Âm nhạc với thiền sinh

06 Tháng Mười Hai 201609:10(Xem: 3886)

ĐỊNH TUỆ 
Chân Hiền Tâm 
Nhà xuất bản Phương Đông

 

ÂM NHẠC VỚI THIỀN SINH 

Âm nhạc là thứ rất phổ biến trong dân gian. Nó mang lại màu sắc tươi đẹp cho cuộc đời. Nó khiến người ta hưng phấn, cũng khiến người ta dịu đi sự căng thẳng, xoa nhẹ một vết thương lòng, và mang lại ít nhiều thi vị cho những buổi lễ v.v... Nhưng với thiền sinh mà nhất là thiền sinh thuộc Thiền tông thì sao? Nó giữ vị trí thế nào trong vấn đề tu học của một thiền sinh?

Tôi đến với âm nhạc từ năm lên sáu. Ngày đó, những cuộc chạy trốn ú tìm, đánh thẻ với bạn bè hấp dẫn hơn nhiều so với việc phải ngồi lên cây đàn to gấp mấy lần mình. Nhưng ông Bô muốn con gái phải học loại đàn đó. Vì thế, tôi bị bắt học đàn, rất chăm chỉ dưới sự kiểm soát chặt chẽ của ông Bô.

Bị bắt như thế nhưng chỉ vài năm sau, tôi không thể rời nó. Ngoài những lúc phải học chữ, tôi ngồi suốt ngày trên cây đàn, tận mãi đến khuya. Nhạc là món quà tôi tặng bạn bè cũng là thứ khiến quan hệ bạn bè của tôi mở rộng. Nó là chiếc áo diễm lệ mà ông Bô đã thân tặng con gái. Tôi đứng đầu trong các kỳ thi và chuẩn bị đi du học nếu không có ngày giải phóng năm 1975.

Đến với thiền, tôi bỏ tất cả.

Bởi vì đàn hát hay nghe nhạc là mình đang để cho nhĩ căn chạy theo thanh trần. Không thể dừng được dòng vọng tưởng nếu mình cứ để cho duyên bên ngoài kích động các chủng tử tập khí bên trong. Trong Sám Hối Sáu Căn, Tổ Trúc Lâm nói: “Mê mất gốc chân, đuổi theo ngoại vọng. Sáo đàn inh ỏi, bảo khúc long ngâm. Văng vẳng mõ chuông coi như ếch nhái. Câu ví bài vè bỗng nhiên để dạ …”. Cho nên, không có lý do gì để mình đàn hát hay nghe nhạc khi mình đã chọn cho mình con đường hướng thượng, khi mình đang còn là một thiền sinh với một việc phải làm là ‘tập không để nhĩ căn chạy theo thanh trần’.

Giờ này, sau mười mấy năm tu học, âm nhạc không còn là thứ để tôi đam mê như trước. Âm nhạc bây giờ trở thành thứ gì đó phiền toái với tôi khi tôi phải tiếp xúc với nó khá lâu (dù đó là những bài hát đạo, những âm điệu Nam Mô A Di Đà Phật). Với những âm khúc không hợp ý mình thì như thế. Còn những khúc hợp ý thì nó để lại cho tôi một cảm giác mệt mỏi. Đó là điều chưa đúng đối với một thiền giả, bởi thiền thì phải “Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền”. Vô tâm, ta sẽ không bị bất cứ thứ gì quấy rầy nữa. Dù thế, đó cũng là một bước thay đổi khá quan trọng với một người đam mê âm nhạc như tôi. Sự khó chịu và mệt mỏi đó giúp ta lìa bỏ âm nhạc, không để nó có cơ hội huân tiếp vào tạng thức, tạo thành nghiệp lực dẫn mình chạy như trước.

Do quá trình diễn biến thay đổi tâm thức đó, nên khi nhìn thấy vài tăng sinh đặt tâm vào âm nhạc quá bất nhị, giấu giếm các phương tiện tạo thuận duyên cho việc nghe nhạc, khi được góp ý lại biện minh âm nhạc giúp giải tỏa sự căng thẳng v.v… tôi không khỏi khởi tâm: Hình như chúng ta tu mà không nắm rõ được qui luật huân tập của tâm, cũng không nắm rõ giới luật mà mình đã thọ. Đó là nhân duyên tôi viết ra bài này. Viết ra nó, chủ ý là để người tu chúng ta ý thức sự tai hại của âm nhạc mà tránh, chưa thể trong hiện tại thì cũng ở tương lai. Không phải để phê bình một hiện tượng hay một nhân vật nào.  

Điều thứ bảy của Luật Sa Di nói: không được ca, vũ, hòa tấu, biểu diễn, hay đi xem nghe.

Nói về giới luật, Phật chế ra giới luật vì có người phạm giới mà giới đó tác động không tốt đến sự thanh tịnh của Tăng đoàn thời đó. Nó vẫn có giá trị trong hiện tại nếu nó vẫn còn tác dụng giữ gìn sự thanh tịnh cho Tăng đoàn trong hiện tại. Với những giới không còn phù hợp với điều kiện xã hội hiện nay, các bậc trưởng lão vẫn có sự châm chước, miễn sao sự thay đổi đó không làm ảnh hưởng đến sự thanh tịnh của Tăng đoàn.

Vậy với giới thứ bảy này thì thế nào?

Ngài Vân Thê giải thích: “Ca là miệng hát các khúc ca, vũ là thân múa các điệu vũ, hòa tấu biểu diễn là các loại đàn cầm, đàn sắt, ống tiêu, ống quản v.v... Không được chính mình tự làm những việc này, mà khi người khác làm, mình cũng không được cố đi xem và nghe. Xưa có tiên nhân vì nghe con gái hát, âm thanh tuyệt diệu, mà hốt nhiên mất liền thần túc. Cái hại xem nghe còn như thế, huống chi là tự làm? Ngày nay, những kẻ ngu muội nhân kinh Pháp Hoa có câu ‘tì bà nao bạt’ nên tự ý phóng túng mà học âm nhạc. Nhưng kinh Pháp Hoa nói đó, là để hiến cúng chư Phật, không phải tự vui. Do đó, những am viện ứng phó làm đạo tràng pháp sự trong nhân gian thì còn có thể làm được. Còn nay vì vấn đề sinh tử mà thoát tục xuất gia, thì đâu thể không tu tập việc chính, lại cầu học tập cho khéo về kỹ nhạc. Cho đến những việc đánh vi kỳ, lục bác, đầu trịch, xu bồ v.v… đều rối loạn đạo tâm, thêm lớn tuổi ác. Như thế không răn giữ được sao?”.

Phật pháp là pháp bất định, chỉ tùy duyên hóa độ mà có pháp. Với người còn tham đắm âm nhạc, muốn dẫn họ vào đại đạo, đầu tiên phải dùng những gì họ ưa thích mà dẫn vào. Đương nhiên phải là những bài có nội dung hợp đạo, không phải là nhạc trữ tình, dù là những bài về hiếu nghĩa cha mẹ. Vì sao? Vì nó nuôi lớn lòng luyến ái. Trong khi xuất gia học đạo là để cắt đi lòng luyến ái ấy. Không có phương tiện như thế thì không dẫn đạo được, nên nói: “Những am viện ứng phó làm đạo tràng pháp sự trong nhân gian thì còn có thể làm được”. Chỉ là vì cái duyên như thế mà phải dùng loại pháp như thế, không phải pháp đó có thể ứng dụng tự nhiên cho tất cả, mà thiền sinh có thể dùng nó một cách tự nhiên như việc thường ngày ở huyện, nên nói: “Nay vì vấn đề sinh tử mà thoát tục xuất gia, thì đâu thể không tu tập việc chính, lại cầu học tập cho khéo về kỹ nhạc”. Mình thì không học tập cho khéo mà chỉ nghe cho vui, nghe cho tâm đỡ trống trải. Nhưng nghe như thế là mình đang tiếp tục huân nó vào tạng thức. Qui luật của tâm là như thế. Thứ gì nghe hoài, làm hoài nó sẽ được lưu giữ kỹ càng không mất. Tích tụ rồi thì sẽ thành thiện nghệ. Thành thiện nghệ rồi thì âm nhạc sẽ có lực dẫn mình chạy. Xem ra, không học tập mà vẫn thành học tập cho khéo. Thế là, không chừng kiếp này làm thiền sinh, kiếp sau làm con hát.

Thọ giới rồi, mà không giữ nổi giới thứ bảy này vì cái chủng âm nhạc đã huân tập sâu dày trong tạng thức. Nghe âm nhạc mà thấy tinh thần sảng khoái hay phải nhờ âm nhạc mới giải tỏa được sự căng thẳng … đều là biểu hiện cho việc âm nhạc đã được huân tập sâu dày trong tạng thức.

Giờ muốn làm chủ được nó, thì bắt buộc phải cai nó như cai thuốc lá. Thời gian đầu rất khó chịu. Nhưng khó chịu bao nhiêu thì cũng phải ý thứctừ bỏ. Chưa thể tự mình từ bỏ thì phải biết tránh duyên, chuyển năng lực nghe và nhìn ấy thành những năng lực lao động và học tập khác. Có vậy thì chủng âm nhạc mới tàn lụi theo thời gian. Phải nhìn thấy cái lỗi của âm nhạc như trong kinh Tì Ni Mẫu đã nói:

Chẳng nên dùng tiếng ca ngâm mà tụng giới, phải dùng tiếng lời rành rẽ mà tụng giới. Tiếng ca ngâm có 5 việc lỗi:

1. Tâm đắm nhiễm tiếng đó

2. Bị người đời chê cười

3. Đồng với người đời không khác

4. Ngăn bỏ việc tu hành

5. Ngăn pháp nhập định

Nhĩ căn đã theo thanh trần thì định lực không thể có. Không Định thì không Tuệ. Không Định Tuệ thì không thể dừng được các ác pháp, cũng không đủ năng lực để giáo hóa và làm chỗ y tựa cho chúng sinh, trở lại bị chúng sinh nhiếp hóa, dẫn mình chạy theo các ác pháp. Vì thế, là thiền sinh thì dù là xuất gia hay tại gia, chúng ta cần phải tỉnh giác đối với âm nhạc. Đừng thấy nó nhỏ mà bỏ lơ, đừng cho nó ít mà không có tác hại trong tương lai. Bởi có cái lớn nào không do tích tụ từ những cái nhỏ?

Trong kinh Niết Bàn tập I, phẩm Thánh Hạnh, Phật dạy về việc hộ giới như sau:

Này thiện nam tử! Ví như có người đeo trái nổi muốn lội qua biển lớn. Trong biển có quỉ La sát theo người đó để xin trái nổi. Người đó nghĩ rằng “Nếu ta cho nó, quyết định phải chìm chết”. Nghĩ rồi đáp rằng:

- Này La sát, thà ngươi giết chết ta, chớ không thể nào cho trái nổi được.

La sát lại nói:

- Nếu ông chẳng cho hết thì cho một nửa vậy.

Người ấy vẫn không cho. La sát lại xin một phần ba, không được, lại xin một mảnh bằng bàn tay, nhẫn đến xin chừng bằng hột bụi. Người ấy đáp rằng:

- Nhà ngươi dầu xin rất ít, nhưng hiện nay ta cần phải lội qua biển, chẳng biết đường còn xa hay gần. Nếu ta cho ngươi một ít, trái nổi sẽ xì hơi, làm sao qua được biển lớn. Có thể sẽ bị chìm chết giữ đường. Này thiện nam tử! Bồ tát hộ trì cấm giới cũng như vậy.

Phật dạy hộ giới phải như thế. Phải hộ từ việc rất nhỏ. Giới tướng nào liên quan mật thiết đến phần tâm thức, giúp chúng ta phát triển được Định Tuệ, thì ta cần có tinh thần cảnh giác như người lội qua biển mà Phật đã dạy. Không nên xem thường việc nhỏ và ít. Cũng đừng cho nó là nhỏ là ít. Việc nhỏ và ít một khi đã được xem như tự nhiên, thì nó sẽ thành việc lớn và nhiều. Nhiều rồi thì như ăn cơm uống nước hằng ngày, thiếu nó mình chịu không được. Phá giới hoặc trở thành kẻ gian dối cũng vì không làm chủ được những tập khí của mình. Vì thế, là người tu thiền, chúng ta cần cẩn trọng với âm nhạc.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn