Cội Nguồn Phật Pháp

02 Tháng Giêng 201512:44(Xem: 7712)

CON ĐƯỜNG TỈNH THỨC PHẬT, TỔ VÀ BỒ-TÁT
Thích Đạt Ma Phổ Giác

CỘI NGUỒN PHẬT PHÁP

Quyển sách này ra đời nhằm để nói lên tông chỉ nhất quán của thiền Phật, Tổ và Bồ-tát, có thể giúp cho mọi người có đủ niềm tin về chánh pháp, có hiểu biết chân chính và tin sâu lời Phật dạy, để biết cách áp dụng hành trì tùy theo khả năng và hoàn cảnh của mình.

Đọc lịch sử ai cũng biết đức Phật Thích Ca Mâu Ni do tu thiền mà ngộ được yếu chỉ Phật pháp ngay nơi thân này. Thiền là cội nguồn của Phật pháp, tu theo đạo Phật nếu không có thiền dù có diệu dụng không thể nghĩ bàn, nhưng vẫn còn ở ngoài cửa “thiền môn”.

Để cho mọi người không còn nghi ngờ về thiền của Phật, Tổ và Bồ-tát khế hợp và dung nhiếp lẫn nhau như nước trăm sông đổ về biển cả. Chúng ta muốn thấu rõ được cốt tủy của thiền, trước tiên phải trách xa hai cực đoan làm tổn hại đến thân tâm do hưởng thụ lợi dưỡng và khổ hạnh ép xác.

Đây là câu châm ngôn bất hủ mà đức Phật đã chỉ cho năm anh em Kiều Trần Như trong bài pháp thoại đầu tiên, là kinh Chuyển Pháp Luân. Người tu theo đạo Phật trước tiên phải nắm vững nguyên tắc này, để làm hành trang trên bước đường tu học và sau đó tùy theo khả năng mà chọn lựa pháp tu cho thích hợp với căn cơ của mình.

Đức Phật vì lòng từ bi thương xót chúng sinh, tùy theo căn cơ trình độ và sự hiểu biết của mọi người mà chỉ dạy đúng theo tâm tư của họ. Người xuất gia, Phật dạy pháp Tứ Diệu Đế để được giác ngộ, giải thoát hoàn toàn. Người cư sĩ tại gia Phật dạy giữ năm giới, tu mười điều thiện, thọ bát quan trai và phước huệ song tu hành Bồ-tát đạo cho đến khi nào thành Phật viên mãn mới thôi. 

Hưởng thụ khoái lạc giác quan là lối sống của đức Phật khi còn là Hoàng thái tử, Ngài có cung vàng điện ngọc vợ đẹp con ngoan, có thần dân thiên hạ, muốn gì được nấy, Ngài đâu có thiếu thốn thứ gì. Tại sao đức Phật dám từ bỏ hết tất cả, để ra đi tìm cầu chân lý cho mình và mọi người, quyết chí tu hành để rồi thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Suốt 49 năm giáo hóa độ sinh, Phật chỉ có ba y một bình bát, sống đời rày đây mai đó, tùy bệnh cho thuốc, giúp đỡ mọi người vượt qua sự cám dỗ của thế gian mà sống đời bình yên, hạnh phúc. 

Với lối tu khổ hạnh ép xác, Phật đã từng thực tập như thế trong suốt sáu năm trường, thậm chí mỗi ngày chỉ ăn có một hạt mè, hạt bắp cuối cùng thân thể kiệt quệ, dẫn đến ngất xỉu, may nhờ có cô thôn nữ chăn bò giúp cho bát sữa, nên Ngài mới hồi tỉnh lại. Từ đó Ngài chiêm nghiệm trở lại sự tu tập của mình trong nhiều năm qua, nhờ vậy Phật đã tìm ra con đường trung đạo là không tham đắm lợi dưỡng và không khổ hạnh ép xác. Đây cũng là kim chỉ nam để người tu theo đạo Phật, làm hành trang tu tập mà không rơi vào hai cực đoan thái quá. 

Con đường hưởng thụ dục lạc thế gian như chúng ta đã biết, trong cái được gọi là hạnh phúc đó luôn đi đôi với mầm móng khổ đau, bởi tính chất của nó là vô thường, tạm bợ, mong manh. Bởi vì sao? Vì sinh già bệnh rồi thương yêu mà xa lìa khổ, oán ghét mà gặp nhau hoài lại càng khổ hơn, mong cầu không được như ý cũng khổ và cuối cùng là chết khổ, nên sầu bi, ưu phiền, khổ não không có ngày cùng. Con đường khổ hạnh ép xác làm cho thân thể bại hoại, suy yếu, làm hành giả không đủ sáng suốt, minh mẫn, để đạt được mục đích giác ngộ, giải thoát. 

Chính đức Phật đã trải qua hai lối sống đó, Ngài đã thật sự trải nghiệm trong tu tập chứ không phải lý thuyết suông, do suy luận vu vơ huyền hoặc. Nhờ vậy, sau khi chứng ngộ, Phật đã đến vườn Nai để chỉ cho năm người bạn khi xưa cùng tu khổ hạnh với mình.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn