 Nếu chủ đích của các bài viết và bài giảng của các nhà sư, học giả và khoa học gia khác là nhằm giải thích và đưa ra các phương pháp để đối đầu với khổ đau, thì hai bài viết của bà Sofia Stril-Rever và bác sĩ Jean-Pierre Schnetzler lại mở ra các tầm nhìn khác hơn. Bà Sofia Stril-Rever không hề nêu lên một phương cách trực tiếp nào nhằm đối đầu với sự đau đớn và khổ đau của mình mà chỉ hướng vào sự khổ đau của kẻ khác qua phép luyện tập Tong-len của Phật Giáo Tây Tạng, đó là cách tự nguyện nhận chịu khổ đau của tất cả chúng sinh và hiến dâng tất cả hạnh phúc của mình cho họ. Nhà tâm lý học và phân tâm học Jean-Pierre Schnetzler lại còn mở rộng hơn nữa bằng cách đưa chúng ta trở ngược về nguồn gốc siêu hình của sự đau đớn trên thân xác, các xúc cảm khổ đau trong tâm thần và bản chất u mê trong lãnh vực tâm linh, nhằm giúp chúng ta nhận thấy đấy là những gì phát sinh từ cung cách hành xử của mình từ thật lâu đời, vượt xa hơn cả các giới hạn không gian và thời gian quy định cho sự hiện hữu hiện tại này của chính mình. Nếu muốn thật sự đối đầu và hóa giải một cách hữu hiệu nguồn gốc sâu xa và nội tại đó của khổ đau thì các phương pháp thiền định thông thường như sự chú tâm, tỉnh giác, chánh niệm, tâm linh tỉnh thức... kể cả phép luyện tập Tong-len cũng chưa hội đủ khả năng, mà phải vận dụng một phương pháp chữa trị ở một cấp bậc tột cùng và triệt để nhất, tức là phải phát huy được một tâm linh phi-chủ-thể và phi-đối-tượng của sự Giác Ngộ, có nghĩa là một thể dạng tâm linh không còn vướng mắc vào một hình thức bám víu nào nữa cả: không có một cái tôi nào để mà khổ đau mà cũng chẳng có một sự khổ đau nào để mà loại bỏ.

 Tóm lại là loạt bài về chủ đề "Quan điểm Phật Giáo đối với sự đau đớn và bệnh tật" trên đây cho thấy thật rõ ràng là người tu tập Phật Giáo không phải chỉ biết ngoan ngoãn cầu xin, hy vọng... và chờ đợi (kết quả), mà phải trực tiếp đối phó với sự đau đớn trên thân xác và các xúc cảm khổ đau trong tâm thần cũng như sự u mê chi phối tâm thức mình ngay trong thời điểm này và trong bối cảnh này, tức là những gì phát sinh từ bản chất trói buộc của sự hiện hữu của chính mình ngay trong thế giới này. Sự đối phó đó gồm có nhiều phương cách và ở vào các cấp bậc khác nhau. Khi nào vẫn còn một tí xíu đau đớn trên da thịt, một thoáng lo buồn trong tâm thức, một chút mong cầu trong tư duy, dù đấy là sự mong cầu được phụng thờ Đức Phật cũng vậy, thì chúng ta cũng sẽ vẫn còn bị trói buộc trong cõi luân hồi. 

 Thật vậy, Đức Phật ngày nay không còn hiện hữu dưới hình tướng cấu hợp trong thế gian này nữa để cho chúng ta chăm sóc, vậy thì hãy cứ chăm sóc cho những kẻ ốm đau chung quanh ta.

 

Bures-Sur-Yvette, 21.05.14

Hoang Phong chuyển ngữ 

Ghi Chú của tác giả:

[i] Trong tiếng Phạn từ baishajya có nghĩa là một phương thuốc chữa trị và Bhaisajyaguru thì có nghĩa là vị Thầy của tất cả các phương thuốc chữa trị.

[ii] Khổ đau (souffrance/suffering) tiếng Phạn là dukkha. Thuật ngữ này mang tính cách đa nghĩa (polysémique/ polysemous) và ý nghĩa từ chương là sự hư hoại, ô nhiễm, thoái hóa, hoặc cũng có nghĩa là sự hung dữ, giả mạo, biển lận, xấu xa. Duhkha còn có nghĩa là một lỗ hổng, và cũng được dùng để chỉ 9 lổ hổng của cơ thể (hai mắt, hai tai, hai lỗ mũi, miệng, hậu mộn và lỗ sinh dục) và cũng để chỉ lỗ hổng gây ra bởi một mũi tên, và cũng là ý nghĩa do Đức Phật nêu lên trong câu chuyện một người bị trúng tên, nhằm biểu trưng cho sự khổ đau.

[iii] Vinaya (Tạng Luật) là một tạng trong Tam Tạng Kinh bằng tiếng Pa-li, nêu lên các quy tắc và thái độ của người xuất gia trong cuộc sống, phù hợp với phong cách hành xử của chính Đức Phật. 

 1  2  3

H.1- Tượng Phật Gonagamana trong chánh điện của ngôi chùa A-nan-đà của Phật Giáo Theravada ở Pagan, miền bắc Miến Điện (tay trái cầm một viên thuốc nhỏ, tay phải cầm một cành dược thảo)

H.2- Dược Sư Phật trong Phật Giáo Tây Tạng (thân người màu ngọc lưu li, tay trái cầm một bát thuốc, tay phải cầm một cành dược thảo)

H.3- Dược Sư Phật trong các tông phái Phật Giáo Đại Thừa khác (tay trái cầm một lọ thuốc, tray phải cầm một cành dược thảo)

 4 5

Nhân vật nói đến trong phần giới thiệu bài viết

H.1- Thiền sư Taisen Deshimaru (1914-1982)

(xin lưu ý tư thế ngồi thật thẳng và thủ ấn của hai bàn tay với các ngón tay tạo ra một sự trống không. Nếu nhìn thật chăm chú và thật lâu thì sẽ có thể nhận thấy được là người hành thiền đang trong thể dạng nhập định samatha)

H.2- Đại sư Tây Tạng Kalou Rinpoché (1905-1989)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn