Ngày Thứ 9 PHÁP THOẠI 14

13 Tháng Mười Hai 201503:34(Xem: 7550)

Minh Đức Triều Tâm Ảnh 
(Sīlaguṇa-Mahāthera)
NHẶT LÁ RỪNG XƯA 2
(Pháp Thoại An Cư 2015)

Nhà xuất bản Văn Học

Ngày Thứ  Chín
PHÁP THOẠI 14 (Chiều ngày 24/6 ÂL)

 

Chuyện thường xẩy ra tại các chùa, tự viện là có người giỏi về xã giao, có khẩu tài ăn nói; có người rất ít nói, chỉ biết phục vụ; có người chỉ thích toạ thiền, thích sống lặng lẽ trong liêu cốc; có người âm thầm đọc kinh sách, nghiên cứu...

Mới nghe qua tưởng là đẹp, có phải vậy không? Nhưng nếu người có khẩu tài ăn nói mà chỉ thích những công việc bên ngoài, liên hệ nhiều với cư sĩ tại gia – thì lại là có tốt đâu!  Người chỉ biết phục vụ, thì tay chân thường không ngớt việc; do lăng xăng công việc quen rồi thì họ lại không thích ngồi thiền. Người có nghiên cứu, học hỏi thì tốt quá, nhưng kiến thức thường đi đôi với bản ngã! Người hành thiền thì không thích phục vụ, chỉ thích ngồi thôi thì hoá ra lại hỏng. Đã có vài ba người đến đây xin tu học, nói là thích học thiền, thích tu thiền thôi! Số người này thường làm biếng, không chịu cất nhắc chân tay, dù là quét sân, nhặt rác.

Điểm xuyết khái quát như vậy để biết rằng, trong đại chúng tu học hôm nay còn nhiều “bất cập” phải nhìn cho ra để điều chỉnh. Tất cả cái hay, cái đẹp, cái tốt trên kia cần phải điều chỉnh cho hài hoà thì quý báu, tốt đẹp biết bao nhiêu.

Thầy nhớ trong Nikāya, ở đâu đó, không đúng nguyên văn lắm, đức Phật có dạy: “Người chuyên về kinh thì nên ca ngợi, tán thán người chuyên về luật; người chuyên về luật thì nên ca ngợi, tán thán người chuyên về kinh”. Cũng vậy, nếu 5 hạng người nêu trên, biết quý trọng, thương mến, thông cảm cá tính, chuyên môn, sở thích, thói quen của nhau; ai cũng bao dung, rộng lượng, bỏ quên bản ngã trong sinh hoạt chung thì mới thật là tuyệt vời! Ngoài ra, đơn giản thôi: Người quen phục vụ thì nên hành thiền và khen ngợi những người hành thiền. Người quen hành thiền thì nên tập phục vụ và khen ngợi những người phục vụ. Người hay lo việc xã giao bên ngoài thì tập lo công việc bên trong và khen ngợi những người chăm chuyên công việc nội viện. Người lao tác nặng đá cát xây dựng, cây thụ vườn rừng thì khen ngợi những người làm bếp, người tưới tắm, tỉa tót cây cảnh, phong lan, người phụ trách trang Web, các sinh hoạt văn hoá, nghệ thuật. Và ngược lại.  

Nói thì nói vậy, tưởng là dễ, không dễ đâu. Đấy là hành trình suốt cả cuộc đời tu tập của tất cả chúng ta đấy!

Nói điều chỉnh cho hài hoà, thầy muốn nhắc lại 5 quyền, 5 lực. Đây là cái gốc của mọi sự điều chỉnh. 5 cái Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ này phải quân bình, hài hoà. Đây cũng là cái gốc của tâm và trí, là căn bản để thành tựu trên bước đường tu học, là năng lực thù thắng để đắc thiền và mở cửa Tứ thánh đạo quả.

Sự thật là, nếu người có Tín nhiều thì Tuệ sẽ giảm sút, và ngược lại. Người có Tấn nhiều thì Định sẽ thối lui, và ngược lại. Làm thế nào, điểu chỉnh tâm trí như thế nào để Tín và Tuệ đồng đều; điều chỉnh như thế nào để Tấn và Định đồng đều. Nếu Tín và Tuệ là cặp ngựa Một thì Tấn và Định là cặp ngựa Hai. Người nắm cương để điều chỉnh 2 cặp ngựa này chạy song song chính là Niệm. Đây là ví dụ tương đối, tương đối thôi, để mình tự biết mình yếu cái gì, mạnh cái gì để bổ túc, điều chỉnh dần dần.

Thế đó, Niệm quan trọng lắm vậy.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn