Chia sẻ những gì

19 Tháng Mười Một 201614:41(Xem: 4516)

CHO LÀ NHẬN 
Nguyên Minh 
Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin

Chia sẻ những gì

 

Rất có thể bạn sẽ phân vân khi nghĩ đến việc chia sẻ với mọi người: liệu bản thân tôi có gì để chia sẻ? Bạn có thể thấy mình vẫn còn đang quá khó khăn về tài chánh, vậy làm sao có thể chia sẻ với người khác? Bạn có thể thấy bản thân mình vẫn không ngừng phải đối phó với biết bao điều bất ổn, bế tắc trong cuộc sống và chưa thực sự đủ sức để vượt qua, làm sao có khả năng chỉ dẫn hoặc chia sẻ tri thức với người khác? Bạn cũng có thể thấy bản thân mình thường xuyên phải đối mặt với nhiều nỗi lo toan, đe dọa từ cuộc sống vốn đầy bất trắc, và không nghĩ rằng mình có đủ điều kiện để che chở hay cứu giúp người khác thoát khỏi nỗi sợ hãi của họ... Nói chung, bạn thấy mình có lẽ chưa đủ điều kiện để chia sẻ trong lúc này, nên dù rất muốn làm điều đó, bạn vẫn thường nghĩ rằng phải đợi đến một lúc nào đó khi mọi điều kiện trở nên dễ dàng hơn...

Liệu những suy nghĩ như thế có đúng không? Chắc chắn là không! Sự thật là, nếu bạn vẫn giữ nguyên những suy nghĩ như thế, sẽ không bao giờ có “một lúc nào đó” để bạn thực sự chia sẻ với người khác. Trong khi đó, những ranh giới của sự hẹp hòi sẽ từng ngày khép chặt hơn quanh bạn, và bạn sẽ không bao giờ có thể cảm nhận được những niềm vui thực sự trong đời sống. Khuynh hướng “bất toại nguyện” sẽ không ngừng chi phối, hành hạ bạn, chỉ đơn giản vì bạn chưa bao giờ tự thấy mình có đủ những thứ mình cần.

Và khái niệm “đủ” thì luôn mang một ý nghĩa hết sức mơ hồ, tương đối. Bạn có thể tự thấy mình đã có đủ trong mọi hoàn cảnh, nhưng bạn cũng có thể không bao giờ thấy đủ cho dù đã có được rất nhiều. Trong thực tế, cảm giác biết đủ không phụ thuộc hoàn toàn vào những gì bạn có được, mà phụ thuộc nhiều hơn vào nhận thức của bạn về cuộc sống. Có lần, tôi bắt gặp một bức ảnh đầy ý nghĩa được một bạn trẻ chia sẻ trên trang Facebook: Một bà lão hành khất đã trích từ số tiền nhỏ nhoi xin được để đóng góp vào một thùng quyên góp từ thiện.



Tôi nghĩ, hình ảnh này đã quá đủ để nói lên tất cả những ý nghĩa về sự biết đủ. Nếu suy ngẫm từ đây, bạn sẽ thấy chúng ta luôn đầy đủ và thậm chí là may mắn biết bao. Vì thế, chỉ cần thay đổi nhận thức về cuộc sống thì bạn luôn có thể chia sẻ trong cuộc sống. Sự thật là khi chúng ta sẵn lòng chia sẻ cùng người khác, ta sẽ cảm thấy bản thân mình đầy đủ, chứ không phải đợi khi ta cảm thấy đầy đủ rồi mới khởi lên ý muốn chia sẻ. Trong số nhiều tấn gạo chuyển về miền Trung để cứu trợ sau những cơn bão lụt tàn phá, phần lớn đã được tự nguyện đóng góp từ rất nhiều người lao động đang vất vả từng ngày kiếm sống chứ không chỉ từ những gia đình thuộc tầng lớp trung lưu hay giàu có.

Hơn thế nữa, khi bạn sẵn lòng chia sẻ, bạn sẽ nghĩ ra được phương pháp tốt nhất để thực hiện việc chia sẻ. Trong truyện ngắn “Vị ngọt của chè”, ngay cả những em học sinh tiểu học cũng có thể làm chúng ta ngạc nhiên vì sự chững chạcthông minh khi nghĩ ra phương thức giúp đỡ người khác một cách hoàn hảo không kém gì người lớn. Hơn thế nữa, có một điều gần như đã trở thành quy luật tự nhiên là, giải pháp chia sẻ luôn xuất hiện và chỉ xuất hiện sau khi chúng ta thật lòng khởi tâm chia sẻ.

Khi nhìn lại những gì xảy ra quanh ta với nhận thức này, bạn sẽ thấy có rất nhiều điều tương tự vẫn luôn diễn ra trong cuộc sống, nhưng chỉ vì không lưu tâm đến nên ta thường bỏ qua không nhận biết. Một khi bạn thực sự chọn cách sống chia sẻ với mọi người, bạn sẽ dễ dàng nhận ra vô số những cơ hội chia sẻ quanh mình. Việc mang lại niềm vui và lợi lạc cho người khác thật ra dễ hơn nhiều so với bạn vẫn tưởng, và điều đó cũng mang lại cho bạn nhiều niềm vui mà có thể trước đây bạn vẫn chưa bao giờ hình dung một cách trọn vẹn.

... ...việc chia sẻ niềm tin là điều nên làm, nhưng phải được thực hiện một cách thích hợpxuất phát từ lòng vị tha, chân thành muốn mang đến lợi lạc cho người khác. Nếu được như thế, bản thân chúng ta sẽ được lợi lạc nhờ nuôi dưỡng tâm từ bi mà cũng đồng thời làm lợi lạc cho người khác qua việc giúp họ sớm xác lập được một niềm tin chân chánh.

Khi chúng ta giảm bớt sự quan tâm đến bản thân mình và lưu tâm nhiều hơn đến những nhu cầu, mong muốn của người khác, ta sẽ tự nhiên thay đổi những cung cách ứng xử thông thường. Điều quan trọng ở đây không phải là bạn giúp ích được nhiều hay ít cho người khác, mà chính là ở sự thay đổi khuynh hướng ứng xử vốn có từ lâu nay. Từ một khuynh hướng vị kỷ, luôn quan tâm đến những gì có lợi cho chính bản thân mình, bạn sẽ thay đổi sang một khuynh hướng vị tha, chú trọng nhiều hơn đến những lợi lạc cho người khác. Và chính khuynh hướng vị tha là yếu tố quan trọng nhất sẽ làm thay đổi cuộc đời bạn, bởi nó sẽ làm cho tâm hồn bạn rộng mở hơn thay vì là ngày càng khép chặt. Một tâm hồn rộng mở là điều kiện tối cần thiết để cảm nhận mọi niềm vui đến từ cuộc sống, trong khi một tâm hồn khép kín luôn ươm mầm cho vô số những bất hạnh và khổ đau.

Tâm hồn rộng mở cũng chính là điều kiện để bạn nhận biết những nhu cầu của người khác. Với một tâm hồn khép kín, hẹp hòi, bạn thường sẽ phân vân rất nhiều về việc ai là người xứng đáng nhận sự chia sẻ của bạn, hoặc liệu bạn có nên hay không nên chia sẻ với ai đó... Sự phân vân này ngăn cản bạn chia sẻ với người khác vì luôn thấy họ không ở vào hoàn cảnh thực sự cần thiết, hoặc không có nhu cầu được chia sẻ... Bạn cảm thấy có sự bất công nếu phải chia sẻ những gì mình có với một ai đó mà theo bạn là không quá khó khăn, thiếu thốn... 

Những rào cản này được sinh ra từ một tâm hồn khép chặt, nhưng rồi chính bản thân chúng lại có tác dụng làm khép chặt hơn nữa tâm hồn của bạn. Vì vậy, đây quả thật là một vòng xoáy luẩn quẩn rất khó vượt thoát ra.

Nhưng ngay khi bạn khởi lên ý nguyện vị tha thì những tia sáng đầu tiên sẽ bắt đầu soi chiếu vào bóng tối của một tâm hồn khép kín. Những cánh cửa sẽ dần được mở ra và ngày càng rộng mở hơn khi nhận thức của bạn dần thay đổi. Khi khuynh hướng vị tha dần dần thay cho khuynh hướng vị kỷ, bạn sẽ bắt đầu tiếp cận người khác với một cách nhìn hoàn toàn mới. Tâm hồn rộng mở giúp bạn đón nhận mọi nguồn thông tin từ thế giới bên ngoài một cách khách quan, đúng thật và không định kiến. Nhờ đó, bạn sẽ nhận ra một sự thật là bất cứ ai trong chúng ta cũng đều đang có những nhu cầu nhất định; hay nói khác đi là mỗi người quanh ta đều đang cần được ta chia sẻ một điều gì đó, có thể giúp họ được lợi lạc, tốt đẹp hơn trong cuộc sống. Nhận biết được nhu cầu của người khác chính là bước khởi đầu của một sự chia sẻ đúng nghĩa, và chỉ có một tâm hồn rộng mở mới có thể giúp ta làm được điều đó.

Trong thực tế, tất cả chúng ta đều có nhu cầu chia sẻ và được chia sẻ, và thực ra thì cuộc sống này sẽ vô cùng tẻ nhạt, ảm đạm nếu không có sự sẻ chia cùng nhau giữa những con người. Tuy vậy, không phải ai trong chúng ta cũng đã và đang chọn nếp sống biết chia sẻ, và đó quả thật là một điều đáng buồn. Vì thế, ngay khi bạn quyết định chọn một cuộc sống chia sẻ với mọi người, đó sẽ là điều quan trọng nhất trong cuộc đời của bạn: bạn đang thay đổi để trở thành một người hạnh phúc hơn!

Chia sẻ tài vật

Các giá trị vật chất luôn nổi bật lên trong cuộc sống của mỗi chúng ta. Khi tiếp xúc với một con người, điều ta dễ dàng nhìn thấy trước nhất là hình thức bên ngoài của người ấy, và điều đó thường cho thấy phần nào những giá trị vật chất mà họ đang sở hữu. Khi ta thật lòng muốn chia sẻ với người khác, vật chất cũng chính là những giá trị mà ta có thể dễ dàng chia sẻ nhất. Có thể lâu nay bạn vẫn quen nghĩ đến điều này qua các hình thức như ủng hộ những chương trình quyên góp từ thiện, vận động xây dựng các công trình công cộng, hay chí ít cũng là đóng góp cho các tổ chức thiện nguyện... Những điều đó là hoàn toàn đúng nhưng chưa đủ, vì thật ra thì sự chia sẻ vật chất còn có thể và cần thiết phải được thực hiện trong một phạm vi rộng lớn hơn, phổ quát hơn. Bạn có thể thực hành nếp sống chia sẻ với tất cả mọi người mà bạn có cơ hội tiếp xúc, chứ không chỉ là với những người đang gặp bất hạnh, khó khăn... Tất nhiên, những đối tượng gần gũi trước tiênthiết thực nhất sẽ là những người thân quanh ta như gia đình, bạn bè, cộng đồng thôn xóm...

Lần đầu tiên nghĩ đến điều này, có thể bạn sẽ thấy hơi xa lạ. Chẳng phải chỉ những người đang khốn khó mới cần đến sự chia sẻ tài vật hay sao? Chẳng phải chỉ những người đang gặp bất hạnh, tai họa mới cần đến sự quan tâm giúp đỡ của người khác hay sao? Những điều đó hẳn đã là lẽ tất nhiên. Nhưng đối tượng của sự chia sẻ không chỉ giới hạn trong số đó, mà thật ra còn là tất cả mọi người. Và chỉ khi bạn có khả năng hướng sự chia sẻ của mình đến với tất cả mọi người thì tâm hồn bạn mới thực sự rộng mở.

Trong bất kỳ mối quan hệ tiếp xúc nào, khi bạn biết lưu tâm đến mọi người quanh mình, bạn sẽ nhận ra vô số những cơ hội cần đến sự chia sẻ. Có những điều có thể là vô cùng nhỏ nhặt, nhưng khi có sự quan tâm thực hành, bạn sẽ nhận ra những giá trị mà chúng mang lại là không nhỏ.

Hãy bắt đầu từ một bữa ăn chẳng hạn. Thay vì ngồi vào bàn ăn và nhanh chóng thỏa mãn nhu cầu của dạ dày rồi đứng dậy, bạn hãy thử dành một chút thời gian để quan tâm đến những người khác trong cùng mâm ăn. Khi ấy, có thể bạn sẽ nhận ra có một số món ăn thích hợp với người này nhưng không thích hợp với người khác, chẳng hạn như người già cần thức ăn mềm, trẻ con cần những thức ăn nhiều dinh dưỡng, một ai đó không ăn được các món cay, trong khi một người khác dường như rất thích các món béo v.v... Với sự quan tâm nhận biết đó, bạn có thể thực hiện chia sẻ theo cách rất đơn giản và dễ dàng, như nhường các món ăn thích hợp cho người khác, gắp thức ăn cho trẻ con và không dành quá nhiều các món ăn ngon cho phần mình... Bạn sẽ thấy một bữa ăn trôi qua theo cách đó không chỉ là một bữa ăn, mà sẽ trở thành một cơ hội để mọi người chia sẻ, quan tâm đến nhau. Điều nhỏ nhặt này có thể vẫn luôn được duy trì ở một số gia đình, nhưng đồng thời cũng đã bị lãng quên ở nhiều gia đình khác. Với sự quan tâm chia sẻ, chắc chắn bạn sẽ mang lại một không khí ấm áp, đầy tình cảm thắm thiết cho những bữa ăn trong gia đình hay ngay cả ở các phòng ăn tập thể, thay vì chỉ đơn giản là để nhét cho đầy dạ dày.

Sự chia sẻ, nhường nhịn cũng có thể dễ dàng được thực hành ở nơi làm việc, khi bạn có sự quan tâm đến những đồng nghiệp của mình. Mỗi người đều có một nhu cầu nào đó, nhưng bạn sẽ không thể nhận ra khi thiếu sự quan tâm. Khi quan tâmnhận biết được nhu cầu của người khác, có thể chỉ một vài cử chỉ nhỏ nhặt đáp ứng đúng các nhu cầu đó cũng có thể làm thay đổi cách nghĩ, cách nhìn của mọi người về nhau, và điều đó chắc chắn sẽ làm cho môi trường sống chung trở nên ấm áp, tốt đẹp hơn nhiều.

Cách ứng xử như trên cũng đúng trong mọi quan hệ xã hội. Khi bạn biết quan tâm và nhường nhịn, chia sẻ với người khác, những mối quan hệ xã hội sẽ không còn là đối đầu nữa mà trở thành những cơ hội tốt đẹp để bạn hiểu thêm về người khác, vun đắp thêm những tình cảm tốt đẹp vốn có hoặc xây dựng những quan hệ tình cảm mới.

Trở ngại lớn nhất của sự chia sẻ vẫn là lòng vị kỷ. Điều này xuất hiện ở mọi phạm trù của sự chia sẻ, nhưng mạnh mẽ và thường gặp nhất vẫn là khi bạn khởi tâm chia sẻ vật chất với người khác. Khi thực hiện các hành vi chia sẻ, bạn rất thường có khuynh hướng sẽ tự nêu lên câu hỏi: Bản thân tôi rồi sẽ được gì? 

Việc trả lời câu hỏi này đưa chúng ta trở lại với sự phân biệt giữa hai khuynh hướng vị kỷ và vị tha như đã bàn ở phần trước. Sự thật là, khi chọn nếp sống chia sẻ vị tha, bạn sẽ được rất nhiều, mà cái được lớn nhất chính là một tâm hồn rộng mở, một cách nhìn hoàn toàn thay đổi về cuộc sống, và vô số những niềm vui sẽ tràn vào tâm hồn rộng mở của bạn để biến cuộc đời thành một chuỗi nối dài của những niềm vui.

Các giá trị vật chất là rất khó chia sẻ khi tâm hồn bạn khép kín bởi khuynh hướng vị kỷ. Tục ngữ dân gian có câu: “Đồng tiền gắn liền khúc ruột.” Đó là một quan niệm rất thông thường. Những người chưa nhận hiểu được ý nghĩa sâu xa của đời sống luôn nghĩ về tiền bạc vật chất như là kết quả của sự lao động khó nhọc, của những vất vả bon chen, nên không thể dễ dàng buông ra chia sẻ cho người khác. Khi bị thôi thúc bởi những giá trị luân lý, đạo đức hay dư luận xã hội và phải bất đắc dĩ chia sẻ tiền bạc với người khác, họ luôn đặt ra vô số những câu hỏi, luôn hoài nghi về kết quả việc chia sẻ của mình... Những người làm công việc vận động quyên góp từ thiện thường bộc bạch tâm sự rằng, họ phải gánh chịu rất nhiều sự nghi ngờ từ những người mà họ đến vận động. Người ta luôn có khuynh hướng ngờ vực thiện chí của họ, sợ rằng phía sau chiêu bài quyên góp từ thiện rất có thể là những mục tiêu ám muội, vụ lợi cá nhân... Chúng ta không thể phủ nhận một thực tế là những điều tồi tệ như thế cũng đã từng xảy ra không ít lần, khi những kẻ xấu mượn danh nghĩa việc làm cao quý vì người khác để rồi cuối cùng chỉ nhằm mục đích trục lợi cho bản thân. Tuy nhiên, nếu vì lý do đó mà ta đánh mất hoàn toàn niềm tin vào những con người chân thật, những tâm hồn cao quý, thì quả thật sự mất mát lớn nhất đang nằm về phía bản thân ta chứ không phải là người khác.

Chúng ta cần biết tỉnh táosáng suốt trước khi đặt niềm tin vào người khác, không thể mù quáng và nhẹ dạ cả tin để dễ dàng trở thành miếng mồi ngon cho những kẻ tham lamxấu xa lợi dụng. Nhưng đồng thời ta cũng phải biết rộng mở tâm hồn để cảm nhận được những nhịp đập từ trái tim cuộc sống, để có thể rung động đúng lúc trước những mảnh đời khó khăn cần chia sẻ, và để nhận biết rằng dù sao đi nữa thì trong cuộc sống này vẫn có rất nhiều những tâm hồn cao quý luôn tỏa sáng chứ không chỉ toàn là những mảng tối xấu xa, những con người ích kỷ.

Và như đã nói, thật ra thì sự chia sẻ tài vật còn có thể được thực hiện đúng nghĩa mà không cần thiết phải là sự đóng góp những khoản tiền lớn cho mục đích từ thiện. Tất nhiên, thỉnh thoảng bạn có thể làm điều đó, nhưng rất ít người trong chúng tađủ khả năng để làm như vậy thường xuyên. Thế nhưng, với mọi giao tiếp trong đời sống, bạn đều có thể thực hành sự chia sẻ. Một người bán gạo cân nhiều hơn khi bán cho một người nghèo đông con trong xóm; anh thợ cắt tóc chỉ lấy phân nửa tiền công với khách hàng là một cụ già; cô bán rau tặng không mấy bó rau khi người mua là một cháu thiếu niên nghèo phải đi chợ vì mẹ ốm nặng... Những hành vi như thế có thể là nhỏ nhặt, nhưng niềm vui chúng mang lại là không nhỏ, cho cả người chia sẻ và người nhận chia sẻ. Cho dù công việc của bạn là gì, bạn vẫn luôn có thể chia sẻ khi biết quan tâm đến những đối tượng mà bạn đang phục vụ mỗi ngày. Và chắc chắn bạn sẽ nhận ra ngay những cơ hội cũng như phương thức để chia sẻ trong hoàn cảnh cụ thể của mình.

Điều kỳ diệu rồi sẽ xảy ra khi bạn chọn nếp sống chia sẻ. Tiền bạc sẽ không “đội nón ra đi” mãi mãi như nhiều người vẫn tưởng. Ngược lại, bạn sẽ thấy công việc cũng như thu nhập của mình ngày càng được cải thiện hơn. Bạn không biết vì sao ư? Khi bạn quan tâm đến khách hàng và không chỉ giao tiếp đơn thuần trong quan hệ mua bán, phục vụ, mọi khách hàng đều sẽ nhanh chóng cảm nhận được điều đó. Những hành vi, cử chỉ sẵn lòng chia sẻ của bạn, dù nhỏ nhặt, đều sẽ được ghi nhận. Kết quả là bạn ngày càng có đông khách hàng hơn, quan hệ ngày càng dễ dàng thuận lợi hơn. Và hệ quả tất yếu là thu nhập của bạn sẽ tốt hơn.

Ngày nay, các siêu thị lớn thường xuyên mở các lớp đào tạo để nhân viên của họ luôn biết cách quan tâm thật tinh tế đến khách hàng. Mục đích của họ là để việc kinh doanh được tốt hơn, nhưng trong cách làm họ đã bắt đầu nhận ra được nguyên lý quan trọng của sự quan tâm chia sẻ. Một cô bán hàng vừa giao gói hàng cho bạn xong, trìu mến sửa giúp chiếc nón của đứa con bạn đang đội lệch, chắc chắn sẽ là một lý do thuyết phục để lần mua hàng sau bạn vui vẻ quay lại đúng cửa hàng đó. Quan hệ mua bán đơn thuần sẽ bị phá vỡ để đưa mọi người đến gần nhau hơn khi mỗi người đều biết quan tâm chia sẻ cùng người khác. Vì thế, tôi không muốn khuyên bạn sống chia sẻ như một phương thức để phát triển công việc kinh doanh hay dịch vụ, nhưng sự thật thì đó sẽ là một trong những kết quả có được từ nếp sống biết chia sẻ chân thành. Và thật ra thì bạn còn nhận được nhiều hơn thế nữa.

Hạn chế việc chi tiêu hoặc sử dụng tài nguyên quá mức cần thiết cũng là một cách để chia sẻ với cộng đồng. Giới truyền thông ngày nay liên tục quảng bá về việc tiết kiệm điện như một giải pháp thiết thực để bảo vệ môi trường, nhưng chúng ta rất buồn khi phải thừa nhận là còn rất nhiều người chưa hề quan tâm đến điều này. Việc sử dụng nước sạch cũng tương tự. Nhiều người không cho rằng cần phải tiết kiệm nguồn nước sạch tự nhiên. Điều đơn giản chỉ là vì những người ấy không thấy có khó khăn gì nhiều trong việc thanh toán hóa đơn tiền điện hay tiền nước. Nhưng thật ra vấn đề không nằm ở chỗ chúng ta có khả năng thanh toán hay không, mà là ở chỗ ta đang hoang phí những nguồn tài nguyên có giới hạn của toàn nhân loại, lẽ ra có thể dành để phụng sự cho nhiều người một cách lâu dài hơn.

Chúng ta thường có thói quen xem tất cả những gì do mình làm ra hoặc mua sắm được là của riêng ta, và ta có quyền sử dụng theo bất cứ cách nào tùy ý. Thực phẩm đã được mua và trả tiền xong, ta có quyền vất bỏ phần thừa thải sau khi ăn. Hóa đơn tiền nước luôn được trả đủ, ta có quyền sử dụng không hạn chế, dù có tăng thêm năm hoặc mười mét khối cũng chẳng là bao, không cần suy nghĩ. Tiền điện cũng sẽ không đáng là bao, ta thừa sức trả đủ, không cần thiết phải quan tâm đến việc tắt mở quá nhiều lần, cứ để đèn sáng liên tục khắp trong nhà ngoài sân, như vậy vẫn thoải mái hơn...

Cách suy nghĩ như vậy là không đúng, vì nếu tất cả mọi người trên hành tinh này đều quan niệm như thế và thẳng tay hoang phí mọi nguồn tài nguyên, thì chắc chắn là không bao lâu tai họa sẽ đến với toàn nhân loại. Không khí là tài nguyên có giới hạn và đang bị con người làm cho ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng. Nước sạch là tài nguyên có giới hạn và đang bị con người hoang phí khắp mọi nơi, cho dù một tương lai khan hiếm là không khó để nhận biết. Để tạo ra dòng điện, người ta đã tiêu tốn rất nhiều tài nguyên thiên nhiên. Tắt bớt một bóng điện khi không cần đến, sử dụng vừa đủ lượng nước cho nhu cầu thực sự của bạn, tính toán lượng thức ăn sao cho hạn chế sự thừa mứa... Tất cả những điều đó sẽ không làm cho cuộc sống của bạn khốn khổ hơn chút nào, nhưng nếu hàng tỷ người trên hành tinh này đều ý thức được như vậy, chúng ta sẽ tránh được những thảm họa sắp tới cho nhân loại vì sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Chúng ta sẽ không phải ân hận vì đã để lại một di sản quá tồi tệ cho các thế hệ mai sau

Khi ta hiểu được rằng trái đất là ngôi nhà chung và cộng đồng nhân loại luôn phải cùng nhau chia sẻ những gì hiện có trong ngôi nhà đó, chúng ta sẽ thấy rằng mọi sự hoang phí, tàn phá đều là đáng chê trách. Khi chúng ta chi tiêu hay sử dụng vượt quá nhu cầu cần thiết của bản thân, đó là ta đang xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của những người khác. Khi mọi thứ trong môi trường chung này là có giới hạn, thì bất kỳ sự lạm dụng nào cũng đều đang góp phần làm cạn kiệt nhanh chóng hơn nguồn tài nguyên giới hạn đó.

Và trong mỗi cộng đồng xã hội, mỗi thôn xóm hay gia đình cũng vậy. Khi ta biết khéo léo sử dụng thật vừa đủ những gì cần thiết cho cuộc sống, không lạm dụng, không hoang phí, đó là ta đang góp phần giúp cho những người thân quanh ta có được một cuộc sống dễ dàng hơn, tốt đẹp hơn. Và như vậy cũng chính là một nếp sống chia sẻ, chính là sự thực hành bố thí.

Tuy nhiên, nếu bạn vẫn nghĩ rằng cần phải có những sự đóng góp lớn lao hơn, cụ thể hơn, như giúp đỡ người nghèo khó, bệnh tật; ủng hộ các quỹ từ thiện, các chương trình phát triển cộng đồng... bằng những số tiền đáng kể mới có thể xem là thực hành bố thí, thì điều đó thật ra cũng không quá khó khăn như bạn tưởng. Bạn vẫn có thể làm được những chuyện “lớn lao” đó với thu nhập thường xuyên khiêm tốn của mình. Bạn thấy khó khăn ư? Tất nhiên, tôi sẽ không khuyên bạn trích ra một lúc nửa tháng lương hoặc nhiều hơn nữa để làm từ thiện. Điều đó sẽ không mang niềm vui đến cho gia đình bạn, mà e là ngược lại. Tuy nhiên, bí quyết ở đây là bạn có thể đơn giản thực hiện mục tiêu bố thí mỗi ngày với một số tiền rất nhỏ. Chỉ cần tương đương với một chút tiền bạn vẫn cho con bạn ăn quà vặt mỗi ngày chẳng hạn, nhưng tất cả sẽ được đều đặn cho vào một con heo đất dành riêng cho mục đích bố thí. Trong vòng một, hai hoặc thậm chí là nhiều tháng sau, vào một dịp nào đó thuận tiện cần đến, bạn sẽ sẵn có một khoản tiền thực sự khá lớn để thực hành bố thí mà không hề ảnh hưởng gì nhiều đến kinh tế gia đình.

Thật ra, không phải tôi đã nghĩ ra điều này. Tôi chỉ biết được qua thực tiễn từ người bạn là một doanh nhân rất thành đạt. Nhưng anh ấy cũng không tự làm việc này, anh đã khuyến khích hai đứa con mình làm như thế. Bên ngoài con heo đất mà anh nhờ tôi chuyển đến cho một chùa nuôi trẻ mồ côi, tôi thấy ghi rõ dòng chữ: phóng sinhbố thí. Vì thế, tôi đã thật sự ngạc nhiên khi thấy hai cháu nhỏ đã có thể làm được một việc không nhỏ chút nào, nhờ vào phương pháp “tích lũy” này. Tôi tin là mỗi chúng ta đều có thể làm được như thế, nếu muốn.

Nhưng như đã nói trên, nếu bạn có thể rộng lòng chia sẻ mỗi ngày với tất cả những con người mà bạn tiếp xúc, thì chuyện “nuôi heo đất” như thế có thể là không còn cần thiết nữa.

Bạn cũng có thể mang những vật dụng mình không cần đến nữa để chia sẻ cho người khác, đó cũng là bố thí. Nếu gia đình bạn đã ở yên trong một ngôi nhà từ khoảng ba năm hay lâu hơn, tôi tin là chỉ cần dành ra một chút thời gian để xem kỹ lại, bạn sẽ thấy có rất nhiều thứ mà thật ra hiện nay bạn không dùng đến nữa, hoặc thậm chí là không thể sử dụng, nhưng chúng vẫn nghiễm nhiên chiếm chỗ trong nhà bạn. Đó có thể là những dụng cụ không cần dùng đến, những quần áo không còn mặc được vì quá chật, hoặc chỉ đơn giản là những món đồ đã được thay mới bằng loại tốt hơn, tiện dụng hơn... Mặc dù vậy, những thứ “vô dụng” đối với bạn lại rất hữu ích với nhiều người khác, khi họ đang có nhu cầu sử dụng chúng. Chỉ cần có sự quan tâm đúng mức, bạn sẽ có thể nhận ra được những ai đang cần đến các món đồ cũ của mình. Khi cho đi những thứ ấy, bạn thực sự không mất gì cả, thậm chí còn giúp cho căn nhà của bạn được gọn gàng ngăn nắp hơn. Thế nhưng, bằng cách đó bạn đã mang lại lợi lạc cho người khác, và như thế chính là bố thí.

Lòng tham lam ích kỷ rất nhiều khi khiến chúng ta hành xử hết sức vô lý. Chẳng hạn, với những thứ đã trở thành phế thải trong nhà như giấy báo cũ, vỏ chai, hộp nhựa v.v... thay vì phải tự mình mang đến hố rác để vất bỏ, thì khi có người đến tận nhà thu gom mang đi giúp ta, ta lại bắt họ phải trả tiền, cho dù chỉ là một khoản tiền không đáng vào đâu! Những người phải làm công việc vất vả đi mua gom phế liệu thường chẳng mấy ai khá giả, chúng ta nên cảm thông với hoàn cảnh của họ. Khi tôi bảo một người mua ve chai rằng bà ta không phải trả tiền và tôi phải cảm ơn bà, bà đã tròn mắt ngạc nhiên nhìn tôi vì nhiều người khác không làm như vậy. Thậm chí có những người còn kì kèo để bán được với một giá cao hơn! Những người ấy có thể bỏ ra hàng triệu đồng cúng chùa hoặc làm từ thiện để được ghi rõ họ tên, nhưng chỉ vì không hiểu đúng nghĩa hai chữ bố thí nên họ đã bỏ lỡ đi những cơ hội tốt đẹp để thực hành pháp tu này.

Dâng cúng cho các vị tu sĩ hoặc cúng tiền cho các tự viện, chùa chiền cũng là bố thí, nhưng đó là một hình thức bố thí đặc biệt, và do sự cung kính nên ta không gọi đó là bố thí, mà là cúng dường. Xét về ý nghĩa thì việc cúng dường mang lại lợi lạc cho người khác trên hai phương diện. Về mặt trực tiếp, nó tạo điều kiện cho các vị tu sĩ có thể duy trì sự tu tập theo Chánh pháp. Chính nhờ có sự cúng dường của thập phương tín thí mà quý vị tu sĩ mới có được điều kiện ăn ở thật an ổn, thuận tiện cho con đường tu tập. Về mặt gián tiếp, việc cúng dường mang lại lợi lạc cho rất nhiều người, vì nó giúp vào việc xây dựng tự viện, chùa chiền để mọi người có nơi lễ bái; giúp các vị tu sĩđiều kiện tu tập và qua đó thực hiện được công việc giáo hóa, dắt dẫn nhiều người đi theo Chánh pháp. Do đó, có thể nói rằng việc cúng dường mang cả hai ý nghĩa tài thípháp thí.

Tuy nhiên, việc cúng dường có thực sự mang ý nghĩa pháp thí hay không cũng còn tùy thuộc vào sự phát tâm của người cúng dường. Về ý nghĩa tài thí thì quả thật đã quá rõ ràng, bởi chỉ cần chia sẻ với người khác một chén cơm, đó cũng đã là tài thí, huống chi là dâng cúng cho chùa chiền, tự viện... Nhưng về ý nghĩa pháp thí thì còn phải xét theo sự nhận hiểu của người cúng dường. Nếu người cúng dường nhận hiểu sâu xa về việc mình làm thì ý nghĩa pháp thí là rất lớn; nhưng nếu họ chỉ nhận hiểu một cách cạn cợt hoặc thậm chí là không hiểu hay hiểu sai, thì ý nghĩa pháp thí sẽ rất mờ nhạt hoặc thậm chí là hoàn toàn không có.

Một số người đến chùa dâng cúng để cầu nguyện cho mình được “mua may bán đắt, tai qua nạn khỏi, gia đạo bình an...” Với sự cầu nguyện đó khi cúng dường, trước hết là họ đã không xa lìa được tâm tham lam, và như thế đã rơi vào trường hợp “bất thanh tịnh thí”. Việc cúng dường của họ vì thế chỉ mang lại những lợi ích hoàn toàn giới hạn trong giá trị vật chất của số tiền họ hiến cúng. Tôi thường so sánh cách cúng dường như thế này với việc mang tiền gửi vào ngân hàng. Tiền không mất đi, nhưng đến một lúc nào đó bạn chỉ có thể nhận lại cũng số tiền ấy kèm theo một ít tiền lãi, thế thôi. Cách cúng dường này chắc chắn không thể nào mang lại “công đức vô lượng” như được mô tả trong Kinh điển, bởi nó bất quá chỉ là một loại tài thí, nhưng lại không thanh tịnh, vì không hề khởi tâm vị tha mà bị chi phối bởi tâm tham lam, vị kỷ. Do đó, trong trường hợp này thì hoàn toàn không có chút ý nghĩa nào của pháp thí.

Ngược lại, nếu người cúng dường nhận hiểu được sâu xa việc mình đang làm, phát khởi tâm nguyện vị tha, vì sự lợi lạc cho tất cả chúng sanhcầu đạo giải thoát, quyết thành Chánh giác để giáo hóa chúng sanh, thì việc cúng dường đó sẽ có thể xem là bước khởi đầu cho hạnh nguyện vô biên của một vị Bồ Tát. Theo Kinh điển, công đức của việc cúng dường như thế sẽ là vô lượng, bất kể khoản tài vật cúng dường là lớn hay nhỏ, nhiều hay ít. Vì người cúng dường hướng tâm đến việc cầu đạo giải thoát và vì lợi lạc cho tất cả chúng sanh, nên ý nghĩa pháp thí ở đây là quá rõ ràng. Và như đã nói, sự phát tâm như thế chắc chắn sẽ không dừng lại ở việc cúng dường này, mà sẽ tiếp tục dẫn dắt người ấy đi theo con đường tu tập Chánh pháp, tiếp tục làm lợi lạc cho vô số người khác. Chính vì thế mà Kinh điển dạy rằng người cúng dường được như thế sẽ có công đức vô lượng.

Lấy theo hai trường hợp điển hình như trên mà xét, thì việc cúng dường có thể rơi vào bất kỳ khoảng nào ở giữa hai trường hợp đó. Khi sự nhận hiểu về ý nghĩa cúng dường càng sâu xa, sự phát tâm càng mãnh liệt trong ý hướng vị tha, thì ý nghĩa pháp thí càng rõ rệt và công đức cúng dường càng lớn lao. Ngược lại, khi người cúng dường không hiểu hoặc hiểu sai, hiểu một cách mơ hồ về ý nghĩa cúng dường, buông thả theo sự chi phối của lòng tham lam, vị kỷ, thì ý nghĩa pháp thí sẽ trở nên mờ nhạt hoặc mất hẳn, và kết quả của sự cúng dường đó chẳng qua cũng chỉ nằm trong phạm trù các giá trị vật chất mà thôi.

Vì thế, mỗi chúng ta trước khi phát tâm cúng dường lên chư vị tăng ni, chùa chiền, tự viện... cần biết tự vấn mình xem đã có đủ sự hiểu biết cần thiết về ý nghĩa của việc cúng dường hay chưa, đã có thể phát khởi tâm nguyện vị tha, vì sự lợi lạc cho tất cả chúng sanh hay chưa? Có như vậy thì việc cúng dường của chúng ta mới thực sự mang lại kết quả tốt đẹp và đúng nghĩa.

Chia sẻ tri thức

Đối với khá nhiều người, việc chia sẻ tri thức dường như rất ít khi được xem là có liên quan đến khái niệm bố thí. Thế nhưng, như đã nói rõ trong phần trước, chia sẻ tri thức là một trong các loại bố thí theo cách hiểu trong đạo Phật, và đó chính là hình thức pháp thí.

Với một số người khác, tuy cũng biết đến hình thức pháp thí, nhưng lại thường có khuynh hướng cho rằng chỉ những bài thuyết giảng Giáo pháp, Kinh điển... mới được xem là pháp thí. Thật ra, việc thuyết giảng Giáo pháp, Kinh điển được gọi là xuất thế pháp thí, nhưng pháp thí cũng đồng thời bao gồm cả việc chia sẻ mọi phạm trù tri thức khác, và việc chia sẻ những tri thức thuộc phạm vi thế tục được gọi là thế gian pháp thí, cũng là một hình thức bố thí.

Phần lớn chúng ta thường cho rằng mình không có khả năng để thực hành xuất thế pháp thí, bởi không có đủ sự am hiểu Giáo pháp, Kinh điển đến mức đủ để có thể giảng dạy cho người khác. Tuy nhiên, cách hiểu này chưa thực sự đúng, vì ngoài việc giảng giải, thuyết dạy, ta vẫn có thể thực hành xuất thế pháp thí theo nhiều cách khác nữa. Những việc làm như sao chép, in ấn, lưu hành Kinh điển, tạo điều kiện cho người khác được tiếp cận, học hỏi Kinh điển cũng chính là xuất thế pháp thí, vì chúng gieo xuống những hạt giống Bồ-đề, giúp cho nhiều người có thể nhờ đó mà sẽ đạt được sự giải thoát.

Chủ đề pháp thí sẽ bàn đến nhiều hơn trong một phần sau. Ở đây, chúng ta sẽ cố gắng tìm hiểu về việc chia sẻ tri thức như một trong các hình thức bố thí, tức là thế gian pháp thí.

Tri thức là một loại giá trị đặc thù mà khi mang ra chia sẻ chúng ta không hề bị mất đi như các giá trị vật chất. Khi chia sẻ các giá trị vật chất như thức ăn, quần áo, tiền bạc... với người khác, chúng ta chấp nhận cho đi phần giá trị vật chất ấy để làm lợi lạc cho người khác. Nhưng với các giá trị tri thức thì hoàn toàn khác hẳn. Chúng ta có thể chia sẻ nhiều giá trị tri thức với người khác để giúp họ được lợi lạc, nhưng bản thân ta không mất đi gì cả. Ngược lại, chính trong quá trình truyền thụ tri thức cho người khác, chúng ta lại càng củng cố một cách vững chắc hơn nữa những kiến thức đã có.

Mặt khác, những lợi lạctri thức có thể mang lại cho người khác là vô giá. Trong khi những giá trị vật chất như tiền bạc, thức ăn... có thể đo lường được số lượng và mang lại những lợi íchgiới hạn tùy theo số lượng nhiều hay ít của chúng, thì những giá trị tri thức lại không có sự hạn chế như vậy. Chẳng hạn, khi bạn dạy cho một người các công thức nấu ăn, và nhờ đó anh ta kiếm được việc làm nấu bếp cho một nhà hàng nào đó chẳng hạn, thì những tri thức do bạn chia sẻ đó sẽ tiếp tục mang lại lợi lạc cho anh ta một cách lâu dài không hạn chế... Những tri thức thuộc lãnh vực kinh nghiệm sống cũng vậy, đôi khi có thể giúp thay đổi cả một đời người theo hướng tốt đẹp hơn. Đó là điều mà các giá trị vật chất rất khó làm được.

Mỗi tri thức mà ta đã tích lũy được trong cuộc sống khi mang ra chia sẻ đúng lúc đều có thể làm lợi ích cho người khác. Một vài vị thuốc thảo dược đơn giản nhưng khi được chỉ dẫn đúng lúc có thể trị dứt một căn bệnh. Người chia sẻ bài thuốc ấy không mất mát gì, nhưng người nhận chia sẻ thì được lợi lạc vì trị dứt được bệnh tật cho người thân... Một kinh nghiệm mà ta phải mất nhiều năm mới có được, nếu hoan hỷ mang ra chia sẻ với đồng nghiệp sẽ có thể giúp người ấy không phải mất nhiều thời gian để tìm tòi, thử nghiệm như bản thân ta trước đây. Mỗi một lãnh vực đa dạng trong đời sống mà ta đã từng trải qua chắc chắn đều đã tích lũy cho ta ít nhiều những hiểu biết, kinh nghiệm. Những điều ấy sẽ có giá trị vô cùng lớn lao đối với những người đi sau ta trên cùng một con đường, hoặc thậm chí còn có thể giúp ích cho nhiều lãnh vực liên quan khác. Nhưng khi sẵn lòng mang ra chia sẻ những thứ ấy, bản thân ta cũng không mất đi điều gì cả.

Hẳn có người sẽ viện dẫn một số điều mà họ thấy là bất lợi khi chia sẻ tri thức cùng người khác. Họ có thể cho rằng, trong môi trường sống cạnh tranh lẫn nhau, khi người khác có được những tri thức mà ta đang nắm giữ, họ sẽ giành lấy nhiều nguồn lợi mà lẽ ra phải thuộc về ta. Nói cách khác, bạn sẽ phải cạnh tranh với chính những người mà bạn đã chia sẻ tri thức. Nhưng điều đó chỉ đúng trong một số trường hợp giới hạn, với những tri thức hiện đang là nguồn sống của người sở hữu nó chẳng hạn...

Như đã nói, tri thức là một giá trị. Và do đó, quyền sở hữu tri thức, hay sở hữu trí tuệ được cộng đồng xã hội thừa nhậnbảo vệ. Khi một tri thức nào đó là phát minh hay thành tựu có được từ quá trình nỗ lực học hỏi, nghiên cứu của riêng bạn, không ai có quyền sử dụng nó mà không được sự cho phép của bạn. Luật pháp bảo vệ điều này và có những quy định thích hợp để thực hiện sự bảo vệ đó. Tất nhiên, với những tri thức loại này, bạn hoàn toàn giữ quyền quyết định việc có chia sẻ với người khác hay không, và nếu có thì nên chia sẻ theo cách nào. Với những người làm việc trong lãnh vực nghiên cứusáng tạo, đôi khi quyền sở hữu trí tuệ là điều duy nhất mà họ có được từ thành quả lao động trí óc của mình. Những ai sử dụng các thành quả trí tuệ đó tất nhiên có nghĩa vụ phải chi trả bằng những khoản tiền tương xứng. Có như vậy thì những công việc nghiên cứu sáng tạo mới có thể được duy trì để tiếp tục phụng sự xã hội.

Trong nền văn minh phương Đông ngày xưa không thấy đặt ra vấn đề bảo vệ tác quyền. Những kiến thức chuyên môn như kinh nghiệm độc đáo hay sáng chế cá nhân được người ta giữ bản quyền cũng như tự bảo vệ bằng cách giấu kín và chỉ truyền dạy cho một số ít người nào đó, thường là trong gia tộc hoặc môn phái của mình. Từ đó ta thấy phát sinh những hiện tượng gia truyền, bí truyền... Điều này đã gây ra nhiều tổn thất lớn lao cho cộng đồng xã hội, vì những kiến thức loại này thường rất quý giá, có thể là kinh nghiệm tích lũy nhiều đời của những bộ óc kiệt xuất, tài ba, nhưng cuối cùng lại rất dễ dàng rơi vào tình trạng thất truyền, mất hẳn đi chỉ vì có một thế hệ nào đó không hoàn thành được việc trao truyền cho thế hệ truyền nhân kế tiếp. Ngày nay, chúng ta không chọn cách giấu kín tri thức như thế nữa, mà thay vì vậy những tri thức loại này sẽ được truyền bá một cách có điều kiện. Những người sử dụng tri thức phải trả tác quyền cho người sở hữu tri thức, sáng chế... Bằng cách đó, tri thức vẫn được lưu hành rộng rãi mà người sở hữu hay sáng chế nó vẫn không bị thiệt thòi

Tuy nhiên, nhìn chung thì không phải tất cả những tri thức bạn có đều thuộc loại cần được bảo vệ. Trong thực tế, có rất nhiều tri thức chúng ta có được chính là nhờ sự chia sẻ miễn phí từ người khác. Một số khác có thể là kinh nghiệm của riêng ta, hoặc là kết quả của quá trình nghiên cứu, học hỏi dài lâu, nhưng việc chia sẻ với người khác chưa hẳn đã mang lại điều gì bất lợi cho ta. Trong trường hợp đó, chúng ta không có lý do gì khác cho việc không chia sẻ những tri thức ấy để mang đến sự lợi lạc cho người khác, trừ lý do duy nhất là lòng ích kỷ. Thậm chí, nếu quả thật có phải chịu thiệt thòi phần nào về mình, nhưng xét thấy sự lợi lạc mang đến cho người khác là lớn hơn, ta vẫn có thể chọn con đường chia sẻ hơn là khép kín. Bản thân người viết đã chọn chia sẻ những tác phẩm của mình hoàn toàn miễn phí với tất cả mọi người qua nhiều hình thức, cho dù việc phát hành bản in các tác phẩm đó là yếu tố quyết định phần lợi nhuậntác giả được hưởng.

Kho tri thức của mỗi người chúng ta đều đa dạng và vô tận. Mỗi một giây phút còn tồn tại trong đời sống, chúng ta không ngừng tiếp nhận thêm những hiểu biết, những kinh nghiệm mới. Tuy nhiên, trong thực tế thì phần lớn nguồn tri thức căn bản của chúng ta là nhận được từ sự chia sẻ của người khác. Những kiến thức khoa học, những hiểu biết thường thức, hầu hết không do ta tự tìm ra, mà là thừa hưởng từ sự tích lũy trao truyền của nhiều thế hệ đi trước. Không có những nguồn chia sẻ tri thức đó, chúng ta không thể được tận hưởng nếp sống văn minh của con người hiện đại. Hơn thế nữa, từ những phương thức ứng xử trong đời sống cho đến rất nhiều những hiểu biết thiết thực hằng ngày, chúng ta đều được học hỏi “miễn phí” theo một cách nào đó từ người khác. Vì thế, nếu xem xét vấn đề một cách “sòng phẳng” thì ta cũng có bổn phận phải đền đáp bằng cách chia sẻ tri thức với người khác, với cộng đồng quanh ta.

Chia sẻ tri thức là điều rất đơn giản nhưng ít người sẵn lòng thực hiện. Nhiều người thấy khó chịu khi phải dành thời gian để chỉ bày hay truyền đạt điều này điều nọ cho người khác, nhất là khi việc làm đó chẳng mang lại cho họ chút lợi ích vật chất nào ngay trước mắt. Tuy nhiên, nếu bạn thử chọn con đường hoan hỷ chia sẻ những gì mình biết với người khác, không bao lâu bạn sẽ thấy đời sống của mình thực sự thay đổi. Mọi quan hệ giữa bạn với người khác sẽ trở nên cởi mởthân thiện hơn. Và điều này chắc chắn sẽ giúp bạn dễ dàng học hỏi được rất nhiều từ người khác. Cuối cùng, bạn sẽ sớm nhận ra một mối tương quan tất yếu: sự chia sẻ tri thức cũng chính là điều kiện để chúng ta có thể nhận được tri thức từ người khác.

Hơn nữa, khi nhận biết rằng tri thức cũng là một giá trị để ta sử dụng trong việc thực hành bố thí, ta sẽ không còn thấy việc dành thời gian để chia sẻ tri thức với người khác là vô bổ, vì ta biết rằng điều đó đang mang lại lợi lạc cho người được chia sẻ cũng như chính bản thân ta. Thật ra, một trong những giá trị thực sự của đời sống chính là có được quan hệ giao tiếp tốt đẹp với mọi người quanh ta, và thực hành bố thí bằng cách chia sẻ tri thức giúp ta dễ dàng đạt được điều đó.

Chia sẻ thời gian

Thời gian là một giá trị vô cùng đặc biệt trong đời sống. Tự thân nó dường như rất khó có thể được xác định giá trị một cách cụ thể, nhưng nếu khôngthời gian thì hầu như tất cả các giá trị khác đều trở thành vô nghĩa. Vì thế, giá trị của thời gian chính là giá trị nền tảng để ta có thể sử dụng được bất kỳ giá trị nào khác.

Và với sự quý giá như thế, việc chia sẻ thời gian của mỗi chúng ta với người khác tất nhiên sẽ là điều rất khó khăn. Có người cho rằng, thời gian ngày nay có giá trị gấp nhiều lần so với những thập niên trước đây, bởi hiện nay tất cả chúng ta đang phải vận hành với tốc độ của những máy vi tính cá nhân, của những đường truyền tải dữ liệu siêu tốc do con người tạo ra, thay vì là với tốc độ thông thường của những con người bằng xương bằng thịt. Điều đó làm cho quỹ thời gian của chúng ta trở nên ngày càng khan hiếm. 

Ngày nay con người làm ra được rất nhiều thứ với một tốc độ chóng mặt, nhưng khi nhìn lại sự phân bổ thời gian trong một ngày của bản thân mỗi người, chúng ta thường không khỏi giật mình vì dường như ta có quá ít thời gian để dành cho chính mình và người thân trong gia đình. Thật ra, nếu chúng ta không sớm nhận ra và thay đổi, điều này có thể sẽ trở thành một vấn nạn trong đời sống tinh thần.

Người ta thường kể cho nhau nghe một giai thoại về Bill Gates, ông chủ của Microsoft, rằng nếu khi đang đi mà đánh rơi tờ 100 đô-la thì ông ta sẽ không dừng lại để cúi xuống nhặt lên, vì như vậy sẽ mất đi một quãng thời gian mà ông có thể làm ra nhiều hơn 100 đô-la!

Tôi không hoài nghi khả năng đó ở một con người tài ba và thành đạt như Bill Gates, nhưng tôi không nghĩ rằng tất cả thời gian của ông đều phải hoán đổi thành tiền theo cách đó. Lấy ví dụ, cứ cho là ông ta sẽ mất khoảng 5 giây để dừng lại và cúi xuống nhặt tờ giấy bạc vừa đánh rơi, và sau khi làm phép toán so sánh như trên thì ông không cần nhặt nó để khỏi mất quãng thời gian 5 giây. Như vậy, có thể biết rằng trong một phút ông ta có thể làm ra nhiều hơn con số 60/5 = 12 lần x 100 đô-la, tức là 1.200 đô-la. Mặc dù vậy, nếu ông ta đưa vợ đi ăn tối trong khoảng 1 giờ, tôi không tin là ông sẽ suy tính đến khoản tiền 1.200 đô-la x 60 phút = 72.000 đô-la bị mất đi, hoặc chí ít cũng không nghĩ rằng vợ ông phải thừa nhận ông đang dành cho bà một giá trị khoảng 72.000 đô-la!

Vì thế, cho dù tục ngữ có câu: “Thì giờ là vàng bạc”, chúng ta cũng không thể hình dung được rằng tất cả thời gian của mình đều có thể hoán chuyển thành tiền bạc. Trong thực tế, để thời gian có thể biến thành tiền bạc hay giá trị vật chất, chúng ta cần đến hàng loạt các giá trị khác phải được sử dụng đồng thời trên nền tảng của quãng thời gian đó. Như thế, thời gian tự nó không biến thành tiền bạc, mà điều đó chỉ xảy ra khi chúng ta kết hợp sử dụng được năng lực làm việc, cảm hứng làm việc, các điều kiện làm việc... cũng như nhiều yếu tố hỗ trợ khác nữa. Chính vì thế mà điều tất yếu là chúng ta không thể sử dụng tất cả thời gian của mình để làm ra tiền bạc nói riêng, hay các giá trị vật chất nói chung. Chúng ta còn cần đến thời gian để nuôi dưỡng năng lực làm việc, để tạo cảm hứng, điều kiện... cho công việc của mình. Và vượt trên tất cả những điều đó, chúng ta cần thời gian để thực sự được sống, bởi mọi giá trị vật chất được làm ra suy cho cùng cũng chỉ là để phục vụ đời sống, nếu ta cứ mải miết chạy theo việc tạo ra các giá trị vật chất mà không có được những phút giây thực sự để cảm nhận đời sống này thì điều đó sẽ vô nghĩa biết bao!

Trong ý nghĩa đó, chúng ta rất cần phải xét đến việc dành thời gian chia sẻ với người khác. Chia sẻ thời gian không giống với việc chia sẻ các giá trị vật chất hay tri thức, vì nó vừa có thể bao gồm các giá trị đó, vừa mang những tính chất đặc thù khác nữa. Khi bạn chia sẻ tri thức với người khác trực tiếp hoặc gián tiếp, điều tất nhiên là bạn vẫn đang dành một phần thời gian cho người được chia sẻ. Tuy nhiên, điều mà bạn đang nhắm đến vẫn là chia sẻ tri thức. Khi bạn hướng đến việc chia sẻ thời gian, bạn không nhất thiết phải có hoặc không có kèm theo các giá trị khác. Việc dành thời gian để chia sẻ với người khác tự nó đã là một giá trị. Khi một người thân cần đến và bạn có mặt bên cạnh, tự thân điều đó đã là một giá trị. Bạn không kèm theo và người đó cũng có thể không cần đến bất kỳ giá trị nào khác ngoài sự có mặt bên cạnh của bạn. Cũng vậy, khi bạn đến với một ai đó trong ý nghĩa chia sẻ thời gian, bạn có thể làm bất cứ điều gì có thể được vì người ấy, nhưng cũng có thể là không cần phải làm gì cả, mà chỉ là một sự có mặt đơn thuần để chia sẻ cùng nhau những cảm xúc nhất định, những khoảnh khắc trong đời sống.

Những người trước tiên mà bạn cần thiết phải chia sẻ thời gian chính là những người thân quanh bạn. Nếu bạn nghĩ rằng trách nhiệm của một người cha tốt hay một người chồng lý tưởng chỉ là lo chống đỡ kinh tế gia đình, có lẽ bạn cần phải xem xét lại. Điều đó tất nhiên cũng không sai, nhưng có lẽ là chưa đủ. Bạn nên biết, những gì mà người thân của bạn cần đến không chỉ là những giá trị vật chất để đảm bảo một cuộc sống gia đình sung túc, mà còn là bầu không khí ấm áp thực sự dưới một mái gia đình, khi mọi người có đủ cơ hội để chia sẻ cảm xúcquan tâm đến nhau. Và xét từ góc độ này thì việc chia sẻ thời gian là điều tối cần thiết mà không gì khác có thể thay thế được. Nếu nhìn lại quỹ thời gian trong ngày và không thấy có thời gian nào dành riêng cho gia đình, có lẽ bạn cần phải suy nghĩ về điều đó.

Rất có thể một số người sẽ đặt câu hỏi, khi tôi dành thời gian cho chính gia đình tôi thì điều đó làm sao có thể mang ý nghĩa vị tha, bố thí như đang bàn ở đây? Sự thật là có đấy. Khi bạn sinh khởi tâm vị tha hướng về sự lợi lạc cho người khác, hoàn toàn không có lý do gì để bạn phải loại trừ những “người khác” ở ngay bên cạnh bạn, trong gia đình bạn. Trong thực tế, nếu bạn còn chưa ứng xử vị tha được với chính gia đình mình thì bạn rất khó lòng có thể thực sự mở lòng vị tha đến với những người khác. Vì thế, cách thực hành vị tha tốt nhất vẫn phải là khởi đầu từ chính những người thân quanh bạn, trước khi phát triển dần dần đến với mọi người khác.

Khi đã tạo được một không khí gia đình hạnh phúc, bạn mới có thể tiến đến sự hài hòa chia sẻ với những người khác trong cộng đồng thôn xóm, rồi rộng ra đến với tất cả mọi người. Nền tảng của quá trình phát triển tốt đẹp này chính là việc biết dành thời gian để chia sẻ, cảm thông cùng người khác. Và khi chia sẻ thời gian với người khác để giúp cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, đó chính là bạn đang thực hành bố thí.

Chia sẻ yêu thương

Mỗi chúng ta ai cũng đã có ít nhất hơn một lần cảm nhận những cảm xúc ngọt ngào ấm áp khi được ai đó dành cho ta sự thương yêu. Đó có thể là một lời nói thương yêu, một cử chỉ đằm thắm biểu lộ tình cảm sâu xa, hay một sự vuốt ve trìu mến từ khi ta còn thơ ấu... Những cảm xúc ngọt ngào khi được thương yêu luôn để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp và sâu đậm trong lòng ta. Có những ấn tượng thuộc loại này thậm chí có thể theo ta trong suốt cả cuộc đời.

Điều nghịch lý đối với phần lớn chúng ta là, cho dù ta cảm nhận dễ dàng những tác động tích cực của tình thương mà người khác dành cho ta, nhưng bản thân ta lại thường rất hạn chế việc dành tình thương cho người khác. Chúng ta thường tiếp cận người khác với ít nhiều sự hoài nghi hơn là cởi mở; với sự phê phán, chê bai và chỉ trích hơn là cảm thông, thân thiện và gần gũi. Những điều đó trở thành rào cản của sự thương yêu, và khiến cho ta luôn phải tìm kiếm một lý do nào đó để mở lòng chia sẻ yêu thương cùng người khác.

Thật ra, về bản chất thì tình thương không cần phải viện đến lý do. Khi nhìn thấy một em bé kháu khỉnh, cảm nhận chung của hầu hết chúng ta là “em bé thật dễ thương”, nhưng chúng ta không cần đến sự giải thích vì sao nó “dễ thương”. Những cảm xúc tự nhiên như thế thuộc về bản năng của mỗi chúng ta, và nó sinh khởi rất tự nhiên. Cũng giống như khi ta nhìn thấy một ai đó rơi vào hoàn cảnh đau thương bi đát thì trong ta tự nhiên khởi sinh lòng thương cảm, muốn sẻ chia giúp đỡ... Điều đó hầu như sẵn có ở tất cả chúng ta, và nếu như nó thật sự đã mất đi ở một người, ta sẽ bảo đó là một con người vô cảm. 

Nhưng trong thực tế thì cuộc sống với nhiều va chạm và lăn trải dường như đã làm cho mỗi chúng ta cũng dần dần trở nên vô cảm ở một chừng mực nào đó mà chính ta đôi khi không thể tự nhận biết. Điều này khiến cho chúng ta gần như luôn bị ngăn trở mỗi khi sinh khởi lòng yêu thương hướng về ai đó theo bản năng tự nhiên. Khuynh hướng “vô cảm” cũng như sự ngăn trở này thật ra có nguyên nhân sâu xa từ lòng vị kỷchúng ta đang âm thầm nuôi dưỡng. Do tâm lý vị kỷ, chúng ta luôn có cảm giác hoài nghi về người khác, luôn nghĩ rằng họ rất có thể đang có ý đồ lấy đi một cái gì đó của ta... Điều nguy hiểm hơn nữa là, trong lòng ta vẫn luôn âm thầm xem tâm lý hoài nghi đó như một kiểu cơ chế “tự vệ” cần thiết để giúp ta phòng ngừa trước những “mưu đồ hãm hại” nếu có của người khác.

Các nhà khoa học hiện nay cũng đã nhận biết được tâm lý ẩn tàng này và có khuynh hướng giải thích về nó như là hệ quả từ hoạt động của phần não bộ được gọi tên là cuống não (brain stem) hay não bò sát, vốn là một trong 3 phần cấu thành toàn bộ não của con người, bao gồm cuống não (brain stem), viền não (limbic system) và vỏ não mới (neocortex).

Trong quá trình hình thành và phát triển não bộ con người, phần cuống não (brain stem) là phần có nguồn gốc cổ xưa nhất, đã xuất hiện sớm nhất. Trong thực tế, loài bò sát hiện nay vẫn còn giữ nguyên cấu trúc não bộ gần giống như phần cuống não của con người, vì thế mà phần cuống não này cũng thường được gọi là phần não bò sát. Đặc trưng của các hoạt động cuống não là điều khiển những phản ứng tức thời hoàn toàn theo bản năng, không có sự tham gia của tiến trình suy luận hay đối chiếu kinh nghiệm. Các hoạt động này là bản năng tối cần thiết cho sự sinh tồn của động vật, khi cần phải phản ứng tức thời trước bất kỳ mối nguy hiểm đe dọa nào từ môi trường sống. Hệ quả là nếu một loài động vật chỉ đơn thuần hoạt động theo kiểu này - như loài bò sát - thì chúng hoàn toàn không có khả năng thân thiện hay hòa giải. Trong “lập trình” của loại não bộ này chỉ có đơn thuần một kiểu phản ứng chọn lựa tức thời giữa “bỏ chạy” (khi thấy mình yếu kém) hoặc “tấn công” (khi thấy mình đủ mạnh). Thuật ngữ tiếng Anh gọi kiểu phản ứng này là fight-or-flight (chống lại hay bỏ chạy). Chúng ta có thể thấy ngay kiểu hoạt động “sơ khai” này của phần não bò sát không thể là mảnh đất màu mỡ cho tình thương phát triển.

Nhưng bản năng sinh tồnhết sức mạnh mẽ. Vì thế, tuy với các phần não bộ phát triển về sau, đặc biệt là lớp vỏ não mới (neocortex), con người đã trở thành một sinh vật bậc cao với những phát triển tâm sinh lý vô cùng phức tạptinh tế, có khả năng nuôi dưỡng lòng thương yêu hướng về người khác, nhưng kiểu bản năng fight-or-flight của thời cổ xưa dường như vẫn chưa hoàn toàn mất hẳn. Nó vẫn âm thầm tác động và làm cho chúng ta luôn có khuynh hướng ngờ vực khi tiếp cận bất kỳ đối tượng mới nào, như một cách mà ta cho là cần thiết để tự bảo vệ.

Và chính cái tâm lý “tự vệ” này là một rào cản rất kiên cố, nó ngăn trở mỗi khi ta muốn mở lòng chia sẻ yêu thương cùng ai đó. Thay vì khởi đầu một quan hệ mới với sự cảm thôngthân thiện, tâm lý “tự vệ” này thôi thúc ta phải luôn dè dặt, hoài nghi đối với bất kỳ con người nào mà ta chưa thực sự biết rõ. Ta có cảm giác rằng cung cách ứng xử như vậy là an toàn hơn, ít rủi ro hơn, và do đó có thể bảo vệ ta trước những mối nguy hiểm nào đó có thể có trong giao tiếp. 

Tuy nhiên, khi ta chọn cách ứng xử “an toàn” như thế thì ta cũng đồng thời đánh mất đi nhiều cơ hội quý giá để cảm thông với người khác. Điều đó khiến cho tâm hồn ta trở nên khép chặt thay vì là rộng mở, và sự “an toàn” mà ta cảm nhận đó thật ra chỉ là một sự né tránh thực tại, nên nó luôn mang lại cho ta cảm giác yếu đuối và sợ sệt thay vì là an ổnvững chãi. Mặt khác, nó cũng thường tạo ra những định kiến không tốt về người khác, khiến ta không thể nhận biết những phẩm chất tốt đẹp thật có nơi họ. 

Những khuynh hướng tâm lý như vừa nói trên là hoàn toàn có thể vượt qua bằng sự phân tích của lý trí cũng như sự tu dưỡng của tâm hồn. Với những trải nghiệm thực tiễn trong cuộc sống, chúng ta sẽ dần dần nhận ra rằng sự hoài nghi và khép kín hoàn toàn không phải là phương thức để giúp ta được an ổn. Ngược lại, chính sự cảm thông và hòa nhập với mọi thành viên khác trong cộng đồng mới chính là cách tốt nhất để ta được an toànhạnh phúc.

Khi thay đổi khuynh hướng nhận thức về người khác và bắt đầu nuôi dưỡng lòng thương yêu, ta sẽ thấy cuộc sống nói chung và những quan hệ với người khác nói riêng đều dần dần rộng mở. Và hiệu quả tương tác nảy sinh sẽ giúp ta nhận được ngày càng nhiều hơn sự cảm thông, chia sẻ và thương yêu từ người khác. Một khởi đầu như thế bao giờ cũng làm cho cuộc sống của chúng ta bắt đầu có những thay đổi, chuyển biến tích cực hơn.

Chúng ta chỉ có thể chia sẻ yêu thương cùng người khác khi tự thân ta đã nuôi dưỡng được lòng thương yêu rộng lớn và vô điều kiện. Đây chính là lý do vì sao khi thực hành bố thí đức Phật đã dạy rằng phải khởi đầu với tâm từ bi. Chúng ta luôn có được những lợi lạc vô biên khi nuôi dưỡng lòng từ bi, biết thương yêu mọi người. Khi ta mang sự yêu thương đó chia sẻ cùng mọi người, đó chính là thực hành bố thí, vì ta đang mang đến cho họ những lợi lạc vô biên như chính ta được hưởng, và điều đó thì không một giá trị vật chất nào có thể thay thế được.

Chia sẻ yêu thươngphát khởi lòng thương yêu bình đẳng hướng đến tất cả, nhưng điều đó không có nghĩa là ta sẽ ứng xử giống hệt như nhau đối với tất cả mọi người. Bởi vì sự bình đẳng không có nghĩa là xóa bỏ đi mọi khác biệt thật có giữa những cá nhân. Ngược lại, với lòng thương yêu bình đẳng, ta sẽ luôn sáng suốt nhận ra được sự khác biệt của mỗi người mà ta có cơ hội tiếp xúc, và có những ứng xử thích hợp với từng người xuất phát từ một nền tảng duy nhất là lòng thương yêu mà ta hướng đến họ.

Lòng thương yêuđiều kiện hướng đến tất cả mọi người như đề cập ở đây hoàn toàn khác với sự luyến áiđiều kiệnchúng ta thường hướng về một số đối tượng giới hạn. Điều kiện của luyến ái là đối tượng phải thỏa mãn những gì ta mong muốn. Đó có thể là người có ngoại hình như ta yêu thích, hoặc có cung cách ứng xử, nói năng làm ta ưa chuộng, thích thú... hoặc cũng có thể là người mà ta đặt kỳ vọng sẽ làm điều gì đó theo ý ta... Nói chung, khi ta hướng tâm luyến ái đến một đối tượng thì yếu tố quyết định không phải do nơi tự thân đối tượng đó, mà là thông qua một quá trình so sánhđối chiếu với những điều kiện nhất định đã hình thành trong ta. Sự thỏa mãn các điều kiện chủ quan do ta đưa ra chính là yếu tố quyết định để ta khởi tâm luyến ái với một đối tượng. Ngược lại, khi bạn phát khởi tâm từ bi và hướng sự thương yêu đến mọi người thì đó là một sự thương yêu khởi sinh từ trong tâm thức của bạn, không có sự phụ thuộc vào những điều kiện hay kỳ vọng nơi đối tượng. Chính vì thế, sự luyến ái luôn thay đổi tùy theo các điều kiện được đặt ra, trong khi lòng thương yêu chân thật thì không hề thay đổi.

Do sự khác biệt về cơ bản như trên, nên sự ái luyến luôn đi kèm theo với ý đồ chiếm hữu và tâm ích kỷ. Với tâm ái luyến, bạn thương yêu một người và mong muốn người đó là của bạn, phải làm mọi việc theo ý bạn... Nếu điều đó không được thỏa mãn, bạn đau khổ và thậm chí còn có thể sinh tâm oán hận, căm ghét chính người mà bạn đã từng thương yêu. Ngược lại, với lòng thương yêu chân thật thì bạn luôn mong muốn cho người mình thương yêu luôn được nhiều lợi lạc, được an ổnhạnh phúc. Những mong muốn ấy không hề có bất kỳ điều kiện nào khác đi kèm theo. Vì thế, bạn không bao giờ phải rơi vào tâm trạng thất vọng, cho dù đối tượng mà bạn thương yêu đó có ứng xử theo bất cứ cung cách nào.

Do đó, khi nuôi dưỡng lòng thương yêu chân thật thì cảm xúc thương yêu càng mạnh mẽ sẽ giúp bạn càng trở nên sáng suốt, an lạchạnh phúc. Ngược lại, khi rơi vào luyến ái thì cảm xúc càng mạnh mẽ bạn càng trở nên mù quáng, khổ đau và sợ hãi. Những điều này đã được đức Phật chỉ rõ trong Kinh Pháp cú:

Ái luyến sinh sầu bi,
Ái luyến sinh sợ hãi.
Ai giải thoát ái luyến,
Không sầu, đâu sợ hãi.

Kinh Pháp cú 
(Kệ số 213 - HT Thích Minh Châu dịch)

Chính vì thế mà khi rơi vào luyến ái thì con người luôn trở thành yếu đuốibất an. Ngược lại, khi phát khởi được tâm từ bi và nuôi dưỡng lòng thương yêu hướng đến mọi người thì tâm hồn ta ngày càng mạnh mẽ, an ổnhạnh phúc.

Lòng yêu thương là một giá trị vô giá và vô hạn trong cuộc sống mà ta có thể chia sẻ mãi mãi cùng tất cả mọi người. Và hơn thế nữa, việc thực hành chia sẻ yêu thương hướng đến người khác cũng chính là vun bồi và nuôi dưỡng hạt giống thương yêu trong chính bản thân ta. Và điều đó mang lại lợi lạc cho chính ta trước khi lan tỏa và làm lợi lạc cho tất cả mọi người khác.

Chia sẻ niềm tin

Niềm tin mang lại cho chúng ta sức mạnh tinh thần trong cuộc sống. Trong rất nhiều trường hợp, nhờ có niềm tin ta mới có thể vượt qua mọi hoàn cảnh khó khăn mà không rơi vào sự buông xuôi, tuyệt vọng.

Mỗi người chúng ta có thể tìm được niềm tin trong cuộc sống theo một cách khác nhau. Có người đặt niềm tin vào một lý tưởng, học thuyết hay triết lý; nhiều người khác thường đặt niềm tin vào tôn giáo, tín ngưỡng. Dù là chọn đặt niềm tin vào đối tượng nào đi nữa, việc xác lập niềm tin luôn mang lại cho chúng ta một sức mạnh tinh thần đáng kể

Việc xác lập niềm tin thường là một quá trình lâu dàiliên tục trải qua nhiều thử thách chứ không phải kiểu quyết định đưa ra một lầnbất biến. Trong thực tế, khi những thử thách mà một cá nhân đặt ra cho đối tượng niềm tin của mình không được thỏa mãn, cá nhân đó sẽ không thực sự đặt niềm tin vào đối tượng ấy. Mỗi một cá nhân cũng có những yêu cầu khác nhau trong việc xác lập niềm tin của mình, tùy thuộc vào nền tảng giáo dục cũng như môi trường, hoàn cảnh sống khác biệt và nhất là cá tính của mỗi người. Có những người rất dễ đặt niềm tin, chẳng hạn như chấp nhận dựa theo truyền thống gia đình hoặc tin theo người khác, nhưng có người phải tự mình trải qua những quá trình thao thức, trăn trở rất lâu trước khi có thể thực sự xác lập được niềm tin cho cuộc đời mình. Nói chung, với một nền tảng tri thức càng sâu vững thì việc xác lập niềm tin thường sẽ được thực hiện với sự cẩn trọng và với nội hàm sâu sắc hơn.

Thật ra, nếu chúng ta chọn một nếp sống không ngừng vươn lên hoàn thiện bản thân thì việc xác lập niềm tin sẽ là một công việc kéo dài liên tục. Có những tiêu chí để xác lập niềm tin chỉ đúng và phù hợp trong một giai đoạn nhất định, nhưng sau những trải nghiệm và học hỏi của chúng ta từ cuộc sống thì chúng cần được thay đổi. Chính vì thế mà không ít người đã thay đổi niềm tin của họ vào một giai đoạn nào đó trong cuộc đời, cho dù đó có thể là niềm tin vào một lý tưởng, một triết thuyết hay một tôn giáo... Khi niềm tin được xác lập với một định kiến là sẽ không bao giờ thay đổi, đó là cuồng tín. Khi niềm tin được xác lập không cần đến sự phân tích, suy luận và khảo xét, đó là mê tín. Một niềm tin chân chánh, hay chánh tín, luôn được xác lập với sự phân tích sâu xa, suy luận sáng suốt và khảo xét kỹ lưỡng, đảm bảo rằng niềm tin ấy phải đáp ứng mọi tiêu chí cần thiết để trở thành một định hướng đúng đắn cho cuộc sống.

Dù là cuồng tín, mê tín hay chánh tín, tất cả những niềm tin này đều mang lại cho chúng ta sức mạnh tinh thần. Điều bất hạnh cho những người cuồng tínmê tínniềm tin của họ sẽ dẫn dắt họ đi theo những con đường sai trái, với những hành vi gây khổ đau cho chính bản thân và người khác, thay vì là kiến tạo một đời sống an vui và hạnh phúc. Ngược lại, khi có được chánh tín, chúng ta sẽ luôn hướng đến một đời sống ngày càng tốt đẹp hơn, một tương lai luôn giảm nhẹ khổ đau và tăng thêm hạnh phúc.

Đức Phật dạy rằng, nếu muốn có một cuộc sống hạnh phúc thì chúng ta phải xác lập niềm tin theo chánh tín. Ngài không chấp nhận việc tin theo, ngay cả là tin theo những lời dạy của ngài, mà không có sự phân tích, suy luận và khảo xét kỹ lưỡng cũng như tự mình thể nghiệm những giá trị chân thật. Vì thế, ngay cả đối với những người Phật tử thuần thành thì việc tin theo lời Phật dạy cũng không bao giờ là một sự bắt buộc. Thay vì vậy, việc tin theo lời Phật dạy phải là một quá trình liên tục nhận hiểu, thể nghiệm và xác tín. Trong suốt quá trình này, các yếu tố luôn hỗ tương cho nhau, và nếu mọi thứ được vận hành đúng hướng, niềm tin của bạn sẽ ngày càng sâu vững hơn. Chẳng hạn, nhờ có sự nhận hiểu mà ta có thể tự mình thể nghiệm, nhờ thể nghiệm mà ta xác tín vào những lời dạy, nhưng cũng đồng thời nhận hiểu được đầy đủ hơn ý nghĩa của vấn đề. Rồi nhờ nhận hiểu đầy đủ hơn mà sự thể nghiệm sẽ được sâu sắc hơn. Quá trình tương tác này sẽ liên tục làm cho niềm tin của ta khi đã đặt vào một điều thực sự đúng đắn thì sẽ ngày càng sâu vững hơn, nhưng đồng thời cũng đảm bảo nếu đó là một niềm tin lệch lạc thì ta sẽ sớm nhận biếttừ bỏ.

Việc xác lập niềm tin chân chính mang lại cho chúng ta những lợi lạc lớn lao trong cuộc sống, mà trước hết là một nghị lực vững vàng giúp ta có thể vượt qua mọi khó khăn thử thách. Ngoài ra, niềm tin chân chánh cũng dẫn dắt chúng ta trong bất kỳ hoàn cảnh nào, giúp ta không rơi vào sai lầm, lệch lạc, không chạy theo những thôi thúc không chính đáng, và nhờ đó mà không gây ra khổ đau cho chính mình và người khác. Hơn thế nữa, niềm tin cũng giúp ta luôn duy trì được sự lạc quan hy vọng trong cuộc sống, cho dù có phải đối mặt với những hoàn cảnh bi thương mất mát. Và quan trọng hơn hết, niềm tin chân chánh luôn là động lực thúc đẩy chúng ta không ngừng vươn lên hoàn thiện chính mình, luôn hướng đến những mục đích cao quý hơn, ý nghĩa hơn trong cuộc sống.

Do những công năng lớn lao đó nên việc xác lập niềm tin chân chánh có thể xem là một thành tựu vô cùng lớn lao mà không phải bất kỳ ai cũng dễ dàng có được. Đây không phải điều tất nhiên phải đến, mà là kết quả của một quá trình kiên trì tìm kiếm, nỗ lực hết mình với cả trí tuệthể lực để vượt qua mọi thử thách, loại bỏ mọi sai lầm. Có người phải trải qua gần hết cuộc đời với sự trăn trở, quay quắt trong những nhận thức trái chiều nhau cũng như phải trải nghiệm vô vàn những khổ đau, bất hạnh trong cuộc sống, rồi cuối cùng mới có thể tìm ra được một niềm tin đích thực cho cuộc đời mình. Lại có những người kém may mắn hơn, cho dù đã kiên trì nỗ lực rất nhiều, nhưng do những hoàn cảnh khách quan không thuận lợi nên vẫn chưa bao giờ có thể thực sự xác lập được một niềm tin chân chánh cho bản thân. Với những người ấy, cho dù đã trải nghiệm rất nhiều trong cuộc sống, nhưng cuộc đời họ rốt cùng vẫn như một con tàu chưa bao giờ tìm được bến đậu. Họ không thể tìm được sự an ổnhạnh phúc đích thực trong cuộc sống. Kém may mắn hơn nữa là những người đã đặt niềm tin sai lầm nhưng chưa đủ sức để tự mình nhận ra, và vì thế họ thường mải miết đi theo một con đường luôn dẫn đến những khổ đau, bất hạnh cho bản thân và người khác.

Vì thế, khi bản thân ta may mắn có được một niềm tin chân chánh thì việc chia sẻ niềm tin đó với người khác sẽ có thể mang lại cho họ rất nhiều lợi lạc. Chia sẻ niềm tin cũng đồng nghĩa với việc dẫn dắt người khác đi theo đường ngay nẻo chánh, hướng đến sự an vui hạnh phúc, tránh cho họ những con đường lầy lội chông gai mà đích đến chỉ là những buồn đau khổ não. Nếu bạn thực sự làm được điều đó, chắc chắn bạn đang giúp đỡ người khác theo cách tốt đẹp nhất, bởi vì tất cả mọi giá trị trong đời sống của họ đều sẽ nhờ đó mà trở nên thực sự có ý nghĩa.

Nhưng cho dù có những lợi lạc lớn lao như thế, việc chia sẻ niềm tin không thể là sự áp đặt những nhận thức đã có của bạn lên người khác. Những chỉ dẫn và chia sẻ kinh nghiệm trong tinh thần vị thavô cùng đáng quý, nhưng mỗi người đều có nhận thức riêng của mình. Trừ phi bạn có thể làm cho người khác thay đổi nhận thức, bằng không thì mọi sự áp đặt đối với họ đều sẽ tạo ra những tác dụng ngược lại với ý muốn của bạn. Không ai có thể chấp nhận việc suy nghĩ bằng cái đầu của người khác, hay nói khác đi là chấp nhận tin theo những điều mà mình chưa thực sự thấy là đúng đắn.

Vì thế, trong việc chia sẻ niềm tin thì khả năng thuyết phục bằng cuộc sống của bản thân chúng ta là rất lớn. Đạo Phật gọi đó là thân giáo, nghĩa là lấy chính bản thân mình làm bài học giáo hóa người khác. Điều này có thể hiểu theo một cách khác hơn là, bạn chỉ có thể chia sẻ với người khác những gì mà bạn đang thực sự có được trong tầm tay. Nếu bạn thuyết giáo về đạo đức, bản thân bạn phải thực sự có được những giá trị đạo đức đích thực. Nếu bạn muốn chia sẻ với người khác một nếp sống để có hạnh phúc, bạn phải chắc chắn bản thân mình đang có hạnh phúc. Khi tự thân bạn đã có được những gì bạn muốn chia sẻ, thì sự chia sẻ đó mới thực sự có giá trị thuyết phục người khác.

Do sự nhiệt thành với niềm tin mình đang theo đuổi, rất nhiều người muốn chia sẻ niềm tin nhưng lại sai lầm chọn những phương cách áp đặt lên người khác. Điều đó không bao giờ mang lại kết quả tốt đẹp cả. Bạn muốn người khác thay đổi niềm tin ư? Cách duy nhất để làm điều đó là hãy chứng tỏ cho họ thấy bằng cuộc sống của chính bản thân bạn, rằng niềm tin mà bạn đang theo đuổi đã mang lại cho bạn những lợi lạc lớn lao như thế nào. Nếu bạn không làm được điều đó, mọi sự áp đặt đều sẽ không được chấp nhận. Nhiều bi kịch đã từng xảy ra ngay trong bối cảnh gia đình, khi người ta cố ép buộc những người thân như vợ con, anh em... phải đi theo một niềm tin, một tôn giáobản thân họ cho là tốt đẹp, nhưng lại hoàn toàn thất bại trong việc chứng tỏ sự tốt đẹp đó bằng cuộc sống của bản thân họ. Trên bình diện rộng hơn của cộng đồng xã hội, những cuộc chiến tranh nhằm mở rộng tôn giáo mà nhiều người cố gọi là “thánh chiến” thật ra chẳng bao giờ có thể làm cho con người trở nên thánh thiện hơn mà chỉ là ngược lại. Thay vì mang đến an vui hạnh phúc cho người khác, người ta chỉ điên cuồng tạo ra thêm vô vàn những khổ đau và bất hạnh.

Bởi vậy, việc chia sẻ niềm tin là điều nên làm, nhưng phải được thực hiện một cách thích hợpxuất phát từ lòng vị tha, chân thành muốn mang đến lợi lạc cho người khác. Nếu được như thế, bản thân chúng ta sẽ được lợi lạc nhờ nuôi dưỡng tâm từ bi mà cũng đồng thời làm lợi lạc cho người khác qua việc giúp họ sớm xác lập được một niềm tin chân chánh.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn