Thay lời tựa: Thân phận con người

19 Tháng Mười Một 201614:34(Xem: 5159)

CHO LÀ NHẬN 
Nguyên Minh 
Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin

Thay lời tựa: Thân phận con người

 

Chúng ta không ai có quyền chọn lựa cho mình một số phận. Ta sinh ra trong một gia đình nhất định, rơi vào những hoàn cảnh nhất định... Và những điều đó trở thành tiền đề quan trọng trong việc góp phần tạo dựng nên số phận của mỗi chúng ta. Mặc dù có rất nhiều người đã chứng tỏ được khả năng đảo ngược nghịch cảnh, nhưng ảnh hưởng tất yếu của những hoàn cảnh ban đầu vẫn là điều không thể phủ nhận.

Dù không ai mong muốn, nhưng trong thực tế vẫn luôn có những con người sinh ra với sự bất hạnh dường như đang chờ sẵn để đeo bám họ. Có những người sinh ra với đôi mắt mù lòa, suốt đời không nhìn thấy ánh mặt trời... Có những người sinh ra đã què quặt, không đủ chân tay như bao người khác... Lại có những người sinh ra cùng với những chứng bệnh kinh niên, để rồi suốt đời rất hiếm khi có được một đôi ngày khỏe mạnh... Trong hầu hết các trường hợp này, sự bất hạnh của những con người ấy dường như không hề do bất kỳ lỗi lầm nào của họ. Chúng ta quy trách những nỗi bất hạnh “tự nhiên” đó như là “số phận” của mỗi người.

Thật ra, mỗi chúng ta đều có một “số phận” riêng, không ai giống ai. Từ hoàn cảnh xã hội, gia đình, nền tảng văn hóa, giáo dục cho đến những điều kiện giao tiếp trong cộng đồng và rất nhiều yếu tố khác nữa, tất cả đều góp phần hình thành cái gọi là “số phận” riêng của mỗi chúng ta. Có những số phận tươi thắm như hoa hồng, cũng có những số phận ảm đạmđen tối như đêm ba mươi, nhưng nói chung thì mỗi chúng ta đều không có khả năng chọn lựa. Chúng ta nhận lấy số phận của riêng mình như một món quà đã được đóng gói và gửi đến cho chính ta. Điều duy nhất ta có thể làm chỉ là mở ra xem và nghĩ cách sử dụng nó sao cho tốt nhất, thế thôi.

Hầu hết chúng ta không mấy ai hài lòng với những gì mà số phận mang đến. Chúng ta luôn nỗ lực để cải thiện, để vươn lên tốt hơn. Đó là một khuynh hướng rất đáng trân trọng, vì nó tạo thành động lực của đời sống và giúp cho cuộc đời ta trở nên có ý nghĩa hơn. Khi số phận đặt ta vào những vị trí thua kém người khác, ta thường không chấp nhận điều đó và tìm mọi cách để thay đổi. Tất nhiên, sự thay đổi đó có thực hiện được hay không còn tùy thuộc vào năng lựcý chí của mỗi chúng ta cũng như hoàn cảnh quanh ta, nhưng bất kể là kết quả có như thế nào đi chăng nữa, tự thân những nỗ lực thay đổi đó vẫn luôn mang lại cho ta niềm tin vào cuộc sống.

Bất ổn thường gặp của đa số chúng ta là khi so sánh với người khác, ta thường không thấy mình may mắn hơn, mà luôn nhìn thấy nổi bật lên những sự “không may” của mình. Khi ta sinh ra trong một gia đình giàu có, ta so sánh với người khác và thấy mình thiếu thốn tình cảm... Khi ta có được tình cảm tốt đẹp từ mọi người thân trong gia đình, ta thấy mình bất hạnh vì không có sức khỏe tốt... Và khi có được một sức khỏe thật tốt, ta cũng không mấy khi biết trân trọng sự may mắn này, mà chỉ luôn cảm thấy phiền lòng vì những sự thua kém khác... Khuynh hướng “ta thán” này thường khiến ta đánh mất đi rất nhiều niềm vui sống, bởi ta luôn bận tâm suy nghĩ về những “thua kém” của mình và do đó thường chìm ngập trong tâm trạng “bất toại nguyện”. Điều này sẽ ngăn cản không cho ta cảm nhận được niềm vui hay những giá trị sống đang thực sự hiện hữu quanh ta.

Ngược lại, sự chấp nhận hoàn toàn những gì được “số phận” trao cho cũng không phải là một khuynh hướng tốt. Vì điều này thường đẩy ta vào sự an phận, thiếu đi những nỗ lực vươn lên hoàn thiện chính mình. 

Chúng ta cần phải biết trân quý những gì mình có được, cho dù đó là sức khỏe tốt, sự khôn ngoan hay một thân thể không khuyết tật... Rất nhiều người khác không có được những điều đó. Tuy nhiên, ta cũng cần biết rằng, mỗi chúng ta đều sẵn có tiềm năng vươn lên hoàn thiện chính mình, làm thay đổi cuộc sống theo hướng tốt đẹp hơn, không chỉ cho riêng bản thân ta mà còn cho tất cả những người khác quanh ta. Khuynh hướng thụ độngan phận sẽ luôn làm cho cuộc sống của ta trở nên nghèo nàn đơn điệu và khiến ta mất đi động lực vươn lên trong cuộc sống.

Việc thay đổi nhận thức về “số phận” của chính mình để có một khuynh hướng sống thích hợp sẽ mang lại cho chúng ta vô vàn những cơ hội tốt hơn trong cuộc sống. Và khi cơ hội đến ta cũng sẽ luôn có được khả năng để tận dụng tốt hơn. “Số phận” có thể là những tiền đề không thể thay đổi, nhưng lại không hề có khả năng quyết định kết quả của chính nó. Mỗi chúng ta đều sẵn có khả năng để làm nên sự thay đổi, và thay đổi như thế nào thì trước hết vẫn là dựa vào những nỗ lực của chính ta.

Thật ra, cái gọi là “số phận” mà tôi thường đặt trong ngoặc kép đó, không hẳn đã là số phận trong ý nghĩa là những điều tiền định. Bởi sẽ vô cùng bất công nếu mỗi chúng ta đều phải gánh chịu biết bao điều “tiền định” mà không hề biết được nguyên nhân. Cuộc sống không thể là một trò đùa vô lý đến như thế! Thân phận con người không thể chỉ là những chi tiết trong một cỗ máy khổng lồ mà sự vận hành đã được thiết lập từ trước... Con người không thể chỉ sinh ra và chết đi theo một kịch bản được soạn trước mà mọi vai diễn trong đó cuối cùng đều sẽ đi vào quên lãng

Tuy nhiên, đó là một vấn đề cần phải bàn đến với những phân tích chi tiết hơn, còn dựa vào những gì mà tất cả chúng ta đều quan sát thấy trong cuộc sống thì dường như quan niệm về “số phận tiền định” vẫn luôn là một quan niệm rất dễ được nhiều người chấp nhận

Và cũng trong cái “số phận tiền định” đó, có những điều rất riêng tư cho mỗi con người, nhưng đồng thời cũng có cả những điểm rất chung mà đã sinh ra làm người thì không ai thoát khỏi. Là con người, chúng ta chia sẻ cùng nhau ngôi vị “độc tôn” và “thông minh nhất” trong muôn loài động vật trên hành tinh này. Chúng ta chia sẻ thành quả - và có lẽ chính ta cũng dự phần vào - việc xây dựng trên bề mặt của hành tinh này những công trình nhân tạo vĩ đại: những tòa nhà chọc trời, những thành phố cư dân đông đúc, những kiến trúc đồ sộ đứng vững qua bao thế kỷ, những con sông đào làm thay đổi dòng chảy của nước, hay những đập nước mênh mông tạo nguồn thủy điện dồi dào; nhưng đồng thời cũng có cả những sa mạc khô cháy vì rừng rậm bị tàn phá, những dòng sông lũ xiết tràn bờ vì thượng nguồn không còn rừng che chắn, những loài động vật dần dần tuyệt chủng vì không còn môi trường thích hợp để sinh sống, hoặc đơn giản chỉ là vì đã bị tàn sát quá nhiều để cung ứng cho túi tham không đáy của con người... Song song theo đó, lượng khí thải từ xe cộ, các nhà máy - tất cả đều do con người sáng tạo - đang làm ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hơn bầu không khí duy nhất và hữu hạn đang bao bọc quanh ta, nguồn nước sạch đang cạn dần và trở nên khan hiếm ở nhiều nơi, và các hóa chất do con người tạo ra đã và đang tiếp tục làm thủng tầng ozon giữ vai trò bảo vệ trái đất khỏi những tác hại của tia cực tím... 

Bằng trí thông minh của mình, con người quả thật đã và đang từng ngày làm thay đổi cuộc sống, thay đổi môi trường sống trên cả hành tinh này. Tuy nhiên, liệu những thành quả đó có thực sự làm cho thân phận con người được thay đổi tốt hơn chăng? 

Để trả lời câu hỏi đó, chúng ta không có cách nào khác hơn là phải nhìn thẳng vào cái “số phận chung” của mọi con người. Tất nhiên, chúng ta luôn mong muốn cho cái “số phận” ấy được thay đổi theo hướng tốt hơn, nhưng sự thật vẫn luôn là vấn đề của sự nhìn nhận đúng thật chứ không phải là theo như mong muốn.

Từ bao thế kỷ đã qua, lịch sử đã cho thấy, dẫu có những con người hiếm hoi nào đó tìm được hạnh phúc mãn nguyện cho cuộc đời mình trong một chừng mực nhất định, thì bức tranh chung của nhân loại vẫn bàng bạc một màu bất toại nguyện. Vào bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử nhân loại như đã được ghi chép, ở bất cứ châu lục nào, chúng ta cũng luôn thấy rằng đa số cư dân là những người nghèo khổ. Việc san bằng khoảng cách giàu nghèo dường như luôn là mục tiêu lý tưởng của mọi xã hội, mọi chính phủ cầm quyền, nhưng cho đến nay thì điều đó vẫn chỉ là mong muốn mà chưa bao giờ có khả năng trở thành hiện thực. Không có những thống kê thật chính xác, nhưng dựa vào những số liệu tương đối có được, ta thấy số người rất giàu có thường chỉ chiếm một tỷ lệ thấp (khoảng từ 3% - 5% dân số) nhưng lại nắm giữ một số lượng tài sản kếch sù, có khi lên đến khoảng 90% của toàn xã hội. Thực tế này tồn tại xuyên suốt lịch sử nhân loại, từ Đông sang Tây, và cho dù đã có rất nhiều nỗ lực cụ thể để thay đổi điều đó nhưng kết quả lại chưa bao giờ được như ý muốn của những người thực hiện.

Sự nghèo khó luôn đeo đuổi con người qua mọi thời đại. Cho dù bản thân ta may mắn có được một cuộc sống tương đối đầy đủ đi chăng nữa, thì những mảnh đời nghèo khổ cơ cực dường như vẫn luôn hiện hữu đâu đó không xa lắm. Chỉ cần nhìn vào cuộc sống quanh ta với đôi mắt biết cảm thông và chia sẻ, ta sẽ luôn dễ dàng bắt gặp rất nhiều những nỗi khó nhọc và bất hạnh.

Tuy là điểm nổi bật trong toàn cảnh đời sống nhìn chung của nhân loại, nhưng sự nghèo khó vẫn chưa phải là tất cả trong bức tranh về thân phận con người. Bệnh tật, thiên tai, hoạn nạn... luôn là những yếu tố sẵn sàng quật ngã bất kỳ con người nào, cho dù là đang trên đỉnh cao của quyền lực hay danh vọng. Sự mong manh và bất ổn của kiếp người dường như có thể được cảm nhận ở bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào. Nếu xét đến những điểm này thì cái gọi là hạnh phúc bền lâu của đời người dường như thật khó có thể hình dung được, bởi những khổ đau và bất hạnh vẫn luôn chực chờ ập xuống với bất kỳ ai trong chúng ta mà không có một ngoại lệ nào.

Bạn có thể tự thấy mình may mắn khi có được một cuộc sống sung túc, gia đình êm ấm, công việc thuận lợi... Thế nhưng, dù là may mắn đến như thế, bạn cũng không tránh khỏi nỗi đau khi những người thân nào đó của bạn lần lượt ra đi vĩnh viễn... Bạn cũng không thể tránh khỏi những lần ốm đau bệnh tật thỉnh thoảng đến với chính bạn hay với những người thân quanh bạn... Và hơn thế nữa, bạn cũng không bao giờ có thể chỉ nhìn thấy quanh mình toàn những cuộc đời cũng cực kỳ may mắn giống như mình. Không bao giờ! Ngược lại, khi bản thân mình càng may mắn, bạn càng có khuynh hướng dễ dàng nhận ra vô vàn những mảnh đời bất hạnh luôn hiện hữu quanh mình, chỉ trừ khi bạn có một trái tim khép kín. Và trong một chừng mực nào đó, bạn không thể hoàn toàn vô cảm với những khổ đau của người khác. Vì thế, bạn cũng không thể tận hưởng hạnh phúc khi quanh mình vẫn còn đầy dẫy những khổ đau. 

Nói một cách ngắn gọn, bằng vào những gì chúng ta quan sát thấy thì khổ đau - của bản thân ta và người khác - luôn luôn là yếu tố không bao giờ vắng mặt trong cuộc sống.

Mặt khác, từ khi sinh ra đời, mỗi chúng ta đều như đã được định sẵn một chu kỳ sống. Chu kỳ đó có thể dài ngắn khác nhau ở mỗi người, nhưng điều tất yếu là nó sẽ chấm dứt. Đời sống của ta sẽ kéo dài bao lâu, mỗi chúng ta đều không biết được, nhưng điều ta có thể biết chắc chắn là sẽ có lúc chấm dứt. Như một bản năng tự nhiên, mỗi chúng ta đều khát khao được sống, nhưng kết cục tất yếu là cái chết lại như một nhát roi đau buốt luôn quật thẳng vào ta, không đường tránh né. Vậy thì, trong cái chu kỳ tất yếu sẽ chấm dứt đó, liệu đời sống của mỗi chúng taý nghĩa gì chăng? Trong suốt quá trình hiện hữu của mình, mỗi chúng ta đều phải trải qua biết bao đau buồn, bệnh tật, khổ sở, gian khó và nỗ lực... liệu tất cả những điều ấy còn có ý nghĩa gì chăng sau khi ta chấm dứt đời sống như một điểm đến tất yếu? Vì sao mỗi chúng ta đều sinh ra chỉ để rồi chắc chắn phải chết đi, và cuối cùng mọi thứ dường như đều mất hút hoàn toàn trong dòng thời gian vô tận? Nói tóm lại, ý nghĩa rốt ráo của đời sống này là gì? Và liệu có phương cách nào để chúng ta có thể nhận hiểu hoặc làm cho đời sống này trở nên thực sự có ý nghĩa? Liệu có phương cách nào để chúng ta có thể trải qua chu kỳ sống tất yếu này với một tâm trạng thư thái hơn, hạnh phúc hơn và không bị nhấn chìm thường xuyên trong những khổ đau?...

Tất cả những câu hỏi ấy không chỉ nhất thời nảy sinh trong tâm tưởng của một số người nào đó, trong một thời đại nào đó... Chúng là những câu hỏi chung nhất của nhân loại đã nêu lên từ muôn đời trước, nhưng dường như tâm thức con người trong mọi thời đại vẫn luôn có khuynh hướng quay trở về với những câu hỏi ấy. Những bộ óc kiệt xuất của nhân loại đã từng nỗ lực tìm kiếm và đưa ra không ít câu trả lời, nhưng dường như mỗi chúng ta đều thấy khó chấp nhận những câu trả lời đến từ người khác. Quá trình tìm kiếm của bản thân hóa ra lại chính là tiền đề tất yếu cho bất kỳ ai muốn có được một đáp án thỏa đáng về ý nghĩa đời sống. Và trong suốt quá trình tìm kiếm đó, một nhận thức đúng thật và toàn diện về thân phận con người dường như luôn là điểm khởi đầu thích hợp nhất. Mặc dù vậy, nếu như ta nhận được một sự hướng dẫn dựa trên những phân tích hợp lýlập luậnhệ thống chặt chẽ, điều đó chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều, nếu không muốn nói là sẽ đóng một vai trò quyết định cho quá trình đi tìm ý nghĩa đời sống của chính ta.

may mắn thay, những hướng dẫn quý báu như thế quả thật đã được đưa ra từ cách đây hơn 25 thế kỷ.

Tất nhiên, như đã nói, hầu hết chúng ta đều thấy khó chấp nhận câu trả lời đến từ người khác cho những vấn đề trọng đại của chính bản thân mình. Nhưng những kinh nghiệm được truyền trao từ người đi trước bao giờ cũng có những giá trị nhất định, và nhất là khi những kinh nghiệm ấy được phát xuất từ một trí tuệ siêu việt, chắc chắn chúng sẽ soi sáng rất nhiều cho quá trình tìm kiếm của mỗi chúng ta

Tập sách này được viết ra với mong muốn chia sẻ cùng bạn đọc những điều đó, mặc dù chắc chắn sẽ không tránh khỏi những hạn chế xuất phát từ nhận thức chưa đầy đủ của người viết, nhưng dù sao thì mọi trang viết đều sẽ cố gắng dựa trên những nền tảng cụ thểchắc chắn đã được xây dựngthử thách qua thời gian. Nền tảng đó chính là những lời dạy của một người đã từng bước đi trên mặt đất của hành tinh này từ cách đây hơn 2.500 năm, nhưng cho đến nay vẫn luôn giữ được tính chính xác đến mức có thể làm ngạc nhiên bất kỳ ai đang sống ở thế kỷ 21 này. Con người với trí tuệ siêu việt ấy chính là đức Phật Thích-ca Mâu-ni, người đã để lại một khối lượng văn bản khổng lồ được gọi là Kinh tạng, chỉ nhằm mỗi một mục đích duy nhất là giúp cho nhân loại có thể từng bước giảm nhẹ và dần dần đạt đến sự giải thoát hoàn toàn khỏi mọi khổ đau trong đời sống.

Mặc dù được ghi chép thành một số lượng văn bản khổng lồ trong Kinh tạng, nhưng những lời dạy của đức Phật nhìn chung luôn được ngài đưa ra dựa trên 2 yếu tố. Thứ nhất, đó là những lời dạy xuất phát từ lòng từ bi vô lượng của ngài, muốn cho mọi con người đều được thoát khổ được vui, nên bao giờ cũng thích hợp với người nghe để họ có thể nhận hiểu và thực hiện được, nhằm mang lại sự an vui và lợi ích cho đời sống của họ. Yếu tố này được gọi là khế cơ, nghĩa là thích hợp với căn cơ, trình độnăng lực của người nghe. Do mỗi con người chúng ta đều là một thực thể cá biệt, không ai hoàn toàn giống với ai, nên những lời dạy của đức Phật cũng bao gồm rất nhiều phương pháp, nhiều mức độ cao thấp khác nhau, để có thể thích hợp với từng hạng người khác nhau. Thứ hai, đó là những lời dạy xuất phát từ trí tuệ thấy biết như thật của ngài, nên bao giờ cũng là chân thật, đúng chân lý, để người nghe có thể tin cậy và làm theo mà không sợ rơi vào sự sai trái, lầm lẫn. Yếu tố này được gọi là khế lý, nghĩa là phù hợp với chân lý, với thực tiễn đời sống, không hề có sự sai lầm hay phiến diện. Tuy nhiên, do chúng ta từ lâu đã quen nhìn cuộc sống theo một cách nhìn đầy những định kiến sai lầm và hạn hẹp, nên việc nhận ra được tính chất đúng thật trong lời dạy của đức Phật tự nó đã là một quá trình đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của mỗi người. Nếu chúng ta chỉ tiếp cận những lời Phật dạy một cách hời hợt, thiếu suy nghĩ, ta sẽ rất khó lòng nhận hiểu được sự đúng thật trong những lời dạy ấy.

Chính nhờ có hai tính khế cơ và khế lý như trên mà cho dù đã trải qua hơn 25 thế kỷ, những lời dạy của đức Phật vẫn còn giữ nguyên được giá trị như khi lần đầu tiên được nói ra từ kim khẩu của ngài. Khi nhận hiểu và thực hành theo những lời dạy đó, chắc chắn mỗi người chúng ta đều sẽ nhận được những an vui lợi lạc trong đời sống, và cũng chính qua đó mà ta sẽ dần dần tự mình nhận hiểu ra được những giá trị cũng như ý nghĩa thực sự của đời sống này.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
07 Tháng Sáu 2021(Xem: 4049)
ình trạng nghèo khó, bất công, thiếu tự do, dân chủ, nhân quyền v.v… chúng ta cần tiên phong trong vấn đề cải tổ chính sách và hệ thống giáo dục từ học đường đến gia đình, từ quốc gia đến thế giới, và tôi nghĩ rằng, đây vừa là trách nhiệm nhưng đồng thời cũng chính là sự sống của chúng ta vì chúng ta không xem một nhà làm giáo dục như là một nghề để sinh sống mà đây là lý tưởng sống, mạch sống, nguồn sống của nhân loại.
01 Tháng Sáu 2021(Xem: 3915)
12 Tháng Ba 2021(Xem: 4266)