Nhận Ra Tâm Phật Bằng Tính Thấy Tính Nghe

03 Tháng Giêng 201500:12(Xem: 8402)

CON ĐƯỜNG TỈNH THỨC PHẬT, TỔ VÀ BỒ-TÁT
Thích Đạt Ma Phổ Giác

NHẬN RA TÂM PHẬT BẰNG TÍNH THẤY TÍNH NGHE

 

Cuộc sống của chúng ta không gì quý bằng mạng sống, thân này được coi trọng nhất trên nhân gian. Bởi vì tất cả tiền bạc của cải sự nghiệp, danh vọng, sắc đẹp, ăn ngon mặc ấm, đều để tô điểm cho mạng sống này. Cái khổ nhất của con người là sợ chết, không ai muốn mình phải ra đi dù không giúp gì cho người khác. 

Chính vì thế, chúng ta hay cầu khẩn, van xin, miễn là được kéo dài thêm  mạng sống thì con người sẵn sàng đánh đổi tất cả. Nhưng cuối cùng rồi con người đành phải khuất phục bởi con quỷ vô thường. Thế nên con người ta hay luyện trường sinh bất tử, nhưng có ai sống đời được đâu? 

Ở đây, chúng tôi xin giới thiệu quí vị phương thuốc nhiệm mầu, đó là nhận ra tâm Phật sáng suốt của mình ngay nơi thân này. Người giác ngộ tâm Phật là nhận ra được cái "bất tử". Vì thế tâm Phật được ví như là hòn ngọc như ý, muốn gì được nấy. 

Tâm Phật sáng suốt hiện hữu ngay nơi thân này mà chúng ta không chịu thừa nhận. Chúng ta cứ đam mê say đắm chạy theo những vọng tưởng hư dối mà đánh mất chính mình. 

Thật sự, tâm Phật có sẵn nơi con người xác thịt của chúng ta, nó hiển bày ngay nơi sáu căn là mắt-tai-mũi-lưỡi-thân-ý mà ta không chịu thừa nhận nên đành sống trong đau khổ lầm mê. Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân là phần vật chất do đất nước gió lửa hòa hợp lại mà thành, nó là vật vô tri  nên không phải là tâm Phật. Tâm suy tư nghĩ tưởng là vọng dối cũng không phải là tính giác chân thật. 

Tâm Phật sáng suốt là thường biết rõ ràng mà không phân biệt ta người, đúng sai, tốt xấu mà vẫn biết. Chúng ta lấy hai căn mắt và tai là hai cái dễ nhận biết nhất. Như mắt chúng ta thấy mọi hình ảnh sự vật, cảnh có thể đổi thay trăm ngàn thứ, nhưng cái thấy không bao giờ đổi thay. 

Khi nhìn thấy mọi hình ảnh sự vật, mắt thấy chỉ là thấy mà không lầm lẫn, khi không có cảnh, mắt thấy không cảnh vật. Hình ảnh sự vật khi có khi không, cái thấy lúc nào cũng hiện tiền. Ví như bóng đèn với điện, gắn bóng đèn thì điện cháy sáng, mở bóng đèn ra thì điện tắt. Như vậy, cái thấy không thuộc về cảnh, không tại con mắt, nó chính là tâm Phật sáng suốt. Vì có thấy là có biết, biết tức là tâm, tâm tức Phật. 

Cái nghe cũng thế, có tiếng thì nghe tiếng, không tiếng nghe biết không tiếng. Tiếng thì lúc có lúc không, cái nghe lúc nào cũng thường hằng không biến đổi. Tiếng động vang lên một lúc nhiều thứ, nhưng chúng ta vẫn nghe rõ ràng tiếng nào ra tiếng ấy. Dù là tiếng có đến trăm ngàn thứ âm thanh khác nhau, nhưng tính nghe thường hằng vẫn là một. Khi lỗ tai điếc, cái nghe sẽ phát mạnh ở con mắt, thấy dáng miệng người khác nói, có thể đoán biết người đó nói cái gì. 

Thế nên tâm Phật sáng suốt nương nơi mắt thì thấy biết rõ ràng mọi hình ảnh sự vật, thấy tức biết mà không xen kẻ ý thức vào, tính nghe vẫn hiện hữu ngay nơi thân này, khi nghe chỉ là nghe mà không khởi nghĩ phân biệt. Đó là ta biết tu trong thấy, nghe hằng ngày vì hai căn này là đại biểu quan trọng, luôn theo ta trong suốt cuộc hành trình để làm kim chỉ nam trên bước đường tu học. 

Quyển sách này ra đời để giúp cho mọi người nắm vững phương pháp hành trì thông qua lời Phật, Tổ và Bồ-tát, có cùng một con đường sáng như trăm sông đổ về biển cả. Bản thân chúng tôi đã từng vấp ngã nặng nề trong cuộc sống, do thấy biết sai lầm không phân biệt được tà chánh, đúng sai nên đã làm hại không biết bao người. Nay nhờ gặp Phật pháp chân chính đã giúp cho tôi vượt qua cạm bẫy cuộc đời mà làm mới lại chính mình, thông qua lời Phật dạy. Chúng tôi nguyện hồi hướng công đức cho tất cả mọi người khi đọc cuốn sách này, sau khi có chiêm nghiệm suy xét, đều được thành tựu Phật pháp như ý muốn.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn