VAI TRÒ, Ý NGHĨA CỦA NHẬN THỨC
VỀ VÔ THƯỜNG TRÊN CON ĐƯỜNG TU TẬP GIẢI THOÁT.
Tô Đăng Khoa
Sabbe sankhara anicca!
Tất cả các Pháp Hữu Vi là vô thường!
Đó là một sự thật! Cũng là lời di huấn cuối cùng của Đức Bổn Sư dành cho chúng ta trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, Trường Bộ Kinh:
“Này các tỷ kheo, Tất cả các Pháp Hữu Vi là vô thường, hãy tinh tấn chớ có phóng dật”
Là người con Phật chúng ta cần suy nghiệm cho thật kỹ về lời di huấn tối hậu này của bậc từ Phụ.
Sự thật Vô Thường này là đương nhiên, đang phơi bày chính nó, ngay trước mặt của chúng ta, 24/7, không có gián đoạn ngay cả lúc ta đang ngủ.
Vô thường không bị chi phối bởi thời gian, tức là tất cả Pháp vô thường trong cả ba thời: quá khứ, hiện tại, và tương lai.
Vô thường không bị giới hạn trong không gian, tức là cả vũ trụ này vô thường, cả thiên giới, ma giới, và nhân giới đều vô thường.
Ngay cả thân ngũ uẩn của ta cũng vô thường: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều vô thường.
Vô thường là sự thật không phụ thuộc vào nhận thức của bạn, tức là bạn có nhận ra, hay không nhận ra, điều đó không có thay đổi được gì về sự thật này, các pháp vẫn vô thường (nhưng nếu bạn nhận ra và sống đúng với quy luật vô thường thì bạn sẽ bớt khổ). Vì thế hãy đến để thấy đúng như thật như vậy: “Vô Thường”
Vô thường là một sự thật, tuy hiển nhiên như vậy, nhưng không phải ai ai cũng có nhận thức sâu sắc về điều đó. Độ sâu của nhận thức vô thường này tùy thuộc vào công phu tu tập của từng người.
Kết quả của việc làm cho sung mãn nhận thức vô thường này thật to lớn, không thể nghĩ bàn:
Phật dạy trong Kinh Tương Ưng Bộ về lợi ích đó như sau:
Này các Tỷ-kheo:
-- Do tu tập, làm cho sung mãn nhận thức về vô thường một cách sâu sắc, tất cả dục tham được chấm dứt, tất cả tham đắm về tất cả các hình tướng được chấm dứt, tất cả khao khát hiện hữu cảnh giới này cảnh giới kia tham được chấm dứt, tất cả vô minh được chấm dứt, tất cả ngã mạn được tận trừ.
Ví như, này các Tỷ-kheo, một người làm ruộng, vào mùa thu, dùng một cái cày lớn cắt đứt tất cả rễ mọc trong khi cày. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, do tu tập, làm cho sung mãn nhận thức về vô thường, tất cả dục tham được chấm dứt, tất cả sắc tham được chấm dứt, tất cả hữu tham được chấm dứt, tất cả vô minh được chấm dứt, tất cả ngã mạn được tận trừ.
Trong ví dụ trên, nhận thức về vô thường được dụ như lưỡi cày lớn và sắc bén, có thể cắt đứt tất cả rể cây trong khi cày. Trong ví dụ này, rể cây ví dụ cho khát ái, vô minh, và ngã mạn; hành động cày bừa chính là việc tu tập. Còn “nhận thức vô thường” là lưỡi cày. Như vậy nhận thức về vô thường là một dụng cụ không thể thiếu của người tu, cũng giống như chiếc cày là dụng cụ không thể thiếu của người nông dân.
Như vậy chúng ta cần phải tu tập nhận thức về vô thường như thế nào, để làm cho lưỡi cày ngày càng sắc bén? Làm thế nào để cho sung mãn “nhận thức vô thường” khiến cho tất cả dục tham được chấm dứt, tất cả vô minh được chấm dứt, tất cả ngã mạn được tận trừ?
Nhận thức về Vô thường về Pháp có hai loại:
- Nhận thức về vô thường của hiện tượng thế gian bên ngoài
- Nhận thức về vô thường của tự thân bên trong, tức là ngũ uẩn, năm khối cấu tạo nên con người
Nhận thức về vô thường của hiện tượng thế gian bên ngoài là kết quả của sự quan sát tinh tế chủ quan kết hợp với tư duy hợp lý, để đưa đến kết luận về sự vô thường của thế giới hiện tượng. Nhận thức này được xếp vào Tư Tuệ trong Tam Tuệ của Văn Tư Tu.
Nhận thức về vô thường của tự thân bên trong, tức là ngũ uẩn, chính là gốc rể của sự tu hành vì một khi Ngũ Uẩn, và đặc biệt hơn hết chính ý thức, cũng được nhận ra một cách sâu sắc là vô thường thì đối tượng của ý thức, tức là thế giới hiện tượng, không thể nào thường hằng được.
Như vậy đối tượng chính của nhận thức vô thường là tự thân bên trong chứ không phải là thế giới hiện tượng bên ngoài.
Vì sao? Vì thế giới hiện tượng là thế giới hiện ra cho tự thân kinh nghiệm. Thế giới hiện hữu do tự thân, cho tự thân, và vì tự thân. Khi tự thân còn thì thế giới còn. Khi tự thân diệt, thì thế giới diệt. Một khi tự thân là vô thường, là rổng không, là không thực chất tính, thì thế giới cũng tương ưng.
Sự vô thường của tự thân ngũ uẩn có hai khía cạnh cần phải nhận diện rõ ràng rốt ráo ngay trong sát na đang là của chính nó:
- Nhận ra sự sanh khởi ngay trong sát na đang là của chính nó
- Nhận sa sự đoạn diệt ngay trong sát na đang là của chính nó
Phàm cái gì được sanh ra, cái đó sẽ đoạn diệt! Sanh Sanh Diệt Diệt: Đó chính là vô thường!
Để thiết lập nhận thức sâu sắc về sự vô thường của tự thân thì: Đối với từng uẩn một trong năm uẩn, ví dụ đối với sắc uẩn, chúng ta cần bình thản, chân chánh nhận rõ:
- Đây là Sắc
- Đây là Sắc tập khởi
- Đây là Sắc đoạn diệt
Tương tự như vậy đối với Thọ, Tưởng, Hành, và Thức:
- Đây là Thức
- Đây là Thức tập khởi
- Đây là Thức đoạn diệt
Chúng ta cần để ý đến cấu trúc câu “Đây là…X” của Phật dạy. “Đây là...X” chỉ có ý nghĩa nếu nó được nhận diện trong sát na đang là của X. Bằng không cấu trúc câu sẽ mất đi ý nghĩa “như thật- như vậy” của nó và không còn có tính chất phơi bày như một sự thật mà chỉ trở thành một thói quan lầm bầm “Đây là…X”, “Đây là…X” một cách máy móc.
Nếu “nhận thức về vô thường” được tu tập như vậy ngay trên tự thân, được làm cho sung mãn như vậy ngay trên tự thân ngủ uẩn, thì “tất cả dục tham được chấm dứt, tất cả sắc tham được chấm dứt; tất cả hữu tham được chấm dứt; tất cả vô minh được chấm dứt; tất cả ngã mạn được tận trừ.” Tức là đúng như lời dạy của Đức Phật Thích Ca.
Phật Tử làm được như vậy và vị Thừa Tự Pháp, làm cho Chánh Pháp được trường tồn ở thế gian, là con Phật. Là người thi hành đúng Di Giáo của đức Từ Phụ.
Nguyện cho chánh pháp của thế tôn luôn được gìn giữ trong đời sống hàng ngày của từng người Phật Tử vì hạnh phúc thực sự và an lạc thực sự cho muôn loài.