Thầy & Trò

22 Tháng Bảy 201411:39(Xem: 7344)
Nhiều Tác Giả
PHẬT PHÁP CHO MỌI NGƯỜI 2
Tổng Hợp & Biên Dịch
Diệu Liên Lý Thu Linh & Diệu Ngộ Mỹ Thanh
Nhà Xuất Bản Hồng Đức 2014

Thầy & Trò

Tỳ Khưu Thanissaro

 

 Tỳ Khưu Thanissaro (Geoffrey DeGraff) là một tu sĩ người Mỹ theo truyền thống tu trong rừng của Thái Lan. Sau khi tốt nghiệp Đại học Oberlin năm 1971 với chuyên ngành về Lịch sử Tri Thức Âu Châu, ông theo học thiền với Thiền sư Ajaan Fuang Jotiko ở Thái Lan và xuất gia năm 1976. Năm 1991 ông giúp xây dựng Lâm Từ Viện ở San Diego, California, nơi ông là trụ trì. Ông là một dịch giả, người viết năng nổ. Nhiều tác phẩm của ông có thể được tìm thấy trên mạng có tên: www.accesstoinsight.org

***

 

 

 Trong Phật giáo Nguyên Thủy, mối liên hệ giữa Thầy và các đệ tử cũng giống như giữa một nghệ nhân và các học trò học nghề của họ. Pháp là một kỹ năng, giống như nghề mộc, bắn cung hay nấu ăn. Bổn phận của người thầy là truyền được tài nghề không chỉ bằng lý thuyết hay thực hành, mà còn phải tạo ra những tình huống để củng cố thêm sự khéo léo và khả năng quan sát mà người học trò cần có để trở nên thiện nghệ. Bổn phận của người học là tìm chọn một vị thầy đáng tin cậy –vị có tay nghề vững chắc, mục tiêu đáng tin cậy- và chí công vô tư. Suy cho cùng, không có cách chi bạn có thể trở nên một nghệ nhân giỏi chỉ bằng cách quan sát vị thầy một cách thụ động hay chỉ biết tuân theo lời dạy của ông. Bạn không thể trốn tránh trách nhiệm cho những hành động của mình. Bạn phải quan tâm đến hành động của mình và những hậu quả của chúng, đồng thời sử dụng sự khéo léo và thái độ cởi mở để sửa đổi lỗi lầm, vượt qua trở ngại khi chúng phát sinh. Điều này đòi hỏi bạn phải dung hòa giữa lòng kính trọng thầy của mình với lòng tôn trọng luật nhân quả đối với lời nói, việc làm và ý nghĩ của mình.
 
 Không lâu sau lễ thọ giới của tôi, Ajaan Fuang Jotiko, thầy tôi, đã dạy: “Nếu con muốn học hỏi, con phải tư duy như kẻ cắp, tìm phương cách làm thế nào để đánh cắp tri thức cho mình”. Ít lâu sau, tôi mới hiểu người định nói gì. Trong những năm đầu tiên tu học với Sư, tôi thấy Sư không có ai làm thị giả để giúp đỡ Sư với những việc như là: dọn dẹp thất, nấu nước tắm, chăm sóc khi Sư bệnh, vân vân. Cho nên, dầu là một người ngoại quốc –chỉ bập bẹ tiếng Thái và có lẽ là người thô lỗ nhất mà Sư đã gặp- tôi cũng nhanh chóng nhận lãnh vai trò làm thị giả cho người. Thay vì chỉ dẫn cho tôi phải sắp xếp mọi thứ vào đâu hay khi nào phải làm điều chi, thì Sư để cho tôi tự quan sát mà làm. Nếu tôi làm đúng, Sư không nói gì. Nều sai, Sư sẽ chỉ ra lầm lỗi của tôi –nhưng vẫn không giải thích rõ ràng điều sai trái. Tôi phải tự mình quán sát: Khi dọn lều thất, đã để mọi thứ ở đâu? Và tôi phải kín đáo quán sát, chứ nếu tôi chăm chăm theo dõi thì Sư sẽ đuổi tôi ra ngoài. Vì Sư dạy, “Nếu ta phải giải thích mọi thứ cho con, con sẽ quen với việc mọi thứ đều được dọn sẵn mâm cho mình. Như thế thì khi gặp vấn đề trong lúc hành thiền, làm sao con biết cách đối phó, khi con chưa hề có kinh nghiệm trong việc tự mình giải quyết và trải nghiệm vấn đề? 
 
 Vì thế tôi đành dẹp tự ái qua một bên và xem các sai lầm của mình như những vị thầy. Trước đây, tôi chưa bao giờ có thể chấp nhận rằng mình sai về vấn đề gì. Nhưng cuối cùng khi tôi có thể chấp nhận mình có sai sót, thì tôi bắt đầu tìm được nội lực mà tôi cần có để bắt đầu làm đúng.
 
 Dầu vậy, vấn đề dung hòa lòng tôn kính vẫn khó đối với tôi. Sư Ajaan Fuang rất đầy đủ giới đức, trí tuệ và từ bi, nên tôi luôn tin tưởng vào cách đối xử của Sư đối với tôi. Do đó tôi cảm thấy vô cùng tôn kính người. Dầu vậy, Sư vẫn là một chúng sanh với những khiếm khuyết của mình. Theo truyền thống giáo dục Thiên Chúa giáo, tôi được dạy phải dành sự tôn kính tuyệt đối cho người không có lỗi lầm, vì thế tôi cảm thấy xốn xang trong lòng khi phải chứng kiến những lúc Ajaan Fuang không được hoàn toàn hoàn hảo. Đồng thời tôi cũng không biết phải làm gì với tính cách độc lập đã hằn sâu trong tôi. Rồi một ngày, không hiểu vì lý do gì, Ajaan Fuang bỗng nói với tôi về chuyện ngài có lần không đồng ý với chính sư phụ của mình, ngài Ajaan Lee Dhammadharo.
 
 Lúc cuối đời, ngài Ajaan Lee cho xây một tu viện trên một vùng đầm lầy ở ngoại ô thành phố Bangkok. Các vị thí chủ muốn có một chánh điện, nên đó là công trình được xây dựng đầu tiên trong tu viện. Khi đổ móng, họ làm một khối bê-tông ngay dưới chỗ mà họ sẽ đặt tượng Đức Phật lên trên, và cất vào đó những báu vật như: xá lợi Phật, các ảnh tượng Phật, các bùa chú, các kinh, vân vân. Rồi họ lấp kín cửa lại để dành cho thế hệ tương lai. Theo truyền thống Phật giáo Thái Lan, các hình tượng Phật đều xoay mặt về hướng đông –là hướng mà Đức Phật xoay mặt về trong ngày Người đạt được giác ngộ -vì thế khối bê-tông được đặt dưới tòa nhà hướng về phía tây, dưới chỗ chính tượng sẽ được đặt. Tuy nhiên, giữa lúc công trình đang xây dựng, Ajaan Lee đổi ý, quyết định đặt tượng Phật ở phía đông của tòa nhà, hướng mặt về phía tây. Dù Sư không giải thích gì về sự di chuyển bất thường này, các đệ tử của Sư đều suy đoán là ngài muốn nói: Pháp sẽ đi về hướng Tây.
 
 Tuy nhiên, không ai nhận thức rằng như thế khối bê-tông không còn nằm theo cùng hướng với bức tượng, cho đến khi tòa nhà đã được hoàn tất. Điều đó có nghĩa là nếu người ta đi vào tòa nhà bằng cửa tây, họ sẽ bước lên trên các báu vật đựng trong khối bê-tông, là điều hoàn toàn cấm kỵ đối với người Thái. Vì thế một buổi tối kia Ajaan Lee đã nói với Ajaan Fuang, “Hãy tụ họp các sư lại, rồi chuyển khối bê-tông qua phía bên kia tòa nhà”. Ajaan Fuang tự nghĩ, “Khối bê-tông đã được đặt dính dưới đất, còn bên dưới chánh điện thì không có gì ngoài bùn đất”. Tuy nhiên, Ajaan Fuang biết rằng nếu ông nói rằng không thể di chuyển được khối bê-tông, thì Ajaan Lee sẽ nói, “Nếu Sư không muốn làm thì tôi sẽ tìm người khác”. Vì thế, sáng hôm sau, sau
buổi điểm tâm, Ajaan Fuang lựa chọn các sư và các sa-di mạnh khỏe trong tu viện để chui xuống dưới gầm nhà, dùng dây kéo khối bê-tông sang phía đông. Họ hì hục cả ngày cũng không di chuyển được tấc nào.
 
 Như thế giờ là lúc lên tiếng, phát biểu ý kiến- và đề nghị một giải pháp khác cho vấn đề. Tối hôm đó, Ajaan Fuang đến gặp Ajaan Lee và nói, “Sao ta không xây một khối bê-tông khác phía dưới tượng, rồi phá mở khối bê-tông cũ, lấy hết các báu vật ra, chuyển qua khối bê-tông mới, rồi đóng bít lại?” Ajaan Lee khẽ gật đầu, và thế là vấn đề được giải quyết.

 

 

 

Diệu Liên Lý Thu Linh

(chuyển ngữ theo Think Like A Thief, trong Head & Heart Together)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn