Hãy xây dựng ngôi nhà bồ đề tâm và lái chiếc xe bồ đề tâm

25 Tháng Bảy 201610:35(Xem: 5711)

HÃY XÂY DỰNG NGÔI NHÀ BỒ ĐỀ TÂM
VÀ LÁI CHIẾC XE BỒ ĐỀ TÂM
Khenchen Konchog Gyaltshen | Thanh Liên dịch Việt

 

duc phat toa thienBồ đề tâm là nguồn mạch của tất cả chư vị Bồ Tát, và toàn bộ Giáo pháp chỉ để lợi lạc chúng sinh. Đặc biệt là trên con đường đạt đến Phật quả trong một đời, điều trọng yếu là phải thực hành giáo lý phát triển và thành tựu của Mật thừa.

 

DO BỞI BỒ ĐỀ TÂM mà Phật pháp là một giáo lý quý báu và thiêng liêng. Bồ đề tâm là xương sống, trọng tâm, của Phật pháp. Không có nó, Phật pháp không có gì đặc biệt. Bồ đề tâm là tâm phổ quát, thái độ mà ta phát triển để mọi chúng sinh, bất luận là ai, có thể đạt được Phật quả, tâm toàn giác. Đây là điều riêng biệt quan trọng nhất cần lưu giữ trong tâm. Nó là thực hành tuyệt vời của Phật pháp.

Bồ đề tâm gồm có hai yếu tố—đại bi và trí tuệ. Sự phóng chiếu của tâm bi mẫn là khát khao nhận lãnh trách nhiệm để giải thoát tất cả chúng sinh khỏi đau khổ. Phóng chiếu của tâm trí tuệ là sự toàn giác. Tâm trí tuệ có sự nhận thức vĩ đại, qua đó nội quán trọng yếu hiển lộ. Phật quả vượt thoát đau khổ và mọi nguyên nhân của đau khổ mà không loại trừ điều gì. Vì thế, để tất cả chúng sinh hoàn toàn thoát khỏi đau khổ, họ phải đạt được sự toàn giác.

Bồ đề tâm là nguồn mạch của tất cả chư vị Bồ Tát trong quá khứ, hiện tại, và tương lai. Bồ Tát Hạnh nói: “Giây phút bạn nuôi dưỡng Bồ đề tâm, ngay cả giữa những phiền não bất thiện, bạn trở thành một Bồ Tát và là một đối tượng quy y cho tất cả chúng sinh.” Ngay cả giữa sinh tử với mọi khuynh hướng của nó, ngay giây phút bạn nuôi dưỡng Bồ đề tâm, thân bạn chuyển hóa thành thân của một Bồ Tát. Đây quả là thuật giả kim vĩ đại! Thuật giả kim bình thường có thể biến sắt thành vàng, nhưng Bồ đề tâm có thể biến một con người bình thường thành một Bồ Tát, một báu vật cho tất cả chúng sinh.

Hãy nhìn vào tiểu sử của Milarepa. Trong phần đầu của đời ngài, ngài sử dụng huyền thuật để làm tổn hại nhiều người. Nhưng sau này, khi đã nuôi dưỡng Bồ đề tâm, ngài trở nên vô cùng quý báu. Ngài đã thành tựu Phật quả và trở thành một suối nguồn của an bình và hạnh phúc của tất cả chúng sinh do bởi thực hành Bồ đề tâm này.

Đức Phật không ban tất cả những Giáo pháp này vì lợi ích của riêng Ngài, hoặc để trở nên nổi tiếng hay giàu có. Đức Phật hoàn toàn viên mãn, thoát khỏi mọi đau khổ, vì thế Ngài không cần bất kỳ điều gì từ chúng sinh. Ngài chỉ giảng dạy để lợi lạc chúng sinh. Vì thế, ta cũng phải nghiên cứu và thực hành những giáo lý này vì lợi ích của chúng sinh. Trước hết, điều tối quan trọng là ta phải bắt đầu việc thực hành của ta; thứ hai, ta thực hiện việc tu tập (thực hành) của ta; và thứ ba, ta hoàn thiện việc thực hành. Đức Phật giác ngộ nhờ sự viên mãn của Bồ đề tâm. Tất cả những thực hành khác là những phương pháp để làm viên mãn Bồ đề tâm. Trong Kim cương thừa, mọi quán tưởng, trì tụng thần chú, và “các thực hành bên trong” về các luân xa và kinh mạch không là gì khác ngoài các phương pháp để làm viên mãn Bồ đề tâm.

Đức Phật đã giảng Pháp vì lợi lạc của chúng sinh, điều này có nghĩa là ta cũng có thể nhận được lợi lạc này. Trừ khi chúng ta được lợi lạc từ Pháp, ta không thể hiến tặng lợi lạc này cho người khác. Hoàn toàn không thể được. Ta phải thực hành tu tập, không chỉ để có sự hiểu biết tri thức. Hiểu biết tri thức là một bước quan trọng đầu tiên, nhưng còn quan trọng hơn nữa là phải thành tựu những gì ta đã học. Nuôi dưỡng Bồ đề tâm có nghĩa là đưa Giáo pháp vào thực hành để đạt được Phật quả. Như thế, Bồ đề tâm là cần thiết để đạt được Phật quả. Với sự hỗ trợ của Bồ đề tâm, ta có thể thành tựu Phật quả chỉ trong một hay hai cuộc đời.

Ta đau khổ trong sinh tử do bởi những mê lầm và tư tưởng bất thiện của ta. Ngoài Bồ đề tâm và những Giáo pháp tôn quý, không điều gì có thể chắc chắn giải thoát ta khỏi đau khổ này. Cho dù ta dùng loại kỹ thuật hiện đại nào hay dù những nghiên cứu khoa học có hiệu quả đến đâu chăng nữa, chúng không có cách nào để vĩnh viễn giải thoát ta khỏi đau khổ.

Bồ đề tâm là một người bạn vĩ đại và đáng tin cậy như thế! Một người bạn bình thường không thể cho ta loại hạnh phúc và vô úy (không sợ hãi) mà Bồ đề tâm có thể. Ngay khi ta nuôi dưỡng Bồ đề tâm và thực hành tâm tôn quý này, ta thoát khỏi mọi sợ hãi. Cho dù ta làm điều gì trong sinh tử, ta luôn luôn bắt gặp nỗi sợ hãi. Ta xây dựng một căn nhà tuyệt đẹp và đắt tiền với rất nhiều sự bảo vệ và bảo hiểm. Bởi vui thích, ta mua những chiếc xe tuyệt đẹp và đắt tiền, nhưng sau đó vì sợ hãi ta phải mua bảo hiểm để bảo vệ nó. Nhưng khi ta kết bạn với Bồ đề tâm, mọi sợ hãi được chuyển hóa—không chỉ trong đời này mà còn trong tương lai. Vì thế hãy xây dựng ngôi nhà Bồ đề tâm và lái chiếc xe Bồ đề tâm. Cuối cùng, Bồ đề tâm sẽ mang lại cho ta cơ hội vô song để trở thành một vị Phật. Vì thế, ta nên kết bạn với Bồ đề tâm. Đức Milarepa thường nói: “Nếu bạn ăn, hãy ăn thực phẩm Bồ đề tâm. Nếu bạn uống, hãy uống nước Bồ đề tâm. Nếu bạn du hành, hãy du hành với bạn hữu của bạn, Bồ đề tâm.”

Ta đảnh lễ và tôn kính Đức Phật và các đại Bồ Tát như một suối nguồn của sự an bình. Các ngài thật đáng tin cậy; ta có thể quy y (nương tựa) các ngài. Đó là bởi Bồ đề tâm. Bồ đề tâm là tài sản tối hảo mà ta có thể có trong đời mình. Của cải khác có thể bị mất mát hay đánh cắp; bất kể điều gì cũng có thể xảy ra cho nó. Nhưng nếu ta có Bồ đề tâm, của cải này mang lại mọi an ủi, hạnh phúc. Người sở hữu Bồ đề tâm sẽ sở hữu của cải của vũ trụ.

Các đại Bồ Tát có lòng dũng cảm bất khuất do bởi thực hành Bồ đề tâm của các ngài. Khi ta có Bồ đề tâm, ta sẽ hạnh phúc nếu ta giàu có; ta sẽ hạnh phúc nếu ta nghèo khổ. Ta sẽ hạnh phúc khi ta thành công trong sự nghiệp; ta sẽ hạnh phúc khi ta thất bại. Bồ đề tâm sẽ cho ta cơ hội để sống một cách điềm đạm.

Nếu ta không có Bồ đề tâm, bản ngã của ta luôn luôn làm suy yếu công việc của ta bằng cách này hay cách khác. Không có Bồ đề tâm, mọi thực hành khác trở nên cạn cợt; thậm chí đôi khi chúng không phải là những thực hành Phật giáo. Không có Bồ đề tâm, cho dù ta thực hành Mahamudra (Đại Ấn) hay Dzogchen (Đại Viên mãn), những thực hành ấy sẽ không mang lại kết quả mong muốn. Nhưng nếu ta có Bồ đề tâm, ta sẽ đạt được Phật quả cho dù ta không mong chờ nó. Không có Bồ đề tâm, cho dù ta thực hành Mật điển du già tối thượng hay các luân xa và kinh mạch, những thực hành này sẽ không mang lại kết quả là sự giác ngộ viên mãn.

Phát triển và thành tựu ám chỉ Kim cương thừa, cũng được gọi là tantra (Mật điển) hay Bổn Tôn du già, là những thực hành cao cấp. Thực hành Kim Cương thừa là một phương pháp đặc biệt để tịnh hóa dấu vết của những che chướng vi tế nhất đối với Phật quả. Thực hành này trực tiếp khám phá Phật tánh toàn hảo, tự thân nó là Phật quả. Vì thế Kim cương thừa bao gồm những phương tiện thiện xảo bao la và sâu xa. Để thấu hiểu phương pháp này, ta phải có thiên khiếu, dũng khí, và có tâm từ bỏ sinh tử vĩ đại. Để đi vào Kim cương thừa, ta phải hiểu rõ những giáo lý căn bản và thực hành thiền định, chẳng hạn như Bốn Chân lý Cao quý (Tứ Diệu Đế), Bồ đề tâm chuẩn bị, và ý nghĩa của tánh Không.

Giai đoạn phát triển xảy ra khi bạn quán tưởng thân tướng của Bổn Tôn thiền định, hay yidam—là bản thân bạn hay ở trước mặt bạn—như sự bất khả phân của hình tướng và tánh Không. Hình tướng của nó xuất hiện từ tánh Không và là một phản chiếu của phẩm tính không ngừng nghỉ của nó. Trong trạng thái đó, ta thực hành sự thành tựu, nơi mọi che chướng thuộc về thân, ngữ, tâm được tịnh hóa. Có hai loại thực hành thuộc giai đoạn thành tựu: với những biểu hiện và không biểu hiện. Trong sự thành tựu với các biểu hiện, mọi hiện tượng thuộc về thân, ngữ và tâm được tịnh hóa nhờ sự quán tưởng, bằng cách tụng các thần chú, và bằng cách thực hành với các luân xa và kinh mạch. Thành tựu không có các biểu hiện là thực hành Mahamudra, nó khám phá phương thức an trụ đích thực của mọi hiện tượng, tính chất thuần tịnh của giác tánh không ranh giới. Khi ta thực hành với động lực Bồ đề tâm, thực hành trở nên mãnh liệt đến nỗi ta có một cơ hội để thành tựu Phật quả ngay cả trong một đời người.

Trích trong nguyên tác: “A Complete Guide to the Buddhist Path” (Một Hướng dẫn Đầy đủ về Con đường Phật pháp) của Khenchen Konchog Gyaltshen

Thanh Liên dịch sang Việt ngữ

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Sáu 2021(Xem: 4047)
ình trạng nghèo khó, bất công, thiếu tự do, dân chủ, nhân quyền v.v… chúng ta cần tiên phong trong vấn đề cải tổ chính sách và hệ thống giáo dục từ học đường đến gia đình, từ quốc gia đến thế giới, và tôi nghĩ rằng, đây vừa là trách nhiệm nhưng đồng thời cũng chính là sự sống của chúng ta vì chúng ta không xem một nhà làm giáo dục như là một nghề để sinh sống mà đây là lý tưởng sống, mạch sống, nguồn sống của nhân loại.
01 Tháng Sáu 2021(Xem: 3912)
12 Tháng Ba 2021(Xem: 4265)