PHÁP THOẠI 21

13 Tháng Mười Hai 201503:51(Xem: 7805)

Minh Đức Triều Tâm Ảnh 
(Sīlaguṇa-Mahāthera)
NHẶT LÁ RỪNG XƯA 2
(Pháp Thoại An Cư 2015)

Nhà xuất bản Văn Học

PHÁP THOẠI 21 (Tối ngày 9/7/ÂL)

 

Có người than phiền là: “Sao không để cho cái tâm được tự nhiên, hồn nhiên như nhiên mà bắt phải như thế này, bắt phải như thế kia? Tại sao lại phải bắt ép cái tâm đi vào trong những khuôn khổ, quy định, phạm trù như vậy?”

Đừng than phiền khi bị câu thúc, trói buộc trong số đếm, trong hơi thở, các con ạ! Con trâu của chúng ta đang trong giai đoạn bị xỏ mũi, buộc giàm kia mà! Nếu không câu thúc, trói buộc trong giới thì cứ để mãi cho cái tâm hoang dã, con trâu hoang dã muốn làm gì thì làm hay sao? Hãy thử tưởng tượng cái tự nhiên như nhiên của cái tâm hoang dã đang có mặt giữa cuộc đời đấy: Ưa chém, cứ chém! Ưa hiếp, cứ hiếp!... Kinh khủng chưa? 

Các con cũng đừng xem hình ảnh ông sư vô ngại“thõng tay vào chợ” là hành trạng đai bi của chư vị bồ-tát! Cái đó bụi bặm lắm! Cái đó mang hơi hướm đạo sĩ! Hoặc nửa đạo sĩ nửa nghệ sĩ thuộc văn hoá bản sắc Tàu. Cái đó không phải là hình ảnh thiêng liêng phạm hạnh của những sa-môn vào làng ôm bát xin ăn trong giáo pháp chánh truyền: “Như ong kiếm tí mật thôi. Sắc hương chẳng hại, lá chồi cũng không. Khẽ khàng chút nhuỵ lót lòng. Bậc thánh, cũng vậy, thong dong vào làng!”

Vậy khi các con chưa biết bơi thì đừng có nhảy xuống biển cứu người. Chưa có chút tuệ nào thì đừng có nóng lòng rêu rao thắp sáng nhân loại tối tăm. Chưa biết phủi bụi cho chính mình mà đòi làm Như Lai sứ giả! Chưa hề tu tập bốn vô lượng tâm mà cứ đòi từ bi cứu độ chúng sanh! Chưa có pháp bảo vệ mình mà cứ đòi bảo vệ chánh pháp!

Vì những lý do ấy, các con đừng để cho những tư tưởng tự do, vô ngại đầu độc. Coi chừng là tự do của bản năng nguyên thuỷ đấy! Chúng ta còn ngại nhiều thứ lắm chứ chưa vô ngại được đâu. Đừng tự huyễn hoặc mình, quyến dụ, ru ngủ mình bởi những từ ngữ cao siêu, những mỹ láng lẩy mà không ích dụng, không có ý nghĩa thiết thực cụ thể. Văn chương chữ nghĩa, văn học thiền có thể rất hay, nhưng là để nói cho vui thôi. Nói với ý nghĩa hàm dụ! Ví như: “Nhập lâm bất động thảo, nhập thuỷ bất lập ba!” Hay quá đi chứ! Vào rừng không động cỏ, vào nước không dậy sóng! Tuyệt! Nó hàm dụ cái tâm vô vi, vô hành, vô tác, vô cấu, vô nhiễm... đó! Nhưng chúng ta đang là phàm phu mắt thịt, chân dẫm trần ai, mắt rây bụi đỏ - rõ ràng là ta vào rừng phải động cỏ, ta vào nước thì sóng nó dậy lên! Phải thế chăng? “Vào chơi ngục lửa mắt hun khói. Đến viếng nhà lan, áo dính hương”. Đấy là sự thật. “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Hãy lựa chọn chỗ đi, chỗ đến. Chưa có áo giáp của giới thì đừng có ngã mạn mà rong chơi giữa thế gian ngũ trược. “Đi với Phật mặc áo cà-sa, đi với Ma mặc áo giấy!” Câu ấy của ai? Họ khen hay họ chê những kẻ linh động học cách biến màu như chú tắc kè?

Hãy ghi nhớ đây! Đức Đạo Sư của chúng ta, đêm ba canh, ngày sáu khắc đâu có sống tự do, tự tại, vô ngại bao giờ? Bao giờ ngài cũng trang nghiêm thân, trang nghiêm giới để giáo hoá sinh quần. Chư thánh tăng thời Phật đều y như vậy cả. Tự do, vô ngại đích thực, hạnh phúc đích thực phải như câu thiền ngôn minh triết của ngài Viên Minh, nói được tâm và tuệ của bậc giải thoát:“Tự do là ung dung trong ràng buộc. Hạnh phúc là tự tại giữa khổ đau”. Nghe thủng chưa?

Còn nữa. Đừng để cho những triết thuyết hiện sinh chủ nghĩa tung khói bụi ô nhiễm trên bầu trời tâm thức. Đừng để cho những thiền ôm, thiền nhảy, thiền múa, thiền ca, thiền hát, thiền bắt ấn, thiền đuổi quỷ trừ tà, thiền núi, thiền biển, thiền quán chợ đầu đình len lỏi vào trong những sát-na tập thiền nghiêm túc của chúng ta.

Thiền của chúng ta đang tu học là thiền của Phật, thiền Nguyên thuỷ, là thiền bảo nguyên, nó “khô như ngói” chứ không ướt át mát mẻ như một số thiền hiện đại! Lại càng không phải là thiền hét, thiền gậy, thiền trợn mắt; hoặc là thiền tuỳ nghi phát triển, là thiền của ông sư này, của bà sư nọ, của phái này, của phái khác...

Nó cũ xưa nhưng lại như nắng sớm! Nó mới mẻ như thực tại hiện tiền ta đang thở đây, đang hít bây giờ đây!

Hít và thở đi!

Thực tại hiện tiền, thiết thực hiện tại (sandiṭṭhiko) đấy!

24- Ngày Thứ 24

(Nhằm ngày 10/7/ÂL, chư tăng trì bình khất thực)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn